Top 10 Tản văn viết về tuổi học trò hay nhất
Tuổi học trò luôn là lứa tuổi đẹp nhất của mỗi con người chúng ta, là quãng thời gian tươi đẹp để thực hiện những ước mơ, dự định cho tương lai. Là những cảm ... xem thêm...xúc của tuổi mới lớn được ươm mầm và nở rộ. Và hôm nay hãy cùng Toplist đến với những bài tản văn hay nhất viết về tuổi học trò để hiểu hơn nhé.
-
Chiều nay, ngắm nhìn những cánh phượng đỏ rực lên trong nắng hạ, khơi gợi lại trong tôi bao ký ức. Thấy từng chùm phượng vĩ trên cao mà lòng như cháy mãi niềm tin yêu và hy vọng, sẽ chẳng bao giờ quên tháng ngày với trang vở trắng học trò.
Lại về những ngày hè, oi bức nắng. Nắng len lỏi vào từng góc phố, nắng mênh mang trên khắp lối đi. Cái khắc nghiệt riêng có của mùa hè là nóng và nắng. Và, vẫn có các loại hoa ngày hè rực rỡ hơn bao giờ hết. Ấy là bằng lăng tím ngát, là điệp vàng đã thấm đẫm màu trước đó. Và hoa phượng, loài hoa được mệnh danh là hoa “học trò” đã bung cánh chào hạ. Hoa phượng gắn liền với thời học trò mỗi dịp hè về. Màu đỏ của hoa cứ ngời lên sự nồng cháy, tan chảy gột tả hết nỗi niềm của người học trò khi phải chia tay bạn bè, thầy cô, trường lớp thân thương… Dường như, trong mỗi tán phượng đỏ rực ấy, lại có những chiếc lá xanh non như muốn làm dịu đi cái oi nồng của nắng hạ và cả những nỗi niềm lưu luyến chia xa của học trò…
Thời đi học, nhất là những năm lớp mười hai cuối cấp, khi hạ rục rịch chuẩn bị về thì dường như ai nấy bỗng thấy thời gian đi nhanh hơn bao giờ hết. Nhớ thời chưa có mạng zalo, facebook như bây giờ, những trang giấy lưu bút được chuyền tay nhau, gửi lời chia tay đong đầy kỷ niệm thời áo trắng tinh khôi. Hình như ai cũng muốn viết để lưu giữ kỷ niệm. Và đặc biệt, bên cạnh chữ ký lưu tên còn có vẽ hình hoa lá, ngôi trường, hay là cánh phượng ép chặt như hình con bướm trên trang giấy trắng. Để mai này, nhớ mãi một thời vấn vương trường lớp. Ngày ấy, khi hoa phượng bắt đầu nở, ai cũng đều có chung tâm trạng như của câu thơ của Tế Hanh “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ“, háo hức nghĩ đến những ngày hè thỏa mái. Nhưng tâm trạng ấy rất khác lạ khi đến lớp mười hai, nỗi mong chờ mùa hoa phượng đỏ là nhường lại cho nỗi lo ngày chia tay tuổi học trò, cùng với nỗi lo lắng lớn nhất của bài vở cho kỳ thi đại học, cho lần đầu tiên làm sĩ tử đi tìm hành trang vào tương lai, hay lựa chọn nghề nghiệp sau này trên hành trình mới. Vì thế, mùa phượng cuối dường như rưng rức màu đỏ của sự nhớ nhung, lưu luyến hơn bao giờ hết…
Chợt nhớ những dòng tản văn của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang…” cứ thôi thúc tôi hoài niệm những niềm xưa cũ, rằng trường xưa, lớp xưa, bạn xưa… vô vàn kỳ niệm trong veo thời học trò. Đẹp nao lòng khi chạnh lòng nhớ đến, hay thảng thốt trước những nụ phượng đã chớm nở trên cây nơi góc phố. Hoặc sân trường inh ỏi tiếng ve ngân với dáng phượng chìa ra những hoa đỏ đầu mùa. Tôi chợt nhớ lần họp lớp năm ngoái, kỷ niệm ba mươi năm ngày ra trường phổ thông, có bạn thầm thì nhắc nhớ lại rằng, đến bây giờ, mở sổ lưu bút ra là nhìn hình ép kỷ niệm lại bằng những cánh phượng đỏ. Mà giở ra, là phải nâng niu, nhẹ nhàng, cẩn thận để không làm cánh hoa phượng kỷ niệm ngày nào vỡ vụn. Chao ôi! Thời gian…
Nhìn những hoa phượng đầu mùa hạ, rồi miên man nghĩ đến những giai điệu ngọt ngào “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ…” hay “Đường phượng bay mù không lối vào”, hoặc câu thơ hồn nhiên rưng rức nỗi niềm chia tay: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu”… Những ngày hạ đang về, dòng “status”, trang facebook, zalo cá nhân của những cô cậu học trò cuối cấp, hay ai đó đã đi qua tuổi học trò đầy những hình ảnh hoa phượng và lời lẽ lưu lại “thời thanh xuân”. Chợt nghĩ, như thể nếu không có hoa phương thì những tâm tình ấy khó có thể thành lời, thành hình ảnh ghi dấu thuở hoa niên trong trẻo, ấn tượng tinh khôi nhất. Lại chạnh lòng khi thấy chỉ ít lắm sân trường còn vài ba cây phượng già… Như chiều nay, ngắm nhìn những cánh phượng đỏ rực lên trong nắng hạ, là khơi gợi lại trong tôi bao ký ức. Thấy từng chùm phượng vĩ trên cao mà lòng như cháy mãi niềm tin yêu và hy vọng, sẽ chẳng bao giờ quên tháng ngày với trang vở trắng học trò. Mùa hạ đến rồi, hoa phượng sẽ cứ nở, cái màu đỏ ấy chắc chắn làm mỗi người, nhất là ai đã đi qua tuổi học trò nhận ra điều giản dị rằng: Nhịp sống đời thường có những phút lắng lòng, bâng khuâng, để nhìn lại và đi tới…
Hồ Thu
-
Tháng 5 rồi, Hà Nội chào đón bằng những cơn mưa rào đầu mùa mỗi buổi sáng sớm, có khi lại ghé vội trong đêm. Tháng 5, bằng lăng tím nhạt một đoạn đường, một góc phố, phượng cũng len lỏi đỏ rực những con đường. Tưởng như im lặng, tưởng như rè dặt tháng 5 lặng lẽ đi qua...
Tháng 5, chia ly như một cuộc hẹn định kì!
Này những bạn trẻ đôi mươi đã qua rồi một thời cắp sách, có lẽ bạn cũng đang như tôi, đang tiếc nuối hay nhớ nhung những ngày tháng 5.
Tháng 5 đến, là tiếc nuối, là mải mê với những kỉ niệm hôm qua vẫn còn hiện hữu. Có vài điều chưa làm, vài câu chưa kịp nói, có những mơ mộng được một lần trở về khoảnh khắc được hồn nhiên cười nói bên cô bạn thân, trao nhau những dòng lưu bút, ngập ngừng lỡ hẹn một ai đó mà đến giờ còn canh cánh trong lòng: Giá như được một lần quay trở lại thời điểm còn đủ thì giờ để nói lên những lời thật lòng năm đó.
Bạn biết không, tháng 5 là nhớ, là thương, là vội vàng nhìn về những gì tưởng như đã hơn một lần xếp gọn trong góc tủ. Hơn một lần vứt bỏ nhưng cũng không ít lần nhặt nhạnh chắp vá lại thành những lỗi lòng bâng khuâng không biết gọi tên. Tôi lỡ một câu chuyện, bạn lỡ một lời thật lòng!
Tháng 5 trong bạn là gì? Tháng 5 trong tôi là bồi hồi vài cảm xúc lạ.
Đã có những tháng 5 như thế, có ai đó mạnh dạn ngỏ lời, hộc bàn bức thư tay viết vội, phượng đỏ trải khắp lối đôi bạn đi học về.
Có một tháng 5 như thế, đủ trưởng thành để quyết định tương lai, đủ dũng cảm tự bước bằng đôi chân của mình đến một cánh cổng mới.
Này bạn, có thấy mình bỏ quên gì ở lại tháng 5 không? Tôi nghe đâu đây tiếng ngòi mực vẫn sột soạt đều trên trang giấy học trò. Tiếng ai đó học bài tận khuya. Học sinh cuối cấp vẫn mải mê với trang sách, với đề thi. Đã ai nghe tiếng ve cất khúc dạo hè? Phượng nở rồi, bằng lăng cũng tím học trò đã thấy hay còn bận bịu với những tập vở, những bài thi?
Thời điểm này có lẽ những cô cậu học trò còn chưa biết cuộc chia tay dài hạn đang đến gần. Bởi còn miệt mài với sách vở, hay bởi còn ngây ngô trong cuộc vui của những năm tháng thanh xuân cứ ngỡ chưa đến giờ kết thúc. Lười nhìn lên tán phượng, cũng làm ngơ với chùm bằng lăng hay do tiếng ve vẫn còn thưa thớt. Sẽ chẳng ai có thể biết rằng tháng 5 lại vội vàng qua đi như thế.
Tháng 5 lặng lẽ đi qua, lặng lẽ gói gém những điều mới xảy ra thành kỉ niệm của mỗi người rồi mang cất giấu. Để một thời điểm nào đó, khi bạn đủ thời gian nhìn lại, đủ trưởng thành để biết tiếc nuối nó sẽ lại về và mang những gì cất giữ năm xưa cho bạn.
Bạn à, bạn đã chuẩn bị gì cho tháng 5 chưa?
Những cuộc chia ly sắp đến, một món quà nhỏ tặng thầy cô, một lời lâu nay luôn muốn thổ lộ với người thương, một hẹn ước cho những năm tháng thanh xuân bên mái trường sắp rời khỏi. Vội vàng với những dòng lưu bút viết vội, một cuộc gọi làm hòa với nhỏ bạn thân, hay đơn giản là dừng lại chậm một vài giây nghe tiếng ve kêu, nhìn những chùm bằng lăng đang phai dần sắc tím, nhặt một cánh phượng hồng, nâng niu một giọng nói... Tháng 5 ơi lỡ đến rồi xin đừng vội đi qua!
Những người bạn à, tháng 5 và những ngày cuối cấp bạn đã kịp chuẩn bị điều gì chưa? Hay bạn cũng như tôi bật cười nhìn lại những ngốc nghếch, những ngây dại của tuổi học trò. Tháng 5 ấy, tôi chẳng chuẩn bị được gì, cứ thế nó đến và mang theo cuộc chia ly, tôi ngỡ ngàng nhìn dòng lưu bút, ngỡ ngàng nhìn cánh phượng rụng rời dưới sân, ngỡ ngàng những cánh bằng lăng ngả sang màu hồng nhạt rồi trắng dần và rồi cùng bay đi theo những hạt bụi phấn. Tháng 5 đó, dở dang một câu chuyện để tháng 5 này viết lên một vài dòng suy nghĩ, để tháng 5 này có một cái cớ nhớ lại tháng 5 xưa.
Với tôi những tháng 5 ấy là chia ly, tháng 5 của thời điểm này lại là trưởng thành, còn tháng 5 của sau này có lẽ là những trải nghiệm.
Yến Vũ – blogradio.vn
-
Gửi cậu, Thanh xuân tuổi trẻ của tôi
Tình cảm tuổi “học trò” đối với tôi thật sự rất trong sáng và hồn nhiên. Là một dấu ấn tuổi trẻ không thể phai nhòa và là ký ức đẹp nhất trong những năm tháng dưới mái trường cấp 3.
Tôi còn nhớ rất rõ những ngày tháng đó, chúng ta đã cùng đi học, cùng ăn những cây kem mát lạnh và tán gẫu với nhau ở chiếc ghế đá dưới sân trường. Chúng ta còn cùng nhau trải qua nhiều kỳ thi quan trọng, tâm sự và kể cho nhau nghe về nhiều câu chuyện trong ngày. Nhiều lúc tôi chỉ muốn dừng lại khoảng thời gian đẹp đẽ đó với cậu, để cho hai chúng ta có được nhiều thời gian hơn với nhau. Nhưng hiện thực lại rất trái ngược so với những mong muốn của chúng ta. Cho dù sau khi bước đến một cánh cửa mới sắp tới chúng ta không còn bước đi cùng nhau, nhưng tôi mong cậu và tôi vẫn luôn suy nghĩ về nhau và nhớ đến những kỷ niệm tuyệt vời thời thanh xuân của chúng ta.
- Sưu tầm -
-
Có lẽ sau hè năm nay, phòng học ấy vẫn sẽ đầy ắp học sinh ngồi nghe giảng, vẫn là những bài học cũ hiện hữu trên cái bảng có tuổi đời có lẽ là ngang bằng tuổi của cậu, nhưng tiếc là cậu đã không còn ngồi chỗ cũ, chúng ta cũng không còn là những cô gái chàng trai ngồi trong phòng học ấy nữa.
Có lẽ sau ngày tổng kết cậu sẽ không còn được gặp lại những người bạn ấy nữa, những người đã luôn cùng cậu ăn vụng trong giờ học, cũng chưa từng bỏ lỡ thời cơ phao bài cùng nhau, chúng ta đã không mặc cả cho thời gian, mặc kệ họp lớp sau này sẽ có mặt bao nhiêu đứa, chỉ biết là hôm ấy đã khóc, đã vui, đã buồn, đã nói hết tâm sự của mình và đã nằm trong ký ức của nhau, vậy đủ rồi.
Hãy nói chuyện với đứa bạn cùng bàn của cậu nhiều hơn một chút, dành quãng thời gian cho hai đứa tâm sự nhiều hơn một chút, rồi đưa mắt nhìn quanh lớp học đã gắn bó cùng cậu cả một bầu trời thanh xuân, và còn cả người cậu thích nữa, hãy liếc trộm dáng vẻ người ấy cúi đầu làm bài tập, khi vệt nắng nhạt chiếu nhẹ qua gương mặt đó. Những khoảnh khắc ấy sẽ là những thứ cậu hoài niệm và mang theo đến suốt cuộc đời. Dù cho có năm dài tháng rộng bao nhiêu, chắc chắn những ký ức ấy sẽ chẳng phai nhòa.
Có lẽ sau những khoảnh khắc ấy bạn mới chợt nhận ra thanh xuân như một chuyến xe buýt vậy, còn bản thân cậu chính là người đã ngủ quên trên chính chuyến xe đó và khi tỉnh lại cậu phát hiện mình đã bỏ qua rất nhiều thứ, thậm chí bỏ qua cả trạm dừng chân của bản thân.
Cậu sẽ chẳng thể nói với bản thân mình “Thôi thì rút kinh nghiệm lần sau vậy” bởi vì có những điều sẽ không có lần sau, không có cơ hội bắt đầu lại. Có những điều đã bỏ lỡ ở hiện tại thì vĩnh viễn cũng sẽ không có cơ hội.
Thanh xuân vốn chỉ có một lần trong đời, ai rồi cũng sẽ trải qua một thời niên thiếu tươi đẹp cùng những người bạn mình quý nhưng để nhận ra khoảnh khắc đó để kịp lưu giữ lại cảm xúc của bản thân thì rất ít người có thể làm được.
Có lẽ sau này khi cậu đã lớn, thành công đã có, sự nghiệp đã ổn định, bỗng một hôm bất giác nhìn về tấm ảnh thời niên thiếu, chúng ta năm ấy chỉ là những cô gái và chàng trai ngây ngô cùng nắm tay trải qua một khoảng trời thanh xuân tươi đẹp có nhau, cùng nhau trải qua áp lực của thi cử, cũng như những khung bậc cảm xúc đầu đời.
Có lẽ trong một khoảnh khắc nào đó cậu sẽ nhận ra, mấy trăm trang lịch sử trò chuyện cũng kém hai tờ thông báo trúng tuyển giống nhau như đúc. Thật ra, có một câu khi nghĩ kỹ lại thì thấy buồn vô cùng: "Thi xong có cần về lớp nữa không?".
Tớ từng đọc qua một câu: "Thi đại học xong, chẳng còn cái quãng thời gian mà chỉ cần đi vài bước là có thể gặp gỡ tất cả bạn bè.” Đúng là vậy, cũng chẳng còn người bạn ngồi ở cái chỗ cố định đợi cậu đến tìm người ấy nữa rồi. Hóa ra khoảng cách từ tầng một đến tầng bốn hoá ra chỉ có vỏn vẹn ba năm.
Trong cùng một bức ảnh xuất hiện rất nhiều người, một bức ảnh chứa những năm thanh xuân ngắn ngủi của chúng ta. Rồi có lẽ cậu sẽ cảm thấy có chút nuối tiếc một thứ gì đó, thứ mà bản thân đã bỏ lỡ từ rất lâu. Thứ không thể quên được là gia đình và thứ không trở lại được chính là thanh xuân.
Có lẽ sau một ngày làm việc mệt mỏi, cậu đã ước rằng lúc mình gục xuống ngủ quên và khi tỉnh lại, bản thân đã xuất hiện trong phòng học cũ, vẫn là sự ồn ào đến khó chịu đó, xung quanh vẫn là đám bạn cứ không ngừng than thở về các bài kiểm tra khó khăn. Rồi lại nhìn ra bầu trời phía ngoài sân trường kia, hôm ấy trời xanh lắm.
Chợt giật mình cậu quay lại với thực tại, ừ trời hôm nay vẫn xanh đấy thôi, sau này chắc cũng vậy. Nhưng cậu đã không còn như hôm ấy, sau này cũng sẽ không. Chúng ta chắc nợ một lời xin lỗi đến thanh xuân, một tiếng cảm ơn cho thanh xuân mà ta đã quên.
Chúng ta đã gặp nhau vào những tháng năm mà mỗi một người đều rạng rỡ như một Mặt Trời nhỏ. Có người gọi nó là giấc mộng, có người gọi nó là tuổi trẻ, cũng như có người khác gọi nó là thanh xuân. Dẫu sao thì ai cũng đều công nhận đó là quãng thời gian tươi đẹp nhất, những hồi ức rạng rỡ nhất trong đời. Nhưng khi chúng ta nhận ra giá trị của khoảnh khắc đó, cũng là lúc thanh xuân chỉ còn để nhớ.
Mỗi một người đều sẽ có một thanh xuân đặc biệt cho bản thân mình, có hỉ nộ ái ố, có những ngông cuồng tuổi trẻ, có những tình cảm đầu đời. Tuy vậy không nhất định phải long trời lở đất, nhưng chắc chắn sẽ cảm động đến khắc sâu.
Gửi lời này đến những bạn học năm cuối, ngày chia tay ấy, nhất định phải cười, phải chụp thật nhiều ảnh với nhau, phải trao cho nhau những cái ôm chặt đến nghẹt thở. Buổi liên hoan sau ngày thi xong nhất định phải tham gia, vì đó có thể sẽ là lần tụ hội cuối cùng cả lớp các bạn có mặt đầy đủ. Và sau này cũng đừng vứt đồng phục của mình đi, vì nó đắt lắm, những năm thanh xuân của bản thân mà.
Khủng Long -
Khi mùa Xuân dừng bước bên ngưỡng cửa của mùa Hạ, khi tiếng ve bắt đầu ngân nga mời gọi những tia nắng chói chang về đậu trên những chùm phượng vĩ đỏ rực, đó cũng là lúc những cánh bằng lăng thẹn thùng lấp ló nửa khoe nửa e lệ giấu diếm sắc tím non tơ dưới nách lá biếc xanh nơi góc sân trường, ngoài công viên hay trên những vỉa hè nóng bỏng.
Xưa nay, nhắc đến mùa hạ, người ta thường nghĩ ngay đến sắc phượng vĩ đỏ thắm tuổi mộng mơ. Không ít thế hệ học trò hay những người đã đi qua thời hoa đỏ ấy từng thổn thức mỗi khi cất lên lời ca đi cùng năm tháng: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Thế nhưng, với nhiều người (trong đó có tôi) lại xúc động không thôi trước sắc tím bằng lăng ngăn ngắt cả khoảng sân trường ngày Hạ.
Bằng lăng đẹp, bằng lăng quyến rũ trong hết thảy mọi không gian, mọi khoảnh khắc của mùa Hè. Với nhiều loài hoa, người ta chỉ cảm nhận hết vẻ đẹp của nó khi đã nở rộ, khoe hết sắc hương của mình. Bằng lăng thì khác. Ngay từ lúc Xuân còn dùng dằng chưa muốn rời gót, Hạ vẫn ngập ngừng rón rén bước chân thì những nụ bằng lăng đã bắt đầu bật ra những cánh tím biếc đầu tiên trên cành. Cái sắc tím khi bằng lăng mới nhú thật tinh khôi mà mạnh mẽ, nhẹ nhàng mà sắc nét đầy cứng cỏi và kiêu hãnh. Cứ như thể loài hoa ấy chưa từng gắn liền với cái vẻ buồn lặng hay sự chia ly mà người ta thường gán cho nó.
Lúc bằng lăng bung nở kín cành cũng là lúc sắc tím nhạt dần. Có người cảm nhận là “nhan sắc” bằng lăng bắt đầu tàn phai theo mùa Hạ đã “trung niên”. Riêng tôi lại thấy đâu đó cái dịu dàng, cái bao dung, cái hết mình của đời hoa đã trưởng thành. Dường như mưa nắng mùa Hạ theo thói quen muốn bào mòn, rửa trôi mọi thứ, kể cả nhan sắc một loài hoa. Nhưng không! Bằng lăng chỉ nhạt đi như một sự hi sinh lặng lẽ, hiến dâng cho đời hết thảy sắc thắm thuở xuân thì, để rồi thu mình lại và về với đất mẹ. Đến tận khi giao hòa với mặt đất, bằng lăng vẫn không thôi khắc khoải một nỗi niềm tim tím như muốn hiến dâng đến kiệt cùng sắc hương cho mùa Hạ.
Chẳng mấy người còn lạ khi sắp vào mùa thi, những cô cậu học trò cuối cấp trung học thường nhặt cánh bằng lăng tim tím mềm mại ấy ép vào trang vở, giả vờ để vương trong ngăn bàn hay cài vào trong ngăn nhỏ chiếc cặp sách của ai kia một nỗi niềm chờ đợi thiết tha!...
Vậy là bằng lăng vẫn cùng với phượng vĩ là sứ giả của tuổi học trò, sứ giả của những nỗi niềm thầm kín thơ ngây lúc học trò chia tay, có chút buồn man mác khi Hè về mỗi người mỗi ngả. Nhưng nỗi buồn ấy thật nhẹ nhàng, thật trong sáng chứ không bi lụy, không ảm đạm như những biểu tượng khác. Bởi những cánh bằng lăng dù còn tím biếc trên cành hay đã nhạt màu rụng rơi thì vẫn không thôi mang trong mình một sắc tím, tím thủy chung, tím chờ mong, hi vọng vào tương lai, vào những điều kì diệu sau mỗi cuộc thi. Mỗi người đi một con đường, nhưng chẳng có con đường nào không dẫn ra ánh sáng dẫu có phải qua đoạn đường hầm tăm tối.
Thế nên mỗi khi Hạ về, mỗi khi bằng lăng tím biếc trên cành cho đến lúc nó rải đầy những lối đi, bịn rịn quanh những gót chân mềm thì những cô cậu học trò của tháng Năm rực rỡ lại không thôi ấp ủ những ước mơ, khấp khởi những hi vọng và háo hức niềm say mê bất tận của tuổi trẻ trước cuộc đời.
Nguyễn Thị Mỹ Tuyền
-
Tháng Năm về, gió hát khúc ca hân hoan chào đón mùa hè. Dưới ánh nắng chói chang, gay gắt đâu đâu cũng rừng rực như lửa cháy màu đỏ thắm. Là phượng đó! Tượng trưng cho tuổi học trò hồn nhiên, mơ mộng, hoa phượng cùng tiếng ve rộn rã tạo thành một dàn hợp xướng giàu màu sắc và thanh âm bất tận vô cùng vui tươi, trong sáng chứa chan những kỉ niệm, gây thương nhớ của những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp về trường lớp, thầy cô và bạn bè.
Cây phượng vẫn đứng vững chãi, xanh rì nơi góc sân trường đã bao năm. Thân cây to lớn, xù xì mọc ra những tán cây như những cánh tay khổng lồ vươn dài làm rợp bóng cả một khoảng sân. Rễ cây màu nâu đậm trồi lên khỏi mặt đất to và uốn lượn tựa loài trăn. Tháng Năm, cây phượng bắt đầu thời kì nở hoa, sang tháng Sáu là thời điểm phượng trổ hoa rực rỡ nhất. Không xôn xao sắc tím như bằng lăng, không yểu điệu sắc vàng như hoa điệp,…phượng tô điểm cho đời sắc đỏ chói ngời, mênh mang.
Mới hôm nào phượng còn lác đác vài bông mà nay đã thắm đỏ, huy hoàng cả một vùng trời. Hoa phượng có năm cánh mỏng manh, mịn màng như lụa, trong đó có một cánh với màu sắc khác với những lốm đốm. Còn ở giữa là nhụy hoa có hình bầu dục, dài và cong. Phượng không nở từng bông như những loài hoa khác mà nở thành từng chùm, thành tán, thành vầng cháy đỏ cả một góc trời như thiêu đốt thị giác. Ngắm hoa phượng xao xuyến nở ai cũng thấy bâng khuâng nhớ thương một thời áo trắng với những kỉ niệm buồn, vui, hồn nhiên, tinh nghịch thuở đến trường.
Nhớ mãi những ngày chúng tôi chơi đùa dưới gốc phượng với đủ trò: nhảy dây, đá cầu, đuổi bắt…hoặc chỉ đơn giản là ôn bài hay cùng nhau tâm tình giữa giờ giải lao. Nhớ mãi hình ảnh “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” cùng tà áo dài ai tung bay trong gió, lặng yên ngắm nhìn những mái tóc đen dài lẫn cùng màu xanh của lá phượng hoà cùng màu đỏ của hoa với tiếng nói cười trong veo, đùa giỡn giữa sân trường ngập nắng mà lòng chộn rộn niềm vui…Nhớ mãi những bông phượng mỏng manh tựa hàng ngàn cánh bướm đỏ thắm ngày nào rập rờn bay trên bầu trời mùa hạ xanh ngắt mà nay đã khẽ khàng đậu xuống ép trong trang lưu bút chứa đầy sắc đỏ của hoa, nét chữ còn chưa ráo mực đã ướt nhoè nước mắt lưu dấu một thời mộng mơ của tôi.
Nhớ mãi mùa thi và mùa chia tay đến thật gần khiến lòng tôi không khỏi luyến tiếc. Bỗng nhớ một nụ cười toả sáng như ánh Mặt Trời cùng một ánh mắt đong đầy yêu thương của cậu bạn thân ngượng ngùng giấu sau lưng chùm hoa phượng hái được nhưng còn ngập ngừng đợi trao tay ai. Là những hồi ức quý giá, khó quên trong thâm tâm mỗi người, đặc biệt là những rung động của mối tình chớm nở trong sáng, thơ ngây, dại khờ, vô tư, vụng dại mà rực đỏ mãnh liệt của tuổi học trò đầy hoa mộng vốn đã đầy ắp những mơ ước, chất chứa cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Vui vì kết thúc một năm học vất vả, buồn vì chia xa tất cả. Cây phượng vẫn đứng đó với sắc đỏ của từng chùm hoa bung toả giữa trời xanh như thắp lửa, đã gây mê đắm tâm hồn bao thế hệ, đánh thức bồi hồi, rộn ràng cõi lòng bao người nhớ về thời cắp sách với những năm học, những kì thi. Mỗi kì nghỉ hè đến, một mình phượng đứng lẻ loi, cô độc giữa sân trường trống vắng. Rồi cũng đến ngày hoa phượng đỏ rụng rơi cả một khoảng sân đánh dấu một thời kì đã cháy hết mình.
Chẳng còn chứng kiến những ồn ào náo nhiệt của học sinh giữa giờ chơi, chẳng còn chứng kiến bảng đen, phấn trắng cùng lời dạy tận tình của thầy cô hay nhưng trò nghịch ngợm “nhất quỷ, nhì ma”của đám học trò...phượng lặng lẽ trút hoa thành thảm đỏ tươi dưới gốc. Cánh phượng lìa cành như xác pháo bị gió cuốn tung lả tả bay. Có lẽ phượng đã hờn tủi lắm khi bị lãng quên! Chợt có một mảnh buồn trong tôi cũng chao nghiêng theo những cánh phượng rơi. Cậu ấy đã yên ấm gia đình bên trời Tây. Còn mình tôi ôm nỗi cô đơn, lẻ bóng phận người lữ khách tha hương. Đã xa lắm rồi phượng ơi!
Mùa hoa phượng tuy rất gần gũi đấy nhưng cũng vời vợi xa, mở ra một trang kí ức tuổi hoa nồng nàn. Đây là hình ảnh thân quen, gần gũi đối với chúng tôi cùng nỗi nhớ miên man, hồi ức ngọt ngào về một thời cắp sách. Sắc đỏ của phượng là niềm đam mê và khát vọng, là cả một khoảng trời nhuốm màu đỏ của những tin yêu và niềm hi vọng vô bờ. Vì phượng đã gắn bó với thanh xuân của bao người nên mãi mãi là biểu tượng đầy ý nghĩa: Mùa hoa tuổi học trò.
Tôi đứng giữa sân trường vắng lặng bên cây phượng ngày xưa, tay nhặt từng cánh phượng mà lời bài hát “Thời hoa đỏ” như âm vang đâu đây, nhắc nhớ về một thuở không thể nào quên.
“…Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào
Mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào
Anh mải mê về một màu mây xa
Cánh buồm bay về một thời đã qua
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ say mê
Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…”
(Trích “Màu hoa đỏ” nhạc: Nguyễn Đình Bảng, lời: Thanh Tùng)Nguyễn Minh
-
Khi chùm phượng hồng rực đỏ ở một góc trời, chùm bằng lăng gieo một sắc màu tím, ta ngẩn ngơ thấy bóng hạ về chao nghiêng trong vòm lá xanh thẫm đẫm tiếng ve râm ran. Tuổi học trò được đong đếm với những mùa hạ như thế! Và tâm hồn ta ca hát mãi về tuổi học trò trong sáng mà đầy mơ mộng, yêu thương,… Mỗi ghế đá, hàng cây, mỗi góc sân, chỗ ngồi,… đều ghi dấu ấn tâm hồn ta, để thương để nhớ trong ta khôn cùng!
Đó là cánh cổng trường mở ra một thế giới tinh khôi…
Mỗi ngày đến trường, dù vội vã nhường nào nhưng khi bắt gặp cánh cổng trường quen thuộc, ta cũng phanh xe lại, đi thật chậm, thật chậm. Tên ngôi trường gắn bó như một phần trong cuộc sống của ta và ở kia bác bảo vệ nở nụ cười thân thiện. Cánh cổng trường mở lối cho ta bước vào một thế giới hoàn toàn khác với bao xô bồ, bon chen, náo nhiệt ở phía ngoài kia. Ta có cảm giác bước vào một thế giới tinh khôi, trong lành, yên bình bởi sự quy củ, nề nếp, mô phạm. Ta bỗng mỉm cười khi bắt gặp hàng chữ: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được treo ngay ngắn phía trước cổng trường! Niềm vui được bồi dưỡng tâm hồn, được tiếp thu và tắm mình trong kho kiến thức lý thú – túi khôn của nhân loại – tinh hoa văn hóa của loài người; niềm vui được gặp gỡ, chia sẻ với bạn bè, thầy cô cứ lớn dần trong ta và trở thành động lực tinh thần cho ta đến trường!
Đó là sân trường - khoảng trời để thương để nhớ…
Sân trường là không gian bình yên mỗi giờ ra chơi, ta phóng tầm mắt ra xa lặng nhìn những rặng xà cừ hay những dãy bàng phía trước mà suy ngẫm về cuộc sống. Sân trường ấy rợp bóng cây xanh. Mùa thu gió heo may và giọt nắng dịu dàng gom vào những chùm quả bàng vàng ươm treo từng chùm trong tán lá. Đôi lúc vô tình, quả bàng rụng xuống giữa đám học trò tụm năm tụm bảy khiến cả lũ ngơ ngác nhìn nhau cười vang. Mùa đông, lá bàng đỏ rực một khoảng trời để rồi chỉ còn trơ lại những cành cây khẳng khiu vươn bàn tay gầy guộc hứng bao gió rét. Thế mà bên trong nó vẫn rào rạt những dòng nhựa sống bất tận. Mùa xuân đến, những nụ búp hồng tía bật lên đầy sức sống thanh tân. Mùa hạ về với những tán lá xanh rì và những cụm hoa bàng xanh lơ reo cười trong gió. Và kia, những chú chim sâu nhỏ bé nhảy nhót líu lo chuyền cành, ngó nghiêng bên này, bên kia trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Sân trường ấy là nơi ta bắt gặp bao bóng dáng bao cô cậu học trò chơi đá banh, đá cầu, nhảy dây hay tung tăng dắt nhau chạy từ lớp này sang lớp khác. Tiếng nói, tiếng cười vang vọng khắp những hàng cây. Có lúc ta bị bạn rượt đuổi dưới sân trường vì với tay lấy móc chìa khóa hay giật tóc, thu dép của bạn,… Giữa cái nắng chang chang hay giữa những cơn mưa bất chợt ào đến, sân trường cứ níu giữ bước chân ta…Kỉ niệm trượt dài theo tháng năm học trò ở sân trường thân thương là thế!
Đó là chiếc trống trường với nhịp sống học đường…
Tiếng trống đầu năm học vang lên trong thời khắc khai giảng thật trịnh trọng, thiêng liêng sau lời tuyên bố năm học mới bắt đầu của thầy hiệu trưởng. Trong suốt năm học, ngày nào tiếng trống cũng cất nhịp: “Tùng, tùng, tùng,…” thúc giục bước chân của các cô, cậu học trò vào lớp để được gặp lại bao gương mặt thân thương của bạn bè, được lắng nghe tiếng nói truyền cảm và ấm áp từ lời giảng của các thầy cô. Tiếng trống quy tụ các bạn học sinh trong giờ chào cờ đầu tuần hay các hoạt động tập thể. Tiếng trống chợt vang lên thật thích thú khi báo hiệu giờ ra chơi, xua tan bao căng thẳng trong giờ học. Tiếng trống nhảy khỏi lồng ngực và dồn xuống đôi chân sáo của ta khi báo hiệu buổi học kết thúc bằng một hồi dài. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng í ới,… giục giã gọi nhau ra về cứ nhộn nhịp, náo nức lạ thường.
Đó là biển lớp thân thương - nơi gọi tên tổ ấm của mình ở trường học…
Từ sân trường bước vào, ta bước ngoặt vào khi thấy tấm biển lớp ta. Ôi chao, sao thân yêu đến thế. Lớp mình đây rồi, góc bàn mình ở kia. Cái Hoa, cái Linh, thằng Nam,… ở đó. Góc lớp kia là chồng ghế nhựa ngồi chào cờ của lớp, góc đằng này là bốn cây cờ tổ quốc đã quấn giấy màu. Chính giữa ở phía sau là phần trang trí về những điều ước của mỗi bạn trong lớp theo mỗi tổ. Phía trên là ảnh Bác Hồ, phía dưới là khẩu hiệu: “Thi đua dạy tốt, học tốt” rồi đến chiếc đồng hồ, ảnh và giấy khen tập thể lớp. Trên bục giảng là bàn giáo viên và chiếc bảng. Ôi, chiếc bảng xanh, phấn trắng – cả một thế giới tri thức vô bờ ở đó, bao câu chữ, hình vẽ in đậm trong tâm trí với bao nhiêu cái vô cùng hiện hữu trong ta suốt bao ngày tháng qua!
Đó là hình ảnh thầy cô luôn nâng niu, chắp cánh ước mơ cho ta…
Chỉ cần nhìn bóng dáng thầy/cô chủ nhiệm mỗi ngày đến trường, lòng ta đã cảm thấy xiết bao thân thương, gần gũi. Khi có giáo viên chủ nhiệm, ta cảm thấy mình được quan tâm, chỉ bảo, chở che và yêu thương! Tiếp đến là các giáo viên bộ môn, mỗi người một tính cách, có người vui tính, hóm hỉnh, có người nhẹ nhàng, có người thâm trầm, sâu sắc, có thầy cô nghiêm khắc nhưng cũng có thầy cô hết sức gần gũi, hòa đồng …nhưng tất cả họ đều đáng kính trọng. Bởi vì họ đều là những con người tâm huyết, yêu nghề, có kiến thức vững vàng và nhân cách cao đẹp,… Mỗi giờ dạy, các thầy cô đều gieo cho học trò tri thức và những bài học quý báu về đạo làm người, về những ứng dụng hiệu quả trong thực tế đời sống đồng thời định hướng tư duy, suy nghĩ đúng đắn về cách sống, cách ứng xử cho học sinh. Và đặc biệt, qua mỗi bài giảng, các thầy cô đã khơi dậy niềm khát khao, nuôi dưỡng và thổi bùng lên bao mơ ước tươi đẹp về tương lai trải rộng phía trước cho các cô cậu học trò.
Đó là nơi ta có bạn bè luôn sát cánh với bao buồn vui, thương mến…
Có ai đó đã từng nói: “Hãy nâng niu thời gian bạn có và những kỷ niệm chung... làm bạn ai đó không phải là cơ hội mà là trách nhiệm ngọt ngào”. Tình bạn thời học sinh là một tình cảm thiêng liêng, trong sáng, cao đẹp. Khi ta buồn hay vui vui bạn đều bên ta. Có lúc chỉ là một cái nắm tay hay ánh mắt nhìn ta đầy thông cảm, ta biết mình không cô đơn. Những hờn dỗi vu vơ hay những tranh cãi nhiều khi toé lửa không khiến ta xa bạn mà đôi khi khiến ta và bạn hiểu nhau hơn, gần nhau hơn. Đôi khi vì giận ai đó, ta tìm đến bạn để trút bao ấm ức, tủi hờn, bạn im lặng lắng nghe thế mà ta cảm thấy nhẹ lòng quá đỗi. Không chỉ thế, ánh mắt vô tình chạm phải của ai đó bâng quơ ngoài cửa lớp cũng khiến ta xao xuyến bồi hồi.
Tuổi học trò - chao ôi thật đẹp. Đó là những tháng ngày mơ mộng tươi đẹp nhất để ta sống với chính mình, với bạn bè, thầy cô, với ước mơ cháy bỏng,… Ta được làm đầy và lớn lên mỗi ngày! Ai sắp đi qua và đã đi qua đều ao ước “Thời gian quay trở lại” để được tắm mình trong tuổi trẻ ngọt ngào, căng tràn nhựa sống như ai đó từng nói: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa"!
Hà Vinh Tâm
-
Tháng năm đã về bên những trang sách, trên khoảng sân trường đầy nắng gió. Hoa học trò bắt đầu chớm nụ. Nó lẳng lặng như mối tình học trò e ấp chưa kịp gọi thành tên đã phải chia xa. Những ngày dài, dài mãi… ai đó lặng thầm ôm ấp, vo tròn nỗi nhớ trong tim, đến lúc muốn ngỏ một lời bỗng… bối rối … ngập ngừng … Và mãi mãi chia xa…
Tháng năm thức giấc, bạn lớp trưởng nhắn tin vào nhóm, ngày kia làm kỉ yếu cuối cấp. Vui buồn xen lẫn. Vui bởi chuẩn bị tha hồ chụp ảnh, thoải mái tung tẩy nguyên một ngày không phải ngó nhìn vào sách vở. Buồn bởi bạn bè sắp phải chia tay. Buổi sáng tháng năm thênh thang trên con đường tới lớp thân quen mà sao vẫn thấy ngỡ ngàng, xa lạ. Qua cầu Khe Lở, cổng trường thân quen lấp ló, hiện dần và rồi chậm rãi bước trên con dốc. Sân trường lặng thing. Chỉ còn tiếng gió và lá hôn nhau từng cơn xoắn xít. Từng đợt lá xà cừ rụng rơi cuộn tròn trong gió như trong cảnh phim trường dàn dựng. Tiếng lá cọ vào nền gạch xác xao. Tiếng lòng thổn thức ngẩn ngơ, xao xác. Bất chợt vọng thoảng đâu đây giọng ấm trầm của cô giáo giảng “Sáng mát trong như tháng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã qua/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”. Dừng chân nơi bậc thềm trước cửa lớp, lá vướng víu vào chân, bất chợt trông thấy nhỏ bạn còn tới trường sớm hơn cả mình. Hai đứa cùng ra hành lang ngắm lá vàng tung bay trong gió, chợt nghe đâu đó tiếng thời gian khẽ thở dài. Tiếng thở dài man mác một nỗi buồn sắp sửa chia xa. Nhỏ bạn vỗ vào vai: “thôi, trực nhật cho kịp giờ”.
Tháng năm những buổi chiều về đắm chìm trong tiếng ve ngân trốn đâu đó trên cây bàng, tán phượng. Lớp học giọng thầy giảng bài dường như trầm ấm hơn: Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”. “Biết nói gì hôm nay” không phải là không có gì để nói mà có quá nhiều điều để nói nhưng xúc động không nói nên lời. Dù không biết nói gì, nhưng cử chỉ “cầm tay nhau” đã nói lên bao tình cảm chất chứa trong lòng. Mặt khác, dấu ba chấm (…) đặt ở cuối câu thơ như càng biểu hiện rõ hơn cái tình cảm mặn nồng ấy. Nó giống như một nốt lặng trong khuôn nhạc mà ở đó, tình cảm cứ ngân dài sâu lắng”. Ừ, “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Lời bình day dứt ấy như cộng hưởng với những trái tim bé nhỏ đang thổn thức của những cô cậu học trò chúng tôi. Ngẫu nhiên nó khiến cho ai đó ngẩn ngơ nhìn qua khung cửa sổ tưởng tượng. Tưởng tượng khoảnh khắc chia tay bịn rịn, lưu luyến. Kẻ rưng rưng hát bài hát cuối không nên lời. Người cúi mặt ướt nhòe trang sách ôn thi. Chùm hoa học trò ai đó kết thành vương niệm của nỗi nhớ, vương niệm của thời gian biệt li, vương niệm của biết bao kỉ niệm ngây ngô ba năm cấp ba. Những lần đi học muộn. Đoàn trường bắt đi chăm sóc vườn hoa. Những ổi, xoài, khế bí mật truyền tay nhau và ăn ngon lành trong các giờ học. Những lần đem đến niềm vui bất ngờ cho người mình yêu thương…Trống trường vang lên, giờ học chiều kết thúc trong thoảng giật mình của cô bé đang mải nhìn qua cửa sổ. Chiều tháng năm thu mình êm nhẹ như một tiếng vâng …
Tháng năm hòa mình với bọn nhỏ chụp ảnh, quay phim làm kỉ yếu. Tháng năm ngắm nhìn từng khuôn mặt đăm chiêu, lo âu bài vở, thấy mình đâu đó của một thời đã xa. Bao nhiêu kí ức của mùa hạ năm ấy tràn về. Những lá thư tay viết vội nhờ bạn bỏ vào ngăn bàn nơi có tà áo trắng mình thương. Những chữ kí chi chít lên chiếc áo trắng của bạn, của thầy trong buổi học cuối cùng. Và không thể quên được màu hoa học trò tháng năm – màu hoa phương thắm ép mình trong cuốn lưu bút chất đầy nhớ thương. Hoa học trò cháy đỏ giữa những ngày tháng năm như ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ. Hoa học trò lặng lẽ rụng rơi khi còn tươi thắm như trái tim yêu vừa cất tiếng vang đã dang dở xa rời. Hạ vương vấn chênh chao nơi góc lớp, thổn thức, cồn cào trong suy nghĩ. Từng dòng lưu bút ai đó thổi nồng nàn cảm xúc yêu thương. Từng trang lưu bút cứ dài thêm, dài thêm cho đến buổi liên hoan cuối cùng…
Tháng năm nhắn gửi lời cuối cùng với bọn nhỏ gắn bó ba năm mà thi thoảng cứ ngập ngừng như ngày xưa mình nói lời cảm ơn tới thầy cô trong ngày li biệt. Ngày ấy, buổi tối đã chuẩn bị kĩ những gì mình sẽ đại diện lớp nói trước thầy cô vậy mà … trong khoảnh khắc chia tay mình đã im lặng không nói nên lời. Bao nhiêu năm xa cách nhưng trong lòng vẫn còn vang lên âm thanh tiếng trống trường trong ngày bế giảng. Tiếng trống réo rắt vào lòng chúng tôi trong ngày rời xa mái trường thân thương, yêu dấu. Những con mắt đỏ hoe hướng về lớp học, nơi gắn bó biết bao nhiêu kỉ niệm tươi đẹp một thưở hồn nhiên. Năm tháng đi qua, bao mùa hạ đến rồi đi, nhưng làm sao quên được khoảnh khắc cuối cùng bâng khuâng, lưu luyến ấy. Mái trường bao năm rời xa đã thay đổi. Ngày trở về thầy cô người còn, người mất, bạn bè cũng có đứa ra đi mãi mãi…Chỉ còn mỗi màu hoa học trò tươi thắm, vẹn nguyên trong kí ức thời gian…
Chiều nay, bất chợt cơn mưa ghé ngang qua trường. Chỉ còn dăm ba lớp học mười hai miệt mài ôn thi. Sân trường buồn hiu buồn hắt. Nhưng bông hoa học trò ướt nhòe rụng xuống đỏ cả sân. Dường như nghe rõ cả tiếng mưa tí tách, nhảy nhót trên sân. Có người lơ đãng hướng ánh nhìn qua cửa sổ nhẩm thầm từng câu thơ:
"Sân trường khản giọng ve ngân
Hạ đang chang nắng cơn mưa bất ngờ
Phượng buồn nước mắt học trò
Rơi rơi cánh mỏng ngẩn ngơ ngang chiều.Ai còn mắc nợ lời yêu
Về cho kịp buổi ban chiều ngẩn ngơ
Phượng già rủ gió làm thơ
Có người phút cuối bất ngờ rưng rưng."Hoa học trò tháng năm ơi, ai đó thầm gọi tên hoa da diết giữa những ngày hạ đỏ lửa. Vẫn con dốc thân thương ngày nào, có bàn chân ai lên xuống bên những xác hoa xưa. Chẳng biết bao nhiêu mùa hoa học trò nữa sẽ đi qua lòng mình, chỉ biết trong kí ức của người học trò cũ vẫn đung đưa trước gió chùm phượng vĩ khoe sắc năm nào. Tiếng ve hòa vào sắc hoa học trò trong nắng vàng ươm gợi biết bao niềm thương mến. Tiếng trống trường hồi cuối vang bay, lay lắt những cánh hoa bất chợt lìa cành. Mùa hoa học trò tháng năm vẫn đâu đây thắm đỏ trong lòng biết bao cô cậu học trò. Vẫn đâu đây thắm đỏ bao nỗi nhớ mong của những người đưa đò lặng lẽ…
Một mùa hạ nữa lại tới! Năm nay, trò nghỉ học sớm hơn vì covid...Kì nghỉ hè vì thế cũng sẽ kéo dài thêm. Trường học sẽ buồn hắt buồn hiu suốt mấy tháng liền. Sân trường sẽ vắng hoe vắng hoắt. Chỉ còn dàn đồng ca mùa hạ ve ngân...Chỉ còn những cánh hoa học trò rực cháy rồi tàn. Chợt lòng mênh mang bao nhiêu câu hỏi…
Bao nhiêu cô cậu học trò đã rời xa từ mái trường này?
Bao nhiêu cô cậu học trò cũng sắp sửa rời xa mái trường này?
Bao nhiêu cô cậu học trò đã may mắn có lần trở lại?
Bao nhiêu cô cậu học trò sẽ chẳng bao giờ trở về ?Chiều kia, bất chợt cơn mưa lại ngang qua trường... Có ai đó nhắn rằng, thầy có nhớ bọn em không, có còn cây xoài ở gần phòng hiệu bộ, có bức ảnh nào chụp cảnh mưa trên sân trường không, gửi cho bọn em với...xa trường rồi nhớ lắm thầy ơi...Chỉ biết nhắn rằng, trường mình dưới mưa buồn mà đẹp, chỉ còn một màu nhớ phủ đầy trên những xác phượng mỏng manh…Ai đó biết có còn nhớ màu hoa học trò tháng năm lặng thầm e ấp như mối tình đầu chưa kịp gọi thành tên. Màu hoa học trò tháng năm bối rối … ngập ngừng…
Và mãi mãi chia xa …
NGUYỄN ĐÌNH ÁNH
-
Những cánh bằng lăng đã bắt đầu nở trên vòm lá xanh thẫm, màu tím dịu dàng chen giữa màu nâu mộc mạc của những quả khô từ mùa năm trước chưa rụng hết mở to đôi mắt tròn, ngắm nhìn mảng trời xanh mây trắng bồng bềnh rõ nét dần trên thinh không. Nắng vàng tinh nghịch xuyên qua kẽ lá nhảy nhót dưới mặt đất. Phượng bắt đầu thắp ngọn lửa hồn nhiên trên những tán cây. Mùa đã sang rồi...
Mùa hạ lướt đi trên cỏ cây, góc phố, trên sân trường lao xao chiếc lá vàng cuối cùng của mùa thay lá. Tháng năm nhún nhảy qua tà áo trắng vô tư, chẳng biết đâu đây ánh mắt học trò biêng biếc nỗi buồn tạm biệt. Trên chiếc giỏ xe, ai đó tặng nhau cành phượng hồng yêu dấu nghiêng nghiêng cánh thắm.
Mùa hạ hữu tình mang đến cho tuổi học trò hai sắc hoa đầy ấn tượng. Phượng vĩ mỗi lúc hè về lại rực rỡ nồng nàn. Có lẽ những khát vọng học trò đã được đốt cháy lên bằng ngọn lửa trong tim gửi trọn vẹn vào màu đỏ rực rỡ ấy. Màu đỏ dồn tụ nhiệt huyết của tuổi mười tám với sức căng trong lồng ngực, bầu máu nóng thanh xuân đang chảy mãnh liệt trong huyết quản. Mười tám tuổi-những cánh chim mang hoài bão tung bay vào bầu trời rộng lớn, chia xa mái trường, bè bạn thầy cô nên nỗi nhớ gửi vào đóa bằng lăng thủy chung tím đến nao lòngvới lời nhắn nhủ sẽ mãi không quên gốc bàng xù xì già nua mỗi năm lá chuyển màu ửng đỏ ở góc sân trường, dãy hành lang gió lùa mỗi mùa đông đến, mái tóc cô thày đã dần điểm màu tháng năm, và tiếng cười trong vắt của bạn bè cùng trang lứa...
Duyên nợ và may mắn chọn tôi gắn đời mình với nghề dạy học. Bao kí ức của tôi mãi đọng lại ở tuổi đôi mươi không bao giờ phai nhạt. Mỗi độ hè về chia tay một khóa học trò sắp phải xa trường, ngắm nhìn mỗi đám mây hồng mang ước mơ theo gió bay trên bầu trời rộng lớn, lòng tôi lại bâng khuâng, tiếc nuối giống như cảm giác vừa vuột mất điều gì quen thuộc khỏi vòng tay. Dẫu biết các em có ngày phải trưởng thành, tự mình ghi dấu chân trên con đường đời muôn ngả, nhưng sao vẫn thấy buồn biết mấy.
Thanh xuân của tôi đã qua đi hai mươi mấy năm rồi, nhưng lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần tháng năm gõ cửa, nhìn thấy sắc đỏ hoa phượng ùa về tôi lại lật giở trang lưu bút cũ, mực đã phai, dòng chữ vụng về ngày xưa đã nhòe, nhuốm màu thời gian, nhưng sắc tím bằng lăng ép trong trang vở vẫn mải miết gợi về kỉ niệm. Tuổi mười tám của tôi luôn hiện hữu trong các em, tuổi mười tám của các em là chiếc cầu nối tôi với kí ức để nhớ mãi một bờ sông mướt cỏ, gió sông lùa tóc học trò rối tung lên tinh nghịch, chúng tôi ngồi bên nhau ngắm mặt sông loang loáng nước, cuốn những con thuyền giấy đã viết ước mơ trôi đi thật xa cho đến khi không còn nhìn thấy màu trắng nhấp nhô. Những đêm mùa hạ, vòm trời cao rộng, tháng Năm cõng sao về rải chi chit cạnh sông ngân hà, đêm thành sâu thăm thẳm. Chúng tôi ngồi bên nhau, mắt ngân ngấn nước. Có những nỗi niềm không thể nói thành lời mà bật khóc Hạ ơi, xa thật rồi!...Tất cả kỉ niệm, dẫu không được chụp vào bộ ảnh kỉ yếu như của các em, nhưng khoảnh khắc ấy đã được khắc đến trọn đời vào những trái tim nồng nàn thương nhớ...
Mùa đã sang rồi, ngày mai là ngày tạm biệt, những con chim nhỏ yêu dấu hãy căng sức trẻ vào đôi cánh vượt qua mọi bão giông mà bay đi. Cuộc đời với bao sắc màu tươi đẹp đang chờ đón các em phía trước. Và tôi, vẫn ở lại đây cất giữ những yêu thương mà các em gửi lại chờ một ngày cánh chim ấy bay về thăm chốn cũ...
Đỗ Hải
-
Tùng ! Tùng ! Tùng ! Những hồi trống vang lên giòn giã từ một ngôi trường ven đường, làm lay động không gian tinh khôi, yên bình buổi sớm, khiến cho những chiếc lá bàng đỏ ối trên cành chợt giật mình bay lả tả, chao liệng theo những cơn gió heo may; làm vỡ òa miền ký ức xa xôi đã ngủ vùi trong quên lãng suốt những tháng năm dài xa lắc về một thuở học trò không thể nào quên.
Háo hức nhất là tiếng trống khai trường. Sau khoảng thời gian nghỉ hè, đứa học trò nào cũng mong được trở lại trường để học hành và nô đùa cùng bè bạn. Những hồi trống hân hoan báo hiệu ngày tựu trường như vang vọng trong tâm thức trước đó cả tuần lễ, làm nhiều người mất ngủ.
Nhớ nhất vẫn là tiếng trống khai trường của năm lớp Một. Sáng sớm, mẹ gọi dậy khi còn ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở đã bị mẹ lôi đi xềnh xệch trên con đường làng, dù cả đêm trước nằm gặm nhấm cảm giác háo hức vô cùng cái cảm giác được đi học, được khoác chiếc cặp mới, mặc quần áo mới và bước chân vào ngôi trường đông vui mà trước đó chỉ dám bảo bố dẫn đi qua nhìn vào. Khi hồi trống vang lên, giật mình ngơ ngác nhìn nhau, không biết xếp hàng chỗ nào, với ai, chỉ khi cô giáo đến tận nơi, kéo tay từng đứa ấn vào hàng mới biết là hàng của lớp mình, dù mắt vẫn hong hóng ra cổng, chỗ mẹ cùng nhiều phụ huynh khác đang đứng ngó vào, chỉ sợ mẹ về mất, không nhớ đường về nhà.
Năm lớp 10 ra ngoài trường huyện học. Ở đó không chỉ có lũ bạn cùng làng cùng xã, mà cả những đứa ở thị trấn, ở các xã khác nên lạ lẫm vô cùng. Nhiều đứa ăn mặc đẹp quá, trong khi mình chân tay cóc cáy, quần lò xo lếch thếch trên chiếc xe đạp “cởi chuồng” không có chắn bùn vì nó là chiếc xe thồ lúa. Nhưng may mà không quá lạc lõng vì cũng khá nhiều đứa giống mình. Khi tiếng trống khai trường vang lên, đứng xếp hàng sau những đứa con gái cùng lớp, tự dưng thấy ngượng ngùng vì lần đầu tiên nhìn thấy một vài đứa mặc áo ngực bên trong giống như người lớn. Rồi thấy xấu hổ khi trên mặt của mình đầy những mụn trứng cá, nhiều mụn vỡ ra ngứa ngáy khó chịu, thỉnh thoảng đưa tay gãi gãi, cấu cấu nên cái mặt nhìn rất nham nhở khó coi.
Ngày khai trường năm lớp 12 là lúc lòng nặng trĩu những cảm xúc. Cả lớp không đứa nào vui đùa trêu chọc nhau như bọn học sinh lớp dưới. Tất cả đến trường từ rất sớm, lặng lẽ nhìn quanh, lặng lẽ xếp hàng và ngắm nhìn học sinh lớp khác. Vậy là buổi khai trường cuối cùng trong đời học sinh đã đến, mỗi đứa hiểu rằng, sẽ không còn bất kỳ buổi khai trường nào nữa và cũng chỉ còn năm học cuối cùng này là chia tay nơi đây với bao kỷ niệm gần gũi, thân thương. Vì thế khi tiếng trống khai trường vang lên, tự dưng nước mắt chực trào ra, đứa nào cũng muốn khóc. Trong lòng mỗi đứa đều ngổn ngang những toan tính và cảm xúc về năm học cuối, lại bồi hồi nhớ về tiếng trống trường của những năm học đã qua.
Hồi hộp nhất là tiếng trống vào lớp. Ai trải qua thời đi học đều nhớ về tiếng trống vào lớp, thậm chí nhiều khi còn giật mình trong cả giấc mơ. Có những buổi sáng ngủ quên, dậy muộn, quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù vừa đi vừa chạy mà vẫn vào học muộn. Có những hôm trời mưa, đường trơn ngã trầy ngã trật bẩn hết quần áo nên gột xong mới vào lớp muộn. Sợ bị đứng xó lớp, sợ bị ghi sổ đầu bài, sợ những ánh mắt dù thân thương ấm áp nhưng cũng khá nghiêm khắc của thầy cô đã ngồi sẵn trên bàn giáo viên khi mình ấp úng, thập thò ngoài cửa xin vào lớp. Sợ cả cái không gian trống vắng, yên lặng giữa sân trường khi chỉ có một mình mình hớt hơ hớt hải ngoài đó trước ánh nhìn của lũ bạn từ các lớp dồn vào. Nhưng sợ nhất là những môn nào mình chưa kịp học, những môn nào mình không thích nghe giảng, những môn nào mình chưa có điểm kiểm tra miệng. Sau tiếng trống vào lớp là sự nín thở chờ đợi, lo lắng đến ngột ngạt xem hôm nay thầy cô sẽ gọi ai lên bảng, có bạn nào xung phong không để mình đỡ bị gọi, rồi run bắn người lên khi bạn nào đó ngay sát tên mình được gọi lên. Khi tên mình bị gọi, chân tay cứ ríu lại, bước lên bảng mà chân cứ lập cập va vào nhau, run lẩy bẩy trước ánh mắt nghiêm nghị của thầy cô, trước ánh mắt tò mò của bạn bè phía sau lưng. Rồi sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu đạt điểm trung bình trở lên, nếu thầy cô gấp quyển sổ điểm lại không kiểm tra nữa. Nhưng cũng có những hôm, sau tiếng trống vào lớp là những tiếng hét sung sướng, có đứa nhảy cẫng lên ôm vai bá cổ nhau mà ăn mừng vì nghỉ tiết do thầy cô ốm hay có việc bận. Sự vô tâm, vô tư của lũ học trò giờ nghĩ lại nhiều lúc thấy buồn cười và xấu hổ, nhất là khi có tiết học trống đã làm chúng tôi ân hận đến mãi bây giờ khi cô giáo của chúng tôi đã vĩnh viễn không bao giờ còn trở lại bục giảng nữa vì căn bệnh ung thư quái ác, dù suốt mấy tháng liền chúng tôi thường xuyên được nghỉ tiết của cô, thỉnh thoảng mới có thầy cô khác dạy thay nên đứa nào cũng thích. Vậy mà bao nhiêu năm rồi, vì nhiều lí do khác nhau cũng chưa ra thăm mộ cô và nói lời xin lỗi cô vì sự vô tâm của tuổi học trò.
Sung sướng nhất là tiếng trống ra chơi. Thường thì khoảng mười phút trước giờ ra chơi là đứa nào đứa ấy đã ngóng đợi tiếng trống vang lên để cùng nhau hét toáng lên sung sướng dù thầy cô vẫn nghiêm nghị ngồi trên bàn, vẫn say sưa giảng nốt chỗ dở. Chỉ đợi thầy cô cho phép là đứa nào đứa ấy lao ra ngoài sân trường hò hét. Sân trường ơi tà áo trắng tinh khôi, ta khờ khạo đứng nhìn bên cửa sổ, hai lúm đồng tiền để cho ai trộm nhớ và hồi hộp đợi hồi âm từ lá thư cùng me, cóc dưới hộc bàn. Những tình yêu trong sáng của tuổi học trò cứ hồn nhiên nảy nở, bất chấp sự cấm cản của bố mẹ, thầy cô. Những giận hờn chỉ là vô cớ, thoáng buồn vu vơ tan nhẹ theo những tiếng cười trong trẻo, giòn tan. Lớp học ơi bao kỷ niệm chứa chan, những ngày mưa cả bọn chụm đầu vốc nước té nhau cười tung tóe. Mưa tinh nghịch đùa vương làn tóc nhẹ, ta mải chơi trốn tìm bị “vồ ếch” chỗ đầu hiên… Còn giữ cỗ bài không hỡi lũ bạn bàn trên, bọn mi ăn gian bôi mặt ta đầy nhọ; những lần oẳn tù tì, bị thua, bị cốc đầu ta vẫn cười nhăn nhở, cứ thua hoài, ta chỉ giả vờ thôi…
Ngậm ngùi nhất là tiếng trống tan trường. Kết thúc một buổi học đồng nghĩa với kết thúc những sự vui vẻ và những giây phút bạn bè giống nhau để trở về với thực tại riêng của gia đình mỗi đứa nên cũng ít đứa vui sướng như lúc ra chơi, nhiều đứa ngậm ngùi đi bộ cả mấy cây số về nhà, nhiều đứa lặng lẽ ra lán dắt xe đạp về. Chỉ có số ít là vui vì có người yêu đứng chờ ngoài cổng. Lại trở về ngôi nhà thân thương nhưng bố mẹ vẫn chưa đi làm về, vẫn chưa ai nấu cơm khi mình đang đói sôi cả bụng, mờ cả mắt. Có đứa phải ăn cơm một mình. Lại bắt đầu chuẩn bị cho một buổi chiều tất bật trên đồng ruộng, trên lưng con trâu, trong những đầm nước để vớt bèo nấu cám lợn… Phải chờ đến ngày mai mới được mặc quần áo tinh tươm, mới được thong thả đến trường, mới được thoải mái vui đùa cùng bè bạn.
Giờ thì lũ học trò không còn khổ như trước nhưng tiếng trống khai trường thì vẫn luôn thổn thức trong tâm khảm của bất kỳ ai đã đi qua những năm tháng thanh xuân trên ghế nhà trường.
Hoàng Trọng Muôn