Top 10 Tản văn viết về người lính hay nhất
Hình ảnh người lính trong chiến đấu luôn là một đề tài bất tận của văn, thơ kháng chiến, mỗi một thời kì người lính lại toát lên những vẻ đẹp khác nhau. Hôm ... xem thêm...nay hãy cùng Toplist khám phá một số bài tản văn viết về người lính hay nhất dưới đây để hiểu hơn nhé.
-
Đã hơn 30 năm, liệu mùa xuân cũng có về qua đảo để mang được sắc thắm của hoa đào và rực rỡ của hoa mai.
Trường Sa ơi..! Có bao giờ Trường Sa được yên ả, có nơi nào luôn đón bão giông ngay từ lòng biển, có nơi nào lòng người cũng nổi sóng như những người lính Trường Sa.
Đảo Trường Sa ngẩng lên là trời, nhìn xuống là nước, bước xuống cũng là nước giữa Đại Dương biển cả mênh mông bao la...Có bao giờ Tổ Quốc ta quặn lòng thương nhớ biển?! Biển ngàn đời hoá tâm hồn mà dựng sóng. Biển đau thương sẽ dựng sóng vì ai? Biển ngàn đời chở che, biển ngàn đời bao dung, biển ngàn đời ôm ấp, ôm đảo vào lòng để Tổ Quốc tựa lưng... để nảy mầm tình yêu quê hương trên cát mặn, đau đáu sóng trào, biển xao động mỗi hoàng hôn...
Hơn 30 năm đã trôi qua, ký ức về những câu chuyện nơi đảo Trường Sa và hình ảnh người cha già vẫn in đậm trong trái tim tôi. Bố tôi là đảo trưởng đảo Trường Sa, bố hay kể cho anh em chúng tôi nghe về những câu chuyện ở đảo, anh em chúng tôi yên lặng nghe như nuốt từng lời của bố vậy. Những câu chuyện tưởng chừng như chỉ có ở trong phim ảnh, nó cuốn hút anh em chúng tôi lắm! Quanh năm chỉ có nắng và gió biển làm bạn. Ban ngày thì rất nóng như thiêu, như đốt, những người lính nơi đây da ai cũng sạm đen lại vì nắng nóng, Bố tôi cũng không ngoại lệ.
Bố tôi trông già hơn tuổi nhiều, nhìn gương mặt gầy và khắc khổ của bố, mẹ tôi, anh em chúng tôi rất thương Bố. Môi trường khắc nghiệt, ăn không đủ no, tuy là thời bình như vậy, nhưng hầu như cái gì cũng thiếu thốn. Thiếu thốn nhất là rau xanh (vì ở đây tăng gia không được) kế tiếp là nước ngọt (ở đó nước dùng gọi là nước ngọt) và thuốc men các loại. Một tháng mới có tầu chở lương thực và nước tới, bố tôi bảo thế. Nước dùng trong sinh hoạt phải tiết kiệm, bất cứ cái gì cũng không được lãng phí. Khổ nhất ở đây nếu như có ai bị ốm. Từ đất liền ra đảo ít nhất hai ngày, đấy là lúc sóng yên biển lặng, còn nếu không thì thật là vất vả.
Kỷ luật quân đội ở đây rất cao. Một lần có anh lính mới chưa hiểu chuyện, do thiếu thốn quá, đã bắt một con chim Hải âu để làm thịt. Bị phát hiện, anh lính đó đã bị tạm giam 15 ngày. “Luật” ở đảo là như vậy. Kỷ luật rất khắt khe, nhờ vậy những người lính nơi đây được tôi luyện trong thời bình hết sức nghiêm túc, công phu, luôn chấp hành mệnh lệnh khi có lệnh. Hằng ngày, ngày nào cũng vậy, ngoài luyện tập chiến thuật, phòng thủ, võ thuật, mỗi người lính phải bơi một ngày ít nhất 15 km. Họ có thể ở lâu dưới nước đến cả ngày. Tập bằng cách khi họ được tầu đưa ra xa rồi tự bơi vào đảo. bố tôi nói như vậy, nên bất kỳ ai cũng bơi rất giỏi.
Luyện tập như vậy, những người lính nơi đây lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác. Sống và luyện tập khổ cực, nhưng chính họ lại là những người lính vui tính, đầy lãng mạn. Họ ca hát khi có thời gian rảnh, còn làm thơ. Những đêm trăng sáng, tiếng sóng biển rì rào ....chỉ có mây trời, gió mát vi vu ...Đảo và những người lính hoà vào tiếng hát tạo thành một giai điệu rất đẹp về TRƯỜNG SA THÂN YÊU!
Lãng mạn là vậy, nhưng khi Tổ Quốc cần thì chính họ lại là những người lính có ý chí thép, tinh thần sắt đá, trái tim đầy nhiệt huyết của lứa tuổi hai mươi. Những bức thư là cầu nối giữa người lính nơi đảo xa và hậu phương, nơi gia đình, người thân của họ.
Sau này được mẹ tôi cho đọc lại những bức thư mà mẹ viết cho bố, đọc của bố viết cho mẹ. Hồi đấy tình yêu chủ yếu chỉ là thư từ, nhưng sao lãng mạn và đẹp vậy. Những câu nói tình yêu mà họ dành cho nhau khiến tôi là con mà vẫn “ghen tị.”....“Chiều chiều, khi hoàng hôn buông dần trên đảo ... cũng là lúc Hải âu bay về tổ, lòng anh có nghĩ và nhớ tới em không...?” Đằng sau tấm ảnh hai người chụp chung, mẹ tôi còn viết “giữ trọn lời thề thuỷ chung “.
Những người lính nơi đây họ rất đoàn kết, như anh em một nhà. Bố tôi kể có lần bố hay mẹ của một anh em chiến sĩ trong đơn vị bị ốm nặng rồi mất. Mấy anh em trong đơn vị quyên góp tiền (kể cả Bố tôi) đưa cho anh lính đó về phép. Tình cảm của họ ở nơi đây thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng cái chết, nguy hiểm nơi đây luôn rình rập, khiến họ không thể ngơi bất kỳ một giây phút nào, luôn luôn phải cảnh giác ở mức cao nhất. Bố còn kể rất nhiều lần bắt được biệt kích của địch. Không chỉ có chiến lợi phẩm, còn có cả ... vàng nữa. Tôi nói, sao Bố không lấy một ít về? Nhà mình nghèo thế cơ mà! Giọng tôi dài ra ... đầy oán trách. Lúc đó tôi thương mẹ nhiều lắm! Cái gì Mẹ cũng phải lo, phải làm hết. Một mình mẹ tôi chăm sóc ba đứa con từ bé đến lớn (Ông bà thì ở xa), không giúp mẹ tôi được, mẹ tôi thật vất vả. Hai năm bố tôi mới được về phép thăm nhà, mỗi lần như vậy chỉ được một tháng.
Khi tôi nói tại sao Bố không lấy? Bố ôn tồn nói “của Thiên lại trả Địa thôi con ạ!“. Tôi vẫn không chịu xuôi theo câu nói của Bố tôi, lúc đó là năm 1982. Tôi khoảng 14 tuổi. Trong suy nghĩ của tôi, bố tôi làm trưởng đảo Trường Sa rất oách, chúng tôi phải được sống thoải mái mới đúng, nhưng sự thật thì không phải vậy. Đúng là suy nghĩ của một đứa chưa lớn. Thời gian trôi ... anh em chúng tôi cứ thế lớn lên như vậy, trong sự vất vả của mẹ, tất cả vì Tổ Quốc của bố mà bố cống hiến và hy sinh hết mình cùng với các chiến sỹ ở đảo, ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Và đỉnh điểm là ngày 14/3 năm 1988 Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm đảo Gạc Ma, trong trận thủy chiến năm đó, Tầu chiến của họ được trang bị pháo và tên lửa, hai tầu HQ 603 và HQ604 bị địch bắn chìm, 64 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh...
Những người lính Trường Sa đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, họ hy sinh khi đang ôm trọn lá cờ của Tổ Quốc, máu của họ đã nhuốm thêm thắm mầu cờ Việt Nam. Các anh đã dâng hiến tuổi hai mươi cho Tổ Quốc vì bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh. Biển Trường Sa đã mặn thêm vì máu, muối Trường Sa đắng lòng trong nỗi cô đơn...
Ta muốn vén mây để tìm lại một khoảng trời, nơi các anh canh giữ bình yên cho đảo. Ta muốn rẽ biển đưa thân xác các anh về được cõi vô tận, nơi mở ra chỉ có yêu thương ở đời...Chúng ta mãi không thể nào quên được nỗi đau mà quân Trung Quốc cũng như người Trung Quốc đã gây ra cho chúng ta. Bố tôi đã phải chứng kiến những người lính của mình, mới hôm qua thôi, vừa ăn cơm với nhau, nói cười .... Thế mà hôm nay máu của họ đã đổ, người đã lạnh rồi ...
Bố tôi không còn nữa ... Bố tôi đã mất cách đây 20 năm. Hồi đó khi Bố kể lại chuyện ở Gạc Ma, giọng bố tôi khàn lại, buồn và trầm, mắt như nhìn vê nơi xa xăm, lần ấy tôi nghĩ là lần bố tôi buồn nhất. Năm 1988 bố tôi giữ chức vụ trung tá, trưởng lữ đoàn trưởng 146 vùng 4 hải quân, trưởng đảo Trường Sa, trưởng đảo Sinh Tồn.
Bố về hưu được mấy năm, thì năm 2000 ông mất. Cũng là ảnh hưởng của những cuộc chiến, mang trong mình trọng bệnh, cả đời Bố tôi đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc của mình. Chúng tôi, những người con của bố, có quyền tự hào về người bố của mình, cả đời hy sinh, cả đời sống liêm khiết. Giờ đây, có điều gì liên quan đến Biển Đảo, đến Tổ Quốc, là lòng tôi lại càng nhớ đến bố mình nhiều hơn...
Hơn 30 năm đã trôi qua... liệu mùa xuân cũng có về qua đảo, để mang được sắc thắm của hoa đào, rực rỡ của hoa mai...Tôi nhớ đến Trường Sa, nơi có những hạt mưa hiếm hoi, nơi có những ngọn muống biển vẫn âm thầm vươn ra tới tận mép nước, nơi Trường Sa như là một pháo đài sừng sững mà kiên trung giữa biển Đông.
Lê Minh
-
Anh!
Hôm nay, ngày cuối cùng bên anh trên mảnh đất quê nhà, em muốn cầm bút để những dòng chữ này theo bước anh đi. Anh sẽ mang nó như mang em trên suốt chặng đường dài. Để rồi, sang đến bên kia biên giới, có một lúc nào đó chợt tìm thấy nó trong quyển vở này, anh hãy coi đó là niềm an ủi đầu tiên trong những ngày đầu xa người thân yêu".Đó là đoạn mở đầu bức thư tôi xếp dưới đáy ba lô của anh trong ngày tiễn anh lên đường sang nước bạn Campuchia. Và chuyện tình của anh lính quân y với cô giáo trẻ có lẽ cũng khởi đầu từ một bức thư.
Ngày đó anh đang học năm thứ tư trường Đại học quân y (Học viện quân y bây giờ). Tôi và đứa em con cậu cùng tuổi thường hay mè nheo anh kể chuyện trường, chuyện viện... mỗi khi anh tới chơi. Anh nói nghỉ hè ra chỗ anh chơi, anh sẽ mượn cho 2 đứa 2 cái áo blu và đưa chúng tôi đi khắp viện. Rồi lời hứa chưa được thực thi thì tôi nhận quyết định lên dạy học ở huyện miền núi Lục Ngạn, cách nhà gần trăm cây số. Sau khi đến trường và ổn định, tôi viết thư cáo lỗi với anh. Thư qua thư lại, rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Thế là mỗi lần về nhà, tôi lại đạp xe 30km ra chỗ anh. Lần đầu tôi bị các anh trong cùng tiểu đội trêu: "Em là em gái anh Đồng à? Anh ấy không biết em ra hay sao mà lại vừa đi chơi với bạn gái rồi". Tôi bình thản đáp:
-Không sao, em chờ anh ấy về ạ.
- Đi với bạn gái thì chả biết đến tối có về không nữa.
- Tối em cũng chờ được...
Mấy anh lính trẻ nháy nhau: cô bé này rắn ghê.
Tôi cùng các anh ăn bữa cơm của lính, chả biết có phải các anh báo cơm khách hay không mà tươm ra phết. Buổi tối, anh đưa tôi đi xem phim. Có hôm 2 đứa đi chơi dưới hàng cây sau làng Xa La. Dưới ánh trăng thanh, tôi ngồi bên anh líu lo kể chuyện trường, chuyện lớp. Có những khi cả 2 im lặng tận hưởng cái không khí mát dịu, êm đềm. Hàng cây xạc xào trong gió, tiếng côn trùng rả rích gọi bạn, làn gió nhẹ vuốt ve làn tóc mềm... tất cả như đồng lõa chở che cho đôi trẻ đang rộn ràng đôi tim hòa chung nhịp đập. Rồi anh đưa tôi về nhà khách, mắc màn cho tôi, dặn tôi đóng cửa, còn anh quay về tiểu đội. Mấy anh lính trẻ ngạc nhiên: "Sao không ngủ đấy lại về?" Anh ngượng nghịu gãi đầu: "Ai lại thế..."
Có những ngày nghỉ cuối tuần, anh đạp xe hơn trăm cây số lên trường thăm tôi. Mấy chị em khu lẻ bọn tôi thết anh bằng bữa cơm nhà giáo: lạc rang, đậu rán, rau luộc. Anh dạy tôi và Cự hát bài "Ngày mai anh lên đường". Giọng anh khỏe và sáng hòa cùng giọng hát của hai cô giáo trẻ vang cả khu trường làm mấy đứa trẻ trong xóm lóc nhóc địu em chạy ra cổ vũ. Có ai ngờ đó lại chính là bài hát định mệnh cho cuộc tình của chúng tôi. Những ca từ da diết, tình cảm và thật sâu lắng. "...Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường. Gửi lại em yêu dấu cả khoảng trời thành phố lung linh ngàn vì sao sáng trên đường hành quân diệt thù... Bàn tay em xây ngôi trường, bàn tay em gieo lúa vàng, gửi tình lên biên giới cả khoảng trời rừng núi lung linh và trong xanh với bao người bạn thân tâm tình. Như hoa phong lan chờ đợi, mưa nắng không phai tàn..."
Cứ thế, những cánh thư và những lần qua lại kéo dài 2 năm thì anh ra trường, và đám cưới của chúng tôi diễn ra vào một ngày đẹp trời mùa thu 1981. Đám cưới đơn giản của anh bộ đội và chị giáo viên miền núi tưởng chẳng có gì giản đơn hơn thế. Cô dâu mặc quần lụa đen, áo sơ mi màu hoa cà được chú rể đón bằng chiếc xe đạp cũ trên quãng đường gần chục km. Phòng tân hôn là ngôi nhà tranh 3 gian được quây bằng gạch non (gạch không đủ lửa) xếp chồng lên nhau. Hôm sau anh đưa tôi lên trường vì tôi chỉ được nghỉ có 3 ngày. Chưa kịp quen hơi bén tiếng 2 tuần thì anh đã nhận lệnh đi K (chiến trường Campuchia). Bàng hoàng, hẫng hụt, xót xa... Nhưng nước mắt của người vợ trẻ chẳng thể níu chân người chiến sĩ. Nghĩa vụ, trách nhiệm và kỉ luật quân đội cũng không cho phép anh ở lại.
9 năm bên nước bạn với 4 lần về phép, chúng tôi cũng kịp sinh 2 đứa con đủ nếp tẻ. Tình yêu lãng mạn được dần thay thế bằng trách nhiệm và bổn phận của người mẹ, người vợ, người con "làm dâu không chồng". Có ngọt ngào, có đắng cay, có tủi hờn, chua xót trong những đêm cô lạnh. Nhưng trên tất cả là tình yêu và niềm tin chúng tôi dành cho nhau. Những cánh thư không biên giới đã nối liền và lấp đầy khoảng cách xa xăm. Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện trường, chuyện nhà, chuyện đơn vị. Động viên an ủi nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, cái khắc nghiệt của chiến trường bom đạn. Và nhất là cái ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, khi không thể phân biệt được đâu là dân, đâu là Ponpot. Nhớ nhà, nhớ vợ con, anh đều gom vào những con chữ cho thư, và cho thơ. Một tập thơ anh viết cho tôi đầy kín quyển sổ dày tự đóng. Trong đó có bài viết về tháng sinh nhật của 2 đứa (cả 2 chúng tôi đều sinh tháng tư, cách nhau có 4 ngày):
Sàm rông trời nóng như rang
Cháy khô lá cỏ, đốt vàng lá cây
Bầu trời không một bóng mây
Gió vung tay ném cát bay ngang trời...Áo xanh bạc trắng mồ hôi
Căn phòng yên lặng anh ngồi ghi thư
Yêu sao cái nắng tháng tư
Tháng mà 2 đứa mình từ đó ra
Ngày sinh anh chẳng có quà
Gửi em nỗi nhớ cách xa dặm trường...Tháng tư là tháng yêu thương
Nắng thì mặc nắng, đừng buồn nghe em.
(THÁNG 4 Ở SÀM RÔNG- Khắc Đồng)Và sau 9 năm, tôi đón anh về nguyên vẹn trong niềm vui vỡ òa của ngày đoàn tụ. Anh cười rạng rỡ trong bộ quân phục màu xanh, vai áo lấp lánh quân hàm thiếu tá. Trong khi đồng đội anh có người đã nằm lại mãi mãi, có người gửi lại một phần xương máu của mình. Có lẽ niềm tin và tình yêu đã giúp chúng tôi đủ sức vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thời gian...
Sau này khi đã nghỉ hưu, anh liên lạc được với đồng đội của đơn vị cũ và cũng 2 lần đưa tôi trở lại thăm chiến trường xưa. Đón chúng tôi là tướng Nixo Van, ủy viên bch Đảng NDCM Campuchia, giám đốc viện TW quân đội, phó cục trưởng tổng cục hậu cần quân đội ND Campuchia, và các đồng đội của anh. Tôi cứ ngỡ ngàng khi một vị tướng đương nhiệm lại có thể bỏ thời gian và công sức ra đưa một anh đại tá về hưu đi thăm thú khắp các danh lam thắng cảnh của nước bạn. Đặc biệt là đưa chúng tôi về thăm bệnh xá của đơn vị cũ, nay đã là bệnh viện tỉnh Xiemriep. Đất nước Campuchia xinh đẹp đã hồi sinh kì diệu sau thảm họa diệt chủng của bè lũ Ponpot. Giây phút chia tay ở sân bay Phnompenh biết bao xúc động và bùi ngùi trong những cái ôm và nắm tay xiết chặt, tôi nhớ mãi cái câu tướng Van đã nói: "Đất nước và nhân dân chúng tôi mãi biết ơn những cống hiến vô điều kiện của quân tình nguyện và đất nước Việt Nam dành cho chúng tôi. Mãi mãi... không bao giờ quên".
Thoắt cái đã 40 năm làm vợ lính, và hơn chục năm làm mẹ lính (các con tôi cũng bước tiếp con đường của bố chúng). Nhìn lại tôi cảm thấy tự hào và may mắn khi có được cuộc sống hôm nay: chưa thật đủ đầy nhưng cũng không hề thiếu thốn. Có người hỏi tôi rằng: "Làm vợ lính rồi có hối hận không em?". Tôi mỉm cười trả lời: "Không hề hối hận".
Trần Tĩnh -
Bố tôi năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm. Mái tóc mới lấm tấm điểm vài sợi bạc, nước da vẫn rắn rỏi, giọng nói sang sảng, nhất là khuôn mặt lúc nào cũng ánh lên vẻ hoạt bát, vui tươi. Được thế, phần vì nay anh em tôi đều đã trưởng thành, con cái đề huề, điều kiện đủ đầy, bố mẹ chẳng còn phải chạy ăn từng bữa như xưa; nhưng phần lớn là vì bố vẫn còn giữ được chất lính với nhiều phẩm chất, thói quen tốt.
Thời trai trẻ, bố tích cực tham gia đoàn dân công huyện đi xây dựng hệ thống kênh mương, đắp đê sông Mã. Tiếp đó, bố tham gia quân ngũ từ năm 1973, từng là anh giải phóng quân trực tiếp tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kỷ vật một thời hào hùng của bố còn lại duy nhất đến giờ là tấm ảnh đen trắng đã sờn màu trong bộ đồ quân ngũ bố chụp khi hãy còn rất trẻ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để anh em tôi cảm mến, kính yêu bố rất nhiều.
Hòa bình lập lại, bố trở về với ngôi làng nhỏ ven đồng, với ruộng vườn, ao cá, luống cày quen thuộc. Đời lính đã tôi luyện cho bố tinh thần quyết tâm “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Bởi vậy, về với thời bình, bố vẫn như một anh lính kiên cường, chẳng ngại khó khăn, gian khổ. Ngoài tay cày tay cuốc, bố còn ngược xuôi bán buôn, mùa nào thức nấy. Tuổi thơ anh em tôi vì thế được no cơm ấm áo. Chúng tôi như trái bầu trái bí cứ thế lớn lên trong tình thương yêu của mẹ và nỗi nhọc nhằn của bố.
Cuộc sống bươn chải vất vả là thế, vậy nhưng bố khi nào cũng phơi phới tinh thần lạc quan, tự hào chẳng khác một anh lính trẻ năm nào vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Bố từng bảo: “Nhìn cảnh máu đổ nơi chiến trường, rồi bao nhiêu cảnh chia ly tang tóc trong chiến tranh mới thấy chỉ cần được sống trong hòa bình thế này đã là quý lắm rồi”. Bố còn bảo: “Thời của bố, đẹp nhất là được xông pha nơi chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Còn thời của các con bây giờ, phải học hành đàng hoàng, làm việc cho tốt. Mình cứ cố gắng hết sức thì mọi việc sẽ ổn cả thôi!”.
Sống giữa thời bình, dù cảnh nhà không còn khốn khó như trước, vậy mà bố vẫn giữ nếp sống giản dị của một người lính. Món ăn, bố chẳng cần cầu kỳ, miễn là được ăn cơm nhà với mấy mẹ con. Nhà cửa cũng chẳng cần cao sang, miễn là rộng rãi, thoáng mát. Đặc biệt, thường ngày, bố rất thích mặc bộ đồ quân ngũ, đội chiếc mũ cối. Bố bảo, những đồ dùng này vừa bền, vừa đẹp, trông lại rất gần gũi, thân thiện. Nhưng thực ra tôi biết, vì quá gắn bó, quá yêu đời lính nên bố mới thích thế.
Riêng thói quen sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp của bố thì khỏi cần phải nói, cũng y như trong môi trường quân đội. Từ nhà cửa cho đến sân vườn, lúc nào cũng được bố quét dọn. Chăn màn ngủ dậy bố gấp vuông vắn đặt nơi đầu giường. Khăn mặt lau xong là được giặt phơi, gấp đều hai bên. Đồ đạc trong nhà luôn được sắp đặt đúng nơi đúng chỗ. Bố còn giữ cả thói quen dậy sớm tập thể dục... Lúc còn nhỏ, anh em tôi nhiều khi cảm thấy khó chịu bởi tính nguyên tắc của bố, làm gì không đến nơi đến chốn là kiểu gì cũng bị bố nhắc nhở.
Bố là thế, dù cuộc sống có đổi thay thế nào vẫn luôn vững chãi, lạc quan. Yêu chất lính trong con người của bố, anh em tôi càng yêu hơn hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ.
Tác giả: Thu Đình
-
Khi đã là một chàng trai biết mộng mơ, mỗi khi tháng Ba về, lòng tôi lại nôn nao thổn thức và không thể không nhớ tới những câu thơ dung dị nhưng sâu lắng trong bài “Mùa hoa bưởi” của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng: "Chẳng phải vô tình em nhớ tháng Ba/Nhớ về anh, nhớ về hoa bưởi/Cánh hoa rơi lòng em bối rối/Chút hương thầm làng bãi lan xa...".
Tháng Ba về, cái lạnh còn lẩn khuất đâu đây vẫn quấn vào da thịt, thổi bay những mái tóc, những chiếc áo khoác vội. Tháng Ba thật nên thơ, thật trữ tình và luôn ăm ắp kỷ niệm với những ai luôn mộng mơ, đa cảm....
Tháng Ba lại về với những giọt nắng vàng tươi như dòng mật ngọt. Nắng sà vào lòng người cho ta cảm nhận được sự tinh khôi, hiền dịu. Tháng Ba vừa bước ra khỏi cái nồng ẩm của giêng hai, cái rét mướt của mùa Đông lạnh giá để bừng lên sức sống diệu kỳ. Cả đất trời, không gian bỗng như thức giấc, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc. Cuộc sống vạn vật trở lại nhịp hoan ca.
Tháng Ba lại về mang theo biết bao ước mơ, khát vọng trong niềm hân hoan đón chào của tuổi trẻ Việt Nam. Tháng Ba- tháng của niềm tin và hy vọng, của những hoạt động thắm đượm tình người. Tháng Ba- tháng của sự nhiệt huyết, của những trái tim luôn khát khao cống hiến… Và ở đâu đó vẫn còn rất nhiều người bằng nhiều cách khác nhau để ví tháng Ba bằng những hình ảnh, những tên gọi thân thương hết sức ý nghĩa. Nhưng đối với những trái tim của tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ thì dường như cái tên “Tháng Thanh niên” vẫn là cái tên trọn vẹn nhất.
Với những người lính biển, tháng Ba-Tháng Thanh niên cũng đem lại cho họ biết bao cảm xúc ngập tràn. Là lực lượng đông đảo, đang có mặt ở tất cả các lĩnh vực công tác, từ đất liền, núi cao đến đảo xa, từ các nhà máy, đài, trạm, nhà giàn đến những con tàu trên khắp các vùng biển, đảo của Tổ quốc thân yêu. Tháng Thanh niên của những người giữ biển luôn thật sự sôi động cho dù họ đang đóng quân ở đất liền hay làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Những người lính trẻ đã cụ thể hóa Tháng Thanh niên bằng những việc làm thiết thực, họ luôn đẩy mạnh phong trào học tập, rèn luyện, hăng say, sáng tạo và đem cả những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp đến với nhân dân.
Trong tôi đang hiện lên hình ảnh những giọt mồ hôi rơi xuống đất sẽ cho hoa thơm, trái ngọt ngày mai. Những giọt mồ hôi ấy sẽ làm cho cánh lính trẻ trưởng thành hơn, chững chạc hơn và sớm trở thành lực lượng nòng cốt, tiếp bước đồng đội, cha anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào.
Trong cái nắng vàng ươm của tháng Ba, giữa thao trường lộng gió, những chiến sĩ trẻ vẫn mải mê luyện tập nghiêm túc từng động tác kỹ chiến thuật chiến đấu. Từng cá nhân vẫn hăng say theo tinh thần thi đua rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao. Ai ai cũng tỏ rõ quyết tâm cao nhất sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của khóa huấn luyện tân binh, trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những giọt mồ hôi tuôn rơi ướt đầm vai áo lính. Mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng trên thao trường. Mồ hôi rơi xuống từng bệ pháo, từng cỗ máy trên những con tàu, trạm xưởng. Mồ hôi rơi xuống từng trang vở giữa giảng đường nắng gió. Mồ hôi rơi xuống bãi cát nóng bỏng như rang ngoài đảo xa. Mặc cho nắng táp, mặc cho mưa sa, mặc cho những giọt mồ hôi vắt khô cơ thể, những người lính biển vẫn cần mẫn luyện tập, vẫn căng tầm mắt, tập trung cao độ trong từng nội dung, khoa mục huấn luyện. Khuôn mặt của từng cán bộ, chiến sĩ vẫn rạng ngời, thể hiện tinh thần vượt gian khó, dũng cảm và kiên cường. Những giọt mồ hôi của họ rơi xuống thao trường, bãi tập khiến tôi càng khâm phục và trân trọng những nỗ lực phi thường của những người lính vượt nắng, thắng mưa bởi đã là người lính, không ai không nhớ nằm lòng câu khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!”. Đó chính là phương châm, là mục đích để cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân trui rèn, khổ luyện, phấn đấu vươn lên. Sự khổ luyện đó làm ta càng thêm tin tưởng về ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tim người lính biển.
“Thanh xuân như một ly trà” - những người lính trẻ đã và đang thể hiện trách nhiệm, năng lực, trí tuệ của mình trong huấn luyện, học tập, công tác và sẽ lưu lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm đáng nhớ đó trong cuốn album tuổi thanh xuân của đời mình. Và khi nhắc đến tuổi thanh xuân, chắc hẳn ai cũng nhớ về tháng Ba dấu yêu...
“Tháng Ba về lòng trào dâng ngọn sóng/ Vai áo mềm ướt đẫm giọt mồ hôi/ Thao trường nắng nở hoa trên nòng pháo/ Tiếng biển khơi rộn rã trong tôi...!”...
- Mạnh Thường -
-
Hôm nay, Tròn 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những người lính tuổi 20 năm ấy, những người lính đã tham gia chiến dịch Điện Biên giờ tóc đã trắng như mây và không ít người đã về với trời xanh mây trắng.
Những người lính Điện Biên năm xưa bước ra từ chiến trường khói lửa có người bước tiếp con đường binh nghiệp, có người trở về với cuộc sống đời thường.
Nhưng dấu ấn về những ngày lịch sử vẫn hằn sâu trong ký ức của mỗi người. Ngày còn ở quê nhà, vào ngày 7/5 tôi vẫn thường chuẩn bị ít bánh kẹo, hoa quả và ấm nước chè ướp hương nhài, để cha và đồng đội của ông quây quần bên nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Những câu chuyện lần nào cũng vậy, nhưng năm nào cũng được nhắc lại và kết thúc bằng một khoảng lặng của những mái đầu đã bạc. Đây con đường hành quân qua Suối Rút, Chợ Bờ ngày đêm bị đạn cày bom xới. Từng mảng núi đá vôi trúng bom bở toác như lò vôi ngun ngút khói. Những kho gạo bị cày tung lên, gạo vãi trắng cả một khoảng rừng. Những lúc trời chang chang nắng, các chàng lính trẻ mệt mỏi rã rời được các bà các mẹ bên đường tiếp nước xua đi cơn khát vò xé tâm can. Rồi những ngày mưa dầm bám cứ điểm, ăn nắm cơm nguội ngắt thấm ướt mưa rừng, bên chiến hào thấm máu đồng đội. Rồi thì anh A, anh Q…ngã xuống khi chỉ còn cách ngày chiến thắng vài giờ đồng hồ. Và cả cậu H đẹp như con gái trước khi hy sinh vẫn cố rút lá thư thấm máu nhờ đồng đội gửi về cho mẹ….Tôi cứ ngồi nghe cha và đồng đội của ông kể chuyện mà không biết nước mắt chảy ra tự bao giờ. Những câu chuyện ấy khiến tôi hiểu rằng: Cuộc chiến nào mà không có mất mát hy sinh. Có chiến thắng nào mà không thấm máu và nước mắt của bao chàng trai cô gái đang tuổi thanh xuân.
Những người lính làm lên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng ấy, về với đời thường vẫn luôn giữ trọn phẩm chất bộ đội cụ Hồ và tình đồng đội vẫn keo sơn qua bao năm tháng. Đi qua cuộc chiến, nhiều lần cận kề với cái chết nên những người lính ấy hiểu sự sống quý giá đến nhường nào. Mỗi lần có một ai đó ốm đau họ lại thay nhau túc trực bên giường bệnh. Sẵn sàng vét đến đồng tiền cuối cùng để giúp bạn mình. Đối với họ tình đồng đội thiêng liêng, keo sơn hơn cả máu mủ ruột rà. Tôi nhớ có lần bố tôi ốm vì vết thương cũ tái phát. Cả tuần liền ông không đụng đến bất cứ thứ gì, người gầy khô như dán xuống giường. Mẹ tôi đã phải cậy nhờ đến đồng đội của ông. Kỳ lạ thay chỉ cần nghe vài câu động viên, trêu đùa của bạn mình ông đã ngồi dậy ngoan ngoãn ăn hết bát cháo của bạn mình bón và nở nụ cười như chưa hề nằm ốm bẹp mấy ngày. Tình đồng đội chẳng khác gì phép màu giúp cha tôi vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.
Buồn thay khi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam, từng làm chấn động Năm Châu lại đã và đang bị lãng quên. Thỉnh thoảng tôi có đặt câu hỏi với một vài người:
- Ngày 7/5/1954 là ngày gì?
- Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi vào ngày nào?
Thật buồn khi một số không ít người đã không còn nhớ dấu mốc lịch sử trọng đại này. Dấu mốc mà để có nó, để có ngày giải phóng Điên Biên, đã có biết bao chàng trai cô gái ngã xuống khi tuổi đời còn xanh. Mỗi nắm đất trên đồi A1, trên cánh đồng Mường Thanh đều thấm xương máu của biết bao người. Tự nhiên tôi lại có một liên tưởng khá kỳ quặc: Giá mà những người lính bước ra từ cuộc chiến ấy cũng quên đi những đau thương mất mát thì hay biết mấy. Họ sẽ không phải đớn đau khi nhớ lại những đồng đội đã trút hơi thở trên tay mình ngay trước giờ toàn thắng. Họ sẽ không phải đớn đau, dày vò bởi những mảnh đạn còn nằm trong người mỗi khi trái gió trở trời.
Những chàng lính Điện Biên năm ấy giờ đã là những cụ ông trên dưới 100 tuổi. Mỗi năm lại có một vài đồng đội của cha tôi cưỡi hạc về với trời xanh. Những lần nghe tin bạn mất ông lại buồn rất lâu. Bởi ông biết, từ đây ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên ông không còn được gặp họ, không được cùng họ ôn lại những câu chuyện ngày xửa, ngày xưa... Nhiều lần quên quên, nhớ nhớ ông hỏi các con:
- Sao lâu rồi không thấy bác ấy, chú ấy sang chơi?
Tôi và các anh mình lại phải nêu một lý do nào đó về sự vắng mặt của đồng đội ông mà lòng thấy thật xa xót.
Năm nay tôi về thăm cha, biếu ông cuốn sách viết về những người lính của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Nhìn người lính già run run lật giở từng trang sách, tôi lại không khỏi ngậm ngùi. Những người lính, những nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở thành phố Hòa Bình giờ chỉ còn lại vài người và con đường Tây Tiến các ông từng đi qua năm nào giờ chỉ còn duy nhất cha tôi. Rất có thể năm, mười năm nữa thế hệ tương lai chỉ biết đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua những con số, qua những trang tư liệu khô khan.
Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng mong đừng ai quên những dấu mốc lịch sử quan trọng mà thế hệ cha ông đã phải đổi bằng máu xương mình. Đừng ai quên những người lính đã đi qua cuộc chiến. Bởi thời gian có lùi xa bao lâu thì ký ức về một thời hào hùng và cũng không ít đớn đau sẽ không bao giờ phai trong trái tim họ.
Hồng Vân
-
Ngày nay, những người trẻ trao đổi với nhau bằng điện thoại di động, bằng intenet. Đó là chuyện bình thường. Người nào dùng giấy bút mà viết thư sẽ được mọi người cho là “cổ lai hy” là cái chắc.
Thế nhưng, những người cũ như chúng tôi thì việc viết thư và lá thư là một điều thiêng liêng, không bao giờ có thể quên được.
Vâng. Trên đời này có nhiều thứ quý. Nhưng đối với những người lính thời chống Pháp, chống Mỹ thì lá thư nhà là một thứ quý vô ngần. Đó là nỗi khát khao mong chờ đêm ngày của người lính ngoài mặt trận.
Lá thư, những lá thư không phải chỉ là những nét chữ của người thân viết trên trang giấy trắng (hay thời xưa giấy màu ố vàng) dựng trong chiếc phong bì nhỏ. Không, không phải là như thế. Không, không! Trong chiếc phong bì nhỏ ấy là cả một tấm lòng – tấm lòng thủy chung, tấm lòng nhớ thương da diết. Những gì đựng trong chiếc phong bì nhỏ ấy nặng lắm, sâu lắm. Không phải chỉ có những nét chữ run run bằng mực tím, mực xanh, mà là có cả mồ hôi, nước mắt hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn đêm trường cô lại gói vào trong … Lá thư, những lá thư thời ấy là sứ giả của nối nhớ nhung, là sứ giả của tình yêu son sắt…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chỉ hai năm sau, nước nhà sẽ được thống nhất. Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu xâm lược nước ta, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vì vậy, đồng bào ở cả hai miền phải nhất tề đứng lên kháng chiến chống Mỹ. Trước hết là hậu phương lớn Miền Bắc xã hội chủ nghĩa phải dốc lòng chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Hàng triệu triệu những cân thóc, cân gạo, cân thịt, cân cá, cân muối, bó rau, mảnh vải, tấm áo, chiếc màn, chiếc chiếu, chiếc chăn, chiếc khăn, chiếc mũ, chiếc ba lô, đôi dép, đôi giày, đôi tất, chiếc bút, tập giấy..., hàng triệu triệu những cân đường, hộp sữa, những chiếc bàn chải răng, ăng gô, bát đũa... , hàng triệu những tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men... cứ đêm ngày rậm rịch từ những miền thôn quê, từ những thành phố cùng với lớp lớp thanh niên trai trẻ... cứ rậm rịch đêm ngày lên đường ra mặt trận. Rậm rịch đêm ngày... từng đoàn người nối nhau ra mặt trận. Từng đoàn tàu, đoàn xe nối nhau ra mặt trận. “Cả nước lên đường/ xao xuyến bờ tre/ từng hồi trống giục...”
Những năm 1966-1972 là những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bị thua đau ở chiến trường Miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá Miền Bắc hòng ngăn chặn con đường chi viện cho tiền tuyến lớn của quân và dân ta. Chúng đưa đủ các loại máy bay hiện đại, tối tân nhất ra oanh tạc Miền Bắc, đặc biệt là các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, các đầu mối giao thông quan trọng. Các loại máy bay Cánh Cụp, Cánh Xoè, Con Ma, Thần Sấm ... rồi “Pháo đài bay” B52 liên tiếp dội bom, bắn phá xuống các con đường, các cây cầu, các bến phà trên đường ra mặt trận. Cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn, phà Tân Đệ, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, ngầm Ta Lê, đèo Đá Đẽo, đèo Phu-La-Nhích..., những con đường số một, đường bảy, đường chín, đường hai mươi... đã trở thành những địa chỉ oanh tạc quan trọng số một thường nhật của bọn giặc lái thuộc Không lực Hoa Kỳ. Hàng triệu tấn bom đã trút xuống những địa chỉ đó. Hàng triệu tấn bom phá, bom bi, bom na-pan và rôc-két đã dội xuống đất này. Hàng vạn tấn chất độc hoá học đã rải xuống mảnh đất thân yêu của chúng ta. Bọn đế quốc muốn biến đất này trở lại thời kỳ đồ đá. Bọn đế quốc muốn huỷ diệt màu xanh và sự sống trên đất nước này. Thế nhưng, chúng đã lầm! Những cây cầu, những con phà, những con đường vẫn đứng vững. Trong mưa bom, bão đạn, từng đoàn xe Gat, xe Zin, xe KRa, xe URan, xe ba cầu, xe tăng, xe xích, xe đặc chủng... cứ đêm ngày nối đuôi nhau ra mặt trận. Và cả những binh đoàn xe đạp lai, xe đạp thồ cũng tham gia vào đoàn quân vận chuyển... Trên những đoàn xe ấy là những bao gạo, bao muối, bao dưa, những thùng lương khô 701, 702, những thùng ruốc hành quân, bột sữa, bột trứng, là quân lương, quân trang, quân dụng, là súng, là đạn, là thuốc men... và là những lá thư nhà...
Ôi, những lá thư nhà thân thiết làm sao, yêu quý làm sao, mong đợi làm sao!
Đó là lá thư của người cha bốn mùa cuốc cày nơi đồng chua, ruộng trũng, chỉ mong sao con khôn lớn thành người. Đó là lá thư của người mẹ quanh năm tảo tần nơi cuối chợ, đầu sông, lúc nào cũng lo cho các con có đủ cơm ăn, áo mặc và có giấc ngủ yên lành. Đó là lá thư của người anh chân chất có đôi vai răn chắc đã nói là làm, đã làm là làm đến chốn đến nơi, chỉ mong cho thằng em lúc nào cũng săn gân, mạnh bước tiến kịp bạn bè. Đó là lá thư của người chị dịu hiền có cái nhìn nghiêm nghị của cha, có đôi vai và đôi tay tảo tần của mẹ, lúc nào cũng căn dặn thằng em như hồi nó còn bé đánh khăng, đá bóng hồi nào. Đó là lá thư của những đứa em bé bỏng của ta có đứa vẫn còn thò lò mũi... Những lời lẽ trong thư chúng viết mới ngộ nghĩnh làm sao !
Và đó là lá thư của những người yêu của lính, của những người vợ lính - những lá thư gói cả những nỗi niềm yêu thương, nhớ mong, hờn giận chất chứa bao ngày... Không! Không! Những lá thư không phải được viết bằng mực xanh, mực tím! Đó là những lá thư được viết bằng nỗi nhớ thương cháy bỏng ở trong lòng! Những người cha, người mẹ, người chị, người anh, những người vợ , người em gái, người yêu của lính đã gửi vào những lá thư ấy những tình cảm yêu thương và niềm tin son sắt, niềm tin son sắt vào người mình thương yêu, niềm tin son sắt vào con đường mà người mình thương yêu đã chọn. Cùng với những tấn thóc, tấn lợn, những tấn hàng hoá quân lương, quân trang, quân dụng, những tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men..., những lá thư của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ cho người lính.
Những tháng năm kháng chiến trường kỳ, những lá thư, hàng triệu, hàng triệu những lá thư hậu phương từ khắp các miền quê đất nước cứ ngày đêm rậm rịch lên đường đến với người lính ngoài mặt trận.
Nhận được lá thư nhà, người lính có thể đeo ba lô, đeo súng đạn, vượt rừng, vượt sông suối đi khắp các ngả đường chiến trận không biết mệt. Nhận được lá thư nhà, sức mạnh và niềm tin của người lính được nhân lên nhiều lắm. Những lá thư nhà đã theo chân người chiến sĩ Giải phóng làm nên những Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, những Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh, Núi Thành, Thành Cổ, những Phú Bổn, Cheo Reo, những Củ Chi, Rừng Sác anh hùng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thế nhưng, đã có biết bao nhiêu nghìn vạn chiếc xe đạp, xe thồ, những đôi quang gánh, những xe Gat, xe Zin, xe Kra, xe Uran, xe tăng, xe xích... đã cháy trên những cây cầu, những chuyến phà, những con đường ra mặt trận ? Đã có biết bao nhiêu nghìn, bao nhiêu vạn những chiến sĩ thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, những chiến sĩ quân bưu, bưu tá, những chiến sĩ lái xe Trường Sơn, những thuyền trưởng, máy trưởng, thuỷ thủ, những con tàu không số... đã ngã xuống trên con đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên con đường Hồ Chí Minh trên biển để cho những tấn hàng lương thực, thực phẩm, vũ khí khí tài, đạn dược, thuốc men, cho những lá thư nhà – còn được sống và đến với người chiến sĩ Giải phóng làm nên những kỳ tích anh hùng?
Vâng! Bọn đế quốc có trang bị tối tân hiện đại đến mấy, có hung hăng xảo quyệt đến mấy cũng không thể nào “chém được dòng Bến Hải” thần kỳ, cũng không thể nào “thiêu được dải Trường Sơn” hùng vĩ của chúng ta !
Hàng triệu, hàng triệu “những trái tim biết yêu tha thiết đất nước, quê hương/ những trái tim biết căm thù quân xâm lược...” cùng với hàng triệu, hàng triệu những tấn hàng và vũ khí, đạn dược cùng với hàng triệu, hàng triệu những lá thư nhà - suốt hai mươi mốt năm ròng – đã kiên cường vượt qua mưa bom bão đạn - rậm rịch đêm ngày chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam “Thành Đồng Tổ Quốc”. Đó là một trong những bí quyết làm nên thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Thời đại ngày nay là thời đại của Intenet lên ngôi, là thời đại của điện thoại thông minh đắt tiền, nhiều người không biết và cũng không cần đến những lá thư nữa.
Thế nhưng, đối với chúng tôi – những người lính – thì những lá thư, những lá thư nhà vẫn mãi mãi là một cái gì thiêng liêng lắm, lấp lánh không bao giờ phai mờ trong ký ức.
Những lá thư, những lá thư nhà – sứ giả của nỗi niềm nhớ nhung da diết, sứ giả của tình yêu chung thủy và niềm tin son sắt của hàng chục triệu con người Việt Nam trong bão tố.
Phạm Minh Giang
-
Gần nửa thế kỷ qua rồi nhưng ký ức về ngày 30 tháng 4 năm 1975 - thì những người lính chúng tôi không bao giờ quên.
Trung đoàn tôi là Trung đoàn tên lửa phòng không có nhiệm vụ cùng với các đơn vị bạn chiến đấu tiêu diệt các loại máy bay của Không lực Hoa Kỳ xâm phạm bầu trời Quân Khu Bốn.
Trung đoàn có bốn tiểu đoàn hỏa lực, đó là D66, D67, D68, D69 và một tiểu đoàn kỹ thuật (D70). Cơ quan Trung đoàn bộ có Ban chỉ huy Trung đoàn, Ban tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Kỹ thuật và một đại đội thông tin độc lập.
Khoảng những ngày đầu tháng 4-1975, chúng tôi được lệnh chuẩn bị lên đường cùng với đại quân tiến vào giải phóng miền Nam.
Lúc ấy tôi là chiến sỹ thuộc Ban tham mưu Trung đoàn. Với tầm hiểu biết có hạn của tôi, thực sự chúng tôi cũng chưa biết là Trung đoàn tên lửa của chúng tôi sẽ được chiến đấu ở chiến trường miền Nam như thế nào trong những ngày tới. Nhưng, tất cả cán bộ chiến sỹ trong trung đoàn, người nào cũng háo hức, hồ hởi chuẩn bị lên đường.
Thế rồi chúng tôi được lệnh lên đường thẳng tiến về phía nam.
Chỉ sau vài tiếng đồng hồ từ khi nhận lệnh, toàn trung đoàn đã chuẩn bị vũ khí, khí tài, đạn dược, quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực thực phẩm… đầy đủ. Các loại xe TZM (chở tên lửa), xe Gát, xe Zinkho, xe Kra, xe xích (kéo bệ phóng), xe đặc chủng kéo khí tài, máy nổ, ra đa và xe không đặc chủng… tất cả đều sẵn sàng.
Hàng nghìn cán bộ chiến sỹ đều được biên chế theo từng xe. Ngoài vũ khí tên lửa, mỗi xe còn được trang bị các loại vũ khí cá nhân để sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.
Chúng tôi đi không kể ngày đêm. Trừ thời gian dừng lại để nấu ăn và ăn cơm, hầu hết thời gian còn lại là “xe ta bon bon trên đường”. Những ngày tháng tư trời nắng nóng nhưng có những xe anh em cứ đầu trần như thế, lại còn vừa đi vừa hát nữa.
Thật kỳ lạ. Suốt chặng đường dài dằng dặc theo chiều dài đất nước, chúng tôi không hề thấy một tên lính Mỹ nào (sau này mới biết lúc đó người Mỹ đang rút chạy đến những người cuối cùng khỏi Việt Nam). Chúng tôi cũng tịnh không thấy một người lính ngụy nào (sau này chúng tôi mới biết, lúc đó, trừ một bộ phận nhỏ ở Xuân Lộc, còn thì hầu hết lực lượng lính Việt Nam cộng hòa đã tan rã hết).
Tịnh không có một tiếng súng, tiếng bom nào. Chỉ có tiếng gà gáy, tiếng chim, chỉ có trời xanh, cây lá xanh, và biển xanh rì rào sóng vỗ mà thôi.
Rồi chúng tôi vào đến Cam Ranh, Phan Rang, Phan Thiết, rồi tiến sát vào Sài gòn (Rất tiếc đơn vị tôi không kịp có mặt tại Sài gòn trưa ngày 30 tháng 4 lịch sử). Tuy nhiên, khi biết tin quân ta đã húc đổ cổng dinh và cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 lịch sử, tất cả chúng tôi đều reo hò như vỡ trời vỡ đất. Một niềm vui khôn tả trong lòng mỗi người chúng tôi lúc ấy.
Thời khắc ấy, chúng tôi cảm thấy trời như cao rộng hơn, xanh thẳm hơn, cây lá như xanh rờn hơn, biển như phập phồng ngực sóng, đất dưới chân như nở ra, ấm nồng lên rất nhiều…
Như vậy là chiến dịch “tiến về Sài gòn giải phóng thành đô” của Trung đoàn tên lửa chúng tôi chẳng khác nào một cuộc hành quân đường dài đặc biệt – một cuộc hành quân biểu dương lực lượng của Tên lửa SAM –II (loại tên lửa phòng không hiện đại do Liên Xô trang bị và huấn luyện, loại súng pháo phòng không duy nhất cùng với lực lượng bộ đội tên lửa và không quân anh hùng đã tiêu diệt B52 “Pháo đài bay” tối tân hiện đại nhất của Không lực Hoa Kỳ thời ấy).
Mặc dù sẵn có niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng nhưng sự kiện trọng đại trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 quân ta chiếm trọn Dinh Độc lập, giải phóng miền Nam một cách mau lẹ trong không khí hòa bình – làm cho ai ai cũng ngỡ ngàng trước một niềm vui to lớn. Một niềm vui lớn chưa từng có suốt hơn ba mươi năm dài trường kỳ kháng chiến.
Đây là thật hay đây là mơ?
Đây là thật hay đây là mơ?
Thật rồi! Thật rồi! Mỹ đã cút, ngụy đã nhào.
Đó là trăm phần trăm sự thật.
Thế là từ nay, không còn bất cứ tiếng súng, tiếng bom mìn và chất độc hóa học nào có thể phá hoại được cuộc sống yên bình của dân tộc chúng ta.
Thế là từ nay không còn cảnh đầu rơi, máu chảy, không còn cảnh chia lìa, đớn đau, tang tóc trên toàn cõi Việt Nam.
Thế là từ nay nước sông Bến Hải không bị cách ngăn thành hai dòng, cây cầu Hiền Lương không còn phải phân ra hai nửa. Đất nước Việt Nam từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau và một vùng biển đảo rộng lớn dã được nối liền thành một dải. Non sông Việt Nam được thu về một mối. Con cháu Lạc Hồng Việt Nam đã được về trong một nhà.
Thế là từ nay, dây tơ hồng của hàng triệu đôi uyên ương trên đất nước này không còn bị tiếng súng, tiếng bom mìn phạt đứt.
“Hoa đến kỳ thì hoa phải nở”. Gái trai đến thì thì được tự do yêu đương. Cánh đồng, vườn cây đến thì thì tốt tươi, thì đơm hoa, kết trái, thì trổ muôn triệu bông vàng no ấm.
Thế là từ nay, không có bất kỳ một thế lực nào có thể chia uyên rẽ thúy. Không có bất kỳ một thế lực nào có thể làm cho vợ chồng chia lìa, gia đình ly tán. Không có một thế lực nào có thể ngăn được mưa nồng, nắng ấm mùa xuân. Không có một thế lực nào có thể ngăn cản mọi con người trên đất nước này có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Hòa bình. Hòa bình. Hòa bình. Hòa bình và Độc Lập, Tự Do đã về trên toàn cõi Việt Nam từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.
*
Có một bộ phận người dân Việt Nam buồn trong ngày 30 tháng 4 . Vâng, có đấy (Nhưng biết làm sao được?). Bởi vì chiến tranh mà. Kết thúc chiến tranh, ắt phải có bên thắng, bên bại. Bên thắng là dân tộc Việt Nam. Bên bại là Đế quốc xâm lược và bộ máy tay sai của chúng.
Rất buồn, vì hoàn cảnh, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam “cầm lòng” phải tham gia vào bộ máy chính quyền và quân đội phục vụ cho mục đích chiến tranh của Đế quốc Mỹ. (Hầu hết người dân là do hoàn cảnh (không còn cách nào khác phải tham gia). Nhưng cũng có một số ít người cố tình làm tay sai đắc lực cho đế quốc xâm lược).
Khi bọn đế quốc xâm lược thất bại thì buộc lòng, một bộ phận không nhỏ người dân nước ta phải chịu chung số phận của kẻ chiến bại (chứ biết làm sao?).
Tuy nhiên, những ai trong số những người dân ấy đến nay vẫn còn ấm ức, vẫn còn hậm hực (thậm chí vẫn còn bực tức và thù hận) thì xin hãy bình tĩnh nghĩ suy, xem xét lại).
Thưa những con người ấy. Đế quốc xâm lược bại trận là điều tất nhiên, vì chúng tiến hành chiến tranh phi nghĩa. Mình theo chúng (hay buộc phải theo chúng) thì sớm hay muộn cũng đành phải nhận lấy kết cục ấy. Dù sớm dù muộn thì ngày 30 tháng 4 cũng sẽ đến. Dù có đau buồn một lúc, một thời gian (có trường hợp cả đời) nhưng 30 tháng 4 sẽ là ngày chấm dứt mọi đau thương, buồn khổ vì chiến tranh, mở ra một kỷ nguyên mới tươi sáng cho muôn đời con cháu. Mình là người Việt Nam. Khi đất nước đã có hòa bình, độc lập, tự do rồi, mình sẽ có điều kiện làm lại tất cả).
Ngày 30 tháng tư có hàng triệu người buồn. Tuy nhiên những người buồn chỉ là số ít, chỉ là thiểu số so với tổng số toàn dân tộc.
Có thể nói suốt hơn “ba mươi năm đấu tranh” trường kỳ gian khổ, miền Bắc XHCN đã phải làm việc bằng hai, bằng ba, “hạt gạo cắn làm ba, làm tư”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “vì thống nhất nước nhà”. Có thể nói người dân miền Bắc đã phải vắt đất, vắt nước, vắt kiệt sức lực của mình, đã phải huy động cao nhất “sức người, sức của” cho tiền tuyến lớn, đã hiến dâng những gì tinh túy nhất cho miền Nam, cho cách mạng giải phóng dân tộc. Sự hy sinh lớn lao nhất là hàng triệu, hàng triệu bà mẹ Việt Nam (cả ở hai miền) đã “cầm lòng” giao những người con rứt ruột đẻ ra cho cách mạng, là hàng triệu hàng triệu những người vợ lính, những người yêu của lính (ở cả hai miền) đã mòn mỏi chờ chồng, chờ người yêu suốt mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm trời đằng đẵng, đã chờ hết cả một thời con gái, đã chờ hết cả một thời đàn bà, hết cả một thời sinh nở… thì đến bây giờ, đến ngày 30 tháng 4 là ngày chấm dứt sự hy sinh đó. Vậy thì không vui sao được?
Nước mắt của đau thương, chia lìa, nhung nhớ suốt ba mươi năm ròng tích góp lại, cô đọng lại đã làm nên ngày 30 tháng 4 thiêng liêng lịch sử.
Những ai đó nghĩ rằng niềm vui lớn lao này chỉ là niềm vui của hàng chục triệu người miền Bắc - là một điều sai lầm lớn.
Hàng chục triệu đồng bào chiến sỹ miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã “đi trước, về sau”, đã chịu bao nhiêu đau thương khổ cực vì chiến tranh của xâm lược Mỹ, đã nhất tề đứng lên dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, đã kiên cường bất khuất, dũng cảm chiến đấu lập nên những chiến công vang dội, từ Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, Phú Bổn, Cheo Reo, rồi Cồn Tiên, Khe Sanh, Dốc Miếu, Thành Cổ, Núi Thành, Củ Chi, Rừng Sác… Và đến mùa xuân 1975 lịch sử thì “vận nước đã đến rồi”, “Từ đồng bằng, từ bưng biền, từ rừng sâu, từ núi cao” đến miền duyên hải, đồng bào chiến sỹ miền Nam đã cùng với đồng bào chiến sỹ cả nước rầm rập “tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”, thống nhất đất nước.
Vì thế, ngày 30 tháng 4 là ngày vui lớn của cả dân tộc, là ngày hội lớn của cả dân tộc. Không ai có thể chối cãi được điều đó.
Càng lùi xa ngày đó, chúng ta thấy 30 tháng 4 càng ngày càng lấp lánh, lung linh ngời sáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Phạm Minh Giang
-
Con nghe bài hát "Đời mình là một khúc quân hành" giữa ngày tháng 4 lịch sử. Dòng nước mắt mặn mòi, nỗi nhớ về Cha nghẹn ngào!
Kí ức ngày thơ bé là tiếng hát của Cha vào mỗi sáng, chiều, bất cứ khi nào Cha thấy vui. Tiếng hát đâu hay, chẳng điêu luyện nhưng sôi nổi của người lính năm xưa thường đứng trong "bè" dàn đồng ca cùng đồng đội. Từ ngày đó con đã thuộc và yêu thích lời ca bài "Nhạc rừng", "Lá đỏ" ...từ những buổi nghe Cha hát như thế. Con nhớ nhất mỗi khi chiếc đài bán dẫn cất lên tiếng nhạc của bài "Cô gái Sầm Nưa" hay "Anh lính tình nguyện và cô gái Lào", Cha lại dẻo tay điệu múa Lăm Vông rất nhịp nhàng. Trong lời kể trầm ấm, hào hứng con được biết đến cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, đồng sả hun hút trong chiều tím thẫm, điệu múa của cô gái Lào bên bếp lửa bập bùng...Tuổi trẻ của Cha đã để lại nơi chiến trường, những năm tháng hào hùng xanh màu lá của bộ đội tình nguyện trên nước bạn láng giềng...
Người lính của con luôn giữ phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ khi về giữa đời thường. Cha chẳng nề hà bất kì việc gì để chăm sóc gia đình, giúp đỡ họ hàng, bà con láng giềng. Hội cựu chiến binh phường từ khi có Cha và các bác cựu chiến binh đã khởi sắc, hoạt động thật sôi nổi, ý nghĩa. Ngày lễ, Cha nghiêm trang trong bộ quân phục, lấp lánh huân huy chương trên ngực, rồi bận rộn tập văn nghệ, thổi sáo, múa khèn. Con thấy trước mắt mình hình ảnh những chàng trai cô gái rạng ngời như trẻ lại, đang được sống những ngày "sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" năm nào. Đứa trẻ là con quá bé để hiểu niềm vui, hạnh phúc của những con người từng vào sinh ra tử, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước và giờ đây vẫn được hát khúc quân hành giữa thênh thang hòa bình. Tiếng hát từ kí ức, cho hiện tại và tương lai.
Những ngày nằm trên giường bệnh, chiếc đài là người bạn đặc biệt của Cha. Giữa cơn đau, khi tỉnh táo Người vẫn mò mẫm tìm công tắc để nghe chương trình quân đội nhân dân. Các ca khúc nhạc đỏ vẫn vang lên cả trong bệnh viện, nhưng không còn tiếng hát phụ họa của Cha. Cha nằm im lặng, thấm thía những ca từ trong từng thớ thịt, hơi thở nhọc nhằn. Tiếng hát đã giữ Cha ở lại, bồi đắp niềm tin để Người chiến đấu với bệnh tật, trải qua 13 năm vật vã sau hai lần tai biến. Diệu kì thay!!!
Cha biết không, hôm thanh minh về thăm Cha, con đã dừng lại rất lâu nơi cây gạo già đầu xóm. Cây gạo đứng đó từ khi con nhấp nhổm ngồi sau xe Cha về quê ngày Tết, là cọc tiêu để đứa trẻ sinh ra ở thị thành không quên dấu dẫn về quê nội. Từ thân cây nứt nẻ, khô sần đã bật lên những bông gạo đỏ thắm thiết tha. Loài hoa rụng xuống vẫn còn nguyên sắc, chẳng bị úa màu. Con nghĩ về Cha, người lính của con như thân cây ngỡ già nua, vẫn thao thiết chảy nguồn nhựa sống thiết tha xanh khúc ca với cuộc đời.
Chúng con may mắn và tự hào là con của Người Lính, Cha ơi!
Tháng Mười -
Sắc xanh màu cỏ úa luôn là hình ảnh thân thương trong trái tim tôi từ khi còn là một cô bé cùng bạn bè hát vang bài “Cháu yêu chú bộ đội” đến khi là một sinh viên tuổi đôi mươi mộng mơ và lãng mạn cùng những cánh thư vượt qua bao chặng xa xôi về đến giảng đường đại học…
Duyên phận không cho tôi trở thành vợ lính, nhưng ai cấm tôi yêu màu xanh quân phục và những bài ca về người lính. Một trong những bài hát yêu thích của tôi là “Hát mãi khúc quân hành”. Những ngày đại dịch này, khi báo chí và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những người lính trên đường phố Sài Gòn, ngắm những chàng trai trẻ măng đang canh gác mỗi con phố, mỗi hẻm nhỏ, làm những công việc bình thường hỗ trợ người dân, lòng ai mà không rưng rưng xúc động. Nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ, thành phố Vinh quê tôi nằm trên trục đường quốc lộ 1 vào Nam nên là nơi chứng kiến nhiều đơn vị bộ đội từ phía Bắc hành quân Nam tiến. Những người lính trẻ tuổi chừng mười tám đôi mươi nghỉ lại thôn nào là thôn đó rộn rã tiếng cười, tiếng hát. Những đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên như chúng tôi được các chú dạy hát, được nghe kể về những miền quê xa nơi các chú ra đi, được chép tặng những vần thơ vào cuốn sổ mà hầu như hồi đó đứa trẻ nào cũng có. Rồi vài ngày lại có một đợt chia tay đầy bịn rịn, có những chị thiếu nữ tuổi mười bảy mắt đỏ hoe, vẫy mãi chiếc khăn tay… Những ca khúc “Hành quân xa”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”… chúng tôi đều được các chú bộ đội dạy hát trong giai đoạn này. Phải chăng những lời ca hào hùng của một thời ấy đã ngấm sâu vào tâm hồn ngây thơ, thuần khiết như tờ giấy trắng của lũ trẻ chúng tôi, theo chúng tôi suốt tuổi thơ và tuổi trưởng thành để không ít người lại tiếp bước ra đi cùng thế hệ trước viết nên trang sử đáng tự hào của non sông đất nước.
Khoảng cuối những năm 80 (tôi không nhớ rõ thời gian), khi tôi đang làm việc ở Vietsovpetro, có sự kiện gì đó mà công đoàn mời hai nhạc sỹ của Hội nhạc sỹ thành phố Hồ Chí Minh về gặp gỡ giao lưu với cán bộ công nhân viên trong xí nghiệp. Đó là cố nhạc sỹ Xuân Hồng khi ấy là Tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và cố nhạc sỹ - nhà thơ Diệp Minh Tuyền nguyên phó Tổng thư ký Hội âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tổng biên tập tạp chí “Sóng Nhạc”. Tôi nhớ ông Xuân Hồng dáng người thấp đậm trông chất phác như một lão nông Nam Bộ kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những năm tháng hoạt động trong chiến khu, những trăn trở, giai thoại vui liên quan đến những ca khúc của ông như hai mùa Xuân (Xuân chiến khu và Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh) sau này lại có “Mùa Xuân bên cửa sổ” với hình ảnh “có hai người hôn nhau…”. Chuyện của nhạc sĩ Xuân Hồng rất dí dỏm, mọi người thích nghe và cứ đặt câu hỏi mãi trong khi bên cạnh ông, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền ngồi mỉm cười hiền lành. Nhớ năm đó NS Diệp Minh Tuyền khoảng ngoài 40 tuổi, ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp là ông có vẻ ngoài rất lãng tử, đầy chất văn nghệ sĩ và gây cho người đối diện một chút tò mò muốn tìm hiểu. Khi được giới thiệu, ông cầm ngay cây đàn ghitar và nói “Tôi hát cho các bạn nghe nhé!” rồi say sưa hát mà không nói một lời về bản thân mình. Bài “Hát mãi khúc quân hành” tôi được nghe lần đầu vào dịp này lại chính tác giả trình bày bằng một giọng trầm ấm đầy cảm xúc mà bao năm qua vẫn còn dư âm xao xuyến trong lòng.
“Dù rằng đời ta thích hoa hồng
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”Khi những lời ca đẹp ấy vang lên, trước mắt tôi là đoàn quân đi, những gương mặt trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai mười tám vừa rời ghế nhà trường. Họ gửi lại làng quê những kỷ niệm của tuổi học trò, những xao xuyến rung động đầu đời với người bạn gái, niềm thương nhớ mẹ cha… ra đi khi Tổ Quốc cần, không toan tính, không ngại ngần khi phía trước là hòn tên mũi đạn hiểm nguy.
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi, những tưởng rằng người lính thời bình cũng có thể hòa mình vào cuộc sống có hoa hồng, có nắng ấm, có những bản tình ca, có sự yên bình thanh thản mà bao người được hưởng. Nhưng “giặc Covid” lại một lần nữa kéo họ ra chiến trường. Họ lại thực sự bước vào một cuộc chiến sinh tử như lời Đại tướng Phan Văn Giang Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói “Đây là trận chiến, không thắng không về”. Một lần nữa, sau chiến thắng 1975, Sài Gòn lại tràn ngập sắc xanh áo lính – một màu xanh mang lại sự yên tâm, vững tin cho người dân đang vô cùng vất vả chống chọi với con virud quái ác đến từ Vũ Hán. Thương lắm những ánh mắt ngỡ ngàng của những cháu lần đầu tiên thấy một thành phố lớn với vô số nhà cao tầng và đường chằng chịt. Xót xa lắm trưa nắng hừng hực, các cháu bồng súng đứng canh giữ trên từng giao lộ, từng con đường lớn nhỏ, ngõ ngách thành phố. Sài Gòn đang cần họ - những người lính không bao giờ ngại ngần luôn xông lên tuyến đầu trong bất kỳ cuộc chiến nào…“Mãi mãi lòng chúng ta
Ca bài ca người lính
Mãi mãi lòng chúng ta
Vẫn hát khúc quân hành ca…”Rộn rã mãi trong tôi khúc quân hành của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền năm ấy để giờ đây ngắm màu xanh áo lính trên đường phố Sài Gòn vẫn như thấy đoàn quân đi rầm rập, những khuôn mặt ngời lên niềm tin chiến thắng.
Mãi mãi, mãi mãi trong tôi tình yêu màu áo xanh – màu áo mang đến sự bình yên cho muôn người!
Nguyễn Minh Nguyệt -
Có lẽ Xuân đã treo nỗi nhớ trên cành đào do chính tay con trồng ngày xưa ấy. Xuân mang theo bao nỗi niềm mong đợi trong trong lòng con - người lính đảo. Khi còn bé thơ con hay hỏi "Mẹ ơi Tổ quốc là gì sao ai cũng phải yêu?" Bây giờ thì con đã hiểu....Nơi con đến là Trường Sa, là tấm lá chắn chở che bão giông là thành đồng biển cả nơi đầu ngọn sóng...là nơi mà chúng con đang súng chắc tay canh giữ đêm ngày. Nơi ấy, những người con của Mẹ đã tô thắm màu cờ bằng máu và mồ hôi. Những người con ấy đã tạc tượng đài giữa Biển Đông bằng sự sống còn, sự hy sinh thầm lặng, bằng trái tim người lính kiên trung bởi Trường Sa là Mẹ là Tổ Quốc.
Trường Sa ngày con đến nắng dịu dàng hơn, gió mơn man hơn, biển ít ồn ào hơn và những con sóng chợt êm đềm vỗ về nâng bước chân đi. Đêm Trường Sa khoả vào lòng con niềm yêu da diết từng núm đất, từng con sóng nhỏ, từng quả bàng vuông,... Nước dưới chân hay bàn tay Mẹ dìu lối con đi mà sao con thấy biển xanh hiền hoà đến vậy. Tiếng rì rào của sóng hay lời ru của Mẹ mà ấm áp thân thương. Nơi đây, mỗi trái bàng vuông, mỗi hạt cát trắng muốt như thuỷ tinh, mỗi ngọn muống biển vươn mình trong mặn chát của nước, những con còng bé tẻo teo cho đến những nhà giàn sừng sững giữa đại dương mênh mông,... tất cả, tất cả ... là máu là thịt là những đứa con của Mẹ nên mẹ luôn dang rộng vòng tay ôm ấp chở che.
Có người nói Mẹ như cái dấu hỏi nhưng với con Mẹ là cái dấu ngã trải dài từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau. Mẹ lấy thân mình chắn che bão tố. Người dang tay bảo vệ con mình trước những cơn gió độc từ phương bắc tràn qua từ phía tây nam ập tới. Người là ngọn hải đăng là đôi mắt thần giữa đại dương mênh mông. Đôi mắt ấy luôn nhìn thấu dã tâm của loài cá kình cuồng bá đã vẽ ra cái đường lưỡi bò vô cớ ngạo nghễ hòng nuốt chửng Biển Đông. Người cứng rắn nhưng vô cùng mềm dẻo, sẵn sàng nhấn chìm loài hải tặc xuống đáy đại dương nhưng cũng giàu lòng nhân ái bao dung. Người không dung tha cho kẻ bán dân hại nước, không dung tha cho phường sâu bọ khoét đục bòn rút của nả của chính những đứa con của mình. Người sẵn sàng thứ tha cho những kẻ nghịch đồ lầm lỡ nhưng còn biết quay đầu hướng về bến bờ lương thiện. Tấm lòng của người bao dung đến lạ!
Người là ngọn Hải Vân ưỡn tấm ngực trần hứng muôn ngàn cơn lốc với đôi vai gầy gánh cả nước non. Người đau nỗi đau khúc ruột miền trung chìm trong bão lũ.
Người quặn lòng trong tang tóc Rào Trăng. Tim người rớm máu khi những đứa con yêu ra đi vì sự bình yên của mình mà mãi mãi không về. Nước mắt Người chẳng thể ngưng rơi khi những mảnh đời còn đói cơm lạnh áo. Người thương đàn trẻ thơ, thương thầy cô giáo lặn lội cõng chữ lên ngàn đạp đá tai mèo tứa máu dưới chân. Thương công nhân tăng ca thêm kíp. Thương bàn chân trần không dép trèo núi làm nương dưới cái nắng chang lửa đổ.Người là khúc dân ca, là ngọn gió thu đưa con vào giấc ngủ say nồng. Người khêu ngọn đèn thắp sáng ước mơ con. Con chập chờn thấy cánh cò ẩn hiện trong lớp sương giăng buốt lạnh, trong nắng quái hạ tràn, trong tấm áo nâu bạc phếch với nụ cười mãn nguyện trên môi khi những đứa con yêu đã vững bước trên đường đời. Con bỗng thấy đất trời bình yên đến lạ trước nụ cười của Mẹ.
Đêm Trường Sa con nghe tiếng thì thầm hoà trong con sóng. Phải chăng là tiếng ạ ời treo đầu cánh võng ngày xưa Mẹ đã thổi tình yêu thương vào đó. Lời của mẹ hay lời của biển mà sao con thấy ấm áp đến vô cùng!
Đêm Trường Sa, mảnh chăn trăng phủ kín không gian trùm lên tấm gương dát vàng khổng lồ đã đưa con trở về với giấc mơ xưa. Con gối đầu lên trái tim Tổ Quốc lắng nghe nhịp rung ngân da diết vọng trăm năm. Con lắng nghe tiếng rưng rức chảy tràn hoà trong con muôn vàn con sóng cả. Bầu máu nóng đang tuôn chảy trong con một tình yêu vô bờ. Con bỗng thấy biển dường như cao hơn bầu trời như thấp hơn. Cái phút giao hoà trời đất bén duyên nhau nó vời vợi biết chừng nào!
Đêm Trường Sa hiển hiện trong con tất cả, tất cả... Mùa xuân là cành đào trong vườn Mẹ, là nụ cười trẻ thơ được đến trường sau ngững ngày nghỉ dài mùa dịch, là giọt nước mắt của những người khoác áo blouse trở về nhà khi cơn bão covid đi qua, là trang giáo án em nhuốm màu hạnh phúc, là nụ bàng vuông kết nụ đâm chồi, là phong vị Tết quê trong phảng phất trong gió ngàn khơi,...là Trường Sa nơi con ở. Mùa xuân là Mẹ, Mẹ là Tổ Quốc trong con!
An Giang