Ảnh hưởng tới sức khỏe hệ tiêu hóa
Không phải tự nhiên mà có câu slogan "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ". Ngay từ khi còn là bào thai, thai nhi đã học cách phản xạ bú mút để sẵn sàng bú sữa mẹ ngay khi chào đời và sữa mẹ luôn là ưu tiên hàng đầu, bởi vậy ngay từ khi sinh ra bé đã có phản xạ tìm vú mẹ. Bất kì thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ, kể cả sữa công thức (không ít trường hợp trẻ dị ứng với đạm sữa bò) đều tiềm ẩn những nguy cơ gây tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ.
Tổn thương dễ gặp nhất chính là bé dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoại trừ những biểu hiện mà mẹ không thể đọc vị như đầy bụng, đau bụng thì những dấu hiệu rõ nét nhất chính là phân trẻ, trẻ có thể đi ngoài phân lỏng, có nhầy nhớt hay sủi bọt, đi nhiều lần trong ngày. Mẹ nên nhớ, ngay cả khi mẹ cho bé bú trực tiếp thì chỉ cần mẹ ăn thức ăn lạ thì cơ thể bé có thể phản ứng ngay, bởi thế có câu "mẹ ăn gì con ăn nấy". Khi cho bé ăn dặm sớm đồng nghĩa với việc bé phải tiếp nhận một thức ăn lạ hoàn toàn, không phải đã qua cơ thể mẹ với hệ tiêu hóa trưởng thành đủ khả năng thải loại những chất có hại và tiêu hóa thức ăn, chuyển các chất dinh dưỡng vào con qua sữa mẹ.
Mối nguy hại thứ hai mà mẹ không thể nhìn thấy ngay đó chính là nguy cơ dạ dày của bé bị tổn thương. Ăn dặm tức là cho bé được tiếp xúc với nhiều loại đồ ăn có kích thước, hình dáng, mùi vị khác nhau. Dù mang ý nghĩa tích cực giúp tập cho bé cách ăn nhiều loại thức ăn tuy nhiên ăn dặm cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại dạ dày khi chính những thức ăn ấy có thể cọ xát vào thành dạ dày khi dạ dày co bóp tiêu hóa thức ăn.