Top 10 Tản văn viết về mùa thu hay nhất
Với nhiều người, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm với những cơn gió se lạnh, bầu trời xanh biếc, nắng dịu dàng và những chiếc lá vàng rơi... Nó mang đến cho ... xem thêm...nhiều người những cảm xúc khó tả với bao kỷ niệm vui buồn ùa về. Mùa thu là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nó cũng là đề tài của rất nhiều bài tản văn hay. Trong bài viết này Toplist xin giới thiệu đến bạn các bài tản văn viết về mùa thu hay nhất.
-
Một chút nắng, một chút gió dịu nhẹ, sắc áo mơ phai và sắc trời cao xanh biếc… Ấy là mùa thu.
Mùa thu - những hàng cây và phố phường khoác lên mình một tấm áo vàng rực rỡ. Vàng tươi của nắng; vàng rực rỡ của những đóa cúc xinh tươi, kiêu hãnh trong gió se; vàng ươm của thị xen trong đám lá xanh…
Mùa thu - người ta dễ dàng tìm thấy những khung cảnh bình yên, ngọt ngào ngay giữa phố phường náo nhiệt. Ấy là khi cái nắng oi ả của mùa hè nhường chỗ cho bầu không khí trong lành và mát mẻ.
Mùa thu - đất trời chợt trở nên dịu dàng, bẽn lẽn như thiếu nữ đang yêu. Trong làn gió hanh hao ấy còn là thoang thoảng mùi mát lành của vài bông sen còn lưu luyến trong đầm, của những lá sen già đậm sắc xanh nhưng vẫn cố nán lại để chờ ấp ủ những hạt cốm mới. Mùa thu còn nồng nàn hương hoa sữa.
Mùa thu sáng nay có gì đó khác lạ, muôn màu hoa khoe sắc như dồn hết nhựa sống nồng nàn tích lũy, chắt lọc qua nắng gió của mùa hạ để có dịp dâng hiến hết mình để tỏa hương, tỏa sắc. Cùng với đó là bao nhiêu loài quả ríu rít mời gọi. Những quả ổi ngả vàng quyện hương trong gió; bưởi căng mình, mọng nước, mát ngọt lắc lư trong vườn như đợi chờ ai; những quả hồng chín mọng…Mùa thu còn lặng lẽ về với những cơn mưa dầm lai rai, rả rích, mưa cả ngày cả đêm khiến không khí có phần ẩm ướt và mang theo sương mờ se lạnh.
Mùa thu đôi khi cũng làm cho ta chống chếnh bất ngờ bởi nó cũng như một đời người khi đã qua sự nồng nhiệt, sôi nổi, rực rỡ của mùa hạ đến sự điềm tĩnh, đằm sâu của tuổi trung niên, khi mà tầm nhìn, tầm nghĩ được đúc kết, được chắt lọc thành những kinh nghiệm sống.
Tôi đã từng muốn tất cả ngừng lại trong phút giây này, trong phút giây mà tôi hít căng lồng ngực mình, giang rộng vòng tay và khao khát ôm chứa. Trong phút giây mà tôi muốn mình hóa đá, vĩnh viễn, đắm chìm. Trong phút giây mà tâm hồn tôi cũng đang ngân rung một bản đàn bất tuyệt, về yêu thương và tự do.Những sớm mai trong lành, khi tôi đã - như mùa thu kia - trải qua cái cuồng nhiệt của tuổi trẻ, đủ thời gian chậm rãi để ngắm nhìn những giấc mơ thơ dại, mỉm cười soi mình trong tấm gương và nhận thấy những đau thương, hạnh phúc đã yên ắng nơi khóe mắt, nơi chân tóc, nơi bàn tay hằn những đường gân…
Mùa thu! Nỗi xao động mặt hồ như cộng hưởng cùng mành nắng buông như voan tơ, cùng cả những nhành cây nghiêng với rung rinh tán lá khiến cho cả không gian trước mặt tôi như muốn bay lên, như muốn ngân rung, như muốn cất lời… Thuở ấu thơ, tôi thường tự hỏi, mai này khi đã trưởng thành, khi đã qua nhiều mùa thu, ta sẽ nhớ gì về bè bạn, lớp học, chỗ ngồi của mỗi mùa thu đến? Nhưng thời gian đã trả lời cho tôi, rằng mùa thu vẫn cất giữ vẹn nguyên cho chúng tôi bao nhiêu ký ức.Mùa thu - mùa dịu dàng đất trời, mùa dịu dàng lòng người, mùa tựu trường, mùa trăng cổ tích huyền nhiệm! Mùa thu là thế đấy. Yêu mùa thu ta sẽ cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương, niềm hạnh phúc. Và mùa thu cũng luôn mở rộng tấm lòng thương yêu chào đón mọi người. Chỉ như thế thôi cũng sẽ đủ làm cho ta yêu thêm quê hương, đất nước. Mùa thu - mùa dệt bao niềm hạnh phúc trong mỗi chúng ta!
Dương Thị Huyên
-
Bây giờ là tháng Tám! Tháng Tám, mùa Thu về gõ cửa trái tim tôi bằng cơn mưa lất phất bay bay, bằng màu nắng nhạt buồn giăng giăng khắp phố, bằng chút gió hây hây, se sẽ mát lạnh làn da, bằng tiếng xạc xào chân ai đi trên lá, và đêm đêm trăng treo lững lờ một nửa. Một nửa của trời thu dìu dịu, man mác buồn để lòng người bỗng cảm thấy chông chênh.
Mùa Thu về! Cái oi ả của nắng hè biệt tăm trốn mất, cơn gió thu lùa qua mát dịu, những chú ve lẩn mình quên tiếng hát, nhường khoảng không bầy chim se sẻ ríu rít mỗi sáng chiều, bên mái nhà rúc rích lũ chim vui, rồi xòe rộng cánh tung bay giữa trời thu tản mác… Thu cởi áo Hạ vàng rực, oi ả xếp gọn vào góc mùa cũ đã qua, khoác lên mình sắc áo màu thiên thanh.
Bức tranh thiên nhiên khẽ khàng, lãng đãng được điểm tô bởi màu nắng mỏng tang, hoang mang đi lạc trong những tán cây, vòm lá, những con đường ngoằn ngoèo, ngoặt rẽ, lác đác lá vàng rơi. Mây từng đám, từng đám đa hình thù lững thững trôi ngang, cợt đùa nhau trên những tòa nhà cao chót vót. Thu nhuộm màu long lanh qua từng ô cửa sổ, quyện lớp sương thu mỏng mảnh vào nắng mai.
Thu đẩy đưa đất trời cuộn trôi qua bao dòng chảy thời gian mà Thu hoài chưa luống tuổi. Thu cứ phả cái đẹp lung linh, vô tận, ngút ngàn vào tranh ảnh của bao lớp họa sĩ xưa nay. Thu cuốn xào xạc lá vàng vào cõi hồng hoang. Thu mơn trớn những cung bậc cảm xúc, tạo hiệu ứng âm thanh dạt dào lên thi ca từ muôn thuở. Thu se sắt ngậm ngùi một nỗi ưu tư từ thuở xưa đẩu đâu đến mãi tận bây giờ,… Và đến bao lâu nữa Thu mới thôi khắc khoải, Thu ơi?!!!Tháng Tám mùa Thu. Thu về theo tháng Tám. Cảm xúc cũng dập dềnh trôi mãi theo Thu. Nhưng ngộ lắm! Sài Gòn muốn giấu mùa Thu đi. Sài Gòn vờ hiện mình chỉ hai mùa mưa nắng. Mặc kệ Sài Gòn cố giấu Thu vào những cơn mưa chiều giăng kín phố. Nhưng Sài Gòn sao cản được lòng người khắc khoải chờ Thu sang. Ai cũng biết rằng Thu đã gõ cửa, ghé thăm. Thu thoáng buồn nhưng có sao đâu. Dẫu thế nào tôi cũng yêu mùa Thu. Tôi yêu mùa Thu với màu nắng thanh thanh pha chút rực rỡ của vạn vật hắt vào, dịu dàng, quyến rũ.
Nắng óng ánh quấn quanh người như màng kén bọc lấy sâu non. Tự hỏi lòng: Có khi nào một ngày rong ruổi trong lớp nắng mỏng bao quanh, lòng người cũng mọc cánh rồi tung bay? Tôi yêu những con đường quen thuộc ngày ngày lại qua. Ở nơi đó hai bên đường có hàng me lả tả lớp lớp lá bay, phủ rợp lòng đường những chiếc lá vàng rơi. Thoảng vô tình vài chiếc vương lên tóc, tôi mang về khắc ghi kỷ niệm lên giấy trắng, ép cẩn thận nỗi nhờ vào từng trang.Nhiều mùa Thu sau hay nhiều năm sau nữa lật giở lại, mùa cũ sẽ ùa về, hoài niệm mãi khắc khoải lòng tôi. Tôi yêu gió thu mát lạnh mơn man trên da thịt. Mỗi độ Thu về cơn gió lạnh hơn, se sắt hơn đủ để lòng chùng lại dăm ba phút, thả nhớ nhung trôi về tháng ngày xưa cũ. Thuở thanh xuân tràn đầy mộng tưởng. Thuở ấy, chiều, lãng đãng tay trong tay dạo phố phường, nô giỡn, vốc từng nắm lá me tung rợp tóc mây nhau, vọng tiếng cười giòn tan đất trời.
Tôi yêu cả quán cà phê đã cũ nơi góc phố nào năm xưa. Chỗ góc bàn lẩn khuất tôi thả mình lê đễnh lãng du, nhìn ngắm dòng người lại qua trên phố thầm tưởng tượng đời người như những chiếc đồng hồ cát trôi nổi bồng bềnh giữa khoảng không, với mỗi chiếc có lượng cát bên trong mỗi khác. Cát cứ chảy từ từ mô phỏng thời gian trôi… Một năm, năm năm, mười năm, ba mươi năm, sáu mươi năm…., cho đến hết.
Và cuộc đời kết thúc khi cát đã chảy xong! Tôi mơ màng thấy những lo toan của lòng người trong hình thù nhiều đám mây trôi. Mây trôi mãi, trôi mãi về phía cuối chân trời. Không ai biết chân trời nơi đâu hết. Chẳng bao giờ mây dừng lại, loay hoay kiếm tìm một cái gì đó để neo mây… Buông lặng im, thất vọng vào không gian!
Chẳng có chiếc neo nào neo được mây lại giữa trời kia. Vậy ta lấy gì neo lại những lo toan đời người? Nghĩ đến đây, rùng mình tôi nép vào tường như chạy trốn, để bình yên. Nếu là con ốc, tôi sẽ co mình vào lớp vỏ trốn cuộc đời, trốn biệt những lo toan.Tôi chẳng biết vì đâu mà Thu luôn gợi trăn trở cõi lòng tôi, nên mỗi khi Thu về tôi thích nghe Bằng Kiều hát “Mùa Thu chết”. Giọng hát của nam ca sĩ trong veo, vút lên ngân nga: Mùa Thu đã chết anh nhớ cho/Mùa Thu đã chết anh nhớ cho/Mùa Thu đã chết anh nhớ cho…o..o.! Câu hát cứ lặp lại da diết, ru tôi theo từng cung bậc cảm xúc, để tôi ngồi lặng lẽ, ngắm mùa Thu, trượt dài theo thời gian. Ôi, tháng Tám mùa Thu, tâm tư chập chờn phiêu diêu như kẻ chờn vờn trong giấc ngủ không sâu, lâng lâng, nửa tỉnh, nửa mê.
Sáng sớm nay, một sớm mùa Thu, dạo bước lang thang công viên, tôi nhặt được một chiếc lá vàng ươm có năm cánh như hình ngôi sao. Đưa mắt lúng liếng kiếm tìm thêm nữa trên những tán cây cao, môi cong cong nở một nụ cười. Tôi thấy lòng vui sướng lạ. Vui sướng như mình vừa nhặt được một báu vật của thời gian. Bầu trời trong veo. Đáy mắt trong veo. Nụ cười trong veo. Đâu đó bên trong những tòa nhà quanh đây giấc ngủ ai kia cũng trong veo…. Khẽ lẩm nhẩm đọc hai câu thơ học lỏm thời sinh viên mà tôi không nhớ tên tác giả:“Sớm nào cũng mưa cho em mơ ngủ muộn.
Thu ngũ sắc về, bong bóng có đưa nhanh”
Mặc ai còn say sưa giấc ngủ muộn, tôi sẽ thức mình trở dậy thật sớm, dạo bước vòng quanh nhìn ngắm mùa Thu sang. Tháng Tám mùa Thu, mùa Thu của riêng tôi.
Tác giả: Quách Mỹ Kiều
-
Tôi đi về phía dòng sông lựng đỏ – Người bạn thủy chung theo tôi suốt bao năm tháng dại khờ. Biết bao lần mơ, tôi khoác ba lô lên và mơ… Đi mãi. Tôi tìm mùa thu…
Kia là mặt trời lên thắm hồng đôi má. Sương mờ vương dấy lên trong con bé khát thèm. Ước một ngày bay lên như yên ba – lãng du chẳng biết bến bờ. Kìa là con đò chở khách sang sông khi nắng vừa kịp hửng. Bao lần khát – một lần thôi, con bé bước lên đò. Sang sông. Sang sông, chỉ để xem bên ấy có gì. Nương dâu? Bãi mía xanh như mộng? Hay có cậu bé nào ngốc dại cũng đang hoài khát, ước ao? Bên ấy mãi mãi là một thế giới xanh non, bí mật vô chừng…
Tôi đi về phía con đê. Con đê ngày đầu tiên mẹ chở đến trường. Núp sau lưng mẹ trên chiếc xe đạp mifa màu ngọc bích, con bé thèm thuồng vẫy bầy sẻ nâu – khi chúng đang lích rích bên bờ găng tím biếc. Chúng vụt bay. Con bé chững lại, mơ hồ thấy mất một thứ gì… Đến cổng trường, nó sợ hãi khóc òa, ướt đầm lưng áo mẹ. Ôi cái nỗi sợ đầu đời, xanh như lá me non…
Vẫn là con đê ấy. Cha dẫn tôi đến trường mùa thu năm lớp chín. Xe đạp chạy song song. Lởm chởm đá. Lồi lõm những ổ gà. Chúng tôi vẫn ríu rít nói cười. Cha bảo kia là sông Hồng, kia là những cánh buồm vươn rộng tới khơi xa. Và kia là những chân trời xa lắm… Gió nhẹ thổi. Mây trắng bồng bềnh trôi. Chuyến đi đầu đời ba mươi cây số đến trường tỉnh học của con bé giản đơn như thế đó. Con đê sừng sững, con đê vươn xa, thảm cỏ nhung mịn mềm vô tận, và tre, xanh ngút ngàn. Con bé háo hức đi và đi, đến tận cùng miền xa xanh ấy…Cha quay xe, con bé giơ bàn tay ra vẫy. Chiều thu nghiêng đổ. Con nhóc quê mùa mười lăm tuổi loay hoay giữa thị thành. Bơ vơ. Lạ lẫm. Hoang mang. Nỗi nhớ nhà dâng lên ướt nhòe heo may sớm, ướt đầm mành khuya. Thứ bảy. Nó quyết đạp xe về thăm nhà sau hai ngày dài hơn thế kỷ…
Phố thị sau lưng. Đón nó là con đê mềm hơn lòng mẹ. Chân cuồng lên. Thở gấp. Nó rối rít đạp xe như thể người khách muốn sang sông sợ lỡ chuyến đò. Xe tuột xích. Nó dừng lại, toát mồ hôi, hì hụi sửa. Luyn đầy tay. Kệ. Nó lại cuống cuồng lao đi như thể thời gian không chờ đợi. Nỗi nhớ nhà đầu đời như thế đó. Đê sông Hồng dài rộng ôm mang…
Cuối tuần nào cậu bạn tiễn nó đi. Cũng trên triền đê chiều thu ấy. Heo may se sẽ. Hoa cà, hoa găng tím bung biêng. Điên điển ruộm vàng. Tiếng bê gọi bạn mênh mang. Cậu quay xe. Nó nén lòng: “Đừng ngoảnh lại”. Nhưng rồi, hình như có một thế lực vô hình thôi thúc, nó chẳng thể cầm lòng. Cậu bạn vẫn đứng nhìn theo. Lặng im. Bối rối. Tim hình như lỗi nhịp. Nắng gì đâu mà hai đứa má đỏ bừng. Phút quay đầu của tuổi mười lăm hôm ấy chỉ xôn xao chiều thu lưu giữ, chứng nhân…
Tôi đi về phía thanh xuân. Lại ba lô khoác vai, chiếc hòm tôn cũ bốn năm học xa nhà thêm một chặng đường dài bầu bạn. Cô gái bước lên xe ngày đầu thu biêng biếc. Rưng rức hỏi lòng ngày nao trở lại. Xe đi…Chỉ cô và quá khứ thầm thì. Không có cha dẫn lối. Đứa con gái nhà quê một lần nữa đặt chân lên miền đất lạ.Và nắng. Và gió. Và xôn xao lũy tre. Và dòng sông, cánh đồng ở lại… Xe đi. Cô vẫn ngoái nhìn, muốn ôm hết thảy buổi sáng mùa thu dịu hiền, nhung nhớ ấy. Nhưng rồi, có cánh chim trời đột ngột hiện ra giữa thinh không. Cánh chim trắng muốt, mải miết bay giữa những tầng mây bạc. Vòm trời rộng ra, xanh thắm. Cô đi, chẳng nghĩ ngợi gì…
Thị trấn đón cô chẳng sầm uất, ồn ào như đã nghĩ. Tiếc nuối. Hẫng hụt. Cô nữ sinh trường tỉnh buồn đến nao lòng. Thị trấn với cô là bài thơ viết dở, là gã trai quê thô mộc, vụng về. Những đêm đầu tiên ký túc chênh vênh, cô như người khách lạc tròng trành trên con thuyền thương nhớ – mà dòng sông vô định bến bờ. Chỉ có hương sữa nồng nàn ru vỗ giữa đêm sâu.
Bao buổi chiều tắt nắng, đứng trên ban công ngắm phố trở mình, cô lại nao nao nhớ, thèm hít căng lồng ngực vị khói cay nhòe mắt những ngày mưa. Cô thắt lòng thèm một bữa cơm chiều trong ngôi nhà của mẹ. Ôi những bữa cơm chiều chạng vạng – thôn xóm lên đèn cứ xa lăng lắc tuổi thơ. Mà cô, đứa con gái đi học xa nhà, xa mãi…
Rồi một đêm thu thật thu, cô nghe vọng lên tiếng sáo. Ơi tiếng sáo thiết tha bổng trầm của gã trai nào cô không biết mặt mà mê đắm miên man. Gã muốn nói điều chi thế mà sao tiếng sáo rượi buồn? Nhiều đêm thu trôi, tiếng sáo vẳng lên tầng năm kí túc, len vào giấc mơ cô. Có chút mềm lòng. Hình như phố thị này – với cô, chẳng còn là gã trai quê mùa nữa…
Một ngày cuối thu, cô nhận được lá thư của người bạn cũ. Cậu nói đã rời đi về nơi xa lắm. Cô không khóc. Thứ bảy buồn tênh. Trung du mưa đổ. Tiếng chuông xóm đạo vang lên như rót nỗi niềm chi vào phố. Cô bó gối thả ánh nhìn xa xăm ngoài khung cửa. Có chiếc lá nào nhẹ chao giữa thinh không- dù vẫn còn xanh lắm.
Ca khúc Yesterday Once More từ phòng bên bất chợt vang lên. Len qua bức tường loang lổ, hành lang hun hút vắng, từng lời ca chạm khắc vào tim cô da diết. Chỉ một nốt nhạc vang lên đã nhấc bổng cô đến nơi nào sâu thẳm. Cô ngỡ hồn mình là thác – đổ miên man. Từng giai từ vang lên. Cô sinh viên mười tám ngác ngơ, chới với, lạc giữa cõi nào xa xăm quá đỗi mơ hồ. Cô tan ra, tan ra…và lịm đi trong từng giai từ ấy:“Tất cả những ký ức tươi đẹp nhất
Trở về trong tôi thật rõ ràng
Có những kỷ niệm thậm chí khiến tôi òa khóc
Vẫn giống như trước đây
Những ngày xưa ấy đã quay về một lần nữa…”Cả một cuốn phim cũ vẹn nguyên. Những mùa thu đi… Cô quyết định bước chân xuống phố. Lang thang. Ngơ ngẩn ngắt một đóa ngọc lan trắng muốt, thả trôi trên mặt hồ. Cậu trai khoa Văn từ đâu đến, ngập ngừng: “Này bạn, hình như bạn đánh rơi một thứ gì…”.
Cô ngước lên, chạm phải ánh mắt đen sâu thẳm, mênh mang của cậu trai mình chưa biết mặt – mà thân quen như thể tự kiếp nào. Cô giật mình, nhìn cậu bằng ánh mắt hình dấu hỏi. Cậu cười hiền: “Hãy nhớ, thanh xuân của bạn ở chốn này!”. Và thế đó, chỉ một câu nói của cậu trai chiều thu ấy đã làm đổi thay cả thanh xuân cô gái ngốc nghếch kia.
Cô thả hồn vào giàn tigon sau khung cửa giảng đường. Cô dạo chơi trên đồi sim cùng nhỏ bạn thân. Cô bước vào vườn yêu đẹp như hoa mộng. Cô cháy hết mình cho những mùa thi…Thanh xuân đi…Cô ngoái đầu nhìn lại. Hoài tiếc suốt cả mùa thu năm ấy…
Cô chính thức đứng trên bục giảng. Mùa thu đầu tiên rơi vào thế giới vắt trong biêng biếc của ánh mắt học trò, cô quên mình đã nhớ, đã khát thèm níu lại thanh xuân. Không! Cô lại đắm mình vào thanh xuân của lớp lớp học trò. Lại thổn thức khóc – cười, chia tay – hội ngộ.
Cô đã thắt lòng chia xa cậu học trò năm ấy – Cậu học trò với ánh mắt rượi buồn hút xa như dòng sông sau mùa lũ. Cậu bé mồ côi ấy rồi sẽ ra sao trước ngưỡng cửa trường đời? Bài thơ Nỗi niềm năm cuối và chùm hoa sữa hôm nào còn vương hương trong tim cô. Cậu đã bí mật bỏ vào giỏ xe khi đến tạm biệt cô để lên trường nhập học. Cô chỉ biết đau đáu nhìn theo – ở phía mùa thu…
Ngơ ngẩn trước hiên nhà, tôi đưa mắt nhìn ra phố vắng. Mùa đã sang mà thu lạc chốn nào. Không heo may ngập ngừng. Không sương buông kín lối. Phố nép mình trầm tư. Buồn thiu, thắt thẻo lòng. Cô bần thần, toan bước lên tàu tìm kiếm những mùa thu…
Nhưng rồi, có một đoàn tàu sừng sững hiện ra – đoàn tàu mang tên tình người đang hối hả chạy xuyên vào tâm bão. Đoàn tàu tốc hành từ bắc chí nam bất kể ngày đêm, bất chấp bão Covid đang điên cuồng cuộn xoáy. Có hề chi. Đoàn tàu ấy vẫn vùn vụt băng đi. Cô đứng nhìn theo, giơ tay vẫy, không chút đắn đo, cô hối hả đuổi theo, bước lên tàu…“Tất cả những ký ức tươi đẹp nhất
Trở về trong tôi thật rõ ràng
Có những kỷ niệm thậm chí khiến tôi òa khóc…”Từng giai từ của Yesterday Once More lại vang lên trong tim cô lần nữa. Cô biết chắc chắn nó sẽ vang lên. Sẽ còn vang lên mãi như điệp khúc trong cuộc đời. Để nhắc nhớ rằng, cô đã, đang và sẽ còn mãi những mùa thu…
Dương Châu Giang
-
Hạ cuối níu kéo mùa trên từng chùm sấu lúc lỉu cong mình xuống như mời gọi. Kiễng chân vươn hái chùm sấu chín, ta như chạm vào tuổi thơ xa lắc. Tuổi thơ có lũ trẻ đen nhẻm lang thang dưới những con đường làng quanh co và dừng chân dưới cây sấu già cuối xóm. Đi qua khi nào chúng cũng ngước cổ ngóng quả sấu chín sót cuối vụ. Quả sấu tròn xoe như cục nắng đung đưa theo gió trêu ngươi vị giác của bọn trẻ. Không có cảnh hứng vạt áo đợi thị rụng như trước mà chúng đi tìm cái sào tre có móc ngoắc xuống. Chẳng mấy chùm sấu ước ao đã nằm gọn trong những đôi tay bé xíu. Chúng mang về rửa sạch, cạo vỏ rồi gọt xoáy vòng tròn để chấm muối ớt. Vỏ sấu giòn sần sật, thịt sấu dẻo trắng trong lộ hạt sấu già nâu đen bên trong. Xong xuôi cả bọn chúi đầu vào chén ngon lành. Tuổi thơ thấm vị chua chua, mặn mặn, cay cay như thế!
Thu về, từng cơn gió heo may đưa hương ổi chín bay đi khắp nẻo. Mùi thơm thoang thoảng ngọt ngào. Cây ổi cành khẳng khiu đỡ từng chùm quả chín nhuộm mùa thu sóng sánh ánh mật. Lấp ló sau vòm lá, màu quả ổi chín lẫn trong màu nắng hanh hanh như lẩn trốn bàn tay người hái quả. Đứng dưới gốc cây nhìn lên, lũ chào mào tham ăn đang tranh nhau chí choé, nghe tiếng động cả đàn vỗ cánh bay đi. Bọn trẻ nhanh thoăn thoắt trèo lên cây tìm quả chín. Trước tiên chúng tìm hái quả chào mào ăn dở rồi ngồi vắt vẻo trên cành thưởng thức. Kì lạ là quả nào chim ăn dở là quả đó ngon ngọt và thơm hơn hẳn. Tay cầm quả ổi đào vỏ vàng, bên trong ruột lộ màu hồng hồng thơm nức đưa lên mũi hít hà. Mùi thơm đi sâu vào lồng ngực, mùi thơm luồn vào tóc, mùi thơm đậu lên vai vấn vít. Khi mùa thị đi qua thì trong nhà trưng quả ổi chín cũng là một thú chơi bình dân của bọn trẻ chúng tôi ngày đó. Không gian đưa hương thơm ấm áp, nhẹ nhàng khiến ta cảm thấy an yên như luôn có ông bà, cha mẹ, người thân bên cạnh.
Mùa thu đã về trên dòng sông Hồng vừa qua cơn bão lũ. Con nước trở lại hiền hòa, trong xanh. Buổi chiều bọn trẻ con tắm sông nô đùa đến bợt bạt da thịt mới rủ nhau lên bờ. Con đường về nhà đi men theo lối mòn mà hai bên phủ kín cỏ may. Mùa này hoa loà xoà bám gót chân cọ vào da thịt ngưa ngứa. Hoa bông chùm gai góc phủ tím chiều. Bãi cỏ mênh mông trải dài ngút ngát chạm đến phía Bát Tràng. Theo sát chúng tôi, chị Dung thuyền chài nghiêng hông kẹp rổ cá mới đánh lên bán cho mọi người kịp bữa tối. Mớ tôm cá tươi ngon nên chỉ loáng cái chị bán hết sạch. Ngày ấy, thỉnh thoảng nhà tôi có thêm món cá mương chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt, hay tôm rang mặn ăn với rau muống luộc đánh sấu. Có hôm sang hơn được ăn canh chua nấu cá ngạnh sông. Mẹ sai tôi nướng quả dọc cho chảy nhựa chát, bóc lớp vỏ cháy nấu canh cá để tạo độ chua. Bố là thì làm thịt cá bởi không cẩn thận ngạnh đâm vào tay sẽ rất tê buốt. Chị có nhiệm vụ rửa hành, nghệ, thì là, cà chua… Mỗi người một việc khiến bữa cơm tối cả nhà quây quần luôn ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ dưới ánh đèn dầu leo lét đủ ấm áp sau một ngày nỗ lực lao động và học tập.
Khi mùa vơi đi gần nửa là lúc chúng tôi chuẩn bị dần cho đêm trăng phá cỗ - Tết Trung thu. Hạt bưởi không được bỏ đi mà gom lại lột vỏ, bóc lớp màng nâu nhạt đến khi lộ hạt trắng ngần thì lấy dây thép xâu lại thành chuỗi đem phơi khô giòn làm pháo bưởi. Tuỳ năm mà có số pháo bưởi nhiều hay ít vì nó tỉ lệ thuận vào túi tiền của mẹ. Nói vui thế chứ lũ trẻ chúng tôi luôn nhanh tay qua hàng xóm xin hạt nên năm nào “mùa nàng” cũng bội thu. Thời điểm này, dịch vụ thu gom vỏ lon làm đèn lồng khá phát triển. Bọn trẻ chụm lại lấy kéo cắt dọc thân lon, gập xuống sao cho phình cân đối ở giữa rồi lấy ống đu đủ đổ nến. Ai khéo léo hơn làm đèn ông sao bằng giấy bóng kính, lấy giấy màu cắt tua làm viền… Cứ thế chẳng mấy chốc chúng tôi có một Trung thu khá đủ đầy. Hồng nhà cái Nga, ổi nhà thằng Dương, bưởi thì đi “xin tạm” nhà ông Hai Đức, bánh nướng bánh dẻo nhà ai có gì mang đến.
Đêm trung thu trăng sáng vằng vặc. Tiếng trống ếch vang từ xa thúc giục. Bọn trẻ con chỉ chờ âm thanh ấy liền nhanh chân hoà vào dòng người tưng bừng đèn đuốc. Dẫn đầu luôn là đoàn lân sư có cái đầu nghênh nghênh múa nhịp nhàng theo điệu trống. Ông địa mặt toe toét cười ôm cái bụng tròn xoe nghênh ngang mở đường. Lũ trẻ rồng rắn theo sau. Đứa cầm đèn ông sao, đứa đầu đội vương miện công chúa, đứa tay đẩy đèn cù xoay tít, đứa nào sang hơn thì có đầu sư tử được được bố mẹ mua ở phố Hàng Mã về. Còn chúng tôi tay cầm đồ tự chế mà lòng cũng vui khôn xiết! Vì không khí nhộn nhịp, tưng bừng. Vì sắp được cùng nhau ngồi phá cỗ trông trăng…
Một buổi sáng thu phai chớm lạnh, tôi theo mẹ ra chợ cóc ven đê. Cuối dãy là hàng cá của mấy chị bên bên bờ bắc sông Hồng gánh sang. Chậu ốc xâm xấp đủ ngập mớ ốc đá xanh bóng to tròn nằm trong góc. Gặp mớ ốc ngon mẹ chọn mua. Mẹ dặn: Con ốc phải đầy miệng, nắp mở là ốc béo, không mua ốc vào tuần trăng vì ốc có con ăn không ngon... Mẹ dặn và mẹ dặn... Đứa trẻ như tôi khi đó chẳng nhớ được gì, chỉ mong “ ngày tháng mười chưa cười đã tối” để thưởng thức món canh chuối ốc của mẹ. Bát canh nóng hổi, thơm lừng mùi hành, lá lốt, tía tô, vàng màu nghệ, bùi vị chuối xanh, mềm ngầy của đậu rán, chua thanh thanh của mẻ và giòn giòn của ốc. Mặc dù chạy qua hàng thịt ba chỉ nhưng món ăn vẫn luôn đúng như slogan: chuẩn cơm mẹ nấu!
Giờ đây, tôi đã đi qua bao mùa thu vàng phôi pha màu nắng nhưng mùi vị tuổi thơ mãi chẳng thể quên. Phải chăng mùi vị chua cay đắng đót của cuộc đời cũng chỉ là một trong những mùi vị của tuổi thơ xưa tôi đã từng nếm trải? Phải chăng đó cũng là động lực cho tôi thêm vững tin trước mùa thu đầy biến động của năm nay?
Trần Thanh Nhàn
-
Bạn có yêu mùa Thu không?
Tôi chắc nhiều người sẽ nói đó là mùa yêu, mùa để tâm hồn đong đầy giao cảm trước thiên nhiên, mùa của những nhớ nhung làm man mác, dại khờ, trong chiều bâng khuâng, cô quạnh đến nao lòng. Vậy có lý gì ta không khỏi ngẩn ngơ, nếu đáy hồn ta chưa quá già nua, chai sạn.
Tôi yêu mùa Thu trong những ngày bất chợt.
Khi nắng mỏng như tơ, vương phủ, lan tỏa đến tận chân trời. Khi gió heo may luồn vào da thịt đã biết tê, biết cóng. Khi không gian và sắc màu cùng hòa quyện, chuyển mình đến kì ảo, miên man. Tôi yêu những hàng cây ngỡ ngàng, khoác tấm áo vàng, áo đỏ. Lặng nhìn những khoảnh khắc dịu dàng Thu lướt qua, chao nhanh tựa như chiếc lá sớm lìa cành.
Nhẹ bước chân trên thảm lá khô sau một đêm gió thổi. Tự hỏi lòng đông sắp đến thật rồi sao?
Rất ngắn thôi, nhưng thật tinh tế trong những khoảnh khắc giao mùa cuối Thu, khi thiên nhiên muốn dâng hiến trọn vẹn chút tơ lòng còn sót lại. Cây cối như gồng mình lên, dồn hết dòng nhựa chắt chiu se suốt, dồn hết những mạch nguồn ăm ắp yêu thương, nuôi dưỡng cho đám lá vàng lá đỏ kia khỏi sớm sa nhánh, lìa cành. Gấp gáp, vội vàng, trổ hết sinh lực cuối cùng, để bật lên những mảng màu huyền diệu. Cố níu kéo sự sống đang xa dần, theo nhịp chảy của thời gian.
Thế nên, nhân gian mới có một bức tranh sắc màu thiên nhiên hoàn hảo nhất, mãn nhãn nhất trong năm, mà tôi chắc không mùa nào có được. Bức tranh tuyệt vời đó không có ở bất cứ bảo tàng nghệ thuật nào. Nó hiện hữu quanh ta, vô cùng kì ảo, trong sắc nâu đỏ của lá phong cuốn bay theo gió, trong sắc hồng vàng vương lẫn màu xanh của vườn lê, vườn đào đang thì giữa vụ và cả cánh đồng hướng dương rực rỡ đón ánh mặt trời. Xa xa, từng đám mây xốp như bông ai treo trên đỉnh núi, soi bóng mình lồng lộng xuống dòng sông.
Nhưng đó là những ngày bất chợt, những khoảnh khắc vàng khi nắng nhạt còn vương.
Mùa Thu nơi tôi thường gắn liền với những cơn mưa li ti kéo dài, dai dẳng. Dù chỉ mỏng như sương, vương như khói, cũng đủ làm hoen mi mắt, khiến cho ngày ủ dột mãi không thôi.
Bình minh thức giấc khi đã gần trưa, còn hoàng hôn chạy trốn lúc chiều chưa kịp xuống. Ngày ngắn đến lạ, ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy thời gian cứ sầm sập đi qua không một lời nhắn nhủ.
Tôi sợ cái màu trời u ám cô đơn, buồn lặng đến nao lòng. Bước chân tôi chơi vơi, vô định trên con đường quen thuộc. Bao nhiêu năm phiêu bạt xứ người, là bấy nhiêu năm, tôi thấy chân mình lạnh hơn, trùng hơn khi Thu gọi Đông về. Tâm hồn tôi chông chênh, vắng lặng. Hoài niệm là những gì ta không còn với tới. Nhưng trong căn gác tâm hồn, lại được chạm vào khi hoang hoải một chiều Thu.
Lời bài hát quen thuộc cất lên, đưa tôi về một vùng xa ngai ngải.
"Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu".
Quê hương tôi đó, nơi phố dài heo hút hơi may. Nơi mặt nước Hồ Tây loang loáng ánh trăng, miên man theo từng con sóng nhỏ. Nơi bước chân tôi, lúc mệt mỏi, rã rời, lại muốn tìm về thổn thức với yêu thương.
Trở về ư...đã bao lần Hà nội đón tôi về đều vào mùa Thu.Nghe tiếng rao mỗi sớm mai, mà tôi thấy lòng mình bình yên đến lạ. Tôi thức dậy trong căn nhà tuổi thơ, ngập tràn kỉ niệm. Cây hoàng lan trước hiên vẫn dịu dàng tỏa hương, mà sao tôi cố hít hà thật sâu như chỉ sợ ngày mai thôi, sẽ chẳng tìm đâu được nữa.
Tôi theo chân mẹ ra chợ sáng mùa Thu. Bầu trời cao và xanh vời vợi, gió dịu dàng vuốt ve mái tóc tôi, làm se se đôi má tôi ửng hồng. Nắm tay mẹ thật chặt, Tôi bỗng thấy mình của những ngày xưa cũ, như cô bé con lý lắc thuở nào. Tôi muốn giữ thật lâu cảm giác đó, khoảnh khắc đó, bởi tôi sợ rằng khi xa mẹ, có một ngày trở về, tiếng gọi mẹ ơi bỗng thành xa vắng, tôi bơ vơ một mình lạc lõng giữa chốn chợ quê.
Bất chợt, mùi cốm dẻo tươi thơm hương lúa mới, mùi chuối trứng cuốc đượm nắng, quện gió ngọt ngào, những quả hồng đỏ mọng tròn căng gối đầu lên nhau nũng nịu, những quả na cuối mùa đang chờ mở mắt và cả trái bưởi vàng ươm thơm nức, đánh thức tuổi thơ êm đềm của những đêm trông trăng, bỗng ùa đến phút giây. Tất cả hương vị mùa Thu đó, được gói ghém trong chiếc làn mây, theo chân mẹ con tôi về nhà.
Tôi thích những buổi chiều hôm, ngồi tựa mình trong quán lạ mà quen, nơi có tầm nhìn phiêu lãng. Hòa mình vào dòng người hối hả ngược xuôi, bên con đường có hàng cây đẹp như tranh vẽ. Những đôi tình nhân tựa vai nhau yêu thương, trên ghế đá ven hồ. Thấp thoáng vài chị gánh hàng hoa, chở cả mùa Thu theo từng nhịp bước. Ngắm đàn sâm cầm vẫn mải mốt âm thầm, trong hoàng hôn đỏ lịm, buông dần phía chân trời xa. Nghe tiếng tích tắc của thời gian, chậm rơi trên từng chiếc lá, bỗng ngập ngừng theo gió bay cao.
Tôi cố níu lấy thời gian xin hãy ngừng trôi. Tôi muốn giữ mãi phút êm đềm này, như giữ ngọn lửa nhỏ, sưởi ấm tâm hồn kẻ xa quê, qua những ngày đông giá lạnh. Để khi chia xa tôi sẽ nhớ lắm mảnh đất thân thương, đã luôn dang tay đón tôi, xoa dịu tôi sau bao bộn bề lo toan vất vả.
Bạn của tôi ơi, đừng nghe nói mùa Thu vàng ở châu Âu, mà không biết rằng Hà Nội vào Thu rất đẹp. Hãy lắng nghe những âm thanh cuộc đời, vẫn đang vặn mình thao thức ngoài kia. Nghe tiếng Thu trong những đêm xào xạc lá đổ. Bạn sẽ thấy tan hết muộn phiền, khi ướp lòng mình dưới ánh đèn vàng, với hương hoa sữa nồng nàn rất đỗi thân quen.
Độc hành trong đêm Thu, cảm giác cô đơn như chạm vào tâm khảm, đánh thức bao điều xưa cũ. Thả lòng mình, tôi vội vàng gói ghém những niềm riêng, gửi chút yêu thương tới miền xa vãng đó.
Tran Thuy
-
Những ngày cuối hạ, hạt nắng vàng dùng dằng trên vòm lá biếc tiếc lắm chẳng muốn rời xa. Cánh phượng hồng chất chứa ưu tư nhạt dần rồi bay vèo trong gió. Ve sầu khàn giọng hát lịm dần, lịm dần cho đến khi tắt hẳn. Hạ sắp sửa lụi tàn. Vạn vật chờ đợi một làn gió mới để thổi bay đi bụi bặm, mỏi mệt. Thế còn ta? Ta đang chờ đợi gì? Mà đôi mắt mòn mỏi, xa xăm. Hay ta đợi mùa thu – mùa đã dệt lên những sợi buồn vui thời con trẻ để tấu thành khúc nhớ thương da diết, mùa đánh thức ta về những kỉ niệm hôm qua mà hôm nay đã đi vào hoài niệm.
Ai đó từng hỏi: Bốn mùa trên đất nước Việt Nam mình đều đẹp, hà cớ gì tôi cứ nặng lòng với mùa thu? Khó có thể trả lời một cách rõ ràng cho câu hỏi đó. Chỉ biết rằng, khi cái gió heo may lả lướt về trong những chiều hoàng hôn tím, tôi lại nhoi nhói trong tim. Thu là mùa tôi yêu, tôi nhớ và cũng là tên người chị gái bất hạnh mà bao mùa lá đổ qua rồi tôi vẫn hoài nhớ thương.
Cơ duyên chẳng biết vô tình hay hữu ý đã để tôi gặp chị trong một buổi chiều tối mùa thu năm ấy. Khi mà bóng tối ngả dần nhuốm cả không gian, hạt mưa li ti rơi rớt trên vạt cỏ làm lành lạnh đôi chân. Cơn đói réo rắt cồn cào thôi thúc tôi bước thật nhanh về nhà. Hình ảnh người con gái tầm mười tám, đôi mươi ngồi trên xe lăn, cầm trên tay tập vé xổ số đang bán dở khiến bước chân khựng lại. Chao ôi! Khuôn mặt chị kìa. Nó tròn trịa như ánh trăng rằm vậy. Ánh mắt biếc xanh, chất nặng ưu tư nhuốm những vệt buồn. Tôi tiến lại đẩy chiếc xe lăn khe khẽ trên vạt cỏ cùng chị bán hết chiếc vé số cuối cùng.
Chị cũng như tôi, cả hai đều yêu mùa thu đến lạ. Có lẽ, bởi cái dịu dàng, đằm thắm rất riêng. Con nắng mùa thu nhè nhẹ mà không gay gắt, chua ngoa khiến người người dễ dịu, thở phào nhẹ nhõm trút bớt đi áp lực cuộc đời. Cơn mưa mùa thu không xối xả, ào ạt. Những giọt mưa trong veo, mát lạnh dội vào lòng tôi những xúc cảm miên man. Con đường quê nơi hoa sữa nở bung như cười phả vào không gian vị hồn quê ngào ngạt cũng chính là nơi chị em tôi thường lui tới giải stress. Đời vẫn thường trớ trêu, nhiều nghịch lý. Con người bất hạnh lại thường hay mang trong mình lòng ham sống mãnh liệt. Khuôn mặt chị rạng ngời, giọt hân hoan đọng nơi khóe mắt khi cánh hoa rơi rớt trên tà áo, tia nắng chiều sà xuống làn tóc mây. Chị đung đưa bờ vai như đang cùng chúng nhún nhảy chào mừng một mùa thu đẹp về.
Trung thu năm ấy, chị em tôi được ở bên nhau trọn vẹn. Tiếng trống, tiếng hò reo mời đôi chân người người hòa vào ngày hội. Khuôn mặt chị rạng người, đôi mắt long lanh dõi theo đoàn kì lân nhảy múa. Ánh trăng lung linh đậu trên những cọng tóc đen nhay nháy khiến chị đẹp lạ lùng. Hội tàn, chị ngồi đó trên chiếc xe lăn xoay tròn trên bãi cát đầu làng - nơi mà chị Hằng ưu ái chiếu xuống muôn vàn sợi bạc. Đôi mắt cố tìm phía xa xa, nơi dải mây trắng vẫn bồng bềnh theo gió. Chị đợi người bà quá cố - Người dành cho chị muôn vàn tình yêu thương khi bố mẹ rời bỏ chị sau tan vỡ của gia đình. Bà từng hứa với chị: Sẽ lẩn quất sau những đám mây hôm rằm để nhìn khuôn mặt cháu gái. Giọt nước mắt xoay tròn trên đôi má của người con gái bất hạnh. Chị khóc như muốn trút hết những bất hạnh, đau thương đã nếm trải trong cuộc đời. Mọi thứ im ắng lạ thường. Trăng, gió, mây...như ngừng thở giây lát như thể đồng cảm lắm với người con gái đẹp mang tên mùa thu.
Sau thu ấy, rời xa miền quê nghèo, tôi theo gia đình lên thành thị. Ngày chia tay, lòng lưu luyến, rối bời. Tôi ôm chị thật chặt, thật sâu và thủ thỉ bên tai hẹn ngày gặp lại. Chị cố giấu những giọt nước mắt đang sắp sửa trào ra để tôi được yên lòng. Xe lăn bánh, tôi chẳng dám ngoảnh lại mặc kệ vấn vương, nỗi nhớ rớt lại phía sau. Có lẽ, cũng kể từ đó với tôi mùa thu buồn đến lạ.
Bao mùa lá đổ trôi qua. Lỡ hẹn mùa thu, lỡ hẹn người chị gái năm xưa, tôi chưa một lần về thăm lại. Cứ mỗi lúc thu về, kỉ niệm lại đong đầy mãi trong tim:
“Em có nghe gió gọi
Mùa thu khe khẽ về
Hạt nắng buồn gì nhỉ
Mà bần thần chẳng nói
Kỉ niệm nào còn mãi
Rớt trên vòm lá xưa
Khao khát được bé thơ
Để đoàn viên trở lại”Sưu tầm
-
Mùa thu đến nhẹ nhàng như bước chân trẻ thơ đưa tôi về bên mẹ đang nấu bữa cơm chiều. Mùi khói bếp êm ả len vào nỗi vui buồn ở một miền quê trong veo từng cảm xúc. Tôi và mấy đứa em háo hức đợi bữa cơm mẹ nấu nhưng vẫn không rời mắt thòm thèm nhìn cánh diều chao lượn trên bầu trời chiều biêng biếc. Có một vệt nắng còn trôi miên man trên sườn núi như chút tình mùa hạ gởi vào thu khiến lòng thêm bâng khuâng. Cơn gió nào thổi vào ký ức để lòng lưu luyến, bịn rịn những tháng ngày an nhiên, bình lặng của tuổi học trò. Mùa thu luôn là như vậy. Nó lặng lẽ làm cho cảm xúc miên man, da diết. Nó trầm tĩnh mà xao động phận người. Nó dịu dàng gột đi những phiền muộn. Nó vun đầy niềm yêu thương. Nó lãng đãng làm cho lòng ta khó rạch ròi trong từng suy nghĩ.
Trong những ngày chẳng vội vã của mùa thu, bước chân trẻ thơ lại vội vã đến trường. Tiếng giảng bài của thầy cô, tiếng đùa vui của bạn bè lại trở về với nét quen thuộc trong veo, an yên và bình lặng cho bao cảm xúc miên man thương nhớ. Những cánh hoa phượng muộn màng cố níu kéo mùa hè cũng chầm chậm rơi như lời tạ từ, như lưu luyến, như rưng rưng. Cánh hoa nào được ép trong vở học trò để thành cánh bướm hồn nhiên chấp chới trong ký ức nhuốm màu xưa cũ. Tôi không muốn níu giữ, không tiếc nuối mùa hè rực rỡ nắng, rộn ràng niềm vui để đến với mùa thu da diết vị mát lành. Tôi chỉ giữ một chút nắng hạ dịu dàng gởi vào thu; một cơn gió nhẹ thản nhiên lướt qua cánh đồng xanh mướt; một cơn mưa bất chợt vừa đủ cho ta ướt đẫm sự hồn nhiên, trong sáng; một bóng mẹ liêu xiêu trên con đường nhỏ trong những chiều lộng gió; một miền ký ức xanh ngút ngàn không dễ nhạt phai cảm xúc bình yên. Mỗi một chút của mùa hạ tôi gói ghém mang vào thu như tia nắng cuối ngày kia còn bịn rịn, lưu luyến níu lấy cành cây, bãng lãng trên sườn đồi. Lặng lẽ và dai dẳng. Dịu dàng và nồng cháy. Da diết và yêu thương. Mùa thu trong tôi hiền hòa là vậy.
Có người nói ở miền Trung quê tôi chỉ có hai mùa mưa, nắng. Tìm đâu ra đủ bốn mùa. Vẫn biết khí trời chưa đủ dịu dàng để gọi là xuân; chỉ có nắng vàng oi bức làm nên mùa hạ. Gió nhạt nhòa và mưa chẳng vội vã để cho rằng trời đã sang thu; chỉ có mưa dầm đề, bão lũ mới thành mùa đông ướt át. Nhưng chỉ cần lắng lòng nghe tiếng rơi nhẹ của chiếc lá vừa hết chu kỳ sinh tồn và gió lơ đãng khẽ rung tiếng chuông gió là thấy mùa thu đã về. Đôi khi chỉ thấy có chút nắng hạ bơ vơ trên đầu ngọn cỏ hoặc cơn mưa đông đến sớm là biết đã thu sang. Có lúc hoa sữa ngát hương gọi ngày lập thu đến để thành kỷ niệm yêu thương khi ta tìm về ngày xưa cũ. Mùa thu trong tôi là như vậy. Nó bãng lãng, đan xen, khó rạch ròi trong từng suy nghĩ, trong từng mộng mơ. Hiền hòa. Dịu dàng. Chầm chậm. Lưu luyến. Bịn rịn. Chỉ có cái lạnh se se của mỗi tối là hồn vía để ký ức tôi thấm đẫm hương vị mùa thu.
Đôi khi thời gian đang lặng lẽ mang đời mình vào tuổi già mà mấy ai để ý. Bởi vẻ đẹp của các mùa cho mỗi người nhiều cảm xúc mà dễ dàng mở lòng vui sống. Mùa xuân mang đến vẻ thanh xuân, mơn mởn. Mùa hạ gieo niềm vui, tươi trẻ. Còn khi nhịp sống hàng ngày trở nên chậm rãi hơn, lòng chợt giật mình biết trời đã chuyển mùa. Mùa thu dịu dàng, thanh tịnh để chuẩn bị cho mùa đông đoàn tụ, ươm mầm cho mùa xuân sau. Hình như không gian mùa thu yên tĩnh hơn, bầu trời xanh trong hơn, gió cũng nhẹ nhàng hơn, và ta, lòng cũng thấy nhẹ nhàng bâng khuâng hơn. Mùa thu cũng là mùa tựu trường. Không khí náo nức gặp lại thầy cô, bạn bè hiện qua những tà áo trắng là điểm nhấn cho mùa thu rộn ràng. Và còn bao phận người đang bươn chải cho cuộc sống mưu sinh trong nhịp sống hàng ngày lặng lẽ và dai dẵng. Hình như có ai đó đang lặng nhìn những con chim sẻ ríu rít nô đùa trong vòm lá, lắng nghe tiếng chim gù xa xa... Thế đấy, mùa thu mang đến cho con người nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Riêng tôi, tôi muốn một thoáng dừng lại, hít hà hương trời hương đất mà xuýt xoa, mà suy ngẫm. Nhìn lại năm tháng đã qua mà hình dung ngày mai khi lòng yên bình trong tiết trời xao xuyến của mùa thu. Tôi nhận ra rằng đời người, đôi khi, chỉ cần được bình yên là quá đủ. Tôi cũng nhận ra rằng nếu ví thời gian của đời người là một năm thì mùa thu đã bước sang mùa trung niên viên mãn mà mỗi người thể hiện bản lĩnh với đời. Mùa thu luôn làm cho ta ngạc nhiên là vậy.
Biết bao mùa thu đã lặng lẽ đi ngang qua đời tôi nhưng đến khi lòng chùng xuống mới thấy mùa thu hiện ra mộc mạc, đơn giản đến bất ngờ. Thôi thì mình cứ nán lại một chút, đi chậm một chút để tận hưởng không khí mùa thu như mình cảm nhận. Tưởng chừng như hồn mình đã già nhưng chỉ cần chút se lạnh, một vệt nắng, một cơn gió heo may, một chiếc lá rơi, một tà áo dài tung tăng trên đường cũng khiến lòng mình bồi hồi, se sắt.
Mùa thu đến và đi rất lặng lẽ.
Có lẽ mùa thu chỉ dành cho những ai lắng lòng mà cảm nhận nó.Ngô Văn Cư
-
Bản phối màu đẹp nhất của lá có lẽ lúc đất trời vào thu. Mùa thu, lá chuyển màu vàng úa run rẩy tiếc nuối khi sắp lìa cành, lá chênh chao vắt mình trên đám cỏ, lá giăng ngập lối vào cuối mùa… Nhìn lá rụng, ta không khỏi ngẩn ngơ.
Từ lúc chồi non mới nhú đến khi về với đất, mỗi chiếc lá như một nốt nhạc trầm bổng theo hành trình màu sắc bốn mùa xuân hạ thu đông. Những chiếc lá cũng có cuộc sống và số phận, khởi đầu bằng sắc màu xanh nhung khi kiên cường bật ra từ sau lớp vỏ cứng của hạt hay cành, màu non tinh khiết dần quen với mưa gió, với ánh sáng để vươn mình, dày dạn. Lá đan cùng lá xum xuê mang cho cây sức sống, niềm kiêu hãnh chở che và tận cùng dâng hiến khi từ biệt bốn mùa mưa nắng để về với đất mẹ an lành. Lá đã sống, khoác lên mình bao sắc màu xanh, vàng, cam, đỏ úa…
Trong bảng màu cơ bản có một màu của lá, trong bốn mùa của năm có một mùa lá rụng. Lá đẹp là thế nhưng không phải chiếc lá nào cũng may mắn sống trọn đời kiếp lá. Có chiếc lá không vẹn hình hài; có chiếc lá phải rơi đang lúc thanh xuân. Và như thế, mỗi loài cây cỏ, mỗi chiếc lá đều mang một sứ mệnh, một vẻ đẹp, một ý nghĩa khác nhau trong cuộc đời. Và lá rơi, vùi mình vào đất mẹ lại tiếp tục một hành trình hóa thân làm chất dinh dưỡng nuôi sống cho lớp cây khác, cho đời sau. Lá rụng rồi, không có nghĩa là hết mà là sự khởi đầu cho sự sống mới. Lá lặng lẽ dâng hiến lá lặng lẽ ra đi, lá gợi cho ta ý niệm về sự an nhiên, buông bỏ theo quy luật đất trời.
Sáng nay bước chân ra đường, thấy lá rụng nhiều cứ ngỡ mùa thu đã về. Mới giữa cuối mùa xuân kia mà, còn lâu lắm mới đến mùa thu. Lá rụng nhiều giữa mùa xuân có phải thời tiết thay đổi hay tuổi thọ của lá càng ngày càng ngắn đi?
Tôi yêu mùa thu, yêu đến từng chiếc lá. Tôi thường mơ ước được bước chân trên con đường giăng đầy sắc vàng, sắc đỏ của mùa thu vùng ôn đới nước Hàn hay ở tận châu Âu. Nhưng rồi, “về thu xếp lại”, tôi xếp những mộng mơ vào khoảng lặng của cõi lòng, để yêu hơn những gì hiện hữu và gần gũi quanh mình, yêu những chiếc lá thu vàng võ xác xơ nơi quê nhà của một vùng trung du hẻo lánh. Miền Tiên Phước quê tôi không có khoảnh khắc chùng chình từ hạ sang thu, không xạc xào sắc màu rực rỡ nhưng những hàng cây vẫn âm thầm trút lá mỗi chiều. Thương và tiếc làm sao chiếc lá xinh xinh, nhìn đời lá ngắn ngủi, chợt nghĩ đến đời người đầy vẻ bất an…Nguyễn Thị Diệu Hiền
-
Cám ơn mùa thu, đã đón tôi bằng ngợp ngời hương sữa, khi tôi về với phố sau một quãng đi dài. Như thể muốn reo lên vỡ òa trong…thinh lặng.
Một buổi sáng ướt đầm nắng chín. Trên lá cây, những đóa hoa tanh tách tím, trên những bông sữa mà giờ đây, à không, năm nay, lạ lắm, mới nhú xanh. Đâu đó tiếng gà từ một căn chuồng nhỏ mà người phố nào nhớ quê chăng, nuôi chúng trong một góc sân. Nỗi xao động mặt hồ như cộng hưởng cùng mành nắng buông như voan tơ, cùng cả những nhành cây nghiêng với rung rinh tán lá khiến cho cả không gian trước mặt tôi như muốn bay lên, như muốn ngân rung, như muốn cất lời…
Tôi đã từng muốn tất cả ngừng lại trong phút giây này, trong phút giây mà tôi hít căng lồng ngực mình, giang rộng vòng tay và khao khát ôm chứa. Trong phút giây mà tôi muốn mình hóa đá, vĩnh viễn, đắm chìm. Trong phút giây mà trong tôi cũng đang ngân rung một bản đàn bất tuyệt, về yêu thương và tự do.
Những sớm mai, trong lành, khi tôi đã - như mùa thu kia - trải qua cái cuồng nhiệt của tuổi trẻ, đủ thời gian chậm rãi để ngắm nhìn những giấc mơ thơ dại, mỉm cười soi mình trong tấm gương và nhận thấy những đau thương, hạnh phúc đã yên ắng nơi khóe mắt, nơi chân tóc, nơi bàn tay hằn những đường gân…
May mắn quá, tôi chưa già nua để lãng quên những gương mặt quá khứ, chưa già nua để quá chừng tiếc nuối, chưa già nua để không còn muốn xao động cùng mai sớm này. Và chưa già nua để có thể quên đi một lời tạ ơn cuộc đời, đã cho tôi biết tỉnh thức. Mình cần gì nhiều nhặn nữa, ngoài những yên bình, mà điều đó là từ ai mang lại, nếu không phải từ tâm hồn này đang muốn cộng hưởng cùng buổi sáng ướt đầm nắng chín như bữa nay đây?
Cám ơn mùa thu, đã đón tôi bằng ngợp ngời hương sữa, khi tôi về với phố sau một quãng đi dài. Như thể muốn reo lên vỡ òa trong…thinh lặng.
Nhớ câu thơ ngày cũ:
Nhưng hoa sữa, trời ơi là hoa sữa
Bung biêng xanh treo những vạt hương buồn…Mùa này, những vạt hương chẳng buồn. Chúng náo nức trĩu nặng trên vòm xanh, chúng náo nức trên cả tường rêu phủ, náo nức những góc phố vốn thường ngày tĩnh lặng niềm quên lãng. Chúng náo nức hay chính tôi đang náo nức với những ngày tháng đẹp đẽ đến mức tôi luôn sợ nó qua nhanh như một cái chớp mắt?
Có những cái đẹp khiến người ta muốn run lên, có những tình yêu khiến người ta muốn không ngừng bày tỏ. Ấy là tôi đang bày tỏ với mùa thu những niềm yêu vô tận của mình… Bày tỏ với hương hoa, với mặt hồ, với bầu trời, với những cánh thiên di, với mặt trời đẹp lộng lẫy trong sự cô độc kiêu hãnh…
Và sáng nay, tôi lại ngồi bên mặt hồ, nhưng là một mặt hồ biến đổi không ngừng, khi lao xao sóng gợn, khi trong veo soi những gợn mây muốt trắng, khi lại nâu xám u buồn…
Chỉ có thể là ánh sáng đã biến đổi được mặt hồ này và dưới con mắt của tôi. Tôi đã từng viết về ánh sáng - về nguồn sáng. Về sự biến đổi của vạn vật dưới ánh mặt trời. Con người cũng thế, phải may mắn lắm mới có thể tìm được cho mình một nguồn sáng, may mắn lắm để bước về phía một ai đó mà nói rằng: Người là nguồn sáng đời tôi! Nguồn sáng ấy khiến cho cuộc đời ta lấp lánh, dù ta là thủy tinh hay là kim cương.
Khi được sinh ra, tôi chỉ có duy nhất một nghĩa vụ LÀ CHÍNH MÌNH. Với bản thân, tôi nghĩ mình có nghĩa vụ phải HẠNH PHÚC. Mà hạnh phúc không bao giờ phụ thuộc vào ai đó khác, nó phải là chính cảm xúc của mình, mặc định bằng mỗi phút giây trọn vẹn mình được sống, đã sống. Và hạnh phúc, không phải thứ vu vơ mà may mắn có thể có được, không phải là thứ có thể cầu xin để ai đó ban phát, cũng không phải con đường hay đích đến. Hạnh phúc, giản đơn mà cũng xa vời lắm, nó là sự lựa chọn.
Đừng nghĩ hạnh phúc chỉ có niềm vui, nụ cười. Hạnh phúc đôi khi chan chứa trong nước mắt. Được duỗi đôi chân mệt mỏi yếu đuối dưới bầu trời giông bão vừa qua, được thứ tha cho bao tổn thương mà cuộc đời và con người mang lại, được bay đơn độc trên bầu trời lộng lẫy tự do vô hạn. Và quên lãng nỗi buồn hôm qua, quên lãng những sự ra đi không nuối tiếc…
Tôi đã từng yêu những nỗi buồn như thể nó sinh ra để tôi thấy mình có thể mạnh mẽ, kiên cường đến nhường bao, hay cho tôi thấy mình sụp đổ đến thế nào. Và, tôi luôn muốn mình hãy mỉm… một nụ cười nào đó.
Một nụ cười nào đó, ấy là tên gọi của một cuốn sách của Segan. Tôi chưa kịp đọc nó, vì đó là món quà sinh nhật đầy thương quý mới được trao tặng hôm nay. Nhưng cái tên sách, đã luôn gợi nỗi mơ hồ về cuộc đời, về hạnh phúc và buồn đau… Nụ cười ấy ở phía nào, của ai vậy?
Tôi sẽ không nghĩ đến điều đó bây giờ, vì thực sự phút này đây tôi muốn trọn vẹn dành cho niềm vui và những yêu thương mà tôi đang có.
Xin tạ ơn Đời!
Cám ơn mùa thu, đã đón tôi bằng ngợp ngời hương sữa, khi tôi về với phố sau một quãng đi dài. Như thể muốn reo lên vỡ òa trong…thinh lặng.
Tác giả: Phạm Thùy Vinh -
Có lần con gái tôi hỏi: mẹ ơi, mùa thu có màu gì? Thu màu gì ư? Tôi nói với con rằng: con hãy nhìn xem, có thể đó là màu áo mơ phai của những chiếc lá rơi, màu xanh của những lá mạ nõn nà, màu vàng như rót mật của những giọt nắng.
Nó cũng có thể là màu hồng của những quả ổi đào đang chín mọng hay là màu mây thiên thanh đang lãng đãng giữa bầu trời rất trong. Con gái tôi im lặng, gật đầu như vừa đồng ý, như vừa chìm vào thế giới đầy tưởng tượng của nó. Những như thế vẫn là chưa đủ. Với tôi, những mùa thu đi qua không chỉ có gam màu sáng mà còn có gam màu trầm, thật trầm. Bởi thu trong tôi là những niềm thương dành cho những phận đời phụ nữ.
Tôi thương mẹ tôi từng đi qua những mùa chớp bể mưa nguồn. Thương mẹ tôi vất vả tháng ba ngày tám. Mùa thu cũng là mùa bão đã được báo trước vì quê tôi là rốn bão. Đó cũng là những ngày mưa rất dài, rất rộng. Mưa như bù lại những ngày nắng như rang giữa bỏng rát gió Lào. Giữa những cơn mưa, mẹ tất tả lo cả đàn con, đàn lợn, đàn gà. Mẹ mặc áo mưa nhưng trong ướt như ngoài. Có những đêm, mưa sầm sập, sấm chớp đì đùng. Gió to, những ngọn đèn dầu vừa thắp lên lại bị tắt. Nước từ khe cửa sổ hắt vào, nước từ trên mái ngói vỡ rơi xuống. Nhà sũng nước. Mấy đứa trẻ co ro ngồi một góc, tìm chỗ không ướt mà ngồi. Mấy đứa lớn thì hỗ trợ mẹ. Mẹ cứ phải che chỗ nọ, đậy chỗ kia.
Thỉnh thoảng, mấy đứa em khóc thét vì sấm chớp liên hồi. Mẹ chạy lại vỗ về: Không sao! Không sao! Lát thấy về! Về làm sao kịp, thầy tôi đang ở ngoài biển cơ mà. Lời động viên của mẹ làm mấy chị em yên tâm. Tiếng của mẹ xen giữa tiếng gió mưa. Nhưng tôi nghe rất rõ, đó là tiếng yêu thương, chở che, vỗ về! Tiếng của sự gắng gượng!
Rất nhiều năm như thế, mẹ dãi dầu mưa gió, bão bùng. Thu đến mang theo những cơn gió, cơn giông, mang theo vất vả cho mẹ, cho cha. Nên khi nghĩ về mẹ, tôi thấy màu của thu là màu của nỗi thương thẳm sâu, vời vợi. Thương hơn cả một chữ thương!
Tôi cũng thương ngoại tôi một đời vất vả, gian nan. Ngoại sống cảnh góa chồng từ sớm. Ngoại mất trong ngày mua thu đã chín, đã ngọt. Ngoại ra đi khi đã bao mùa chăm chút vườn cây để cho chúng tôi những trái ổi, trái thị mọng chín, ngọt lành. Ngoại ra đi khi bệnh nặng, khi thầy tôi, các dượng và các anh – những người đàn ông vững vàng đang lênh đênh biển khơi. Lo đám tang của bà là những người con gái, là các gia đình thông gia, là những đứa cháu đang lúc bối rối. Thời đó không có thiết bị thông tin liên lạc như bây giờ, nên gia đình chỉ biết đến bến sông ngóng đợi. Trong kí ức nhạt nhòa, trong tôi còn đọng lại hình ảnh tôi và một người chị ngồi đợi ở bến sông. Dòng sông hôm ấy cũng chảy chậm hơn, thao thiết hơn.
Khi hoàng hôn buông, những người đàn ông của gia đình tôi trở về. Thấy thầy tôi, chị họ tôi chỉ tôi được câu duy nhất: chú ơi, bà mất rồi! Chị nói, mắt thì ầng ậng nước và giọng nghẹn đi! Còn thầy tôi và các chú cũng trở lên lặng lẽ. Chao ôi! Đời người có bao nhiêu? Khi người thân ra đi, không ở cạnh nhau những giây phút cuối cùng, người ở lại day dứt biết bao! Lúc này, tôi thấy màu của mùa thu là màu tiếc nuối, xót xa, màu của sự chia biệt vĩnh viễn.
Khi hạ vắt mình sang thu, không khí ở quê tôi vẫn chẳng hề dễ chịu. Sau những ngày mưa là nắng nên đám trẻ con ở làng vẫn hay vẫy vùng sông, tắm biển. Và có những đửa trẻ đã gửi mình cho chốn ấy. Để rồi tôi thương đến thắt lòng những người phụ nữ đi dọc bến sông, dọc bãi biển để gọi tên con. Những tiếng kêu cứ lịm dần, lịm dần. Sau nữa họ chỉ có thể gọi tên con bằng hơi thở.
Nhưng những tiếng gọi ấy cũng thoảng theo gió bay, cũng theo dòng sông trôi về biển cả. Những tiếng gọi đầy ám ảnh với bao nhiêu cuộc đời đã từng chứng kiến những câu chuyện đó. Bao năm là bao tiếng gọi! Trong số những người phụ nữ ấy có cô tôi. Cô cũng đã từng như chết đi sống dậy khi mất 2 đứa con trong vòng 3 tháng, đứa giữa mùa hạ, đứa đầu mùa thu. Đứa vì bạo bệnh, đứa vì đi theo tiếng gọi của đại dương! Nhìn cô, tôi thấy sự nghiệt ngã tận cùng của số phận!
Ngày trước, khi những quả thị tỏa hương khắp làng, nhất là vào độ tháng 7 âm lịch cũng là thời điểm trẻ em làng tôi bị đuối nước nhiều nhất. Người làng tôi lý giải rằng, tháng cô hồn hà bá hay bắt trẻ con! Có chăng đó chỉ là một lời lý giải để ủi an cho những niềm đau. Tôi không thể gọi tên được niềm đau của cô tôi, của những người mẹ ấy. Nếu như có một sự so sánh thì tôi nghĩ nỗi đau ấy cũng dài như sông, rộng như bể! Lúc này, màu của thu trong tôi là màu bất lực, tuyệt vọng, đớn đau!
Mùa thu miền Trung không dịu nhẹ như thu miền Bắc. Người làng hay nói “nắng tháng tám rám trái bưởi”. Quả đúng là như thế. Mùa thu gì mà gió thì ran rát, nắng thì chan chát. Giữa cái nắng khiến cỏ cây như chạnh lòng, con người như buồn giận tôi thấy thương hơn những người phụ nữ ở làng biển của tôi.
Những chiếc thuyền đánh cá trở về không kể ngày nào, giờ nào. Họ về khi cá đầy khoang hoặc nhiên liệu đã cạn. Bởi thế mà có những khi thuyền về giữa lúc cuối buối sáng hoặc chiều muộn, những người phụ nữ vội vàng gánh cá để kịp bán phiên chợ quê. Những bước chân xiêu vẹo nơi bến sông hay ngoài bãi biển vì gánh nặng, vì bùn trơn, vì cát choãi. Bước thấp, bước cao, họ đi như chạy cho kịp giờ bán. Lúc ấy mồ hôi của họ cứ chảy, chảy mãi trên những khuôn mặt đã phai nắng phai sương. Tôi có cảm giác hơi thở của họ lúc đó cũng mang vị mặn mòi. Vị mặn của mồ hôi, vị mặn của gió biển, vị mặn của những toan lo.
Nhiều cuộc đời phụ nữ đều như thế, đôi vai của họ ngày càng gầy đi, quang gánh của họ ngày càng nặng hơn. Họ gánh cuộc sống của gia đình mình, gánh tương lai của những đứa con, gánh cả thời gian, gánh cả những mùa thu đi qua. Nhìn họ, tôi thấy mùa thu mang trong mình màu của sự cay cực, nhọc nhằn.
Tôi thấy cuộc đời dài dằng dặc của những người phụ nữ ấy cơ bản là buồn, là khổ. Nhìn những mùa thu đi, nhìn những người phụ nữ lặng lẽ đi qua những cùng cực, đi qua những đớn đau, tôi chỉ thấy cảm thương, trân quý. Ừ thì đời buồn đó, nhưng những người phụ nữ ấy cũng đã chắt chiu những niềm vui, niềm hi vọng. Vì không có niềm vui, không có hi vọng, sao có thể sống tiếp?
Trên con đường ta đi, nhiều khi cũng phải dừng lại một chút, lặng mình một chút để ru lòng, để nghĩ về những người quanh ta. Giữa những mùa thu rất lặng, mang trong mình nốt trầm, tôi vẫn thấy chan chứa những tin yêu. Bởi tôi biết mình vịn vào những người phụ nữ ấy để có thêm những nghị lực, những yêu thương, những sẻ chia. Chỉ từng đó thôi, cũng giúp tôi bình tâm, đi tiếp…
Nguyễn Hương