Top 11 Nhân vật nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh
Trong kinh Thánh, có vô số những nhân vật khác nhau được kể đến. Tuy nhiên, một số mà Toplist giới thiệu sau đây sẽ là những người mang yếu tố quan trọng và ... xem thêm...truyền cảm hứng nhất từ các câu chuyện xoay quanh cuộc đời của họ.
-
Adam và Eva là hai nhân vật nổi tiếng, quan trọng trong kinh Thánh, thực sự không thể tách rời. Họ được xem như là “một”, gần như “một xác thịt và một linh hồn” với nhau. Người Công giáo tin rằng Adam và Eva là người đàn ông và đàn bà đầu tiên được Đức Chúa Trời tạo dựng nên. Về bản chất nhân loại là một gia đình duy nhất, có nguồn gốc từ cặp tổ tiên nguyên thủy. Đó là sự dẫn chứng, cũng như là nền tảng cho các học thuyết về sự sa ngã của con người cùng nguyên tội - vốn là những niềm tin quan trọng trong Công giáo.
Khi Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất trong 6 ngày gồm: ánh sáng, bóng tối, bầu trời, không gian, biển, mặt đất, cây cối, mặt trời, mặt trăng, chim, cá, thú vật và loài người. Ngài đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi kết thúc công việc, Ngài ban phước làm cho ngày này nên thánh. Theo kinh Thánh, đây được gọi là ngày Sabat - ngày thứ bảy được định là ngày kỷ niệm quyền năng của Thiên Chúa. Thế nên nó được quy định là ngày nghỉ ngơi, dành để thờ phượng. Vì vậy, những người Công giáo sẽ dành ngày này để đến nhà thờ tham dự Thánh lễ (lễ buộc ngày chủ nhật).
Quay lại với câu chuyện khi Đức Chúa Trời tạo ra loài người giống với hình ảnh của Ngài. Người nặn ra Adam từ bụi đất, thổi hơi cho ông sự sống và đặt Adam vào trong vườn địa đàng Eden. Khi ông đang ngủ mê, Thiên Chúa đã lấy một chiếc xương sườn của ông để tạo nên người phụ nữ Eva. Đây là hình ảnh cho thấy rằng họ thực là một cá thể giống nhau được tạo dựng nên từ hai nửa của một tổng thể, có sự liên kết. Và câu nói của Adam “Đây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” cũng là lý do cho thấy rằng tại sao người đàn ông và đàn bà sẽ rời cha mẹ mà gắn bó với nhau, cả hai sẽ trở nên một trong hôn nhân.
Khi ở vườn địa đàng, Adam và Eva sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài phán rằng họ có thể ăn bất cứ trái cây nào, ngoại trừ duy nhất cây “biết thiện và ác”; nếu như ăn trái cấm ấy họ sẽ trở thành tội nhân, đồng thời sẽ bị đuổi khỏi đó. Tuy nhiên, một ngày nọ, con rắn xảo quyệt (hiện thân của quỷ Satan) đã đến để cám dỗ Eva. Nó hỏi “có thật là Đức Chúa Trời đã phán ngươi không được ăn bất kỳ cây nào trong vườn này không?”. Eva trả lời: “không, chúng ta có thể ăn trái cây trong vườn. Nhưng Ngài có phán rằng không được ăn trái của cây ở giữa vườn, cũng không được chạm vào nó, nếu không ngươi sẽ nhận hậu quả”. Con rắn liền nói với Eva rằng “chắc chắn sẽ không sao, vì Đức Chúa Trời biết rằng khi nào ngươi ăn trái cây đó, mắt ngươi sẽ mở ra, và ngươi sẽ giống như Ngài, biết điều thiện và điều ác.” Eva sau khi nghe lời cám dỗ từ con rắn thì bắt đầu muốn được như Chúa, muốn mở mang trí tuệ, và trông trái cây đó có vẻ ngon lành, đẹp mắt nên liền hái một ít rồi đưa cho Adam, cả hai cùng ăn. Bấy giờ mắt hai người đều mở ra, họ nhận thấy mình trần truồng nên xấu hổ kết lá lại làm khố che thân. Sau đó, họ nghe thấy Thiên Chúa, nhưng họ đã trốn giữa những cây cối trong vườn. Khi Ngài cất tiếng gọi “Con ở đâu?” thì Adam mới đáp lại “Tôi nghe thấy tiếng Ngài, nhưng vì sợ mình trần truồng nên tôi đã trốn”. Thiên Chúa hỏi Adam về việc ông có ăn trái cấm mà Người đã dặn không được ăn không, thì Adam trả lời rằng Eva là người đã cho ông ăn trái cây đó. Vì cả hai đã phạm điều luật của Ngài nên đều phải chịu sự trừng phạt. Từ đó người phụ nữ phải chịu mang nặng đẻ đau, còn đàn ông phải lao động cực nhọc mới có miếng ăn cho đến cuối đời. Thiên Chúa phán: “vì các ngươi được tạo ra từ bụi đất và sẽ trở về cát bụi.” Sau khi Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Eden, Thiên Chúa đã để các Cherubim (thiên thần bảo vệ lối vào của vườn địa đàng) ở phía đông nơi ấy, cùng với một thanh kiếm rực lửa lóe sáng để canh giữ đường đến cây biết thiện và ác.
Cụm từ “tội tổ tông” trong niềm tin Công giáo cũng có từ đó. Nó xuất phát từ sự sa ngã của tổ tiên là Adam và Eva, khiến mọi người từ khi mới sinh ra đều bị cho là đã mắc tội từ trước. Đó cũng chính là lý do vì sao trẻ em Công giáo luôn được bố mẹ đưa đến nhà thờ để “rửa tội”, hay còn gọi là “thanh tẩy”.
-
Noah - một tôi tớ vâng phục Thiên Chúa, người đã tìm được ân huệ của Ngài giữa thế giới đầy tội lỗi, là nhân vật được xem như người hùng trong kinh Thánh. Ông là cha của Shem, Ham và Japheth (những người tiếp nối dòng dõi thế hệ mới của nhân loại theo kinh Thánh); là người đứng đầu đại diện dòng phả hệ Semitic. Bên cạnh đó, Noah còn đại diện cho hình ảnh của người công chính tham gia vào một giao ước với Đức Chúa Trời về sự bảo vệ thiên nhiên cùng con người trong tương lai khỏi thảm họa bị tiêu diệt. Ông nổi tiếng với việc đóng một con tàu to để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng như mọi loài động vật trên cạn khỏi thiên tai mà Thiên Chúa đã dùng để trừng phạt con người đầy tội lỗi. Đồng thời, Ngài đã chọn gia đình ông là những người sống sót còn lại sau đó, vì ông là người công chính nhất trong thế hệ của mình.
Noah lần đầu tiên được nhắc đến trong kinh Thánh khi cha ông là Lamech tiên đoán về sự hủy diệt sắp xảy ra của trái đất. Đức Chúa Trời khi chứng khiến con người trở nên quá gian ác và bại hoại, Ngài cảm thấy hối hận vì đã tạo ra họ nên quyết định tiêu diệt toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, Ngài đã ban ân sủng cho Noah vì thấy ông là một người tốt. Ông thật sự có đức tin vững chắc cùng lòng kính sợ Chúa. Noah đã vâng phục và đóng một con tàu để làm nơi ở, bảo tồn gia đình trước sự cảnh báo từ Thiên Chúa với ông về một trận lụt lớn mà ông sẽ chưa từng thấy. Dù mưa gió cùng nước lũ dâng cao quanh tàu trong 40 ngày, nhưng gia đình gồm 8 thành viên của Noah vẫn an toàn. Và theo kinh Thánh, cũng vì họ là những người cuối cùng duy nhất còn sống sót sau đó nên đã trở thành người mở ra một dòng dõi mới thứ hai của nhân loại.
Câu chuyện về Noah cũng cho thấy rằng, mặc dù Đức Chúa Trời đã đưa ra dấu chỉ thông qua ông để có thể giúp những người khác có một lối thoát để được cứu rỗi, họ đã có cơ hội lên tàu và ăn năn nhưng lại từ chối. Bên cạnh đó, Ngài đã không bỏ lại gia đình Noah trong dòng nước lũ. Khi dòng nước cuối cùng rút đi, mọi người đã tìm thấy đất liền, họ trở lại lên bờ - nơi Chúa ban phước cho ông cùng các con mình, khuyến khích họ sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, Ngài còn lập nên một giao ước vững bền: hứa sẽ không bao giờ tiêu diệt họ, con cháu của họ cũng như bất kỳ sinh vật nào nữa. Để thể hiện giao ước của mình, Đức Chúa Trời đặt cầu vồng trên mây như một sự bảo đảm hữu hình cho lời hứa của Ngài trong giao ước này.
-
Abraham được biết đến là tộc trưởng đầu tiên của dân tộc Do Thái. Ông cũng là người được kinh thánh tập trung vào chiều sâu sau “Noah cùng trận Đại Hồng Thủy”, mặc dù giữa họ đã trải qua nhiều thế hệ. Abraham xuất thân từ dòng dõi của Shem - con trai Noah. Ông được xem là mẫu mực của lòng trung thành, chỉ theo Thiên Chúa và phản đối việc thờ thần El dưới hình tượng Con Bê Vàng (The Golden Calf) - một điều phổ biến vào thời bấy giờ. Đức Chúa Trời đã trực tiếp lập một giao ước với Abraham rằng Ngài sẽ cung cấp đất đai, sự bảo vệ cùng sự sinh sản cho dòng dõi của ông. Quả thực, Abraham đã trở thành cha đẻ của nhiều dân tộc, khiến ông trở thành nhân vật nền tảng của ba tôn giáo độc thần trên thế giới: Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Hai người con trai của ông là Isaac và Ishmael, cũng có ý nghĩa lịch sử lẫn kinh Thánh. Giao ước này thường được gọi là “giao ước Abraham” hoặc “giao ước vĩnh cửu”.
Abraham lần đầu tiên được biết đến với cái tên Abram, là một người đàn ông đến từ Ur of the Chaldeans (quốc gia Iran ngày nay) vào khoảng năm 2000 trước công nguyên. Cha của ông-Terah, là người mà các văn bản Do Thái cho rằng là một thợ làm tượng thần Con Bê Vàng, định cư ở Haran. Nhưng Abraham đã nhận được sự kêu gọi đặc biệt để đến xứ Canaan - nơi Đức Chúa Trời hứa ban phước lành, cũng như làm cho dòng dõi ông trở thành một dân tộc vĩ đại. Điều này có nghĩa rằng ông phải rời bỏ họ hàng cùng văn hóa của mình để đi theo Thiên Chúa với đức tin trọn vẹn. Và chính tại thời điểm này trong cuộc đời của Abraham, mọi người bắt đầu biết đến ông qua kinh Thánh. Một nạn đói sau đó buộc ông và gia đình phải tìm đến sự giúp đỡ ở Ai Cập. Tại đây, Abraham bị lung lay niềm tin vào Đức Chúa Trời, nên đã nói dối để bảo vệ mình. Nhưng bất chấp sai lầm của ông, Thiên Chúa đã dẫn Abraham ra khỏi Ai Cập, sau đó trấn an ông về giao ước. Lần này, Ngài nhấn mạnh lời hứa ban xứ Canaan cho dòng dõi Abraham.
Cuối cùng, người con trai Issac mà Abraham cùng người vợ Sarah mong mỏi bấy lâu cũng đã ra đời - đây sẽ là người tiếp nối dòng dõi của ông sau này. Giờ đây, Thiên Chúa lại thử lòng ông một lần nữa khi yêu cầu ông phải hy sinh đứa con trai yêu quý của mình trên núi Moriah. Trước khi Abraham kịp dùng dao để hiến tế con trai thì một thiên sứ đã đến ngăn ông lại.
Abraham chiến thắng thử thách của Thiên Chúa dành cho mình nhờ vào đức tin vững vàng. Ông qua đời ở tuổi 175 và được chôn cất trong một hang động với vợ. Ông để lại di sản cho các con mình gồm: Isaac, Ishmael cùng 6 người con trai từ người vợ thứ hai là Keturah (ông đến với bà sau khi người vợ thứ nhất Sarah qua đời).
Mặc dù đôi lúc Abraham có những khuyết điểm, hay những lúc lung lay đức tin vào Đức Chúa Trời. Nhưng kinh Thánh đã cho thấy rằng, ông là một cá nhân gương mẫu, không phải ở lòng đạo đức hay cuộc sống hoàn hảo; mà bởi vì cuộc đời ông minh họa rất nhiều chân lý của đời sống một người Kito hữu.
-
Moses là một tiên tri và là người lãnh đạo dân Do Thái nổi tiếng trong kinh Thánh. Ông được sinh ra trong thời kỳ khó khăn của Israel cổ đại. Khi ấy, người dân bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập, và dân số ngày càng tăng của họ khiến vua Ai Cập lo ngại đến mức ra lệnh cho quân lính đi đến từng nhà để ra tay với hết tất cả các bé trai Do Thái mới sinh. Mẹ của Moses đã cứu con mình bằng cách đặt ông trong một chiếc giỏ sậy rồi thả xuống sông Nile.
Cho đến lúc nó trôi gần cung điện thì con gái của Pharaon đã nghe thấy tiếng Moses khóc, bà nhờ người hầu kéo lên, và từ đó nhận ông làm con nuôi. Nhưng do thời gian đầu không thể chăm sóc tốt cho Moses nên bà đã thuê một phụ nữ Do Thái làm công việc này, người này tình cờ lại là mẹ của ông. Đến khi Moses cai sữa, con gái của Pharaon đã nuôi nấng ông trong cung điện được bao quanh bởi tất cả những xa hoa của Ai Cập. Lúc trở thành thanh niên, Moses vì lỡ ra tay với một người Ai Cập đang đánh đập một nô lệ Do Thái nên buộc phải bỏ trốn khỏi nơi đó. Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông trong bụi gai đang cháy trên đường và bảo rằng ông phải quay trở lại Ai Cập để giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ. Và với sự giúp đỡ từ Chúa, Moses đã thành công trong sứ mệnh ấy, đưa dân Do Thái an toàn đến núi Sinai. Tại đây, Đức Chúa Trời ban Luật pháp cho ông, trong đó có Mười Điều Răn - là những luật lệ mà Ngài ban cho dân mình. Cuối cùng, Moses dẫn họ đến rìa Đất Hứa (Canaan cổ đại; sau này là Israel) - nơi ông qua đời ở tuổi 120.
Lễ Vượt Qua được người Công giáo cử hành hàng năm chính là kỷ niệm việc dân Do Thái thoát khỏi kiếp nô lệ. Trong khi Abraham được xem là tộc trưởng đầu tiên của người Israel thì Moses là nhà tiên tri đã biến Do Thái giáo thành một truyền thống tôn giáo và được tôn kính như một người thầy vĩ đại nhất.
-
David nổi tiếng với lòng dũng cảm, lòng mộ đạo và khả năng lãnh đạo của mình. Ông được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong kinh Thánh. Triều đại mà ông trị vì đã định hình toàn bộ quốc gia Israel và chính Chúa Jesus được cũng mệnh danh là “dòng dõi vua David”. Câu chuyện của ông chiếm phần lớn các sách của tiên tri Samuel trong Cựu Ước.
David được sinh ra vào khoảng năm 1040 trước công nguyên, trong một gia đình ít người biết đến ở thị trấn Bethlehem, thuộc Judah. Ông là con út trong số 8 người con trai. Khi còn nhỏ, cha của David đã giao cho ông trông coi một đàn cừu. Trong thời gian này, David đã phát triển kỹ năng âm nhạc cùng khả năng chiến đấu tuyệt vời, vì ông có thói quen tiêu diệt bất kỳ con sư tử hoặc gấu rừng nào đến quấy rầy đàn cừu của mình. David nhanh chóng nổi tiếng khắp nơi khi đánh bại gã khổng lồ Goliath chỉ bằng một chiếc trành ném đá và một hòn đá, trở thành cố vấn đáng tin cậy của vua Saul. Và sau sự qua đời của nhà vua, David được xức dầu làm vua mới của Israel.
Ông đặc biệt giỏi với những cuộc chinh phục quân sự, bao gồm cả việc chiếm được Jerusalem - nơi ông đặt làm thủ đô của Israel. David cũng thành lập một chính quyền trung ương vững mạnh và thực hiện nhiều cải cách để giúp đỡ người dân. Tuy nhiên, ông không phải một người hoàn hảo không có khuyết điểm. David từng gây ra một trong những tội trọng trong kinh Thánh khi ngoại tình với một người phụ nữ tên là Bathsheba - vợ của Uriah - một trong những người lính trung thành nhất. Và sau đó ông đã sắp xếp để Uriah tử trận trên chiến trường.
Mặc dù vậy, David vẫn luôn được tôn kính vì sự tận tâm của ông đối với Thiên Chúa cùng sự cam kết đem lại những điều tốt đẹp đối với người dân Israel. Bên cạnh đó, ông còn được biết đến là người làm vừa lòng Chúa, là vị vua ngoan đạo nhất trong số các vua của dân Ngài, và là tiêu chuẩn mà mọi vị vua khác sẽ được so sánh. Lời tiên tri về một người có ngai vàng sẽ tồn tại mãi mãi đã tiếp thêm niềm hy vọng cho Israel. Những điều này cuối cùng đã được ứng nghiệm khi Chúa Jesus ra đời, Ngài chính là hậu duệ của vua David.
David cũng được biết đến với thơ ca và âm nhạc. Ông đã viết nên nhiều thi thiên trong kinh Thánh, những bài đó vẫn được sử dụng trong thờ phượng ngày nay. Âm nhạc của David được cho là hay đến mức có thể xoa dịu tinh thần đang gặp khó khăn. Nhìn chung, di sản của ông trong kinh Thánh là khả năng lãnh đạo, lòng dũng cảm cùng sự tận tâm đối với Chúa. Câu chuyện về vua David đã truyền cảm hứng cho nhiều người, tiếp tục được các học giả cũng như các tín đồ nghiên cứu và ngưỡng mộ.
-
Elijah là một trong những nhà tiên tri vĩ đại nhất của Israel, đồng thời là người đã chiến thắng trong trận chiến hoành tráng chống lại vị thần Baal (thần bão Canaanite). Ông là người tiên kiến Chúa, người làm phép lạ và người nhiệt thành vì đức tin vào Ngài; được sinh ra từ bộ tộc Aaron ở thị trấn Tishba - nơi được gọi là Tishbite. Khi Elijah ra đời, cha của ông là Sabbas đã nhìn thấy các thiên thần của Chúa bay lượn xung quanh. Đó như là điềm báo trước về sức mạnh rực lửa mà Chúa ban cho ông sau này. Elijah đã dành trọn tuổi trẻ của mình để chiêm niệm và cầu nguyện với Thiên Chúa.
Để chứng minh cho dân Israel thấy rằng Đức Chúa Trời là Thiên Chúa chân chính duy nhất, Elijah đã tập hợp các nhà tiên tri khác tại núi Carmel - nơi diễn ra sự kiện chính: mỗi người sẽ được trao một đống gỗ có một con bò đực trên đó, ai có thể tạo ra lửa và đốt cháy vật hiến tế sẽ chiến thắng. Những tiên tri đi trước đã làm mọi cách trong nửa ngày mà không có kết quả gì. Họ nhảy múa, la hét, ca hát và thậm chí tự làm bản thân bị thương để thuyết phục vị thần Baal mà họ tôn thờ đáp trả lại thử thách từ Elijah. Khi nỗ lực của họ thất bại, ông đã cầu nguyện với Chúa, Người lập tức cho lửa từ trời rơi xuống và thiêu rụi vật hiến tế. Dân Israel tái dâng mình cho Đức Chúa Trời, và họ xử tử hết các nhà tiên tri đã lừa dối họ thờ thần Baal. Sau đó, gần sông Jordan, có một cỗ xe ngựa rực lửa từ trên trời lao xuống và đưa Elijah lên thiên đàng.
Sự ra đi đó của ông đã ảnh hưởng đến các nhà tiên tri trong kinh Thánh sau này - những người đã tiên đoán rằng Elijah sẽ trở lại như một điềm báo trước về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.
Elijah luôn được xem là một trong những người thú vị và đầy màu sắc nhất trong kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã sử dụng ông trong một thời điểm quan trọng của lịch sử Israel để mang lại sự hồi sinh cho xứ sở. Chức vụ của ông cũng đánh dấu sự chấm dứt việc thờ thần Baal tại đây. Tiên tri Elijah được xếp ngang hàng với Moses, là một trong những tiên tri ấn tượng nhất của Chúa. Theo lời kinh Thánh: các vị vua run rẩy, mưa tạnh, lửa từ trên trời rơi xuống, cơn phấn hưng bùng phát và hàng trăm nhà tiên tri thờ thần bão bị hành quyết.
-
Isaiah cũng là một trong số các nhà tiên tri có ảnh hưởng trong kinh Thánh. Ông là người Israel, sống vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên. Người ta cho rằng ông xuất thân từ một gia đình hoàng gia. Isaiah chủ yếu là cố vấn cho một số vị vua của Judah - vương quốc từng trải qua nhiều mùa nổi loạn và phục hưng. Ông đã giúp họ tránh bị đế quốc Assyria hùng mạnh (từng tồn tại khoảng năm 700 trước công nguyên) tiêu diệt. Ngoài ảnh hưởng chính trị; Isaiah còn là một nhà thơ bậc thầy, với nhiều lời tiên tri truyền cảm hứng cho hy vọng về hòa bình và sự công bình cuối cùng trên trái đất. Ông chính là tác giả của quyển sách mang tên mình trong khoảng thời gian từ năm 681 đến năm 739 trước công nguyên. Các học giả đã chỉ ra rất nhiều lần những người trong Tân Ước, đặc biệt là Chúa Jesus, được trích dẫn từ sách của ông. Tiếng tăm Isaiah trải dài qua nhiều thời đại; từ quá khứ trong kinh Thánh, đến niềm hy vọng về tương lai tươi sáng của Israel về Đấng Cứu Độ sắp đến ở Jerusalem. Đôi khi ông còn được gọi là “nhà tiên tri Phúc Âm”.
Khoảng 700 năm trước lúc Chúa Jesus được sinh ra ở Belem, Isaiah đã tiên đoán rằng Người sẽ được hạ sinh bởi một trinh nữ, và Người sẽ cai trị các dân tộc. Ông cũng tiên đoán rằng Đức Thánh Linh sẽ ngự trên Đấng Cứu Độ này một cách độc đáo, và điều đó cuối cùng đã được ứng nghiệm qua chức vụ trên trần thế của Chúa Jesus trong kinh Thánh. Trong số tất cả những lời tiên đoán của mình, Isaiah có tuyên bố rằng Israel sẽ chối bỏ Đấng Cứu Độ ấy, cùng với sự ra đi của Chúa Jeusus trên thập giá.
Người Công giáo tin rằng tiên tri Isaiah đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi báo trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế và mang lại niềm hy vọng cho dân Ngài trong thời kỳ đầy thử thách. Trong sách của ông, người ta thấy được cách Thiên Chúa hành động vì lợi ích của con cái Ngài và tể trị trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Không chỉ vậy, nó còn cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời công bình, Đấng sẽ báo trả những kẻ làm ác.
-
Đức Maria, được mệnh danh là “Nữ Vương Thiên Đàng”, là người phụ nữ có ảnh hưởng trong Kinh Thánh. Bà là mẹ của Chúa Jesus, được tôn kính trong nhà thờ Thiên Chúa giáo từ thời các tông đồ, và là chủ đề được yêu thích trong nghệ thuật, âm nhạc cùng văn học phương Tây. Bên cạnh đó, Đức Maria còn có một số ngày lễ riêng theo các truyền thống Cơ Đốc giáo khác nhau; một số trong số đó là những ngày lễ buộc của người Công giáo La Mã. Các đền thờ thờ phượng bà đã trở nên nổi tiếng quốc tế như là địa điểm hành hương - nơi được cho là đã xảy ra những phép lạ, bao gồm: Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Guadalupe, Đức Mẹ Loreto và Đức Mẹ Medjugorje.
Lời tường thuật trong Tân Ước về sự khiêm nhường và vâng phục sứ điệp của Đức Chúa Trời đã khiến Maria trở thành tấm gương cho mọi Cơ Đốc nhân. Từ những chi tiết được Tin Mừng cung cấp trong Tân Ước về người thiếu nữ xứ Galile, cùng lòng sùng đạo; thần học Kito giáo đã xây dựng nên một hình ảnh về Đức Maria ứng nghiệm lời tiên đoán được gán cho bà.
Lần đầu tiên Maria được nhắc đến là trong câu chuyện về truyền tin, cho biết bà đang sống ở Nazareth, đã đính hôn với người thợ mộc tên Joseph (Thánh Joseph). Thiên sứ Gabriel đến thông báo với bà về việc bà sẽ thụ thai và hạ sinh một người con trai nhờ vào thánh linh của Đức Chúa Trời. Dù ban đầu có chút hoài nghi, nhưng sau đó Maria đã đồng ý vâng phục. Khi Joseph biết được việc bà có thai thì dự định âm thầm huỷ hôn, nhưng rồi ông được thiên thần của Chúa cho biết về mọi việc nên đã chấp nhận vẫn cưới Maria và trở thành cha nuôi của Chúa Jesus sau này.
Vì học thuyết về sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria ngụ ý sự thanh khiết trọn vẹn của thể xác lẫn tâm hồn, nên theo ý kiến của nhiều nhà thần học, bà cũng không bị ảnh hưởng bởi những điều khác như tội lỗi. Khi đạo luật “Vô Nhiễm Nguyên Tội” được ban hành, những lời thỉnh cầu bắt đầu được gửi đến Vatican để xin một định nghĩa về “Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”; điều này được người Công giáo La Mã tin tưởng và cử hành trong ngày lễ ấy. Vì không có tài liệu nào về địa điểm cũng như hoàn cảnh về sự qua đời của bà được chấp nhận rộng rãi trong nhà thờ, không có nơi chôn cất nào được thừa nhận (mặc dù có một ngôi mộ ở Jerusalem được cho là của bà). Nên cuối cùng, vào năm 1950, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã công bố tín điều này một cách chính thức, khi tuyên bố rằng “Mẹ Thiên Chúa vô nhiễm nguyên tội, Đức Maria trọn đời đồng Trinh” - đồng nghĩa với việc người Công giáo tin rằng: khi cuộc đời trần thế của Đức Maria kết thúc, bà đã được rước lên trời một cách vinh quang cả hồn lẫn xác.
Ngoài những đặc quyền và danh hiệu chính thức do Công giáo trao cho, Đức Trinh Nữ Maria đã đạt được tầm quan trọng văn hóa to lớn. Lòng sùng kính phổ biến đối với bà được thể hiện dưới các hình thức như: các buổi lễ đạo đức, các địa điểm hành hương, việc lần chuỗi hạt mân côi (thứ đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của người Công giáo).
-
Không thể phủ nhận, Chúa Jesus chính là nhân vật nổi tiếng nhất trong kinh Thánh. Ngài được biết đến là Con Thiên Chúa, là ngôi thứ hai trong “Chúa Ba Ngôi” gồm: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Người Công giáo tin rằng Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế, đã từng được tiên tri Elijah nói đến trong Cựu Ước, thông qua sự đóng đinh và phục sinh của Ngài.
Các câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Jesus là đại diện cho một phần chính trong những lời dạy của Ngài trong kinh Thánh. Một trong những lý do chính khiến Ngài dùng ngụ ngôn cho người Do Thái đã được chính Chúa giải thích cho các môn đệ của mình. Rằng điều đó là để ứng nghiệm lời tiên tri của tiên tri Isaiah, và để dân Israel không nhận ra Ngài là ai và chấp nhận Ngài. Ngài cũng cố tình làm điều này để tạo điều kiện cho dân ngoại được trở thành con cái Thiên Chúa.
Trong lời dạy của Cơ đốc giáo, các phép lạ của Chúa Jesus cũng là phương tiện truyền tải thông điệp. Nhiều phép lạ nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin, chẳng hạn như khi chữa lành mười người cùi, Chúa Jesus không nói: “Quyền năng của ta đã cứu con”, nhưng Ngài nói “Hãy chỗi dậy và đi, đức tin của con đã cứu con”. Tương tự như vậy, trong phép lạ Đi Trên Mặt Nước, sứ đồ Peter đã học được một bài học quan trọng rằng: khi đức tin của ông dao động, ông sẽ bắt đầu chìm xuống.
Một đặc điểm khác được chia sẻ trong tất cả các phép lạ của Chúa Jesus ở những câu chuyện kinh Thánh là: Ngài ban phát lợi ích một cách miễn ph,í cũng như không bao giờ yêu cầu hay chấp nhận bất kỳ hình thức đền đáp nào cho các phép lạ chữa lành của mình. Không giống như một số thầy tế lễ thượng phẩm vào thời ấy, họ buộc tội những người được chữa lành.
Người Công giáo tin rằng các phép lạ của Chúa Jesus được thể hiện trong kinh Thánh là những sự kiện lịch sử có thật. Các công việc kỳ diệu là một phần quan trọng trong cuộc đời Ngài, chứng thực thần tính của Chúa cùng sự kết hợp của Ngôi vị (nghĩa là Ba Ngôi Thiên Chúa được cho là một). Họ cũng tin rằng: trong khi những trải nghiệm về sự đói khát, mệt mỏi cùng sự ra đi của Chúa Jesus là bằng chứng về nhân tính của Ngài, thì các phép lạ là bằng chứng về thần tính. Các tác giả Kito giáo cũng xem những phép lạ không chỉ đơn thuần là những hành động quyền năng và toàn năng của Chúa Jesus, mà còn là những việc làm của tình yêu cùng lòng thương xót.
-
Thánh Peter được xem là một trong những nhân vật quan trọng trong kinh Thánh, vì ông chính là hình mẫu mà những người theo Cơ Đốc giáo cần noi theo. Dù điều này thoạt nghe có vẻ sẽ thấy kỳ lạ. Bởi Peter từng vấp phải sự bất trung, chẳng hạn như từng có đến 3 lần ông chối bỏ Chúa Jesus để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, đó cũng có thể được xem là sự yếu đuối của con người, và Peter đã vượt qua nhờ đức tin vào Chúa.
Có lẽ cuộc đời của ông là câu chuyện truyền giáo vĩ đại nhất từng được ghi lại. Peter được mô tả trong kinh Thánh là người đàn ông có tính nóng nảy và thô tục. Dù là người ít học nhưng có trí thông minh dồi dào, cùng kỹ năng sinh tồn có được nhờ làm việc chăm chỉ, dũng cảm đi biển đánh bắt cá. Ông hành động rất mạnh mẽ, không sợ hãi. Nó thể hiện qua lời tường thuật khi ông “lấy đi một chiếc tai của người lính” trong vườn Gethsemani lúc Chúa Jesus bị bắt đi - một phản ứng bằng bạo lực thay vì tình yêu như ông đã nghe Chúa rao giảng trong ba năm ở bên Ngài. Tuy nhiên, cuộc hành trình từ lúc là người đánh cá đơn giản đến khi trở thành một tông đồ của Peter được tìm thấy xuyên suốt Tân Ước.
Ông được xem là một người thân cận của Chúa Jesus, vì có khá nhiều sự việc mà chỉ có ông cùng một vài tông đồ khác chứng kiến. Bao gồm cả sự kiện “Chúa Jesus biến hình trên núi”. Đây là lúc của Ngài thay đổi nhân dạng để tiết lộ thiên tính của mình. Dù Peter là người muốn có đức tin mạnh mẽ, nhưng ông cũng thường xuyên bị dao động. Khi bước lên vùng biển động để đến gặp Chúa Jesus đang đi trên mặt nước, cho đến lúc đã bước được vài bước an toàn thì ông bắt đầu nghi ngờ, lung lay niềm tin và dần chìm.
Trong các sách Phúc Âm mô tả, Chúa Jesus gọi Peter là “tảng đá” mà trên đó Hội Thánh tương lai sẽ được xây dựng. Như một điều xác tín rằng Ngài đã trao cho ông trọng trách sẽ là người chăn dắt đàn chiên của mình. Do đó, ngai tòa Thánh Peter mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối. Sau khi Chúa Jesus mất đi trên thập giá, ông đã truyền bá Cơ Đốc giáo ra nước ngoài. Và vào năm 64 sau công nguyên, vua Nero cho lính đóng đinh ngược ông - một yêu cầu mà Peter tự đưa ra để không bôi nhọ sự qua đời của Chúa Jesus. Ngôi mộ của ông hiện được bao bọc trong vương cung thánh đường Thánh Peter. Trước sự tử đạo ấy ở Rome, các truyền thống đã phát triển dẫn đến niềm tin rằng: tổ chức nhà thờ Thiên Chúa giáo quan trọng nhất được đặt tại đây. Đó chính là lý do tại sao các Giáo Hoàng ngày nay được xem là người kế vị Thánh Peter - nhà lãnh đạo đầu tiên của giáo hội La Mã. Nhà thờ ở Rome cũng chính là bộ máy đứng đầu lãnh đạo toàn bộ nhà thờ Thiên Chúa giáo.
-
Thánh Paul chính là tông đồ cuối cùng của Chúa Jesus, được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất vào “thời đại tông đồ”. Ông đã thành lập nên một số nhà thờ tại Tiểu Á và Châu Âu. Tận dụng lợi thế vừa là người Do Thái, vừa là công dân La Mã của mình để rao giảng tin mừng cho cả người Do Thái lẫn người La Mã.
Thánh Paul được sinh ra vào khoảng từ năm 1-5 sau công nguyên tại một tỉnh ở đông nam của Tersous, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tên trước đó của ông là Saul, ông thuộc dòng dõi Benjamin và có tổ tiên người Do Thái. Ở tuổi mười ba, Saul được gửi đến Judea để theo học giáo sĩ cấp cao của thời đại, người này tên là Gamaliel. Ông nói được ít nhất ba thứ tiếng. Tuy nhiên, trước khi cải đạo, Saul đã từng bắt bớ những người theo Chúa Jesus ở vùng Jerusalem.
Một ngày nọ, khi đang trên đường đi đến Damascus, Chúa Jesus đã hiện ra với ông trong một tia sáng chói lóa và nói rằng việc ông chống lại Cơ đốc giáo là mâu thuẫn với các lời dạy trong kinh Thánh mà ông từng học; bởi vì Ngài là Đấng Cứu Độ đã được Đức Chúa Trời hứa ban xuống trần thế. Vì vậy, sau này Saul đã dành hết phần còn lại của cuộc đời mình để truyền bá "tin mừng" về những lời dạy của Chúa ở khắp thế giới La Mã.
Ông thực hiện chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên trong ba chuyến đi vào cuối những năm 40 sau công nguyên. Khi dành nhiều thời gian hơn ở khu vực dân ngoại, Saul bắt đầu có tên gọi La Mã là Paul. Ông là tác giả của nhiều sách Tân Ước. Và người ta cho rằng Thánh Paul đã qua đời như một vị tử đạo vào cuối những năm 60 sau công nguyên tại Rome.
Cuối cùng, nội dung về đời của Thánh Paul được thể hiện trong kinh Thánh cho thấy rằng: bất cứ người Cơ Đốc giáo nào cũng có thể trở thành một nhân chứng khiêm tốn nhưng mạnh mẽ cho Chúa Jesus.