Top 10 Tản văn viết về quê hương hay nhất
Nhắc tới quê hương là nhắc tới những ký ức tuổi thơ đầy ắp niềm vui và kỷ niệm. Tản văn về quê hương luôn được đông đảo độc giả quan tâm là bởi nó mang tới cho ... xem thêm...người đọc những cung bậc cảm xúc bồi hồi, xao xuyến pha lẫn thơ mộng, yên bình. Trong bài viết này Toplist xin giới thiệu đến bạn những bài tản văn viết về quê hương hay nhất qua bài viết dưới đây.
-
Quê hương tôi không phải nơi miền quê xa xôi, hẻo lánh và cũng không thưa thớt dân cư như những nơi khác. Nhà cửa san sát nhau quây quần và được chia thành nhiều tiểu khu như một thị trấn nhỏ. Mỗi sáng mai thức dậy, tiếng chuông chùa ngân vang xé tan sự tĩnh lặng làm cho mọi người, mọi vật như bừng tỉnh chuẩn bị cho một ngày mới. Người già vào chùa cầu bình an cho làng quê, mang bao niềm khát khao cuộc sống mới nhân sinh. Kẻ tất bật ra đồng chuẩn bị cho một mùa vụ bội thu sắp tới. Mỗi người mỗi việc diễn ra thường xuyên đã trở thành nếp sống văn minh hàng ngày ở miền quê “rất nghèo mà đời người thì rất giàu tình cảm” vốn dĩ thân yêu này. Một cơn gió mát thổi từ cánh đồng lúa lên mang hơi thở của đất thôi cũng đã làm cho tâm hồn sảng khoái. Chút nắng nhẹ ban mai sải cánh xuống thềm nhà cũng thấy bớt lo âu. Ôi! Quê tôi mỗi ngày thêm căng tràn sức sống.
Thấy cuộc sống hôm nay tươi đẹp, tôi lại không sao quên được những kỉ niệm xưa hằn in trong tôi thuở trước.
Bao nhiêu viễn cảnh thời xửa thời xưa mở ra đến ngỡ ngàng để cười rơi nước mắt. Tiếc nuối để rồi tìm lại, gặp gỡ nhưng chẳng thấy ở đâu. Chỉ còn tiếng vọng xưa rồi bất chợt gặp những kỉ vật ít gia đình còn lưu giữ lại, tôi cảm thấy mến yêu và trân quý biết nhường nào. Vật dụng đó là cái cối xay lúa thủ công đơn sơ, một cái chày giã gạo với cái cối đá nhẵn trơn mòn theo năm tháng. Cái quạt thóc đồ sộ giúp ích cho cả xóm khi lúa phơi khô chưa kịp giê. Cái nơm, cái giậm, chiếc cày, bừa, đôi quang gánh… mang đậm chất làng quê. Nay, thoáng thấy chứ thời nay chẳng ai dùng nữa bởi quê hương nay đổi thay rồi.
Đúng là đồ vật ngày xưa nay đã quá xưa nhưng quý và hiếm ở làng quê tôi vốn dĩ yên bình. Làng quê mà bốn mùa nối tiếp nhau đi qua. Nơi dòng sông Chu vẫn hiền hoà nước chảy về xuôi để gặp sông Mã rồi cùng nhau hùa ra biển. Nơi cây gạo khổng lồ đầu làng ngày đêm lao xao hoà cùng lũ chim trên cao vươn cành đón xuân sang, hè đến với những bông hoa rực đỏ bung nở rồi tự rụng xuống, khi quả già khô gặp giông tố ập tới thì bung dải sợi bông trắng xốn xang theo gió, lang thang kín trời rụng tả tơi muôn phương.
Cái ao làng mênh mông vẫn lăn tăn gợn sóng, xô nhẹ vào bờ gợi nhớ, gợi thương, lấp lánh ánh bạc dưới mặt ao như sao đêm giữa buổi trưa hè nắng oi bức phảng nhẹ gió phơn Tây Nam. Và đâu đây văng vẳng tiếng gà gáy trưa nghe lao xao trong lòng một điều gì nao nao khó tả.
Làng quê ấy mà sau buổi học, chúng tôi như mục đồng ẩn hiện không biết bao nhiêu cánh đồng, khoảnh ruộng, bờ kênh, mương nước, ao, đìa, dang nắng, dầm mưa kiếm sống. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi rủ nhau đi đánh giậm, be mương tát nước, bắt cá, đơm tép, úm cá rô đồng mà ao hồ nào thiếu vắng bọn trẻ chúng tôi? Cứ việc nọ sọ sang việc kia. Chăn trâu, cắt cỏ thành thục đến nỗi bờ mương, ruộng đồng khu nào chúng tôi cũng có mặt. Ai cũng chăm chỉ làm đủ thứ công việc của nhà nông mà chẳng quản gì sương sa, nắng rát, mưa dầm, gió bấc. Ôi! Cuộc sống thật mến thương!Ai đã từng sống thời khắc của những năm ấy, chắc có lẽ không bao giờ quên được những bữa cơm nhà quê rất đỗi thân quen đến khiêm nhường làm sao! Cơm một phần còn độn sắn, độn khoai tới hai phần... nối dài dằng dặc bao tháng, bao năm, ngao ngán in thành kỉ niệm mà bút mực ghi lại không bao giờ nhòa. Tôi cứ tưởng như đã cả một đời người. Và thật, đã đúng “cả một đời người” rồi đấy. Tóc đã điểm sương hồi nào không rõ. Gặp lại người xưa, bạn cũ nhớ nhớ, quên quên.
Thời gian cứ trôi, làng quê tôi với những gì thiên nhiên tạo hoá vẫn thế. Ruộng đồng xa vẫn thẳng cánh cò bay. Hai vụ lúa vẫn như ngày xưa có khác hơn thêm vụ hoa và rau Grap mới mẻ nuôi sống dân làng và làm giàu thêm cho quê hương. Cuộc sống có phần khấm khá hơn nhiều. Quê hương vẫn bốn mùa xoay vần như thế. Cái nóng oi nồng, gió phơn thổi miên man khi mùa hè đến có vơi bớt được đâu. Nhiệt độ còn lên cao hơn thời trước là khác, cũng dễ hiểu thôi vì nhà nào cũng tường cao kín cổng. Hàng rào râm bụt xưa mất hẳn. Thỉnh thoảng bắt gặp một số nhà vẫn giữ được hàng chè mạn xanh tốt. Dấu quê hương còn đọng lại đôi nét xưa một thời xa lắc. Cơn mưa tháng bảy, tháng tám với những đợt lũ hung dữ đổ về vẫn đe dọa khi mùa giông bão tới. Với con đê cao kiên cường, vững chãi kia ôm trọn quê tôi, bảo vệ xóm làng, an toàn ai cũng thấy bình yên.
Lại mỗi sáng mai với thanh âm chuông chùa ngân vang, nắng vàng lách lùm cây rọi nắng chiếu xuống mặt đất. Mọi người, mọi vật theo nhịp đời mà đi lên xây dựng cuộc sống mới. Tôi cứ ước cuộc sống lúc nào cũng bình yên để cho làng quê lúc nào cũng dang tay đón bao người dân xa quê về với cội nguồn, ôn lại những kí ức đã qua. Mọi người chung tay xây dựng quê hương đẹp hơn bao giờ hết. Trong tôi văng vẳng tiếng hát ngọt ngào, sâu lắng, rưng rưng niềm xúc động “Quê hương. Mỗi người có một. Như là chỉ một mà thôi. Quê hương. Nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn...nổi...thành...người.”
Quê hương ơi! Tạm biệt Người nhưng ta ôm trọn trong tim.
Bài của Phùng Văn Định
-
Đã sinh ra và lớn lên từ nông thôn, thì sao mà không thương, không nhớ quê hương cho được. Thương quê qua từng món ăn mẹ nấu, qua mâm cơm đạm bạc; tưởng chừng mộc mạc, giản dị lắm, nhưng xa quê rồi lại mong mỏi được về bên mẹ, mà thèm thuồng ăn bữa cơm quê.
Cả một mâm cơm quê, thứ khiến những đứa con của làng như tôi nhung nhớ mãi vẫn là nồi cơm bếp củi. Trời gom nắng đổ về tây, mặt trời rải những tia nắng yếu ớt cuối ngày xuống góc bếp sân nhà, mẹ nhóm lửa từ củi, từ rơm để nấu cơm chiều. Làn khói lam tỏa lên trên mái tranh nghèo khi trời chập choạng tối, quấn quýt từng tầng, từng lớp. Bãng lãng bay mà chẳng muốn rời xa chái bếp nhỏ, ngọn khói phả vào tàu lá chuối heo héo phủ đầu tro mịn. Đã bao buổi chiều, qua bao nồi cơm mà những tàu lá chuối trong vườn, sau bếp đều áo nhẹ một lớp tro tàn. Qua mấy cái cay xè của khói, làm bức phên tre cũng giăng đầy “mồ hóng”.
Tụi trẻ con chúng tôi sành ăn lắm, nhà ai đang thổi cơm chiều là nhận ra ngay. Đặc biệt là nồi cơm gạo mới, đi qua đầu ngõ thôi đã nghe ra mùi. Cơm gạo mới thơm lắm! ngon lắm! Thơm nhất là khi nồi cơm đang sôi sùng sục, tuôn trào trên bếp, mở cái nắp nồi là một làn hương trong trẻo như mùi sữa ngọt lành, thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt mà đơm lên sống mũi. Nồi cơm đầu mùa với những hạt cơm trắng ngần, mây mẩy đều nhau. Thứ ngon nhất trong nồi vẫn là cơm cháy đáy xoong, nó giòn, thơm nồng mùi gạo quê, quyện nhè nhẹ mùi khói với cái vị đăng đắng ở đôi chỗ.
Mâm cơm quê của mẹ chẳng có gì cao lương, mỹ vị. Chỉ là dĩa rau trong vườn luộc chấm nước ruốc, vậy mà ngon, mà lành vị. Nước ruốc ngon nhất khi được kho cùng với tóp mỡ, ít hành lá và ớt xắt. Nước ruốc phải thật cay, có một lớp màng đỏ và ăn vào thì hít hà, như vậy mới đúng cái vị của người miền Trung. Mâm cơm quê ngày hè thì không thể thiếu tô canh rau, canh bầu, canh bí nấu với cá lóc đồng, vị canh ngọt sớt từ cá đồng tiết ra, khéo đưa cơm giữa những trưa hè oi bức. Đồng ruộng vào mùa mưa lụt, tụi trẻ chúng tôi lại ra đồng bắt cá. Bắt được con cá rô to là mừng khôn xiết. Háo hức mà đem về cho mẹ. Mẹ kho nồi cá rô đồng với tiêu, mùi thơm ngào ngạt, ăn vào cái vị the the, tê đầu lưỡi thì hao cơm lắm những ngày đông lạnh, mưa dầm dề. Mâm cơm quê chỉ đôi ba món bình dị, cây nhà lá vườn, chứ ăn rồi, đi xa thì nhớ lắm.
Bữa cơm chiều bình yên trước sân nhà khi mặt trời đã khuất sau rặng tre, trải chiếc chiếu là cả nhà ngồi lại ăn. Bao buồn vui đồng áng, chuyện đời, chuyện người cứ thế mà rôm rả. Tiếng nói, tiếng cười nồng hậu bên những món ăn đồng quê. Tự dưng những kỉ niệm đó cứ chôn chặt một cách tự nhiên vào lòng, để khi xa quê thì nổi nhớ niềm thương cứ vương vấn.
Thương nhất, nhớ nhất là bữa cơm trưa mùa gặt. Sáng ra đồng, mẹ nấu cơm mà mang theo để trưa ăn. Cơm trắng được mẹ gói trong mo cau dày dặn, ủ nóng đến trưa vẫn còn hơi. Khi muối đậu, khi muối mè được gói cẩn thận trong lá chuối. Nghỉ tay ăn cơm dưới những gốc cây bóng mát râm ran, gió đồng mát rượi thổi vi vu, mơn man lên da thịt. Bữa cơm mùa gặt ngoài đồng, giữa trưa nắng hạ chang chang chỉ cơm trắng muối đậu, mà ngon, mà vui hơn những món ăn xa hoa.
Giữa nhịp sống hối hả, tấp nập, để tìm lại mâm cơm quê thì không khó, nhưng khó tìm là bữa cơm bên gia đình. Cũng là những món vườn nhà như vậy, cơm trắng nóng hổi trong nồi đất nung như thế, mà sao khác quá. Chắc bởi lẽ mâm cơm quê được nấu từ cái kiềng cũ, cái nồi đất đen và từ chái bếp loang lổ phên tre của mẹ. Và hơn nữa, những món ăn nhà quê ấy được nấu từ đôi bàn tay gân guốc của mẹ, vun vắn trong từng món là lòng vị tha, sự hy sinh; lòng ngóng trông cha làm đồng về ăn cơm chiều của những đứa con trẻ như tôi.
Bữa cơm quê nhà đâu chỉ để gói ghém tình thân, mà còn để khắng khít tình làng nghĩa xóm. Hôm nay nhà có nấu món ngon, lạ miệng là sẽ được múc một ít bưng qua nhà bên. Tụi trẻ như chúng tôi luôn được giao nhiệm vụ bưng sang. Cứ cho nhau qua lại tô canh, con cá mà tình nghĩa làng xóm cứ mãi thắt chặt. Đó cũng là cái nghĩa, cái tình đặc trưng của người nhà quê nồng hậu, chất phác và thật thà.
Sinh ra từ những luống rau thửa ruộng chất chứa đầy giọt mồ hôi mặn mòi của cha, lớn lên từ những mâm cơm nhà quê của mẹ, vậy nên cái mùi vị quê mùa cứ quyện trong từng hơi thở, thớ thịt...Người ta có tài đến mấy, “nghe tiếng cơm sôi” lòng cũng nao nao nhớ mẹ, nhớ quê.
Sưu tầm
-
Quê hương, chỉ cần hai tiếng ấy thôi là cũng đủ cho bao nhiêu cảm xúc dâng trào. Với tôi, quê hương là nơi tôi đã trải qua những ngày tháng thơ bé êm đềm với biết mấy yêu thương. Có những niềm vui, có những nỗi buồn, nhưng ký ức ấy đâu thể nào xóa nhòa. Tôi đã gói chúng vào Góc quê của tôi.
Góc quê của tôi là chiếc đơm cá của ba. Mỗi khi nhìn ngắm những cơn mưa đầu mùa làm cho nước suối dâng lên chảy xiết hay nhìn những con cá tràu, cá trê, cá rô, cá trắng tung quẫy trong những chậu cá đồng được bày bán, tôi lại tưởng mình là con bé 9, 10 tuổi ngày nào bu quanh chiếc đơm nhìn ba gỡ cá. Nhà tôi ngày đó nằm bên bờ một con mương, mùa mưa nước lớn chảy mạnh thành một dòng suối nhỏ. Ngày đó không điện, không ti vi, niềm vui của con nít quê tụi tôi lúc đó mỗi khi mưa xuống là ra suối cắm câu, hay đơn giản là lội phá tạt nước nhau cho ướt quần áo làm vui. Những ngày mưa này, ba sẽ mua một chiếc đơm đan bằng tre, đặt ngược dòng nước chảy. Ba nói cá sẽ bơi ngược dòng nước lên đẻ trứng. Sáng sớm ba dậy ra gỡ đơm đem về. Ba gỡ cá ra khỏi đơm trong cái nhìn thích thú của mấy chị em tôi. Lũ cá này sẽ được mẹ làm sạch, nướng lên rồi kho với gừng, nghệ. Bữa cơm gạo mới trắng thơm với cá đồng là những bữa cơm ngon tuyệt mà hương vị dường như còn theo tôi mãi đến giờ.
Nhà tôi nuôi bò nên ba thường ra đồng cắt cỏ. Ngày ấy, thuốc bảo vệ thực vật chưa được dùng nhiều và chim chóc cũng còn nhiều lắm. Chúng về làm tổ trên bờ cỏ và đẻ trứng. Có lúc ba gặp được một tổ trứng cút và đem về cho mấy đứa con. Ba thường vào nhà thật nhẹ nhàng, giấu bọc trứng phía sau rồi làm cho chúng tôi bất ngờ thích thú. Ba tôi có nụ cười thật hiền lành với ánh mắt lấp lánh. Bây giờ mỗi lần nhớ về ba, trong tôi lại là một nỗi xót xa và tiếc nuối những ngày thơ dại ấy.
Góc quê là gian bếp của má, nơi gắn liền với một thời tuổi thơ tuy kham khổ mà ấm áp của chúng tôi. Gian bếp nhỏ bé chất đầy củi mà ba má chặt từ những khoảnh rừng nhỏ ở những ngọn đồi không xa nhà lắm và cả những cành lá khô trong vườn. Mùa mưa, củi ẩm, gian bếp mù mịt khói. Vậy mà những món canh rau cá thịt đơn sơ mà mẹ nấu bao giờ cũng thu hút chúng tôi. Có lẽ ngày đó trẻ con chịu khổ quen nên không đòi hỏi, nhà lại nhiều con nên ăn gì cũng thấy ngon. Khói bếp làm cay xè đôi mắt, làm mắt má đỏ bừng vì mồ hôi mà nụ cười vẫn thật ấm áp thân thương. Má có lẽ cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, chỉ cần nhìn chồng con ăn ngon miệng là thấy vui rồi.
Cánh đồng lúa mênh mông xanh rì nằm lọt thỏm giữa núi đồi nơi tôi lớn đã nhuộm thắm một vùng ký ức tươi nguyên. Nơi ấy, tôi có những ngày theo má ra đồng tập cấy, tập làm cỏ, tập làm những công việc nhà nông. Nắng chói chang làm bỏng rát lưng, làm nước bên dưới ruộng như cũng như được nấu dở. Những ngày ra đồng cùng má tôi hiểu thêm những vất vả của một người mẹ nông dân gánh trên vai trách nhiệm nuôi đàn con ăn học. Má hay nói tụi tôi ráng học, có như vậy thì khổ mấy má cũng ráng được.
Trên cánh đồng ấy, tôi cũng đã có những niềm vui cùng bạn bè. Mùa nghỉ hè là mùa mưa. Những thửa ruộng lúa xanh xăm xắp nước tràn bờ. Cứ chiều chiều, chúng tôi lại dạo quanh tìm những chỗ đất tơi xốp để đào trùn, móc vào lưỡi câu rồi đi cắm theo bờ ruộng lúa. Chúng tôi tụ tập ở một chỗ đất trống nào đó tán gẫu hoặc vào vườn hái ổi, mận ăn chờ cá cắn câu. Cầm chiếc cần câu nằng nặng vì một con cá dại dột nào đó đã ham mồi cắn câu thật là thú vị biết bao. Thường thì chúng tôi chỉ bắt được vài con cá còn nghich phá vui chơi là chính. Cá bắt được có khi đem về cho má nấu canh chua hoặc đốt rơm nướng ăn trong một sự thích thú không tả nổi. Có những lúc chúng tôi rủ nhau đi xa hơn, tìm những mô đất cao giữa đồng lật tìm bắt dế, bắt châu chấu bỏ vào lon cùng với mấy cọng cỏ non để nuôi. Trẻ con thật ngây thơ và dại dột, để rồi lại buồn thiu khi những con dế, châu chấu ấy không sống được nữa.
Góc quê của tôi là con đường đi học rợp mát bóng cây, thoang thoảng mùi hoa lài, hoa ngâu hay nồng nàn mùi hoa cà phê mỗi sớm. Tôi nhớ những bạn bè của tôi đã phải dậy sớm tưới rau, cắt cỏ cho bò rồi chạy vội trên đường đến lớp. Tôi nhớ ngôi trường đơn sơ nằm trên một khoảnh đất rộng có thể nhìn thấy cánh đồng mênh mông ở phía xa xa. Tôi nhớ những cây phượng to trước sân trường tán xòe đan vào nhau mỗi mùa hè đến lại dệt một tấm thảm đỏ giữa trời xanh. Chúng tôi đã nhặt những cánh phượng rơi làm thành những chú bướm xinh xinh ướp vào những trang lưu bút tặng nhau. Tôi nhớ những thầy cô giáo quê xa đến ở trong khu tập thể trường trong điều kiện khó khăn tạm bợ mà luôn hết lòng dạy dỗ cho chúng tôi để giờ đây những đứa trò quê năm nào có thể bước vào cuộc sống dễ dàng hơn.
Góc quê, biết bao điều để thương để nhớ, bao điều không thể nào tìm lại được nữa, là nơi bình yên cho tâm hồn ta tìm về nghỉ ngơi khi mệt nhọc!
Nguyễn Thị Thúy Ái
-
Tôi luôn muốn mình được tìm về với vị quê xưa, ấy là những lúc mệt mỏi hay buồn phiền...cũng có đôi khi ngay cả những lúc đang vui vẻ hay hạnh phúc cũng vậy. Vị quê xưa luôn khiến tôi thấy được sự dễ chịu...thư thái trong tâm hồn. Tôi muốn tựa lòng mình vào đó để được cảm nhận sự ấm áp, gần gũi, cảm nhận cả yêu thương ấy của một thời đã xa...
Ngày ấy, tuổi thơ của tôi chạy dài, những ngày vui bước sải với bạn bè cùng trang lứa trên con đường làng quê thân thương quen thuộc. Hay đôi khi trên triền đê nơi con sông Luộc êm đềm chảy qua. Giấc mơ của tôi cũng thật giản dị như bao đứa trẻ của làng quê ngày ấy, nơi tôi đã từng lớn lên...
Nơi giấc mơ tôi thơm mùi rơm rạ, thơm mùi lúa mới, thơm cả những giọt nắng vàng. Nơi giấc mơ mênh mang...lang thang như mây, bồng bềnh phiêu du, dềnh gió ngây trời. Nơi giấc mơ được cõng trên cánh diều tuổi thơ vi vu, ngân nga, ngân nga hồn quê êm dịu...Hương của đêm, hương cỏ triền đê, mùi của phù sa, mùi hương cỏ mật. Mọi thứ rất đỗi ngọt ngào, khẽ quyện lại rồi hoà với ánh trăng thanh thấm đẫm cả không gian, gieo vào tâm hồn tôi một thứ vị rất riêng, VỊ QUÊ...
Tôi không biết đối với người khác thì thế nào? Nhưng tôi tin, bất cứ ai đã từng sinh ra hay lớn lên ở những miền quê thì không thể nào quên được những mùi hương, hay vị quê của một thời đã nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng cả tuổi thơ của mình. Cho dù là ai, cho dù làm gì, cho dù ở đâu thì trái tim vẫn luôn hướng về quê hương, về nguồn cội. Nơi dòng sữa mẹ nuôi ta khôn lớn, nơi dòng máu nóng luôn chảy về tim...
Tôi thèm được trở về là một cậu bé con ngày nào. Khi bình minh thức giấc với tiếng chim kêu ở vườn sau nhà, trước nhà, tiếng những chú gà con chiếp chiếp gọi mẹ chạy theo kiếm ăn... Quên làm sao được những sớm mai thức dậy, hoa cau ngát hương dìu dịu, hoa bưởi nồng nàn dìu dặt đưa hương cùng với ánh ban mai tràn ngập ngoài ngõ, ngoài sân. Nơi khu vườn rộng xanh ngát, biết bao cây ăn quả cứ âm thầm toả hương theo từng mùa, từng tháng...
Tôi muốn được hít hà thật sâu hương vị quê xưa ấy, dịu dàng thôi, nhưng rất đỗi thân thương. Đi đâu bây giờ mới thấy được vị hương quê đấy, khi đang sống nơi thành phố với những bộn bề lo toan, với những thứ xuôi ngược, ngược xuôi, bon chen, xô bồ ầm ĩ...
Tôi thèm được hít một hơi thật sâu. Muốn nghe được thấy cả tiếng đung đưa của tàu lá cau, lá dừa cọ vào thân cây loà xoà mơ màng trong nắng, khi mỗi lần cơn gió nhẹ nhàng thổi tới...Tôi thèm được thấy mùa đông về, thèm được thấy bà tôi gầy guộc khom người ngồi co ro bên bếp lửa, chẳng thể rời xa căn bếp ấm mùa đông. Nơi tro tàn trấu ủ, phảng phất làn khói cay nồng đượm, hương vị quê tuổi thơ tôi. Tôi thèm được ăn lại những củ khoai tây nướng của bà vào mỗi sáng mùa đông lúc tôi chuẩn bị đến trường, mùi khoai cứ hoài thơm phức. Tôi thèm nghe thấy tiếng gió bấc ngoài hiên ào ào thổi. Muốn được thêm một lần cảm nhận sự ấm áp yêu thương vỗ về của bà, của mẹ trong những ngày đông lạnh xưa qua...
Tôi thèm được thấy bà tôi nhiều lần nữa, nơi mỗi chiều về hoang hoải triền đê, nơi mải mê đồng xa rã rời thân cò cõng nắng. Nơi dáng bà tôi hoà mình bên từng gốc rạ, vấn vít nắng thơm, ngái nồng của rơm khi mưa về ngập nước.Tôi thấy mình như đi lạc giữa thực, giữa hư, giữa chiêm bao, để chạy ào vào cơn mơ...mong muốn mình bé nhỏ, để hong khô một tâm hồn. Cần lắm những trưa hè êm ả nơi miền quê xưa. Để nghe được lời thì thào của cơn gió như thầm mách bảo, những đoá sen hồng nhạt nơi giữa hồ cũng đang lặng lẽ tỏa hương...
Tôi nhớ lắm mùi sắn của bà, nhớ mùi của khoai, tôi nhớ cả hương lúa sữa còn vương nơi áo bà, áo mẹ... Ơi dòng sông quê luôn chở nặng vị phù sa, nơi mùi khói đồng đốt rơm làm cay cả mắt đàn cò cõng nắng. Nơi quê tôi mặn mà tới cả từng hạt gạo bát cơm, nơi nhỏ những giọt mồ hôi trên đồng của bà, của mẹ.
Quê hương ơi...Tôi còn nợ những buổi chiều đi mót khoai đồng xa, thấy được mùi nồng ngai ngái dâng lên của đất. Còn nợ những ngày theo ông ra đồng đi cày, vương bùn bám gót vẫn còn tanh. Còn nợ cả vầng trăng non đang lên bên ngoài ô cửa nhỏ...Nợ nhiều lắm quê hương ơi..! Quê hương ơi...Tôi còn nợ thêm cả những ngày bắt cào cào châu chấu, nợ những ngày nghễu nghện lưng trâu chơi trò trận giả...Nợ cả những ngày rét về run run trong mắt...khi giờ đây đã vắng mãi đi tiếng thân thương của bà...HƯƠNG VỊ QUÊ XƯA ấy đã in đậm trong ký ức, trong tâm hồn tôi. Những lúc mệt mỏi, hay buồn phiền, chính là lúc tôi muốn được tìm về. Như thể xoa dịu đi, như thể hong khô được một tâm hồn giống cậu bé con ngày nào rất cần những trưa hè êm ả. Cần tâm hồn bay bổng như cánh diều, đôi khi ngay cả trong mơ, cánh chuồn chuồn ấy vẫn bay lượn quanh mặt ao quê thuở nào...
Tôi muốn được thấy mùi khói bếp của bà ngày nào, còn vương vương nắng thơm nồng mùi rạ. Tôi muốn mình được hít hà thứ rơm thơm cùng nắng đấy, hít hà những món ăn dân dã ấy của bà cứ ngon mãi trong lòng tôi.
Vâng, chỉ có quê hương là cho tôi được yên bình, chỉ có quê hương cho tôi được giản dị, mộc mạc, rất đỗi thân quen. Bởi, chỉ có quê hương mới cho tôi nhìn thấy được vầng trăng sáng nhất, nơi đêm khuya nghe được cả tiếng côn trùng rỉ rả ca khúc hát quen thuộc từ ngàn năm...
Lê Minh -
Dù không hẹn, nhưng mỗi năm tôi vẫn muốn mình được trở về quê hương, muốn được vịn vào rêu phong cổ kính của làng, nơi bóng thời gian sẫm màu in lên đấy. Muốn được nghe hồn mình mênh mang cùng hồn quê êm dịu, muốn được ngắm nhìn sắc đỏ như mặt trời trong chiếc mũ của thời gian đang trùm lên cây gạo tháng ba nơi triền đê khi chiều về.
Tôi nghĩ, bất cứ ai đi xa, hay phải xa quê cũng rất nhớ, rất yêu quê hương, yêu như chính cuộc đời của mình vậy. Tôi thích đi dọc sông Hồng thăm các ngôi làng cổ ven sông, đặc biệt tháng ba, tôi rất thích nhìn hoa gạo nở. Cứ mỗi năm đến tháng này, thì tôi cứ nhớ màu ấy, sắc ấy một nét rất đặc biệt ở miền Bắc mà đi đâu cũng thấy. Hoa gạo, một loài hoa còn có tên thật mĩ miều, đó là hoa pơ lang, hay còn gọi là hoa mộc miên.
Ngày nhỏ, khi nghe người ta nhắc đến hoa gạo, tôi không biết đó là hoa gì, trong lòng thầm nghĩ, chắc có lẽ là một loài cây cho ra những hạt gạo mà bà nội thường nấu cơm mỗi ngày cho mình ăn chăng? Tôi đã đem lòng thắc mắc cây gạo cho ra những hạt gạo về nói với bà. Bà bỏm bẻm vừa nhai trầu vừa nói. Cha bố con, cây hoa gạo làm sao mà cho ra gạo được hả con, là cây gạo thôi con. Nhưng cây gạo, cây đa là cây để giữ làng, là cây cho ta bóng mát, là cây để người trong làng có đi đâu xa, cây sẽ nhắc nhớ cho ta trở về với làng xóm con à! Chưa chịu dừng lại ở đó, tôi vẫn tiếp tục ngây ngô hỏi. Sao người ta lại đặt tên là cây gạo hả bà, cho dù không cho ra những hạt gạo? Rồi bà lại nói. Đó là một truyền thuyết của đôi trai gái về tình yêu thuỷ chung của họ. Màu đỏ rực của hoa gạo chính là từ cô gái hoá thân mà thành. Để mỗi khi nhìn ngắm chàng trai luôn thấy người yêu mình đẹp trong rực rỡ, trong yêu thương…
Nhớ lần tôi cùng bà đi qua sân đình nhìn những bông hoa gạo xoay tròn trong không gian rồi rơi xuống, tôi thích thú reo lên khi hứng được vào lòng bàn tay của mình một bông. Nhìn bông hoa đỏ rực năm cánh đầy kiêu hãnh tôi tự hỏi, phải chăng hoa thật trân quý nhiều nên mới được người đời đặt tên là hoa gạo.
Hoa gạo tuy không mềm mại như hoa sưa, thơm ngát như hoa bưởi, nhẹ nhàng thanh thoát như hoa sen, nhưng lại rất đỗi gần gũi và là biểu tượng cho làng quê đất Việt. Cây gạo còn được ví như người nông dân hiền lành, chất phác, rắn rỏi, kiên cường chịu thương chịu khó.“Tháng Ba hoa gạo gọi hè
Lập loè lửa đỏ đường quê đầu làng
Xa lâu gặp lại ngỡ ngàng
Ai mang lửa đỏ vãi ngang lưng trời...”Khi mùa hoa gạo nở khoác lên trên mình màu đỏ rực mà người ta vẫn thường ví von như những hòn than, ngọn lửa từ trên trời rơi xuống nhân gian. Dẫu mang trong mình một câu nói cửa miệng của người đời. “Thần cây đa ma cây gạo.” Nhưng bất kỳ ai có dịp chìm đắm trong khung cảnh màu hoa gạo đỏ rực cả một góc trời, thì câu nói ấy cũng theo gió thoảng mây bay. Cứ mỗi lần tôi trở về quê hương vào đúng tháng này, tôi lại đi khắp nơi tìm tới khắp chỗ ngắm loài hoa ấy thật lâu. Tôi ngẩn người bởi cái rễ ăn sâu vào lòng đất, cái thân thẳng băng đầy gai nhọn như một vũ khí lợi hại của mình thách thức trước phong ba bão táp hay sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trên cành chi chít từng chùm hoa đỏ, mỗi khi có một cơn gió thoảng qua, đặc biệt là cơn gió mạnh ùa tới, hoa gạo lìa cành xoay tròn như chong chóng trong không gian rồi mới rơi xuống đất. Cảm xúc lúc này không reo oà như tuổi thơ khi tôi bắt gặp hoa gạo rụng nữa, có chút gì đó tiếc nuối, xen lẫn bâng khuâng, trong mơ hồ…Bởi, bông hoa gạo rực rỡ năm cánh nhỏ ấy lặng lẽ rơi trên thảm cỏ, nhưng biết giấu cả niềm đau vào cánh đỏ đầy yêu thương của mình…
Ta bỗng gặp chiều nay hoa gạo nở
Thắm đỏ một mầu như trái tim ta
Nhớ Hà Nội ngày đó lúc chia xa...
Cánh hoa ấy chợt bừng lên khi nở
Đỏ niềm tin như hy vọng tình ta
Hoa gạo ơi em chẳng chút kiêu sa
Nhưng sưởi ấm lòng người trong lạnh giá
Cùng với sưa , hoa bưởi của tháng ba
Em thổi hồn vào đất trời dìu dịu...
Để lòng ta say đắm tháng ba yêu
(HÀ NỘI MÙA HOA GẠO của Lê Minh)Có những lúc mệt mỏi, hay buồn phiền là lúc thấy lòng rất muốn được trở về với con đê yên bình, với thảm cỏ xanh, với những sợi nắng trong veo cùng hoa gạo rạo rực thắp lên nỗi khát khao cháy bỏng. Để được dang rộng cánh tay, bay cao lên trong khát vọng của yên bình, của yêu thương...
Con người ta mỗi khi nhớ quê hương, nhớ làng, có lẽ chính sắc đỏ của hoa gạo đã là một phần trong cuộc sống để ta gom hoài niệm, ký ức tuổi thơ đẹp đẽ cho riêng mình. Dẫu biết hoa gạo nở rồi lại rụng theo quy luật muôn đời, nhưng vẫn thấy nhói lòng, muốn được nhìn thấy hoa gạo nở mỗi năm để như được nhìn thấy yêu thương ở lại. Những lúc như thế tôi lại muốn mình thầm gọi, bà ơi..!
Không biết cây gạo có còn kịp nở hoa cùng với sự thay đổi của làng quê không? Bây giờ, giờ này miền Bắc hoa gạo đang chuẩn bị nở rồi, nhớ sao! Muốn được trở về mà lại chưa thể. Vậy là lỡ một mùa hoa gạo nữa trong tôi.
Dù không hẹn, nhưng mỗi năm tôi vẫn muốn mình được trở về quê hương, muốn được vịn vào rêu phong cổ kính của làng, nơi bóng thời gian sẫm màu in lên đấy. Muốn được nghe hồn mình mênh mang cùng hồn quê êm dịu, muốn được ngắm nhìn sắc đỏ như mặt trời trong chiếc mũ của thời gian đang trùm lên cây gạo tháng Ba nơi triền đê khi chiều về.
Ta ngả đầu vào tháng ba vời vợi...Ngồi tựa lưng vào chiều nhìn ngắm những mùa xuân đi...
Lê Minh
-
Những đứa con xa quê, xa rất lâu rồi, lòng ăm ắp những kỉ niệm với quê hương có bao giờ tự hỏi một ngày nào đó khi trở lại, vẫn là mảnh đất này, vẫn khung trời này nhưng chẳng thể "chạm" vào tận cùng của nỗi nhớ. Không dễ gì có được nỗi nhớ tiềm ẩn, in sâu, day dứt, thấp thỏm. Vậy là khi trở lại vẫn khôn nguôi những cảm giác thiếu hụt, trống rỗng khó tả trong lòng. Có thể lý giải được không nỗi niềm của người con xa quê, xa những tuổi thơ, tuổi thanh xuân đằng đẵng.
Tôi dùng từ "chạm" bởi không còn là mường tượng, không còn là hình dung nữa. Nó hiện hữu, nó đặc trưng, nó in đậm trong tâm trí và khi trở về, có lẽ bất cứ một chi tiết nhỏ, một va quệt nhỏ, một thanh âm nhỏ cũng làm bùng lên nỗi nhớ khôn nguôi, gợi lên tiếng lòng tha thiết. Và thật thiếu khi không thể "chạm" vào tận cùng của mong ngóng, của mơ quê. Về tới dòng sông, vẫn là lở bồi, sóng vẫn vỗ miên man, dạt dào nhưng đâu rồi con đò cập bến. Có bao nhiêu chuyến đã chở người đi xa, xa mãi mà không hẹn ngày gặp lại. Bên cây cầu, dòng người cứ thế lướt thật nhanh, họ đi qua nhau với bao bề bộn. Về tới đầu làng, hình bóng cây đa cổ thụ xa xưa đâu thấy. Bóng tre cũng khuất, cánh cò cũng khuất. Rêu phong ư đã xa ngái lâu rồi.
Cái chạm đầu tiên, có lẽ là cái chạm của bước chân trần. Nhưng kìa, đó không còn là đường đất, đường làng ghép gạch. Đó là đường bê tông, đường nhựa đã phẳng lì. Chạm ư, sẽ không thể cảm nhận được cái mát lạnh của gan bàn chân, cũng không thể thấy được cái râm ran của sỏi đá, của gai tre lần nào đó xây xước. Và rồi, chẳng thể lấm lem để ra bờ cỏ, bên mảnh ao làng gột rửa. Khẽ chạm mặt nước, những bóng hình loang xa. Đôi chân muốn khỏa nước, khuấy nước vòng vòng. Kia rồi, bên cây cầu có con kênh chạy qua. Tôi nhớ, những ngày mưa rào, dòng nước chảy xiết, khi mưa tạnh lũ trẻ chúng tôi hay ra đây nhìn những vòng xoáy nước. Tôi bứt lá, bứt cỏ lề đường ném xuống, theo xoáy nước mọi thứ bị cuốn trôi sâu đến tận cùng. Rồi khi không còn những vòng xoáy nữa, tôi men theo bờ tìm những mảng cỏ cây bị vùi dập trôi xa. Thật cứ ngỡ, vòng đời như vòng xoáy nước, cứ cuốn người ta đi mãi xa rồi trả lại những dung hình chẳng còn nguyên sơ, trọn vẹn. Xoáy càng nhiều, xoáy càng sâu càng mất hút. Có đôi khi trôi dạt nơi nào không còn tìm thấy nữa. Và ít nhiều đã hao hụt, đã bầm dập, mất mát một chút những thanh âm trong trẻo của tâm hồn.
Tôi ngó hai bên đường, đâu những hàng dâm bụt, gai mây, đâu những bụi dây mơ, bòng bong quyện lấy cong gù ngọn tre rủ xuống. Ôi những bụi tơ hồng, những sợi tầm gửi đang lan rộng phủ lấp cả màu xanh. Chả trách được vì chúng cứ quấn, cứ bám, cứ bện chặt vào nhau trú ngụ, sinh sôi. Ấy thế mà vẫn không thể bám hết, những khoảng xanh còn lại của bụi tre cứ rậm rì, tươi tốt. Tươi như những tháng năm có tôi, có bọn trẻ đến đó bẻ vin cành, kéo sợi dây dài chơi nhảy dây, chơi que mốt, que mai. Thà cứ bám mãi với nhau được như thế để con đường chẳng mất đi màu xanh, chẳng mất đi hi vọng.
Tôi về đến ngõ, những hàng cây Xanh Táo chẳng còn. Tôi nhớ những lần bẻ đốt Xanh Táo cắm gai Bòng (Bưởi) ném xuống nền đất như những mũi tên bay. Xanh táo như là đặc trưng của những con ngõ nhỏ quê tôi thuở ấy, chúng cứ mọc lên xanh tốt, thỉnh thoảng cha tôi lấy kéo tỉa bằng như những khối lập phương nối dài. Rồi nữa, muốn chạm khoảnh sân gạch thóc lúa đổ đầy sân. Hạt nào đã phơi phong còn sót lại ở những khe hẹp đã nẩy mạ. Chỉ cần chạm vào đất, vào nước là bật rễ, nảy mầm. Mùa cứ về ăm ắp đầy đường làng ngõ xóm. Rạ rơm chất đống ngợp một góc trời. Muốn chạm lấy mùa, chạm lấy nụ cười thập thò phủ rơm chơi trốn tìm dưới trăng. Chạm để thấy cái mùi ngai ngái mỗi sớm tinh sương, từng mảng rơm chưa phơi chồng lên nhau mà ủ ấm. Thế rồi một ngày nắng to thôi, là hao ngót, là hao gầy, chỉ còn lại mỏng manh. Những mỏng manh ấy lại đượm lửa, thổi lửa, cháy hồn mình quyện với ngô khoai, cám gạo. Thơm lắm, phảng phất mãi những làn khói quyện ở chái bếp, hiên sau.
Tôi muốn chạm vào bậu cửa. Muốn vấp lại, ngã nhào mà chẳng còn để va vấp. Cái bậu cửa ấy tuổi thơ tôi bước qua, bước lại. Níu chân tôi những câu hát à ơi. Ngọt ngào lắm, tha thiết lắm tiếng bà, tiếng mẹ. Bồn chồn day dứt tiếng con mọt cứ cót két, cọt kẹt kêu trong cánh cửa. Và khi tôi bước ra khoảng trời bao la, tôi vùng vẫy thì giờ đây sao chạm được vào ngưỡng cửa đầu đời ấy nữa. Tôi muốn ngồi khoanh đùi trên tấm phản đặt giữa nhà. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng điếu cày lọc cọc. Mùi khói thuốc ấm lại những hôm gió mùa hun hút thổi. Về mà rúc vào lòng cha, ngửa cổ lên trần nhà nghe rạ rơm mái nhà gió quấn. Con mèo cũng ngơ ngác kiếm tìm, cứ đi lại quanh quẩn cọ vào người . Hình như nó cảm nhận được những hơi thở bình yên. Nó muốn lim dim, nó muốn cuộn tròn. Ánh đèn dầu ấm lắm, thắp ngọn lửa nhỏ bé sáng gian nhà đơn sơ. Thấy ấm áp lạ thường.
Tôi muốn chạm khu vườn tuổi thơ. Những góc vườn cỏ cây đã ngập lối xanh tốt, che đi mưa nắng, che đi gió giông. Vết chân bé nhỏ hôm nào đã mất dấu không còn nữa. Những cây na, cây mít, cây bưởi, cây ổi lúc lỉu trĩu cành... góc này, góc kia đâu rồi. Dường như mất dấu, dường như khó định hình. Lũ chim chuyền trên ngọn cau cao biết đấy, ngó đầu xuống chắc muốn nói gì đó. Nhưng thôi, quy luật tự nhiên mà. Sẽ có những cây tiếp tục lớn lên và những cây lụi tàn. Khu vườn vẫn rộng, chỉ là khó nghe hơn tiếng thì thầm của lá, của hoa. Bước chân ra giếng, muốn vục lấy mảnh trăng trôi mà táp, mà xoa lên mặt. Trong ngần nước, mát lạnh tinh khôi. Chỉ một tiếng gầu vỗ vào đáy giếng có lẽ sẽ làm thức tỉnh khuôn mặt già cỗi, ngái ngủ, làm thức tỉnh khuôn mặt của thời gian. Cứ thế, bên thành giếng, rêu xanh nào bám lấy mà bao phủ, mềm mại, nôn nao.
Để rồi những mong mỏi vỡ òa khi cố chạm lấy những bóng hình đã đi xa. Tôi chưa một lần biết mặt ông nội, chỉ nghe bà nội kể lại cháu có khuôn mặt, nụ cười giống ông. Hình ảnh ông vẹn nguyên trong tim tôi dù chưa một lần chạm tới. Và muốn lắm một lần nữa bà ngồi trầm tư xưa cũ, nhai miếng trầu bỏm bẻm mà thầm thĩ, mà thì thào. Bà vẫn hay nhặt nhạnh củi khô góc vườn, bà vẫn lom khom chống gậy đi lại trước sân nhà, bà vẫn quét lá dồn vào một góc, bà vẫn lụi cụi nhóm lửa, thổi cơm. Cháu về đây, bắc cây thang hái lá trầu xanh cho bà, bẻ một bẹ cau quả dày bánh tẻ. Quệt chút vôi để bà têm miếng trầu, ngồi thong thả đếm thời gian. Chìa đôi tay dắt bà đi lại. Thèm được sờ chiếc áo nâu trầm, thèm được nhìn thấy ánh mắt bà trìu mến, thiết tha. Bóng bà cứ thế mờ ảo, giờ bà đã hóa khói sương.
Tất cả kí ức thật dễ dàng vỡ vụn khi tôi không đủ chạm vào từng hơi thở, từng giọng nói, tiếng cười. Cũng may, những gốc cây còn lại sau vườn vẫn bao dung mà im lặng. Có khi, chỉ cây chứng kiến cặn kẽ những sự đổi thay. Nếu giả định tôi chạm được tất cả dung hình đó chắc gì tôi đã nhớ cồn cào, cháy bỏng đến thế. Tôi chỉ biết, tôi muốn chạm ngay cả trong giấc mơ, ngay cả khi đi xa, ngay cả khi trở lại. Và rồi cứ thế, cứ mãi gói gém "chạm" làm hành trang trên bước đường đã, đang, và sẽ mãi mãi sau này.
Dương Thắng
-
Áo dài,chính là thể hiện sự trân quý và tôn trọng nét đẹp của văn hóa Việt Nam ta, đây cũng là Quốc phục đáng tự hào của dân tộc Việt. Từ xưa đến nay, đã có không ít nhà thơ đưa tà áo dài đi vào văn thơ, vào nhạc họa để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam ta.
Tôi là một cô gái xứ Việt, khi được mặc lên mình chiếc áo dài tôi rất vui và thấy mình xinh đẹp tươi tắn. Bước chân ra đường nhìn những người con gái khác cũng mặc áo dài như tôi thì tôi càng nhận ra một điều, hình ảnh tà áo dài đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Áo dài được thiết kế để tôn trọng vẻ đẹp dịu dàng và thanh cao nhưng không kém phần tinh tế của người con gái Việt. Ngày nay, không chỉ những người lớn tuổi mà các các bạn gái trẻ cũng rất thích mặc áo dài để chụp ảnh, sau đó là đăng chúng lên mạng xã hội kèm theo các dòng viết về áo dài hay và ý nghĩa.
Áo dài nhìn trông thấy một nét dịu hiền tôn vinh dáng người em. Dù cho áo dài mang bất kể màu sắc nào cũng đem lại cho em một nét duyên dáng và thướt tha. Khi đi qua những anh chàng tôi mỉm cười và thầm nghĩ với nét áo dài này mình sẽ khiến các anh không quên và luôn nhớ vì tấm áo dài thướt tha sẽ khiến người anh thương nhớ thật là thướt tha.
Áo dài với hai tà thướt tha, nhìn khiến cho trời đất cũng nổi cơn ghen bởi trong cơn gió khiến hai tà áo phấp phới càng khiến chị em trở nên đẹp hơn. Áo dài lại rất hợp với nón lá và làn xách tay. Nhìn các bạn mặc áo dài đội theo vành nón lá tay đeo làn xách tay tôi thấy càng thân thương hiền dịu biết bao nhiêu. Từ ấn tượng đó mỗi khi mặc áo dài tôi luôn không quên mang theo chiếc nón lá và chiếc làn. Trong suốt một cuộc đời người con gái nào cũng mặc lên mình nhiều màu tà áo dài nhưng tôi tin chẳng người con gái nào ấn tượng màu và khó quên màu tà áo dài trắng thời học trò. Đây là màu áo tinh khôi thanh tú cũng là màu áo dài đầu tiên người con gái khoác lên mình.
Trong ngày lễ, tết, dịp hội có thể bạn mặc rất nhiều màu áo. Nhưng điều đặc biệt nhất khi bạn mặc bước vào cuộc đời là màu áo dài đỏ, đó là màu áo ngày bạn hạnh phúc nhất khi được người bạn yêu thương nắm tay vào đời. Tôi đi qua con phố nhiều hàng cây nhưng tôi lại đứng dưới gốc cây bằng lăng tím. Đứng dưới đây tôi nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ trôi qua như một cơn mưa chỉ đọng lại trong tôi những kỷ niệm của một thời áo dài trắng ngây ngô, nông nỗi. Những lời yêu tôi âm thầm viết vội, dưới ngăn bàn tôi chẳng dám gửi trao tay.
Là một người con gái Việt Nam tôi càng tự hào hơn khi được khoác lên mình chiếc áo dài...đây là nét truyền thống, văn hoá con người thiêng liêng xứ xở quê tôi. Dù ai xa quê hương tôi tin họ không xa được hình ảnh áo dài trong tim và trong nỗi nhớ họ. Tôi thấy tim mình rung động khi nghĩ về chiếc áo dài, bước chân vào nghệ thuật văn thơ, tôi thấy mình là người con gái may mắn và tôi cố gắng sáng tác lại hình ảnh chiếc áo dài với bóng dáng đẹp trong chiều quê tôi. Tôi gắng viết nhưng áo dài đẹp lắm...và thật sự nhiều cảm xúc trong đầu tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ về đề tài không chỉ những câu chữ yêu thương say đắm mà là cả tình yêu trong tim tôi về chiếc áo dài truyền thống quê hương.
Quê hương còn rất nhiều truyền thống, các nét đẹp văn hoá nghệ thuật được nảy ra rất nhiều và nhanh, nhưng là người dân Việt tôi mong mọi người luôn cảm nhận những nét đẹp văn hoá quê hương từ máu tủy người dân Việt Nam ta. Vậy chúng ta đừng bỏ rơi tà áo... Các chị em phụ nữ như tôi hãy cùng tôi hiểu rằng thời gian trôi nhanh đời người qua cũng nhanh nhưng chúng ta hãy luôn khoác lên mình chiếc áo dài trong các ngày lễ, tết...hoặc có thể dạo phố với áo dài trong chiều gió mà không ngần ngại. Đừng chị em nào nghĩ mình xấu...theo tôi nhìn thấy không chị em nào xấu đâu, ai cũng đẹp lắm dưới bóng tà áo dài dưới phố. Tôi thấy người con gái Việt mặc chiếc áo dài có thần thái đặc biệt được gói gọn trong ba chữ: đẹp duyên dáng. Đó là vẻ đẹp chỉ người phụ nữ Việt mặc áo dài mới có.
Mềm mại, dịu dàng vương cánh áo.
Mảnh mai, duyên dáng đậu bờ vai.
Hồng thắm mơ hiền môi mông mọng.
Trắng trong mộng đẹp má hây hây.
Chợt nghĩ áo dài nên thơ…Tà áo dài đã gắn liền với hình ảnh của phụ nữ Việt từ bao đời nay, cho tới bây giờ áo dài gần như đã trở thành món đồ ‘quốc dân’ mà cả người Việt lẫn du khách nước ngoài đều yêu thích. Ta có thể nhìn thấy vô vài những bài stt áo dài cực kỳ thú vị được đăng tải, đồng thời thấy được sự trân trọng của thế hệ trẻ dành cho bộ Quốc phục độc đáo này.
Tác giả: Phương Uyên
-
Tháng tư về cõng theo từng hạt nắng vàng ươm. Khẽ khựng lại đôi chút bên khu vườn đầy hương hoa cỏ dại, trong lòng tôi bỗng chốc rộn ràng. Ngoài kia đó, những cành đào, cành mai đã bắt đầu tắt nụ, chỉ còn sót lại vài ba nhánh lộc tàn xuân. Tiếng chàng tu hú gọi nàng hè sao mà nghe da diết. Tiếng sương mai gọi ngọn cỏ bồi hồi.
Hàng cau ba trồng đã trải qua dăm mùa thay yếm. Vậy mà, mỗi độ hoa bung vẫn sẽ đều toả hương quanh xóm, quanh làng. Từng cánh hoa trong trắng, nhỏ xinh cứ nép mình không lỡ hé như cô gái tuổi mười lăm đầy e ấp, dịu dàng. Khi hoa tàn thì cũng là lúc những trái cau xanh non vươn mình thế chỗ. Vào một ngày đẹp trời nào đó, những trái cau kia sẽ được bày trí lộng lẫy, trang hoàng trong “đám cưới trên đường quê” rực rỡ.
Hương quê quện trong gió thoảng, chẳng xồng xộc như nước hoa của pháp, cũng chẳng đậm đà như tinh chất đubai. Nhưng lại khiến cho ta say, ta mê, ta nhớ nhung chộn rộn. Hương quê lẫn trong bãi lúa, bờ dâu. Lẫn trong làn khói lam chiều bay bay mờ ảo. Lẫn trong loài hoa cỏ bợ mọc ven bờ, trong từng mớ rau hay trong búi rong riềng tím biếc. Từng gầu nước mẹ múc dưới giếng nước sân đình, dẫu chẳng mùi chẳng vị nhưng vẫn ngọt ngào, say đắm lòng ai.
Hương quê, hoà vào từng câu hát ru à ơi à mẹ hát “à à ơi…tối qua tát nước sân đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”. Chẳng phải là hương sen nồng nàn, ấm áp đây sao? Chẳng phải là vị quê quyện vào từng đôi khau sòng mẹ tát, từng tiếng hò, tiếng hát nơi sân đình cổ kính đây sao?
Hương quê, hoà cả vào tiếng chày giã gạo thâu đêm. Tiếng cuốc kêu đau lòng dạ con mà khóc. Tiếng chão tràng day dứt, nỉ non. Tiếng đàn ve trưa hè lột xác, tiếng đàn bò gọi bạn xa xa.
Rồi kia, từng bông hoa xoan tím biếc, cứ là là ý chừng như muốn hạ mình xuống rồi lại gắng bay lên, từng nụ, từng bông cứ lún phún, lún phún như những nọn tuyết non đầu mùa đông vậy. Chẳng toả hương ngan ngát nhưng cũng đủ mê đắm lòng người. Tím cả bầu trời, tím cả ước mơ của những người con xa quê lập nghiệp.
Có phải, vì chút hương quê thanh khiết dịu dàng mà dẫu ai đó có đi xa trăm xóm, nghìn làng thì cũng đều mong muốn quay về để hít hà cho thoả. Có phải, vì chút vị quê núp mình trong gió thoảng, ẩn mình trong gói bánh rong mẹ gói mà dẫu ai đó có biền biệt xứ người thì cũng đều khắc khoải, bồi hồi, ngóng mong từng giây phút đoàn viên. Rồi có phải, vì bông lúa, bông cau mà lòng ai đó vẫn luôn đau đáu nhớ thương về nơi gọi là “cố hương”.
Phải rồi. Quê hương mà. “Quê hương là chùm khế ngọt, là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau”. Là con đường tuổi thơ tung tăng tới lớp, là nhánh sông cùng đám bạn tập bơi. Là khoảng không gian chú gà trống đỏ kiếm ăn quanh vườn. Là đôi mẹt bà bưng ra chợ bán. Là tiếng gõ thước đều đều văng vẳng của ông giáo trường làng.
Chẳng phải bỗng dưng mà lại có những nỗi nhớ gọi tên là da diết, cồn cào. Bởi, không thương không nhớ sao được nguồn nước ngọt ngào nơi quê mẹ nuôi ta lớn. Càng quyến luyến hơn những luỹ tre làng xanh ngát triền đê. Bịn rịn lắm mùi hương quê trong bánh chưng, bánh tét. Lại yêu thêm một chút hương cốm đầu mùa.
Quê Hương hai chữ thân thương kể sao cho mà hết. Chỉ biết rằng, dẫu có bôn ba xa xứ, lìa làng thì tất thảy đều sẽ chẳng thể nào quên một nơi trốn thiêng liêng gọi là “một thoáng hương quê” trong tiềm thức.
Sưu tầm
-
Khi đất trời nói lời thì thầm từ nồng nàn của gió và từ nhẹ nhàng của hương cỏ, như có ai níu mùa xuân xuống để tóc ta khẽ bồng bềnh, lòng ta thêm xao xuyến. Trong bâng khuâng ta khẽ cất lên câu hát...
Thế rồi một ngày ta thức giấc, khẽ mở mắt ra nhìn trời đã cao và xanh trong ánh mắt. Ta nghe mơn man hơi thở của đất trời, để thấy rằng khoảnh khắc mùa xuân đang đến rất gần...Những đám mây sáng, trắng bạc, dường như cũng đang kéo hết về, không còn phải lang thang ngủ vờ, ngủ vật, mải vui lãng quên ở một góc trời nào đó.
Trên hàng cây, tiếng sẻ ríu rít gọi bầy, ngàn cây đang dần xanh, không còn ủ rũ buồn bã như những buổi chiều đông giá lạnh, khẳng khiu, trầm mặc. Đây đó cũng đã rộ lên biết bao nhiêu màu sắc của hoa, của lá, tất cả đều rạng rỡ với sắc vàng của ánh ban mai đang tràn ngập về...
Bên hàng rào đám dã quỳ đã nở hoa, hàng dâm bụt đỏ thắm, gió không thôi miên man bên những chậu phong lan, đùa giỡn đến cả những đám hoa cúc rạng tươi, bên những cành đào đang chúm chím khoe ngàn nụ biếc sắp bung nở dưới hiên thềm nhà...
Người người, xe xe hối hả, những âm thanh vui tai của một ngày mới. Trên không trung đàn én đang chao nghiêng... Tất cả đã xua tan hẳn đi mùa đông già cỗi. Không còn tiếng gió ù ù buốt tai, không còn tiếng gió trong hoang vu hiu hắt, khi đông đã rời đi, chẳng bỏ quên gót mùa...
Hàng cây quyện gió hát lời thì thào, ta cứ tha thiết ngắm bầu trời xanh. Xuân về thật rồi! Tết đến thật gần, rất gần rồi! Tất cả như đang đưa ta trở về Tết của ngày xưa, ngày ta còn ông bà, bố mẹ, những người thân của ta. Nhớ lắm Tết của ngày xa xưa...
Màu ve xanh được quét lại những căn phòng, màu vàng nhạt được tô điểm lại nơi chiếc cổng mà ta hằng đứng tựa vào đó ngóng mẹ đi chợ về... Gần như tất cả tường nhà được quét vôi mới lại. Những vật dụng được sửa sang, được dọn dẹp, được lau chùi kỹ càng để chuẩn bị đón Tết. Ta ngửi được mùi hương trầm ngay sau khi mẹ lau chùi bàn thờ tổ tiên, bắt đầu thắp những nén nhang đầu tiên bên mâm ngũ quả được bày biện đầy đủ.
MÙI TẾT! Ta đột nhiên khẽ reo lên trong lòng đầy thích thú. Nhìn ra ngoài sân, bố và các chú của ta đang quây quần ngồi ở giữa sân gói bánh. Những chiếc bánh chưng màu xanh thẫm của lá dong dần vuông vức khi được buộc chặt lại bởi những chiếc lạt mềm. Những chiếc giò cũng được buộc chặt dưới bàn tay của bà. Âm thanh vui tươi hoà lẫn với tiếng cười của những người thân ấy cứ in dần, in dần vào tâm trí, vào tâm hồn ta. Chiều ba mươi rộn ràng đón Tết như thế.
Chiều về, mọi thứ đã gần xong, ta lại ngồi bên bếp lửa to đợi nồi bánh chưng xanh. Tiếng lửa reo vui, tiếng lách tách của củi, tiếng xèo xèo của nồi bánh đã sôi, vài giọt nước khẽ rớt xuống bếp. Những làn khói mờ bay cay xè con mắt đang háo hức. Mùi thơm của nắm lá mùi già, bao giờ mẹ cũng thả vào trong chậu nước trên nóc nồi bánh để cả nhà cùng tắm sẽ rất thơm. Mẹ nói, như vậy sẽ luôn mang lại may mắn trong năm mới. Hương lá mùi già cũng là thứ gợi nhớ cho ta tới hương của Tết.
Lòng khẽ quyện vào đêm khi bầu trời đen đặc xít lại...Ta chợt tỉnh khi pháo giao thừa nổ khắp nơi nơi. Nhà nhà, người người, tiếng reo hò, tiếng nổ đì đùng chói tai. Tiếng chớp sáng của pháo cùng với mùi khói đặc lại trong không gian khiến mắt ta cay xè. Nhưng lại vẫn muốn hít một hơi thật sâu để cảm nhận Tết thực sự đã về...
Trong hương Tết, có mùi thơm của pháo nổ, có hương trầm mẹ thắp, có mùi bánh chưng thơm phức mùi lá dong xanh, có nước mùi già mẹ nấu, có mùi hoa đào, hoa cúc, lay ơn...Có mùi thơm bánh mứt, có tiếng cười của bà, của bố mẹ. Tiếng râm ran của các em ta lăng xăng, xuôi ngược, vui vẻ, cười đùa đang xúng xính xinh xắn trong bộ quần áo mới.
Đi ra ngoài thấy hương khói bếp nhà nhà lan ra từ những ngõ nhỏ, thấy hương Tết nồng nàn đang lan tỏa từ hương sắc các loài hoa... Tất cả những mùi hương ấy phải chăng là mùi chung của Tết? Ta đang nghe từng giọt xuân rất trong đang rót nhẹ nhàng êm ái bên tai...
Cứ mỗi độ Xuân về lòng ta lại bồi hồi nhớ, bồi hồi thương... Thèm lắm, ước mong được đón Tết sum vầy bên gia đình, có đủ đầy ông bà, cha mẹ, bên những người thân của mình. Tết sẽ thật đầm ấm, thật vui tươi...
Ta muốn được ngả lòng mình vào mùa xuân quê hương... Muốn được hít hà mùi hương hoa ngày Tết, mùi bánh chưng xanh, hương nước mùi già mẹ nấu chiều ba mươi. Muốn được hong ấm tâm hồn của một người con hơn nửa đời lưu lạc nơi xứ người. Để biết rằng con đã về đến bên mẹ, mẹ ơi...
Con muốn được thấy lại hương Tết quê xưa…
Lê Minh
-
Bao ngày tháng lưu lạc nơi xứ người cũng là bấy nhiêu năm trong tôi luôn đau đáu về quê nhà. Nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi có ngôi nhà vách đất mái tranh chứa chan kỉ niệm, đầy ắp yêu thương. Nơi mà mãi mãi dang rộng vòng tay, tha thứ cho mọi lỗi lầm của những đứa con đã từ bỏ quê hương mà đi.
Còn nhớ, lúc thuở ấu thơ, mỗi ngày mẹ tôi thức dậy thật sớm nhóm lửa bằng bếp củi nấu cháo bữa sáng cho chị em tôi ăn lót dạ đến trường, còn mẹ thì nhịn đói quảy đôi quang gánh ra đồng. Quanh năm bà luôn giành lấy về mình những phần nhọc nhằn, kham khổ, nhường cho chị em tôi những gì tinh tươm nhất. Trước mặt chúng tôi bà chẳng lúc nào để nỗi buồn bộc lộ ra bên ngoài, luôn giấu kín những chuyện không vui trong lòng. Một mình mẹ âm thầm chịu đựng. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, bà mới trải lòng mình ra cùng với sương gió mong manh, trải lòng mình ra cùng với nỗi nhớ về bố, trải lòng mình ra với nỗi quắt quay về cái ăn cái mặc cho đàn con thơ dại. Và lúc đó bất chợt tôi thức dậy, đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc và bà vội xoá đi những giọt nước mắt nhưng không kịp vì trên gương mặt phúc hậu, khắc khổ, một đời làm lũ vì con đan dày những vết hằn vô tình của thời gian.
Nghe mẹ kể lại, bố tôi hi sinh trong một cuộc phản kích quyết liệt với địch trên đường Trường Sơn. Lúc đó tôi chưa đầy 2 tuổi. Cho nên những kỉ niệm về bố rất mờ nhạt, hầu như không có và tôi cũng không hình dung được ông là người như thế nào. Tôi chỉ biết bố qua lời kể đầy tự hào, đầy tình yêu thương của mẹ đối với bố và qua một vài tấm hình đen trắng mà bà đã cẩn thận cất giữ. Khi tôi hỏi, bà nói bố tôi là một người hoà đồng, hiền lành. Ông là người làng trên, bà là người làng dưới. Nhà ai cũng nghèo, mến thương nhau ở cái tình và bà thương ông ở một điểm nữa đó là trong ông có một tình yêu nước nồng nàn. Ba tôi có nước da rám nắng, nụ cười rất tươi, thương yêu vợ con hết mực.
Ông ra đi để lại mẹ tôi với 5 đứa con nheo nhóc. Ông hi sinh để lại một nỗi đau, một cú sốc quá lớn cho mẹ tôi nhưng cũng là niềm tự hào, niềm hãnh diện rất lớn cho gia đình vì ông đã chiến đấu anh dũng quên thân mình vì Tổ quốc. Trong nhà, tấm bằng khen Tổ quốc ghi công được mẹ tôi treo ở nơi trang trọng nhất. Bà luôn lấy những chiến công, việc làm và hình ảnh của bố tôi ra làm gương để răn dạy chị em tôi, sống sao không thẹn với lòng, với gia đình, với làng xóm, với Tổ quốc.
Bây giờ tôi đã có một gia đình riêng nhỏ. Một người vợ hiền và 2 đứa con ngoan, học giỏi. Khi tôi được làm bố, tôi mới thấu hiểu hết được nỗi lòng của một người làm cha làm mẹ. Tôi yêu thương những đứa con của tôi như thế nào thì lúc xưa bố mẹ tôi cũng yêu thương chị em tôi như vậy. Tôi đi làm kể cả những ngày trong người đang dún bệnh, vì sợ nghỉ một ngày thì sẽ mất một công làm. Tôi mong muốn kiếm thật nhiều tiền để lo cho con cái ăn học đầy đủ, sao cho con mình không thua kém bạn bè. Tôi nghĩ đời ông bà, bố mẹ nó đã khổ nhiều rồi nên tôi phải cố gắng hết sức để đời con mình cốt sao cho cuộc sống được tốt hơn. Bao tình thương tôi dồn hết vào con, vào gia đình.
Sau bao nhiêu năm lang thang phiêu bạc rày đây mai đó. Giờ trở về đứng trên chính mảnh đất, ngôi nhà mà mình đã sinh ra, lớn lên, tôi ngỡ mình đang nằm mơ. Tôi dí dí mấy ngón chân len lõi xuống từng hạt cát, lúc này tôi nghe trong trái tim mình tràn đầy những vết xước, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn man mác, một niềm hạnh phúc khó nói thành lời. Hình ảnh ngày xưa, chị em quây quần bên mẹ, bên mâm cơm chỉ toàn rau là rau. Lâu lâu được vài con cá rô, cá sặc mùa đồng ngập nước mà mẹ băng lội khuya sớm nhọc nhằn nhưng đầm ấm, yêu thương. Và tự dưng trong sống mũi tôi nóng ran cay nồng.
Hoàng hôn buông từng tia nắng yếu ớt vàng vọt thấp thoáng len qua bụi tre già sau hè thoảng gió rì rào. Và văng vẳng tiếng đàn gà con chao chát tìm mẹ khi bóng đêm đổ dài từng vạt lạnh lùng. Lần trở về này, tôi cầu mong bố mẹ tha thứ cho thằng con ngỗ nghịch đã bỏ đi để cửa nhà quạnh quẽ, mẹ mong ngóng mỏi mòn, biền biệt hơn 20 năm lưu lạc tha phương. Để nói lên từ sau đây lòng: “Con xin lỗi bố mẹ. Bố mẹ hãy tha thứ đứa con bất hiếu này.”.
Tôi quắt quay trong từng tiếng gào của gió, của xác lá rơi. Tôi giờ nghĩ lại sao tôi quá vô tâm, khi không hỏi han an ủi khi thấy mẹ khóc. Bố mất sớm, tôi không giúp đỡ mẹ những công việc mà lại để một mình mẹ tảo tần ngày nắng đêm sương. Ngày ngày mẹ luôn dạy bảo điều hay lẽ phải, nuôi nấng chị em tôi nên người. Vậy mà chỉ một phút bồng bột, nông nổi, tôi đã nghe lời bạn bè xấu rủ rê ăn chơi đàng đúm. Mẹ biết chuyện lựa lời yêu thương khuyên bảo đủ điều, giận quá mẹ đánh tôi một roi, đây là lần đầu tiên mẹ đánh tôi. Tôi không những không nghe mà còn quay ra cãi lại, trách cứ và bỏ nhà đi biệt. Giờ này tôi rất ân hận, tôi quỳ bên mộ phần bố mẹ mong thời gian quay lại.
Nguyễn Hữu Phú