Top 16 Sự kiện tài chính kinh doanh nổi bật nhất 2021
Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 khiến kinh tế - xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện ... xem thêm...rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn và phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Dưới đây là những sự kiện tài chính kinh doanh nổi bật nhất 2021.
-
Từ cuối năm 2020, “nghẽn lệnh” đã trở thành từ khóa “nóng” trên nhiều diễn đàn và khắp các mặt báo. Bước sang nửa đầu năm 2021, dù có nhiều giải pháp nhưng nghẽn lệnh vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng, đỉnh điểm là việc phải tạm dừng giao dịch trên HoSE vào phiên chiều ngày 1/6. Nghẽn lệnh không chỉ gây bức xúc, khó chịu và cả thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn tạo ra áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý, HoSE và các đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, ngày 5/7, HoSE đã chính thức đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HoSE phối hợp với FPT xây dựng trên nền tảng phần mềm hệ thống của HNX. Giải pháp mới với năng lực lệnh lên tới 3 - 5 triệu lệnh/ngày đã vận hành ổn định, mượt mà, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, bất chấp thị trường liên tiếp lập thêm nhiều đỉnh mới.
-
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực cũng như sôi động từ thời điểm tháng 4/2020. Không những vậy, thị trường chứng khoán còn có sự tăng trưởng vượt bậc hơn nhiều và lập liên tiếp hàng loạt kỷ lục.
Tháng 11, lần đầu tiên số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt 200.000 đơn vị. Như vậy, số lượng tài khoản chứng khoán mỗi tháng của cá nhân trong nước vượt 100.000 đơn vị duy trì 9 tháng liên tiếp, đưa tổng khối lượng mở mới 11 tháng năm 2021 lên 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại.
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 11 đạt hơn 4 triệu đơn vị, tương đương gần 4% dân số. Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Như vậy đến nay, tỷ lệ này của Việt Nam đang vào khoảng hơn 4,08%.
-
Tập đoàn bất động sản Evergrande lần đầu tiên chính thức bị "gán mác" vỡ nợ. Đây là cột mốc mới nhất trong chuỗi "drama tài chính" kéo dài nhiều tháng, mở đường cho cuộc tái cơ cấu lớn đối với nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Xếp hạng nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ dài hạn của gã khổng lồ ngành bất động sản đã bị Fitch Ratings hạ xuống mức "vỡ nợ hạn chế" (restricted default). Tổ chức này cho biết Evergrande đã lỡ thời thời hạn thanh toán các khoản thanh toán lãi với trái phiếu USD đến hạn vào ngày 6/12. Việc Fitch hạ xếp hạng có thể gây ra các vụ vỡ nợ chéo đối với khoản nợ 19,2 tỷ USD của nhà phát triển này.
Diễn biến này đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn kết thúc của đế chế bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, được sáng lập cách đây 25 năm bởi tỷ phú Hứa Gia Ấn. Ngoài ra, vụ vỡ nợ cũng mở ra một cuộc chiến kéo dài về việc ai sẽ tiếp nhận hậu quả còn sót lại.
-
Thị trường bất động sản cả nước xôn xao vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM, với mức trúng đấu giá lên tới gần 2,4 tỉ đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm. Cuộc đấu giá diễn ra kịch tính với sự xuất hiện của nhiều “đại gia”, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. TP.HCM thu 37.000 tỉ đồng từ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm. Sau phiên đấu giá lô 3-5 sẽ đấu giá lô 3-8, diện tích hơn 8.568m2 có giá khởi điểm 1.018,594 tỉ đồng.
Cả bốn lô đất đều có thời gian sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá có hiệu lực. Giá khởi điểm của bốn lô đất gần 5.300 tỷ đồng. Kết quả, cả 4 lô đất này đều được đấu giá thành công, dự kiến thu về tổng cộng 37.346 tỷ đồng cho ngân sách TP.HCM, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm.Việc đấu giá thành công 4 lô đất này sẽ tạo thêm động lực để TP.HCM đẩy nhanh tiến độ rà soát, triển khai đấu giá quyền sử dụng đất đối với hàng chục nhà công, đất công do TP quản lý. Bởi, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, hiện TP còn 13 dự án có thể giao đất thu tiền ngay trong năm 2021.
-
Năm 2021 Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ hơn của đại dịch COVID-19 khiến GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17%. Song, thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với hai lần chạm tới vào năm 2007 và 2018. Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và đạt đến đỉnh cao mới quanh 1.500 điểm.
Mặc dù thị trường liên tiếp đạt đỉnh cao lịch sử mới nhưng mức định giá lại liên tục giảm, do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng vượt bậc. Giai đoạn VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm năm 2007, hệ số P/E của thị trường đạt 34 lần, giai đoạn đỉnh 1.200 điểm năm 2018, P/E đạt 22 lần nhưng hiện tại VN-Index quanh 1.500 điểm, P/E chỉ hơn 17 lần.
-
Siêu ứng dụng MoMo trong năm 2021 đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ năm Series E với số tiền huy động khoảng 200 triệu USD, đưa định giá công ty vượt mốc 2 tỉ USD, chính thức trở thành kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam và khu vực. Các nhà đầu tư tham gia vào vòng gọi vốn lần này bao gồm hai nhà đầu tư mới là Mizuho Bank, Ward Ferry cùng hai nhà đầu tư hiện hữu Goodwater Capital và Kora Management trong đó nhà đầu tư dẫn dắt chính là Mizuho Bank.
Tính đến hiện tại, MoMo là một trong hai công ty fintech có định giá trên tỉ đô tại Việt Nam, và đưa con số Tech Unicorn (Kỳ lân công nghệ) của Đông Nam Á lên số 36.
MoMo là nền tảng siêu ứng dụng hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù năm 2021 nền kinh tế gặp nhiều thách thức bởi đại dịch nhưng MoMo vẫn ghi nhận năm tăng trưởng vượt bậc doanh thu ước tính tăng khoảng gấp đôi so với năm 2020. Siêu ứng dụng hiện đang phục vụ cho hơn 31 triệu người dùng, cùng hệ sinh thái liên kết với hơn 50 đối tác tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, 50.000 đối tác bán lẻ và 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên khắp cả nước trải rộng nhiều lĩnh vực.
-
Ngày 28/4/2021, VPBank chính thức công bố bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Sumitomo Mitsui. Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỉ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỉ USD từ thương vụ này. Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.
FE Credit từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Những năm gần đây, công ty này mang về 45 - 50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng…
Hiện FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên. Đến nay, FE Credit đã phục vụ gần 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp.
Trong khi đó, Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỉ USD tại thời điểm 31-12-2020, đồng thời là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc.
-
Tổng sản phẩm trong nước GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%.
Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, trong đó, COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tại các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp của cả nước như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ....
Mức tăng trưởng âm 6,17% là “cú sốc” khá mạnh ngoài mong đợi, làm thay đổi nhận thức về tăng trưởng cả năm.
-
Mở cửa phiên sáng 17/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng trên thế giới giao dịch ở mức 1.851 USD/ounce. Trong khi đó, vào thời điểm cuối ngày hôm qua, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.873 USD/ounce. Đây là mức giá cao nhất của vàng kể từ trung tuần tháng 6. Thị trường vàng trong nước, mở cửa phiên sáng nay (17/11), giá vàng miếng SJC ở mức 61,00 triệu đồng/lượng mua vào và 61,75 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng mua vào và giảm 70.000 đồng/lượng bán ra.
So với đầu tháng, giá vàng SJC đã tăng thêm gần tới 3 triệu đồng/lượng; tính đến thời điểm 11/2021, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao kỷ lục vượt 10 triệu /lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, trong khi thông tin về sức mua trên thị trường khó có thể nắm bắt được cụ thể. Nếu mua vàng miếng SJC, người mua sẽ chịu mức giá đắt hơn 10 triệu đồng so với thế giới.
Nguyên nhân khiến thị trường vàng “nổi sóng” được cho là xuất phát từ việc mới đây, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng tới 6,2%, vượt các dự báo đưa ra trước đó là 5,8 - 5,9%. Ngay sau khi số liệu trên được công bố, dòng tiền đã đi tìm kênh trú ẩn an toàn là vàng khiến giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua.
-
Đồng tiền ảo trong game blockchain Axie Infinity của người Việt vừa lập đỉnh mới 71 USD, qua đó thiết lập vốn hóa kỷ lục 4,4 tỷ USD.
Không lâu sau khi trở thành game blockchain đầu tiên cán mốc doanh số 1 tỷ USD, Axie Infinity của người Việt lại thiết lập kỷ lục mới. Đồng tiền ảo dùng trong trò chơi này, Axie Infinity Shards (AXS), vừa lập đỉnh 71 USD qua đó thiết lập vốn hóa kỷ lục 4,4 tỷ USD.
Chỉ trong vòng nửa tháng, Axie Infinity đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông khi nhà sáng lập kiêm CEO Trung Nguyễn được săn đón như tỷ phú đô la. Thời điểm đó, đồng AXS chỉ có giá trị quanh mốc 42 USD với vốn hóa khoảng 2,5 tỷ USD và CEO Trung Nguyễn phủ nhận mình là tỷ phú đô la.
Cùng với cơn sốt Axie Infinity, tiền ảo nói chung đang chứng kiến sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư. Tính đến sáng 11/8/2021, vốn hóa của toàn thị trường đã hồi phục ở mốc 1.882 tỷ USD, một kỷ lục kể từ thời điểm hoạt động đào và giao dịch tiền ảo bị Trung Quốc trấn áp hồi giữa tháng 5.
-
Ngày 28/7, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15; trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ ban hành nhiều quyết sách, đặc biệt Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được coi là mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tính đến đầu tháng 12/2021, các ngành đã miễn, giảm, giãn khoảng 140 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí cho doanh nghiệp; xuất cấp hơn 253 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân; giải ngân 1.754 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí khoảng 31 nghìn tỷ đồng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng...
-
Ngày 6/11, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.
Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước, phương thức vận tải khách công cộng khối lượng lớn này hứa hẹn sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài 13km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa) và 13 đoàn tàu.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu. Dự án đã trải qua 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành.
-
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021.
Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã tăng đáng kể, giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua một năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%.
-
Năm 2021, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho ra mắt hàng loạt xe điện mới, được giới thiệu cả trên đất Mỹ giữa bối cảnh thị trường ôtô Việt trải qua nhiều thăng trầm. Thế nhưng bất chấp mọi khó khăn, hãng xe Việt vẫn ghi dấu ấn bằng loạt mỹ từ trên báo quốc tế, kèm theo đó là doanh số đáng nể cả ở nước ngoài lẫn trong nước.
Không những thế, hãng xe ô tô Việt Nam là Vinfast tung 2 mẫu xe điện trên đất Mỹ, cạnh tranh với hãng xe nổi tiếng là niềm tự hào về nền công nghiệp ôtô điện là Tesla. Khoảnh khắc những chiếc VF e34 đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp ôtô điện Việt Nam. Hiện xe điện của Vinfast cũng chính thức bàn giao cho người tiêu dùng Việt.
Một trong 2 mẫu xe mà Vinfast lựa chọn ra mắt trên đất Mỹ nhân dịp triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 là VF e35 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, bởi phân khúc ô tô điện dáng CUV mà VF e35 góp mặt bị cạnh tranh gay gắt khi có sẵn các đối thủ mạnh như Tesla Model Y, Jagura i-Pace, Mercedes-Benz EQC và tới đây là Toyota bZ4X.
-
Ngày 25/2, tại "Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu" do Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới tổ chức nhằm công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.
Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Đánh giá của Brand Finance cho thấy, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.
-
Việc Chính phủ đồng ý lộ trình mở cửa đón khách quốc tế và ngay sau đó Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã giúp các doanh nghiệp đón khách quốc tế trở lại thí điểm từ tháng 11/2021. Hiện hàng không đang chuẩn bị tái khởi động mạng bay quốc tế, trước mắt 9 thị trường được định hướng khơi thông nối lại các chuyến bay thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore.
Theo kế hoạch, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về du lịch cho khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc xin, phù hợp với hệ thống công nhận của quốc tế. Phú Quốc (Kiên Giang) là địa phương đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 10 và dần mở rộng tới Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Cùng với đó, ngành du lịch sẽ triển khai các chiến dịch kích cầu, phục hồi du lịch với 6 nội dung: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.