Top 6 Phân tích hình tượng những chiếc xe không kính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật

Bình An 2054 0 Báo lỗi

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” không chỉ khắc họa vẻ đẹp người lính lái xe hiên ngang mạnh mẽ mà còn thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh qua hình ảnh ... xem thêm...

  1. Phạm Tiến Duật là gương mặt tiêu biểu cho thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ. Ông thường viết về người lính và những thanh niên xung phong, với giọng điệu thơ sôi nổi, trẻ trung, tinh nghịch. Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969 đã vẽ lên chân dung những người lính sôi nổi, lạc quan, mà cũng vô cùng anh hùng, dũng cảm.


    Lối đặt nhan đề bài thơ hết sức độc đáo. Tác giả lấy từ Bài thơ để đặt nhan đề cho một bài thơ. Tưởng là thừa mà kì thực không phải như vậy, với cách đặt nhan đề đó, trước hết Phạm Tiến Duật đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc. Không chỉ vậy, ông cũng muốn nhấn mạnh, bài thơ của mình không chỉ nói về hiện thực chiến tranh khốc liệt mà còn muốn nói về chất thơ trong hiện thực đó.


    Chất thơ trong tâm hồn trẻ trung, ngang tàng của người lính lái xe. Nhan đề đã khắc họa, đề cao vẻ đẹp của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Hình ảnh gây ấn tượng nhất với bạn đọc là hình ảnh những chiếc xe không kính, ngay với câu thơ đầu tiên, Phạm Tiến Duật đã thật hóm hỉnh khi giới thiệu về chúng:


    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.


    Câu thơ đầu sử dụng một loạt từ phủ định từ không có, không phải để rồi sau đó giải thích do bom giật, bom rung nên kính đã vỡ hết. Giọng thơ thật hóm hỉnh mà cũng thật ngang tàng. Chiếc xe ấy không chỉ vỡ kính mà còn không có đèn, không có mui, thùng xe xước. Hình dáng chiếc xe thật méo mó đã phản ánh sự khốc liệt của chiến trường, phá hủy toàn bộ những chiếc xe đi trên cung đường Trường Sơn.


    Đồng thời cũng cho thấy nhưng gian khổ mà người lính phải gắng mình vượt qua. Không chỉ vậy, ta còn nhận được sự gan góc, kiên cường của người lính lái xe. Nhưng cũng chính nhờ chiếc xe không kính đó, mà người lính có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên, phát hiện vẻ đẹp của đất trời, làm cho tình đồng chí, đồng đội trở nên gắn bó và khăng khít hơn.


    Trên tuyến đường Trường Sơn hết sức gập ghềnh chứa đầy hiểm nguy, ta không chỉ thấy nổi bật hình ảnh những chiếc xe không kính, mà nổi bật và đẹp đẽ hơn cả là chân dung những người lính lái xe. Trước hết họ hiện lên trong tư thế ung dung, hiện ngang: Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng. Chữ ung dung được đảo lên đầu câu, nhấn mạnh vào tư thế chủ động, bình tĩnh, tự tin của người lính. Điệp từ nhìn, cùng thủ pháp liệt kê với lối miêu tả hiện thực trần trụi, không né tránh, đã khắc họa những gian khổ mà họ phải đương đầu. Tuy nhiên, họ không hề né tránh mà kiên cường, anh dũng đối mặt với những gian nan, thử thách ấy.


    Họ còn mang trong mình tinh thần lạc quan, sôi nổi, tinh thần trẻ trung, hóm hỉnh. Hiện thực vô cùng gian khổ: bụi, mưa Trường Sơn dưới con mắt họ không còn là những thử thách, khó khăn mà nó trở thành cơ hội để họ giao hòa với thiên nhiên. Giọng điệu hóm hỉnh, đầy vui đùa: ừ thì có, không có, chưa cần đã làm mờ đi cái khắc nghiệt của chiến tranh, cái nhìn trở nên lạc quan, tươi vui hơn.


    Trải qua nhiều gian khó, đối với họ tình cảm đồng đội thật thiêng liêng, trân quý. Tình cảm ấy, không thể hiện bằng lời nói ngọt ngào mà chỉ đơn thuần là cái bắt tay vội vã khi gặp nhau giữa đường. Cái bắt tay ấy giúp họ chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, tiếp cho họ thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu trên những chặng đường phía trước. Lời động viên thầm lặng mà nồng ấm, có sức mạnh to lớn, không gì có thể thay thế được. Sự gắn bó của họ không chỉ dừng lại ở tình cảm đồng chí, đồng đội, ở tình cảm bạn bè mà đã được nâng lên một thứ tình cảm khác thiêng liêng, quý báu hơn đó là tình cảm gia đình: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy.


    Giữa những khói bom lửa đạn của chiến tranh, họ vẫn dành cho nhau chút thời gian ngắn ngủi để cùng nhau ăn bữa cơm. Dù bữa cơm trắng có phần đạm bạc nhưng lại ấm áp tình người. Bữa cơm ấy đã xóa nhòa khoảng cách, khiến những con người xa lạ trở thành những người anh em ruột thịt. Bữa cơm đã tiếp thêm cho họ sức mạnh tinh thần để lại đi lại đi trời xanh thêm. Điệp từ lại đi được lặp lại hai lần cho thấy những đoàn xe nhịp nhàng nối đuôi nhau ra trận trong không khí khẩn trương. Hình ảnh ẩn dụ trời xanh thêm cho chúng ta thấy tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui phơi phới của những chiến sĩ. Đồng thời màu xanh đó cũng tượng trưng cho tương lai hi vọng vào ngày mai tất thắng của dân tộc.


    Khổ thơ cuối cùng, một lần nữa khắc họa, khẳng định ý chí chiến đấu vì miền Nam, vì độc lập của tổ quốc. Ba câu thơ đầu, Phạm Tiến Duật đề cập đến những cái không của những chiếc xe: không có kính, không có đèn, thùng xe xước. Nhưng chính cái không ấy để đến câu thơ cuối cùng ông làm nổi bật lên cái có: Chỉ cần trong xe có một trái tim.



    Trái tim nồng ấm, nhiệt thành đã trở thành nhãn tự, làm bừng sáng cả bài thơ. Chỉ cần trong những chiếc xe đó có trái tim của những người chiến sĩ thì mọi khó khăn, gian khổ đều có thể vượt qua để đi đến chiến thắng cuối cùng. Hình ảnh người lính lái xe là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kì chống Mỹ cứu nước.


    Tác giả sử dụng thể thơ tự do đậm chất văn xuôi khiến câu chuyện về người lính được thuật lại thật tự nhiên, hóm hỉnh. Hình ảnh thơ chân thực. Ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ tự nhiên, như lời ăn tiếng nói hàng ngày nên dễ đi vào lòng người. Giọng điệu: vừa ngang tàng, khỏe khoắn vừa hài hước, dí dỏm.


    Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã xây dựng vô cùng xuất sắc chân dung những người lính với biết bao phẩm chất tốt đẹp, đáng tự hào, ngợi ca. Trái tim nồng cháy của họ còn tỏa rạng đến muôn thế hệ sau. Họ chính là tấm gương để chúng ta, thế hệ trẻ học tập và noi theo để xây dựng đất nước.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

    Mà lòng phơi phới dậy tương lai


    Vâng, đó là khí thế hăm hở, mạnh mẽ, hào hùng của những chàng dũng sĩ mặc áo lính, khoác áo chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kì chống đế quốc Mĩ xâm lược. Và cũng góp mình vào công cuộc bảo vệ đất nước, vì hòa bình dân tộc ấy, Phạm Tiến Duật – một nhà tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam, cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Nguyễn Đức Mậu... đã vừa cầm súng, lại vừa cầm bút, dùng tiếng thơ của mình làm bàn xoay chế độ, mỗi vần thơ là bom đạn phá cường quyền.


    Để rồi khi người ta nhắc tới Phạm Tiến Duật thì những bài thơ viết về người lính, về các cô gái thanh niên xung phong mười tám, đôi mươi cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí như: Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Gửi em cô thanh niên xung phong, Lửa đèn... và trong đó tiêu biểu có "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Đến với bài thơ, chúng ta thấy được vẻ đẹp của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa với biết bao phẩm chất tuyệt vời như: dũng cảm, hiên ngang, mạnh mẽ, kiên cường và pha chút hóm hỉnh, tươi vui. Đồng thời, qua tác phẩm, người đọc thấy được sự tàn khốc của hiện thực chiến tranh, in hằn lên hình hài dáng vóc của người lính và đặc biệt là sự trần trụi đến hoang tàn của những chiếc xe không kính bị bom mìn tàn phá.


    Thực ra, trước Phạm Tiến Duật đã có rất nhiều phương tiện giao thông đã được các nghệ sĩ đưa vào trong thơ của mình. Đó là hình ảnh của một con tàu tiến lên Tây Bắc trong bài "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên:


    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu

    Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

    Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.


    Hay đó là con thuyền tiến ra khơi đánh bắt cá của những người ngư dân miền chài lưới trong bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh, "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận...


    Thuyền ta lái gió với buồm trăng

    Lướt giữa mây cao với biển bằng

    Ra đậu dặm xa dò bụng biển

    Dàn đàn thế trận lưới vây giăng.


    Nhưng tất cả những xe cộ, tàu thuyền ấy khi đi vào thơ đều được lãng mạn hóa, mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Còn những chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật lại xuất phát từ hình ảnh có thực, thật đến trần trụi, "sống sít", chỉ có trong chiến trường Trường Sơn thời kì chống Mĩ.


    Đầu tiên, hình ảnh những chiếc xe không kính gây ấn tượng khác lạ và độc đáo ban đầu nơi người đọc qua cách đặt nhan đề của Phạm Tiến Duật: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Nhan đề khá dài, có vẻ như có chỗ thừa nhưng chính cái điểm ấy mà tạo nên cái độc lạ, thu hút sự chú ý của bạn đọc. Tác giả đã thêm vào nhan đề tác phẩm hai chữ “bài thơ”, điều đó cho thấy được chất thơ trong bài thơ, đồng thời cho thấy được cái nhìn lãng mạn của tác giả trước hiện thực khốc liệt của chiến tranh về những chiếc xe không kính do bom rơi, đạn lạc.


    Và với cách đặt nhan đề bài thơ như vậy, Phạm Tiến Duật cũng muốn nhấn mạnh đến những chiếc xe không kính trong khói lửa chiến tranh chỉ có ở chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mĩ có rất nhiều, rất đông trở thành cả một “tiểu đội xe không kính”. Từ đó, nhà thơ làm nổi bật lên sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần hiên ngang, dũng cảm, sôi nổi và trẻ trung của người lính khi lái những chiếc xe không kính bon bon ra chiến trường. Cho nên, ngay nhan đề thơ đã gợi mở chủ đề, tạo được giọng điệu, sắc thái thẩm mĩ riêng cho toàn bộ bài thơ: hóm hình, tươi vui, tinh nghịch, rất lính tráng.


    Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu về hình ảnh của những chiếc xe không kính vẫn băng băng tiến ra chiến trường. Tác giả chỉ ra nguyên nhân của những chiếc xe không có kính bằng một câu thơ văn xuôi rất tự nhiên, rất chân thực:


    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi


    Dòng thơ đầu, gồm có mười chữ với giọng điệu bướng bỉnh, ngang tàng, khai mở chủ âm của toàn bài. Tác giả đã biến cái không bình thường thành bình thường, thậm chí như thú vị trước điều đó. Đây là những chiếc xe đã đi qua bom đạn thử thách – "bom giật bom rung" là cái khốc liệt của chiến trường làm xe bị hư hại. Điệp từ “không” được lặp lại ba lần trong một dòng thơ kết hợp với động từ mạnh “giật” , “rung” vừa có ý nghĩa giải thích nguyên nhân xe không có kính, lại vừa có ý nghĩa nhấn mạnh đến sự dữ dội, tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Và sự tàn phá ấy không chỉ gây "thương tật" cho một chiếc xe mà còn tạo nên những tiểu đội xe không kính:


    Những chiếc xe từ trong bom rơi

    Đã về đây họp thành tiểu đội


    Không dừng lại ở đó, trong chiến tranh bom rơi đạn lạc, những chiếc xe không chỉ bị vỡ kính mà còn bị biến dạng trở nên biến dạng thêm, trần trụi hơn nữa:


    Không có kính, rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước


    Điệp từ “không có…” kết hợp với cách liệt kê hình ảnh các bộ phận thiếu thốn của xe “kính, mui, đèn, thùng xe” đã cho thấy cái nhìn rất chân thực về chiến tranh. Đó là sự hủy diệt vô cùng tàn khốc của bom rơi, đạn lạc nơi chiến trường xa xôi. Nhưng, bộ não, linh hồn của xe dường như không phải là máy móc, mà là tấm lòng người chiến sĩ, nên:


    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

    Chỉ cần trong xe có một trái tim.


    Dù bom đạn đã phá hủy tất cả chiếc xe, nhưng "trái tim" ” của người chiến sĩ lái xe là một động cơ hoàn hảo, có thể thay thế cho toàn bộ những cái “không có” bên trên của những chiếc xe hư hỏng, trần trụi. Tất cả vì một mục tiêu cao cả mà người lính lái xe đã xác định cho mình “vì miền Nam” ruột thịt.


    Đến đây, chúng ta nhận ra một điều, chắc hẳn Phạm Tiến Duật phải là một hồn thơ nhạy cảm, có nét ngang tàng, tinh nghịch, thích cái mới lạ thì mới có thể nhận ra được và đưa những chiếc xe không kính vào trong thơ, trở thành biểu tượng độc đáo của thời kì chiến tranh chống Mĩ tuyệt vời đến như vậy. Hình ảnh này tạo nên cái tứ lạ, độc đáo, vừa nói lên cái ác liệt, dữ dội của chiến tranh, vừa bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn: dũng cảm, hiên ngang, tếu táo, tinh nghịch, rất lính tráng...

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Trong văn học kháng chiến, viết về người lính có rất nhiều, nhưng viết những phương tiện giao thông như những chiếc xe chuyên chở lương thực, đạn dược lại rất ít. Ta bắt gặp những chiếc xe lạ lùng trong câu ca dao:


    Xe đâu xe lạ xe lùng

    Đầu xe thì bẹp, chắn bùn lại không

    Chỗ ngồi như tựa bàn chông

    Thùng xe gỗ mục vô cùng thảm thương

    Đêm nào cũng chạy trên đường

    Kế hoạch vượt mức chẳng nhường cho ai


    Góp phần khắc họa sâu hơn nữa sự bất thường về vẻ bề ngoài của những chiếc xe, Phạm Tiến Duật cũng có một tác phẩm nói về những chiếc xe ấy mang tên Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bài thơ không chỉ để lại ấn tượng trong lòng người đọc về những người lính lái xe dũng cảm, hiên ngang mà còn bởi hình tượng những chiếc xe vô cùng lạ và độc đáo.


    Ngay từ nhan đề bài thơ hình ảnh những chiếc xe không kính đã xuất hiện, gây ấn tượng, sự tò mò với người đọc. Những chiếc xe ấy vốn hình thù ra sao, chúng làm những nhiệm vụ gì ? Câu thơ mở đầu là hàng loạt các phủ định từ:


    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi


    Câu thơ như lời ăn tiếng nói hàng ngày, như buột miệng mà thành thơ. Câu thơ đầu khẳng định những chiếc xe này vốn vẫn có kính như những chiếc xe bình thường khác. Và để lí giải vì sao hiện tại những chiếc xe có hình thù như vậy, ở câu thơ thứ hai tác giả đã khẳng định: bom giật, bom rung nên kính đã bị vỡ. Chữ bom xuất hiện hai lần kết hợp với động từ giật, rung đã cho ta thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự tán phá dữ dội của bom đạn, đã hủy hoại những chiếc xe không kính. Không chỉ vậy, Phạm Tiến Duật còn khắc họa rõ nét sự biến dạng của những chiếc xe không kính:


    Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước


    Điệp từ không có kết hợp với biện pháp liệt kê đã nhấn mạnh vào những khó khăn, thiếu thốn mà mỗi người chiến sĩ phải đương đầu, cố gắng vượt qua. Những khó khăn ấy cứ chồng chất lên nhau, như thử thách sự bền bỉ, kiên định của người chiến sĩ. Đồng thời những hình ảnh ấy cũng góp phần làm nổi bật sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, khiến những chiếc xe mang đầy thương tích. Nhưng chính những chiếc xe đầy thương tích, tưởng chừng như không thể vượt qua được bom đạn của chiến tranh nữa lại vẫn hàng ngày băng băng ra trận tuyến, mang trong mình trái tim, lý tưởng cao đẹp: chiến đấu vì miền Nam phía trước. Chiến tranh chỉ có thể phá hủy hình dạng bên ngoài của những chiếc xe chứ không thể hủy hoại ý chí, nhiệt huyết trong chúng.


    Những chiếc xe không kính, bị tàn phá nhưng chính nó đã tạo điều kiện, cơ hội để các chiến sĩ giao hòa với thiên nhiên. Những cơn gió, đàn chim, ánh sao trời ùa vào buồng lái, đồng hành cùng họ trên suốt chặng đường ra mặt trận. Không chỉ vậy từ những ô cửa kính vỡ cũng là cơ hội để những người lính tiếp thêm sức mạnh cho nhau, tạo ra động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ: Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.


    Những chiếc xe không kính là hình tượng nổi bật, là sáng tạo độc đáo có một không hai của nền văn học Việt. Với những nét vẽ chân thực đến mức trần trụi, cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh. Đồng thời hình ảnh những chiếc không kính cũng trở thành bức phông nền làm nổi bật vẻ đẹp ngang tàng, ý chí chiến đấu kiên cường của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Tác giả Phạm Tiến Duật là một người lính, nhà văn tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống đế quốc Mỹ xâm lược. Vừa cầm súng, vừa cầm bút dùng tiếng thơ của mình để góp phần vào công cuộc bảo vệ nền hòa bình độc lập dân tộc. Trong các tác phẩm về người lính của Phạm Tiến Duật không thể không nhắc tới tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Bài thơ không chỉ khắc họa vẻ đẹp người lính lái xe hiên ngang mạnh mẽ mà còn thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe không kính.


    Những chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật là hình ảnh có thật, và thật đến trần trụi, chỉ có ở trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ. Cách đặt nhan đề bài thơ đã gây ấn tượng đầu tiên đối với người đọc. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhan đề khá dài và tác giả thêm vào hai chữ “bài thơ” nhằm muốn khẳng định và nhấn mạnh chất thơ có trong bài thơ, thể hiện được tâm hồn và cái nhìn lãng mạn của tác giả trước hiện thực chiến tranh khốc liệt, gian khổ.


    Bên cạnh đó nói đến cả “tiểu đội xe không kính” là tác giả muốn nhắc tới số lượng những chiếc xe bị tàn phá ấy có rất nhiều, rất đông. Qua các đặt nhan đề đã gợi tả được sự tàn khốc của chiến tranh, tinh thần hiên ngang bất khuất và lạc quan của người lính lái xe. Những chiếc xe không kính vẫn băng băng ra chiến trường, mà nguyên nhân xe không có kính đó là:


    “Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”


    Đây là những chiếc xe đã đi qua thử thách của bom đạn trong sự khốc liệt của chiến trường. Điệp từ “không” nhấn mạnh tư thế chủ động của người lính, biến cái không bình thường thành bình thường và thú vị hơn. Đồng thời nhấn mạnh sức tàn phá dữ dội của bom mìn trong chiến tranh. Nhiều những xe bị tàn phá tới nỗi tạo nên những tiểu đội xe không kính:


    “Những chiếc xe từ trong bom rơi

    Đã về đây họp thành tiểu đội”


    Tác giả đã bóc trần trụi sự thật về chiếc xe không kính bị biến dạng và thiếu thốn đủ thứ:


    “Không có kính, rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước”


    Điệp từ “không có” rồi liệt kê các bộ phận của xe đã dựng lên hình ảnh chiếc xe bị tàn phá nghiêm trọng trong chiến tranh. Tuy nhiên tác giả đã khẳng định rằng linh hồn của chiếc xe không nằm ở chi tiết máy móc, phụ kiện mà là ở tấm lòng người chiến sĩ:


    “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

    Chỉ cần trong xe có một trái tim”


    Dù cho bom đạn có phá hủy chiếc xe tới mức nào nhưng chỉ cần trái tim của người lính lái xe vẫn tồn tại sẽ thay thế cho tất cả các bộ phận đã mất đi của xe. Tất cả hướng về mục tiêu của Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt.


    Tác giả Phạm Tiến Duật đã đưa những chiếc xe không kính vào trong thơ, trở thành biểu tượng độc đáo cho thời kì chống Mỹ của nước ta. Những chiếc xe vừa phơi bày hiện thực chiến tranh khốc liệt và dữ dội, vừa tô đậm vẻ đẹp của những người lính lái xe hiên ngang, bất khuất và lạc quan.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. "Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác" (trích "Bác đang cùng chúng cháu hành quân"). Những câu ca quen thuộc do tác giả Huy Thục sáng tác đã tái hiện thành công những đoàn quân ra trận với trái tim yêu nước mãnh liệt. Trên những tuyến đường hành quân đó, không chỉ có những đoàn bộ đội, dân công mà còn có những tiểu đoàn xe "bon bon" chạy để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến. Điều này đã được tác giả Phạm Tiến Duật làm nổi bật thông qua "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", tạo nên một hình tượng độc đáo, đặc sắc và giàu ý nghĩa về hình tượng những chiếc xe không kính.


    Trước hết, hình tượng những chiếc xe không kính là hình ảnh thực, gần gũi, quen thuộc thường xuyên xuất hiện trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, những chiếc xe vẫn thẳng tiến đi qua những mưa bom bão đạn, vượt qua những hố bom, sự truy lùng bắn phá của giặc để thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.


    Trên những chiếc xe không chỉ chứa đựng lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược mà còn gửi gắm sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của miền Bắc đối với "miền Nam ruột thịt". Bởi vậy, dù có bao nhiêu khó khăn, hình ảnh những chiếc xe vẫn gắn liền với sự xông pha và chiến đấu hết mình, giống như nhạc sĩ Ánh Dương từng miêu tả trong khúc ca "Chào em cô gái Lam Hồng": "Xe ta bon trên những dặm đường giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đồi nương (mà) xe ta bon ra chiến trường".


    Từ việc là hình ảnh quen thuộc, gần gũi trên tuyến đường Trường Sơn, hình tượng những chiếc xe không kính đã gợi lên hiện thực tàn khốc cũng như những khắc nghiệt, gian khổ, thiếu thốn của cuộc sống nơi chiến trường. Ngay từ những câu thơ đầu tiên, tác giả Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật điều này:


    "Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi"


    Từ phủ định "không có" được điệp lại hai lần cùng cách kiến tạo câu thơ theo lối nói khẩu ngữ và mang tính văn xuôi đã khẳng định sự thiếu thốn những chiếc kính của tiểu đoàn xe. Đồng thời, các điệp ngữ "bom giật, bom rung" được láy lại hai lần đã thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh - nơi mà mưa bom bão đạn luôn xuất hiện bất cứ lúc nào. Không chỉ có hiểm nguy, những chiếc xe không kính còn gợi lên biết bao sự gian khổ và khắc nghiệt mà quân và dân ta phải đối mặt trong những năm tháng chiến tranh:


    "Không có kính, ừ thì có bụi

    Bụi phun tóc trắng như người già"

    Hay như:

    "Không có kính, ừ thì ướt áo

    Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời"


    Biện pháp điệp cấu trúc câu "Không có..., ừ thì" kết hợp với những hình ảnh "gió", "bụi", "mưa" trong biện pháp tu từ so sánh: "Bụi phun tóc trắng như người già", "Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời" đã làm nổi bật sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như của cuộc chiến đấu. Và theo tháng năm, đi qua lửa đạn bom rơi, những chiếc xe càng trở nên biến dạng, thiếu thốn hơn nữa:


    "Không có kính, rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước"


    Tác giả Phạm Tiến Duật đã sử dụng thành công thủ pháp liệt kê: "Không có kính", "không có đèn", "không có mui xe", "thùng xe có xước" để miêu tả một chiếc xe không còn vẹn nguyên, trơ trọi, dần thiếu đi những bộ phận quan trọng và thiết yếu, từ đó làm nổi bật sự tàn phá dữ dội của bom đạn chiến tranh.


    Không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng những chiếc xe không kính còn là hình ảnh ẩn dụ biểu trưng cho vẻ đẹp của những người lính lái xe - "trái tim người cầm lái". Bên trong những buồng lái không kính là những con người luôn nắm chắc tay lái với tư thế hiên ngang, ung dung:


    "Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng"


    Họ nhìn thấy những hiểm nguy đang đón đợi phía trước nhưng vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, điềm tĩnh để dũng cảm, kiên cường đối mặt với những gian khổ và hi sinh. Họ vượt qua những điều đó bằng thái độ ung dung, thậm chí luôn tràn trề niềm tin và hy vọng qua những hành động như: "Chưa cần rửa, lái trăm cây số nữa/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha". Lối nói khẩu ngữ đậm chất văn xuôi đã giúp tác giả phác họa thành công vẻ đẹp lạc quan phơi phới, yêu đời và pha chút ngang tàn của người lính lái xe.


    Cũng trên những chiếc xe đó, những người lính đã sẻ chia cùng nhau những khó khăn bằng tinh thần đồng đội qua việc "bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi". Đặc biệt, bên trong những chiếc xe không kính là "trái tim người cầm lái" tràn trề tinh thần yêu nước, lòng nhiệt huyết và lí tưởng cách mạng cao cả một lòng chiến đấu, không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì miền Nam: "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước / Chỉ cần trong xe có một trái tim"


    Như vậy, thông qua hình tượng những chiếc xe không kính, chúng ta có thể thấy được hiện thực khốc liệt nơi chiến trường cũng như sự tàn phá, hủy diệt của chiến tranh cùng vẻ đẹp của những người lính lái xe thời kì kháng chiến chống Mỹ. Tất cả đã được làm nổi bật thông qua thể thơ tự do, sự kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ và ngôn ngữ, giọng điệu thơ mang tính khẩu ngữ pha chút ngang tàn và dí dỏm.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Hình ảnh những chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã góp phần hiện thực hóa cái khốc liệt, trần trụi của chiến tranh thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền đưa vào thơ thì đều được “mĩ lệ hóa”, “lãng mạn hoá” và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Người đọc đã bắt gặp chiếc xe tam mã trong thơ Pus-kin, con tàu trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận. Còn những chiếc xe không kính trong thơ Phạm Tiến Duật lại là hình ảnh thực, thực đến trần trụi. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực “Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”.


    Ở bài thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả cụ thể, chi tiết rất thực. Lẽ thường, để đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, cho hàng hoá nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn thì xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà chuyện “xe không kính” lại là một thực tế, là hình ảnh thường gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Hai câu thơ mở đầu có thể coi là lời giải thích cho “sự cố” có phần không bình thường ấy:


    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi.


    Lời thơ tự nhiên đến mức buộc người ta phải tin ngay vào sự phân bua của các chàng trai lái xe dũng cảm. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Bằng những câu thơ rất thực, đậm chất văn xuôi, điệp ngữ “không”, cùng với động từ mạnh “giật”, “rung”, tác giả đã lí giải nguyên nhân không có kính của những chiếc xe.


    Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe thùng xe có xước


    Bom đạn chiến tranh đã làm cho những chiếc xe trở nên biến dạng “không có kính”, “không có đèn”,“không có mui xe”,“thùng xe có xước”. Bằng thủ pháp liệt kê và hiện thực hoá, tác giả đã tạo ấn tượng cho người đọc một cách cụ thể và sâu sắc về hiện thực chiến tranh khốc liệt, dữ dội, về cuộc chiến đấu gian khổ mà người lính phải trải qua. Nhưng bộ não, linh hồn của xe dường như không phải máy móc, mà là tấm lòng người chiến sĩ, nên “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước – Chỉ cần trong xe có một trái tim”.


    Hình ảnh những chiếc xe không kính không phải hiếm trong chiến tranh, nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm, có nét ngang tàng, tinh nghịch, thích cái lạ như Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa nó vào thơ trở thành biểu tượng độc đáo của thơ thời chiến tranh chống Mỹ. Hình ảnh này tạo nên cái tứ lạ, độc đáo, vừa tạo nên cái ác liệt, dữ dội của chiến tranh, vừa bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu khốc liệt chống đế quốc Mỹ. Hình tượng này góp phần khắc họa một nét tư thế, chân dung của một dân tộc anh hùng.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |