Bài phân tích tác phẩm "Tư cách mõ" của Nam Cao số 6
Một câu chuyện trong tuyển tập truyện ngắn Nam Cao – Tư Cách Mõ mà tôi có dịp đọc gần đây đay để lại ấn tượng sâu sắc. Trong truyện ngắn này, Lộ từ một người nông dân hiền lành, chân chất, nhận một công việc ở chùa mà người ta gọi là “sãi” với nhiệm vụ thông báo những việc trong làng, biến thành một thằng có “tư cách mõ” chính cống. Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm đã nói tới chi tiết, sự kiện thể hiện bản chất, vấn đề cốt lõi của câu chuyện và sau đó nhà văn mới quay lại phía sau, miêu tả quãng đời quá khứ của nhân vật. Mở đầu truyện, Nam Cao nói thẳng vào vấn đề anh cu Lộ đã trở thành một thằng mõ điển hình, một thằng mõ chính tông rồi sau đó mới quay lại lý giải nguyên nhân khiến cho Lộ bị tha hóa: “Bây giờ thì hắn đã thành mõ hẳn rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ chẳng chịu kém những anh mõ chính tông một tý gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn…”. Làng xóm đổi xử với anh như vậy chỉ vì cả làng thấy thằng đó nó có ăn dễ dàng quá, được mấy sào đất làng cho, tự nhiên được ăn không, được ăn sung sướng. Cả làng ghen, mọi người cứ lảng dần, vì thằng đấy “mõ”. Và thế là Lộ thành mõ, một thằng trơ trẽn, ăn tham, một thằng chẳng còn đáng để nhìn. Tại sao Lộ trở thành như thế? Đó là vì những người xung quanh, đã cho anh một niềm tin mạnh mẽ: Anh là Mõ. Ba chữ găm vào tâm trí anh, chi phối mọi suy nghĩ và hành động tha hoá sau này.
Đó là khi con người Lộ bị mất gốc, bị cắt đứt những giá trị tốt đẹp và tách xa khỏi những chuẩn mực đạo đức xã hội mà anh từng theo đuổi, thành những cái khác đối nghịch lại bản tính ban đầu. Sự tha hóa này nhằm thích nghi với cuộc sống hiện tại, mà ở đây là thái độ của làng xóm, gạt bỏ đi những giá trị tốt đẹp vốn có.
Hoàn cảnh sống có khả năng làm tha hóa con người, con người muốn không bị tha hóa thì phải có ý thức chống lại những mặt tiêu cực của bản thân. Nhưng trớ trêu thay, họ lại là nạn nhân của hoàn cảnh. Nam Cao đã cho thấy áp lực của hoàn cảnh gây sức ép đẩy nhân vật vào cảnh ngộ bi đát. Như vậy qua những câu chuyện nhỏ nhặt, tầm thường, xoay quanh chuyện cái đói, miếng ăn Nam Cao đã phản ánh chân thực cuộc sống khốn khổ, bần cùng ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng, cảm thông, thương xót trước nỗi cơ cực của những người nông dân đồng thời đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là lời kêu khẩn thiết hãy cứu lấy nhân phẩm con người. Để rồi ông đau xót thốt lên ở cuối truyện.
Quả đúng vậy, cái kinh thường, xa lánh, miệt thị của cả làng, mà suy cho cùng là kết quả của định kiến cố hữu với nghề làm “mõ” và thói ghen ăn tức ở, đã đẩy Lộ vào đường cùng, khiến từng phần tự trọng trong anh mất đi. Để rồi đến một ngày, Lộ nhận ra bản tính “mõ” mà xã hội gán cho anh đã thành chính con người anh, anh thoả hiệp với tha hoá. Phải chăng nếu cái nhìn của làng xóm về anh khoan dung hơn, nhìn anh với chính con người anh trước kia chứ không phải cái nghề của anh, Lộ đã tiếp tục giữ được phần thiện. Vì vậy, tôi luôn tin rằng, niềm tin là một thứ ảnh hướng rất lớn đến cuộc sống. Niềm tin của về chính bản thân và niềm tin của người khác dành cho nhau luôn không thể tách rời. Hãy mang đến cho những người xung quanh mình những niềm tin tốt đẹp vào điều họ có thể làm được, nhìn vào những điều tốt đẹp của người khác với đôi mắt và tâm hồn bao dung, rộng mở. Hãy trân trọng thành công của người khác, nâng đỡ, tạo dựng niềm tin cho người khác. Có như vậy, càng ngày sẽ càng ít Chí Phèo, ít Lộ…