Ao nhà - Ký ức tuổi thơ tôi
Trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người, ai cũng có một nơi để tìm về, đặc biệt là mỗi lúc thấy lòng chênh vênh giữa cuộc đời vội vã. Người ta tìm đến sông, đến bến, đến đò…, còn tôi lại tìm về với cái ao sau nhà – nơi lưu dấu những kí ức tuổi thơ êm đẹp nhưng cũng không kém phần dữ dội. Tôi không biết cái ao ấy được hình thành từ lúc nào, nhưng từ khi bố tôi mua và xây nhà trên mảnh đất ấy thì tôi đã thấy nó xuất hiện rồi. Bố tôi bảo trước đây cái ao ấy là một cái giếng làng, mọi người thường ra đó lấy nước về sinh hoạt. Qua bao năm tháng rộng dài, giếng lở dần rồi thành ao.
Anh chị em tôi, bạn bè tôi không ai quên được những buổi trưa hè nóng bức, cả lũ lại rủ nhau nhảy xuống ao chơi. Trẻ con vùng quê sống dân dã, chân chất, mộc mạc, mỗi đứa mặc độc chiếc quần đùi rồi nhảy ùm xuống ao. Trưa nào cũng vậy, chúng tôi không cần biết đến giấc ngủ trưa, chỉ đợi cha mẹ ngủ là hè nhau chơi trốn tìm, bắn bi, nhảy dây, tắm ao, tắm hồ… Cái ao nhà tôi trở thành điểm hẹn, trở thành nguồn vui cho lũ trẻ xóm giềng. Chúng tôi không chỉ tắm, chơi đùa mà còn cùng nhau mò cua bắt ốc. Bắt được nhiều ốc rồi lại cùng nhau luộc lên ăn. Ăn ốc mà chấm mắm gừng giã thêm chút ớt cho vào, vừa ăn vừa xuýt xoa thì còn gì tuyệt hơn.
Cái ao ấy không chỉ là nơi sinh hoạt vui chơi của tụi nhỏ mà đó còn là nơi cung cấp nguồn nước cho các gia đình xung quanh mỗi khi đến mùa hạn hán. Thời trước, ở quê tôi, cứ đến mùa hạn là tôi thấy xóm giềng phải quảy xô đi gánh nước. Bên cạnh ao là giếng nước trong veo, mát lành. Mỗi lần đi làm đồng về, tôi lại múc một gàu nước lên, uống ừng ực cho đã, sau đó mới rửa ráy chân tay. Dòng nước mát lạnh ngấm vào từng thớ thịt, mát cả ruột gan. Mặc dù giếng gần ao, mạch ngầm thông với ao nhưng nước giếng không bẩn. Và cũng bởi vậy nên nước ao đầy là nước giếng cũng đầy. Xóm giềng đến nhà tôi xin nước giếng để uống, nước ao để tưới cây. Nhà tôi dường như lúc nào cũng có người qua kẻ lại để xin nước. Nhưng đó là trước kia thôi, còn bây giờ thì nhà ai cũng xây bể cạn để trữ nước nên họ ít khi phải đi xin như vậy nữa.
Cái ao ấy cũng là nguồn sống của gia đình tôi. Bố tôi thả rất nhiều loài cá xuống để nuôi. Trong đời mình tôi chưa thấy người nào chăm chỉ, chịu khó như bố tôi. Sáng, trưa, chiều – bất kể giờ nào bố tôi cũng đi cắt cỏ, tìm thức ăn cho cá. Cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá rô phi… con nào con nấy béo trục béo tròn. Mỗi năm gia đình tôi cũng thu hoạch được mấy tạ cá. Thế nhưng, cách đây sáu năm, chẳng hiểu sao mà cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bố tôi phải vớt hết lên rồi chôn xuống đất trong niềm tiếc nuối, xót xa. Chăm sóc chúng cả năm trời, bây giờ công cốc, đổ sông đổ bể hết. Nhìn khuôn mặt già nua khắc khổ, nhìn đôi bàn tay chai sạn của bố, tôi thấy xót thương vô cùng. Sau lần đó, bố tôi quyết định xử lí ao và thay đổi cách nuôi trồng, không nuôi cá thịt nữa mà chuyển sang nuôi cá giống, thời gian chăm sóc ít hơn nhưng lãi nhiều hơn. Chị em chúng tôi lớn lên, được ăn học tử tế cũng là nhờ một phần nguồn thu từ cái ao ấy.
Căn nhà chúng tôi giống như ranh giới giữa hai thế giới: thành thị và nông thôn. Phía trước nhà tôi là thị tứ sầm uất, tấp nập xe cộ và người qua lại. Nhưng phía sau nhà tôi, nơi có cái ao, mảnh vườn là một thế giới khác hẳn: bình yên vô cùng. Ở phía đằng sau ao, trước đây, bên trái là trạm xá; còn bên phải là đồng ruộng mênh mông. Hồi tôi còn bé, trạm xá ấy vẫn còn hoạt động. Sau này, chính quyền chuyển trạm xá đến một nơi khác, gần phố thị hơn. Đất ở phần trạm xá được bán cho người dân, bây giờ nhà dân ở san sát trên khu vực ấy. Tôi vẫn nhớ như in chuyện ngày trước ở trạm xá cũ, có người đàn bà bị bỏ bùa trở nên điên dại. Người ta vẫn kể chuyện bà hồi trước đẹp lắm, có anh người dân tộc mê nhưng bà không đáp lại tình cảm của anh ấy nên đã bị bỏ bùa. Bà đi lang thang khắp nơi, tối tối lại trở về căn nhà bị bỏ hoang ở khu trạm xá. Bà xin ở đâu được nhúm gạo cho vào cái nồi bé xíu, rồi nhóm lửa lên thổi cơm ăn. Chuyện bùa ngải thực hư thế nào tôi không rõ, nhưng hình ảnh một người đàn bà mặc bộ đồ đen rách rưới ngồi bên bếp lửa leo lét hết ngày này qua ngày khác khiến tôi ái ngại. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Lũ trẻ con gặp bà lại chọc ghẹo: “Con điên! Tụi bay ơi! Con điên đến rồi”. Hồi nhỏ tôi cũng hùa theo lũ bạn. Giờ nghĩ lại thấy người đàn bà ấy sao khổ quá. Một kiếp người sao quá đắng cay! Bà ấy đã rời xa cõi đời này từ lúc nào, tôi không nhớ rõ, nhưng khuôn mặt, dáng người của bà thì vẫn hằn rất rõ trong tâm trí tôi.
Bên phải cái ao là cánh đồng lúa mênh mông. Cánh đồng bị chia cắt bởi một con đường, đó là đường tàu chạy từ Giát lên Nghĩa Đàn để đưa đón khách và trao đổi hàng hóa. Nhưng đó là trước đây thôi, bây giờ thì đường tàu ấy không hoạt động nữa. Chẳng có con tàu nào chạy qua nữa, nhưng con đường thì vẫn giữ nguyên như cũ. Kỉ niệm tuổi thơ tôi gắn liền với con đường tàu ấy. Hồi còn bé, sau mỗi buổi học, tôi lại dắt trâu đi qua đồng lúa, đến đường tàu cho trâu ăn cỏ hai bên bờ. Vào mùa hè nắng cháy, cỏ chết hết, chỉ còn lại mấy bụi cây. Tôi dắt trâu đi, tìm cỏ cho nó ăn, tìm mãi không thấy, trâu tức mình chúi đầu húc vào người tôi luôn. Thật đúng là con vật vô ơn! Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ. Lúc đấy mình bé xíu, nó cậy thế to lớn hơn mình nên ăn hiếp mình, tôi tức lắm. Vậy mà đến lúc bố mẹ tôi quyết định bán nó thì tôi lại ngồi khóc như ri. Tôi sợ người ta bắt nó làm thịt, tôi thương.
Liên quan đến con đường tàu kia là câu chuyện người gác ghi. Ngày trước, chuyến tàu đi qua cánh đồng lúa sau cái ao nhà tôi, hướng từ Giát lên Nghĩa Đàn, qua mỗi con đường lớn sẽ có một căn nhà nhỏ của người gác ghi. Nhiệm vụ của họ là khi nghe tiếng còi tàu rít lên báo hiệu tàu sắp đến thì họ sẽ kéo rào chắn xuống, chắn hai bên đường tàu, buộc người đi đường dừng lại, chờ tàu chạy qua mới được đi tiếp. Cuối cánh đồng sau ao nhà tôi cũng có hai mẹ con người gác ghi ở trong ngôi nhà nhỏ. Cách đây khoảng mười bảy năm, có một vụ án mạng xảy ra khiến mọi người trong làng rất sợ hãi. Vào một đêm đông lạnh giá, người mẹ - người đàn bà gác ghi ấy đã bị một kẻ tàn bạo nào đó đến cắt cổ. Bà chết thật đau đớn, oan khuất. Sự việc đó mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình.
Dòng đời vẫn chảy trôi, trải qua bao bể dâu, bao thăng trầm, mỗi lần về thăm nhà, hình ảnh cái ao cùng những kí ức tuổi thơ lại ùa về. Có những chuyện vui, có những chuyện buồn, ám ảnh tôi suốt một thời thơ bé. Lưu giữ kỉ niệm hay vứt bỏ nó là quyền mỗi người, nhưng đối với tôi, kí ức tuổi thơ gắn với những hình ảnh bình dị của quê hương là một phần không thể thiếu trong hành trình cuộc đời mỗi con người.
Bảo Ngọc