Top 12 "Thánh tích" Phật giáo linh thiêng và lâu đời nhất Việt Nam
Trải qua hơn ngàn năm gắn bó với dân tộc và lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã có cả một hệ thống danh lam thắng cảnh với nhiều ngọn núi và chùa nổi tiếng. Những ... xem thêm...danh lam cổ tích này là nơi đặt nền móng đầu tiên cho Phật giáo Việt Nam hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Mỗi địa danh mang trong mình những huyền sử, cổ tích, câu chuyện lịch sử về các cao tăng, thánh nhân có công lao to lớn với Phật giáo nước nhà. Cùng Vietnam9news.com khám phá những "Thánh tích Phật giáo" linh thiêng nhất được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam hàng nghìn năm qua.
-
Chùa Thầy là một nhóm những ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.Tương truyền, ông không chỉ là một nhà sư có phép thuật cao cường, ẩn cư ở núi Phật Tích. Truyền thuyết nổi tiếng nhất về ông chính là việc ông trút xác, hóa thân thành con trai của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán, chính là Lý Thần Tông sau này.
Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân chùa như hàm rồng ,thủy đình như viên ngọc rồng ngậm.Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng.
Có tích ghi lại về Từ Đạo hạnh: sau này vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường. Khi Đạo Hạnh hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho. Khi quân nhà Minh sang ta, đến nơi vẫn thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám chân thân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống...
-
Chùa Hương Tích (tên chữ: Hương Tích Cổ Tự; tên dân gian: chùa Thơm) là ngôi chùa nằm tại đỉnh Hương Tích thuộc dãy núi Hồng Lĩnh ở xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh.
Chùa Hương Tích gắn với sự tích về Thần Hổ và gắn với sự tích công chúa Diệu Thiện chạy trốn. Tương truyền khi xưa hổ thần linh thiêng đã che chở cho Công chúa Diệu Thiện tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành. Phật Tổ lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường thị. Đến vùng núi Ngàn Hống, Thần Hổ cõng công chúa đến con suối có tên là Hương Tuyền.
Sau đó, Thần Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi để ẩn thân nhưng vẫn không được yên. Cuối cùng, Thần Hổ lang đưa xuống động Hương Tích và ở trong một hang đá và đó chính là Hương Tích. Còn hiện nay dân gian đang lưu truyền về truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện, truyền thuyết này bắt đầu từ thời đại nhà Hậu Lê: “Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu ngày nay là nơi Công chúa Diệu Thiện tu hành và hóa Phật Quan Âm. Từ khi thành tựu thập địa của Quán Âm Diệu Thiện trú thể nhục thân tại động Hương Tích, xung quanh ngọn núi Hương Tích luôn có mây lành bao phủ, chư vị Thần, Tiên quần quần tụ xuống đây học hỏi đạo lý nhiệm mầu, làm cho nơi đây có ánh sáng lành bao phủ một vùng. Sau này người dân lập lên các đạo tràng tu theo Bồ Tát mà tu hành.
Tương truyền vào thế kỷ 13 thì chùa được xây dựng. Năm 1885, chùa bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi. Năm 1901, Tổng đốc An - Tĩnh là Đào Tấn tiến hành quyên góp tiền trùng tu và xây dựng lại chùa. Năm 1936 Vua Bảo Đại cho người chạm khắc chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh - Một trong 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế.
-
Chùa Quảng Nghiêm hay chùa Trăm Gian là một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối.
Truyền thuyết kể rằng vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, rồi có mang, sinh ra đứa con trai. Năm lên 9 tuổi, sau khi bố mẹ mất, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), thấy cảnh đẹp, người xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa thượng, đặt hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.
Sau khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, Sư ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim quang Sư bay mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa. Dân làng và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối.
Chùa Trăm Gian thu hút hàng trăm ngàn lượt khách gần xa đến tham quan hàng năm và hiện đang được tu bổ xây dựng lại ao sen, gác chuông và 100 gian chùa để đón tiếp đồng bào gần xa đến tham quan. Chùa Trăm Gian được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam chứng nhận di tích lịch sử quốc gia.
Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý. Trăm gian, cái tên rất bình dân, dường như muốn nói lên vẻ bề thế của ngôi chùa.
-
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam.
Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội, ông cũng đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc thời Tôn Quyền (năm 247). Cha của Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là người Giao Chỉ, ông chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ, cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi, ông mất năm 280 bên nước Tấn.
Nơi đây còn gắn với sự tích Vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân trên đỉnh núi Tam Đảo để cầu tự, khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu và rước về làm vợ; bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước Văn Lang. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng trên nền của một thiền tự cổ chính là ngôi chùa Thiên Ân xưa.
-
Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 - 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không.
Ngay sau khi lập nên ngôi chùa, ngài đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng. Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5m).
Sau một thời gian do chiến tranh, loạn lạc, pho tượng Di Lặc bị mất. Sau đó, Thiền sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng Di Lặc lớn tương tự và được dát 900 lượng vàng. Tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng.
Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam. Đây là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật. Nhiều hội lớn có tiếng trong sử sách được tổ chức tại đây như hội "Thiên Phật bảy ngày, bảy đêm" (1325). Tương truyền viện có thể thu nhận tới ba nghìn người một lúc. Năm 1319, Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm viện.
Cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh), tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm được mệnh danh - là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật Di Lặc, chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.
-
Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích nằm trên một địa bàn diễn ra sự gặp gỡ, giao thoa, hội nhập giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ từ đầu Công nguyên. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước, trung tâm Dâu – Luy Lâu.
Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý do Lý Thánh Tông xây dựng nên. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích.
Chùa Phật Tích còn được biết đến qua một pho tượng không kém phần đặc sắc bởi hình thức thể hiện của pho tượng này, đó chính là pho tượng Chuyết Chuyết công sư tổ được bó cốt (xương) còn gọi là “Nhục thân Bồ tát”. Đó chính là “Chân dung kết tủa của Thiền sư Lý Thiên Tộ pháp danh Hải Trừng” hiệu Viên Văn, sinh năm 1590 ở quận Thanh Chương tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), ông là học trò của vua Minh Thế Tông phong chi là Khuông Quốc Đại sư.
Thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ thuộc thế hệ 34 dòng Lâm Tế, mất vào rằm tháng bảy năm Giáp Thân (1644) thọ 55 tuổi tại chùa Phật Tích được vua Lê Chân Tông phong hiệu Minh Việt phổ giác quảng tế đại đức Thiền sư. Sau khi Thiền sư viên tịch, các tín đồ đã dùng dây để dựng khung xương theo thế ngồi thiền rồi tạo tượng phủ ngoài xương bằng chất bôi mà chủ yếu là sơn ta, vải, mạt cưa. Do thời gian và sự bảo quản không tốt nên pho tương bị hư hại. Sau này pho tượng được phục hồi nguyên trạng với chiều cao 67,3em, nặng 10kg (từ ngày 12/01/1993 đến 01/05/1993).
Có thể nói, pho tượng Thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiền Tổ là một trong ba pho tượng táng quý hiếm trên đất nước ta về nghệ thuật ướp xác, bó cốt, điêu khắc chân dung nhân vật lịch sử của người Việt.
-
Chùa Dạm, hay chùa Rạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội). Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.
Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa.
Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ "Lãm Sơn dạ yến". Sau mười năm xây dựng, năm 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng - mở cửa chùa. Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn.
Trong thời gian dài sau đó chùa luôn được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, nên chùa càng được gia công mở mang quy mô. Vua Trần Nhân Tông từng đến thăm, ca ngợi thành thơ về bức tranh kiến trúc kế tiếp mười hai lớp này.
Nói đến những di tích Phật giáo có tuổi thọ lâu đời, không thể không nhắc đến Chùa Dạm ở Bắc Ninh. Nơi được xem là cội nguồn của những giá trị Phật giáo cổ xưa và lớn nhất Việt Nam. -
Chùa Đồng nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á.
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn có độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Xưa kia, người dân coi đỉnh Yên Sơn là núi thiêng, nơi có thể cầu mưa, hô phong hoán vũ. "Đến đỉnh Yên Sơn, đứng cạnh chùa Đồng tôi cảm nhận được sự linh thiêng của Phật pháp, vẻ đẹp của cõi Phật với mây vờn dưới chân, tâm hồn thanh tịnh như gột sạch mọi lo toan của cuộc sống, thoảng hương dịu mát của cỏ cây và mây trời đất Phật. Yên Tử cũng được dân gian ví von là Phật sơn, được tất thảy người dân kính ngưỡng và sùng bái. Non thiêng Yên Tử nổi tiếng nhất chính bởi văn hóa tâm linh cùng các sự tích về Phật giáo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, An Nam Tứ Đại thần khí...Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo Việt Nam kể từ khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông kế vị. Ngài cởi hoàng bào khoác áo Cà sa, một lòng hướng về non cao tầm đạo.
Chùa Đồng còn có tên gọi khác là Thiên Trúc tự (chùa cõi Tây phương Thiên Trúc). Yên Tử là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông. Chùa Đồng xưa khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tới Yên Tử và sau khi Ngài viên tịch đều chưa có. Vào thế kỷ 17, thời hậu Lê, một bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức khởi dựng chùa, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ; ngoài ra tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng. Đến năm Canh Thân 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Năm 1930, chùa Long Hoa có bà Bùi Thị Mỹ đã tái tạo chùa Đồng bằng bê tông cốt thép trên một hòn đá vuông nhằm trúng vị trí chùa Đồng cũ.
Theo dân gian, chùa Đồng – Yên Tử là nơi con người có thể cầu viện được “sinh lực của vũ trụ” cho mọi mặt của cuộc đời. Dòng sinh lực vũ trụ này như mọi nguồn hạnh phúc chảy xuống mặt đất làm nảy nở sự sống. Dòng tôi chảy của sự thiêng liêng đó chỉ xảy ra ở những mảnh đất hội được những điều kiện nhất định. Chùa Đồng, nơi mà tín đồ, phật tử đặt niềm tin vào sự linh ứng mỗi lần đến thăm viếng để được nhập vào nguồn sinh khí vô biên đó.
-
Chùa Côn Sơn, hay còn gọi là chùa Hun, nằm dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 và được mở rộng rất nguy nga đồ sộ vào thời Trần thế kỷ 13.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép về chùa Côn Sơn trong mục "Núi Côn Sơn", gắn liền với một loạt các nhân vật lịch sử nổi bật: Núi Côn Sơn: ở cách huyện Chí Linh 21 dặm về phía đông bắc, như hình kì lân, nên lại gọi là núi Kì Lân; trên núi có động Thanh Hư, do tư đồ nhà Trần là Trần Nguyên Đán xây dựng (...) Nguyễn Trãi nhà Lê về già cũng ở đây, dưới núi có ao gọi là giếng Mắt Rồng, nước khe chảy quanh trước sau, có cầu Thấu Ngọc và am Bạch Vân, trên đỉnh núi có chùa Tư Phúc. Hòa thượng Pháp Loa dựng các am Hồ Thiên, Chân Lạc để ở. Vua Trần Thái Tông từng đến chơi. Tương truyền, Hòa thượng Huyền Quang cũng tu ở đấy. Phong tục ở đấy cứ đầu mùa xuân trai gái đến chùa dâng hương, hàng tuần mới tan, là thắng hội của một phương. Đời Trần Minh Tông, trạng nguyên Lý Đạo Tái biệt hiệu Ứng Quang, cáo quan về ở ẩn tại đây. Lê Thái Tông cũng từng đến chơi có thơ đề vịnh".
Năm Hưng Long thứ 12 (1304) nhà sư Pháp Loa cho xây dựng một chùa nhỏ gọi là Kỳ Lân. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329) chùa được xây dựng mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, giao cho Huyền Quang chủ trì. Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm, Quảng Ninh.[8] Ca dao có câu:
“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành”.
Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp chứa xá lị của ông và từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn. -
Chùa Bổ Đà, còn được gọi là chùa Bổ, chùa Tam Giáo, chùa có tên chữ là Tứ Ân tự. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), bờ tả dòng sông Cầu, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng đất Kinh Bắc, là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Câu chuyện truyền thuyết về sự ra đời của chùa Bổ Đà mang nhiều huyền bí. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XI, dưới chân núi có một gia đình tiều phu tuy nghèo nhưng rất tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, dân trong làng ai cũng quý mến. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà họ vẫn chưa có con. Một hôm người chồng vác búa cắp rìu lên núi kiếm củi bỗng gặp một gốc cây thông già, mỗi nhát bổ ông lại niệm: "Quan thế âm Phật".
Sau đó được 32 đồng tiền ở gốc cây, tự lấy làm lạ bèn đến vị cao tăng hỏi thì cao tăng bảo rằng: "Đức phật quan âm có 32 điều ứng". Người tiều phu khấn cầu rằng: "Nhược bằng đức Phật quan âm phù hộ cho tôi sinh con trai, tôi xin dựng chùa thờ". Quả nhiên sau đó người tiều phu có con trai thực, rồi dành dụm được ít tiền bèn dựng một ngôi chùa ngay gốc cây thông già, lợp gianh và tô một pho tượng Quan âm Tống Tử để hương khói phụng thờ. Sau dần dần nhiều người qua lại lễ bái, cầu việc gì cũng đều biến ứng, bèn trở nên nơi danh lam thắng cảnh, vì thế gọi tên là chùa ông Bổ. Vì là chùa thờ vị Phật Đà (Bụt Đà, có nguồn gốc từ chữ Buddha) đã ứng hiện giúp ông tiều phu (ông bổ củi) nên gọi là chùa Bổ Đà. Cũng có cách giải thích khác rằng, Bổ Đà là cách gọi chệch từ Phổ Đà - có nguồn gốc từ chữ Phật Đà. Đây là nơi đức Quán Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời nên còn được gọi là chùa Quán Âm. Sau này,chùa bao gồm cả chùa Tứ Ân, nên nó còn có tên Tứ Ân tự (tên gọi của chùa chính được gọi cho cả quần thể chùa bao gồm chùa Tứ Ân, chùa Quán Âm, chùa Cao...).
Đặc biệt là Mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Ngoài ra chùa có khu tháp, với khoảng 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị cao tăng đã từng tu hành tại chùa qua các thời kì lịch sử. Mỗi cây tháp an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài; đa số tháp trong vườn là tháp 3 - 4 tầng với độ cao 3 – 5 m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa.
-
Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm tự (永嚴寺). Lí do thứ hai phải kể đến cái duyên của chùa Vĩnh Nghiêm với Trần Nhân Tông khi Ngài còn tại vị: Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi xem xét, kiểm tra các vị thế trọng yếu của đất nước, đi đến vùng Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ngựa của vua dừng chân, không đi tiếp, Ngài cho đây là một điềm lạ, hỏi những người dân xung quanh mới biết, gần đây có một ngôi chùa cổ rất thiêng, vua cùng đoàn tùy tùng đã đến tham quan ngôi chùa. Cho rằng đây là cái duyên tiền định giữa Ngài và ngôi chùa, Trần Nhân Tông cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, lấy tên là chùa Vĩnh Nghiêm (có nghĩa là mãi mãi tôn nghiêm).Thời vua Trần Thánh Tông đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngọa Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam tổ.
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm. Đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ khá lâu đời, là kho sách cổ vô cùng quý giá. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là “mộc thư khố”, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm. Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 09 tác phẩm kinh sách, luật giới của phật giáo với 3.050 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán.
Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi để phật tử hành hương về đỉnh Yên Tử huyền thoại, dân gian có câu:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”. -
Chùa Hàm Long hay Long Hạm tự là một ngôi chùa cổ tại thôn Thái Bảo, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Nhà chùa là một chốn Tổ Phật giáo từ thời Phục hưng, thuộc chi phái Liên Tông, phái Thiền tông Trúc Lâm.
Theo một số bảng giới thiệu tại chùa hiện nay thì chùa được khởi lập năm 1158 bởi Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không dưới triều vua Lý Anh Tông.
Chùa nằm trên một khu đất có hình thể như 6 hiền sĩ hội tụ, thế tứ linh (long, ly, quy, phụng). Phía Đông Nam và Tây Nam là hình thể của phượng châu, quy bái. Phía Tây Bắc là quy phục uy nghi một dải Thần Long rủ đầu xuống ngôi chùa, vì thế nên mới gọi tên chùa là Hàm Long.
Một điều khá đặc biệt là chùa Hàm Long được coi như một trung tâm nhốt “trùng” lớn nhất cả nước. Tương truyền, từ ngày xưa, các vị chư tăng ở đây đã có những phương pháp trấn “trùng” rất huyền bí mà hiệu quả. Người ta lưu truyền về một nơi “nhốt trùng” an toàn nhất là chùa Hàm Long. Sở dĩ chùa Hàm Long được dân gian cho là nơi có khả năng “nhốt trùng” vì dưới thời Tổ Như Trừng, ngài thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ mà nay ta gọi là “trùng tang”, ngài đã phát tâm viết bộ kinh Thập nguyện cứu sinh để tụng trì và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu linh. Năm 1737, sau khi viên tịch, di sản của ngài được để lại trong 2 ngọn tháp: tháp xây gạch chứa xá lợi của ngài, còn tháp bằng đá gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh) chứa công phu tu tập cả đời của ngài.
Sau khi sư tổ viên tịch để lại 2 ngọn tháp: Tháp xây gạch chứa xá lợi của ngài, còn tháp bằng đá gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh) chứa công phu tu tập cả đời của ngài.
Kỳ thực, việc “nhốt vong” ở đây là dùng kinh kệ hồi hướng cho vong hồn được siêu sinh. Về sau này, có nhiều cao tăng khác đến chùa Hàm Long tu tập, trong số đó có Thiền sư Dương Không Lộ, người nổi tiếng là có khả năng hóa giải các loại trùng hiệu quả. Vì lẽ đó, chùa Hàm Long trở thành ngôi chùa nổi tiếng “nhốt trùng” trên đất Việt.