Top 10 Truyện cười Trạng Quỳnh hay nhất

Thu Hoai 236 0 Báo lỗi

Trạng Quỳnh là một nhân vật hư cấu trong văn học Việt Nam, được biết đến với nhiều truyện cười. Truyện cười về Trạng Quỳnh thường mang tính châm biếm, mỉa mai ... xem thêm...

  1. Tên cầm đầu thị thần và bọn hoạn quan trong phủ chúa rất ghét Quỳnh. Chúng bèn bàn nhau tìm cách hại Quỳnh. Chọi với Trạng thế nào nổi về mặt đối đáp nghĩa lý, văn chương, bọn chúng bày ra chọi gà. Chúng nuôi nhiều gà nòi nổi tiếng, có con ăn giải mấy năm liền, nức tiếng cả kinh kỳ, phố Hiến. Lúc đầu chúng đến gạ, Quỳnh từ chối. Sau thấy chúng nài nỉ năm lần, bảy lượt, Quỳnh chậc lưỡi: “Ừ thì chọi”. Bên kia mừng rơn, vội về phục thuốc, phục sâm cho gà đẫy lực trước khi ra sân đấu. Chúng còn dẻo miệng tán tỉnh mời được cả chúa nhận lời đến ngự tọa cuộc vui.

    – Sới chọi mở giữa ban ngày vào một buổi sáng tại sân nhà Trạng. Không kể nhà chúa và lũ lâu la hầu cận, hôm ấy nhiều quan văn, quan võ trong triều, cùng dân chúng kinh thành nghe tiếng, chen chúc chật như nêm.

    – Một hồi ba tiếng trống vừa dứt, cả hai đều tung gà ra sới. Gà của bọn quan thị, thoạt trông đủ biết là gà chiến lão luyện. Da nó trần trụi đỏ au, đôi mắt là hai hòn than lửa, mỏ thì quặp xuống, trông còn dễ sợ hơn mỏ đại bàng. Nó chưa rướn cổ, giang cánh, chỉ mới ướm cựa đặt những ngón chân xuống nền bằng mà bụi cát đã vẩn lên từng đám… Trong khi đó, trông đến gà của Trạng, ai cũng phải cười. Không những nó thiếu khí thế oai phong, ngay đến cốt cách bình thường của một con gà chọi cũng không có được. Nhìn kỹ, nó như loại gà sống thiến, nhưng ở đây, chưa có ai có thể bất ngờ tới điều đó. Biết đâu đấy “tâm ngẩm đá ngầm chết voi” thì sao?

    – Hai “đấu thủ” gặp nhau ở vòng giao chiến thứ nhất. Người ta thấy gà của Trạng không thu thế gì, đập cánh phành phạch nhảy chồm ngay lên mổ vào đầu đối phương. Số đông khán giả vốn có cảm tình với Trạng ghét lũ nịnh thần quan hoạn, đã vỗ tay reo hò. Vừa ngay đấy, con gà thiện chiến kia ra miếng. Chỉ một loáng, nó xỉa cựa chân trái vỡ ức con gà của Trạng… Kẻ “chiến bại” rũ lông cánh nằm giẫy đành đạch… Trên chòi cao, chúa cả mừng cười khoái trá. Người đứng xem chán ngán bỏ về, còn bọn quan thị thì hò reo đắc thắng. Một tên đến trước mặt Trạng, nói khiêu khích:

    – Thế mà có kẻ dám bảo gà của Trạng mấy lần chọi thắng gà của xứ Tàu. Té ra chỉ toàn đồn hão!

    – Quỳnh làm bộ buồn phiền đáp lại: Vâng, các ông nói phải. Trước kia gà của tôi cũng cứng cựa, nhưng từ khi nó bị thiến nó mới đâm ra đổ đốn thế này.

    – Bây giờ nhà chúa và lũ tay chân mới biết Trạng chơi xỏ, đem gà thiến ra chọi với gà chính cống. Thầy tớ chúa tôi bẽ mặt, nháy nhau rút quân cho nhanh. Trạng vẫn không tha, cứ lễ mễ ôm con gà chết, chạy theo đám quan gia, cờ, quạt… mà khóc:

    – Khốn nạn thân mày, gà ơi! Mày đã bị thiến thì còn đua đòi làm gì? Tao đã bảo, mày không nghe, mày cứ ngứa nghề mà tranh chọi…Hu…hu… mày chết nhục nhã, hèn hạ cũng là đáng đời mày, chỉ thương tao tốn cơm, phí thóc, mất công toi nuôi mày, gà ơi là … con gà… bị thiến… kia ơi!

    – Tiếng Trạng khóc gà “đuổi” tận vào cung cấm. Bọn quan lại đóng chặt mấy lần cửa, vẫn còn nghe văng vẳng câu chửi mỉa đau như hoạn.

    Chọi gà
    Chọi gà
    Chọi gà
    Chọi gà

  2. Chúa Trịnh ngày nào cũng yến tiệc, ních đầy bụng những sơn hào, hải vị. Người ăn của ngon nhàm mồm đâm ra khó tính. Một hôm chúa khó ở, lưỡi se đắng, bụng ậm ạch. Nhân ngồi với Quỳnh, chúa phàn nàn:

    – Ta ngẫm không còn thiếu thứ gì quý hiếm trên đời chưa thưởng thức. Quái lạ, thế mà vẫn chưa món nào làm ta thực sự cảm thấy ngon miệng. Điều đó là tại làm sao, Trạng nói ta hay?

    – Quỳnh nói luôn: Thế chúa đã xơi món mầm đá bao giờ chưa?– Chúa lấy làm lạ: Món mầm đá thế nào, chắc ngon lắm phải không?

    – Quỳnh đáp: Tuyệt trần đời. Nhưng muốn ăn mầm đá phải kỳ công.

    – Chúa liền nằng nặc: Sợ gì công phu! Miễn là được ăn ngon. Nhất là lúc này, người đang mệt mỏi, ta đang rất cần ăn biết ngon. Trạng hãy mau chóng cho làm móm mầm đá kia đi!

    – Ít lâu sau, vào tờ mờ sang. Quỳnh viết thiếp cho gia nhân mời chúa đến nhà thết tiệc mầm đá.

    – Chúa đến nhà Trạng ngay từ mới rạng sáng. Đến khi mặt trời đứng bóng, vẫn thấy Quỳnh bận rộn lụi hụi dưới bếp, thỉnh thoảnh chạy ra, chạy vào, mồ hôi nhể nhại, khăn tay vắt vai, tay áo xắn đến khuỷu…Chúa nghĩ thầm “Đúng là món mầm đá kỳ công thật, nên Trạng mới phải ra tay đốc thúc nhà bếp tất tưởi như thế kia!”

    – Quá ngọ, sang mùi, bụng chúa bắt đầu cồn cào. Quỳnh vừa ló mặt, chúa chép miệng, trách: Sao “mầm đá” lâu chín thế? Biết vậy thế này ta chẳng nhận lời đến nhà Trạng hôm nay.

    – Quỳnh lấy khăn tay thấm mồ hôi trán khải rằng: Thần muốn chúa ngon miệng nên mới dụng công ninh “mầm đá” thật công phu. Xin gắng đợi chút nữa, sắp chín rồi…

    – Một chốc chúa lại giục, Quỳnh lại khẩn khoản thưa: “Gắng đợi thêm một chút mầm đá không kỹ lửa, không ninh nhừ khó tiêu…”

    – Mặt trời xế bóng vẫn chưa thấy món mầm đá được dọn ra. Mùi cá khô, lẫn mùi khói bếp bên mấy nhà vào bữa cơm chiều, làm chúa “Nhức lỗ mũi”, ứa nước dãi. Chúa đành gọi Quỳnh lên, chúa ngồi lù đù hóp bụng lại, thú thật: Ta đói lắm rồi, không đợi được nữa. Mầm đá để dành ăn sau cũng được. Bây giờ có thức gì dùng tạm, Trạng cứ cho mang lên!

    – Quỳnh dạ một tiếng, vẻ miễn cưỡng rồi hét vọng xuống bếp: Cứ chất thêm củi vào nồi “mầm đá”! Hãy bưng cơm lên dâng chúa dùng cho qua loa đã chúng bay!

    – Gia nhân dạ ran, rồi bê cái mâm lên. Bữa xoàng, có một phạng cơm với rau muống luộc, và một chiếc hũ sành.

    Chúa thấy ngoài chiếc hũ dán mảnh giấy hồng điều đề hai chữ “đại phong”. Chúa ăn cơm rau chấm nước “đại phong” ngon lành, chỉ một loáng lại đưa bát cho Trạng xới tiếp. Chúa nghĩ bụng, chắc món này cũng quý hiếm đặc biệt, nên thấy Trạng giữ gìn chiếc hũ cẩn thận. Có lần rau đã hết nước chấm, mãi mới thấy Trạng cẩn thận đỡ miệng hũ, múc thêm mấy muôi nhỏ “đại phong” nữa… — Chúa ngắm nghía chiếc hũ lại nhìn Trạng. Này khanh, “đại phong” là món gì mà ngon lạ như vậy?

    – Khải chúa, đây chỉ là món thường nhật của con nhà trong làng.

    – Chúa không tin: Hai chữ “đại phong” là nghĩa thế nào?

    – Quỳnh tủm tỉm cười: Nhà chúa nhìn được mặt chữ, tự giải lấy, khắc rõ.

    – Chúa lẩm bẩm: Đại phong tức là gió lớn, phải không?

    – Quỳnh gật đầu, hỏi tiếp: Vậy gió lớn thì làm sao?

    – Chúa bối rối như học trò không thuộc bài, nhìn Trạng.

    – Quỳnh giảng giải: Gió lớn ắt đổ chùa!

    – Trạng lại tiếp, hỏi dần: Đổ chùa thì làm sao?

    – Chúa càng ấp úng. Quỳnh nói: Đổ chùa thì sư, vãi bỏ chạy, xôi oẵn mất hết… Của ngọc thực rơi vãi hết thì ông bụt nào cũng phải lo… Tượng lo thì làm sao?

    – Trạng hỏi, đáp, dồn dập, liên hồi. Chúa chỉ còn biết ngồi trơ ra như phỗng. Hồi lâu, Quỳnh mới chịu khẽ khàng cắt nghĩa: Đến trẻ con cũng biết đọc ngược thì “tượng lo” là “lọ tương”. Khải chúa, thứ tương đỗ này không cao sang đâu, chẳng qua chúa quên mất những miếng ngon lành ở làng xóm rồi. Nay thần bày cách ninh “mầm đá”, chẳng thể đun được nhừ, đợi đến bao giờ cũng không có thể ăn được. Chúa cứ ngồi cho bụng thật đói, miệng thật thèm, bấy giờ chỉ cần lấy lưng cơm với món “đại phong” xoàng xĩnh này, chúa thấy ngon miệng.

    – Chúa Trịnh bừng tĩnh trước một sự thật ngay bên mình… Chúa đứng dậy, cảm ơn Trạng, ra về.

    Thiết Chúa Đại Phong
    Thiết Chúa Đại Phong
    Thiết Chúa Đại Phong
    Thiết Chúa Đại Phong
  3. Tiếng tăm về cậu bé thần đồng ở vùng Thanh Hóa bay đến kinh đô. Nhà vua muốn biết hư thật như thế nào, bèn ban lệnh: Cả phủ Thanh Hóa, mỗi làng phải đem nộp một con dê đực đang chửa. Sau hai tháng, nếu làng nào không nộp sẽ bị trị tội. Dân chúng phủ Thanh Hóa hốt hoảng sợ hãi. Cả làng Quỳnh ở, ai cũng nhớn nhác lo âu. Tìm đâu ra dê đực chửa? Biết chuyện đó, Quỳnh nói với bố:

    – Về việc ấy xin Thầy đừng lo. Thầy cứ bảo dân làng chuẩn bị cho con một trăm quan tiền và gạo ăn đường, con sẽ kiếm được dê đực chửa cho làng.

    Nghe con nói, ông bố không tin, nhưng cũng thưa lại với dân làng. Không có cách nào khác mọi người đành làm theo lời yêu cầu của Quỳnh. Sáng hôm sau, hai cha con Quỳnh lên đường. Họ đến kinh đô đúng lúc nhà vua có việc đi qua cửa Đông. Quỳnh nép xuống cống sát vệ đường chờ. Khi xa giá nhà vua đến gần, Quỳnh khóc rống lên. Vua sai lính lôi đứa bé đang khóc lên hỏi nguyên do. Quỳnh vờ như không biết đãy là vua, càng gào to, kể lể:

    – Mẹ tôi chết đã mấy năm nay, tôi nói mãi mà bố tôi vẫn không chịu đẻ em bé cho tôi bế…

    Vua cho là đùa bé bị bệnh dại ngây, cười và nói:

    – Mày thật là đần độn, đàn ông mà đẻ sao được!

    Bãy giờ Quỳnh nín bặt, đứng chắp hai tay nói rất trang nghiêm:

    – Thưa ông, vậy mà nhà vua bắt dân làng tôi phải nộp dê đực chửa.

    Nghe nói, nhà vua giật mình, biết ngay đây là đứa bé ở Thanh Hóa mà bấy lâu nay mình vẫn nghe đồn.

    Dê đực chửa...
    Dê đực chửa...
    Dê đực chửa...
    Dê đực chửa...
  4. Chuyện kể rằng lúc Quỳnh còn nhỏ, mới bảy tám tuổi, Quỳnh đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ nhưng cũng là một đứa trẻ chúa nghịch. Hồi ấy bọn trẻ thường chơi trò xước xách, lấy tàu chuối làm cờ, lá sen làm lọng. Trong trò chơi, Quỳnh bao giờ cũng lấn lướt.

    Một đêm mùa thu, trăng tháng tám sáng vằng vặc, đang chơi với đám trẻ ở sân nhà, Quỳnh bảo:

    – Chúng bay làm kiệu cho tao ngồi, rồi tao đưa đi xem một người mà cái đầu to bằng cái bồ!

    Lũ trẻ tưởng thật, liền tranh nhau làm kiệu rước Quỳnh đi vòng vòng quanh sân, mệt thở muốn đứt hơi. Xong, chúng nhất định bắt Quỳnh phải giữ lời hứa. Lúc ấy trăng đã mờ, Quỳnh bảo:

    – Tụi bây đứng đợi cả ở đây, tôi đi đốt lửa soi cho mà xem!

    Bọn trẻ nhỏ hơi sợ, không dám ở lại, chỉ những đứa lớn hơn, bạo dạn đứng chờ. Quỳnh lấy lửa thắp đèn xong đâu đấy, rồi thò đầu che ngọn đèn, bảo:

    – Kìa, trông trên vách kìa. Ông to đầu đã ra đấy!

    Anh nào cũng nhìn nhớn nhơ nhớn nhác, thấy bóng đầu Quỳnh ở vách to bằng cái bồ thật. Lũ trẻ biết Quỳnh xỏ, quay ra bắt Quỳnh làm kiệu đền, Quỳnh chạy vào buồng đóng cửa lại, kêu ầm lên. Ông bố tưởng là trẻ đánh, cầm roi chạy ra, lũ trẻ chạy tán loạn.

    Đầu to bằng cái bồ
    Đầu to bằng cái bồ
    Đầu to bằng cái bồ
    Đầu to bằng cái bồ
  5. Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sòng xin cấy rẽ. Đền Sòng quê ông là nơi thờ Bà Chúa Liễu nổi tiếng rất linh thiên, không ai là không kinh sợ. Chúa Liễu có nhiều ruộng và bà cũng cho cấy rẽ để lấy lợi. Lần ấy, Quỳnh vào đền khấn mượn đất xong thì khấn quẻ âm dương hỏi Chúa là bà lấy gốc hay lấy ngọn trong vụ thu hoạch tới. Lần đầu Chúa bảo lấy ngọn, thế là vụ ấy Quỳnh trồng khoai lang. Đến khi khoai đã có củ, đào khoai xong, Quỳnh đem hết củ về nhà còn bao nhiêu dây khoai Quỳnh đem để đền bà chúa.

    Lần thứ hai, xin âm dương, Chúa đòi lấy gốc để ngọn cho Quỳnh. Mùa ấy Quỳnh liền trồng lúa. Đến mùa gặt, Quỳnh cắt hết bông và đem gốc rạ trả cho Bà Chúa!

    Chúa Liễu hai lần bị Quỳnh lừa, tức giận lắm xong đã trót hứa rồi, không biết làm thế nào được. Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh, Quỳnh giả vờ kêu ca:

    – Chị lấy thế em còn gì được nữa!

    Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng ngô, đến kỳ bẻ ngô bao nhiêu bắp Quỳnh giữ lại, còn ngọn với gốc Quỳnh đem nộp cho Chúa.

    Chúa mắc mưu Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ ấy, Quỳnh đã kiếm cũng được cái vốn kha khá rồi.

    Chúa Liễu mắc lừa
    Chúa Liễu mắc lừa
    Chúa Liễu mắc lừa
    Chúa Liễu mắc lừa
  6. Từ bận ấy, chúa có bụng ghét Quỳnh. Được mười hôm, chúa đòi Quỳnh vào thị yến, định đánh thuốc độc cho chết, Quỳnh biết chúa căm về mấy chuyện trước, lần này đòi vào thị yến, chắc là có chuyện. Lúc đi dặn vợ con rằng:

    – Hôm nay ta vào hầu yến Chúa, lành ít, dữ nhiều. Ta có mệnh hệ nào, thì không được phát tang ngay, cứ phải để ta vào võng, cắt hai đứa quạt hầu, rồi gọi nhà trò về hát, đợi bao giờ phủ chúa phát tang thì ở ngoài hãy phát tang.

    Dặn xong, lên võng đi.

    Quỳnh vào đến cung, đã thấy chúa ngồi đấy rồi. Chúa bảo:

    – Lâu nay không thấy mặt, lòng ta khát khao lắm. Vừa rồi, có người tiến hải vị, ta nhớ đến ngươi, đòi vào ăn yến, người không được từ.

    Quỳnh biết chúa thù về cây cải hôm nọ, không ăn không được. Vừa nếm một miếng thì chúa hỏi:

    – Bao giờ Quỳnh chết?

    Quỳnh thưa:

    – Bao giờ chúa băng hà thì Quỳnh cũng chết?

    Ăn xong, Quỳnh thấy trong người khang khác, cáo xin về. Vừa về đến nhà thì tắt hơi. Vợ con cứ theo lời Quỳnh dặn mà làm. Chúa sai người dò xem Quỳnh có việc gì không, thấy Quỳnh đương nằm võng nghe nhà trò hát, mà người nhà thì đi lại vui vẻ như thường, về tâu với chúa. Chúa liền đòi đầu bếp lên hỏi xem đánh thuốc thế nào mà Quỳnh không việc gì.

    Chúa ăn thử, được một chốc thì chúa lăn ra chết.

    Nhà Quỳnh nghe thấy trong dinh chúa phát tang thì ở nhà cũng phát tang. Chúa và Trạng đưa ma một ngày. Thế mới biết Quỳnh chết đến cổ còn lừa được chúa mới nghe. Người đời sau có thơ rằng:

    “Trạng chết chúa cũng băng hà

    Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”.

    Trạng chết chúa cũng băng hà
    Trạng chết chúa cũng băng hà
    Trạng chết chúa cũng băng hà
    Trạng chết chúa cũng băng hà
  7. Bấy giờ Quỳnh đã hơi lớn, đang độ thiếu niên. Trên đường từ phủ về khát quá, Quỳnh vào một quán nước bên đường. Trong quán có một viên quan, dáng oai vệ, đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Cạnh đó, có một lính vệ đứng hầu. Quan nhai xong, hách dịch vứt miếng bã trầu ra đất.

    Quỳnh đang ngồi uống nước, thấy ngứa mắt liền bước lại cuối nhặt lên, ngắm nghía như muốn tìm kiếm cái gì, rồi đút vào túi.

    Quan thấy lạ, hỏi:

    – Mày là ai? Làm gì vậy?

    Quỳnh làm bộ khúm núm đáp:

    – Bẩm, con là học trò nghèo, lâu nay thường nghe người ta nói “Miệng nhà quan có gang có thép” muốn nhặt lên đem về coi thử có đúng thế không?

    Biết mình bị xỏ, lại không biết tên học trò xấc xược này là Quỳnh, quan liền bảo:

    – Đã xưng là học trò thì người phải đối ngay câu tục ngữ mà người vừa nói đó đi, hay thì ta thưởng, dở sẽ đánh đòn. Mà nhớ là tục ngữ phải đối bằng tục ngữ, nghe chưa!

    Quỳnh giả bộ rụt rè, thưa thưa bẩm bẩm:

    – Con sợ mang tiếng xấc xược… Không dám đối.

    Tưởng anh chàng học trò đang bí, quan bảo:

    – Ta cho người cứ nói, còn đối không được thì nằm xuống để ta đánh đòn.

    – Nếu thế thì con xin đối ạ.

    – Được. Đối ngay đi, ta nghe thử!

    Quỳnh thong thả đọc vế đối:

    – “Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.”

    Nghe xong, mặt quan xám lại như tro bếp. Câu đối lại đúng là câu tục ngữ, không thể bắt bẻ vào đâu được.

    Biết ngồi lâu không tiện, quan giục lính hầu ra đi, quên bẵng lời hứa thưởng tiền cho anh học trò nghèo.

    Chẳng bao lâu, chuyện ấy lan ra khắp vùng, tên quan kia thì xấu hổ vì làm miệng cười cho thiên hạ còn tiếng tăm của Quỳnh thì nổi như cồn.

    Miệng kẻ sang
    Miệng kẻ sang
    Miệng kẻ sang
    Miệng kẻ sang
  8. Từ bé Quỳnh đã nổi tiếng học giỏi và đối đáp nhanh. Trong làng có ông Tú Cát rất hợm hĩnh mình, đi đâu cũng khoe mình hay chữ. Quỳnh rất ghét những loại người như vậy. Một hôm Quỳnh đang đứng xem đàn lợn ăn cám trong chuồng, Tú Cát đi qua trông thấy, liền gọi Quỳnh lại và bảo:

    - Ta nghe đồn mày thông minh và có tài đối đáp. Bây giờ ta ra cho mày một câu đối, nếu không đối được, ta sẽ đánh đòn. Nói rồi, Tú Cát lên giọng, gật gù ngâm nga:

    - Lợn cấn ăn cám tốn.

    Tú Cát nghĩ rằng câu này rất khó đối, ví “cấn” và “tốn” là hai quẻ trong kinh Dịch nào ngờ. Quỳnh đối lại ngay:

    - Chó khôn chớ cắn càn.

    Quẻ này cũng có “khôn” và “càn” là tên hai quẻ trong kinh Dịch, đồng thời lại có ý xỏ Tú Cát là chó. Không ngờ bị chơi đau như vậy, Tú Cát tức lắm, hằm hằm bảo:

    - Được! Ta ra thêm vế nữa, phải đối lại ngay – rồi đọc – Trời sinh ông Tú Cát.

    Quỳnh đáp luôn:

    - Đất nứt con bọ hung.

    Tú Cát tức đến sặc tiết nhưng không làm gì được, vì Quỳnh đối rất chỉnh, đành lùi thủi bỏ đi.

    Đất nứt con bọ hung
    Đất nứt con bọ hung
    Đất nứt con bọ hung
    Đất nứt con bọ hung
  9. Làng Quỳnh có một lão trọc phú. Lão này đã dốt lại thích học làm sang, thỉnh thoảng mò đến nhà Trạng, đòi mượn sách. Tất nhiên lão có mượn được sách về thì cũng biết gì đâu đọc. Quỳnh bực lắm, một bận, thấy lão lấp ló đầu cổng, Quỳnh vội vác ngay chiếc chõng tre ra sân, cởi áo nằm phơi bụng. Lão trọc phú bước vào, thấy lạ, hỏi:

    – Thầy làm gì thế?

    Quỳnh đáp:

    – À! Có gì đâu! Hôm nay được cái nắng tôi đem phơi sách cho khỏi khô mốc

    – Sách ở đâu?

    Quỳnh chỉ vào bụng:

    – Sách chứa đầy trong này!

    Biết mình bị đuổi khéo, trọc phú lủi thủi ra về.

    Bận khác, lão cho người mời Quỳnh đến nhà. Để rửa mối nhục cũ, lão bắt chước, đánh trần, nằm giữa sân đợi khách…

    Quỳnh vừa bước vào, lão cất giọng con vẹt, bắt chước…

    – Hôm nay được cái nắng tôi nằm phơi sách cho khỏi mốc

    Bất ngờ Quỳnh cười toáng, lấy tay vỗ bình bịch vào cái bụng phệ mà nói;

    – Ruột nhà ông toàn chứa những của ngon chưa tiêu hết phải đem phơi, chứ làm cóc gì có sách mà phơi!

    Lão trố mắt kinh ngạc:

    – Sao thầy biết?

    Quỳnh lại cười toáng lên, lấy tay lắc lắc cái bụng béo ụ ị của lão:

    – Ông nghe rõ chứ? Bụng ông nó đang kêu “Ong óc” đây này! Tiếng cơm, tiếng gà, tiếng cá, lợn… Chứ có phải tiếng chữ, tiếng sách đâu. Thôi ngồi dậy, mặc áo vào nhà đi.

    Lão trọc phú lủi thủi làm theo lời Quỳnh, và ngồi tiếp khách một cách miễn cưỡng.

    Phơi sách, phơi bụnɡ
    Phơi sách, phơi bụnɡ
    Phơi sách, phơi bụnɡ
    Phơi sách, phơi bụnɡ
  10. Sứ Tàu sang ta vốn là tay vẽ giỏi. Một hôm, trước mặt nhà vua và các triều thần, ông ta khoe với Trạng Quỳnh:

    – Trạng có dám thi họa trước nhà vua không? Chỉ nghe ba tiếng trống mà trạng đã vẽ xong được một con vật thì ta phục tài.

    Quỳnh bĩu môi, coi chuyện ấy chẳng ra gì:

    – Nghe một tiếng trống mà vẽ xong mười con vật như tôi mới tài, chứ nghe đến ba tiếng trống mà ngài chỉ vẽ xong có một con thì có gì là tài. Thế mà ngài cũng thách đố, chả bõ để thiên hạ cười.

    Sứ Tàu nghe vậy tức lắm, cho là Quỳnh nói khoác, thách Quỳnh thi vẽ. Quỳnh nhận lời ngay.

    Cuộc thi bắt đầu.

    Nghe đánh tiếng trống đầu tiên, sứ Tàu đã cắm cổ vẽ, trong khi Quỳnh vẫn nhởn nhơ như không, chẳng thèm nhúng bút. Nghe tiếng trống thứ hai, Quỳnh vẫn ngồi chơi đàng hoàng như không biết đến cuộc “tỉ thí” sắp đến hồi kết. Đánh tiếng trống thứ ba, Quỳnh mới nhúng liền mười đầu ngón tay vào nghiên mực, rồi phết lên giấy mười vệt dài ngoằn ngoèo và bảo là mười con giun đất, đặt trước mặt sứ Tàu.

    Sứ Tàu hỏi:

    – Con gì thế này?

    Quỳnh thưa:

    – Đấy là mười con giun đất, mà giun đất là rồng đất còn gì!

    Trong lúc ấy, sứ Tàu chưa vẽ xong con gì cho ra con gì. Nhờ tài mưu trí, Trạng Quỳnh đã thắng cuộc. Mặt sa sầm, sứ Tàu hắng giọng, hẹn một dịp khác sẽ rửa mối hận này. Hắn bấm bụng, xin cáo lui.

    Thi hoạ
    Thi hoạ
    Thi hoạ
    Thi hoạ



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |