Top 10 Nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam ở thế kỉ 20
Trong thời kỳ kháng chiến, sau những cuộc chiến đấu oanh liệt, những ca khúc cách mạng hát vang lên như một lời động viên tinh thần, lời cảm ơn đến các chiến ... xem thêm...sĩ ngày đêm chiến đấu bảo vệ tổ quốc của các nhạc sĩ, hay cũng chính là các chiến sĩ cùng một thời gian khổ. Những ca khúc cách mạng hào hùng đó cho đến ngày nay vẫn còn được đón nhận một cách chân thành, và không thể không nhớ đến các nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm bất hủ ấy. Hãy cùng tìm hiểu nhiều hơn về họ nhé!
-
Nhạc sĩ Văn Cao (1923– 1995) là một nhạc sĩ huyền thoại của Việt Nam. Ông là tác giả của bài hát Tiến quân ca-Quốc ca của Việt Nam. Bên cạnh tư cách là một nhạc sĩ, Văn Cao còn là một họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị. Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao sáng tác các ca khúc lãng mạn Bến Xuân, Suối mơ,... ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc ở Việt Nam. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao viết Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội,... trở thành nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến. Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm văn học nổi tiếng như Một đêm Hà Nội, Lá, Đường rừng, Ai về kinh Bắc...
Năm 1996, Văn Cao được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh. Với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước, cố nhạc sĩ Văn Cao xứng đáng được mọi người cảm mến.
-
Nhạc sĩ An Thuyên (1949-2015) tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Phó Chủ tịch thường trực Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa VII. An Thuyên là Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. An Thuyên sáng tác ca khúc khá đều đặn, các tác phẩm nổi tiếng phải kể đến như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền Quan họ, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng,...Ngoài ra, An Thuyên còn viết một số kịch cho đoàn văn công như Trương Chi, Biển tình đắng cay,...
Quan điểm sáng tác của ông rất hay, ông nói "Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần tuý thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca." Với những cống hiến của mình, ôn có một số giải thưởng tiêu biểu như giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam với Chín bậc tình yêu (1992), giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007... -
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) quê ở Hải Dương, là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc cách mạng và được xem là "cây đại thụ" của nền âm nhạc Việt Nam. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II từ 1958 đến 1983. Đỗ Nhuận còn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết opera với vở Cô sao, cũng là tác giả của bản Du kích sông Thao nổi tiếng.
Cảm hứng sáng tác của Đỗ Nhuận bắt đầu từ quê hương và gia đình, quê ông vốn có truyền thống hát chèo. Từ năm 14 tuổi, ông đã học âm nhạc và biết chơi một số nhạc cụ. Nhớ đến Đỗ Nhuận là nhớ đến một nhạc sĩ-chiến sĩ tài năng và dũng cảm với những tác phẩm âm nhạc thành công như Côn đảo, Chiến thắng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi,...hay những vở kịch như Cô Sao, Người tạc tượng,... Ông được trao tặng nhiều giải thưởng như Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì và là một trong 5 người đầu tiên được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
-
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 quê ở Hải Dương. Ông nổi tiếng với các ca khúc dành cho thiếu nhi rất hay như Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Chiếc đèn ông sao, Tiến lên Đoàn viên, Cô và mẹ,... Ông cũng nổi tiếng với các ca khúc trước khi đất nước độc lập như Bài ca người thợ mỏ, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn,...và sau những năm 1975 như Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào,...
Ngoài ra ông còn viết nhiều bài cho tạp chí, Đài phát thanh và Truyền hình. Ông từng là cựu Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1983,...Những sáng tác của ông thường tươi vui, hào hùng và trẻ trung, lạc quan nên rất được khán thính giả đón nghe. Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và sau đó, năm 2012, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật.
-
Lưu Hữu Phước (1921-1989) là một nhạc sĩ quê tại Hậu Giang. Ông còn có các bút danh khác như Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí. Lưu Hữu Phước được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong của giới nhạc sĩ Việt Nam, tiêu biểu cho nền âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Sở trường của ông là những bản hùng ca, giải phóng; các tác phẩm của ông luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như Non sông gấm vóc, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng...
Ngoài ra, ông còn sáng tác ca cảnh (Tụy lụy, Con thỏ ngọc, Diệt sói lang, Hội nghị Diên hồng), ca kịch (Bông sen, Phá mưu bù nhìn), kịch múa (Hái hoa dâng Bác). Ông còn là Giáo sư, Viện sỹ, Nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Những cống hiến của mình, một trường trung học phổ thông tại Cần Thơ mang tên Trường THPT Lưu Hữu Phước và một con phố tại Hà Nội cũng mang tên ông...
-
Nguyễn Văn Tý sáng tác được khá nhiều bài hát, những sáng tác của ông lại được đông đảo công chúng mến mộ như Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Cô nuôi dạy trẻ...
Dư âm có thể coi là ca khúc tiền chiến duy nhất của ông. Ca khúc tuy không được phổ biến ở miền Bắc trong những năm chiến tranh nhưng lại được biểu diễn nhiều ở miền Nam trước năm 1975. Về sau ca khúc được lưu hành rộng rãi, trở thành một trong những bản tình ca được nhiều công chúng yêu thích. Sau này ông có viết thêm bài "Dư âm 2" mang tên Một ánh sao trời (1988).
Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Những sáng tác của ông được chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền (Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con...). Âm nhạc của ông giàu chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và bản sắc dân tộc. Một đề tài quen thuộc trong nhiều sáng tác của ông là phụ nữ với những ca khúc như Bài ca phụ nữ Việt Nam, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa... Nguyễn Văn Tý cũng là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác "ngành ca": Em đi làm tín dụng, Anh đi tìm tôm trên biển cả, Chim hót trên đồng đay, Cô đi nuôi dạy trẻ, Bài ca năm tấn.
-
Lê Thương là một trong những nhạc sĩ Việt Nam tiên phong viết tân nhạc với bài Bản đàn xuân. Ngoài Bản đàn xuân, trong thời kỳ ở miền Bắc, Lê Thương còn sáng tác những tác phẩm khác như Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Trên sông Dương Tử, Thu trên đảo Kinh Châu...
Lê Thương là nhạc sĩ tiên phong của nhiều thể loại âm nhạc. Thời kỳ kháng chiến, ông có soạn một ca khúc rất nổi tiếng Lòng mẹ Việt Nam hay Bà Tư bán hàng nói về một bà mẹ thành phố có các con tham gia kháng chiến. Và bài hát đó là một trong những lý do Lê Thương bị Pháp bắt giam vào khám Catinat cùng Phạm Duy và Trần Văn Trạch năm 1951. Lê Thương thuộc những người đầu tiên viết truyện ca và đã để lại những bản truyện ca hay nhất như Nàng Hà Tiên, Lịch sử loài người, Hoa thủy tiên... Đặc biệt hơn cả là bộ ba Hòn vọng phu, được xem như một trong những tác phẩm nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam. Văn Cao cũng từng thừa nhận ảnh hưởng bởi Lê Thương với phong cách âm nhạc bắt nguồn từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Một thời gian, Lê Thương có cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Và cùng Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi với những bản Tuổi thơ, Cô bán bánh, Con mèo trèo cây cau, Thằng bé tí non, Ông Nhang bà Nhang, Truyền kỳ Việt sử, Học sinh hành khúc... Nổi tiếng hơn cả là bài Thằng Cuội thường được trẻ em hát trong mỗi dịp tết Trung Thu, mặc dù nhiều người không biết đó là một ca khúc của nhạc sĩ Lê Thương.
-
Đoàn Chuẩn (1924-2001) sinh ra ở Cát Hải, Hải Phòng nhưng lớn lên ở Hà Nội, là con trai của chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng thời bấy giờ. “Phải lòng” tiếng đàn guitar Hawaii, ông tự mày mò học rồi viết nên những bản nhạc lay động biết bao thế hệ người nghe.
Đoàn Chuẩn là một trong số những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình tiền chiến của âm nhạc Việt Nam. Tuy chỉ để lại cho đời một vài tác phẩm nhưng những tác phẩm của ông đã đi sâu vào lòng của nhiều thế hệ. Tất cả ca khúc của ông đều được ghi tên tác giả là "Đoàn Chuẩn - Từ Linh". Thực ra Từ Linh (? – 1992) không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật.
Hiện đã xác định được tổng cộng là hai mươi mốt ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, trong đó các sáng tác của ông thường đề cập nhiều đến mùa thu. Tuy nhiên, ông tự nhận mình là "tay mơ" trong sáng tác nhạc và cả trong tình yêu. Có rất nhiều ca sĩ trình bày các sáng tác của Đoàn Chuẩn như Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Ngọc Long, Mộc Lan, Thái Thanh, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, Ánh Tuyết, Bằng Kiều, Tùng Dương... Nghệ sĩ Lê Dung đã thổi vào các sáng tác của Đoàn Chuẩn màu sắc của những tác phẩm cổ điển.
Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Sau đó, ông tỉnh lại nhưng mất tiếng nói, chỉ có thể bút đàm cho đến lúc qua đời lúc 22 giờ, ngày 15 tháng 11 năm 2001.
-
Phạm Duy (05/10/1921 - 27/01/2013), tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc người Việt Nam. Ông được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ cũng như đa dạng về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên kinh điển và quen thuộc với người Việt. Nhạc của ông thường kết hợp những yếu tố của âm nhạc cổ truyền Việt Nam với các trào lưu, phong cách mới, tạo nên nhiều tác phẩm có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ.
Từ mùa Xuân 1988, với sự hợp tác của con trai Duy Cường, Phạm Duy chuyển hướng từ nhạc đơn điệu qua nhạc đa điệu. Sau khi tung ra 10 bài rong ca với nhan đề Người Tình Già Trên Ðầu Non hay là Hát Cho Năm 2000, Phạm Duy hoàn tất Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, bài này được khởi soạn từ 1975 và phải đợi 15 năm sau mới hoàn thành. Các trường ca Con Ðường Cái Quan và Mẹ Việt Nam cũng được phóng tác để trở thành nhạc giao hưởng. Tới 1992 thì Phạm Duy rời lĩnh vực nhạc xã hội để tiến qua nhạc tâm linh với những nhạc phẩm Ðạo Khúc Thiền Ca, Trường Ca Hàn Mặc Tử...
Nhạc sĩ Phạm Duy đã hồi hương năm 2005, và tạ thế tại Sài Gòn ngày 27 tháng 1 năm 2013, trong niềm tiếc thương vô hạn của những người yêu quý dòng nhạc Phạm Duy. -
Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 1939 – 1 tháng 4 năm 2001). Ông quê tại làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20.
Trong sự nghiệp âm nhạc, ông đã sáng tác trên 600 tác phẩm, phần lớn là tình ca. Nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và do đó đã chịu sự cấm đoán, hạn chế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, và ngay cả của chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau này. Nhạc của Trịnh Công Sơn được rất nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ dù không chuyên.
Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như Diễm Xưa (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), Ca dao Mẹ, Ngủ đi con. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên đài truyền thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn, bài hát nói về ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968.
Những năm sau 1975, sau thời gian tập trung lao động, ông làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng nhạc. Từ thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, và có viết một số bài có nội dung ca ngợi chế độ mới như Thành phố Mùa Xuân, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... Sau đó nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.