Bài soạn "Ẩn dụ" số 3
Kiến thức cần nắm vững
Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Có bốn kiểu ẩn dụ mà các em thường gặp:
Ẩn dụ hình thức
Ẩn dụ cách thức
Ẩn dụ phẩm chất
Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
I. Ẩn dụ là gì?
1 - Trang 68 SGK
Trong khổ thơ dưới đây, cụm từ Người Cha được dùng để chỉ ai? Vì sao có thể ví như vậy?
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
Trả lời
Cụm từ Người Cha dùng để chỉ Bác Hồ. Có thể ví như vậy vì tình thương Bác dành cho bộ đội giống như cha với con.
2 - Trang 68 SGK
Cách nói này có gì giống và khác với phép so sánh?
Trả lời
– Giống về ý nghĩa, cùng mang nghĩa so sánh.
– Khác : Vế A không xuất hiện, mà được người đọ tự liên tưởng và cảm nhận.
II. Các kiểu ẩn dụ
1 - Trang 68 SGK
Các từ in đậm dưới đây được dùng để chỉ những hiện tượng hoặc sự vật nào? Vì sao có thể ví như vậy?
Về thăm nhà Bác làng Sen,
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
Trả lời
– Thắp (dùng lửa châm vào một vật có khả năng bốc cháy) : chỉ sự nở hoa – tương đồng cách thức.
– Lửa hồng (ngọn lửa cháy mạnh) : chỉ màu hoa râm bụt – tương đồng hình thức.
2 - Trang 69 SGK
Cách dùng từ trong cụm từ in đậm dưới đây có gì đặc biệt so với cách nói thông thường?
Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
Trả lời
Kết hợp hai hình ảnh: nắng (nhận biết qua thị giác) và giòn tan (cảm nhận qua thính giác, xúc giác, không nhìn được) tạo nên cụm từ nắng giòn tan mới lạ.
3 - Trang 69 SGK
Từ những ví dụ đã phân tích ở các phần I và II, hãy nêu lên một số kiểu tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng thường được sử dụng để tạo phép ẩn dụ.
Trả lời
Có 4 kiểu ẩn dụ:
– Ẩn dụ hình thức.
– Ẩn dụ cách thức
– Ẩn dụ phẩm chất
– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
III. Luyện tập
1 - Trang 69 SGK
So sánh đặc điểm và tác dụng của ba cách diễn đạt sau đây:
– Cách 1:
Bác Hồ mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
– Cách 2:
Bác Hồ như Người Cha
Đốt lửa cho anh nằm
– Cách 3:
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
Trả lời
So sánh đặc điểm và tác dụng của ba cách diễn đạt sau:
– Cách 1: Đơn giản, thiếu ý nghĩa Người Cha.
– Cách 2: Sử dụng so sánh nhưng thiếu nghĩa mái tóc bạc – tuổi tác và nỗi vất vả.
– Cách 3: Sử dụng ẩn dụ tạo sự cô đọng, có tính hình tượng.
2 - Trang 70 SGK
Tìm các ẩn dụ trong những ví dụ dưới đây. Nêu lên nét tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng được so sánh ngầm với nhau.
a) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
b) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
c) Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
d) Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng
Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ.
Trả lời
Tìm các ẩn dụ:
a) Ăn quả: người hưởng thành quả của người đi trước.
– Kẻ trồng cây: Người tạo ra thành quả, người đi trước.
b) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
– Mực: đen, khó tẩy rửa.
– Sáng: sáng sủa
– Mực (đen) có sự tương đồng với hoàn cảnh xấu, người xấu.
– Đèn (sáng) có sự tương đồng với hoàn cảnh tốt, người tốt.
c) Thuyền về có nhớ bên chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
– Thuyền: sự vật, phương tiện giao thông vận tải đường thủy, có tính chất cơ động.
– Bến: sự vật, đầu mối giao thông, có tính chất cố định.
– Thuyền có sự tương đồng với người đi xa.
– Bến có sự tương đồng với người ở lại.
d) Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
– Mặt trời (đi qua trên lăng): mặt trời tự nhiên.
– Mặt trời (trong lăng rất đỏ): hình ảnh ẩn dụ, ngầm chỉ Bác Hồ.
Cơ sở của sự liên tưởng:
– Bác Hồ đem lại cho đất nước và dân tộc những thành quả cách mạng vô cùng to lớn.
– Thể hiện lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với Bác.
– Cả Bác Hồ và mặt trời đều là cội nguồn của ánh sáng, sự sống của người dân Việt Nam.
3 - Trang 70 SGK
Tìm những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong các câu văn, câu thơ dưới đây và nêu lên tác dụng của những ẩn dụ ấy trong việc miêu tả sự vật, hiện tượng.
a) Buổi sáng, mọi người đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt.
b)
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai.
c)
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
d)
Em thấy cả trời sao
Xuyên qua từng kẽ lá
Em thấy cơn mưa rào
Ướt tiếng cười của bố.
Trả lời
a) Mùi hồi chín chảy qua mặt : Mùi (khứu giác) + chảy (thị giác).
Tác dụng: cụ thể, rõ ràng cái đắm say, ngây ngất khi ngửi mùi hồi chín.
b) Ánh nắng chảy đầy vai : Ánh nắng được miêu tả như một thứ “chất lỏng” để có thể “chảy” – gợi tả sinh động, nắng không chỉ là “ánh sáng” mà còn hiện ra như là một “thực thể” có thể cầm nắm, sờ.
c) Tiếng rơi rất mỏng: Tiếng lá rơi (thính giác) – có hình khối cụ thể (mỏng – xúc giác) và có dáng vẻ (rơi nghiêng – thị giác) tạo nên sự cảm nhận đầy đủ.
d)
– Trời sao xuyên qua từng kẽ lá
– Cơn mưa rào ướt tiếng cười của bố.
Tác dụng : tạo sự hàm súc và giàu hình ảnh cho câu thơ.