Bài phân tích lý tưởng của thanh niên thông qua bài thơ "Từ ấy" số 7
Tố Hữu là gương mặt nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đồng thời cũng là nhà cách mạng sôi nổi nhiệt huyết, do đó ta có thể dễ dàng bắt gặp chất trữ tình chính trị trong mỗi áng thơ văn của Tố Hữu. Hầu hết những sáng tác thơ văn của Tố Hữu đều được khơi dậy từ những sự kiện chính trị, lịch sử nên có thể nói tập hợp những sáng tác thơ văn của Tố Hữu là cuốn biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Tố Hữu chính là Từ ấy– bài thơ thể hiện tâm trạng hân hoan vui sướng của một thanh niên say mê lí tưởng cách mạng.
Trong nền văn học cách mạng Việt Nam, Tố Hữu đóng vai trò như lá cờ đầu trong nền thơ ca ấy, với lí tưởng cách mạng sâu đậm, Tố Hữu đã gắn cuộc sống và cả sự nghiệp sáng tác của mình với cách mạng chính trị của đất nước. Bài thơ Từ ấy được sáng tác trong thời điểm vô cùng đặc biệt, đó là thời điểm năm 1938 khi Tố Hữu chính thức được giác ngộ cách mạng và đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản. Sự biến chuyển sâu sắc, rõ nét trong tâm hồn người thanh niên trẻ được thể hiện ngay trong chính khổ thơ đầu tiên:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Từ ấy là mốc thời gian năm 1938 khi Tố Hữu vừa tròn 18 tuổi và chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản. Để thể hiện tác động mạnh mẽ của lí tưởng cộng sản đối với tâm hồn của chàng thanh niên trẻ tuổi, Tố Hữu đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh giàu chất gợi hình “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá”.
Trong cảm nhận của Tố Hữu, lí tưởng của Đảng chính là mặt trời chân lí, là ánh sáng có thể xua đi bóng tối nô lệ, mang đến ánh sáng của tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc.”Nắng hạ” lại là ánh nắng ấm áp bất chợt bừng sáng trong tâm hồn nhà thơ. “Chói qua tim” chỉ cái đột ngột, mạnh mẽ của sự tác động của Đảng đối với cuộc sống, thế giới tâm hồn của nhà thơ.
Khi được giác ngộ cách mạng, Tố Hữu đã khẳng định lẽ sống, lí tưởng sống cao đẹp của mình, tác giả tự nguyện gắn bó hài hòa với tất cả những con người lao động cùng khổ trong xã hội để làm thành “khối đời” vững chắc:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Tác giả đã gắn cái tôi cái nhân với cái ta chung của cộng động để gắn kết, tạo ra mối quan hệ gần gũi, gắn bó với bao người cùng khổ để cùng sống, cùng chiến đấu với nhân dân để cùng thực hiện trách nhiệm với đất nước, quê hương. Từ “buộc” và “trang trải” đã thể hiện tình cảm thống nhất cùng nhận thức sâu sắc về mối quan hệ gắn bó, đồng cảm, sẻ chia của tác giả và những con người trong xã hội. Sau khi đã khẳng định lẽ sống của bản thân, nhà thơ đã đi đến khẳng định trách nhiệm, vị trí của bản thân trong khối đời vững mạnh đó:
“Tôi đã là con của vạn là
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”
Bài thơ Từ ấy tiếng lòng đầy say mê, hào hứng của chàng trai khi bắt gặp ánh sáng của cách mạng. Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện bằng hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, đa nhạc điệu. Tiếng thơ hào hứng, tiếng lòng say mê ấy của Tố Hữu sẽ không ngừng hấp dẫn độc giả các thế hệ sau nữa.