Top 8 Tác phẩm truyện thơ cho bé hay nhất
Truyện thơ Việt Nam và thế giới được thể hiện qua những thể thơ đơn giản sẽ giúp cho câu chuyện cổ tích của các bé trở nên vô cùng hấp dẫn và thú vị. Cùng ... xem thêm...Toplist khám phá ngay top các tác phẩm truyện thơ cho bé hay nhất qua bài viết dưới đây.
-
Bài thơ Tấm Cám của Bùi Thị Ngọc Điệp như thổi một luồng gió mới vào thế giới cổ tích, khiến cho câu chuyện Tấm Cám trở nên hấp dẫn hơn với các bạn nhỏ.
Ngày xưa có cô Tấm
Người nết na, dịu hiền
Mẹ mất từ lâu lắm
Cha của cô tục huyền.
Mụ dì ghẻ ác lắm
Có một đứa con riêng
Tên nó là con Cám
Vừa lười lại vô duyên.
Rồi cha cũng không còn
Tấm bị hai mẹ con
Suốt ngày cứ hành hạ
Mắng chửi lẫn roi đòn.
Một hôm mụ dì ghẻ
Bảo cả hai người con
“Ra đồng bắt cá nhé!
Xem đứa nào nhiều hơn.
Tao sẽ cho yếm lụa.”
Cám trong bụng mừng rơn
Vì nó ma mãnh chúa
Nhất định giành phần hơn.
Tấm vốn quen làm lụng
Bắt cá một giỏ đầy
Cám chỉ biết làm nũng
Lại còn sợ lấm tay.
Nên bắt cả một buổi
Chẳng được con cá nào
Nó bày trò gian dối
Gạt Tấm cướp công lao.
“Chị Tấm ơi chị Tấm
Đầu của chị bị lấm
Chị nhớ hụp cho sâu
Kẻo về nhà mẹ mắng.”
Tấm hiền lành tưởng thật
Hụp gội chỗ nước sâu
Thế là Cám lật đật
Trút cá qua giỏ mau.
Khi Tấm tắm rửa xong
Chỉ còn cái giỏ không
Sợ mụ dì ghẻ mắng
Tấm ngồi khóc giữa đồng.
Nghe thấy tiếng Tấm khóc
Bụt hiện ra thình lình
Hỏi: “Vì sao con khóc?”
Tấm kể hết sự tình.
Bụt bảo xem trong giỏ
Sót con cá nào không
Tấm tìm thấy bống nhỏ
Bụt gật đầu hài lòng.
Bụt bảo đem bống nhỏ
Về nuôi ở giếng nhà
Mỗi bữa ăn hãy nhớ
Gọi bống như lời ta.
Tấm theo lời Bụt nói
Thả bống vào giếng nuôi
Mỗi bữa ăn lại gọi:
“Bống bống bang bang ơi!
Hãy lên ăn cơm bạc
Cơm vàng của nhà tôi
Bống chớ ăn cơm hẩm
Cháo hoa của nhà người.”
Hai mẹ con nhà Cám
Rình Tấm cho bống ăn
Chúng lập mưu lừa Tấm
Để bắt cá bống ăn.
Mụ dì ghẻ bảo Tấm
Chăn trâu ở đồng xa
Ở nhà mụ cùng Cám
Bắt bống giết không tha.
Tấm về, ra giếng sau
Gọi chẳng thấy bống đâu
Tấm ngồi ôm mặt khóc
Bụt hiện ra rất mau.
“Bống đã bị ăn thịt
Con hãy đi tìm xương
Bỏ bốn lọ, đầu bịt
Chôn ở bốn chân giường.”
Tấm tìm mọi các hốc
Gà cục tác, cục ta:
“Cho tôi một nắm thóc
Tôi bới xương cho mà.”
Tấm cho gà nắm thóc
Gà bới đủ hết xương
Bỏ bốn lọ ngang dọc
Đem chôn bốn chân giường.
Năm ấy vua mở hội
Trai gái trảy về kinh
Cám luôn miệng thúc hối
Sắm quần áo đẹp xinh.
Thấy Tấm muốn dự hội
Mụ dì ghẻ nguýt dài
Mụ làm tình, làm tội
Trộn thóc, gạo cả hai.
Bắt Tấm nhặt gạo, thóc
Riêng ra mới được đi
Tấm ngồi ôm mặt khóc
Bụt hiện: “Con muốn gì?”
Tấm kể lại cặn kẽ
Bụt bảo: ”Chẳng hề chi
Ta gọi bầy chim sẻ
Nhặt giúp con tức thì.”
Thế là bầy chim sẻ
Sà xuống nhặt liên hồi
Chỉ một loáng thôi nhé
Thóc, gạo đã phân đôi.
Mừng xong, Tấm khóc mướt
Bụt hỏi: ”Sao thế con?”
“Làm sao dự hội được
Quần áo con rách sờn?”
Bụt bảo đào các lọ
Tấm chôn bốn chân giường
Tấm đào ngay sau đó
Ô! Thật không bình thường.
Quả là kinh ngạc quá!
Trong lọ có áo, hài
Lại còn có tuấn mã
Đủ yên cương, thật tài!
Vừa trút ra, kỳ lạ!
Tất cả lớn bình thường
Tấm vui mừng khôn tả
Thay áo xống, lên đường.
Ngang qua một cầu nhỏ
Tấm đánh rơi chiếc hài
Tìm hoài vẫn không có
Sợ trễ, Tấm đi ngay.
Khi ấy đoàn xa giá
Của vua vừa qua cầu
Voi bỗng rống to quá
Chẳng ai biết vì sao?
Vua sai lính xuống nước
Tìm xem có chuyện gì
Và rồi họ mò được
Hài thêu đẹp cực kỳ.
Ngắm chiếc hài tinh xảo
Vua tần ngần hồi lâu
Và rồi vua phán bảo:
“Lệnh truyền xuống cho mau.
Mọi đàn bà con gái
Về dự hội hôm nay
Tất cả qui tụ lại
Để cùng nhau thử hài.
Ai mang vừa hài ấy
Sẽ được làm vợ vua.
”Tin truyền nhanh biết mấy
Kinh thành náo nức chưa?
Bao nhiêu là mỹ nữ
Ở khắp nơi xa gần
Đua chen nhau đến thử
Mong hài vừa với chân.
Họ thử nhiều, nhiều lắm
Mà chẳng chân ai vừa
Sau cùng đến lượt Tấm
Chân vừa khít, lạ chưa?
Cô rút trong khăn lụa
Lấy ra chiếc thứ hai
Và không cần chọn lựa
Đã có chủ chiếc hài.
Một toán quân hùng hậu
Rước ngay Tấm vào cung
Vua sắc phong hoàng hậu
Tấm sống đời gấm nhung.
Giữa cung son điện ngọc
Tấm nhớ ngày giỗ cha
Cô xin vua tức tốc
Trở về thăm quê nhà.
Về nhà, mụ dì ghẻ
Ngọt nhạt bảo Tấm là
“Con trèo cau giỏi thế
Xé buồng cau cúng cha.”
Vốn là con hiếu thảo
Tấm nhất nhất nghe lời
Nào biết mụ gian giảo
Tìm kế hại cô thôi.
Tấm trèo vừa đến ngọn
Mụ dì ghẻ vác dao
Rồi ra sức để đốn
Cau đổ, Tấm ngã nhào.
Tấm rơi xuống ao chết
Hai mẹ con đồng tình
Y trang cô đoạt hết
Cho Cám mặc về kinh.
Mụ dì ghẻ bịa chuyện
Tấm chết đuối ở quê
Đành đưa em diện kiến
Thay chị lo mọi bề.
Vua vô cùng thương cảm
Không thể nói thành lời
Nghĩ chân tình của Tấm
Đành chấp nhận Cám thôi.
Tấm chết hồn tinh anh
Biến thành chim vàng anh
Chim bay liền một mạch
Về tận chốn kinh thành.
Thấy Cám đang giặt áo
Vàng anh đậu cành cao”
Phải dùng sào phơi áo
Kẻo rách áo chồng tao.”
Rồi chim thẳng cánh bay
Vào cung hót vui tai
Lúc đậu trên bậu cửa
Khi theo vua cả ngày.
Vua vẫn còn nhớ Tấm
Thấy vàng anh theo mình
Nhớ ân tình sâu đậm
Vua thủ thỉ tâm tình:
“Ơi, vàng ảnh vàng anh
Có phải là vợ anh
Thì chui vào tay áo.”
Chim chui vào thật nhanh.
Vua quý vàng anh lắm
Sai làm một lồng vàng
Ngày ngày bên chim ngắm
Quên cả ngủ, cả ăn.
Cám vô cùng tức giận
Làm thịt chim ăn luôn
Nhân lúc vua đi vắng
Rồi vứt lông ra vườn.
Chỗ lông mà Cám vứt
Mọc hai cây xoan đào
Cây tươi xinh rất mực
Cành lá mảnh lao rao.
Những khi vua thư nhàn
Chúng xoè tán dịu dàng
Hệt như là chiếc lọng
Che mỗi bước vua sang.
Vua thấy tán cây đẹp
Sai mắc võng nằm chơi
Cám trong lòng ghen ghét
Chặt luôn hai cây rồi.
Sai đóng thành khung cửi
Nhưng khi ngồi dệt tơ
Cám liền nghe tiếng chửi
Từ khung cửi, bất ngờ!
Cám vô cùng sợ hãi
Đốt khung cửi thành tro
Ra cổng thành xa ngái
Đổ bỏ, hết còn lo!
Từ chỗ tro Cám đốt
Mọc lên một cái cây
Là cây thị xanh tốt
Cứ lớn lên từng ngày.
Thời gian cứ dần trôi
Cây thị bói quả rồi
Mùi thị thơm, thơm quá
Nhưng chỉ một quả thôi.
Có một bà hàng nước
Tình cờ đi ngang qua
Ngước nhìn cây thị ước:
“Thị ơi! Rơi bị bà!
Bà chỉ để bà ngửi
Chứ bà chẳng ăn qua.”
Thị rơi nhanh xuống dưới
Rụng ngay vào bị bà.
Bà cụ rất mừng rỡ
Mau mau đem về nhà
Ngày qua ngày hớn hở
Cùng thị vui tuổi già.
Có một điều rất lạ
Mỗi khi bà vắng nhà
Nhà cửa gọn gàng quá
Cơm nước cũng nấu qua.
Thế là bà cụ rình
Từ quả thị thình lình
Chui ra một cô gái
Bé nhỏ nhưng rất xinh.
Thoắt cái cô to lớn
Dáng yêu kiều, thướt tha
Cô tới lui khắp chốn
Rồi quét dọn cửa nhà.
Bà cụ chạy ngay vào
Nắm tay cô hỏi mau
Tấm hiền lành thưa thiệt
Chuyện đời mình trước sau.
Bà xé tan vỏ thị
Mong Tấm sống cùng bà
Tấm nhu mì, chăm chỉ
Giúp bà bao việc nhà.
Hai mẹ con sung sướng
Hưởng hạnh phúc chan hoà
Tấm têm trầu cánh phượng
Bà bán khách gần xa.
Một hôm, không báo trước
Vua trong bước vi hành
Đã ghé qua quán nước
Uống bát nước chè xanh.
Thấy trầu têm cánh phượng
Vua cứ ngẩn ngơ nhìn
Và rồi nhà vua muốn
Gặp người têm trầu xinh.
Từ sau gian nhà nhỏ
Tấm dịu dàng bước ra
Mùi hương bay trong gió
Nhan sắc vẫn mặn mà.
Vua ngỡ ngàng nhìn Tấm
Cô thưa rõ đuôi đầu
Hai người mừng vui lắm
Quả là phép nhiệm mầu.
Vua đưa Tấm về kinh
Nối lại mối duyên tình
Đã bao năm cách biệt
Hạnh phúc đến thình lình.
Riêng mẹ con của Cám
Trời cao chẳng dung tình
Cả hai đều chết thảm
Người đời thật hãi kinh.
Đáng đời cho lũ ác
Ở đời chớ xem thường
Hễ làm ác gặp ác
Nên phải sống đúng đường.
Bài thơ Tấm Cám
Tác giả: Bùi Thị Ngọc Điệp
-
Vợ chàng Trương là câu chuyện cổ tích ngợi ca lòng thủy chung của người phụ nữ Việt Nam, được kể lại một cách sáng tạo qua lời thơ của Bùi Thị Ngọc Điệp.
Làng Nam Xương ngày ấy
Có mái ấm gia đình
Vợ dịu hiền biết mấy
Chồng tên gọi Trương Sinh.
Tính chàng rất nóng nảy
Hay ghen tuông, nghi ngờ
Nàng Vũ Thị luôn phải
Giữ ý tứ từng giờ.
Vừa vui câu duyên nợ
Đất nước dấy can qua
Trương Sinh từ biệt vợ
Đi lính thú phương xa.
Chia tay, ngập ngừng bước
Vợ chàng đang mang thai
Tình nhà và nợ nước
Nặng oằn cả hai vai.
Mẹ già và con dại
Gửi gắm lại vợ hiền
Nỗi lo miền quan tái
Chồng mũi giáo, lằn tên.
Đã mấy thu chờ đợi
Vẫn không thấy chồng về
Chốn quê nhà mòn mỏi
Nàng vẫn vẹn một bề.
Suốt ngày nàng tất tả
Việc đồng áng chực chờ
Đêm chong đèn khâu vá
Chơi đùa với con thơ.
Những lúc con quấy khóc
Nàng chỉ lên bóng mình
Bảo là cha, thoáng chốc
Con vui, nàng ấm tình.
Ngày qua ngày như thế
Lâu dần thành thói quen
Cứ mỗi tối đứa bé
Đòi gặp cha bên đèn.
Cái bóng đen đen ấy
In trên vách đêm đêm
Với mẹ con từ đấy
Đã trở thành thân quen.
Rồi chiến tranh kết liễu
Trương Sinh trở về làng
Ngôi nhà xưa đã thiếu
Bóng mẹ ngày tiễn chàng.
Nhưng có điều mới mẻ
Đứa trẻ đã ra đời
Ba năm trôi lặng lẽ
Chưa gọi tiếng con ơi!
Bé Đản lên ba tuổi
Đã bi bô chuyện trò
Mới gần chàng dăm buổi
Với chàng còn đắn đo.
Trương Sinh bế bé Đản
Thăm mộ đấng sinh thành
Đi xa, bé khóc toáng
Trương Sinh liền dỗ dành:
“Con nín đi đừng khóc
Rồi cha sẽ cho quà”.
Đản nhìn chàng chòng chọc:
“Ông chẳng phải là cha.
Cha Đản là người khác
Chỉ tối mới đến nhà”.
Trương Sinh lòng tan nátNhìn con nghĩ gần xa.
“Thế thì cha của Đản
Là người như thế nào?”
“Cha không đến buổi sáng
Thắp đèn cha mới vào.
Cha làm y như mẹ
Mẹ ngồi cha cũng ngồi
Khi mẹ đi, cha sẽ
Đứng dậy cùng đi thôi”.
Lời vô tình của trẻ
Xát muối lòng Trương Sinh
Chàng không hỏi lý lẽ
Đinh ninh vợ ngoại tình.
Về nhà, ngay hôm đó
Trương Sinh trút giận liền
Vợ chẳng rõ duyên cớ
Chồng nổi giận như điên.
Mắng nhiếc vợ tàn tệ
Lời cay độc tuôn ra
“Không ngờ cô như thế
Mẹ chết, chồng đi xa
Con hãy còn nhỏ dại
Đã rước trai vào nhà”.
Vợ một mực phân giải:
“Ba năm chàng đi xa
Thiếp một lòng một dạ
Nuôi con, dưỡng mẹ già
Không một lời gian trá
Mong chàng xét suy qua”.
Nhưng Trương Sinh một mực
Không nghe vợ biện minh
Để thoả lòng căm tức
Hành hung chẳng vị tình.
Đang trong cơn phẫn uất
Người thiếu phụ đáng thương
Ôm con thơ khóc nức
Ai hiểu nỗi đoạn trường?
Một hôm chồng đi vắng
Nàng ra bến Hoàng Giang
Nỗi oan khôn tỏ đặng
Gieo mình để minh oan.
Về nhà không thấy vợ
Biết có sự chẳng lành
Trương Sinh lòng lo sợ
Có tin vợ tự trầm.
Chàng ra bờ sông ấy
Nhìn dòng nước âm thầm
Lặn tìm nhưng không thấy
Xác vợ đã mất tăm.
Đến tối thằng bé khóc
Trương Sinh liền thắp đèn
“Ô kìa, cha Đản đến!”
Thằng bé vụt kêu lên.
Đứa bé chỉ chiếc bóng
In trên vách chập chờn
Trương Sinh lòng rúng động
Đã hiểu hết nguồn cơn.
Vì ghen tuông nóng nảy
Chàng giết vợ mình rồi
Nơi sông sâu mãi mãi
Mang nỗi oan tày trời.
Còn làm gì được nữa?
Tất cả muộn màng rồi!
Bế con thơ mỗi bữa
Lặng nhìn dòng sông trôi.
Nước mắt rơi trên má
Trương Sinh chẳng buồn lau
Tấm lòng vợ cao cả
Lại thác oan vì đâu?
Từ đó chàng ở vậy
Nuôi con thơ nên người
Nỗi đau mãi còn đấy
Lòng chàng không hề nguôi.
Trên bến Hoàng Giang ấy
Miếu thờ nghi ngút hương
Người đời đi qua đấy
Gọi miếu “Vợ chàng Trương“.
Câu chuyện Vợ chàng Trương
Truyện thơ cổ tích Việt Nam
Tác giả: Bùi Thị Ngọc Điệp
-
Cóc kiện Trời là một truyện thơ dân gian Việt Nam của tác giả Bùi Thị Ngọc Điệp, cho chúng ta thấy sức mạnh to lớn của lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết.
Truyện còn có ý giải thích một hiện tượng quen thuộc trong đời sống hàng ngày, đó là mỗi khi cóc nghiến răng thì rất có thể trời sẽ sắp đổ mưa.
Ngày xưa, nơi trần thế
Nắng hạn lâu không ngờ
Ruộng đồng thì nứt nẻ
Cây cỏ cũng trụi trơ.
Chim muông khát khô họng
Nguy cấp khắp nơi nơi
Để duy trì sự sống
Cóc bèn lên kiện Trời.
Dọc đường Cóc gặp được
Cua, Gấu, Cọp và Ong
Mới đi thêm vài bước
Cáo cũng xin theo cùng.
Đến trước cửa nhà Trời
Thấy một cái trống to
Cóc bố trí ngang dọc:
“Chum nước, anh Cua lo.
Cô Ong ẩn ngay cửa
Cáo, Gấu, Cọp cùng nhau
Chia mỗi bên một nửa
Tất cả nấp kỹ vào”.
Bày trí xong các lối
Cóc gióng trống ba hồi
Trống rền vang inh ỏi
Náo động cả nhà Trời.
Trời đùng đùng nổi giận
Liền sai Gà thị uy
Gà chưa kịp lâm trận
Cáo cắn cổ tha đi.
Trời sai Chó bắt Cáo
Gấu đã chờ sẵn rồi
Chó mới vừa xông xáo
Gấu liền quật chết tươi.
Đã tức càng thêm tức
Trời sai thần Sét ra
Thần ỷ mình sức lực
Múa tầm sét sáng loà.
Nhưng vừa bước ra cửa
Ong dứt mấy mũi liền
Mắt thần dường đổ lửa
Quăng tầm sét bên hiên.
Thần nhảy vào chum nước
Cua giơ càng kẹp thôi
Thần đau phóng một nước
Mình mẩy ướt loi ngoi.
Nãy giờ Cọp chờ đợi
Đã ngứa ngáy chân tay
Vừa thấy thần ra tới
Liền tức khắc vồ ngay.
Túng thế, Trời mời Cóc
Vào hỏi han đuôi đầu
Cóc biết Trời bực dọc
Nên lựa lời để tâu:
“Dạ muôn tâu Thượng Đế
Trần gian đã lâu rồi
Đất khô, đồng nứt nẻ
Chẳng một hạt mưa rơi.
Thượng Đế cần mưa gấp
Để cứu giúp muôn loài”.
Nghe Cóc báo khẩn cấp
Trời dịu giọng ngay thôi:
“Ta sẽ cho mưa xuống
Vậy cậu cứ về đi”.
Cóc đạt được mong muốn
Cáo từ Trời tức thì.
Trời dặn trước khi kiếu:
“Lần sau hễ muốn mưa
Cậu nghiến răng báo hiệu
Ta lập tức làm mưa.
Cậu không cần vất vả
Lên đây để kiện Trời!”.
Cả đoàn quân hể hả
Về trần gian ngay thôi!
Nhìn khắp vùng, khắp cõi
Nước ngập cả ruộng đồng
Cóc lòng vui phơi phới
Quả là chẳng uổng công!
Người ta còn kể chuyện
Chẳng cần phải kiện thưa
Hễ mà răng cóc nghiến
Là trời sẽ đổ mưa.
Truyện thơ Cóc kiện Trời
Tác giả: Bùi Thị Ngọc Điệp
-
Đi san mặt đất là truyện thần thoại bằng thơ của dân tộc Lô Lô, cho thấy công lao to lớn của con người và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người xưa.
Ngày xưa, từ rất xưa…
Người già không nhớ nổi
Mấy năm mấy nghìn đời
Ngày xưa từ rất xưa…
Người trẻ không biết tới
Mấy nghìn, mấy vạn năm
Người mặt đất ăn chung
Cùng đi và cùng ở
Trồng bắp [1] trên núi cao
Uống nước từ bụng đá
Người mặt đất sống chung
Cùng ở và cùng đi…
… Bầu trời nhìn chưa phẳng
Mặt đất còn nhấp nhô
Phải đi san [2] mặt đất
Kiếm con trâu sừng cong
Chọn con trâu sừng dài
Đẽo con trâu cái ách
Đục lỗ ách luồn dây
Chão [3] dẻo làm dây cày
Thừng dài làm dây bừa
Trâu cày, bừa san đất
Chẳng quản gì nhọc mệt
San đất là việc chung
Người tìm hang Chuột Chũi [4]
Gọi hắn, hắn rung râu:
“- Suốt ngày trong lòng đất
Tôi có thấy trời đâu!”
Người lại tìm Cóc, Ếch
Đứa tặc lưỡi ngồi nhìn
Đứa thì kêu ộp oạp:
“- Chân tay tôi đều ngắn
San mặt đất sao nên ?
Để chúng tôi gọi lên
Xin trời đổ nước xuống!”
Giống nào cũng không đii
Người gọi nhau làm lấy
Nhiều sức, chung một lòng
San mặt đất cho phẳng
Nhiều tay chung một ý
San mặt đất, làm ăn…
Đi san mặt đất – Thần thoại dân tộc Lô Lô
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập VI, NXB Văn học – 1979
Nguồn: Văn học 6, tập 1, trang 16, NXB Giáo dục – 2001– TheGioiCoTich.Vn –
-
Bài thơ Nàng tiên Ốc là truyện cổ tích nói về một nàng tiên chăm chỉ bước ra từ vỏ ốc, được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể lại bằng những vần thơ hấp dẫn.
Xưa có bà già nghèo
Chuyên mò cua bắt ốc
Một hôm bà bắt được
Một con ốc xinh xinh
Vỏ nó biêng biếc xanh
Không giống như ốc khác
Bà thương không muốn bán.
Bèn thả vào trong chum.
Rồi bà lại đi làm.
Đến khi về thấy lạ:
Sân nhà sao sạch quá
Đàn lợn đã được ăn
Cơm nước nấu tinh tươm
Vườn rau tươi sạch cỏ.
Bà già thấy chuyện lạ
Bèn cố ý rình xem
Thì thấy một nàng tiên
Bước ra từ chum nước.
Bà già liền bí mật.
Đập vỡ vỏ ốc xanh
Rồi ôm lấy nàng tiên
Không cho chui vào nữa
Hai mẹ con từ đó
Rất là yêu thương nhau…
Tác giả: Phan Thị Thanh Nhàn
-
Bài thơ Hoa mào gà của Thanh Hào được lấy cảm hứng từ câu chuyện hoa mào gà nổi tiếng. Sự tích này còn được Hồng Thu thể hiện dưới dạng truyện thơ cổ tích.
Một hôm chú gà trống
Lang thang trong vườn hoa
Đến bên hoa mào gà
Ngơ ngác nhìn không chớp.
Bỗng gà kêu hoảng hốt:
Lạ thật các bạn ơi!
Ai lấy mào của tôi?
Cắm lên cây này thế?
Tác giả: Thanh Hào
Lời thơ hết sức đơn giản, phù hợp với các bé mầm non, miêu tả tâm trạng ngạc nhiên, hoảng hốt của chú gà trống khi tưởng có ai đó lấy chiếc mào xinh xắn của mình cắm lên cây hoa trong vườn.
-
Câu chuyện Hoa mào gà của tác giả Phạm Thị Hồng Thu kể lại việc gà Mái Mơ đã có hành động cao đẹp, nhường cho bạn chiếc mào đỏ xinh xắn của mình. Bài thơ giáo dục các bé phải biết quan tâm đến những người thân yêu và bạn bè xung quanh mình. Mái Mơ đã cho đi chiếc mào mình có, nhưng phần thưởng mà Mái Mơ nhận được chính là niềm vui trong tâm hồn mỗi khi làm được việc gì có ích. Đó chính là giá trị của tình yêu thương mà chúng ta đã trao đi.
Gà Mơ mào đỏ
Xinh đẹp nết na
Chẳng thích la cà
Say kiếm mồi nhất.
Bỗng nghe thút thít
Mái Mơ thật lo
Vỗ về hỏi dò:
– Bạn sao buồn thế?
– Muôn cây đẹp đẽ
Quả ngọt, hoa xinh
Cây tôi một mình
Chẳng hoa, chẳng quả.
Mơ thương cây quá
Tặng luôn cái mào
Cây đẹp biết bao
Mơ mừng khôn xiết.
Bạn mơ thật tuyệt
Phải không bé yêu
Thương bạn thật nhiều
Bạn yêu nhiều nhé!
Tác giả: Phạm Thị Hồng Thu
-
Sư Tử xuất quân là truyện ngụ ngôn La Phông-ten, được Nguyễn Minh dịch, đề cao vai trò của người lãnh đạo khi biết phát huy hết khả năng của từng cá nhân.
Sư Tử bàn chuyện xuất quân
Muốn sao cho khắp thần dân trổ tài
Nhỏ to, khoẻ yếu muôn loài
Ai ai cũng được tùy tài lập công:
Voi vận tải trên lưng quân bị
Vào trận sao cho khoẻ như voi.
Công đồn, Gấu phải kịp thời,
Cáo nhiều mưu kế tính bài quân cơ .
Mẹo lừa địch, phải nhờ chú Khỉ…
Bỗng có người nảy ý tâu Vua:
“Người ta bảo ngốc như Lừa
Nhát như Thỏ Đế, xin chưa vội dùng.”
“Không! – Vua phán – Trẫm dùng cả chứ!
Loại họ ra, đội ngũ không yên
Anh Lừa lo chuyện gạo tiền
Giấy tờ Thỏ chạy giao liên tài tình.”
Đã rằng khiển tướng, điều binh
Nhìn người giao việc cho tinh mới tài.
Truyện ngụ ngôn La Phông-ten
Nguyễn Minh dịch