Top 10 Thứ không thể thiếu vào mỗi dịp Tết
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về người người nhà nhà đoàn tụ, cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón Tết. Tết với người Việt Nam ta là dịp vô cùng ý nghĩa, mỗi ... xem thêm...năm chỉ có một lần và cũng để lại nhiều ký ức từ tuổi thơ tới khi trưởng thành. Hãy cùng Toplist hòa vào không khí rộn ràng, nô nức dịp xuân sang với những thứ không thể thiếu vào mỗi dịp Tết sau đây nhé.
-
Cũng giống như Giáng sinh ở phương Tây có cây thông ở Việt Nam chúng ta mỗi dịp Tết đến xuân sang thì nhà nhà náo nức sắm sửa cây cảnh chơi Tết. Hai loại cây phổ biến và truyền thống trong các dịp Tết đó là cây mai, cành đào. Cây mai là một loài cây có hoa màu vàng thuộc chi Mai, họ Mai được người dân miền Nam ưa chuộng vào những dịp Tết. Cây mai vàng phân bố chủ yếu tại khu vực dãy Trường Sơn, Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho màu của nắng ấm, của niềm vui, của giàu sang phú quý bởi vậy những người miền Nam thường trưng bày cây mai trong nhà mình với mong muốn bước sang năm mới sẽ có nhiều niềm vui, hân hoan, làm ăn phát đạt. Theo quan niệm của nhiều người hoa mai nở càng nhiều cánh thì càng đẹp, nếu cây mai nhà nào nở toàn hoa bảy cánh thì năm đó sẽ "đại cát đại lợi".
Nếu như cây mai được người dân miền Nam ưa chuộng thì cây đào lại được những người miền Bắc trưng trong các dịp Tết. Có lẽ cũng bởi mai là loại cây ưa ấm còn đào là loại cây ưa lạnh và chỉ nở hoa khi trời ấm lên. Cây đào có nhiều loại có đào hồng, đào rừng, đào phai... Nhìn chung thì cây đào có hoa màu hồng, cánh mỏng, có ý nghĩa mang đến sự tươi mới, hân hoan, hạnh phúc trong năm mới. Ở một số nơi cây đào còn được gọi là cây nêu. Tuy rằng cây mai được người miền Nam còn cành đào được người miền Bắc ưa chuộng nhưng hiện nay người Nam cũng có thể chơi đào và người Bắc cũng có thể chơi mai. Bên cạnh cây mai, cành đào một số loài cây khác cũng được ưa chuộng trong những dịp Tết đó là cây quất, cây cam... với ý nghĩa mang đến năm mới những hoa thơm quả ngọt.
-
Món ăn không thể thiếu trong bữa cơm Tất niên nói riêng và dịp Tết nói chung đó chính là bánh chưng và bánh Tét. Tương truyền bánh chưng có từ thời vua Hùng gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày của Lang Liêu. Bánh dày tròn và trắng, bánh chưng vuông và xanh là hai hình ảnh đại diện cho trời và đất: "trời tròn đất vuông". Về cơ bản thì bánh chưng là món ăn truyền thống của những gia đình miền Bắc còn bánh tét có mặt trong gian bếp của những gia đình miền Nam.
Tuy nhiên bánh chưng và bánh tét có cách làm tương đối giống nhau: Cùng là gạo với nhân đậu xanh và thịt mỡ, được gói với lá chuối, lá dong. Tuy nhiên bánh chưng thì có hình vuông còn bánh tét thì có hình trụ (giống như khoanh giò). Luộc bánh chưng, bánh tét thường rất lâu và với thế hệ cha ông, bố mẹ chúng ta, trông nồi bánh chưng, bánh tét thường là những đêm dài bên bếp lửa với những trò chơi dân gian hoặc đánh bài tam cúc. Dù rằng ngày nay thế hệ trẻ trên thành phố không còn tự tay nấu bánh chưng, bánh tét và trông bánh chưng, bánh tét như ngày xưa nhưng chắc chắn ký ức về những đêm bên bếp lửa trông bánh là một ký ức đẹp, khó phai mờ với nhiều thế hệ mỗi dịp Tết đến, xuân sang.
-
Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Đây là một trong những buổi lễ quan trọng trong tập quán, văn hóa nhiều dân tộc. Vào dịp này, nhiều quốc gia phương Tây và phương Đông thường tổ chức các lễ bắn pháo hoa hoặc các lễ hội khác để chấm dứt năm cũ (tất niên) và đón mừng năm mới vào đúng thời điểm 0 giờ 0 phút 0 giây ngày 1 tháng 1 đối với Tết Dương lịch, đối với Tết Âm lịch, giao thừa là phút giây thiêng liêng lúc đêm 30 Tết, lúc này khí tiết chuyển sang lập xuân, chính thức bắt đầu năm mới.
Sau khi đã xem chương trình "Gặp nhau cuối năm", chúng ta sẽ cùng đón Giao thừa. Vào mỗi dịp Giao thừa ở những địa điểm chính của những thành phố lớn hay một số tỉnh thành đều có tổ chức bắn pháo hoa Đêm Giao thừa. Với nhiều người sinh sống ở những thành phố lớn pháo hoa Đêm Giao thừa là một thứ không thể thiếu vào dịp Tết.
-
Theo truyền thống từ đời này sang đời khác, cứ vào những ngày Tết nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, rồi tặng quà và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Sau đó con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền. Không chỉ những người trong gia đình mà vào dịp năm mới bất cứ ai cũng có thể lì xì cho nhau kèm theo những lời chúc may mắn. Lì xì là một tục lệ hay và đẹp trong những ngày Tết, bởi lì xì thể hiện sự quan tâm chăm sóc của chúng ta với thế hệ trẻ cũng như thể hiện sự phóng khoáng, rộng rãi của mình khi mở lòng ra chia sẻ những nguồn lợi của mình có được từ năm ngoái cho những người xung quanh.
Chia lộc của mình cho mọi người đồng nghĩa là mình sẽ có thêm được nhiều lộc mới. Với mong muốn những người thân yêu bắt đầu một năm mới an bình, hàng năm đến dịp Tết Nguyên Đán là người người, nhà nhà lại chuẩn bị những tiền lẻ mới để chúc tụng, mừng tuổi nhau. Chắc chắn khi nhận được những phong bao lì xì những thành viên trong gia đình bạn sẽ ngày càng gắn chặt tình đoàn kết hơn khi xuân về.
-
Một thứ vô cùng quan trọng và không thể thiếu được trên bàn thờ mỗi gia đình chính là Mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả là khái niệm để chỉ một mâm trái cây với khoảng năm loại hoa quả khác nhau thường được bày biện trong ngày Tết nguyên đán của người Việt. Mâm ngũ quả thường được chưng, bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách. Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính với các bậc tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động cả năm của con cháu dâng lên các bậc bề trên.
Mâm ngũ quả được gồm 5 loại quả khác nhau. Tùy vào từng vùng miền mà gia chủ sẽ chọn lựa được mâm ngũ quả phù hợp với gia đình. Trưng bày mâm ngũ quả là một trong những hoạt động trang trí Tết phổ biến của người dân Việt. Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ lễ Vu Lan của đạo Phật. Hình ảnh mâm ngũ quả - “trái cây 5 màu” xuất hiện trong kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra). Theo quan niệm nhà Phật, trái cây 5 màu là biểu tượng của ngũ thiện căn: Tín căn - lòng tin, tấn căn - ý chí kiên cường, niệm căn - ghi nhớ, định căn - tâm không loạn, huệ căn - sáng suốt.
-
Chơi tranh ngày Tết là thú chơi đa dạng, muôn hình muôn vẻ, tùy theo phong tục tập quán của địa phương, cũng như địa vị, phẩm hàm trong xã hội của chủ nhân. Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư… có khi là một chữ Nho (chữ Tâm, Phúc, Đức…). Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam và không chỉ người có tiền mới chơi tranh mà người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia.
Những màu sắc rực rỡ của tranh Tết như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt. Hiện nay, để đón một năm mới với hy vọng sẽ nhận được nhiều may mắn, tài lộc và sức khỏe người ta thường chọn một bức tranh Tết đẹp để trang trí ngôi nhà. Nó không những khiến ngôi nhà của bạn thêm sang trọng, hiện đại và ấn tượng mà nó còn mang những ý nghĩa phong thủy tốt đẹp.
-
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về người người nhà nhà đều háo hức chuẩn bị đón Tết, sắm sửa thật tươm tất với hy vọng đón một cái Tết đầy đủ nhất, sung túc nhất. Trước đây, để trang hoàng nhà cửa đón Tết, mỗi gia đình đều có treo câu đối đỏ trong nhà để mang ý nghĩa cầu may mắn, thành công và bình an trong năm mới. Trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa, tục treo câu đối trong nhà ngày xuân còn là một thú vui tao nhã thể hiện nghệ thuật và trí tuệ chơi chữ của người sử dụng câu đối. Được đánh giá như món ăn tinh thần ngày Tết là tinh hoa của nguồn cội.
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân ”tồn cổ” vẫn còn trọng tục treo “”câu đối đỏ”” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Bản thân chữ “câu đối đỏ” cũng xuất hiện trong câu đối Tết:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Không chỉ vậy câu đối đỏ còn mang đến lời chúc Tết may mắn, phát tài, phát lộc mà gia đình mong muốn trong năm mới, đồng thời thể hiện tinh thần xuân phơi phới dù cuộc sống gặp những điều không mong muốn. Vì thế việc treo câu đối đỏ trong nhà đã trở nên phổ biến hiện nay.
-
Sở dĩ cây quất được trưng nhiều vào ngày Tết là vì theo âm Hán, phát âm từ "quất" gần giống với của từ "cát" trong "cát tường" ý nghĩa gặp nhiều may mắn và phước lành. Bởi vậy mà cây quất thường được chọn để trang trí trong nhà vào ngày Tết. Khi chọn cây người mua thường chọn những cây có lá xanh tốt, quả vàng đều, sai quả, thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe. Nếu chọn được cây có cả quả chín, quả xanh và còn lộc non điều này thể hiện sự đầy đủ, thành công, may mắn. Cây quất còn là biểu tượng của sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.
Tết đến cây quất thường được trang trí tại phòng khách. Cây quất Tết ngày càng có nhiều kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn phải bảo đảm sự xum xuê, lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Quất là tên gọi của miền Bắc, miền Nam gọi là tắc còn Tây Nam Bộ gọi là hạnh là loài cây thường xanh, có thể được trồng làm cây cảnh, bonsai ở trong nhà là biểu tượng may mắn được trưng bày vào những dịp Tết. Loại cây này thường được trong những những chậu sứ hay những chậu khác có kích thước phù hợp để tạo một khuôn hình đẹp mắt, hấp dẫn và hợp với phong thủy và cảnh quan của ngôi nhà.
-
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Dân gian quan niệm rằng, khi những vì thần bảo hộ gia đình đi vắng thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình. Mỗi phong tục xưa trong Tết cổ truyền đều mang những ý nghĩa đẹp, xua rủi lấy may. Cũng như tiếng pháo đêm Giao thừa, cây nêu là biểu tượng cho những điềm xui trong năm cũ được xoá bỏ và mong ước những điều lành đến nhiều hơn trong năm mới. Cây nêu còn được gọi là cây Thiên - Địa - Nhân, kết nối Đất vời Trời và nguyện ước của con người. Trên mỗi ngọn nêu được treo các linh vật hoặc phẩm vật khác nhau để thể hiện nguyện ước của con người có thể chạm tới Thần linh.
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 - 6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai… Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu… Vào buổi tối người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
-
Nhắc đến Tết thì bên cạnh trăm hoa đua sắc, bánh chưng, củ kiệu... thì chắc chắn không ai không nhớ đến những món mứt ngọt ngào đầu năm. Không đơn thuần chỉ là món ăn, mứt Tết trong lòng người dùng Việt mang một ý nghĩa rất riêng. Từ bao năm nay mứt là món luôn xuất hiện trong khay bánh kẹo Tết của các gia đình Việt. Mỗi khi có khách đến chúc Tết, chủ nhà sẽ mời khách cùng nhâm nhi những loại mứt đủ màu sắc sặc sỡ trên khay, nhấp môi tách trà nóng hổi và trao nhau những lời chúc lành cho năm mới.
Đất trời se lạnh, mứt Tết thơm thơm, ngọt ngào, đậm vị hòa cùng tách trà ấm nóng, quả thật không thể thiếu để tiếp khách đến chơi nhà dịp đầu năm. Trong ký ức của nhiều thế hệ mứt Tết mang hương vị truyền thống là thức quà thơm ngon mà nhiều đứa trẻ ao ước mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mứt vẫn còn đó, những câu chuyện Tết xưa vẫn còn đó, từ những năm thật cũ. Tết đến xuân về là thời điểm những người con đi xa trở về bên tổ ấm, quây quần bên gia đình để tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc đoàn viên. Cha mẹ, ông bà, con cháu cùng nhau đón một cái Tết thật ấm áp bên ly trà nóng hổi cùng những miếng mứt Tết ngọt ngào, trao cho nhau những nụ cười và ánh mắt yêu thương, trìu mến. Vị ngọt của mứt chính là hương vị của hạnh phúc, của sự viên mãn, đoàn tụ.