Top 8 Tản văn viết về miền Tây hay nhất
Miền Tây được thiên nhiên ưu ái với khí hậu ôn hòa, dễ chịu quanh năm. Miền Tây đều có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tạo nên một bản sắc văn minh sông nước ... xem thêm...đậm nét. Miền Tây cũng xuất hiện trong rất nhiều bài tản văn hay. Dưới đây Toplist xin gửi đến bạn top những bài tản văn viết về miền Tây hay nhất.
-
Điên điển! Ai đã đặt tên cho loài hoa? Ai mang thương nhớ rắc gieo vào những cánh hoa dịu dàng, mong manh làm chộn rộn con tim trai gái miền nước nổi?
Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ, người dân miền Tây quê tôi gọi là mùa nước nổi. Con nước từ thượng nguồn sông Mê-kông đổ về dòng Cửu Long rồi tràn về các kênh rạch, ao hồ. Ruộng đồng ngập nước mang theo một nỗi buồn man mác ghim vào điệu lý, câu hò. Nhưng mùa nước nổi cũng là mùa sự sống hồi sinh của người dân miền Tây. Giữa cái trắng trời, trắng đất của nước lũ tràn về mênh mang là một sự sống mới đang hồi sinh, nảy nở. Bàn tay ma thuật của tạo hóa luôn nhào nặn ra kiệt tác từ cái gọi là nghịch lý của cuộc đời. Là vậy đó! Thiên nhiên dữ dội làm con nước dâng đầy, ruộng đồng, nhà cửa chìm trong biển nước, và... biết bao thân phận nổi trôi. Nhưng thiên nhiên cũng hào phóng ban tặng con người nơi đây bao sản vật độc đáo vào mùa nước lũ. Phù sa đỏ theo con nước ròng cuồn cuộn đổ về ruộng đồng mang theo mạch nguồn nhựa sống âm thầm bồi đắp cho bờ bãi tốt tươi, trù phú. Còn gì diệu kỳ hơn khi một sớm mai thức dậy, ta ngơ ngác nhìn làng quê thay da, đổi thịt. Sau một đêm thôi, bèo xanh mướt rợn ngợp dệt thảm kín mặt nước; thấp thoáng những bông súng tím biếc ngoi lên, e ấp xòe cánh làm duyên; từng vạt lục bình man mác tím, trôi lững lờ buồn như người con gái thân phận nổi trôi. Lác đác vài chú cò lăng trắng phau khoe đôi chân dài đứng điệu nghệ giữa mênh mông trời nước. Và điên điển! Phải rồi, nhắc đến mùa nước nổi đâu thể quên được sắc hoa thương nhớ ấy, cánh hoa vàng mong manh như nắng hạ hong mềm mối tâm tình trai gái khi con nước dâng đầy. Tất cả đột hiện như phép màu, đẹp như một bức họa đồng quê hoang dã, thuần khiết mà độc đáo chỉ miền Tây mới có, gieo vào lòng người niềm xao xuyến khôn tả: một chút buồn hoang, chút ngỡ ngàng và cả tiếng reo vui thích thú khi khám phá được vẻ đẹp ngoạn mục ăm ắp hồn cốt miền nước nổi. Sự kỳ thú của thiên nhiên miền Tây được sản sinh ra từ tinh túy của đất trời và thoát thai, bật chồi từ những nhọc nhằn, lam lũ của con người nơi đây.
Khi những bông điên điển vàng rợp đôi bờ sông đỏ nắng, người dân quê tôi lại nô nức rủ nhau đi đánh cá linh. Cá linh thuộc họ cá chép theo dòng chảy sông Mê - kong đổ về sông Cửu Long rồi tràn về ruộng đồng, kênh rạch mà sinh sôi, nảy nở nhiều vô kể. Cá linh, bông điên điển, bông súng...là những sản vật đặc trưng mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng riêng cho người dân miền nước lũ trong công cuộc mưu sinh còn không ít nhọc nhằn. Bữa cơm mùa lũ sinh động hơn, ngon bội phần bởi có thêm những món ăn được chế biến từ cá linh: chả cá linh thơm ngậy; mắm cá linh mặn mòi; canh chua điên điển, cá linh thêm vài cọng bông súng thanh mát, ăn một lần để nhớ thương trọn đời người ơi!
Mùa cá linh! Mùa của nghĩa tình làng xóm gắn kết với nghề hạ bạc nổi trôi. Người dân cùng nhau san sè mẻ lưới xanh cá để ai cũng có niềm vui. Thuyền ghe đầy đồng nhưng chẳng ai giăng lưới chặn đầu nhau, chẳng bon chen, toan tính mưu hèn. Người miền Tây chân chất, thật tình là vậy! Càng khó nhoc vật lộn với mưu sinh càng thương quý nhau hơn. Bữa cơm lênh đênh giữa trời nước mênh mang, dăm ba ghe chung chén, đũa thêm vui vầy; con cá sông, cọng bông súng mát lòng bên câu vọng cổ ai hoài, vấn vương.Mùa nước nổi là mùa hội sông nước của người dân quê tôi, cũng là mùa của trai gái hò hẹn, giao duyên bên rặng điên điển la đà kênh, rạch. Thuyền to, thuyền nhỏ tấp nập, rộn ràng; ghe mẹ, ghe con xuôi ngược, tưng bừng thả lưới, vây giăng. Trai gái lại cùng nhau buông tơ, giăng tình giữa điệu lý, câu hò da diết làm xôn xao cả một vùng sông nước:
“Trót thương tình nghĩa vợ chồng
Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương”
Bông điên điển vàng ươm vương tóc huyền thiếu nữ để chàng trai nào đó phải ngẩn ngơ buông lơi câu hò:
“ Hò...ơi...
Canh chua điên điển, cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.”Bóng thiếu nữ thắt đáy lưng ong thướt tha trong tà áo bà ba, mái tóc thề quyện hương điên điển ngan ngát, ngọt ngào, thấp thoáng ẩn hiện bên rặng điên điển như sương khói mong manh tan loãng giữa sóng nước, tan loãng trong câu hò gieo thương nhớ chơi vơi. Không biết tự bao giờ, câu hò ngọt lịm miền sông nước ấy đã xe bao mối duyên lành trai gái quê tôi.
Xưa...thật xưa, ông bà ngoại tôi nên duyên vợ chồng vào mùa nước nổi. Dẫu đó là cuộc hôn nhân được bắc cầu bằng lời đính ước của cha mẹ đôi bên nhưng cuộc sống vẫn vuông tròn, cơm lành canh ngọt và có với nhau tận năm mặt con mà chưa điều nặng, tiếng nhẹ. Ngoại nấu canh chua điên điển ngon nhất làng. Giữa cái oi nồng của mùa hạ, cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, bát canh chua điên điển đẹp lòng tía má chồng, ngọt ngào nghĩa tình phu thê.
Rồi tía, má tôi cũng gặp gỡ, nên duyên vào mùa nước nổi. Má đi thuyền hái bông điên điển, tía đánh cá linh và họ phải lòng nhau, thầm thương, trộm nhớ nhau để mùa cá linh sau, tôi chào đời vào ngày con nước lên ròng.
Nhưng trớ trêu thay! Mối duyên đầu của tôi lại rạn vỡ trong mùa nước nổi. Tạo công trêu cợt cắt sợi tơ hồng làm đôi để anh buông tay tôi đi tìm sự nghiệp nơi xứ người. Anh nói mình không có quyền níu giữ thanh xuân của tôi vì thời con gái qua mau, mong tôi tìm được hạnh phúc thực sự. Tôi đã khóc, giọt nước mắt trong veo hòa vào con nước phù sa đỏ như màu tim vỡ. Tôi oán trách anh ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình mà không đoái hoài cảm xúc của người khác.
Rồi thì vết thương cũng lành! Tình đầu rong rêu phủ. Tôi lại đẹp duyên cùng chàng trai miền sông nước nên thơ. Chàng trai ấy làm nghề hạ bạc, có bờ vai vạm vỡ săn chắc, đủ rộng để che chở cho tôi trước mọi bão giông cuộc đời. Hành trang má chuẩn bị cho tôi về nhà chồng là món canh chua điên điển như ngoại đã từng dạy má nấu thuở xưa.
Còn nhớ, vào những ngày giỗ ngoại, má đều nấu canh chua điên điển thắp nhang. Tôi tấm tắc khen má nấu ngon y hệt ngoại. Má ngậm ngùi, lắc đầu: “Chưa đâu con, vẫn còn thiếu một vị!”. Tôi tròn mắt hỏi: “ là vị gì vậy má?”, má lặng lẽ, rưng rưng: “ Một ngày nào đó, con sẽ nhận ra!”. Bao tháng ngày, tôi tự đi tìm câu trả lời cho mình mà không nổi. Rồi tôi cũng quên, thôi khỏi thắc mắc nữa.
Một mùa nước nổi, má cũng theo ngoại về miền cực lạc. Ngày giỗ má, tôi tự tay nấu canh chua cá linh dâng lên bàn thờ. Bát canh thơm mùi bông điên điển vàng ươm hòa lẫn vị ngọt của cá sông, vị thanh mát đọt bông súng mới hấp dẫn làm sao! Con gái tôi xuýt xoa khen tôi nấu ngon như ngoại. Tôi xoa đầu con thầm thì như má từng nói với tôi: “Vẫn còn thiếu một vị con ạ!”. Tôi đã nhận ra vị khuyết thiếu trong câu nói của má sau bao tháng ngày đi tìm. Con gái tôi ngạc nhiên hỏi: “Vị gì hả má?”. Ôm con vào lòng, khóe mắt tôi cay cay, trong lòng tôi trỗi dậy niềm suy tư: “Một ngày nào đó, con cũng sẽ nhận ra vị khuyết thiếu trong bát canh như má. Nhưng má mong ngày đó thật xa”.
Là tôi chợt nhận ra rằng mẹ tôi, ngoại tôi đã nấu canh chua không chỉ bằng tài nghệ nội trợ của phụ nữ miền Tây, mà còn một vị đặc biệt họ ấp ủ trong bát canh ấy đó là lòng yêu thương, chi chút. Hương vị tình thân ấy đâu thể mua ngoài chợ đời, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Khi ta mất đi một người thân, bát canh như khuyết một vị da diết lắm!
Tôi đã ngụp lặn qua bao mùa nước nổi, bao mùa cá linh dệt xanh dòng, bao mùa điên điển trổ bông gieo màu thương, hương nhớ. Sắc hoa vàng hoe nắng hong mối tình sông nước. Cánh hoa mơn man trong gió ru vỗ, ấp ủ bao điều thầm kín chưa ngỏ. Con nước ròng rồi con nước vơi dần. Đồng ruồng trơ cuống rạ. Hết mùa cá linh, người dân quê tôi lặng lẽ thu lưới, gác chèo. Đến hẹn lại lên! Mỗi năm một lần, người dân miền Tây với mùa nước nổi như mối duyên tao ngộ. Mùa đến, rộn ràng, háo hức; mùa đi, bâng khuâng, thao thiết đợi mùa sau...
Thương nhớ miền nước nổi!
Anh Phan
-
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền châu thổ sông Hồng. Tốt nghiệp đại học Biên phòng, tôi vào biên giới Tây Nam công tác. Những tưởng cuộc đời binh nghiệp cũng chỉ gắn bó với miền đất này ít năm rồi trở ra Bắc ổn định cuộc sống lâu dài, nhưng tình đất, tình người và đặc biệt là tình yêu lứa đôi đã gắn bó cuộc đời tôi với xứ sở miền Tây giàu đẹp mà chan chứa tình yêu thương này.
Nhà em trên bến sông. Con sông Cái Cỏ hiền hoà trong mát. Con sông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ Tây, có thượng nguồn từ dòng Mê Kông mênh mông bên đất nước Chùa Tháp. Dòng sông tuy nhỏ nhưng đầy ắp cá tôm và chở nặng phù sa cho cả một vùng rộng lớn những cánh đồng tốt tươi, màu mỡ. Từ bao năm rồi, bến sông nhà em là điểm dừng chân cho cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên đường đi công tác.
Gia cảnh tuy nghèo mà ấm tình làng nghĩa xóm. Nhà đông con, những sáu cô con gái và hai cậu con trai. Từ nhỏ cha mẹ đã uốn nắn, dạy bảo các con vào trong khuôn phép. Chị em nhường nhịn, yêu thương nhau, lễ phép với người trên kẻ dưới. Mỗi khi có anh em trên Đồn ghé nhà, câu đầu tiên, người phụ nữ lớn nhất trong gia đình vồn vã, cất tiếng vọng từ nhà trên xuống tới sau hè: “Mấy đứa nhỏ đâu rồi, đi mần cá, nấu cơm cho các anh ăn nha”. Ở nhà em đã thành nền nếp ngăn nắp, gạo để trong lu, củi xếp ngay ngắn ở góc bếp còn cá thì lúc nào cũng rộng sẵn trong cái mùng lưới dưới bến sông. Má phúc hậu, hiền từ, tuy nói một câu nhẹ vậy đó mà đứa nào đứa nấy công việc chạy theo nhau răm rắp.
Tôi quen em khi mùa nước nổi đang về. Nước tràn ngập mọi con đường, khiến những cánh đồng mênh mông, lộng gió. Buổi ban đầu gặp gỡ hai đứa cùng song ca một bài vọng cổ. Lời bài ca là lời ca ngợi quê hương em với dòng sông Vàm Cỏ đã đi vào huyền thoại. Để rồi từ buổi ấy, hai đứa quen thương nhau. Những buổi đi công tác chung cũng là những lần hẹn hò, thầm trộm nhìn nhau trong ngượng ngùng bẽn lẽn.
Nhớ biết bao nhiêu những lần tôi cùng em chèo xuồng đi giăng câu, bắt cá, hái rau rừng. Nước lớn, những đàn cá mừng nước về tung tăng, chạy đều vào từng mắt lưới. Cá nhiều nhưng chúng tôi chỉ bắt những con vừa ăn, còn lại gỡ trả về sông nước. Cực nhất là mỗi lần phải gỡ, thả những con cá lau kiếng. Loại cá này ít người ăn, da và vây của chúng cứng mà thịt lại nhão nhoẹt. Cứu được một con phải chịu rách cả góc lưới. Tôi vụng về trong việc gỡ cá nên thường bị em chọc ghẹo: “Anh gỡ như này thì tiền cá không đủ mua lưới mới, cha em bắt đền cho mà coi”. Tôi thiệt thà trả lời em như người mắc lỗi: “Nếu số cá này không bằng số tiền mua lưới mới thì anh sẽ ở lại nhà em làm mướn trả nợ suốt đời luôn”. Bất chợt, tôi bắt gặp đôi má em ửng hồng trong làn nước mát.
Ở Đồng Tháp Mười, trong mùa nước nổi có vô số những loại rau tự nhiên mà bây giờ đã trở thành đặc sản, trong đó phải kể đến là bông súng, bông điên điển, choại co, hẹ nước... Nơi đồng nước mênh mông, bỗng hiện lên những khóm bông súng tím đỏ, lá xanh biêng biếc. Bông súng là loại cây có một sức mạnh kỳ diệu. Ở vùng đầm lầy hay trong một bào nước, trải qua mùa khô chúng lụi tàn. Nhưng khi nước về, từng khóm bất ngờ trỗi dậy như vừa trải qua một giấc ngủ dài. Cọng bông súng có sức mạnh đặc biệt, nước nổi lên tới đâu chúng vươn mình dâng búp hoa lên theo tới đó. Những cọng bông súng có màu nâu non, càng dài càng giòn và càng ngọt.
Còn những cây điên điển thường mọc sát ngay mép nước, trên từng đám rau muống đồng ngọn đỏ. Bông điên điển có màu vàng tơ rực rỡ, càng non vị càng thanh ngọt. Tuỳ theo sự bung nở của cánh hoa mà vị nhăn nhẳn càng thêm đậm. Tôi và em thường theo các chị gái đi hái bông điên điển vào buổi sáng sớm, khi ấy những cánh hoa còn dịu dàng e lệ, nép mình trong lớp sương long lanh. Chúng tôi thả tay lưới xuống rồi chèo xuồng đi hái rau rừng, khi hái đủ rau ăn, quay lại thăm thì cá đã chạy chìm nhiều đoạn phao lưới. Bông súng, bông điên điển chấm cá linh, cá rô non kho me trái hay nhúng lẩu chua, lẩu mắm đã trở thành một món đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi.
Có nhiều đêm trăng sáng, em uyển chuyển khua mái chèo cho xuồng trôi thật nhẹ khiến ánh trăng vàng tan ra, lấp lánh trên mặt nước. Thoảng nghe xa xa giọng một ai đó cất lên tiếng ca vọng cổ. Họ là những ngư dân dưới vùng Tứ giác Long Xuyên lên vùng Đồng Tháp Mười khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Bất chợt em khe khẽ hát theo một đoạn trong bài “Điệu buồn phương Nam” khiến lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Lời bài ca buồn man mác, thương những phận đời như lục bình lững lờ trôi trên sông nước. Họ là những con người miền Tây, hiền lành chân chất, sống một cuộc đời bình lặng, không nhiều những so đo tính toán thiệt hơn nhưng sâu nặng nghĩa tình.
Sau vụ gặt năm ấy, cả cánh đồng phía sau hiên nhà em chuyển mình thành một đầm sen bát ngát. Vào cuối mùa khô, bốn bề là đồng cỏ cháy. Ruộng sen được đắp đê, trữ nước, non xanh mơn mởn. Từng đàn cò trắng, giang sen, còng cọc… rủ nhau bay về tắm mát và tìm kiếm thức ăn. Tiếng gọi bạn tình, tiếng đánh cãi chửi nhau, giành mồi vang chí choé. Tới mùa sen nở, cả cánh đồng hồng tươi, rực rỡ. Hương sen toả mùi thơm ngào ngạt. Tôi cùng mấy anh em trong đơn vị được giao nhiệm vụ xuống nhà em, phụ hái gương sen. Vừa hái, mấy anh em vừa tranh thủ cắm vài cây cần câu, men theo bờ ruộng. Đơn giản, vậy mà tới bữa cơm trưa, em đã khéo léo bày món cá lóc nướng trui chấm muối ớt trên những chiếc lá sen, tỏa mùi thơm phưng phức.
Rồi mùa nước nổi qua đi. Cả vùng Đồng Tháp Mười được bao phủ bởi một lớp phù sa nâu đỏ, mịn màng, chứa đầy dưỡng chất. Bao nhiêu loại sâu, bao nhiêu loại bệnh phá hoại mùa màng bị nước lũ nhấn chìm đi tất cả. Những cánh đồng bát ngát màu xanh của lúa trải rộng ra khắp cả chân trời.
Trong khung cảnh yên bình, thơ mộng ấy, tôi trở thành chàng rể miền Tây. Đám cưới của tôi và em giản dị và đơn sơ được tổ chức ngay bên cánh đồng, khi ruộng lúa đang vào thì con gái. Biết hoàn cảnh của tôi xa nhà nên gia đình em bằng lòng cho tôi “nhập đám” chung làm một. Khi trình lễ, tôi đứng khoanh tay để ông “trưởng tộc” hướng dẫn làm các thủ tục cúng lễ tổ tiên và ra mắt những người lớn trong dòng họ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, hồi hộp, lo lắng xen lẫn xúc động khiến mồ hôi ướt đầm trên khuôn mặt, thấm đẫm lưng áo. Em lấp ló sau tấm rèm che cửa, mỉm miệng cười bẽn lẽn… Bà con xóm giềng, bạn bè, đồng đội cùng chúc phúc cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc.
Kể từ ngày ấy, Đồng Tháp Mười đã chính thức trở thành quê hương thứ hai của tôi với biết bao yêu thương, trìu mến. Miền quê sâu nặng nghĩa tình luôn giang rộng đôi cánh tay chở che cho cuộc đời chúng tôi vượt qua bao khó khăn thử thách. Mỗi ngày, tình yêu thương, lòng nhân nghĩa, thủy chung từ miền đất này càng thêm bồi đắp. Để rồi đi đâu, làm gì tôi vẫn luôn tự hào mà khoe rằng, mình là một người làm rể miền Tây.
Nguyễn Hội
-
Lục lọi mớ ảnh cũ trong những ngày rảnh rổi ở nhà vì dịch bệnh không đi đâu được, bất chợt cái cảm giác thèm được lang thang đó đây trong những ngày hè ngắn ngủi trỗi dậy khi mà giáo án, bài vở, công việc được gác sang một bên. Chuyến ngao du khắp nam kỳ lục tỉnh cách đây đã mấy năm làm cho đôi chân cứ muốn rục rịch. Thôi thì chỉ ghi vài dòng cho những cảm xúc của một lần đã đến nơi này.
Chỉ biết vùng đất này qua sách vở, văn học và phim ảnh nhưng chưa từng một lần được đặt chân đến, tôi háo hức trông đợi ngày đi miền nam chẳng khác gì đứa trẻ lên năm trông má đi chợ về để được rúc đầu vào cái giỏ tìm quà. Sau gần một ngày đêm ngồi xe du lịch ngắm trời mây xuyên qua mấy tỉnh miền trung ngập tràn nắng cát, con sông Tiền lừng lững như rồng mẹ cuồn cuộn sóng trong những cơn gió giữa trưa. Là người miền trung chỉ quen với những con sông nhỏ êm đềm một dòng chảy hiền hòa dưới cái nắng bỏng rát của ngày hè, tôi thật sự ngạc nhiên và có chút cảm giác lành lạnh khi ngồi trên tàu du lịch nhìn xuống con nước đục ngầu một màu phù sa nhấp nhô những con sóng vỗ như ngoài khơi xa của biển cả. Tiếng gió reo và động cơ tàu át cả tiếng của cô hướng dẫn viên du lịch bản địa đã ngoại ngũ tuần. Con tàu băng băng nhắm hướng cù lao xã Thới Sơn trực chỉ. Dù đã được đi đó đây bằng nhiều phương tiện nhưng ngồi trên sông nước mênh mông cho ta cảm giác vừa háo hức vừa hồi hộp mỗi khi tàu chao nghiêng nước va vào mạn văng tung tóe. Phía xa xa là cây cầu Rạch miễu uy nghi vắt qua dòng Tiền giang như thanh thép khổng lồ nẹp đôi bờ chắn bớt tầm nhìn đến bao la ngút ngàn của nước và nước. Trong tiếng gió reo vù vù qua tai ta như nghe văng vẳng câu hát ngọt ngào buồn man mác của Bậu tìm Qua trên bến phà qua sông năm nào. “Bậu sang phà Rạch Miễu, Qua lẽo đẽo theo sau, đội bóng trăng trên đầu tưởng như áo cô dâu. Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa...”. Bàn tay và khối óc của con người hiện đại xây nên những cây cầu huyền thoại vít ngang lưng chín con rồng của vùng sông nước nam bộ làm những bến phà nhộn nhịp một thời trở thành quá vãng. Những Mỹ Thuận, Hậu Giang, Vàm Cống, Rạch Miễu... giờ gần như chỉ còn trong ca dao, bài hát hay câu ca vọng cổ ngân dài trên mênh mông sông nước Cửu Long. Tàu cập bến để du khách đặt chân lên đất cù lao bạt ngàn cây trái. Ta như thấy những giọt phù sa thấm vào từng thớ đất, thân cây tạo nên những dòng sữa ngọt lành đọng lại trên từng chùm quả trĩu nặng, lủng lẳng trên cành với ổi, nhãn, xoài, chôm chôm... Du khách như đắm chìm vào một vùng văn hóa đặc trưng của con người nam bộ thật thà, chất phát và lãng tử khi ngồi giữa cù lao vừa thưởng thức trái cây vừa nghe đờn ca tài tử. Giọng ca của cô ca sĩ nghiệp dư cứ nhè nhẹ, man mác, ngân dài trước khi xuống xề ngọt lịm như những đĩa trái cây được bày trên chiếc bàn gỗ nho nhỏ kê trong những chòi lá giữa vườn. Rời cù lao trong luyến tiếc vì tiếng đàn kìm, tiếng guitar phím lõm vẫn còn ngân nga, vang vọng qua khe lá, chúng tôi lên tàu để đến xứ dừa bên kia bờ Tiền giang. Lần đầu tiên được nhấp ly rượu dừa nhàn nhạt nhấm với con cá sông chiên xù dựng đứng trên đĩa cho tôi cảm giác lạ. Không như quê mình uống ly Bàu đá thấm từ đầu lưỡi và rượu chạy tới đâu biết tới đó, thứ rượu miền nam không hấp dẫn nỗi gã lữ khách miền trung nơi sản sinh thứ rượu được cho là quốc hồn, quốc túy. Lên tàu về lại Mỹ Tho sau khi đã thử thứ kẹo dừa nhai dẻo quẹo đến dính cả hai hàm răng.
“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Bất kỳ ai nghe câu thơ ấy lòng không khỏi háo hức để được một lần chu du xứ Tây Đô. Xe bon bon trong chiều nhạt nắng trên quốc lộ phẳng lì chứ không như xứ miền trung nơi dãy Trường Sơn trườn ra tận biển tạo nên nhiều đèo dốc. Con sông lớn thứ hai trườn mình ra biển cả cũng đục ngầu một màu phù sa châu thổ. Đi trên cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng lừng lững, ta trở nên bé nhỏ trước công trình kỳ vĩ này mà để tạo ra nó đã có hàng trăm thương vong trong sự cố năm 2007. Tiếng còi xe chìm nghỉm, mất hút trong bao la sông nước lúc chiều tà khi nó đổ dốc phía nam để vào thành phố. Xứ Tây đô nhộn nhịp về đêm chả kém Sài thành khi mà người người chen chân nơi bến Ninh Kiều để lên những chiếc du thuyền cao đến ba bốn tầng khám phá dòng Hậu Giang lúc màn đêm buông xuống. Vợ tôi chắc hẳn phải là người hạnh phúc nhất trong chuyến lênh đênh ấy khi mà sinh nhật lần thứ 42 của nàng được tổ chức trên boong với đèn điện lung linh cùng anh chị em đồng nghiệp. Em bạn đi cùng rất ngạc nhiên thấy nhiều địa danh nơi miền tây sông nước này bắt đầu bằng chữ “Cái” khi háo hức xuống xuồng vào lúc trời chưa hửng sáng để thăm chợ nổi Cái Răng. Tôi giảng giải bằng sự hiểu biết của mình rằng “Cái” có nghĩa là “sông con” theo tiếng cổ của dân tộc Phù Nam nên ta có những “cái Răng”, “Cái Mơn”, “Cái Nhum”, “Cái Vòm”, Cái...”. Đang ậm ừ để nhớ thì bị đứa em đấm thùm thụp vào lưng vì nó nghĩ tôi nói bậy rồi cùng phá lên cười trong chút ánh sáng lờ mờ của đèn từ những chiếc xuồng ba lá hay chững chiếc ghe máy chở đầy trái cây đu theo những chiếc thuyền chở khách du lịch. Dù có mang áo phao và biết bơi nhưng sao tôi vẫn cứ sờ sợ khi nhìn vào con nước đen ngòm trong không khí lành lạnh và lất phất mưa lúc đất trời sang canh. Những ngôi nhà nhoài thân ra mé sông nằm im lìm nghe sóng nước bì bõm ngay sát dưới chân mình. Duy chỉ có tiếng ghe máy nổ lạch bạch ngược xuôi phá tan chút không gian tĩnh lặng của thành phố sông nước lúc gần sáng.
Chúng tôi rời Tây Đô khi phố xá đã nhộn nhịp người xe. Tiếng cô gái tiếp viên khách sạn mặc chiếc áo bà ba đậm chất nam bộ chào tạm biệt bằng giọng nói của người miền nam nghe ngọt ngào như giai điệu Beguine trong câu hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba, anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ...”
Không, Anh không qua bến bắc Cần Thơ đâu mà anh muốn được xuôi về nơi tận cùng của tổ quốc, nơi mà từ thuở ấu thơ anh đã thuộc như nằm lòng bài thơ của cụ Tố:
“Học đi em
học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”Sự háo hức như nhân đôi khi mà xe sắp đến Cà mau. Tôi xuống xe thay một cái áo cho thật mới để chụp mấy tấm hình, để được một lần ôm lấy cây cột mốc 0001 đất mũi - nơi tận cùng bàn đèn của đất nước, nơi mà đã mấy chục năm thằng tôi chỉ thấy qua tranh ảnh, truyền hình. Mấy đứa em đi cùng phá lên cười cho sự chuẩn bị công phu của ông anh. Những con đường với nhiều kênh rạch chằng chịt, đang xen mạng nhện mà chiếc xe bé nhỏ đang băng băng giống như một con nhện con vừa nở từ ấu trùng chui khỏi tổ bò ngoằn ngoèo tìm lối ra trong mớ tơ rối rắm ấy. Những địa danh như Cái Nước, Năm Căn với những rừng đước tua tủa rễ vùn vụt qua cửa kính xe hơi. Cô em gái Nguyễn Thị Thanh Phượng say xe ngủ vùi trên ghế vội choàng tỉnh ngóc đầu dậy hỏi khi xe dừng lại để chúng tôi transit sang ca nô cao tốc:
- Tới mũi Cà Mau chưa anh?
Tôi ngân nga câu hát của nhạc sĩ Thanh Sơn để đùa sau một hành trình dài hơn một buổi từ Cần Thơ về Đất Mũi “Nghe nói Cà Mau xa lắm ở cuối cùng bản đồ Việt Nam...” làm em cười để quên cái mệt. Trước khi xuống bến thuyền, nhìn cái cần xé chất đầy cua mà con nào con nấy to tổ chảng vừa mới được đưa lên bờ với giá rẻ rề làm mấy chị em thèm nhỏ dãi. Hành trình hơn sáu mươi cây số trên sông Cửa lớn ra cột mốc cuối cùng như ta tham gia vào trò chơi cảm giác mạnh. Chiếc ca nô chếch mũi phóng như bay giống như cảnh rượt đuổi trong phim hành động. Chúng tôi vặn tréo người đến thót tim khi nó tránh những chiếc vỏ lãi không biết từ đâu chui ra trên những con rạch chằng chịt. Có những đoạn chiếc ca nô rời khỏi mặt nước. To con như anh chàng Thái Hợi mà mặt cắt không còn hột máu huống chi chị em phụ nữ. Tôi leo lên di tích tọa độ cuối cùng của tổ quốc nhìn ra khơi xa mà thấy lòng phơi phới giống như những nhà leo núi vừa mới chinh phục được Everest quanh năm tuyết phủ vậy. Cái ao ước mà phải đến gần nữa đời người gã thường dân như tôi mới thực hiện được. Chúng tôi rời Cà Mau sau một đêm đầy men say với sản vật của vùng sông nước nơi cuối đất này.
Xe băng qua chiếc cầu xi măng bé tí dài chưa đầy năm mét là đến vùng đất của công tử nổi danh ăn chơi lưu danh đến tận ngày nay. Ngôi nhà kiến trúc Pháp giờ trở thành điểm du lịch cho du khách ngắm nhìn và nghe kể về sự xa hoa đốt tiền chiều người đẹp của chàng công tử Bạc Liêu để rồi giờ con ông phải ngồi ngoài hè của chính ngôi nhà của mình bán sách kiếm sống. Ông Trần Trinh Đức nở nụ cười gượng gạo khi tôi đề nghị được chụp chung tấm hình với đứa con gái nhỏ của mình. Có lẽ không gì xót xa hơn khi mà đời con phải “khát nước” như ông. Ngang qua công viên có tượng chiếc đờn kìm, ta như nghe đâu đấy tiếng khắc khoải đến nao lòng bài Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu rung lên cho vơi cơn phiền muộn vì thương vợ. Mảnh đất Bạc Liêu tuy nhỏ so với miền tây sông nước nhưng những nét văn hóa đặc sắc của nó cứ mãi trường tồn đến muôn đời sau. Sau khi ghé chùa Dơi nghe hòa tấu nhạc Khơ-me kết thúc hành trình khám phá vùng đất phương nam để ta biết thêm và làm giàu kiến thức về một vùng văn hóa có những nét đặc thù, diện mạo riêng tạo nên những giá trị cốt lõi của con người nam bộ.
Phong Bui Duy
-
"Miền Tây quê tôi sông nước hữu tình, hoa thơm trái ngọt, thấp thoáng bóng con đò nhỏ mỗi ngày đưa rước khách sang sông”.
Không biết từ bao giờ tôi đã yêu thích câu hát này. Rồi một ngày vô tình lên trang mạng tôi nhận ra những nét đẹp của người dân Nam Bộ, nét đẹp đó được thể hiện qua những chiếc áo bà ba...
Tôi một cô gái miền Bắc ít khi tôi để ý đến những điều đặc biệt. Và cách ăn mặc của cô gái trẻ miền Bắc như tôi luôn là váy. Nhưng bỗng tôi thấy thích sự nhẹ nhàng của cô gái miền Tây Nam Bộ. Tôi để ý kỹ hơn luôn tự hỏi sao nhìn họ nhẹ nhàng, dịu dàng vậy? Sau dần tôi đã hiểu đó là phong thái từ chiếc áo bà ba.
Áo bà ba có tự bao giờ mà trong mắt tôi thấy người phụ nữ nào cũng rất duyên dáng, đằm thắm, dịu dàng khi được mặc chiếc áo đó.
Vẻ đẹp của chiếc áo đó trên cơ thể người phụ nữ càng được đẹp hơn khi kết hợp cùng khăn rằn, trên những chiếc xuồng, ghe, mái chèo đưa đẩy cùng nhịp nhàng cánh tay áo bà ba lất phất đưa theo.
Áo bà ba vốn là một chiếc áo không cổ. Được làm từ vải mềm nguyên, thân trước làm hai mảnh, xẻ tà hai bên hông khiến cho người mặc cảm thấy thoải mái, làm nổi bật những đường cong tuyệt mỹ của người con gái.
Áo bà ba luôn đi kèm với quần đen hoặc trắng, nhưng đa số các cô gái đều chọn quần đen. Điều đó càng làm tôn lên vẻ đẹp thanh thoát của người phụ nữ, một hình ảnh mềm mại phúc hậu.
Áo bà ba vẻ đẹp đơn sơ, giản dị nhưng mang đậm một nét tình quê chan chứa. Bên cạnh đó chiếc áo còn làm nên sự gần gũi, nhìn là nhớ dòng sông, nhớ câu hò mái đẩy mênh mang sông nước... Ngoài điều giản dị đó chiếc áo còn cho thấy một cô gái mạnh mẽ kiên cường, tôi nhận ra điều này khi tôi xem lại những bộ phim ngày chiến tranh xưa. Các cô gái đều mang trên mình tấm áo bà ba và khẩu súng trường trên thân hình mảnh mai thôn nữ...
Tôi, một cô gái trẻ thời hiện đại lại là người Bắc Bộ. Tôi đã không biết đến chiếc áo và hình ảnh đó nữa. Sau khi tôi hiểu nét đẹp của chiếc áo bà ba tôi gắng tìm mua. Nhưng ngoài Bắc tôi không tìm được. Cuối cùng tôi lên mạng quen 1 người con trai miền Nam. Anh đã hứa sẽ tìm cho tôi, trong anh áo đó rất nhiều. Tôi rất vui và chờ đợi ngày anh gửi đồ ra. Thật không ngờ khi tôi mặc chiếc áo bà ba lên tôi thấy đẹp lạ thường, đúng như tôi suy nghĩ. Và vui hơn nữa, khi tôi đi ra đường ai cũng nhìn vào tôi. Tôi đi chợ mua rau chị gái bán rau nói:
- Em ơi, áo đẹp thế chị lúc đầu cứ nghĩ em người miền trong. Nhìn em mặc rất đẹp, lại duyên nữa, chị sau này cũng sẽ tìm mua áo bà ba để mặc.
Tôi vui cười khi thấy được chị khen, chị còn bảo tôi, lần đầu chị gặp người mặc áo bà ba đẹp đến thế. Nhà tôi có 2 bé, chúng nhỏ thôi mà cứ thấy tôi mặc bà ba là chúng lại yêu tôi hơn.
Đó cũng là một góc hạnh phúc mà chiếc áo bà ba trao tặng đến tôi. Tôi luôn được mọi người gần gũi, yêu thương hơn.
Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, đã làm rất nhiều người quên nét đẹp của áo bà ba. Nhưng tôi thấy chiếc áo luôn giữ những những nét dịu dàng, đằm thắm nhất và có thể một ngày mọi người sẽ nhận thấy lại như tôi đã thấy. "Áo bà ba thấp thoáng ngọn dừa xanh. Áo bà ba thơm mùi khói bếp". Câu nói đó tôi yêu và càng tạo cho tôi thấy những bức tranh quê hương mộc mạc mà đằm thắm.
“Thương lắm quê mình mặn mà chiếc áo bà ba. Duyên dáng em cười nghiêng đầu che nón bài thơ”.
Phương Uyên
-
Nằm về phía hữu ngạn của dòng Tiền Giang hiền hòa xuôi ngược, Sa Đéc giống như một cô gái quê nép mình bên lề những phù hoa. “Cô gái” ấy vốn dĩ đã mặn mà từ cách đây hàng trăm năm trước, bởi địa danh Sa Đéc gần như đã gắn liền với một làng nghề nổi tiếng vào bậc nhất ở miền Tây – làng hoa Tân Quy Đông. Nét duyên ngầm của một thị xã nhỏ với những hàng cau lặng lẽ trầm mặc bên dòng phù sa, những ngôi nhà cổ kính từ thời Pháp thuộc nằm im soi bóng xuống dòng nước lững lờ trôi luôn làm mềm lòng những lãng khách vô tình lạc bước về đây.
Từ cuối thế kỉ 18, khi Chúa Nguyễn bắt đầu cho khai phá miền Nam, Sa Đéc đã trở thành một đầu mối giao thương sầm uất, trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của đất Nam Bộ lúc bấy giờ.
Khi bộ phim “Người tình” (L’Amant) được công chiếu lần đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991, dường như “cô gái quê” Sa Đéc lại được đánh thức lần nữa sau giấc ngủ dài. Người ta trầm trồ trước những thước phim mộc mạc miền Tây xưa, trước kiến trúc Pháp cực kì diễm lệ của ngôi dinh thự cổ giờ được gọi là “Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê”. Từ đó về sau, Sa Đéc còn được những du khách lãng mạn gọi bằng tên “thị xã Người tình”!
Nếu ai thích một buổi sớm thong dong trên yên xe, chầm chậm chạy qua những con đường rợp bóng cây, qua những căn nhà nhỏ xinh nằm nép mình sau hàng giậu thưa đầy hoa râm bụt lơ đãng khoe sắc tươi rói, hãy đến một xóm nhà đông đúc cách tòa dinh thự cổ chừng mười phút đạp xe. Nơi đó có con lạch nhỏ hiền hòa chạy ngang qua những cánh đồng hoa bạt ngàn, đủ các sắc màu, đang rực rỡ khoe dáng với mùa xuân. Đó chính là tâm điểm của “thị xã Người tình” – làng hoa Tân Quy Đông, một trong những đầu mối trồng trọt và giao thương các loài hoa khắp cả nước. Nơi đây trồng hoa đã trở thành một thương hiệu đã có lịch sử gần trăm năm tồn tại.
Từ đầu tháng 11, khi mùa nước lũ đã rút, nhường chỗ cho những cơn gió chướng từ phía Đông thổi về, lúc đó Sa Đéc bắt đầu công việc “nuôi giữ cả mùa xuân” cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thậm chí, có những mùa lễ hội lớn, Sa Đéc còn “tiếp vận” sắc hương lên tận thành phố hoa Đà Lạt. Tuy nhiên, để nếm trải hết hương sắc mùa xuân ở nơi đây, người Sa Đéc khuyên lãng khách hãy về thăm vào những ngày giáp Tết! Thời điểm mà những khóm cúc mâm xôi bắt đầu hé môi hàm tiếu, những chậu thược dược khoe sắc đủ màu, những nhành mai vàng búp nụ làm duyên, vạn thọ, cúc đồng tiền, cúc đại đóa tưng bừng trẩy hội, những giò lan hăng hái đưa hương, những luống mào gà vươn cao đón nắng và từng lớp từng lớp, hoa mười giờ rạo rực phe phẩy trêu đùa với bướm ong…
Để nếm trải một phần của sự hào sảng mang đậm chất miền Tây, người ta thường đi chợ nổi, để một phen lênh đênh cùng giới thương hồ, để mấy bận chao đảo vì đứng ở đầu con sóng, để nghe tiếng khua vang của mái chèo lạc điệu cùng tiếng rao hàng vang vọng cả một ngã ba sông…
Có một chốn, ngã năm sông giờ đã trở thành địa danh, thành tên gọi hành chính được mang đặt cho một thị trấn nhỏ và nghèo – thị trấn Ngã Năm (Sóc Trăng). Đây là một thị trấn rất nhỏ, là huyện lị của huyện Ngã Năm, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Huyện mới được thành lập cách đây hơn 10 năm (2003), nằm nép mình bên dòng kênh Phụng Hiệp, nối thẳng về Ngã Bảy. Thị trấn nhỏ xíu nhưng có một thứ khiến những lãng khách say mê, đó là chợ nổi Ngã Năm, một đầu mối giao thương mang đặc trưng rõ rệt của vùng sông nước…
Vì giao thương buôn bán ở ngã năm sông, nên muốn sang chợ nổi, du khách phải thuê những chiếc đò chèo. Hãy tưởng tượng, giữa một buổi mai còn đẫm ướt sương khuya, khói mây dường như vẫn còn bay lãng đãng theo những con sóng gợn lăn tăn, được lênh đênh trên một chiếc xuồng, hòa mình vào sự nhộn nhịp mua bán của dân bản địa, rồi xì xụp húp một tô bún cá hay hủ tiếu miền Tây bốc khói nghi ngút ngay trên mặt sóng, còn gì sảng khoái hơn thế nữa?!
Bạn hãy thong thả dạo một vòng để xem cảnh buôn bán tấp nập của bà con, cảnh rao hàng, chào bán, vận chuyển trên hàng trăm chiếc ghe máy hoặc xuồng chèo, đầy đủ các thể loại phương tiện và đa dạng về chủng loại hàng hóa. Có thể nói, đây chính là một nét đặc trưng rõ rệt nhất của tập quán sinh hoạt và giao tiếp thuần túy vùng đồng bằng châu thổ Mê Kông.
Ở trên chợ nổi, chỉ đơn giản là bán thứ gì thì treo thứ ấy lên một cây sào cao, gọi là “cây bẹo”. Cây sào ấy được cắm chặt ngay trước mũi thuyền, phô bày một cách trực quan nhất về món hàng mình cần bán. Có thuyền treo dăm nải chuối tươi rói, mấy trái dừa khô, có thuyền treo chùm chôm chôm đỏ gay, mấy trái ổi xanh lè, rồi cá khô, bánh kẹo… đa phần là những sản vật có sẵn ở gần đấy mang về giao dịch với nhau. Tuy nhiên, không phải thứ gì cũng có thể treo lên bán được, theo như dân bản địa thì có ba trường hợp ngoại lệ:
– Cái gì treo mà không thể bán? – Đó chính là quần áo! Bởi vì đa số người thương hồ sống và sinh hoạt luôn trên thuyền, nên khi giặt giũ, họ treo phơi luôn trên đó nên “mặt hàng” này thuộc diện ngoại lệ, treo mà không bán.
– Cái gì bán mà không treo? – Các thuyền bán hàng ăn uống. Vì thức ăn và thức uống thì không thể treo lên sào.
– Treo cái này, bán cái khác? – Vì là địa điểm giao thương, nên có một trường hợp khá đặc biệt được quy ước bất thành văn đã từ rất lâu, đó là, hễ thuyền nào treo một nhúm lá dừa, thì người bán họ muốn bán chiếc thuyền chứ không phải bán… lá dừa.
Cũng không ai biết chợ nổi bắt nguồn từ đâu trước và có từ lúc nào? Nhưng mặc nhiên trong mỗi người dân Nam Bộ, luôn luôn có một cái chợ nổi trong lòng, cho dù, bây giờ những siêu thị sầm uất mọc lên hàng loạt, thì cái cảm giác được hòa mình lênh đênh cùng những câu chào hỏi, bán mua hồn nhiên, giản dị và hào sảng trên chợ nổi luôn là thứ gì đó thật thú vị, có một sức hấp dẫn hết sức đặc trưng…Sưu tầm
-
Cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ bình dị như cái tính chân chất thật thà của những con người đã quen với sự cần lao từ ngày đầu tiên đi khẩn hoang, mở cõi. Kệ nắng, kệ mưa, kệ sông sâu cách trở, những người dân phương Nam vẫn sống lạc quan yêu đời và thích nghi với thiên nhiên, với trời đất.
Về với vùng quê miền Tây là hình ảnh những mái nhà nằm im lìm dưới hàng dừa xanh, bên bờ kinh, rạch rợp bóng cây xanh mát. Vùng đất miền Tây còn được gọi trìu mến là vùng quê của những dòng sông. Người dân miền Tây khi xây dựng nhà cửa mặt thường hướng ra sông để dễ bề giao thương, đi lại.
Nhờ vào những dòng sông, kinh rạch mà người dân miền Tây ngoài làm nông nghiệp ra còn có thêm nghề chài lưới trên sông, dù có phải lênh đênh theo con nước ròng, nước lớn, dù cho phải chịu muôn nỗi cực nhọc, nhưng cuộc sống của người dân vẫn luôn lạc quan, luôn sảng khoái và tự do tự tại, như dòng nước mát sông quê.
Người dân gắn bó với dòng sông biết dựa vào thiên nhiên để đón lấy nguồn tài nguyên của cải mà sông nước đem lại, tạo nên một nét đặc trưng riêng có của người dân miền Tây Nam Bộ. Mỗi sáng sớm mở mắt thức dậy đã nghe tiếng xuồng ghe chạy tạch tạch qua lại trên sông hòa lẫn với tiếng sống nước vỗ vào bờ, tạo nên một âm thanh sống động mà thân thương biết bao.
Nhà của người dân hầu hết là xây cất ở mép sông, nên nhà nào cũng đều có hai lối đi, một là lối đi bộ còn một là lối dành cho ghe thuyền, vỏ lãi cập bến. Con đường dưới sông tĩnh lặng nhưng gần gũi với người dân hơn. Nước sông thì mát rượi, ghe xuồng, vỏ lãi của bà con cứ chạy qua, chạy lại như lướt trên mặt sông, nên thơ và quyến rũ.
Con người lúc nào cũng gắn bó với thiên nhiên, tận hưởng làn gió từ sông thổi lên mát rượi. Quanh năm suốt tháng lại có hoa quả tươi ngon, cùng với nguồn rau xanh như vô tận. Bữa cơm toàn món quê như tôm, cá dưới sông, rau trồng trong vườn, đơn giản vậy thôi mà khi dọn ra nơi chái nhà mé sông ngồi ăn thoáng mát và đầm ấm vô cùng.
Nhà bên mé sông không đơn giản chỉ là nơi che chở cho con người khỏi mưa, khỏi nắng của đất trời mà nó đã trở thành nét đặc trưng riêng biệt, làm nên nét văn hóa sông nước đa dạng của vùng đất phương Nam Tổ quốc. Để rồi dù là người sinh ra và lớn lên gắn bó ở vùng đất này hay khách du lịch đến với nơi này, ai cũng sẽ nhớ hoài về một hình ảnh làng quê thân quen gần gũi mà thấm đẫm nghĩa tình.
Về với vùng quê, miền Tây ta mới cảm nhận hết được sự yên ả thanh bình cứ diễn ra hàng ngày, nhẹ nhàng, tĩnh lặng, được hưởng làn gió mát rượi của dòng sông mà quên hết mọi sự xô bồ, bon chen mưu sinh nơi phố thị. Vì lẽ đó mà những người con của vùng đất miền sông nước khi đi xa ai cũng sẽ nhớ nhiều, thiệt nhiều những bữa cơm trên cái sàn nhà nhìn ra mé sông, nơi có ba mẹ, anh chị em cùng quây quần vui vẻ.
Thật ra bữa cơm của người dân miền Tây mà thiếu rau thì coi như bữa cơm không còn hấp dẫn nữa. Người xưa có câu “đói ăn rau, đau uống thuốc” là vậy đó. Như đã trở thành một lẽ thường tình, mỗi khi nhắc tới các loại rau quê là mỗi người con của miền Tây đều thèm, đều nhớ tới những món ăn mang hương vị thanh mát của quê nhà.
Rau quê, nhất là loại rau dại xuất hiện khắp mọi nơi, trên bờ, dưới ruộng đâu đâu cũng có, như: bông súng, bông điên điển, đọt cóc, đọt xoài, lá đinh lăng, lá bằng lăng non, rau càng cua… kể cả ngày cũng không hết. Bữa cơm nhà quê đơn giản vậy thôi, mà đã đi vào ký ức của biết bao người con xa xứ.
Vậy nên những người con miền Tây, khi đi xa quê nhớ hoài bữa cơm quê, nhớ dáng ba, dáng mẹ tần tảo, hiền hòa trên dòng sông quê miền Tây Nam Bộ.
VÕ HOÀNG NAM
-
Hỏi ở quê có thay đổi gì không?
Mẹ tôi bảo rằng, bây giờ: mùa nước nổi.
Phải! Đúng thật tháng này là tháng nước nổi rồi. Tuy không được tận mắt chứng kiến những con nước bồng bềnh lai láng khắp đồng quê nhưng hình ảnh của ruộng lúa ngập nước ngày nào lại tràn về trong ký ức.
Trái tim tôi bỗng rộn rã hẳn lên. Ngay lập tức, tôi như muốn vùng dậy bay về, đứng một mình thả tóc tung bay như những ngày còn bên mẹ. Và cứ đứng giữa ngọn gió như thế nhìn cảnh ruộng đồng, để nghe trong hơi gió vi vu tiếng ai thăm lưới, gác dầm, tiếng sóng nước lanh tanh vỗ vành xuồng lá nhỏ.
Và để ngửi thấy cái mùi hương của đồng quê nước bạc, mỗi năm chỉ có một lần – cũng đặc biệt và đáng yêu như bông điên điển, đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây, của đồng nội phương Nam.Thật vậy, tôi không thể nào quên nhành bông điên điển vàng gợi nhớ quê nhà và càng không quên những món ăn mà mẹ làm từ bông điên điển. Không phải là món điên điển – cá linh của những cô bạn đồng trang lứa mà là gỏi điên điển, điên điển xào… và món bánh xèo nhân điên điển, củ hũ dừa giòn ngọt vàng thơm.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in mùa nước lũ năm nào lũ trẻ chúng tôi ngày ngày ra đồng chống xuồng ba lá thênh thang, rồi khi nước ngập tràn tôi câu cá rô ngay trong nhà bếp. Tôi nhớ cái thời rủ rê một đám tí hon chèo xuồng đi giăng lưới, rồi nhấn chìm xuồng lội nước tắm chơi. Vui biết bao! Hạnh phúc biết bao! Những ký ức tuổi thơ trong sáng, ngọt ngào kéo dài theo mùa nước nổi.
Mùa nước nổi ở miền Tây quê tôi còn là mưu sinh: kéo cá, chài lưới, giăng lưới, đặt dớn, thả vó, đặt lú, giăng câu… “Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”.
Thế rồi chiều về, thằng bé con nhà nào chống xuồng phăng phăng giữa cánh đồng, lướt qua cả những bờ đê đã ngập chìm trong nước. Nó như muốn bảo với con nước rằng: Hãy lớn thêm đi! Bởi nước càng cao, xuồng càng nhẹ. Thích chí! Lúc này thì chẳng có gì thích hơn là cứ để mặc xuồng trôi rồi nằm ngửa trên xuồng, mắt nhìn lên cao, thả mình cùng chiếc xuồng trôi theo đám mây, trôi theo sóng nước và đi đến những giấc mơ xa… Vi vu, vi vu…
Chao ôi! Viết đến đây, tôi muốn về xem lại con sông. Để tìm xem có còn chiếc ghe chở rơm nào sót lại sau năm tháng đổi thay và những chiếc vó ẩn mình giữa dòng nước bạc. Mỗi năm mỗi một lần đổi khác. Nhưng con cá rô, cá chốt, con tép, con cua… vẫn còn đấy, vẫn bơi lội từng đàn xuôi ngược Cửu Long giang. Trước buổi chia tay, chắc chúng vẫn còn hẹn nhau mùa sau gặp lại.Rồi hết chu kỳ, mùa nước nổi lại đi. Nhưng ngay bây giờ đây, tôi muốn hỏi rằng: Bây giờ, nước có tràn bờ chưa hở mẹ?
Cây Hoa Lá
-
Cho đến bây giờ, tôi vẫn khó có thể quên những ký ức về mùa nước nổi thuở bé thơ, khi làng quê còn nghèo khó. Ngày hôm nay, quê tôi đã đổi mới. Nhưng hình ảnh xóm làng tiêu điều và những mái lá đơn sơ đối với tôi cứ như vừa mới hôm qua.
Mẹ tôi giờ đã già, những nếp nhăn theo thời gian cứ sâu thêm. Tôi lần tìm trong những nếp nhăn ấy khoảng thời gian mấy mươi năm về trước, một thiếu phụ với đứa con thơ đêm đêm bơi xuồng giăng câu để tìm kế sinh nhai cho cả gia đình.
Nhớ lại mùa đông năm ấy, năm 1983, tôi đã quá quen thuộc với công việc giăng câu, thả lưới vào mùa nước nổi của xóm nghèo. Hằng năm, cứ mỗi độ tháng chín, tháng mười là vào mùa nước nổi.
Ngày ấy, bọn trẻ con chúng tôi suốt ngày cứ lội lõm bõm trong sân, trong nhà. Tôi còn nhớ khi ấy nước ngập lên cả nền nhà, tôi bắt những con nhền nhện trên nóc nhà rồi ngồi luôn trong nhà hoặc ra chái bếp rồi bắc ghế ngồi câu cá. Vì nước ngập dần lên nên mấy con trùng, con dế cứ bò lên cột nhà rồi rớt xuống, rồi lại bò lên và rồi cuối cùng lại làm mồi cho lũ cá.
Mùa nước nổi cá nhiều, nhiều lắm, có lúc tôi ngồi trong nhà trên chiếc giường tre treo bốn góc vào cột nhà cho khỏi ngập nước, rồi cầm cái cần câu móc vào con dế, con trùng hay con nhện, con tép làm mồi đều nhanh chóng câu được cá.Cá mùa nước rất rẻ, rẻ đến độ đem bán ba bốn ký cá mới đổi được một ký gạo, vậy mà cứ tới mùa nước nổi thì cả xóm tôi lại làm nghề cá để mưu sinh.
Mỗi chiều đi học xong, cứ quăng quyển tập, cây bút chì gói trong tấm nilon được lấy từ bao đựng phân urê mà ngoại gom lại để dành làm áo mưa, tôi lại sà vào bếp bới tô cơm ăn vội rồi phụ mẹ chuẩn bị chuyến đi giăng câu mỗi khi đêm xuống. Chiếc xuồng con loại mười giạ lúa là chìm là phương tiện cho chuyến đi giăng câu, thả lưới cho bà con cả xóm tôi.
Chạng vạng, tiếng gọi nhau, tiếng lộp cộp, lạc cạc của mái dầm khua vào những chiếc xuồng vang lên đều đặn. Tôi bưng thau câu giăng có ba ngàn lưỡi câu còn gọi theo người già là tam thiên câu để thả câu dài đến ba cây số, mỗi mét là một lưỡi câu. Những chiếc lưỡi của chúng tôi được tóm theo kiểu tóm cổ chó rất chắc, càng nắm lưỡi câu kéo ra thì thì dây càng siết chặt vào lưỡi. Lưỡi câu được tóm vào sợi dây dài độ một tấc rưỡi đến hai tấc rồi sợi dây ấy lại được tóm vào giềng câu. Giềng câu làm cùng loại dây nhưng to hơn.
Mùa đông năm ấy, mùa đông của ký ức, gió thổi nhè nhẹ trong đêm làm rạt rào hàng tre sau nhà và mặt nước đồng lăn tăn gợn sóng. Cuộc hành trình của chúng tôi lang thang trên các cánh đồng nước vi vu gió đêm, có những tiếng vọng từ xa xăm quá khứ và tôi cũng nghe đâu đây tiếng vọng của tim mình.Đầu mùa, nước mới lên thì món ăn khoái khẩu của lũ cá là trùng, cho nên ai cũng móc vào lưỡi câu những miếng mồi trùng được cắt ra từ lũ trùng hổ, trùng cơm. Mỗi con trùng cắt ra được chừng mười đến hai mươi đốt nhỏ. Ngoài ra, dế trũi cũng là mồi nhạy nhất cho các loại cá, mà nhất là cá trê vàng.
Tôi và mẹ tôi bơi xuồng với chiếc đèn dầu nhỏ xíu được cất cẩn thận vào lồng, chiếc đèn được ghép ván để tránh gió trông giống ngôi nhà tí hon mà ánh sáng lập lòe làm những đứa trẻ con như tôi vô cùng thích thú. Kéo theo đó là tiếng gọi nhau, tiếng trêu đùa inh ỏi rền vang của xóm cá hàng chục xuồng làm thành một tốp câu bơi đua vui như lễ hội. Để rồi sau một lúc, từng xuồng, từng xuồng tách ra thành nhiều hướng để đi tìm luồng cá mới. Đối với tôi, chính lúc chia tay này, cánh đồng nước mới rộng làm sao!.Những chú cá rô non mừng nước đớp mồi lách tách, đầu vọt lên khỏi mặt nước, có những chú quá đà nhảy lên khỏi mặt nước cả một hai tấc rồi rơi xuống đánh “tõm” làm nước văng lên cả man xuồng, có chú rơi luôn vào xuồng của tôi. Thế là tôi thích chí lấy dầm gạt chú xuống nước. Chốc chốc lại đánh “bốp”, “đùng”, những chú cá lóc to tướng đói mồi quảy đuôi làm rung rinh làn nước và ướt cả đám cỏ ven lun lớn.
Cánh đồng nước của chúng tôi mùa ấy chao ôi là nhiều cá, vì đó là vạt ruộng hoang, chỉ toàn năng, lát và bông súng ma mọc hoang quanh năm. Thêm vào đó, cánh đồng ấy lại có rất nhiều nghĩa địa và người ta sợ ma không dám đến, cũng vì lẽ đó mà còn rất nhiều cá lớn, cả tép rêu cũng nhiều, cứ lấy dầm đánh tẹc vào làn nước là có một vài chú tép nhảy cẩng lên khỏi mặt nước.
Khi màn đêm lạnh lùng buông xuống che kín cả bầu trời, đàn cá lại đớp mồi lốp bốp, lẹc bẹc như tiếng vỗ tay từng đợt liên hồi làm tôi nghe mà nôn cả ruột. Ánh đèn dầu đỏ hoe le lói đều đặn trên cánh đồng ruộng mênh mông trông như sao trên trời in bóng xuống làn nước vậy. Thề rồi các “đóm sao nhỏ” bắt đầu di chuyển lúc có lúc không, đèn của các chú, các bác giăng câu, cắm câu mồi đế trũi, giăng lưới cá rô… cứ liên tục chớp tắt, mẹ mới bảo tôi: “Mình giăng câu thôi con!”. Mẹ tôi cẩn thận bưng thau câu và chiếc lồng đèn lên sạp của mui xuồng, tôi ngồi ở lái xuồng cầm dầm lúc chống lúc bơi cho mẹ thả câu, chốc lát dừng lại vì câu rối, rồi phải gỡ từng lưỡi, từng lưỡi ra thả xuống nước. Có lúc có con cá đớp mồi giật phắt, giếng câu giật mạnh, mẹ bảo: “Dính cá rồi con ơi!” Tôi vội vàng lùi xuồng lại cho mẹ giở cá ngay kẻo lâu cá sảy thì uổng, thế là chưa bủa câu xong mà chúng tôi đã được con cá lóc to tướng.Nỗi vui mừng vừa đến thì ở đâu tận góc trời đông một luồng gió lạnh buốt ào ào kéo đến đánh bạt chiếc xuồng sang hướng khác, rồi mây đen phủ kín, trời đã tối lại càng tối thêm.
Tôi cầm chiếc dầm trên tay cố hết sức giữ chiếc xuồng cho đi tời để mẹ giăng câu nhưng sức tôi yếu, gió lại to làm chiếc xuồng cứ quay vòng vòng một chỗ, mẹ tôi bảo: “Mưa lớn tới rồi, con ơi, bủa câu mau thôi!” Mẹ tôi choàng tấm nilon rách tả tơi cho tôi rồi tuột xuống làn nước lạnh buốt thịt da. Gió ào ào không ngớt, mẹ tôi nắm lấy dây mui xuồng buộc chắc vào lưng và cứ thế ôm thau lưỡi câu vào lồng ngực rồi lội xuống nước thả câu. Nước sâu ngập ngang thắt lưng mẹ tôi, có chỗ ngập cả đầu, mẹ tôi phải bám vào xuồng bơi qua những đoạn lung sâu ấy. Tôi ngồi trên xuồng và cố giữ cho chiếc xuồng đừng quay tròn như kim đồng hồ để mẹ bủa câu theo hướng định sẵn. Gió cứ đánh lạch bạch vào cái áo nilon mỏng dính rách tả tơi như đuôi diều mùa hạ. Mưa lại lộp độp rơi nặng hạt làm rát cả đôi má tròn bầu bĩnh của tôi. Tôi cố nghiêng mình tránh giọt mưa, nhưng vô ích, rồi mưa trút xuống ào ào chỉ một lúc thôi mà muốn ngập chìm xuồng. Mẹ tôi dừng lại tát nước trong xuồng và nghiêng thau lưỡi câu cho nước ra ngoài rồi tiếp tục thả câu cho hết.
Một giờ, hai giờ rồi ba giờ trôi qua, trời ngớt mưa và mẹ cũng bủa xong số câu dài hằng ba cây số kéo từ vạt lau ven nghĩa địa bên này vòng qua phía bên kia. Mẹ tôi kéo chiếc xuồng vào vạt năng cao để tránh luồng gió vẫn còn thổi tè tè tay áo. Tháo dây ra khỏi lưng, mẹ tôi trèo lên xuồng rồi cắm dằm buộc dây xuồng, rồi mẹ vuốt vuốt tay áo và ống quần cho bớt nước. Lúc ấy, chiếc đèn đã tắt tự lúc nào. Tôi xót xa nhớ lại mẹ mình phải mò mẫm thả câu trong đêm tối, tôi tủi thân cho mình không được như bè bạn sống trong chăn êm nệm ấm, tủi cho mình không được như con gà con trời mưa còn được nấp yên mình vào lòng mẹ, mẹ con ở bên nhau. Tôi thương mẹ tôi trong những lúc giá buốt vì gió trên đồng và gió của cuộc đời đánh bạt đi mà chỉ có một mình chống chịu. Đêm ấy, tôi nhìn lên nền trời một màu u ám mà lạnh từ trong ruột lạnh ra. Cái lạnh chạy rần rần lên đầu làm cổ tôi run lên liên hồi, lúc ấy, lạnh đến nỗi tôi biết cả hai mẹ con tôi đều lạnh run và môi đen như lọ. Đau khổ quá, nước mắt tôi chảy xuống má rồi xuống môi mằn mặn, rồi từng giọt, từng giọt âm thầm trong đêm. Tôi đến bên mẹ và ngồi rúc vào lòng mẹ, tay chân mẹ lạnh buốt, nhưng lòng mẹ thì ấm, ấm lắm. Thế rồi gió lại thổi mạnh hơn, khe khẽ trong tiếng gió đánh rơi xuống đầu tôi, trên mái tóc xoăn ướt sũng nước mưa của tôi giọt nước ấm ấm, hai giọt, ba giọt, và nhiều nữa. Tôi lặng thinh cảm nhận nỗi xót xa của tôi và của mẹ, tôi biết mẹ tôi đã khóc.
Hò ơi!
“Con không cha như nhà không nóc,
Cha mất rồi con ướt tả tơi”.
Trớ trêu cho tôi khi tiếng ai đó quen quen vang lên trong đêm làm tôi bất ngờ giật thốt, và càng xót xa hơn khi nhận ra đó là câu hò trêu chọc của cậu Tư. “Thôi cuốn câu con ơi!” – “Dạ!” _ Tôi run run trả lời. Mẹ tôi hỏi: “Con lạnh lắm hả? Thôi cuốn câu mau rồi về!”
Trời vẫn tối om, mẹ tôi lấy cái hộp quẹt đá lửa ra thổi cho khô nước rồi đốt lại cây đèn để lên mui xuồng. Tôi ra phía sau mui cầm cây dằm lạnh buốt chống tới cho mẹ tôi cuốn câu. Vì mưa lớn quá nên lũ cá bỏ ăn trốn hết, chỉ có số ít đã ăn từ trước bị chết ngộp cứng đờ.
Được một khúc thì giềng câu chệch hướng đi thẳng vào nghĩa địa. Ánh đèn dầu leo lét không đủ sáng trong đêm làm tôi thấy sợ và run lên bần bật. Mẹ vẫn bảo tôi bơi, tôi không biết mẹ có sợ ma không nhưng vẫn bơi tới theo lời mẹ. Bỗng phía trước mũi xuồng có cái gì đó to lắm đánh “ầm” một cái, nước văng tung tóe và từng con sóng lớn lắc mạnh chiếc xuồng. Một cái bóng to đen sì to đùng từ dưới nước đứng dậy làm tôi giật thót tim, mẹ tôi cũng giật thốt người nhưng kịp trấn tỉnh khi nhìn thấy dáng con trâu cổ to tướng.
À! Thì ra nó lôi giềng câu từ ngoài đồng vào sát mấy cái mộ đá để tránh mưa giông đây mà!. Mẹ tôi cắt sợi dây quấn quanh chân con trâu rồi vòng qua bên kia mò giềng câu nối lại để tiếp tục cuốn câu. Lúc ấy, mấy miếng mồi câu cũng trắng bệch vì nước quá lạnh, lũ cá cũng im thin thít không một con đớp mồi. Có tiếng gà thức giấc gáy vội trong đêm mưa vừa tạnh và tiếng mấy con ễnh ương kêu oang oang làm người nghe càng não nuột. Lúc này thì tiếng ồn ào hú gọi nhau vang lên cả cánh đồng, báo cho nhau nghe đã thu lưới, cuốn câu xong và rủ nhau cùng về. Ai cũng than vãn thất thu, cá ít quá, không đủ để đổi gạo ăn. Đôi mắt mỏi mệt của mẹ tôi buồn rười rượi, tôi cũng buồn theo, lúc ấy, mẹ tôi không nói câu nào mà chỉ thở dài lo lắng, tôi cũng lặng thinh cùng mẹ bơi xuồng về nhà, kết thúc một đêm đầy vất vả.
Cây Hoa Lá