Top 10 Tản văn viết về hoa xoan hay nhất

Phương Kem 132 0 Báo lỗi

Hoa xoan gợi nhớ cho chúng ta về những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên và tươi sáng. Loài hoa này tuy không thơm và cũng không quá rực rỡ. Nhưng chính vì vẻ bình ... xem thêm...

  1. Mùa xuân nắng ấm áp về, mang theo những chồi xanh lộc biếc, khắp cả một miền quê tôi, phảng phất trong gió hương thơm đồng nội, đó là hương thơm của hương bưởi, hương chanh, cứ bay lan tỏa thơm ngát bay khắp nơi vườn nhà. Nếu như mùa xuân về, rộn ràng trong những cành đào, cành mai khoe sắc thì qua tháng giêng hai, trong tôi luôn chờ đợi một loài hoa của riêng mình, loài hoa ấy nghe tên cũng thật bình dị và mộc mạc đó là hoa xoan, nhưng quê tôi vẫn gọi bằng cái tên trìu mến thân thương đó là hoa thầu đâu, cũng có nơi gọi là hoa sầu đông. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần thấy những chùm hoa tim tím ấy, trái tim tôi lại cảm thấy xao xuyến và thổn thức như một tình yêu không thể nói bằng lời.


    Hoa xoan quê tôi trồng rất nhiều, ông tôi bảo cây xoan rất dễ trồng và trồng dùng để lấy gỗ, gỗ xoan vừa bền vừa đẹp để dùng làm kèo cột xây nhà và các vật dụng khác. Những hàng xoan được trồng bên cạnh những giàn mồng tơi xanh mướt, cùng với cây chanh, cây bưởi trong vườn, cây xoan còn được trồng phía trước, xung quanh như những hàng rào thẳng tắp, để bảo vệ cho những ngôi nhà, nhà nào cũng rất nhiều cây xoan, những hàng cây xoan cao thẳng tít như muốn chạm vào bầu trời xanh, vào mùa đông, những cành xoan khẳng khiu chỉ còn trơ trụi những cành cây khô gầy guộc, những cây xoan đứng trầm tư, hắt hiu giữa mênh mông đất trời. Có phải vì mùa đông làm cây lạnh giá cô đơn, buồn đau nên người ta gọi là cây sầu đông chăng?


    Thế mà, khi thời tiết chuyển sang mùa xuân ấm áp ,những chồi non bắt đầu nhú lên, đâm chồi nảy lộc với màu xanh phơi phới như đang reo cùng gió mùa xuân, những chồi non như tí tách đua nhau phủ đầy các cành cây. Mùa xuân về, làm bừng lên cho cây thêm dạt dào sức sống, tựa căng tròn như những người thiếu nữ dậy thì tuổi mười tám, đôi mươi cái tuổi thanh xuân đẹp nhất.


    Xoan vẫn cứ đong đưa, hát cùng gió mây, với những màu xanh hồn nhiên của làng quê bình yên, rồi cho đến một ngày kia, ai cũng ngước mắt nhìn lên ngỡ ngàng reo lên: "Ôi chùm hoa xoan tím đẹp quá "! Đó là những chùm hoa nhỏ bé, xinh xinh có năm cánh màu tím nhạt, điểm xuyết những màu trắng, những cánh hoa mỏng, mềm mại và dịu dàng, hoa xoan kết thành những chùm hoa bao quanh lá, mỗi lần như thế làm cho tôi ngắm nhìn ngẩn ngơ, như bị màu hoa tím ấy thôi miên vậy. Những chùm hoa tím chúm chím như làn môi ai, trông thật dễ thương, màu tím ấy phải chăng là màu của lưu luyến, màu của thủy chung đợi chờ, màu của tình yêu lãng mạn, cái màu tím ấy khẽ lay vào người những cảm xúc dịu ngọt, miên man cảm giác vừa mơ hồ vừa thực vừa như hư ảo. Những chùm hoa tím ấy cứ vấn vương vấn rung rinh trong gió, rồi rơi trên vai áo ai, quấn quýt trên cả những sợi tóc nhớ thương.


    Nhưng hoa xoan nở cũng thật nhanh, mà phai tàn cũng thật nhanh, qua một đêm, những bông hoa rơi rụng đầy cả một góc sân vườn và lan xa bay theo gió, dệt thành những thảm hoa tím nhỏ, bồng bềnh cuối những con đường, như đang chờ đợi bàn chân ai đi ngang qua, những cánh hoa rơi ấy làm cho tôi một thoảng buồn, tôi chợt nhớ đến kiếp hoa mỏng manh trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, khi những cánh hoa anh đào rơi, nàng Lâm Đại Ngọc buồn khóc, nàng vội nhặt những cánh hoa ấy đem để sau sân vườn như một lời đưa tiễn biệt tiếc thương, phải chăng ta yêu hoa và ta cũng xem hoa như người bạn tâm giao, bởi hoa nở đẹp lòng ta vui sướng và khi hoa héo tàn rụng rơi, ta cũng thương xót cho một kiếp hoa mong manh.


    Hoa xoan có lẽ là loài hoa của hồi ức tuổi thơ, cứ ùa về trong tôi với những nhớ nhung. Nhớ những mùa hoa xoan nở, bọn trẻ chúng tôi í ới gọi nhau, trầm trồ ngắm nhìn hoa và thích thú hái hoa xoan làm thành những bó hoa thật đẹp, đôi khi nhặt vài bông hoa cài lên những bím tóc để làm duyên, chúng tôi còn nhặt những cành xoan khô, để làm những ô vuông để nhảy chơi, mùa quả xoan rụng chúng tôi lấy để chơi bi, những chùm lá xoan mỏng hình răng cưa vào mùa hè, mẹ tôi thường nấu thành vị thuốc, nước lá xoan mùi hăng hắc hơi nồng nghe hơi khó chịu, nhưng thật lạ kỳ bởi nước lá xoan giúp chị em tôi hết bị rôm sảy, mụn nhọt, da được mát mẻ hơn. Vào những buổi trưa hè, xoan tỏa bóng mát dịu dàng, như ru chúng tôi những giấc ngủ nồng say, lá xoan còn theo người dân quê tôi ra cánh đồng, để giúp cho đất màu mỡ và cây trồng được thêm xanh tốt.


    Hoa xoan bây giờ, chỉ còn là những nỗi nhớ dịu êm, trở lại quê tôi những hàng xoan không còn nhiều nữa, chỉ còn một vài cây trong vườn nhà, nhưng màu hoa xoan tím ấy, vẫn cứ mãi vương vấn trong tôi, mỗi lần hoa xoan nở, tôi lại thả mình vào một không gian bồi hồi, ướp hương trong gió cứ miên man, tôi nhớ về những đêm trăng hẹn hò, của trai gái trong làng trao nhau những ánh mắt nhìn tình tứ, những lời ước thề bên những chùm xoan tím ấy.


    Mùa xoan vẫn nở, tím ngát cả chân trời, cho tôi bâng khuâng những nỗi niềm, rồi những bông hoa ấy , lặng lẽ rơi vào những bến bờ thương nhớ, giờ người ở chốn nao, còn nhớ những ngày xưa ấy:


    Em vẫn nhớ màu hoa xoan tím
    Lắc rắc rơi trên những nẻo đường làng
    Hạt mưa như vẫn còn ngần ngại
    Giữa lưng chừng lại lặng lẽ rơi ngang
    Anh còn nhớ màu hoa xoan tím
    Vẫn lem màu trong những giấc mơ em
    Năm tháng cũ ghim một thời kỷ niệm
    Tháng ba về rơi tím ngõ nhà em.


    Đặng Nhã

    Có một mùa hoa vương vấn mãi trong tôi
    Có một mùa hoa vương vấn mãi trong tôi
    Có một mùa hoa vương vấn mãi trong tôi
    Có một mùa hoa vương vấn mãi trong tôi

  2. Tháng hai khuất lấp vào trong tết, hết tết thì cũng sắp cạn ngày. Tháng hai mong manh như một làn mây mỏng bay ngang bầu trời xuân rực rỡ. Tháng hai để lại trong ta niềm bâng khuâng xao xuyến. Tháng hai, tháng của sắc hoa xoan tím rịm chiều quê.


    Ngày thơ bé, cứ sau tết, ngõ nhỏ nhà tôi vương đầy sắc tím hoa xoan. Tôi yêu hoa xoan từ thuở chưa biết yêu mình. Mỗi chiều mẹ kêu quét sân quét ngõ là cứ bần thần ngồi mãi. Tiếc thảm hoa tím rưng rưng rơi đầy ngõ nhỏ nên mẹ cứ phải giục ba bốn lần mới cầm chổi đứng lên. Cha nhẹ nhàng bảo: quét xong hoa lại rụng xuống trải đầy ngõ ấy mà. Loài hoa chỉ chợt thoảng qua khi tháng hai nhẹ nhàng trở về.


    Quãng đời của hoa xoan ngắn ngủi lắm nhưng cũng đủ gây nhớ gieo thương cho biết bao người. Từng cánh hoa mỏng manh, màu trắng tím dung dị như cô gái quê tuổi vừa đôi tám. E ấp nép sau tán lá vừa mới khoác lên mình buổi chớm giêng. Ai đã bảo cây xoan chẳng chịu mặc áo cũ. Nó trút bỏ tấm áo lá vàng cũ kỹ, đứng khẳng khiu, trơ trọi dưới cái lạnh mùa đông. Tích nhựa nuôi mầm đợi xuân sang là bung lộc bung hoa.


    Hoa xoan nhắc ta về những bữa cơm mùa giáp hạt. Mẹ với cốc nước chè đăm đắm nhìn ra khoảng không trước mặt, lẩm bẩm tính toan cho cuộc sống cả nhà. Cha hiền lành nhìn đám con thơ mà bận lòng nghĩ gì quên điếu thuốc. Nỗi lòng nhuộm thêm tím sắc hoa xoan.


    Hoa xoan cứ vô tư mà tím, mà vương trên tóc chị. Chị gom từng cánh hoa như gói lại lời hẹn thề thương nhớ. Mùa hoa xoan năm ấy chị theo chồng bỏ lại ngõ nhỏ một mình em. Em chạy theo đám rước dâu trao tận tay chị lá diêu bông. Chỉ cúi xuống rưng rưng chùm xoan tím. Màu tím buồn man mác theo chị về nhà chồng bỏ lại ngõ nhỏ bơ vơ bên hàng xoan tím thẩm.


    Hoa xoan rắc nhớ nhung lên màn mưa lấm tấm. Đường quê gập ghềnh cũng nhờ thế mà êm ái hơn. Tiếng trống hội làng vang giữa bộn bề sắc tím. Những hẹn hò, những cái chạm tay nhau thật vội thêm bối rối cả mùa hoa.


    Bao năm xa quê nhà đã tưởng màu hoa ấy chỉ còn trong dĩ vãng. Chiều nay, giữa quê người bất chợt tim vỡ òa khi gặp lại sắc tím hoa xưa.


    Thanh Nguyễn

    Sắc hoa màu nhớ
    Sắc hoa màu nhớ
    Sắc hoa màu nhớ
    Sắc hoa màu nhớ
  3. Sáng sớm, mở cửa dắt xe ra sân chuẩn bị đi làm, tôi ngỡ ngàng bởi sắc tím hoa xoan nơi đầu ngõ. Từng chùm hoa nhỏ li ti, cánh mỏng manh, màu hoa tim tím pha trắng dịu nhẹ bao trùm khoảng không gian làng quê yên tĩnh, tự nhiên thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ.


    Tôi lặng ngắm khung trời hoa xoan đầy thơ mộng, lâng lâng xúc cảm ngọt ngào. Bất giác câu thơ của Nguyễn Bính trong bài Mưa xuân ào về: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Sắc tím hoa xoan trong tiết trời xuân đẹp khó cưỡng là nguồn cảm hứng cho không ít thi nhân. Tôi muốn ôm cả bầu trời hoa xoan dịu dàng ấy vào lòng để tận hưởng vẻ đẹp nên thơ của loài hoa dân dã, bình dị mà đượm tình này.


    Nhớ thuở nhỏ, những chùm hoa xoan xinh xắn được lũ con gái chúng tôi kết thành vòng tròn đội đầu hay xâu thành chuỗi đeo vào cổ chơi trò cô dâu. Chỉ thế thôi mà lung linh, mà háo hức suốt cả ngày dài. Tuổi thơ tôi đi qua những mùa Xuân, những mùa hoa xoan như thế.


    Bây giờ, đường làng được đổ bê tông khang trang, sạch sẽ. Đâu đó chỉ còn sót lại một vài cây xoan như cố níu giữ một thuở hồn quê. Loài hoa bình dị như chính nơi nó ủ mầm, nẩy hạt, lớn lên. Không cần chăm sóc, không kén đất, chọn nơi, xoan cứ thế sinh trưởng, đơm hoa, kết trái và để lại trong tâm thức mỗi người sự gắn kết thân thương, chân tình, mộc mạc.


    Hoa xoan, loài hoa mong manh trước gió xuân. Chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ làm cánh xoan rơi phủ kín mặt đường. Hoa xoan bay bay vương trên mái tóc người thiếu nữ. Hoa xoan giăng mắc cả một trời thương nhớ.


    Hoa xoan thanh lịch, giản dị như tâm hồn, cốt cách người dân quê, nơi tôi tìm thấy sự bình yên sâu lắng. Ngắm nhìn sắc tím hoa xoan, lòng dạt dào bâng khuâng bao xúc cảm. Một mùa hoa xoan nữa lại về.


    Đoàn Thị Hạnh

    Bâng khuâng sắc tím hoa xoan
    Bâng khuâng sắc tím hoa xoan
    Bâng khuâng sắc tím hoa xoan
    Bâng khuâng sắc tím hoa xoan
  4. Mấy ai không biết những vần thơ này của Nguyễn Bính :“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...” Có những loài hoa không thể mang cắm vào bình. Hoa trong thiên nhiên luôn mang vẻ đẹp tự do, khoáng đạt. Mỗi độ cuối xuân, hoa xoan lại nở tím ven đường gợi cho ta bao nhiêu là kỷ niệm.


    Làng quê Bắc Bộ vốn nhiều cây, có lẽ sau tre là đến xoan. Cây xoan dễ trồng, dễ sống. Xoan có thể ngay ven đường, ven bờ rào, những vạt đất hoang chưa trồng hoa màu gì cả. Xoan có thân vươn thẳng, lớn nhanh, khoảng chục năm đã cho gỗ làm nhà. Gốc xoan bị ngả thường lên một mầm mới rất chóng thành cây nhưng loại gỗ này là xoan mầm gỗ thường sộp hơn. Cho đến bây giờ, một nếp nhà ba gian làm bằng gỗ xoan to vẫn là niềm tự hào của gia chủ. Xoan được ngả rồi ngâm dưới bùn ao vài năm, vớt lên không sợ mối mọt. Nào là kèo, cột, rường, câu đầu, xà ngang... được các bác thợ tài hoa chọn lựa theo kích cỡ phù hợp, chạm trổ hoa văn và đưa lên vào mộng không cần đóng một cái đinh nào.


    Sau cái rét nàng Bân, trời ấm dần. Chim đua giọng hót ríu ran gọi bạn. Trên các nẻo đường quê, màu tím nhạt của hoa xoan phủ trên cây tựa như những đám mây nhỏ. Hoa nở thành những chùm lớn, phất phơ theo gió xuân. Thỉnh thoảng những cánh hoa nhỏ xíu rơi vào gió. Mùi hương hoa xoan cũng thoang thoảng, dìu dịu. Cũng may, gió xuân thường dịu nhẹ nên không át mất mùi hương. Đi dưới những chùm hoa tim tím ấy, lòng người như giao hòa với trời đất, muốn căng ngực mà hít hà mùi thơm của gió. Người đi xa về quê, thấy hoa không khỏi nao lòng luyến nhớ.


    Các loài sâu bọ dường như chừa xoan ra không dám tấn công. Lá xoan mùi hắc hắc trước hay dùng làm phân xanh, ngoài chất hữu cơ cung cấp cho lúa còn có tác dụng như một loại thuốc trừ sâu sinh học. Quả xoan cũng thật thú vị. Dân gian ta thường ví mặt trái xoan (chứ không gọi là mặt quả xoan). Con gái chơi đồ hàng, con trai lấy quả xoan ném nhau hoặc làm đạn cho các loại súng đồ chơi tự chế. Quả xoan chín vẫy gọi các loài chim đến ăn, đặc biệt là chào mào. Chúng tha quả đi, nhằn hạt, hạt rụng đầy gốc và rơi dưới những lối bay của chim. Thế rồi mùa sau, những cây xoan non nhỏ xíu nẩy mầm đầy mặt đất. Biết đâu nhỉ, trong những mầm nhỏ ấy, có cây lớn lên lại cho trời một vùng mây tím của mùa xuân hàng chục năm sau nữa...


    Nguyễn Xuân Hòa

    Tim tím hoa xoan
    Tim tím hoa xoan
    Tim tím hoa xoan
    Tim tím hoa xoan
  5. “Hương quê”, hương quê xưa… có thể là mùi thơm của các loài hoa gắn với làng quê, là mùi vị đặc trưng, là vẻ riêng của làng quê xưa. Đó là mùi thoảng thơm từ cánh đồng lúa chín, là mùi thơm mát cỏ nội hương đồng trong làn gió thổi về từ cánh đồng làng, là mùi ẩm mốc của mái rạ lưu niên, là mùi đất ải, mùi bùn ngấu, mùi lá mục, mùi ẩm ướt của những ngày mưa ngâu rả rích…


    Ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ vào những năm 60 của thế kỉ trước, cây cối còn nhiều. Ở làng tôi thời ấy, nhà cửa thưa thớt, vườn bãi rộng rinh. Ra khỏi ngõ là cây cối um tùm, là bờ rào bằng cây ô rô, cây duối… xanh ngắt. Xoan được trồng rất nhiều, ở góc vườn, ở bờ ao, chỗ nào có đất trống là có xoan. Nguồn gỗ làm nhà chủ yếu trông vào xoan. Gỗ xoan đắng, không mối mọt, người dân ưa thích. Lá xoan dầm ruộng, nguồn phân xanh tại chỗ dồi dào.


    Sau Tết Nguyên đán, trời se lạnh và ẩm ướt. Những cây xoan cành khẳng khiu đen thủi bắt đầu trổ lá. Từ kẽ lá, những nụ hoa tim tím hé nở. Chả mấy chốc, những chùm hoa bồng bềnh như mây ào ạt nở. Làng xóm ngập tràn trong hương hoa xoan, khi sực nức, lúc thoảng qua, khi thơm nồng, lúc lại hăng hắc. Hoa xoan thoang thoảng cùng hoa bưởi nồng nàn, hoa cau ngan ngát và nhiều loài hoa khác đồng khởi nở rộ khiến cảnh vật như được ướp trong mùi hương quyến rũ. Thêm nữa, mùi lá tươi non của cây cối nảy lộc đâm chồi… thật thanh nhẹ, mơn man. Hương mùa xuân, hương xuân đấy! Mùi hương thanh khiết mộc mạc làng quê…


    Ở làng tôi ngày trước, có một loài cây chuyên được trồng làm hàng rào, mà nay hoàn toàn vắng bóng: cây ô rô. Lá ô rô xẻ răng cưa, có gai nhọn, phiến lá cứng cát thuôn dài. Ô rô mọc khoẻ, dễ trồng, lá cây quanh năm xanh ngắt, mỡ màng. Ít người chú ý là cây ô rô hàng rào cũng có hoa đẹp. Hoa ô rô mọc ở đầu cành, trắng muốt tinh khôi, trông như những chiếc cúc áo nhỏ xinh. Hoa nhỏ nên nhìn kĩ, ngắm nghía mới thấy vẻ đẹp trắng trong tự nhiên của nó. Hồi nhỏ, tôi từng tò mò ghé mũi sát những bông hoa, hít hà khoan khoái, bỗng nhận ra loài hoa hoang dại bờ rào này cũng thấp thoáng hương thơm dịu nhẹ. Hoa ô rô nở suốt bốn mùa, tô điểm cho hàng rào thiên nhiên quanh nhà một vẻ đẹp bình dị, thôn dã.


    Một loại cây hàng rào khác ở thôn quê thời ấy cũng có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai: cây duối. Thân và cành khúc khuỷu, tạo nên những hình dáng dị kì, lạ mắt. Lá thô cứng, ram ráp, xanh tốt quanh năm.
    Vào dịp cuối xuân đầu hè, từ những vòm lá xanh um của bụi duối, đã thấp thoáng chấm phá những bông hoa duối nhỏ li ti màu trắng ngà. Và chỉ ít ngày sau, những chấm sáng nhỏ xinh ấy âm thầm lan rộng. Hoa duối mọc từng bông đơn lẻ, không kết thành chùm. Đài hoa màu xanh nhạt, ôm nhẹ một nụ hoa bé xíu. Để rồi vài hôm sau, nụ hoa xoè nở thành bông hoa năm cánh trắng. Cánh hoa dài toả ra xung quanh. Hoa duối có vẻ đẹp giản dị, tinh khôi. Nó không hoàn toàn “hữu sắc vô hương” mà thấp thoáng một mùi hương hoang dã. Đó là hương của thiên nhiên, của làng quê mộc mạc bao đời…


    Hè về, quả duối chín vàng giữa vòm lá xanh. Quả bằng hạt ngô, chín mọng, đầy hấp dẫn, đầy mời mọc đối với lũ trẻ tò mò, hiếu động, đang dịp nghỉ hè. Quả duối ăn ngọt và thơm, mùi thơm dìu dịu mơn man lan toả. Đi ngang qua rặng duối chín vàng, thấy thoang thoảng mùi hương thơm ngọt, dịu nhẹ…
    Nói về hương quê, không thể không nhắc tới mùi hương trầm ấm, mộc mạc nhưng khó quên của hoa thiên lí. Ngày trước, ở nhà tôi, tuy đất vườn không rộng, mẹ tôi vẫn làm hai cái giàn. Một giàn trồng bầu, trồng mướp, một giàn chỉ chuyên trồng cây hoa lí. Thiên lí là loại cây leo, lá hình trái tim, hoa màu vàng lục. Trồng thiên lí leo giàn thường trước hết để chơi, để tạo bóng mát và hưởng hương thơm; sau mới là để lấy lá non và hoa nấu canh hoặc xào. Món canh nấu với lá non và hoa thiên lí ăn ngọt bùi, thanh nhẹ, an lành, giàu dinh dưỡng.


    Đêm hè gió mát, dưới ánh trăng thanh, hoa lí thơm lạ thơm lùng. Hương hoa sực nức, vấn vít quanh người. Bởi vậy, người ta còn gọi hoa thiên lí là hoa “dạ lí hương” (hoa thơm về đêm). Chữ “thiên” trong hoa thiên lí còn gợi cho ta ấn tượng hương hoa lí là thứ “hương trời” thanh cao, thanh khiết.

    Hương quê… đa dạng sắc màu, cung bậc, khó mà kể xiết. Đó còn có thể là hương bồ kết nướng bay theo chiều gió thơm ngào ngạt, khen khét mùi khói; hoặc hương bồ kết dìu dịu thoảng thơm từ suối tóc mềm mượt vừa gội của mẹ, của chị.


    Đó còn là mùi rơm mới thơm lừng ngõ xóm vào mùa thu hoạch, là ổ rơm mẹ trải nồng nàn hương lúa… Đến những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhà nhà người người rộn rịch, tất bật chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền. Lan tràn từ nhà ra ngõ là mùi hương thơm nồng thảo mộc thiên nhiên của vỏ bưởi khô, hạt thầu dầu, quả xoan, cây tầm gửi, cây dền gai, rơm nếp… bị đốt thành tro trong buổi tối tháng Chạp bập bùng ngọn lửa trên sân, để lấy tro hoà nước, ngâm gạo nếp làm bánh tro ăn Tết.


    Rồi mùi thơm hương lúa nếp, hương đồng ruộng mùa màng của nhiều loại bánh trái khác thường được làm vào dịp Tết ở quê tôi: bánh chưng, bánh tày, bánh rợm (bánh nếp), bánh gai, bánh mật, chè lam, nổ nén (bánh bỏng)... cộng với cái tất bật bận bịu của người lớn, cái ríu rít náo nức của trẻ nhỏ, cái tưng bừng nhộn nhịp của làng quê những ngày giáp Tết… để tạo nên hương vị, sắc màu đã có tự bao đời của cái Tết cổ truyền ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ cách nay không xa.


    Hương quê… ngày ấy. Có thứ nay còn được lưu giữ, nhiều thứ nay đã lùi vào kí ức xa xăm, chỉ còn trong nỗi nhớ nhung hoài niệm của một lớp người…


    Lê Hữu Tỉnh

    Hương quê
    Hương quê
    Hương quê
    Hương quê
  6. Tháng Ba, xuân đang độ chín… bỗng một ngày ta bắt gặp những vầng hoa xoan tim tím trôi bồng bềnh huyền ảo trong làn mưa xuân. Màu tím hoa xoan gợi nhớ trong ta cảm giác rưng rưng khó tả…


    Cây xoan được mọi người yêu mến bởi có một sức sống mãnh liệt, kiên cường. Xoan trải qua mùa đông với những cành khẳng khiu trụi lá vươn lên giữa trời giá lạnh, có lẽ vì thế mà cây còn có một cái tên nữa là: sầu đông. Vậy mà, chỉ cần sang xuân, cây đâm chồi nảy lộc, khoác trên mình chiếc áo xanh mướt. Một sớm xuân, ta ngỡ ngàng khi gặp hoa xoan bừng nở nhuộm rợp một góc trời bởi màu tím dịu dàng.


    Cánh hoa xoan mỏng manh, xinh xinh e ấp nương vào nhau trên cành. Mỗi khi có gió qua, ta sẽ được đắm mình dưới làn mưa cánh hoa mềm mại thả trôi trong “giấc mơ màu tím”. Tâm khảm ta chạm vào miền nhớ với những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”. Phải chăng “lớp lớp” cánh hoa xoan là nỗi niềm tâm sự “vơi đầy” của những đôi tri kỷ theo năm tháng…


    Hương hoa xoan không nồng nàn như những loài hoa khác mà thoang thoảng, dìu dịu nhưng có sức níu giữ vô hình. Nếu một lần nào đó bạn được thả bước trong chiều xuân ở ngoại thành Hà Nội, ngắm những “đám mây” hoa xoan tim tím chen cùng lá non lộc biếc đang “trôi” trên bầu trời và từ từ cảm nhận mùi hương của loài hoa ấy, hẳn tâm bạn sẽ nhẹ nhõm, an nhiên.


    Nhớ tuổi học trò, đám bạn thường kéo nhau đạp xe chầm chậm dọc lối lên đường Bưởi, đường Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, nơi có những cây xoan được trồng xen với các loại cây khác, hít hà mùi hương hư ảo của hoa xoan trong gió xuân. Ở ngoại thành Hà Nội, đường đi sang Đông Anh cũng có nhiều hoa xoan bung nở khi mùa xuân ghé thăm. Vài đứa bạn được mẹ phân công lấy ít lá xoan về để “dấm” quả trứng gà. Quả trứng gà (trong Nam gọi là trái lê-ki-ma) được ủ bằng lá xoan thường chín đều, vàng ươm và khi ăn vừa ngọt vừa có vị beo béo. Khi lấy lá xoan, thế nào các bạn trai cũng hái bằng được những cành hoa xoan tim tím tặng các bạn gái. Dù thời gian trôi và trong cuộc đời được tặng nhiều loại hoa khác nhau, nhưng có lẽ cành hoa xoan tím của người bạn trai năm nào luôn ghi trong ký ức ai đó.


    Hoa xoan tuy đến đúng hẹn nhưng nhanh nở mau tàn nên thường để lại sự thấm buồn, nuối tiếc trong lòng người yêu hoa…”. Cuộc đời này không phải mối duyên nào cũng bền chặt, thậm chí có những mối nhân duyên vừa nồng ấm đó bỗng nhạt nhòa trong phút chốc bởi lý do không đáng có. Nhưng… trong góc thẳm sâu của tâm hồn mỗi người đều lưu giữ một bóng hình của người đã từng đi qua cuộc đời ta. Những vần thơ da diết của nhà thơ Khải Nguyên cũng là cảm xúc của ai đó nhớ về người xưa: “Tháng Ba rồi, em có nhớ anh không?/ Hoa xoan tím làm khoảng trời cũng tím…”. Câu hỏi cứ thả vào thinh không mỗi mùa hoa xoan dù người xưa đã xa muôn trùng…


    Vẫn biết duyên đến, duyên đi là thuận lẽ vô thường nhưng đôi khi, màu tím dịu dàng của hoa xoan gợi cho ta rưng rưng hoài niệm một miền xưa cũ…


    Bài Vy Anh

    Rưng rưng màu tím hoa xoan
    Rưng rưng màu tím hoa xoan
    Rưng rưng màu tím hoa xoan
    Rưng rưng màu tím hoa xoan
  7. Cây xoan cao to, phải đủ tuổi mới ra hoa. Cây không mềm mại như các loài hoa khác mà cứng cáp. Vào khoảng tháng hai, cây bắt đầu cho ra những chùm hoa tim tím. Hoa không lộng lẫy kiêu sa, không một loài ong bướm nào chú ý đến nhưng khiến người ta nhớ mãi.


    Hoa xoan chẳng ai cắm vào bình, cũng chẳng ai chơi và cũng không dùng để tặng ai. Hoa xoan, không ai hít hà, xuýt xoa mùi hương thoáng qua của nó. Hoa xoan lúc nào cũng nhẹ nhàng âm thầm, từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa cành. Nó lặng lẽ hòa mình vào những cơn mưa bụi mùa xuân, rắc xuống sân, xuống mái nhà, để rồi sáng sớm hôm sau người ta phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu dàng của nó.


    Giữa tháng Ba, trời trở rét như những ngày mùa đông. Nhưng những hạt mưa bụi bay bay đầy trời thì lại muốn nói rằng: Đông đã đi qua và đây đang là cuối xuân. Chỉ có hoa xoan từng bông, từng bông nhỏ li ti tim tím rơi lặng lẽ, bình thản đến lạ kỳ. Chắc chắn đây không phải loại hoa của mùa đông, nhưng cũng chưa ai gọi đó là hoa xuân hay hoa của mùa hạ. Ông tôi bảo: "Hoa xoan là hoa dân dã nhưng dường như hội tụ ba mùa trong năm". Không tin bạn cứ ngắm hoa xoan rơi mà xem, ta sẽ thấy những cánh "hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" kia thật giống với những hạt "mưa xuân phơi phới bay", bạn sẽ như nghe được tiếng cuốc gọi hè ngay giữa cái tiết trời se se lạnh tưởng của mùa đông. Chẳng biết có phải vì dáng vẻ của nó mà cây hoa xoan còn có tên gọi rất mùa đông "cây sầu đông".


    Với tôi, hoa xoan gắn liền với một nỗi nhớ màu tím. Cái nỗi nhớ nhẹ nhàng mà tha thiết về một tuổi thơ hồn nhiên thuở nào.


    Đã mấy năm rồi tôi đi học xa quê. Ở phố người ta không trồng hoa xoan. Mỗi dịp nghỉ hè về quê, cây xoan đã bước sang mùa quả từ lâu lắm rồi. Đây đó, trên con đường làng chỉ thấy rực lên màu đỏ của những chùm phượng vỹ. Thi thoảng tôi vẫn nhìn ngắm từng đóa hoa hồng, hoa huệ, hoa cúc… đẹp đẽ và kiêu kỳ trong các cửa hàng hoa, để cố tìm cho mình một chút sắc màu thân thuộc. Nhưng đâu dễ gì tìm được loại hoa bình dị ấy giữa chốn thành phố náo nhiệt.


    Những cánh hoa xoan nhỏ li ti màu tím. Màu tím không biếc thắm, cũng không quá phớt nhẹ mà cứ mênh mang một nỗi nhớ, niềm thương. Chỉ có hoa xoan mới mang cho mình cái màu tím dịu dàng ấy. Trên tán cây thưa lá từng chùm nhỏ ríu rít đan nhau, mơ màng như những vầng mây.


    Mỗi độ tháng ba về hoa xoan lại ngập đầy trên những con đường nhỏ ở làng, trải tím sân nhà, trôi nhè nhẹ trên mặt nước ao bình lặng, như chơi trò thả thuyền. Mặt nước ao trong mát tựa tấm gương lớn để cây xoan nghiêng mình soi bóng, làm duyên khi làn gió xuân nhè nhẹ lướt qua.


    Màu tím hoa xoan thuở nào cứ mãi theo bước chân tôi, cùng tôi đến trường mỗi sáng và đêm đêm hiện về trong những giấc mơ- tím như màu áo của những cô gái đương thì ở làng.


    Đêm thành phố có hương hoa sữa ngào ngạt khắp phố, không thấy cái hắc nhẹ ngai ngái mà nồng nàn của hoa xoan. Từng cánh hoa xoan rơi rơi trong lòng như lời thì thầm dịu ngọt: "Tháng ba…".

    Lê Văn Huân

    Nỗi nhớ hoa xoan
    Nỗi nhớ hoa xoan
    Nỗi nhớ hoa xoan
    Nỗi nhớ hoa xoan
  8. Màu tím là tượng trưng cho sự thủy chung tình yêu đôi lứa. Màu tím còn thể hiện cho vẻ dẹp dịu dàng riêng của những cô gái xứ Huế. Đối với tôi màu tím gợi cho tôi nhớ về một loại cây nở hoa tím rất đẹp ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Có một loài hoa có cái tên rất mộc mạc, gắn liền tuổi thơ của những đứa bé sinh ra và lớn lên ở thôn quê như tôi. Đó là hoa xoan. Hằng năm vào đầu tháng 3 dương lịch là nhiều con đường làng, ngõ xóm quê tôi lại tràn ngập hoa xoan nở. Hoa xoan có vẻ đẹp rất khiêm nhường, khó nhận ra từ xa vì nó rất nhỏ bé mà lại ở trên cành cao. Mỗi bông hoa xoan nhỏ bé, xinh xắn có 4 hoặc 5 cánh màu trắng tinh khiết và nhụy hoa màu tím sẫm ở giữa. Hoa xoan khi nở có mùi thơm ngọt nhưng có thêm cảm giác có vị đắng.


    Trong sách “Tập đọc” Lớp 3 của tôi ngày xưa có bài thơ “Hoa xoan”, không đề tên tác giả nhưng tôi vẫn thuộc lòng bài thơ đó đến tận bây giờ. Trong đó có những câu mà tôi rất thích:


    “Hoa xoan nở tím ngọt ngào
    Gió đưa từng cánh đậu vào sách em”


    Hoa xoan gắn liền với những tháng năm ấu thơ của tôi. Ngày ấy, mỗi độ xuân về, làng quê tôi hoa xoan lại nở rộ khắp mọi ngõ ngách trong làng. Những chùm hoa xoan tim tím, đung đưa nhè nhẹ trong gió xuân. Những trận mưa phùn lất phất bay trong gió nhẹ làm rung rinh, xao động những cánh hoa xoan đang e ấp, khiêm nhường với vẻ đẹp nhỏ bé, dung dị trong màn mưa xuân hư ảo, giăng mờ cả không gian của vùng thôn quê.


    Hoa xoan trong thơ của cố thi sỹ Nguyễn Bính, gắn liền với hội làng và tình yêu đôi lứa ở thôn quê. Thật xót xa vì tình yêu giữa cô gái và chàng trai đã có ước hẹn từ "hôm nọ hát bên làng" đã không thành vì chàng trai không đến gặp cô gái trong đêm hội hò hẹn mùa xuân năm ấy nữa!


    … Ngày xưa, mỗi độ hoa xoan nở bà nội tôi lại bảo “Mùa hoa xoan nở là có nhiều muỗi lắm đây!”. Mùa Xuân ấm áp là mùa sinh sôi của rất nhiều loài côn trùng như ruồi, muỗi sau những tháng ngày đông lạnh giá.


    Theo quy luật phát triển của cây cối thiên nhiên: tàn mùa hoa xoan lại đến mùa quả xoan hình thành. Quả xoan lúc chưa chín có màu xanh lục nhẵn bóng, nhỏ bằng đốt tay út trẻ con, khi chín rụng chuyển sang màu vàng nhìn rất đẹp. Quả xoan nhà rất đắng và độc, không thể ăn được nhưng quả của giống xoan mọc trên rừng lại ăn được, thường được bày bán ở các chợ thôn quê.


    Quả xoan còn là tiêu chí đánh giá hình dáng của khuôn mặt đẹp của phụ nữ thời xưa. Các cụ xưa thường ví người con gái có khuôn mặt đẹp dong dỏng là “mặt trái xoan” là vì thế. Nhưng trong "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du đưa ra tiêu chuẩn "khuôn trăng đầy đặn" thì lại hoàn toàn khác. Dù sao, tôi vẫn thích khuôn mặt “trái xoan” hơn là “ khuôn trăng đầy đặn” của Đại thi hào xứ Nghệ ngày xa xưa.


    Đối với bọn trẻ trai ngày xưa ấy, quả xoan còn gắn liền với một trò chơi yêu thích của trẻ con. Đó là trò chơi bắn súng "phốc" bằng quả xoan. Lũ trẻ thời đó cắt một ống tre nhỏ dài hơn một gang tay, đường kính khoảng một ngón tay. Cưa bỏ 2 mắt gỗ ở hai đầu. Lấy trộm 1 chiếc đũa ăn cơm của nhà, cắm một đầu tre có mắt vào một đầu đũa. Khi chơi bắn nhau chỉ cần cho một quả xoan vào một đầu và một quả vào đầu bên kia. Khi đẩy que đũa đẩy vào đầu bên này tạo thành lực nén đẩy viên đạn quả xoan đầu bên kia bắn ra ngoài thành tiếng nổ “đốp” rất vui tai. Lũ trẻ chúng tôi dùng súng "phốc" để đuổi theo bắn nhau vui lắm, không gây nguy hiểm vì lực bắn ra rất nhẹ. Khi mùa xoan hết đi, không còn quả xoan để liều lĩnh trèo lên cây lấy nữa thì có thể thay thế bằng quả cây rau đay hoặc phải thay bằng 02 cục giấy thấm nước nhưng tiếng nổ sẽ không nghe giòn như quả xoan nữa.


    Tôi vẫn còn nhớ bà nội tôi thường hái lá xoan phủ lên nải chuối ở trong chum vại hay thúng để dấm cho chuối mau chín hoặc dùng lá xoan cùng nhiều loại lá cây khác cho vào nấu nước tắm cho anh chị em tôi khi bị ghẻ hay rôm sảy gây ngứa ngáy, khó chịu vào mùa hè.


    Vỏ và gỗ cây xoan xốp nhẹ, có vị đắng độc nên mối mọt không bao giờ đục ăn nên gỗ xoan hay được dùng để đóng đồ dùng trong nhà như giường, bàn ghế. Ngày xưa khi tôi còn bé người ta cũng dùng gỗ xoan để làm nhà vì thời đó không có nhiều gạch, xi măng, sắt thép bán rộng rãi mà chỉ được phân phối để xây nhà cho cơ quan nhà nước. Để chuẩn bị làm nhà người ta phải trồng trước một vườn xoan trước mấy năm liền. Xoan khi đủ già người ta đốn hạ, bóc hoặc để nguyên vỏ và ngâm ngập nước dưới ao bùn. Ngâm càng lâu, càng tốt. Khi cần làm nhà người ta vớt lên phơi khô thì khi làm không bị nứt gỗ.


    Giờ đây hình ảnh những con đường trồng xoan hai bên đường thẳng tắp, những ngõ xóm trồng xoan và vườn xoan rất hiếm gặp. Tôi vẫn thích đi chầm chậm dưới những hàng xoan trồng trên đường làng, thỉnh thoảng dừng lại để lắng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cây. Những chùm hoa xoan cuối mùa khi gặp làn gió xuân khẽ lay là rơi lả tả, phủ đầy lối đi, vương trên tóc người đi đường. Mưa xuân thì vẫn còn lất phất bay nhưng giảm dần đi. Những con đường quê trồng xoan, rụng đầy những cánh hoa xoan xinh xinh như một tấm thảm dệt bằng hoa màu tím nhạt. Hoa xoan khi lìa cành xuống đất vẫn phải oằn mình xót xa khi bị những những bước chân của người đi qua vô tình giày xéo khiến tâm hồn thi sĩ cũng xót xa:


    "Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
    Hoa xoan đã nát dưới chân giày".


    Không biết thi sĩ xót xa cho một đời hoa xoan bị giày xéo hay thương cảm cho sự lỡ làng duyên tình của cô gái thôn quê Bắc bộ! Chỉ biết rằng “mùa xuân đã cạn ngày” rồi! Liệu hội làng năm sau họ có còn gặp lại nhau không? Mùa xuân phơi phới những điều vui tươi tốt đẹp nhưng vẫn còn có một một dấu lặng buồn trong lòng người thiếu nữ thất tình. Mùa xuân cũng không thể trả lời…


    ... Nếu tiếng Việt mà xét theo phạm trù về giống của ngôn ngữ một số nước như tiếng Nga và tiếng Pháp thì từ "xoan" là chắc chắn là danh từ giống cái vì nó thường được dùng để đặt tên cho con gái. Ở nông thôn những cô gái có những cái tên mộc mạc lấy từ các loài cây cối như xoan, mận, hồng, na, bưởi, ... v.v, thường là những cô gái thùy mị, nết na, chung thủy, chăm làm và đảm đang. Đó cũng là chuẩn mực làm vợ chung của các cô gái nông thôn phải đáp ứng. Nếu ai không có những đức tính trên thì sẽ được bà và mẹ dạy cho hoặc phải học hỏi theo bạn bè.


    Tôi biết một em gái hàng xóm tên Xoan, nhà em cách nhà tôi mấy nhà. Tôi rất mến em vì em rất xinh, ngoan hiền, kém tôi 5 tuổi. Từ khi em còn bé, một nhà trong xóm rất thích em và có ý là "dấm" em để sau này lớn lên hỏi làm vợ cho con trai. Lớn lên, tôi đi học đại học rồi ra trường đi làm xa nhà. Lâu mới về nhà nhưng không thấy mẹ tôi nói gì về chuyện em Xoan nữa. Một năm, Tết về thăm nhà, tôi hỏi về Xoan thì mẹ tôi bảo rằng Xoan đã lấy chồng trên phố huyện rồi. Bây giờ em làm bà chủ, sung sướng lắm, không phải chịu cảnh "chân lấm, tay bùn" như các thôn nữ khác. Mẹ tôi còn nói thêm rằng em bây giờ đổi tên thành Diễm Hương rồi. Tôi thấy mừng cho Xoan vì em là một thôn nữ may mắn mới có cuộc sống tốt như vậy. Mong cho em hạnh phúc trong cuộc sống. Bây giờ, quê tôi rất khó tìm thấy những cái tên mộc mạc như Xoan, Mận, Hồng, Na, Bưởi, … nữa rồi!


    Tuổi thơ của đứa trẻ quê như tôi đã bình lặng trôi qua như “những đám mây bay về cuối trời” xa mãi, xa mãi với rất nhiều hình ảnh đáng nhớ, trong đó có cánh hoa xoan nhỏ bé, tim tím, xinh xinh và giản dị như hình ảnh các thiếu nữ thôn quê ngày ấy. Hôm nay, trên đường đi làm về, chợt nhìn thấy bên đường chỉ còn duy nhất sót lại một cây xoan nở hoa, tôi dừng lại ngước nhìn. Kỷ niệm ấu thơ gắn liền với hoa xoan lại ùa về miên man trong tâm trí tôi. Tôi yêu hoa xoan vì đó là loài hoa kỷ niệm của thời thơ ấu ở thôn quê của tôi.


    Trần Trung

    Tim tím một miền ký ức của tôi
    Tim tím một miền ký ức của tôi
    Tim tím một miền ký ức của tôi
    Tim tím một miền ký ức của tôi
  9. Một ngõ vắng quanh co trầm thấp. Dải rêu xanh mọc dọc ngang hai bên bờ tường bằng gạch mun đã cũ. Tôi bước thật nhẹ trên con đường rơi đầy hoa xoan tím. Chùm hoa nhỏ, cánh li ti, mỏng manh nghiêng phai giữa lối. Một làn gió qua, muôn cánh hoa bay, rơi rơi giữa không trung một khoảng trời mơ tím. Chợt thấy lòng mềm đi, bình yên như cây cỏ.


    Cây xoan còn có tên là sầu đông, ở quê tôi thì gọi là thầu đâu. Mỗi độ quá Giêng, trời mưa phùn rét ngọt, sắc tím hé mắt nhỏ trên muôn chùm cây lá xanh tươi, mỗi đợt gió qua lại rụng tràn khoảnh đất nhỏ quanh gốc cây. Tuổi thơ của tôi là câu chuyện của những quả thầu đâu xanh tròn bé nhỏ, nó sẽ là đạn nhỏ trên đầu ná tre, bắn những chiếc lá vàng xa xa hoặc những con chim mà tụi con trai nhìn thấy từ trên bầu trời cao vút.


    Quả thầu đâu không ăn được nhưng lại là món đồ hàng ưa thích trong giỏ hàng đi chợ của phe con gái, đôi khi lại trở thành những hòn bi xinh xinh của bọn con trai. Chúng tôi lí lắc nói cười bên gốc cây thầu đâu già, hái những chùm hoa kết thành vòng đội lên đầu chơi trò cô dâu chú rể. Thầu đâu rung rinh cành lá, như cụ già trìu mến ôm lấy chúng tôi từ trên cao, hoa rơi trên tóc, lá rơi trên vai, âu yếm, dịu dàng.

    Hoa xoan có 5 cánh nhỏ phớt tím, giữa là chùm nhị màu tím ngát, thường bung toả mùi thơm dịu nhẹ. Nếu một lần ngủ quên dưới gốc cây hay lạc bước giữa vườn xoan đang độ ra hoa thì sẽ cảm nhận một mùi hương hăng nồng rất riêng biệt. Hoa xoan nhỏ lắm, nhưng khi kết chúng lại bên nhau lại trở thành một chùm sắc tím kiêu sa, đỏng đảnh như chút duyên ngầm của người con gái mới bắt đầu yêu. Sắc xoan miên man có hương thơm vấn vít lại khiến người ta có cảm giác bồi hồi cảm thương khó tả.


    Thuở bé, mỗi lần thấy hoa xoan lấm tấm rụng trên mặt đất, dệt thành một tấm thảm tím, tôi thường không nỡ bước qua, chỉ sợ gót chân mình sẽ làm nát những cánh hoa kiêu sa ấy, dù rụng rơi trong cái rét nàng Bân, vẫn thêu lên những chấm phá, điểm xuyết trên đất như một tấm khăn tay ngày xưa trao nguyền cùng bước chân người đã chọn lựa ra đi. Để khi nghe âm thanh của tiếng chổi tre xào xạc gom những mảnh hoa vỡ ấy, bàn tay trở nên nhẹ nhàng chỉ sợ làm đau những cánh hoa dẫu cho nó không còn trên cành nữa.


    Chuyện kể rằng sầu đông là hiện thân của một cô gái đợi chờ người yêu, nhưng người ấy đi mãi không về. Tình yêu của cô đã hóa thành những chùm quả chi chít, được đơm thành từ những giọt nước mắt đau khổ và chờ đợi, nên quả độc và không ăn được. Tình thâm của cô gái phảng phất trong những chùm hoa tím, màu của sự thủy chung. Tình yêu dang dở muôn năm tuổi có phải đã hóa thành những giọt lệ tím của một người đợi mãi một người không về, dẫu cho đường xa vạn dặm mỏi gối chồn chân. Rằng có bao giờ chàng yêu nàng hay không, hay suốt một kiếp tự nàng ảo mộng.


    Vậy là vào mỗi độ đông tàn giêng phai, sầu đông lại rụng lá rơi hoa, trơ ra những cành cây khẳng khiu, gầy guộc. Trong tiết trời mưa phùn gió bấc, thân sầu đứng trơ trọi tạc vào nền trời xám bạc, gợi ra những khoảng khắc cô liêu run rẩy giữa mùa gió buốt. Mong chờ cánh én chao về, hi vọng chàng trai vì nàng mà đến, muôn cánh hoa sẽ bung nở vào tháng Giêng. Mãi đến tận tháng Ba rét nàng Bân, nỗi nhớ nhung lê thê ấy chỉ còn là hoài vọng mong manh, những cánh hoa tím phai rơi lả tả, sắc tím li ti phơn phớt, thoảng mùi hương hăng hắc, hồn yêu neo đậu nơi bến neo ký ức nào đó cứ thế: chầm chậm tàn phai.


    Thật muốn về lại đứng dưới gốc xoan tháng ba, để mặc xoan rơi trên vai áo, trên tóc, cố hít hà cơn gió cuối xuân đầu hạ, để thấy cuộc đời còn bao vẻ đẹp trên đời, để thấy những tri giao trên đời là có thật, để lại bé nhỏ như tuổi thơ, hái những chùm xoan trái chơi trò đồ hàng. Khoảnh khắc thần tiên nhất đến tự nhiên nhất, đi tự nhiên nhất, mà mãi tận những năm tháng bị buộc phải trưởng thành sau này đều không thể tìm về.


    Thật muốn về lại đứng dưới gốc xoan tháng ba, tự tay tết một bó hoa xoan tím ngát, đưa lên mũi hít hà và lưu lại khoảnh khắc thanh xuân ấy. Để một lần về lại năm mười bảy tuổi, dũng cảm nhìn về phía người không né tránh, không nói dối, không bước chân đi dẫu biết sau lưng mình có một ánh nhìn sâu lắng. Xoan tháng ba có rơi nữa không, cho ta về tìm lại bó xoan mềm để quên bên lối gạch cũ có hàng dương xỉ mọc cùng đám rêu phong.


    Ta thương nhất mùa xoan nở rộ. Sắc tím li ti khắp lá cành nhuộm tím sắc trời ngõ nhỏ, mòn mỏi neo đậu trong con tim những mối tình dang dở bỏ lỡ một đời không thành. Ta biết, giữa nhân thế rộng lớn, ta sẽ vì người mà trân trọng, người sẽ vì ta mà an yên.


    Nếu có lần chân lỡ về chốn cũ, hãy đến bên gốc xoan xưa. Nhặt giùm ta chiếc vòng đội đầu vừa tết, để yêu đoá xoan mềm: tím mỗi độ giêng phai!


    Trần Hiền

    Giêng rơi trên đoá xoan mềm
    Giêng rơi trên đoá xoan mềm
    Giêng rơi trên đoá xoan mềm
    Giêng rơi trên đoá xoan mềm
  10. Khi cánh đồng lúa chiêm đã mướt thì con gáí Và từng vạt cỏ non ven đường đang khao khát đợi cơn mưa. Ấy là lúc những chùm hoa xoan đua nhau gạn hết lòng thả hương vào gió. Để rồi chỉ ngày mai,ngày mốt thôi. Bao cánh tím bình dị kia lai ào ạt trút vào thơ Nguyễn Bính, khiến cho lòng đọc giả càng thêm xao xuyến bâng khuâng: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay./ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy’’...


    Vâng! Nói về mùa xuân trên đồng bắng Bắc Bộ, là nói đến làn mưa bụi bay, đến những vườn cây xôn xao ong bướm. Và những cánh én chao nghiêng qua lối cầu mương. Chúng như muốn tìm lại dấu hài rơi của cô Tấm trong chuyện cổ tích ngàn xưa...


    Người ta quy ước chia một năm thành bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông - vốn dĩ để chỉ sự đổi thay thời tiết của từng vùng miền. Nhưng khi ta gắn cảm nhận của giác quan với sư rung động của trái tim mình, thì vạn vật vô tri đều trở nên có tình có nghĩa sâu xa. Như thi hào Nguyễn Du đã từng khái quát: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.


    Thật vậy!


    Mùa xuân năm ngoái, và mùa xuân năm nay. Bùng phát hai lần dịch bênh covid-19 trên đất nước ta. Cảnh vật tự nhiên thì vẫn lặng lẽ trôi qua, mà ta cứ cảm thấy như không còn mùa xuân nữa vậy. Mặc dù trên loa phóng thanh treo đầu làng, thỉnh thoảng vẫn vang vang câu hát: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/Mùa con voi xuống sông hút nước..’’- (Tháng ba Tây Nguyên-TV)


    Thì ra...xuân đất trời từ thuở bình minh Non Nước tới nay, vốn vẫn song hành cùng mùa xuân lòng người. Một khi những lễ hội truyền thống phải ngưng lại.Những nụ hôn bi giãn cách, thì phần hồn tháng giêng hai coi như cũng vắng xa. Chỉ thương cho bao thi nhân phải ngẩn ngơ đi tìm lại màu hoa trong từng trang quá vãng đời mình. Rồi chật vật tô lại một buổi sớm xuân nào đó, có hạt mưa bụi đọng long lanh trên môi thiếu nữ ngày hội làng. Thế rồi ít lâu sau ...Một “mùa xuân đầu tiên’’ bỗng rộn ràng ùa tới. Bắt đầu bằng những giọt nước mắt mừng vui thấm ướt trên vai áo chiến chinh. Nó như hạt tách vỏ, le lói mầm xanh, cho ta ươm ngọt vào đất trời, vào lòng người. Vào nốt khóa son trên khuông nhạc... Rồi cứ thế mà hy vọng, từ năm này sang năm khác. Từ mái tóc phơ phơ nơi nông quê, tới những nụ hoa hàm tiếu chốn thị thành...


    Và...đúng lúc này đây. Những ngón tay vụng về của tôi phải dừng lại để nhặt mấy sợi tóc chớm bạc của mình vừa bất ngờ rơi lên bàn phím. Tôi dừng tay ngước mắt nhìn qua ô cửa sổ ra ngoài ngõ...Cạnh con đường bê tông nhỏ dẫn ra nội đồng. Có một cô thôn nữ đứng nghỉ chân dưới tán xoan xum xuê hình như cô ấy cứ chăm chăm mắt nhìn ra cánh đồng lúa xanh nối nhau chạy ra tít chân trời kia. Và chắc cô đang nghĩ gì?.. cô nghĩ gì thì chỉ có những cành xoan kia mới biết mà thôi..


    Tôi chọn kênh yotube, mở phần ca nhạc. Một giọng nữ đằm thắm vang lên ngân nga: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về./ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về./.. Mùa xuân mơ ước ấy, xưa có về đâu./Với khói bay trên sông./Gà đang gáy trưa bên sông./Một trưa nắng thôi... hôm nay...mênh mông...


    Sưu tầm

    Hương mùa xuân
    Hương mùa xuân
    Hương mùa xuân
    Hương mùa xuân



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |