Top 10 Tản văn viết về mùa xuân hay nhất

Phương Kem 1256 0 Báo lỗi

Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, cũng là mùa đẹp nhất trong năm vì mang đến cho con người không khí ấm áp, vui tươi nhất. Mùa xuân thường gắn liền với ngày ... xem thêm...

  1. Cha tôi luôn giữ thói quen trồng một khóm bầu trong vườn. Ông bảo, bầu là loài cây thân thảo dễ tính, gắn bó và dường như thấu hiểu sự lam lũ của nhà nông chỉ sau cây lúa ngoài đồng. Có lẽ thế mà bầu thường ra quả trĩu trịt lại chan chứa ngọt thanh, mát mềm những bữa cơm quê sum vầy niềm tấm tắc. Có biết bao giàn bầu đã neo đậu mải miết vào những năm tháng tuổi thơ lẫn trưởng thành của tôi. Khi cha bắc chiếc giàn tre, mẹ nhổ cỏ tưới nước và vun vén thêm phân thêm đất cho khóm bầu mới trồng từ đận tháng mười thì qua giêng thôi sẽ tha hồ được ăn quả.


    Giàn bầu ngày ấy được cha trồng ngay trước cổng chỉ cách khoảng sân chừng mươi bước. Từ hiên nhà trông ra hay từ ngõ xa nhìn vào, giàn bầu xanh rợp tầm mắt, quả vắt vẻo, quả buông xuống lưng chừng như những đứa trẻ rộn rã chơi trò đánh đu. Tiếng chuyền tre tí tách bên dóng chân nhỏ theo nhịp tung lên hạ xuống từ quả bưởi non vẫn còn he cay phảng phất, tiếng sỏi đá lạo xạo với trò chơi ô ăn quan, tiếng lách tách của những hòn bi ve hay tiếng hò reo khi gẩy từng chiếc nịt, tiếng cười đùa của anh em tôi chí choé giòn tan dưới giàn bầu dịu mát. “Quả này đẹp quá, quả kia cũng đẹp, của anh… của em…”. Lời xí phần hồn nhiên cứ theo đôi tay với lên, đôi chân kiễng bật thêm để chạm vào những quả bầu trên cao đang vẫy gọi. Những giọt nắng xuân chẳng thể bụm miệng được nữa mà lăn lóc ra khắp giàn bầu, rơi cả xuống đất vẫn chưa hết cười rung rinh nắc nẻ.


    Bóng mẹ đi chợ về thấp thoáng từ đằng xa, mấy anh em lại chen chân nhau mà chạy mà vấp để đón quà, những lá bầu, quả bầu cũng xôn xao như chung niềm ngóng mẹ. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ treo quai nón vào ghi đông xe đạp rồi dựng chân chống cạnh giàn bầu. Mẹ đặt chiếc ghế để đứng lên cho cao, một tay cầm dao cắt vào cuống quả bầu, tay kia đỡ sẵn phía dưới rồi âu yếm nhìn giàn bầu một lượt như muốn bày tỏ tấm lòng hàm ơn. Cha ngồi bên thềm uống ngụm nước vối vàng ươm rồi nhẩn nha:


    “Râu tôm nấu với ruột bầu

    Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”


    Vẫn là tôi te tái: “Con không ăn râu tôm đâu, con ăn thịt tôm cơ! Hay là canh hến cũng được”. Mẹ đang thái từng miếng bầu mà ngưng lại cười thành tiếng. Tình nghĩa cha mẹ dành cho nhau từ buổi ban đầu với hai bàn tay trắng đến lúc dựng nên cơ đồ với mấy mặt con thơ đã trải qua bao thăng trầm cuộc đời vẫn giữ vẹn nguyên một niềm sắt son ấm áp.


    Khi cha vùi khẽ hạt bầu vào trong khoảng đất tơi xốp và tưới thêm chút nước giữ ẩm, mấy mầm xanh mở mắt nhú mình chỉ vài ngày sau đó. Chẳng mấy chốc đôi ba chiếc lá xanh biếc xoè ra, ngọn và tua bầu như cánh tay reo vui hân hoan vẫy chào nắng gió. Cha cắm mấy cành tre nhỏ hơi ngả ra, dẫn lối cho bầu leo lên giàn khi bốn chiếc cột đã được chôn vững vào bốn góc để đan xếp, gác gối những cây tre nhỡ bằng cổ tay hay những cây tre to chẻ đôi lên phía trên mà buộc chắc nịch các mối nút bằng mấy vòng lạt dẻo hoặc sợi dây thép bé. Ngày ngày, mẹ tưới một vòng luống rau rồi tưới cả khóm bầu cha dặn. Dây bầu mập mạp khoẻ khoắn ôm vai bá cổ, quấn quýt không rời tấm lưng giàn vuông vắn như thể những đứa con bé bỏng được cha công kênh trên lưng mà dạo chơi khắp ngõ. Ngọn bầu lia láu vươn mình đến đâu, những chiếc tua bám chặt vào thanh tre đến đấy. Chẳng mấy chốc từ kẽ thân lá, hoa bầu nhú lên li ti rồi một hôm bung ra trắng muốt, bướm ong sà xuống hít hà, những quả bầu bé bỏng đậu lại như những con sâu róm con, và ba bốn tuần sau quả đã nhẵn thín lúc lỉu kéo võng cả dây trên giàn, gọi chờ người tới lui để hái.


    Những quả bầu xanh biếc, uống trọn những tinh tuý của mùa đương xuân. Chúng say sưa dưới bầu trời êm ru khoáng đạt, có vũ điệu nắng vàng óng ả, có khúc gió vi vu thơm nồng, có mưa như tràng kẹo tí hon ngọt mát, đất ân cần tơi xốp cho rễ bén sâu thêm. Đôi tay cha trồng và chăm sóc tỉ mỉ, gửi gắm một mùa bầu bội thu, đôi tay mẹ hái quả từng ngày mà lòng tràn trề hạnh phúc. Cũng từ vòng tay chở che và dìu dắt của cha của mẹ, anh em tôi biết yêu thương, biết nhịn nhường, biết quan tâm đùm bọc nhau hơn nữa. Những mùa bầu cho cổng nhà tôi bóng mát, cho quả ngọt bên bữa cơm ngon, anh em tôi khôn lớn mỗi ngày, cha và mẹ càng thương nhau như “gừng cay muối mặn”.


    Cây bầu lành tính và gắn bó khăng khít với vườn quê, người ở quê, quả bầu tận hiến cho bữa cơm nhà nông, chẳng kén người ăn, chẳng chọn người nấu. Bầu luộc, bầu xào, bầu nhồi thịt và cá cùng hấp lên thơm lừng, bầu nấu canh hến canh tôm đậm đà thơm phức. Mẹ bảo ăn bầu sẽ giúp tôi bớt nóng trong và khỏi chứng hay nhiệt, anh tôi đỡ sủi bụng mà tiêu hoá tốt hơn. Sau này tôi mới biết thêm nhiều công dụng từ quả bầu khi hỗ trợ cả hệ tim mạch, làm chậm quá trình lão hoá và giảm căng thẳng mệt mỏi của hệ thần kinh. Những công dụng to lớn thần kì lại ẩn chứa trong thứ quả mộc mạc chân quê, thứ quả đã gắn bó với nhà tôi mỗi độ xuân đi xuân về xanh cao biêng biếc.


    Có những khi mẹ cha đi làm đồng về mệt tới rũ rượi như muốn lả đi, chỉ cần xuỳ xụp một bát cơm chan canh bầu cùng mấy quả cà còn luênh loang váng muối là tỉnh táo và khoẻ hẳn trong người. Nhớ ngày anh tôi bắt được mớ hến ở sông làng, nhớ ngày cha tôi cất được lưng rổ tép ở hồ thôn. Nồi canh bầu lại có dịp “khua chiêng gõ mõ” dọc ngang con ngõ. Mẹ cắt mấy quả bầu cho hàng xóm cạnh bên, người quen đến chơi nhà ngắm nhìn giàn bầu say sưa mà trầm trồ khen ngợi. Mẹ cắt cho họ mang về đôi quả mà nhận lại suốt những lời cảm ơn. Giàn bầu như dõi nghe, như mừng vui tự hào nơi đầu sân xanh niềm thơm thảo. Bầu ăn chẳng xuể, mẹ đựng vào thúng mang đi chợ, những quả bầu thân thương, suốt dọc đường ai cũng hỏi mua hết khi chưa kịp tới chợ.


    Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo sợ khi thấy giàn bầu bị quăng quật sau một đêm giông bão bất chợt ngày xưa. Những lá bầu bạt đi nghiêng ngả, vài dây bầu buông thõng tả tơi, một góc giàn tre liêu xiêu chực như sập xuống…Rồi cha buộc lại giàn, mẹ cắt đi những đoạn thân đã gần đứt rồi nhấc những thân lành lặn còn ngổn ngang khe khẽ quanh giàn, quả non bị rụng xuống nhiều, những quả đẫy đà thật may vẫn còn cứng cáp. Một thời gian sau, khóm bầu hồi sức, những nhánh chồi mới lại đâm ra, ngọn bầu vươn tua tủa.


    Khi giàn bầu vãn quả cũng là lúc dây bầu khô dần, lá bầu lặng lẽ quắt đi. Cha tôi để dành quả bầu già treo vào bếp cho khô để dành hạt giống cho vụ mới. Những hạt giống ấy rồi sẽ xanh mầm, xanh cây và đơm hoa kết trái như chính tổ tiên của mình đã bao mùa xuân hiến trọn. Nhìn cha giữ gìn hạt giống trên tay, lại đem phơi nắng mỗi ngày, tôi muốn đặt tên cho giàn bầu nhà tôi là giàn bầu hạnh phúc. Hạnh phúc luôn bắt đầu từ những điều giản dị yêu thương, hạnh phúc là khi cho đi hay khi đón nhận những điều dù bình thường mà thiêng liêng đẹp đẽ. Tôi tin trong cuộc đời này, còn bao hạnh phúc bắt đầu từ những điều nhỏ bé giản đơn mà đôi khi ta thờ ơ, ta bỏ quên hay chưa một lần nhận ra và lắng nghe cảm nhận. Mùa xuân đã thì thầm nói cho tôi về những điều tuyệt vời ấy…


    Cha tôi vẫn giữ thói quen trồng bầu vào mùa xuân, mùa của muôn hoa muôn loài căng tràn nhựa sống. Tôi từng hỏi rằng vì sao cha không trồng bầu quanh năm, cha bảo vì lo những dây bầu không thích nghi kịp thời tiết mà còi cọc chậm lớn ít quả và nhanh tàn. Nên chọn đúng thời điểm để gieo trồng những hạt mầm ta vốn đã yêu thương và thấu hiểu. Cha thương khóm bầu như tình thương cha vẫn luôn dành cho mấy mẹ con tôi. Nhìn giàn bầu xanh rợp, nhìn ngôi nhà nhỏ nằm bình thản hiền hoà, chở che bao niềm đầm ấm suốt những năm tháng đã qua, ánh mắt của cha như mỉm cười vì hạnh phúc.


    Tôi trở về thăm nhà lúc mùa xuân đang vào độ chín. Cùng cha ra vườn mà hái chút lá lốt, nhánh sả hay vài quả chanh. Kìa những quả bầu buông xuống mượt mà, những quả xám vỏ, khoằm cong bên chiếc giàn cách mặt đất chừng mét rưỡi. Cha bảo làm giàn thấp thế này dù đứng hay ngồi đều có thể hái quả. Mẹ bị hoa mắt chóng mặt chẳng thể bắc ghế mà trèo hái suốt một mùa bầu. Lưng cha gù đi theo số tuổi, đôi chân chậm dần và bàn tay không còn mau lẹ như xưa nữa. Cha tiều tuỵ bên chiếc ao bay màu xanh, màu áo lẫn vào giàn bầu mộc mạc, tảo tần chịu thương chịu khó. Lòng tôi dâng trào hạnh phúc lẫn nghèn nghẹn, đăng đắng nỗi niềm xót xa. Cả mẹ và cha đã cần mẫn một đời cho đến tận bây giờ vẫn không ngơi cần mẫn.


    Bát canh bầu mùa xuân này vẫn còn nguyên hương vị bát canh bầu từ ngày xuân trong tôi thơ bé. Có vị yêu thương lo lắng, vị chăm bẵm ân cần vị khoan dung trìu mến. Vẫn đôi tay xưa của mẹ nấu, vẫn đôi tay xưa của cha trồng, niềm hạnh phúc thật mênh mông khi giàn bầu xưa và nay vẫn hiền hoà như lòng cha lòng mẹ. Những kỷ niệm tươi thắm lại ùa về bên mâm cơm sum vầy đủ đông, chính những giây phút này đây tới mai sau sẽ trở thành những kỉ niệm thiêng liêng ấm nồng còn thương và nhớ mãi. Giàn bầu mang niềm hạnh phúc ngọt ngào giữa mùa xuân, cho mẹ cha và ngôi nhà, cho anh em tôi từ khi còn tấm bé.


    Mộc Nhiên

    Giàn bầu hạnh phúc
    Giàn bầu hạnh phúc
    Giàn bầu hạnh phúc
    Giàn bầu hạnh phúc

  2. Mùa xuân dịu dàng đã về. Những vạt nắng non mang theo hơi ấm xua đi cái cảm giác rét mướt âm u, buồn bã của mùa đông. Làn mưa bụi mỏng manh giăng mành trên khắp núi đồi, ruộng nương. Mưa giăng như tơ, mưa êm như mơ. Mưa thấm dần vào lớp bùn non bao quanh bờ ruộng làm cho các mầm rau ngải đắng ngủ quên suốt mùa đông bừng tỉnh giấc. Chúng khe khẽ vươn vai, lách người chui lên khỏi mặt đất, he hé những búp xanh ngơ ngác nhìn ngắm bầu trời. Ngắm nhìn những mầm rau tươi non lấp lánh vài giọt mưa đọng trên lá, bất chợt tôi lại thương lắm những mùa rau ngải đắng đã đi qua cuộc đời mình, nhớ bát canh có vị đắng nhăng nhẳng nhưng thấm đẫm tình yêu thương của mẹ tôi những ngày ấu thơ.


    Ở quê tôi, khi mùa xuân về các loài rau dại đua nhau mọc lên với đủ sắc màu. Từng đám dền cơm, dền chấu mọc lúp xúp đủ loại lá đỏ, lá xanh cho ta những bát canh ngọt lịm. Những khóm rau sam điệu đà, thân và lá mọng nước màu tím phớt xanh. Rau xương cá bé li ti, xinh xắn, bò vấn vít quanh các bãi đất ven bờ suối… Nhưng loài rau có sức sống mãnh liệt nhất, bền bỉ nhất có lẽ là loài rau ngải đắng. Đám thân ngầm của chúng lặng lẽ len lách trong lòng đất, trong sỏi đá mà vươn ra xa, chắt chiu từng chút mỡ màu để dâng cho con người những mầm rau non mướt thẫm xanh suốt bốn mùa.


    Ngày xưa, quê tôi cũng như bao làng quê khác. Cuộc sống với bao khó khăn thiếu thốn. Xóm núi nhỏ bé của tôi với những nếp nhà con con nằm nép mình bên dãy núi đá vôi thâm u, tịch mịch, bốn mùa mây giăng trắng xóa. Con đường nhỏ gập ghềnh chạy ngang qua xóm nghèo. Nơi đây vừa hẻo lánh vừa xa bệnh viện, thuốc men khan hiếm nên rau ngải đắng chính là thứ thuốc nam mẹ dùng thường xuyên trong gia đình. Mẹ trồng một vườn ngải đắng cạnh nhà. Ngày ngày, bà phân công anh em tôi thay nhau chăm bẵm tưới tắm nên luống rau lúc nào cũng xanh tốt bời bời. Vườn ngải đắng của mẹ vừa được dùng làm rau ăn hàng ngày, vừa làm thuốc không chỉ cho riêng gia đình tôi mà cho cả bà con xóm nghèo bên cạnh.


    Đám trẻ con chúng tôi vốn hiếu động với biết bao trò nô đùa, nghịch ngợm. Bao lần trốn cha, trốn mẹ rong ruổi, bêu nắng, đánh trận giả để rồi không ít lần chân tay bị thương xước xát, rớm máu và những trận cảm nắng sốt cao li bì. Những lúc như vậy mẹ lại tất tả ra vườn hái nắm rau ngải đắng rồi đem về sao nóng cùng ít cám gạo để chườm vết thương, đánh cảm cho các con. Bao năm đã trôi qua, nhưng sao tôi vẫn không thể quên hình ảnh mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu tù mù chập chờn trông các con ốm và cảm giác ấm áp khi được gối đầu lên lòng mẹ. Cảm nhận hơi ấm từ bàn tay dịu dàng của bà qua túi chườm ngải đắng. Rồi không biết do túi thuốc mẹ chườm hay do tình yêu thương của mẹ, mà chỉ sau một giấc ngủ, sáng sớm hôm sau những cơn đau đã tan biến như một phép màu.


    Mùa đông nơi miền sơn cước khắc nghiệt vô cùng. Những ngày rét đậm, sương muối phả ra nghi ngút, phủ trắng núi đồi. Cây cối cứ dần dần lụi tàn theo từng đợt sương giá. Những đám rau cải nương, rau khoai lang lá cứ sắt lại, úa vàng, cháy xém rồi chết khô, duy chỉ có loài rau đắng vẫn miên man xanh ngăn ngắt trong sương mù giá rét. Mầm rau cứ len lỏi, cứ vươn ra, bò vào tận gậm nhà sàn. Những mầm rau nhỏ bé ấy được bà, được mẹ hái về thái mỏng, xào với chút mỡ và dăm ba quả trứng gà. Thoạt đầu mới ăn ta sẽ phải nhăn mặt bởi vị đắng nhăng nhẳng, hăng hắc của nó nhưng khi ăn xong vị ngòn ngọt, thơm thơm dễ chịu cứ lưu lại mãi nơi đầu lưỡi. Món canh rau ngải đắng không phải ai cũng biết ăn nhưng đã ăn rồi lại đâm nghiện, rồi càng ăn càng thương nhớ mãi không thôi. Ngải đắng giúp cho mắt người già thêm sáng, đôi chân các mẹ các chị thêm dẻo dai và đôi má phúng phính của những đứa trẻ miền sơn cước thêm hồng hào. Cha thường bảo: “Đã là người miền núi thì phải biết đến món rau ngải đắng.”


    Cha tôi rời quân ngũ trở về quê hương với chiếc ba lô bạc màu và những vết thương ẩn trong lồng ngực. Tôi nhớ những ngày mưa gió hay trời trở rét, vết thương nơi ngực cha tôi lại hành hạ, khiến cho ông ăn không ngon ngủ không yên. Những cơn đau triền miên khiến ông gầy xọp đi. Những lúc như vậy, mẹ lại nhìn cha xa xót. Bà lặng lẽ bắt con gà choai, làm sạch rồi nhồi một nắm ngải đắng cắt nơi vườn nhà, thêm nắm đậu xanh trộn gạo nếp, vài miếng tam thất rồi bắc lên bếp đun cách thủy. Lúi húi hết buổi sáng, mẹ cũng đun xong món canh tẩm bổ cho cha. Khi mùi ngải đắng thơm lừng bay khắp nhà, mẹ đỡ cha dậy, kiên nhẫn bón cho ông từng thìa nhỏ. Nhờ bát canh gà tần ngải đắng đậm tình yêu thương của mẹ mà cha tôi đã vượt qua được những cơn đau vật vã hành hạ.


    Chiều chiều, trong nồi nước tắm gội mẹ đun cho cả nhà, ngoài lá bưởi, lá sả bao giờ cũng có thêm một nắm rau ngải đắng. Mẹ thường nói: “Tắm nước rau ngải đắng sẽ làm cho con người vừa sảng khoái vừa đỡ bệnh tật.” Có lẽ nhờ nồi nước thuốc bằng các thứ lá của mẹ mà ngôi nhà gỗ nhỏ của gia đình tôi lúc nào cũng phảng phất mùi thơm. Năm anh em tôi cứ thế lớn lên khỏe mạnh, săn chắc, dẻo dai như cây trên rừng, không mấy khi ốm đau bệnh tật, cũng không mấy khi phải dùng đến thuốc tây.


    Sau này, khi mẹ tôi đột ngột ra đi vì một cơn bạo bệnh, cha tôi thẫn thờ hàng tháng trời. Mái tóc cha vốn đã bạc giờ càng thêm trắng phau phau. Tôi biết một nửa trái tim và tâm hồn cha đã theo mẹ về miền mây trắng. Có nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau mất đi người bạn đời của mình. Có lúc anh em tôi bắt gặp ông đứng một mình cô đơn nơi vườn rau ngải đắng mẹ trồng, có lẽ cha đang nhớ món canh ngải đắng mẹ từng nấu cho ông khi bà còn sống. Nhớ những yêu thương ấm áp mà mẹ đã dành cho cha suốt những năm tháng hai người bên nhau. Ngải đắng vẫn miên man xanh, vẫn tỏa ra mùi thơm hăng hắc dễ chịu, chỉ có người ở lại mãi bạc đầu thương nhớ người đã ra đi về nơi cuối trời.


    Xuân lại về. Cơn mưa phùn bất chợt đến rồi bất chợt đi, để lại những giọt nước mát lành đọng long lanh trên những mầm ngải đắng. Những mầm rau non xanh gieo vào lòng tôi chút bâng khuâng thương nhớ. Tôi như thấy thấp thoáng đâu đây, bóng dáng mẹ tôi lúi húi bên vườn rau ngải đắng. Bao giờ cho đến ngày xưa để tôi lại được gối đầu vào lòng mẹ, hít hà mùi hương của loài rau thân quen tỏa ra từ đôi tay dịu hiền ấy.


    Hồng Vân

    Thương mùa ngải đắng
    Thương mùa ngải đắng
    Thương mùa ngải đắng
    Thương mùa ngải đắng
  3. Mẹ tôi là một người nông dân thuần hậu, suốt đời gắn mình với ruộng đồng. Mỗi lần mường tượng về mẹ trong tâm trí, tôi thường thấy hình ảnh mẹ bước đi trên con dốc gần lô sở. Bà bước đi vội vã, đôi chân trần như không bén đất, dáng người bé nhỏ, bộ đồ lao động sau bao mưa nắng không thể gọi tên màu gốc, và bất kể, nắng hạ hay mưa đông, bà luôn đội một chiếc nón lá trên đầu.


    Từ khi tôi biết nhớ, sự phân công lao động trong nhà đã khá rõ ràng, bố sau sáu năm lăn lộn ở chiến trường Cam pu chia trở về, đau ốm không đủ sức làm việc nặng nên chủ yếu ở nhà, đứng máy xay lúa. Mẹ dẫu nhỏ người nhưng bền bỉ, luôn ra khỏi nhà từ mờ sớm, trở về lúc mặt trời đứng bóng, ăn trưa xong lại tất tả đi. Mùa đông ngày ngắn, lại không nắng gay gắt như hè, nhiều lúc mẹ nắm cơm với muối vừng hay con cá mặn và ở lại buổi trưa luôn ngoài đồi, khỏi phải đi về mất thời gian. Bảy mươi năm cuộc đời, mẹ không biết đi xe đạp, xe máy, đồng gần hay lô xa mẹ đều đi bộ. Khi lớn lên, thỉnh thoảng ngày nghỉ học tôi đi làm cùng mẹ, và chở mẹ bằng xe đạp, rồi xe máy. Đội mũ bảo hiểm rồi, mẹ vẫn kèm trên tay một cái nón. Dường như lúc nào mẹ cũng có một cái nón lá như thế!


    Có lần phải chạy vội ra ngoài trời nắng, hình như là để đảo vài đường trên sân lúa, tôi với tay lấy cái nón của mẹ, rồi ngần ngại một chút khi đội lên đầu. Cái quai nón nếu không ướt đẫm thì lại khô queo, ram ráp vì đọng bao nhiêu mồ hôi muối. Quai nón làm bằng sợi dây voan mỏng, rộng bằng hai ba ngón tay từng thắm hồng, biếc tím giờ hòa lẫn với màu xám xám của lá nón và có mùi chua chua, mằn mặn rất riêng- mùi của mẹ. Thì ra, cái nón thân quen ấy không phải chỉ là vật che mưa che nắng mà còn là nơi lắng đọng giọt mồ hôi, lưu giữ biết bao quãng trầm, nốt lặng trong bài ca cuộc đời của mẹ. Tháng năm trôi, bài ca âm thầm ấy luôn gợi ra cho tôi những xúc cảm đặc biệt, vừa bình dị thân thương vừa mới mẻ, bất ngờ.


    Đó là cái nón của một cuộc đời vất vả lo toan. Nón cùng mẹ bước thấp bước cao sang phiên chợ nghèo bên sông. Oằn vai gánh dứa qua chiếc cầu chênh chao trên sóng, thân người mẹ khuất sau cái sọt, chỉ thấy cái nón lá nhấp nhô theo nhịp bước. Những quả dứa cứ vô tư khoe sắc vàng ươm, tỏa hương thơm dịu ngọt, sáng lừng cả góc chợ, chúng có biết đâu mẹ đang đứt từng khúc ruột, lẳng lặng cúi đầu, giấu đôi mắt rơm rớm sau vành nón. Mười tám tháng trời ròng rã, cây dứa chắt chiu gom từng giọt mồ hôi của mẹ mà kết mật, lên hương, thế mà giữa phiên chợ trời người ta trả giá bèo bọt quá… Nón miệt mài che cho mẹ quơ liềm gặt lúa cái nắng như rang tháng năm tháng sáu. Mưa phùn tháng chạp, nón cùng mẹ cắm từng cây mạ liêu xiêu trong cái rét bầm da. Bao lần giọt nước mắt hòa vào giọt mồ hôi thấm vào quai nón khi gió Lào quạt cháy khô từng hàng dứa chín muộn. Quả dứa cháy nắng, rám bạc một bên má, đau xót gục đầu vào đôi tay mẹ gầy chằng chịt vết gai đâm.


    Trưa mồng 1 tết, khi nhịp sống của mọi nhà dường như lắng lại, khi mấy đứa con háo hức đi chơi cùng lũ bạn trong xóm thì mẹ lặng lẽ đội nón, mở chuồng cho đàn bò lên đồi. Con từng ngờ nghệch tin rằng, đến tuổi của mẹ, con người ta sẽ không cần, không thích đi chơi, nhất là ngày lễ, ngày tết nữa. Trời nắng chang chang, mẹ bảo “nắng ni cỏ chết theo tay” nên phải tranh thủ giẫy cỏ. Trời mưa lâm thâm, mẹ bảo “mưa ni bỏ phân dứa là sướng nhất, không sợ nắng bốc hay mưa cuốn hao phân, người đi đến đâu dứa xanh đen đến đó”, mẹ vui vẻ đội mưa, bưng chậu phân lội từng hàng dứa. Và thế là chỉ những hôm trời mưa thật to thì mẹ mới ở nhà.


    Đó cũng là lúc mẹ giở giỏ kim chỉ, vá lại những chiếc quần thủng gối, sờn mông, đơm lại cái cúc áo hay lể những đầu gai dứa gãy sót lại ở khắp tay chân. Ngày mưa gió cũng là dịp mẹ tranh thủ tút tát lại cái “nón vàng nón bạc” của mình. Chằm thêm một lần vải ở vành ngoài cho chắc, vá một vài lỗ thủng. Hình như cái nón cũng hiểu thấu lòng mẹ nên bền lắm. Chỉ khi mấy lớp vành phía ngoài đã rụng mất, từng mảnh nhỏ lá nón tróc ra, không thể đội ra đồng được nữa, mẹ mới đổi việc cho nó. Nghỉ việc đồng, cái nón sẽ được tận dụng để đậy lu cà, hũ mắm, cũng có khi mẹ đem nón rách đội cho ông bù nhìn ngoài ruộng.


    Ngày ấy, có bao lần con ước mẹ giống như mẹ của mấy bạn trong xóm. Họ cũng từng là công nhân nông trường, cũng nghỉ chế độ mất sức, cũng nuôi con ăn học. Nhưng bữa cơm của họ chẳng vội vàng, tuần nào họ cũng đi chợ còn mẹ dường như chỉ sang bên kia cầu vào mùa dứa chín. Quần áo của họ nhiều hơn và mới hơn của mẹ. Họ cũng không trồng thêm dứa trên đồi như mẹ, không nuôi cả đàn bò như nhà ta. Con từng tự hỏi: Sao nhà ta nhiều việc thế? Không lúc nào hết việc. Hồi con còn nhỏ, mẹ trồng dứa, trồng sắn, tỉa ngô để góp tiền để làm nhà, rồi mua máy xay lúa, mua bò mua trâu. Khi con lớn hơn, mẹ bảo phải trồng thêm vài sào dứa để mấy chị em còn đi học đại học. Các con ra trường đi làm, mẹ còn phải mua cho mỗi đứa một cái xe máy, làm cô giáo rồi ai lại ì ạch đạp xe mười mấy cây số đi về! Rồi mẹ còn phải sửa lại cái nhà, còn lo tiền thuốc men, đau ốm cho hai tấm thân già sau mấy mươi năm dạn dày sương gió. Lũ chúng con lớn lên cứng cỏi, kiêu hãnh như cây dứa quê mình, một buổi chiều đông chợt giật mình nhận ra bao nhiêu cái nón đã thay nhau đếm mùa đi trên mái đầu của mẹ!


    Mẹ từng kể con nghe về một ngày mùa xuân, ngày đặc biệt trong đời mẹ. Đám cưới của bố mẹ đơn sơ lắm, không có cỗ bàn, không trang điểm cô dâu, không quần áo mới, chỉ có gói kẹo lạc, bát nước chè xanh và lời chúc phúc của các cô các bác trong đội sản xuất. Từ đó, mỗi lần đi xem đám cưới trong làng, tìm cô dâu mới thẹn thùng cúi mặt đội cái nón mới trắng tinh ngồi lẫn giữa bao nhiêu khách khứa, con lại tưởng tượng về cô-dâu-mẹ trong lễ vu quy. Mẹ cũng má thắm môi hồng, cũng mái tóc dày đen và óng mượt dưới vầng nón lá tinh khôi như thế! Hẳn là cô- dâu- mẹ cũng mộng mơ biết bao điều về mái ấm, về tương lai, về những ngọt ngào, sum vầy hạnh phúc…


    Thế rồi, các con lần lượt ra đời, bố đi chiến trường biền biệt rồi một ngày nọ đột ngột trở về với nước da mai mái màu sốt rét, gánh nặng áo cơm đè trĩu trên vai, bầu trời của mẹ dần dần thu về chỉ còn vừa đủ trong bát cơm và trang vở của các con. Mẹ chính là cái nón luôn xòe rộng thân mình che chở đàn con, đưa con đi qua những năm tháng ấu thơ đói nghèo, thiếu thốn mà đủ đầy, ấm áp. Dưới vành nón mẹ, lũ chúng con hồn nhiên lớn lên, đi học, biết ước mơ và theo đuổi ước mơ để một ngày kia, đôi mắt đủ sáng, trái tim đủ yêu thương để biết rưng rưng trước một cái nón lá dãi dầu. Cái nón bao dung nhận về mình những mùa đông giá buốt, những mùa hạ cháy khô để chúng con được sống vẹn tròn trong mùa xuân hi vọng. Hơn bảy mươi mùa sương gió đã qua, cái- nón- mẹ giờ đã bạc màu, xù xì, lỏng vành, thủng mái, không còn đủ sức chống chọi với nắng hạ mưa đông trên đồi ngoài ruộng. Con thảng thốt nhìn mái tóc mẹ hòa vào màu mây trời bàng bạc trong buổi chiều cuối đông…


    Sáng nay, con chở mẹ đi chợ. Vẫn là phiên chợ bên kia sông. Dòng Lại biếc xanh vẫn dịu dàng soi bóng dòng người hân hoan xuôi ngược trên cầu. Chợ Tết rực rỡ sắc màu, rộn rã tiếng người tiếng nhạc. Đến bên hàng nón quen thuộc, mẹ chọn cho mình một cái nón lá mộc mạc, đơn sơ. Tay cầm cái nón, mẹ thong thả bước đi trong bầu không khí buổi sớm mùa xuân, rộn ràng, náo nức. Chiếc nón lá như bừng sáng lên, tinh khôi rực rỡ!


    Nguyễn Hà

    Nón lá mùa Xuân
    Nón lá mùa Xuân
    Nón lá mùa Xuân
    Nón lá mùa Xuân
  4. Khi chùm lê bật bông trắng như tuyết ngoài vườn,trong một sáng tinh sương. Ấy là mùa xuân đã về trên bản tôi. Nơi tôi sinh ra là một bản người Thái heo hút của tỉnh Sơn La. Những mái nhà sàn nhỏ như những cây nấm.


    Sáng. Gió từ trong khe núi lô xô chạy ra cùng Êm đi chợ Tết. Sương vắt ngang qua những đỉnh núi cao vút, Êm đi đến đâu, những hạt sương vỡ ra, ngấm vào thịt da, nhoi nhói… Tôi cũng chạy theo Êm đeo một ca lếp nhỏ bên hông. Con Đốm thở ra một màn sương mỏng, chạy vượt lên trước, chốc chốc nó ghếch chân vào bụi cây ven đường tè một bãi đánh dấu và đứng đợi.

    Gió len vào lớp áo mong manh để se sắt cái rét cắt da. Đi chợ phiên, nhất là chợ phiên cuối năm luôn làm lòng tôi thấy chộn rộn một niềm hân hoan khó tả. Khi ở nhà, lúc trời tối, tôi thường nhìn xuống nơi mà Êm bảo “ Nơi đó là thị trấn “

    Ở đó sáng suốt đêm. Những ngày cận Tết, quầng sáng ấy rộng mãi ra. Tôi hay thắc mắc. Sáng suốt ngày đêm như thế, người ta ngủ vào lúc nào nhỉ? Càng về khuya, cái quầng sáng ấy càng rõ hơn. Như thể người trong bản mang hết sao trên trời mà vãi cả xuống ấy! Lạ thế chứ! Tôi mang theo thắc mắc ấy trong suốt những năm tháng tuổi thơ… Xuống đến chợ thì sương tan, nắng kiêu kỳ trải một lớp voan mỏng như mật ong, nắng như tơ thả xuống vàng dịu. Tôi thấy sắc xuân đã bừng lên khắp khu chợ nghèo quê tôi.

    Chỗ bán dao, bán giấy dán cây nêu, chỗ bán dép, bán dầu, muối , rượu ngô… Hàng thắng cố đông hơn cả, khói bốc nghi ngút từ cái chảo to, những tiếng xuýt xoa khe khẽ. Mùi thảo quả, mùi mắc khén , mùi rượu ngô quện vào mùi khói từ những mấy gộc củi chụm đầu vào nhau cháy dưới cái chảo to đang sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút.


    Ấm sực, tiếng dao băm vào thớt kếch kếch. Tiếng cười lẫn tiếng rít thuốc lào nghe vui tai … Người trong bản tôi cũng thân nhau như mấy đốt ngón tay. Gặp nhau phiên chợ Tết, quen thì uống với nhau một bát rượu, lạ uống với nhau hai bát cũng thành quen. Cả năm mới có một phiên chợ Tết,đàn ông quên con dao, cái cuốc, đàn bà quên cái khung cửi cũng không ai cười mà!

    Đàn ông xuống chợ mà không uống rượu, không gặp bạn thì khác nào tự vần tảng đá to mà ngăn cách con người với nhau. Gặp nhau bắt cái tay nhau thật chặt. Hỏi thăm nhau ăn Tết có to không? Ăn Tết to thì mừng cho nhau. Mời nhau đến nhà vào ngày đầu xuân uống với nhau bát rượu ngô mới, ăn cùng nhau miếng thịt mỡ lợn thơm.

    Cái bụng cũng vui lắm! Êm mua lá về gói bánh đen, mua giấy xanh đỏ về dán cây Nêu mua một bó đũa đỏ, mua thêm muối, dầu đốt, mua cho tôi một đôi dép mới. Nắng xuân đã trải dọc con dốc về bản tôi, trời trong như ánh mắt trẻ thơ, nắng vàng rực như ai đem hết ngô ra mà tãi khắp rừng… Tôi thầm biết ơn những giọt nắng, tôi nghe những mầm măng vầu đang đội đất nhú lên… Dọn nhà ngày Tết là một việc làm cần sự tỷ mỉ của người phụ nữ. Êm tôi cẩn thận quét những mạng nhện đang giăng ngang dọc trên xà dóng (gác bếp).

    – Quét không quét ngô lúa ra cửa trước, không quét hạt đỗ to đỗ nhỏ ra cửa sau, không quét sức khỏe xuống bậc cầu thang, không quét lời hay ý đẹp ra khỏi cổng

    – Quét , chỉ quét những điều không may mắn đi xa, quét bệnh tật theo gió mang đi, quét những cái xấu ra dòng dòng sông Mã trôi thật xa, không biết đường quay lại…

    Gian bếp là nơi quan trọng nhất của dân tộc Thái. Cuối năm sau khi Ải (bố) cẩn thận lau dọn nơi thờ cúng, Êm là người dọn bếp. Người Thái bản tôi có hai gian bếp đặt trong nhà bếp gần chỗ ngủ của Ải (phay cốc) đặt đối diện với ban thờ, không dùng để nấu nướng, chỉ dùng tiếp khách quý và người có tuổi. Phụ nữ không được tự do ngồi bếp này. Gian bếp ngoài dùng để đun nấu và sinh hoạt chung. (phay pai). Ngày Tết, rất kiêng kỵ để lừa tắt. Êm tôi khéo léo vùi tro sao cho sáng hôm sau lửa vẫn ấm áp. Xà dóng (gác bếp), những cum nếp ám khói lên màu nâu óng toả mùi thơm nhẹ quện với hương trầm ấm áp.

    Bao nhiêu cái Tết đã qua. Êm tôi vẫn giữ cho gian bếp ấm áp như vậy. Chõ xôi tỏa ra thơm phức, khi ngoài cửa là những cơn gió hun hút như tiếng hú của bầy sói hoang vọng vào núi đá, bị đánh bật trở lại. Giữa sàn bếp, lửa vẫn luôn ấm sực từ hai gốc củi to chạm đầu vào nhau, cháy không thành ngọn.

    Chiều ba mươi Tết là lễ gội đầu của các Êm các dá (b) trong bản tôi. Chẳng biết tục gội đầu bằng nước gạo có từ bao giờ nhưng tóc ai cũng mượt mà óng ả. Lễ gọi vía được thầy mo làm cho từng người trong nhà vào tối ba mươi Tết. “Ba mươi vía trước mặt, năm mươi vía sau lưng, vía đầy hai bên mình. Gọi vía về, buộc chỉ cổ tay để vía không đi chơi xa, cho cả nhà khỏe mạnh trong năm mới “

    Lễ gọi vía được thực hiện trang trọng và ấm cúng. Sau bữa cơm tất niên. Mâm cơm cúng giao thừa được Êm Ải chuẩn bị rất chu đáo. Con gà cúng được Ải chăm cẩn thận từ lúc còn bé , cá nướng pa pỉnh tộp, cá chua, xôi, và bánh chưng đen, bánh chưng trắng. Cả áo mới, vòng bạc… cũng được đem cúng ma nhà. Cầu nguyện một năm mới làm ăn thuận lợi, no đủ.

    Mâm cúng đêm ba mươi Tết được Ải trông cả đêm, không để hương tắt. Sáng mùng một, mùi xôi đã thơm nức.. Êm dậy sớm lắm! Thấy tôi Êm cười, nụ cười đẹp hơn cành mận vừa bung hoa trắng muốt ngoài vườn.

    Tôi cùng Êm mang ống ra đầu nguồn con suối lấy nước. Trời vùng cao vẫn lạnh buốt, ngọt như lưỡi dao lam bén sẵn sàng cứa một nhát vào da thịt khi gió thổi tới. Mặc cho cái gió vẫn quất ràn rạt trên mặt đất,trong vườn, cả dưới gầm sàn. Con ngựa tía vẫn thủng thẳng nhai cỏ và lộp cộp gõ móng, hoa lê bật bông trắng muốt, hoa ban đang khẽ cựa quậy chờ ngày mai bung cả rừng ngập sắc xuân. Tôi chạy theo Êm, hai cánh mũi đỏ lựng. Tiếng chim nộc thua lúc xa lúc gần…

    Năm nay nước suối vẫn đủ cho đàn bà giặt áo, cho đứa gái rửa gót chân, đủ để ủ ấm gốc lúa, đủ cho con cá không hở sống lưng. Con gái à! Mùa xuân đến sát cửa rồi! Êm bảo thế. Tôi thì thấy vẫn rét quá! Tiết xuân chùng chình như đứa gái lười biếng đang ngái ngủ… Sáng đầu năm, đi lấy nước đầu nguồn. Đổ vào cái ang khô vênh dưới gầm sàn. Cầu một năm mới no ấm .

    Cả ngày mùng một Tết, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa, nghe Êm dá ( bà nội) dậy những điều hay, lẽ phải, kể cho con cháu những phong tục, tập quán của người dân tộc mình . Ăn cơm mới bên bếp lửa ấm. Sáng mùng hai Tết Người hợp vía với Ải sẽ là người đầu tiên bước lên bảy bậc cầu thang vào nhà.

    -Ôi dồ! Cho mình chúc mừng năm mới!

    -Chúc cho tiền vào như nước chảy cửa trước, ngựa dê chen chân đầy cửa sau. Chúc nhiều cum lúa chắc chất đầy xà dóng, bạc trắng đầy ca lếp. Chúc mừng! Chúc mừng!

    Ai cũng cười, vui cái bụng quá! Rượu ngô mới sóng sánh đầy bát , thịt trâu nướng thơm phức, cơm nếp dẻo, cá pỉnh tộp nóng hổi ! Cái bụng vui nhiều quá!

    Ải tôi cùng khách đi các nhà khác trong bản chúc Tết:

    – Chúc sức khỏe, sức khỏe nớ! Cái nương nhiều ngô nhiều thóc nớ!đàn ông thương vợ, đàn bà thương chồng nớ!… Trong vườn lê, những hạt sương căng tròn, mập ú vịn cong cả búp non đang cựa mình đâm trồi…


    Chiều mùng hai Tết. Xuân đã ùa về khắp bản tôi, đàn bà mang thêm củi để đêm xoè ấm hơn, đàn ông chếnh choáng hơi men, vuốt lại tà áo , đến hội xoè thôi! Đứa gái má như táo chín,không cần ăn, cái vui về nhiều làm no cái bụng rồi, thằng trai thay bộ áo mới tủm tỉm cười một mình…

    Êm không cho tôi đi xoè. Êm bảo mười lăm tuổi mới được đi! Lạ thế chứ! Cái Dẻn cái Thao mới có mười ba tuổi mà Ải Êm nó cũng cho đi mà! Nhưng tôi không giận êm, tôi ngồi canh bếp lửa, ăn cái kẹo gừng thơm mà Êm tự làm cay cay, ngọt ngọt. Xoè cho cây lúa nhiều bông, cây ngô nhiều hạt, con ngựa, con dê đầy đàn, bản mình cái ấm no về nhiều hơn năm trước… Những thằng trai tìm cách đứng cạnh những đứa gái mình thích, má đứa gái bắt lửa, đỏ au, ngượng quá!kệ! Tay thằng trai cứ nắm chặt hơn..bối rối, có lúc chân lạc cả nhịp xoè.

    – Qua Tết mình bảo Ải Êm sang nhà bên ấy xin mua ít hạt giống tốt về gieo mảnh nương nhà mình nhé! Không tốt đâu! Hạt giống còn non mà!

    – Được mà! Hạt giống non nhưng tra vào cái nương tốt sẽ mọc đều thôi !

    – Không được mà! Đứa gái gỡ tay bạn chạy ra khỏi vòng xoè, thằng trai cũng bỏ vòng xoè, chạy theo… Ải Êm tôi về đến nhà đã gần nửa đêm. Tôi nghe tiếng nước xối rửa chân ào ào dưới sàn

    – Con gái chưa ngủ à? Ải tôi xoa hai tay, hơ vào lửa .Êm vẫn giữ nụ cười. Tôi như thấy Êm mang theo cả hương đêm xoè đầu xuân về theo, ấm áp lạ! Sau Tết những lễ hội như ném còn, đẩy gậy, kéo co… còn kéo dài đến hết tháng giêng.

    Mưa xuân sẽ làm đất xốp, tơi mềm, cỏ dưới lũng lại mọc xanh, đàn ngựa, đàn dê béo mũm mĩm, nước lại chảy đầy máng, mặt những đứa trẻ như tôi sẽ bớt nứt nẻ, đi trên con dốc sống trâu gồ ghề quen thuộc tới lớp để kiếm con chữ. Hoa mận, hoa ban bung cánh trắng muốt. Mùa xuân của ký ức trong veo, ngọt ngào như cổ tích. Nói bao nhiêu cũng chỉ đủ thốt lên một lời rằng. Mùa xuân ở bản tôi dù nghèo khó, vẫn đẹp vô ngần. Tôi nhìn thấy. Tháng giêng đang nhoẻn miệng cười.

    Duyên Phùng

    Tết bản xưa
    Tết bản xưa
    Tết bản xưa
    Tết bản xưa
  5. Khi nắng xuân rót mật ngọt óng ả trải dài trên từng nụ hoa đang khoe sắc, nhìn dòng người xúng xính với bộ xiêm y lộng lẫy, tay trong tay dạo phố đương hối hả vào xuân. Cánh chim thiên di lưu lạc nơi đất khách lại khắc khoải vấn vương tổ ấm thân thương, nhớ miền cố hương với miền ký ức đậm sâu đang trào dâng trong lòng…


    Tuổi thơ được nuôi dưỡng đong đầy với điệu lý, bài vè cùng tụi bạn đánh khăng, đánh đáo bên triền đê vùng quê lúa chiêm trũng. Nhưng tôi lại “phải lòng” với nắng gió phương Nam, để mỗi độ Tết đến xuân về lòng tôi đau đáu muốn ngả lòng mình vào rét ngọt dưới lất phất mưa bay giăng mắc dưới ngọn khói lam chiều.


    Chuyến tàu cuộc đời đưa tôi đến những sân ga khác lạ để ủ ấm thanh xuân tươi đẹp. Những khung cảnh hữu tình, người bạn tương phùng qua ô cửa kính con tàu đã kéo tôi giữa những bon chen, tấp nập cuộc sống mưu sinh. Và khi những nụ đào phai đang cựa mình khoe sắc thắm, cơn gió bấc vội vã kéo về len lỏi từng lối nhỏ xóm quê như tiếng còi tàu đánh thức “sân ga đoàn viên” chuẩn bị cập bến đợi chờ.


    Tôi nhớ quay quắt ngõ xóm lót gạch phủ rêu trơn trợt, nhớ bóng dáng cha mẹ đang ngóng chờ đàn con xa, nhớ cổng gỗ phai màu khi xuân đến, nhớ mái nhà, nhớ làn khói bồng bềnh bên chái bếp ấm áp tình quê. Những bài học vỡ lòng, những tình cảm nồng đượm, mẹ chỉ dạy bên chái bếp bồ hóng đơm kết hăng hắc tuổi thơ nơi miền quê nghèo.


    Trong miền ký ức thẳm sâu, dạo từ đầu tháng Chạp, chái bếp nhà tôi đã đỏ lửa xôm tụ tiếng nói cười. Những bó củi cha kéo cưa trước đó, bên cạnh những đọn rơm rạ sót lại sau vụ mùa được dùng làm chất đốt. Tụi tôi háo hức với nét mặt hớn hở khi ngồi cạnh bà sên mứt Tết, những mẻ mứt dừa, mứt gừng được bà khéo léo đảo quanh trên chảo khiến chúng tôi phát cuồng, thỉnh thoảng láo liên lại bốc một hai miếng cho vào miệng để tận hưởng vị ngọt ngào, vị cay nồng trong giá rét se se, trong lòng khẽ reo lên vị Tết đang về.


    Ngoài sân, cha và mấy chú thoăn thoắt lọc xương con lợn cỏ béo ú mẹ nuôi từ đầu vụ mùa để làm giò, chuẩn bị gói bánh chưng. Mẹ vẫn tỉ mẩn bên giếng vo gạo nếp cái hoa vàng để đồ xôi gấc. Tiếng nói cười rôm rả, con cháu quây quần trong không khí đoàn viên đón cái Tết với niềm hân hoan rạng ngời.


    Tiếng củi kêu lách tách phả hơi ấm vào đôi má chị em tôi đỏ ửng bên mẹ chất nồi bánh chưng sôi sùng sục, nước bắn xèo xèo. Những củ khoai, những bắp ngô được tôi dúi vào tàn tro đỏ lửa. Nồi nước mùi già cũng được mẹ chuẩn bị để gia đình tẩy trần bụi bặm cuối năm, đón chào xuân mới. Hương thơm dịu ngọt bảng lảng níu kéo đến hết mấy ngày xuân.


    Căn bếp đơn sơ, mộc mạc nhưng lưu giữ bao kỷ niệm thuở ấu thời. Từ những tiếng ê a, nét chữ đầu đời mẹ dạy tôi với bút viết là cây củi cháy dở và bảng đen là thành bếp vôi vữa đã ám màu. Đến những lần mẹ dạy nấu cơm, kho cá bằng xoong gang bếp củi để có bát cơm dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần; những món ăn, những bí quyết nấu nướng ngoại chỉ dạy trước khi mẹ theo cha về nhà chồng cũng được mẹ ân cần cầm tay hướng dẫn.


    Quên sao được những trận đòn ngay bên chái bếp bằng que tre cời than mẹ đang nấu cơm dở, cũng bởi mải chơi theo lũ bạn ngoài triền đê để đàn bò ăn cỏ đi lạc, cha phải tất tả đi tìm. Rồi những giọt nước mắt mẹ vội giấu đi nơi chái bếp ngày chị gái tôi xuất giá theo chồng. Nước mắt thì chảy xuôi mà lòng mẹ thẫn thờ ngược lối. Những lời dạy “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” gói ghém đủ đầy để giữ lửa hạnh phúc gia đình, giữ cho căn bếp luôn đỏ lửa, ấm áp tình thân được mẹ căn dặn chị trong buổi chiều nắng hao gầy cuối xóm. Căn bếp tình thương chứng kiến bao buồn vui trong nếp nhà đơn sơ…


    Trong tâm khảm mỗi trái tim thiên di luôn có miền cố hương để hoài niệm, bồi hồi. Mỗi khi cánh đào phai mỏng manh dưới giọt sương chùng chình trước ngõ, lòng tôi vấn vương nhớ chái bếp năm nào. Nghe vọng trong thinh không cha đang thủ thỉ với mẹ: “Xuân này, không biết tụi nó có về thăm?”


    Khói lam chiều vờn quanh mái tóc hoa râm của cha, thấm những nếp thời gian phảng phất trên làn da của mẹ, ngập ngừng mong ngóng cánh chim thiên di về thăm chốn cũ. Giữa bộn bề lo toan, có khi nào ta một lần dừng lại để cảm nhận hương vị tình thân đong đầy trong ánh mắt, để đoàn tụ hạnh phúc, cảm nhận nụ cười của mẹ cha. Chái bếp bao mùa qua, liệu còn được bao nhiêu lần đoàn tụ, sum vầy, quây quần đông đủ tình thân như thuở nào…


    Mỗi khi xuân về, dẫu chùn chân mỏi bước trên hành trình nào, ta luôn mong ngóng ngả lòng mình vào hồn cốt quê hương. Nếu phương Nam ngập tràn trong sắc nắng hoa mai thì cánh đào phai là linh hồn của mùa xuân xứ Bắc. Dù phải lòng với nắng gió phương Nam nhưng mỗi khi thấy bóng dáng hoa đào, tâm hồn tôi lại bồi hồi xao xuyến, khắc khoải mái ngói rêu phong tựa gió mát, tựa niềm hân hoan đoàn tụ hối thúc những bước chân đáp mùa xuân xuống “sân ga” quê nhà.


    Mùa xuân này! Tôi đã về lại quê hương để khơi vị ấm nồng bên chái bếp, cảm nhận vị cay xè ngọn khói thân thương, chái bếp đã bên tôi trên bước trưởng thành. Và để thốt lên rằng: “Con đã về bên ngọn khói lam chiều đoàn viên!”


    Tặng Vũ

    Vấn vương ngọn khói lam chiều
    Vấn vương ngọn khói lam chiều
    Vấn vương ngọn khói lam chiều
    Vấn vương ngọn khói lam chiều
  6. Tiết trời đã vào xuân, nắng mới thắp lên, xanh bừng nhành lộc biếc. Vài cơn mưa phùn về đêm lất phất, mưa chẳng đủ dày để thấm ướt áo ai, mưa chỉ bay bay như màn sương nhòa mây phủ. Mùa xuân của đất trời và mùa xuân của đời người đã đi qua những ngày xanh cùng thời gian chảy trôi xoay vần. Tôi tự hỏi lòng rằng mình vui hay buồn một niềm thương nhớ?


    Tết đến tôi trở về quê ngoại, ngôi nhà tôi xưa cũ, vẫn hanh hao một nỗi niềm riêng. Chiếc cổng sắt màu xanh đã hoen gỉ nhuốm màu cùng năm tháng. Ngày ấy, mẹ phải chắt chiu biết bao lần bán lứa lợn để Tết đến, chú Hưởng thợ hàn xì vào đo cổng sắt thay thế cổng tre. Nhà tôi nghèo, chẳng có gì ngoài chiếc cổng tre ọp ẹp, bụi cúc tần phất phơ cùng gió bấc, chẳng hiểu sao mùa đông mà lá cúc tần vẫn ngắt xanh. Có cổng mới rồi, ngày tôi mười tuổi, ngôi nhà ngói ba gian như được cài then chắn gió điệu đàng. Mùa xuân sang chúng tôi chơi trò nhảy dây, mấy bạn con trai còn nhìn qua khe cổng, mắt đứa nào cũng lấp lánh nụ cười trong veo.


    Mẹ tôi biết sắp Tết nên sau vụ cắt lúa mùa từ hồi tháng Mười, mẹ đạp xe tranh thủ những ngày nông nhàn để sang các làng xã khác thu mua đồng nát. Có một hôm, mẹ mang về cho cả nhà một thứ đồ mẹ gọi là “món quà biết hát”, đó là chiếc ti vi đen trắng của người ta bán lại giá rẻ. Tôi vui vì người ta có ti vi mới, nhà tôi cũng vì thế mà có ti vi cũ để xem. Ăng ten bắc lên trên cây cột tre dựng ở đầu hè, xoay chếch về hướng Tây mặt trời lặn, ti vi rất nét. Bữa cơm hôm đó cả nhà tôi quây quần cùng nhau vừa ăn vừa xem chương trình ca nhạc những bài hát về mùa xuân. Lòng tôi ngân nga một cảm xúc lâng lâng, tự nhủ thầm: “Phải ăn thật nhanh để còn chạy sang khoe với cái Tình, nhà mình mới có ti vi!” Chỉ thế thôi mà rộn ràng, mà vui, chân chưa bước đi mà chân sáo nhảy tưng bừng trong lòng như mở hội. Và rất nhiều năm sau khi tôi lớn lên rồi vẫn nhớ khoảnh khắc ấy, niềm vui của trẻ con chỉ đơn giản như thế sao, vậy mà vui cho tới tận năm nào, khi những mùa xuân qua tuổi tôi đã lớn.


    Những ngày giáp Tết, mẹ lên đồng tát thêm nước tưới cho cây mạ non khỏi rét. Tôi theo mẹ đứng bên góc ruộng, đùa với đám cải vàng cuối đông. Cải trổ ngồng, ra hoa, hoa cải vàng như nắng. Cải thật lạ, nhất định nở vào mùa đông, nhất định nhúm những sợi nắng thưa thớt trên đồng để vàng một màu thêm óng ả. Mẹ bảo ruộng đất ải đã phơi nắng mưa đủ tháng đủ ngày, đất tơi xốp, hi vọng vụ chiêm sang năm lúa tốt. Lúa chiêm hình thành từ cây mạ non mùa đông, mùa xuân gạn từng giọt mưa phùn hiếm hoi chút nước mà trổ đòng đòng, để đến mùa hè bung tỏa hạt bông lúa chín. Vậy hẳn là mùa đông mang hi vọng nối vào nhau bịn rịn, mùa đông ẩn tàng những niềm vui, để mùa xuân sau vươn mầm xanh mới. Mẹ cùng các bác nông dân mỉm cười, câu chuyện giòn giã trên đồng chẳng còn rét, tan trong ngọn gió bấc chiều cuối đông.


    Đống đồng nát mẹ thu gom được, đối với tôi nó là cả một kho đồ chơi quý giá. Đối với mẹ tôi nó món tiền dành dụm, lo cho những ngày sắp đón xuân sang. Lũ trẻ quanh xóm chúng tôi tụ tập, băng bó cho con búp bê bằng nhựa gẫy chân. Nhà cái Huyền kề bên, mẹ tôi tặng em trai nó chiếc xe ba bánh bằng nhựa. Xe chẳng thể đạp bằng chân được nữa, bàn đạp văng đi đâu mất rồi. Nhưng không vì thế mà bọn trẻ chúng tôi mất vui, chúng tôi đẩy chiếc xe cho thằng Tú ngồi quanh sân cười tít. Tôi thích nhất những quyển sách cũ, tôi đọc được câu chuyện về loài dơi, chúng thông minh theo một cách riêng và có đôi tai rất thính. Cuộc hành trình của năm anh em nhà Aliolis, quyển sách rất nhỏ, cũ mèm, vậy mà tôi đọc ngay cả khi tối trời mất điện, bên ngọn đèn dầu ánh sáng lem nhem, như phiêu lưu cùng hành trình vào hang dơi kỳ bí.

    Mẹ bán sắt vụn hỏng, có tiền rồi mẹ đạp xe lên buổi chợ phiên, mẹ mua về biết bao nhiêu lá dong và măng miến. Lá dong mẹ luộc trước, buộc vào cột khô ráo để chuẩn bị gói bánh chưng. Tôi thường đứng bên hít hà thật sâu mùi lá bánh, một mùi thơm đườm đượm, giống như hương mùa xuân sắp về. Khoảng sân nhà, nơi bầu trời mây xám se lành lạnh, chúng tôi mặc áo rét, tay đan vào nhau đọc những bài đồng dao. “ Năm, mười, mười lăm, hai mươi”- trò chơi trốn tìm, ú tim ẩn nấp. Mẹ ngâm thau gạo nếp, một rá đỗ xanh xay, hạt vàng ươm cả rổ, gạo trắng trong tròn đầy. Bánh vuông vức trong từng thớ lá, lạt mềm buộc chặt, mẹ bắc nồi lên bếp, chất nhiều củi cháy ngọn lửa bập bùng.


    Hương vị Tết, đó là thứ mùi thơm âm ấm của bếp lửa, xám lạnh lạnh của chiều cuối đông, hồng phơn phớt chùm bóng bay lũ trẻ con xóm tôi tung lên trời rồi cười khúc khích. Và cả nỗi niềm khi nhìn lên bàn thờ có nén nhang trầm bay lên, bà ở đó một nụ cười hiền bên di ảnh. Mẹ lau cho khung kính thật sáng, như trò chuyện cùng bà ngày xưa.

    Bao mùa xuân đi qua, tóc mẹ chẳng còn xanh, chân tay mẹ những đường gân chằng chịt. Tôi lớn lên, tôi đi qua cả những tủi hờn và thường trở về rưng rức nghe yêu thương mẹ thủ thỉ bên tôi. Mẹ bảo cuộc đời chảy trôi, chẳng ai đo nỗi buồn chờ mùa xuân ở mãi. Nhưng đã sống thì nên biết hi vọng vào tương lai, như ngày mai đến bên thềm gõ tia nắng vào phía cửa. Tôi hiểu những điều mẹ nói, tôi trân trọng những vần vũ gian khổ cuộc đời đi qua. Đầu năm là những ngày đặc biệt, tôi về ngồi cùng mẹ, ôn lại những câu chuyện mùa xuân.


    Thanh Nga

    Mùa xuân bên mẹ
    Mùa xuân bên mẹ
    Mùa xuân bên mẹ
    Mùa xuân bên mẹ
  7. Những ngày cuối năm có thể chậm rãi với người này nhưng lại vội vã với người kia. Bởi có người muốn nấn ná với kỷ niệm Tết xưa, có người lại mong đợi điều gì đó tươi sáng hơn ở phía trước. Tôi biết “người già cần ký ức như người trẻ cần tương lai”. Dẫu thế, ai trong chúng ta cũng cần mùa xuân để nhớ nhung và hy vọng, để tha thiết sống.


    Tháng Chạp, bao nhiêu mùi hương trong nhà ngoài ngõ bắt đầu dậy lên từ những ban mai thoang thoảng gió. Trước hiên nhà, bông hồng đầu tiên đã nở trong cái se ngọt của sương sớm sau những ngày được chăm chút, tưới tắm. Trong niềm hứng khởi ấy, từng thềm rêu, khóm cỏ cũng ủ đầy hương ấm để làm đẹp cho cuộc đời.

    Hẳn không phải tự nhiên mà câu chuyện hoa cỏ luôn được nhắc đến mỗi khi mùa xuân về. Mười hai tháng nhiều lắm những mệt nhoài, bận rộn, lo toan. Cũng đã đến lúc mỗi người được tạm lắng mình, được tận hưởng cái cảm giác thư thái, an lành bên cây lá, cỏ hoa và cũng là để sắp xếp lại cho ổn thỏa cuộc sống của mình. Vì mùa xuân là khởi đầu của bao điều mới mẻ. Mà nơi nào có cỏ cây thì tâm hồn con người sẽ rộng mở và tự khắc an vui.

    Có phải mùa xuân đến từ phía những ánh mắt chờ nhau? Cha mẹ chờ con cái về, ông bà chờ cháu chắt về để rổn rảng tiếng cười trong tổ ấm. Mùa xuân vì thế mà được gọi là Tết đoàn viên. Len dạ hầu như đã được gấp lại, cất vào rương tủ để tạm biệt mùa đông. Có buổi chiều nào trong ngõ vắng, thấy nhà ai đó chộn rộn đem rèm màn ra phơi giữa trời loang nắng, cạnh bên thì quét tước, sơn sửa cho cổng tường rạng màu. Mùi vôi vữa dậy lên. Cả mùi khói bếp cũng dậy lên quyện với vị hăng nồng của củ kiệu, củ hành. Nếp nhà ở đó…

    Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Càng sống, con người ta lại thường hỏi nhau rằng: Liệu có gì trên đời này là vĩnh cửu? Có chứ! Mất đi đâu được một sớm ngồi xo ro bên cha uống ngụm trà xanh chưa rót đã nguội dần. Mất đi đâu được nụ cười của mẹ trong chiều xao xác gió.

    Và chỉ có mùa xuân mới thôi thúc chúng ta khắc ghi những điều quý giá ấy vào tâm khảm. Bởi, mùa xuân còn trở lại nhưng tuổi của mẹ cha không trẻ lại bao giờ. Tôi chợt nhận ra tình yêu thương ngay đến với bậc song thân của mình cũng cần có thời gian để học, để thấm thía. Ngẫm đến những bạn trẻ ở đâu đó buộc phải chọn một cái Tết xa nhà để gói ghém cho những dự định sang năm tự nhiên lại chạnh lòng thương cảm.

    Mùa xuân thân thương quá, không biết phải kể sao cho hết những nỗi niềm. Khi phố ấm dần lên cũng là lúc hương xuân sánh ngọt trong lòng người. Năm dài hay tháng rộng, chúng ta cũng chỉ có một lần được sống. Vậy sao không dành cho những thời khắc tươi mới này một tâm thái ôn hòa nhất, tự tại nhất? Sẽ chẳng ai nỡ lòng lấy đi sự bình yên của mùa xuân đâu. Tôi nghĩ thế.

    Chúng ta đang hào hứng chờ vị ngọt của Tết đoàn viên: đầm ấm bên tình thân, hồn nhiên bên hoa cỏ. Rồi mỗi mùa xuân qua sẽ vun đầy kỷ niệm. Để mai này, khi chúng ta không còn trẻ nữa vẫn thấy ấm áp tình xuân trong ký ức. Năm mới với nhiều ấp ủ mới, nhen nhóm mới, con người có hẹn với mùa xuân để tin vào những điều ngỡ chỉ còn trong cổ tích.

    LỮ HỒNG

    Có hẹn với mùa xuân
    Có hẹn với mùa xuân
    Có hẹn với mùa xuân
    Có hẹn với mùa xuân
  8. Tạo hóa ban tặng cho con người đủ đầy bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông với nhiều sắc màu rực rỡ. Nhưng có lẽ mùa Xuân được con người ưu ái hơn cả. Chẳng thế mà, bao nhiêu mỹ từ đẹp đẽ đều dành tặng hết vào Xuân. Mùa Xuân là mùa của tuổi trẻ, mùa của sự hân hoan nồng ấm, mùa rạo rực căng tràn trong lồng ngực. Và là mùa của những yêu thương ngọt ngào.


    Nhưng với tôi, mùa Xuân làm nên những điều kỳ diệu! Điều kỳ diệu bắt đầu từ khu rừng bạch đàn sau nhà. Chẳng thể ai ngờ mới mùa đông lá trút sạch, để lại những cánh tay khẳng khiu, vậy mà Xuân vừa chớm, rây rắc một vài đợt “ngọc” thì cây bừng tỉnh đầy sức sống. Lũ chim tránh rét về ngang khu rừng líu lo không ngớt. Một kẻ vốn thích ngủ nướng như tôi cũng không cưỡng nổi cảnh đẹp mùa Xuân mà bật dậy sớm mỗi sáng để đón không khí ban mai trong trẻo, mát lành. Xuân rón rén về mang theo muôn vàn tia nắng ấm áp rải rắc bên hiên, đượm lên ánh mắt nhòa lệ của bà thương người con út mãi mãi không về trong chiến trận năm xưa. Ngõ trước ngõ sau, mẹ dọn dẹp cỏ dại, cơi nới gọn gàng để đón những bước chân con cái ở xa về. Xuân vỡ òa trên từng cái ôm run rẩy, những giọt nước mắt nhớ nhung thấm vào vai áo mẹ. Thoảng trong mùi nắng mới là mùi hương trầm mỏng manh quấn chặt vào nhau trên bàn thờ tổ tiên. Những người con xa quê, trở về, kéo va li chầm chậm, thong thả đón nhận mùi mùa mới.


    Mùa Xuân có Tết. Và Tết thì luôn dệt nên những ký ức rất đẹp trong tim mỗi người, cho dù nghèo đói hay giàu sang. Để rồi khi qua tuổi thơ, mỗi lần Tết đến lòng lại bồi hồi nhớ những điều xưa cũ. Là những lần níu gấu áo mẹ đi trong phiên chợ Tết quê. Là đòn bánh tét bé xíu cha gói thêm trong chiều ba mươi lủng lẳng trên vai đi tung tăng khắp ngõ xóm. Là tấm áo mới mẹ mua cho bằng số tiền đôi gà nhổ giò bán vội. Đơn giản vậy thôi, mà lòng lúc nào cũng lâng lâng hạnh phúc. Trong lòng Xuân, Tết về như thể được yêu thương và ưu ái hơn. Khoảnh khắc bình dị thân thương ấy, bây giờ khó có thể tìm lại được.


    Nếu không có Tết thì chắc rồi con người chúng ta lại mải mê quay cuồng với công việc, với mưu sinh thường nhật. Ý nghĩ về bên gia đình mùa Xuân liệu có mấy ai thực hiện được? Vậy mà mùa Xuân làm nên điều kỳ diệu ấy. Mùa Xuân làm cầu nối những cuộc đoàn viên gia đình đầm ấm. Trong thời khắc ngày cuối cùng năm cũ, những đứa con lại phụ giúp mẹ cha lặt vặt chuyện nhà, chuyện ngõ. Cọ rửa lư hương trên bàn thờ, hay bộ ấm chén giăng mắc đầy mạng nhện, che chắn lại mái chuồng gà phòng khi trời lạnh. Nhớ về những phút giây đó tôi luôn muốn thời gian chầm chậm lại. Một năm trôi qua hơn ba trăm ngày, dễ gì ta có những phút giây như thế này với gia đình? Ngồi nấu bánh cho cha, vài cơn mưa phùn lây rây thấy lòng mình nhẹ nhàng, thảnh thơi, buông bỏ hết mọi ưu phiền, nhọc mệt suốt một năm lao động, suốt những ngày vì mưu sinh.


    Khi phút giao thừa vừa điểm, những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn thay nhau gắn kết tình yêu thương. Như thể nếu không có mùa Xuân, nếu không có Tết thì những tâm tình ấy khó có thể bật ra trong lòng, ngay cả những ai khó mở lòng nhất. Tin nhắn chúc mừng năm mới, mọi sự bình an. Những cuộc gọi nói chuyện chúc mừng điều tốt đẹp đầu năm. Bao nhiêu tin nhắn bấy nhiêu niềm thương yêu tràn ngập hương thơm của ngôn từ, của sự đẹp đẽ tinh khôi nhất như thể chúng ta vẫn chưa từng hờn giận nhau, chưa từng buồn đau vì nhau, chưa từng đố kỵ vì nhau.


    Điều kỳ diệu của mùa Xuân là từng thời khắc, là sự yêu thương, là sự đồng cảm, sự bao dung tình người vô bờ bến. Mùa Xuân dệt nên bao ý niệm đẹp đẽ vào trong lòng mỗi người sự an vui, bình yên. Và tiếp thêm sức sống ngập tràn bao ước vọng, đợi chờ vào một tương lai sáng lạn hơn.


    Quyền Văn

    Điều kỳ diệu của mùa Xuân
    Điều kỳ diệu của mùa Xuân
    Điều kỳ diệu của mùa Xuân
    Điều kỳ diệu của mùa Xuân
  9. Tôi có thói quen ngồi thật lặng yên trong thời khắc sau giao thừa. Vừa là để điểm lại những việc đã làm được hay chưa hoàn thành trong năm cũ, vừa để nghĩ về những kế hoạch, dự định mà mình sẽ thực hiện trong năm mới. Buổi sớm đầu xuân bao giờ cũng gợi ra trong lòng tôi rất nhiều điều, có lẽ vì vậy, tôi luôn chuẩn bị một tâm thái thật tĩnh lặng trước mùa xuân mới chỉ vừa chớm đến.


    Đã gần 30 năm thức dậy và lặng lẽ cảm nhận những buổi sớm chớm xuân, lần đầu tiên tôi gặp một sớm mùa xuân dùng dằng sương mù trên đất Tây Nguyên này. Có lẽ bởi trận mưa nhỏ vừa đổ xuống vào ngày cuối cùng của năm cũ trong cái rét ngòn ngọt tựa mưa xuân xứ Bắc. Tây Nguyên được biết đến là miền đất của nắng, của gió, ở đây nắng mưa phân kì rõ rệt, nên giữa mùa khô mà mưa đổ xuống là một hiện tượng lạ. Mùa xuân năm nay, đất nước cũng đón một cái Tết “lạ”. Những ngày cuối năm, dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến nhiều người, nhiều gia đình phải thay đổi kế hoạch đón Tết để thích nghi với hoàn cảnh mới. Tết đoàn viên, với rất nhiều người, phải chuyển thành Tết an toàn. Nhiều thói quen trong ngày Tết đã thực sự thay đổi. Nhiều người chọn cách chúc Tết qua điện thoại, tin nhắn, không đến những chỗ đông người. Muôn hình muôn vẻ của một cái Tết thật đặc biệt được gửi đến nhau bằng hình ảnh.


    Đường phố sớm chớm xuân vắng vẻ. Tôi rất thích những buổi sớm đầu năm như thế này. Nhìn mọi người, ai cũng thảnh thơi, và ăn mặc thật chỉn chu, tươm tất. Nam giới mặc đồ vest, có người chu đáo thắt thêm cravat, phụ nữ mặc áo dài, trẻ con mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất. Những nhà có người thân đã mất thì việc đầu tiên của ngày đầu năm mới là đến thắp hương cho họ ở nghĩa trang, sau đó đi lễ chùa. Người Việt sống theo một triết lý giản dị mà sâu sắc tuyệt vời, đó là “lá rụng về cội”. Đi đâu, làm gì, dù giàu sang hay nghèo khó thì ngày cuối năm cũng soạn bữa cơm tươm tất để “mời” người đã khuất về ăn Tết, cũng là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Và quanh năm bôn ba ngang dọc, dù ở bất cứ nơi nào, thì những ngày Tết, người Việt cũng hướng về quê hương bản quán, nơi có những bữa cơm ấm áp sum vầy như vậy.


    Nhìn những cụ bà với áo lam, áo gụ đi lễ chùa, tôi hay nhớ bà nội của tôi. Thuở còn bé tí, tôi đã được theo bà đi lễ chùa vào những ngày đầu năm. Bà lưng còng tóc bạc, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Bà nắm tay tôi lò dò đi trên con đường xanh mướt màu cỏ non và lắc rắc mưa xuân để bước đến một thế giới với đứa trẻ như tôi còn nhiều lạ lẫm. Bà tôi giờ thành người thiên cổ, giàn trầu không vẫn vấn vít bên thân cau đang trổ những bẹ hoa ngát thơm trong một sớm chớm xuân, bố tôi chọn những lá trầu và những quả cau đẹp nhất đặt bên mâm ngũ quả ngày tết. Không biết bà tôi có về ăn Tết với chúng tôi thật không, nhưng từ một miền tâm linh, tôi cũng giống như bất cứ một người Việt nào, luôn tin rằng những người đã khuất, họ chỉ đi đến một thế giới khác thôi, chứ không rời bỏ người thân của mình.


    Tôi đi dọc con đường ngoại ô. Cây pơlang cổ thụ mùa xuân nào cũng trổ những đóa hoa đỏ rực vươn lên giữa nắng trời cao nguyên xanh trong vời vợi. Những cây mai vàng được mang về từ núi, trồng xuống trước sân nhà cũng rực rỡ những hoa. Trên những triền đồi, sắc trắng của hoa cà phê phủ lên màu đất bazan hứa hẹn một mùa vụ ngọt lành. Chồi non lộc biếc cũng như bừng thức để hòa vào sắc xuân tươi thắm.


    Mùa xuân thường khởi đầu cho những ước mong tốt đẹp. Trong những ngày đầu xuân này, có lẽ điều mà mọi người mong đợi nhất là thế giới sớm kiểm soát được dịch bệnh, để mỗi người có thể quay trở lại với công việc, với những nếp sinh hoạt bình dị mà vì dịch bệnh, đang tạm phải thay đổi. Một cái Tết đáng nhớ với biết bao người, trong đó có tôi. Dẫu không thể trở về quê hương, không được sum vầy bên mâm cơm đoàn viên ấm áp, nhưng lòng mỗi người đều hướng về nhau, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi mùa xuân đến. Thời gian vẫn điềm nhiên tiến về phía trước, hoa vẫn nở, nắng vẫn rực rỡ, mùa xuân vẫn dâng tràn trên vạn vật. Vậy nên, tôi luôn tin vào những tươi sáng đang đón đợi ở phía mùa xuân.


    Nhà văn trẻ Đào An Duyên

    Ở phía mùa xuân
    Ở phía mùa xuân
    Ở phía mùa xuân
    Ở phía mùa xuân
  10. Những ngày cuối năm không khí trong nhà tôi không có gì khác lạ. Nếu như những gia đình khác lục đục mua sắm Tết, dọn dẹp nhà cửa đón Xuân mới về thì nhà tôi vẫn mỗi người một nơi. Mẹ tôi làm việc từ sáng đến tối tại cửa hàng ăn gia đình, chị em tôi tiếp tục với đống bài vở hẹn trả thầy cô ngay sau Tết. Còn bố tôi vẫn ở phương xa chưa có lịch hẹn về đoàn tụ cùng mẹ con tôi những ngày Tết sắp tới. Tết là đoàn viên, là sum họp, nhưng với tôi, những ngày Tết như những ngày nghỉ dài, không có gì đặc biệt.


    – Năm nay nhà mình mua cành đào, một ít bánh kẹo tết, cũng không cần nhiều con nhỉ?


    Mẹ tôi gón gọn mấy từ đơn giản, vừa ghi chép sổ sách bán hàng vừa nhắc nhở tôi. Hai mươi bảy Tết, nhà tôi vẫn bình chân như vại. Bởi hai mươi tám mẹ tôi mới bắt đầu nghỉ công việc ở cửa hàng để chăm lo cho gia đình. Chị em tôi ở nhà giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, cuộc sống đơn giản của ba mẹ con vẫn trôi qua đều đặn như thế kể từ ngày bố tôi đi. Đã có lúc tôi nghĩ, bố tôi đừng bao giờ trở về với cuộc sống bình yên của tổ ấm khuyết này thêm một lần nào nữa. Đã có lúc tôi nghĩ, mẹ con tôi cứ ấp ủ những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể tự mang lại hạnh phúc. Người đàn ông trong gia đình chỉ có ý nghĩa khi trở thành một chỗ dựa đáng tin cậy. Mà điều ấy, bố tôi đã lỡ tay đánh mất từ trong quá khứ.


    Tôi mang đống xoong nồi ra cọ rửa, trong đầu hiển hiện lại rõ nét từng chi tiết, từng lời nói của ngày mà bố tôi ra đi. Hôm đó là một buổi chiều muộn mùa Đông, gió lạnh thổi se sắt từng đợt. Mẹ tôi ngồi chở bố tôi và tôi phía sau, bàn tay run rẩy bấu chặt vào tay ga xe máy. Tôi không còn nước mắt để khóc cho những sự việc đau lòng lặp đi lặp lại. Bố tôi tiếp tục rơi vào những vết chân cũ mà bố từng đi qua, giẫm nát những mầm hy vọng nhỏ nhoi đang cố gắng vươn lên sống trong trái tim khô cằn của mẹ.


    – Nếu có thể, bố đừng về nữa! Bố để cho mẹ con con bình yên!


    Xe máy chở ba người chúng tôi bị ngã xõng xoài trên đường, mẹ tôi run rẩy với những giọt nước mắt ướt mèm trên mặt, tôi phủi bụi ở vết thương trên đầu gối, nhanh chóng đứng dậy đỡ mẹ, dựng xe và lên trước cầm lái để chở bố mẹ tôi về nhà. Đó là câu nói của tôi trong lúc tức giận, cũng là câu nói cuối cùng tôi nói với bố mình trước khi ông ra đi. Kể cả sau này, thi thoảng bố tội gọi điện về nhà hỏi han ba mẹ con, tôi không một lần nào nói chuyện điện thoại cùng ông, hỏi han ông giống như cách mà đứa em trai mình vẫn làm. Tôi biết, vết thương trong tôi ngày một lớn dần, tôi càng cố chấp quay đầu đi, vết thương càng mở miệng rỗng hoác. Những ngày bố tôi đi cũng là những ngày giáp Tết của một năm nào đó. Ông đi đến một nơi đủ xa để làm lại cuộc đời mình, dù muộn màng, dù đau xót, tôi cũng chỉ mong ông có một cuộc sống bình yên và không còn nhiều khổ cực, day dứt nữa.


    2. Hai mươi tám Tết, mẹ tôi cho hai chị em tôi cùng đi chợ. Vốn đã là đứa con gái hai mươi hai tuổi đầu, tôi không quá háo hức cho những bộ quần áo mới, những món bánh kẹo đồ ăn vặt như ngày còn bé nữa. Tôi có thể đi làm thêm, tự dành dụm được mỗi tháng một ít tiền, có thể tự mua sắm lặt vặt cho bản thân. Mẹ tôi nói, tôi hãy cứ đi chợ cùng em trai, cùng mẹ chọn đồ cho nó. Em trai tôi học lớp tám, là một đứa rất yêu bố nhưng không bao giờ thể hiện ra trước mặt tôi. Nó vẫn nghĩ, tôi ghét bố, và nếu nó thể hiện ra, tôi cũng sẽ ghét nó.


    – Tết nhất đến nơi mà chẳng đứa nào đòi quần áo mới. Ô hay mấy đứa nhà này lạ nhỉ?


    Mẹ tôi vừa đi vừa nói, bà dắt tay cậu em tôi đi vào thẳng trong chợ. Dù làm lụng một năm vất vả, một mình nuôi nấng và săn sóc hai đứa con tuổi ăn tuổi lớn không có chồng bên cạnh, mẹ tôi vẫn chăm chút và lo lắng để chị em tôi không thua thiệt điều gì so với bạn bè cùng trang lứa. Tết đến, mẹ tôi vẫn giữ quan niệm của một người lớn tâm lý, muốn mua cho các con những bộ quần áo mới, muốn cho nhà cửa có chút lộc lá sum xuê. Tôi bằng lòng đi chợ với mẹ, chọn quần áo cho em trai. Lúc nhìn những bộ quần áo ướm trên người em mình không phải là những bộ đồng phục trường mà nó hay mặc, tôi mới nhận ra rằng em trai tôi lớn quá rồi. Bây giờ, nó trở thành người đàn ông của gia đình chứ không chỉ là một đứa trẻ út ít được cả nhà chăm bẵm. Tôi nhoẻn cười với nó, vỗ vai khi thấy nó ngượng ngùng thử những bộ quần áo mới. Em tôi giống bố như đúc, lúc nó cười, lúc nó dùng tay hất tóc, thậm chí cái dáng đi cũng khiến tôi hình dung ra bố đang ở trước mặt, cùng mẹ con tôi đi chợ. Tết đến, tôi không biết bố tôi có bộ quần áo mới nào hay không?


    Buổi chiều muộn, tôi cùng mẹ mua những thứ thực phẩm dự trữ trong kỳ nghỉ Tết. Mẹ tôi có phương châm làm lụng mọi thứ trọn vẹn trước thời khắc giao thừa để khi năm mới vừa sang có thể dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm họ hàng, chúc tụng ngày Tết, không phải lo nghĩ đến chuyện thức ăn đồ uống hay nấu nướng lách cách gì khác. Tôi cùng mẹ đi vòng quanh chợ, mua cân thịt, mua bó lá dong, ngắm nghía cành đào. Bất giác tôi sờ tay vào một nụ hoa đào phai màu hồng nhạt, hỏi mẹ.


    – Mẹ, tết này bố có về không?


    Mẹ tôi cũng giống em trai tôi, không mấy khi nhắc đến bố trước mặt tôi. Mọi người đều biết tôi bị ám ảnh bởi những lần bố làm cả nhà phải long đong lận đận. Vì thế nên hầu như tất cả mọi người đều cố ý né tránh việc nhắc đến bố tôi như một thói quen. Khi tôi hỏi về bố và dự định ăn Tết của bố ở nơi xa, mẹ tôi ngạc nhiên quay lại nhìn tôi. Mẹ tôi dặn dò.


    – Bố có thế nào cũng là bố của con. Con đừng trách bố, nhé!


    Tôi lẳng lặng đi trước. Vết thương trong tôi đã lành da, chỉ còn lại những vết sẹo mờ mà thời gian phủ lấp. Nhìn những gia đình khác đoàn tụ bên nhau hạnh phúc, tôi không khỏi chạnh lòng. Việc ba mẹ con tôi nương tựa vào nhau để sống đã là quá sức khó khăn. Chỉ có một mình bố tôi tự tựa vào thân mình để sống còn khó khăn hơn nhiều lần. Tôi không trách bố, từ lâu đã không trách bố, thay vào đó là lo lắng cho ông. Tuy vậy, tôi cũng không dễ dàng học được cách bộc lộ cảm xúc của mình.


    Hai mươi chín Tết, mẹ bảo hai chị em tôi mặc quần áo mới được mẹ mua cho rồi cùng mẹ đi đến một nơi. Tôi ngồi trên xe taxi nghĩ mông lung, đã mường tượng ra điều gì đó sắp xảy ra. Mẹ tôi từ ngày được nghỉ Tết và sau khi nghe điện thoại của bố đã thấy nét cười tươi tắn trên khuôn mặt. Tôi nói chuyện với bác làm cùng mẹ tôi thì được nói cho biết rằng mấy ngày sắp được nghỉ, mẹ tôi cứ hay cười tủm tỉm ra điều vui vẻ lắm. Tôi nhún vai. Vậy là bố tôi sắp về!


    Bố về nhà khác hơn so với ý nghĩ của tôi. Tôi chào bố thân mật, chạy lại xách vali cho bố ra dáng đứa con gái hai mươi hai tuổi đã lớn và trưởng thành. Tôi hỏi han bố, nhìn ra sự thay đổi từ những sợi tóc bạc trên đầu, với gò má nhô cao, với nước da đen sạm. Bố tôi hẳn là đã vất vả phong sương ngoài phương xa nhiều lắm, thời gian bạc bẽo hằn dấu lên dáng gầy lênh khênh của bố. Lúc cả nhà ngồi vào taxi ra về, nghe giọng bố thân thuộc vang lên hỏi han mẹ và em trai, tôi thấy sống mũi mình cay cay. Tôi thương bố!


    Bố về dọn dẹp lại nhà cửa một lần nữa quạnh quẽ trước sau, sân vườn cây cối đều được bàn tay bố chăm sóc cẩn thận. Bố cũng là người nội trợ vào bếp cùng mẹ tôi nấu những bữa cơm ngon. Tôi lân la hỏi bố công thức nấu ăn, rồi bố con cặm cụi vào bếp tranh phần của mẹ. Nhà tôi cũng gói bánh chưng, có dưa hành cho ngày Tết.


    Cách ít ngày trước Tết, tôi không nhận ra sự thay đổi của đất trời, đi chợ với mẹ như một nghĩa vụ, thở dài cảm thán những ngày Tết buồn chán tẻ nhạt chỉ như những ngày nghỉ dài. Nhưng có bố về mọi chuyện lại khác. Tôi cảm nhận rõ rệt không khí mừng Xuân mới nhộn nhịp từ trong nhà ngoài ngõ, lúc đi dạo trên phố còn mê say ngắm nhìn những cành đào, cây quất trên tay người người về nhà họ để cùng họ đón một năm mới sum vầy. Nhà tôi cũng tấp nập tiếng nói cười chào hỏi. Nhà tôi có Tết về, giữa một mùa Xuân tổ ấm không còn khuyết dáng gầy của bố. Nhà tôi có ánh mắt hiền rạng ngời hạnh phúc của mẹ, có sự chờ mong của cậu em trai, có cả lòng thành từ trong sâu thẳm tim tôi dành cho bố.


    Ngày bố về, bố mang mùa Xuân trở lại…


    Trang Dimble

    Ngày bố về, bố mang mùa Xuân trở lại
    Ngày bố về, bố mang mùa Xuân trở lại
    Ngày bố về, bố mang mùa Xuân trở lại
    Ngày bố về, bố mang mùa Xuân trở lại



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |