Top 18 Nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất thế giới
Nhà thờ Hồi giáo là nơi thờ cúng linh thiêng của những người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Ngoài ra, chúng còn đặc biệt là một phần văn hóa đẹp đẽ của các ... xem thêm...thành phố cũng như quốc gia. Một số là tuyệt tác kiến trúc, một số có ý nghĩa lịch sử phong phú và số khác mang vẻ đẹp tráng lệ trong sự hùng vĩ.
-
Nhà thờ Hồi giáo Xanh, còn có tên gọi khác là Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed - được xem là một trong những nhà thờ thời đế chế Ottoman hùng vĩ nhất, và cũng là duy nhất tại Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ có sáu ngọn tháp. Điều này trái ngược với hai hoặc bốn ngọn tháp thông thường ở hầu hết các nhà thờ Hồi giáo trong thành phố. Xây dựng từ năm 1609 đến năm 1616 sau công nguyên dưới sự trị vì của quốc vương Ahmed I. Thiết kế của nó như một sự phô trương sức mạnh đế quốc, để bổ sung cho nhà thờ Hồi giáo Hagia Sophia hùng vĩ. Tuy nhiên, không giống như Hagia Sophia, nó được hỗ trợ với bốn cột "chân voi" cùng mái vòm trung tâm có đường kính gần 24m, cao 43m; bao quanh gồm bốn mái vòm khác. Tên gọi “nhà thờ Hồi giáo Xanh” bắt nguồn từ cấu trúc hơn 20.000 viên gạch Iznik bằng gốm thủ công trang trí nội thất, cùng nhiều kiểu dáng hoa tulip, hoa hồng, hoa cẩm chướng, các loại hoa huệ khác nhau; đồng thời còn được thắp sáng bởi 260 cửa sổ.
Nó được xây lên giữa nhà thờ Hagia Sophia và trường đua ngựa Byzantine, gần cung điện Topkapi - nơi ở của hoàng gia Ottoman. Trước sân là đài phun nước lớn, cùng khu vực đặc biệt để rửa tội. Một sợi xích sắt được treo ngay lối vào ở phía tây, và chỉ có quốc vương mới được phép cưỡi ngựa vào đây. Ông sẽ phải cúi đầu xuống để không va vào dây xích - cử chỉ này mang tính biểu tượng đảm bảo sự khiêm tốn của người cai trị trước Thánh Allah. Bằng các tác phẩm của mình, kiến trúc sư Sedefkar Mehmet Aga đã để lại dấu ấn quyết định ở Istanbul, có thể được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Yếu tố quan trọng nhất trong nội thất nhà thờ Hồi giáo là Mihrab - chất liệu được làm bằng đá cẩm thạch chạm khắc tinh xảo, với một hốc thạch nhũ, các bức tường liền kề ốp bằng gạch men. Nhiều ngọn đèn bên trong từng được dát vàng và đá quý. Trong số những chiếc bát thủy tinh, người ta có thể tìm thấy trứng đà điểu cùng quả cầu pha lê. Tất cả các đồ trang trí này đã bị cướp bóc hoặc bị dỡ bỏ để dành cho các viện bảo tàng.
Vào năm 2016, lần đầu tiên có thông báo rằng các nhà thờ Hồi giáo sẽ tiến hành một loạt cải tạo. Nhiều công việc trùng tu đã được hoàn thành ở khắp Istanbul, và việc khôi phục nhà thờ Hồi giáo Xanh cũng chính là dự án cuối cùng. Mọi thứ diễn ra trong ba năm rưỡi - hoàn thành vào năm 2020.
-
Sultan Qaboos là đại thánh đường Hồi giáo lớn nhất nằm ở thủ đô Muscat-Oman (một quốc gia tại Trung Đông); với 4 phần: phòng cầu nguyện chính, phòng cầu nguyện nữ, thư viện và giảng đường. Đây được xem là một trong những nhà thờ Hồi giáo hiện đại cũng như đẹp nổi bật trên thế giới, có thể chứa tổng cộng 20.000 tín đồ. Năm 1992, quốc vương Oman lúc bấy giờ là Qaboos bin Said al Said đã chỉ đạo rằng đất nước của ông nên có một nhà thờ Hồi giáo lớn, nó sẽ như món quà dành cho quốc gia để kỷ niệm thập kỷ thứ ba mà ông nắm quyền. Và quả thật, đây chắc chắn là công trình vĩ đại nhất trong số 50 nhà thờ Hồi giáo mà vị quốc vương này ủy thác trong suốt gần nửa thế kỷ trị vì của mình; bao gồm các nhà thờ Công giáo, Tin lành, cùng các đền thờ Hindu. Việc xây dựng Sultan Quaboo bắt đầu vào tháng 12 năm 1994, đồng thời phải mất sáu năm bảy tháng để hoàn thành.
Toạ lạc trên một khu đất 416.000m2 cùng khu phức hợp mở rộng để bao phủ một diện tích 40.000m2. Công trình làm bằng đá, với cửa ra vào, cửa sổ, đồ trang trí bằng gỗ và kính. Khoảng 300.000 tấn sa thạch Ấn Độ đã được nhập khẩu để xây dựng tòa nhà. Năm ngọn tháp ở xung quanh khuôn viên gồm: ngọn tháp chính cao 90m, bốn ngọn tháp hai bên cao 45,5m - là những hình ảnh đại diện quen thuộc của nhà thờ Hồi giáo từ bên ngoài. Bên cạnh đó, năm ngọn tháp này còn tượng trưng cho năm trụ cột của đạo Hồi là: tuyên xưng đức tin, cầu nguyện, bố thí, ăn chay, hành hương. Ngoài ra, điểm đặc biệt trong thiết kế nội thất của nhà thờ Sultan Quaboo là tấm thảm cầu nguyện trải trên sàn; với thời gian 4 năm để sản xuất, có sức nặng 21 tấn. Đồng thời nó còn là tập hợp các thiết kế truyền thống Tabriz, Kashan và Isfahan cổ điển của Ba Tư. Hai mươi tám gam màu với các sắc thái khác nhau đã được sử dụng, phần lớn thu được từ thuốc nhuộm thực vật. Đây từng là tấm thảm một mảnh lớn nhất thế giới, nhưng hiện chỉ xếp thứ hai, sau tấm thảm ở nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed-Abu Dhabi (thuộc đất nước các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Chiếc đèn chùm phía trên sảnh cầu nguyện cao 14m, nặng 8,5 tấn, bao gồm 600.000 viên pha lê, 1.122 bóng đèn Halogen hoàn chỉnh - sản xuất bởi công ty Faustig của Ý. Ba mươi bốn đèn chùm nhỏ hơn có cùng kiểu dáng được treo ở các phần khác trong nhà thờ.
Không giống như các nước láng giềng, thường dùng đến sự hoành tráng, thì phong cách kiến trúc của Oman gợi lại di sản của mình bằng cách loại bỏ các tòa chọc trời bằng kính để thay thế bằng các tòa thấp tầng, quét vôi trắng nhằm tôn vinh lịch sử của đất nước thông qua hệ thống lưới mắt cáo phức tạp, các bức tranh ghép cũng như các hình chạm khắc trang trí công phu hình hoa.
-
Nhà thờ Hồi giáo Ibn Tulun Là một trong những nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất, được bảo tồn tốt nhất tại Ai Cập, cũng như toàn bộ châu Phi còn tồn tại ở dạng nguyên bản đầy đủ; và là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Cairo về diện tích đất liền. Nó được xây dựng xung quanh một sân vuông mở, cho phép ánh sáng tự nhiên đi qua, mang phong cách kiến trúc cổ xưa, đồ trang trí được tạo ra từ vữa và gỗ chạm khắc. Ủy quyền bởi nhà cai trị triều đại Tulunid Ahmad ibn Tulun, đồng thời được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Saiid Ibn Kateb Al-Farghany - là một Cơ đốc nhân Chính thống giáo. Nhà sử học Al-Maqrizi đã liệt kê ngày bắt đầu xây dựng của nhà thờ Hồi giáo Ibn Tulun là vào năm 876 sau công nguyên. Nó nằm trên ngọn đồi nhỏ tên là Gebel Yashkur "Ngọn đồi của Lễ tạ ơn". Một truyền thuyết địa phương kể rằng chính nơi đây, con tàu của Nô-ê đã dừng lại sau trận đại hồng thủy, chứ không phải ở Núi Ararat. Ngoài ra, nó còn được sử dụng cho một số mục đích, cũng như làm nơi trú ẩn cho những người hành hương từ Bắc Phi đến Hijaz vào thế kỷ thứ 12.
Mang phong cách Samarran phổ biến trong các công trình của Abbasid. Nó được xây dựng xung quanh một sân trong, với sảnh có mái che ở 4 bên. Cả công trình hoàn toàn sử dụng bằng gạch đỏ nung tốt cùng thạch cao Stucco - đây là loại thạch cao gốc xi măng được trộn tại chỗ và thi công ướt để đông cứng lại thành một khối rất đặc. Ban đầu còn có một đài phun nước ở giữa, bao phủ bởi mái vòm mạ vàng được đỡ bởi 10 cột đá cẩm thạch, dưới mái vòm là một cái chậu lớn với đường kính 4 cubit cùng một tia đá cẩm thạch ở chính giữa. Có một tranh cãi đáng kể về thời gian ngọn tháp hình thành - nơi có cầu thang xoắn ốc bên ngoài. Người ta kể rằng chính Ibn Tulun đã vô tình chịu trách nhiệm thiết kế cấu trúc. Vì khi đang ngồi với các quan chức của mình, ông tình cờ quấn một mảnh giấy da quanh ngón tay, lúc họ hỏi ông đang làm gì, Ibn Tulun bối rối trả lời rằng mình đang thiết kế ngọn tháp. Tuy nhiên, nhiều đặc điểm kiến trúc đã chỉ ra công trình được xây dựng sau này, đặc biệt là cách mà ngọn tháp không kết nối với cấu trúc nhà thờ Hồi giáo chính. Bên cạnh đó, còn có một khẳng định rằng Sultan Lajin - người khôi phục lại nhà thờ vào năm 1296, mới là người chịu trách nhiệm xây dựng ngọn tháp hiện tại.
Trong thời kỳ trung cổ, một số ngôi nhà được xây dựng dựa vào các bức tường bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Ibn Tulun. Nhưng hầu hết đã bị phá hủy vào năm 1928 bởi Ủy ban Bảo tồn Di tích Ả Rập. Tuy nhiên, hai trong số những ngôi nhà cổ nhất vẫn còn nguyên vẹn, chúng có lối vào qua các bức tường bên ngoài của nhà thờ, mở cửa cho công chúng với tên gọi là Bảo Tàng Gayer-Anderson - được đặt theo tên của vị tướng người Anh đã sống ở đó cho đến năm 1942. Nơi đây đã được khôi phục nhiều lần, lần trùng tu đầu tiên được biết đến vào năm 1077. Tiếp đến, nhờ sự phục hồi của Sultan Lajin năm 1296 đã bổ sung thêm một số cải tiến; lần gần đây nhất là bởi Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập năm 2004.
-
Al-Masjid an-Nabawi là nhà thờ Hồi giáo thứ hai do nhà tiên tri Muhammad xây dựng tại Medina, sau nhà thờ Hồi giáo ở Quba, đồng thời nó cũng là địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi. Vào thời điểm ấy, đất ở nơi đây thuộc về hai đứa trẻ mồ côi Sahl và Suhayl, khi biết rằng Muhammad muốn mua đất của mình, họ đã đến gặp rồi tặng cho ông như một món quà. Tuy nhiên, Muhammad thật sự muốn trả số tiền đó, cuối cùng giá thỏa thuận đã được thanh toán bởi Abu Ayyub al-Ansari - nhà tài trợ cho nhà thờ. Ban đầu, nó từng là trung tâm cộng đồng , tòa án và trường tôn giáo. Có một bục cao dành cho những người dạy kinh Qur'an cũng như để Muhammad thuyết pháp. Các nhà cai trị sau đó đã mở rộng, trang trí, đặt tên cho những bức tường, cửa ra vào, ngọn tháp theo tên của họ. Sau khi mở rộng dưới thời trị vì của Umayyad Caliph Al-Walid I, giờ đây nhà thờ kết hợp là nơi an nghỉ cuối cùng của tiên tri Muhammad cùng hai nhà thẩm quyền tôn giáo đầu tiên là Abu Bakr và Umar ibn Al-Khattab. Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của nơi đây chính là “Green Dome” (mái vòm xanh) ở góc đông nam. Nhiều người hành hương thực hiện Hajj đều mong muốn đến Medina để thăm nó.
Năm 1909, dưới triều đại của Ottoman Sultan Abdul Hamid II, nhà thờ Hồi giáo Al-Masjid an-Nabawi trở thành nơi đầu tiên tại bán đảo Ả Rập được cung cấp đèn điện. Nó mở cửa chào đón mọi người hầu hết toàn bộ thời gian trong suốt nhiều năm, và chỉ đóng cửa một lần duy nhất trong đại dịch COVID-19 năm 2020 khi tháng Ramadan đến gần. Nằm trên một khu đất hình chữ nhật cao hai tầng, sảnh cầu nguyện Ottoman - phần lâu đời nhất ở nơi đây, nằm về phía nam. Bức tường Qibla là bức tường được trang trí đẹp nhất bằng 185 chữ viết tên của nhà tiên tri Muhammad, có niên đại từ cuối những năm 1840. Các chữ khắc cùng thư pháp khác bao gồm các câu từ kinh Qur'an, một vài Hadith,... Bốn ngọn tháp đầu tiên cao 7,9m xây dựng bởi Umar. Năm 1307, một ngọn tháp có tên Bab as-Salam được thêm vào. Sau dự án cải tạo năm 1994, có tổng cộng mười tháp cao 104m; phần trên, dưới cùng phần giữa của nó lần lượt có hình trụ, hình bát giác, hình vuông.
-
Nhà thờ Hồi giáo Pha Lê hay Masjid Kristal là ngôi nhà thờ có cấu trúc vĩ đại làm bằng thép, thủy tinh và pha lê. Nó tọa lạc tại Công viên Di sản Hồi giáo trên đảo Wan Man, Kuala Terengganu - Malaysia. Được xây dựng trong 2 năm, từ năm 2006; nhà thờ chính thức khánh thành vào ngày 8 tháng 2 năm 2008 bởi quốc vương Yang di-Pertuan Agong thứ 13, và tiểu vương Mizan Zainal Abidin của Terengganu. Nơi đây có khả năng chứa hơn 1.500 tín đồ cùng một lúc.
Ngoài những điểm tham quan độc đáo cũng như nổi tiếng nhất tại Malaysia, nó còn bao gồm một số yếu tố kiến trúc hiện đại, kiêu hãnh với bốn ngọn tháp dường như tỏa ra sắc vàng vào ban ngày. Nội thất của nhà thờ Hồi giáo Pha Lê được trang trí bằng đèn chùm khổng lồ, hành lang bố trí lưới mắt cáo cùng mihrab lộng lẫy có khắc thư pháp trên đó. Vẻ đẹp của cấu trúc này càng được làm nổi bật bởi dòng sông bên ngoài, nơi người ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu ngoạn mục. Bên cạnh đó, vào lúc chạng vạng và ban đêm, nó còn được thắp sáng bằng những ngọn đèn nhiều màu sắc. Mái vòm chính bao bọc bởi tám mái vòm nhỏ cùng nhiều mái vòm nhỏ hơn khác phân bổ trên mái nhà. Được làm bằng kính nhiều lớp cũng như kính cường lực, mỗi mái vòm đều có đỉnh cao với các hình cầu cùng hình lưỡi liềm.
Ngoài ra, nó được tăng cường bằng cách sử dụng cấu trúc thép đúc sẵn, đi kèm với mái vòm là các ngọn tháp đứng vững chắc trên mỗi góc của nhà thờ. Lấy cảm hứng theo phong cách Ottoman, chúng được xây dựng bằng cầu thang xoắn ốc bên trong, những ngọn tháp mảnh mai thuôn nhọn với các cạnh hình lưỡi liềm. Nội thất tô điểm bằng cách sử dụng thiết kế hiện đại, nét cổ điển của bảng màu trắng và vàng. Bao quanh bởi bức tường kính nhiều lớp có in thư pháp Hồi giáo, sảnh cầu nguyện còn trang bị đầy đủ máy lạnh để làm mát không gian bên trong. Một tấm thảm hoa trải trên sàn đá Granit, mang đến cho không gian vẻ ngoài tươi đẹp. Khi đứng trước kỳ quan kiến trúc vĩ đại này, đối với nhiều người đây là trải nghiệm khó có thể quên, họ cảm nhận như đang ở trong một câu chuyện cổ tích. Nhà thờ Hồi giáo Pha Lê thực sự là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại , cả về nội thất lẫn ngoại thất.
-
Qol Sharif là một trong những công trình nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Nga và ở Châu Âu bên ngoài Istanbul. Ban đầu, nó được xây dựng ở Kazan Kremlin vào thế kỷ 16, đặt theo tên của một học giả tôn giáo từng phục vụ tại đó. Người này đã qua đời cùng với nhiều học trò của mình trong khi bảo vệ Kazan khỏi lực lượng Nga vào năm 1552 trong Cuộc Vây Hãm Kazan. Một nhà thờ Hồi giáo tương tự ngày nay đã được đặt bên trong Điện Kremlin, sau đó đã bị lực lượng của Ivan bạo chúa phá hủy. Việc xây dựng nó bắt đầu vào năm 1996, với sự đóng góp của hơn 40 nghìn người cùng tổ chức, tên tuổi của họ đã được ghi vào sổ lưu giữ tại nơi chính điện. Mục đích của các kiến trúc sư là tái tạo lại nhà thờ lịch sử quan trọng cổ xưa. Nơi đây có hai sân lớn, và sảnh cầu nguyện là một không gian rộng có mái vòm được trang trí lộng lẫy. Việc xây dựng này là biểu tượng cho sự hồi sinh di sản văn hóa cũng như tinh thần của người Tatar.
Yếu tố đáng chú ý trong kiến trúc độc đáo của nhà thờ Hồi giáo Qol Sharif bao gồm đường viền bên ngoài, chúng hình thành bởi tám hình chiếu góc trực tiếp, được liên kết với nhau ở một góc 135 độ - tất cả đều có quy mô đáng kể cùng kích thước tỷ lệ thuận với các điểm nhấn chính của bức tranh toàn cảnh. Trên đỉnh là một mái vòm cao 35m có hình chiếc mũ Kazan - biểu tượng sức mạnh của các chiến binh.
Các mái vòm nhọn khác thể hiện sự liên kết của thời gian cũng như nơi ở truyền thống của tất cả những người Thổ Nhĩ Kỳ du mục. Bốn ngọn tháp, mỗi ngọn cao 58m, trên đỉnh có hình lưỡi liềm bằng bạc. Bên cạnh đó còn là những mô tả về hoa tulip - biểu tượng cho sự tái sinh và thịnh vượng của Bulgary cổ xưa, được rải khắp không gian bên trong. Các tấm thảm tráng lệ phủ kín sàn đều được tặng bởi chính phủ Iran. Cùng nằm trong khu phức hợp là Bảo Tàng Văn Hoá Hồi Giáo của vùng Volga, Bảo Tàng Bản Thảo Cổ và một thư viện.
-
Nằm trên ngọn đồi thứ ba của Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thờ Hồi giáo Suleymaniye là một trong những công trình vĩ đại và đẹp nhất. Được ủy quyền bởi quốc vương Suleyman I, cùng với sự thiết kế bởi kiến trúc sư hoàng gia Mimar Sinan. Phía sau bức tường Qibla là một vòng vây chứa các lăng mộ hình bát giác riêng biệt của Suleiman the Magnificent và vợ của ông là Hurrem Sultan (Roxelana). Trong 462 năm, nơi đây luôn là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trong thành phố, cho đến khi nó bị nhà thờ Hồi giáo Camlica vượt mặt vào năm 2019. Tuy nhiên, Suleymaniye vẫn là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất của Istanbul.
Xây dựng dưới triều đại Ottoman, nó đặc biệt được sử dụng đá cẩm thạch, đá Granit cùng đá xốp. Không gian bên trong trang trí tinh tế với việc sử dụng rất có kiểm soát gạch Iznik, đá cẩm thạch trắng, ngà voi, ngọc trai. Dòng chữ Ả Rập phía trên cổng phía bắc khắc bằng chữ Thuluth ở ba tấm đá cẩm thạch - nó cho biết ngày thành lập vào năm 1550 và ngày khánh thành là năm 1557. Nhưng trên thực tế, quy hoạch của nhà thờ bắt đầu trước năm 1550 và các phần của khu phức hợp không được hoàn thành cho đến sau năm 1557.
Suleymaniye đã bị hư hại trong trận hỏa hoạn lớn năm 1660, đồng thời được phục hồi bởi Sultan Mehmed IV. Một phần mái vòm bị sập trong trận động đất năm 1766, việc sửa chữa sau đó đã làm hỏng những thứ còn lại trong trang trí ban đầu của kiến trúc sư Sinan. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất , sân trong được sử dụng làm kho vũ khí, khi một số đạn dược bốc cháy, nhà thờ lại phải hứng chịu một đám cháy khác. Mãi đến năm 1956, nó mới được khôi phục hoàn toàn, các phần của khu phức hợp xung quanh tiếp tục được khôi phục trong thập kỷ sau.
-
Sheikh Zayed là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và cũng được cho là lớn thứ ba trên thế giới. Bất cứ ai đã từng nhìn thấy hoặc đến nơi đây đều sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp tuyệt vời. Trải rộng trên 12 héc-ta đất, nó đủ lớn để chứa hơn 40.000 tín đồ cùng một lúc. Khu phức hợp có diện tích 22.400m2, sảnh cầu nguyện chính có thể chứa hơn 7.000 tín đồ và hai sảnh cầu nguyện nhỏ với sức chứa 1.500 người mỗi sảnh. Nhà thờ có kích thước lớn đến mức phải sử dụng hơn 100.000 tấn đá cẩm thạch Hy Lạp và Macedonia để xây dựng. Nằm trên Phố Sheikh Rashid Bin Saeed, ở cửa ngõ vào đảo thành phố Abu Dhabi, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy địa danh tuyệt đẹp này từ các cầu Sheikh Zayed, Maqta, cùng Mussafah nối hòn đảo với đất liền. Dự án 2,5 tỷ AED này mất tổng 12 năm để hoàn thành, bắt đầu từ năm 1996. Dựa trên phong cách kiến trúc Mamluk, Ottoman và Fatimid cổ điển, đồng thời nó có hệ thống chiếu sáng phản chiếu các tuần trăng, chiếu màu sắc lên mặt ngoài của nhà thờ. Nội thất kết hợp những ô cửa hình vòm kiểu Trung Đông cổ điển, cũng như các hình dạng hình học với thiết kế hiện đại, sáng tạo.
Nhà thờ Hồi giáo lớn Sheikh Zayed gồm 82 mái vòm với nhiều kích cỡ khác nhau, trong đó mái vòm lớn nhất cao 85m, đường kính 32,8m. Nội thất của những mái vòm này được trang trí bằng nghệ thuật Maroc phức tạp. Bên cạnh đó, nó có 4 ngọn tháp, mỗi tháp cao 106m. Sự sang trọng ở nơi đây được thể hiện qua 1.192 cây cột, trong đó 96 cột là một phần của sảnh bên trong, tất cả các trụ đều được khảm xà cừ. Ngoài ra, một phần vẻ đẹp vĩnh cửu của nhà thờ chính là nhờ đá cẩm thạch trắng. Cố vương Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan đã chọn vật liệu này để xây dựng như một biểu tượng của sự hòa bình cũng như thuần khiết. Tấm thảm Ba Tư tại sảnh cầu nguyện chính được làm từ 70% len, 30% cotton - là tấm thảm thắt nút bằng tay lớn nhất thế giới; với diện tích 5.700 m2, đồng thời phải mất hai năm để hoàn thành, cắt tỉa và vận chuyển. Khoảng 1.200 nghệ nhân đã làm việc trên thảm, tạo ra 9 phần khác nhau, sau đó lắp ráp, dệt lại thành một mảnh.
Thật sự hoành tráng như tên gọi, nhà thờ Hồi giáo lớn Sheikh Zayed có bảy chiếc đèn chùm pha lê sang trọng nằm trong sảnh cầu nguyện chính và các lối vào tiền sảnh khác. Chúng được sản xuất bởi Faustig-Đức, những chiếc đèn chùm này có các tấm kính pha lê Swarovski chỉ là một phần của sức hấp dẫn tổng thể. Tất cả đều được làm từ đồng thau, thép không gỉ, cùng khoảng 40kg vàng mạ kẽm, tô điểm cho phòng cầu nguyện chính.
-
Nhà thờ Hồi giáo Grand Paris còn được gọi là nhà thờ Hồi giáo Lớn Paris, là minh chứng quyến rũ cho kiến trúc Hồi giáo và di sản văn hóa ở trung tâm thủ đô nước Pháp. Kiệt tác tinh tế này mời gọi du khách đắm mình trong vẻ đẹp thanh bình, mong muốn khám phá nhiều điểm tham quan mê hoặc. Sự hùng vĩ của màn trình diễn hoa tử đằng trong mùa xuân rực rỡ là một cảnh tượng đáng chú ý. Khi thời tiết ấm lên, sân trong được tô điểm bởi sự bùng nổ của hoa oải hương, hoa tử đằng màu tím và trắng rủ xuống các giàn, tràn ngập không khí với hương thơm ngọt ngào. Sự tương tác giữa ánh sáng mặt trời cùng những bông hoa mỏng manh tạo nên một cảnh tượng tuyệt đẹp, cũng như yên bình cho những ai chứng kiến. Nơi đây bao gồm phòng cầu nguyện, khu vườn ngoài trời, thư viện nhỏ, cửa hàng quà tặng, quán cà phê và nhà hàng.
Nhà thờ Hồi giáo Grand Paris được xây dựng vào những năm 1920, hoàn thành vào năm 1926 - để vinh danh 70.000 binh sĩ Hồi giáo đã hy sinh vì nước Pháp trong thế chiến thứ nhất. Ý tưởng này có từ giữa thế kỷ 19, nhưng đến mãi về sau dự án mới được thực hiện. Chính phủ Pháp muốn cảm ơn sự phục vụ của những người lính Hồi giáo nên đã xây dựng một nhà thờ để vinh danh họ. Thiết kế bởi kiến trúc sư Maurice Tranchant de Lunel, lấy cảm hứng từ kiến trúc Ả Rập-Andalusia; lối vào của nhà thờ dẫn đến một khoảng sân tuyệt đẹp, bao quanh bởi các mái vòm và tranh khảm. Có một đài phun nước ở trung tâm, xung quanh ngập tràn hoa cùng cây cỏ.
Đây thật sự là một không gian hoàn hảo để thư giãn, tận hưởng sự yên tĩnh. Hội trường với mái vòm bằng gỗ được chạm khắc ấn tượng, trang trí cũng bằng tranh khảm cùng thư pháp Ả Rập. Các bức tường gạch men trông bắt mắt, mô tả các hình ảnh tôn giáo. Bên cạnh đó, ngọn tháp là một trong những điểm nổi bật về kiến trúc với chiều cao 33m, nó mang biểu tượng đặc biệt của nhà thờ Hồi giáo và có thể được nhìn thấy từ khắp nơi trong khu vực.
-
Nhà thờ Hồi giáo Putra là một tòa bằng đá Granit màu hồng tuyệt đẹp, mất hai năm để hoàn thành, cũng như tiêu tốn hơn 60 triệu USD. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1997, nó chịu ảnh hưởng từ Trung Đông, Ba Tư và kiến trúc Mã Lai truyền thống. Tên của nhà thờ được đặt để vinh danh Tunku Abdul Rahman Putra Al Haj - vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia. Công trình kiến trúc mang tính biểu tượng này được xây dựng trên mặt hồ nhân tạo Putrajaya, nhưng một phần của nó vẫn nằm trên nền đất rất vững chắc, hơn nửa phần còn lại thì xây dựng trên nước. Đây là một kỹ thuật được ưa chuộng với các nhà thờ Hồi giáo vì tạo nên hình ảnh nổi. Thậm chí, một số khác còn được xây dựng trên cả đại dương, trông chúng thật sự khá ấn tượng.
Đối với các chi tiết cụ thể về cấu trúc, mái vòm chính của Putra cao 50m, với một ngọn tháp 116m - cao thứ ba trên thế giới. Ngọn tháp được lấy cảm hứng từ nhà thờ Hồi giáo Sheikh Omar ở Baghdad, xây dựng vào thế kỷ 12; có năm tầng kéo dài với thiết kế hiện đại, đơn giản, cổ điển và mang tính biểu tượng. Phần bên ngoài tuân theo các yếu tố thiết kế truyền thống trong việc tạo ra nghệ thuật đại diện cho thiên nhiên, chẳng hạn như các bức bình phong trang trí ở lối vào, tạo cho mọi người cảm giác nó trông giống như mặt trời hoặc là hoa. Nội thất rộng lớn, có thể chứa 15.000 tín đồ; gồm một phòng cầu nguyện, thính phòng, giảng đường, phòng ăn, phòng tang lễ cùng thư viện. Sảnh cầu nguyện chính là phòng lớn nhất trong nhà thờ Hồi giáo Putra, nó nằm dưới một mái vòm lớn màu hồng được đỡ bởi 12 cây cột. Đó là một không gian mở, nơi giáo dân tụ họp để cầu nguyện. Ngoài ra, biểu tượng thú vị tiếp theo là những cửa sổ kính màu nhỏ xung quanh phòng cầu nguyện. Tuy thiết kế trông đơn giản, nhưng khi nhìn vào tất cả các yếu tố, người ta có thể thấy mô hình hình học phức tạp như thế nào.
Có nhiều hình dạng đan xen vào nhau để tạo nên thứ được gọi là Khatem Sulemani. Đó là ngôi sao 8 cánh, yếu tố phổ biến cũng như nổi bật của kiến trúc Hồi giáo. Ngôi sao này được tạo ra bằng cách chồng hình vuông này lên hình vuông khác, một trong số đó được xoay 45 độ; hai hình vuông sau đó được đặt bên trong một hình tròn và được lấp đầy bởi các hình vuông cùng hình tròn đồng tâm để tạo ra một ngôi sao nhiều cánh ở giữa. Nó cũng là thiết kế được sử dụng khá nhiều trong nghệ thuật Hồi giáo.
Ngoài là nơi linh thiêng phục vụ các nhu cầu tâm linh, thì nhà thờ Hồi giáo Putra còn cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng. Không gian công cộng có sẵn để tổ chức hội nghị, hội thảo và triển lãm. Mọi người thuộc bất kể tôn giáo cũng như tín ngưỡng nào khi bước vào đều được yêu cầu phải dùng khăn trùm đầu như một dấu hiệu của sự tôn trọng.
-
Nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Seoul là nhà thờ Hồi giáo duy nhất của Seoul và cũng là nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Hàn Quốc. Nằm trên đỉnh một ngọn đồi phía trên khu phố sầm uất Itaewon, nó được hoàn thành vào năm 1976 với sự giúp đỡ của các quỹ từ nhiều quốc gia Hồi giáo cũng như chính phủ Hàn Quốc. Điều thú vị là các bài giảng ở đây có thể được nghe bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Có một tấm biển phía trên lối vào viết bằng tiếng Ả Rập với nội dung “Allahuakbar” - nghĩa là “Thiên Chúa vĩ đại". Trong khoảng một thập kỷ trước khi nó hình thành, liên đoàn Hồi giáo Hàn Quốc đã tổ chức các buổi lễ trong một phòng cầu nguyện tạm thời nằm ở khu vực trung tâm thành phố Seoul. Có khoảng 3.000 người Hồi giáo được biết là đang sống tại đây vào thời điểm đó. Tổng thống Park Chung-hee đã đề nghị cấp đất cho họ để xây dựng một nhà thờ thích hợp, như một cử chỉ thiện chí đối với các đồng minh tiềm năng ở Trung Đông; vì vào thời điểm này, đất nước Cộng hòa Hàn Quốc vẫn còn non trẻ. Chính phủ Ả Rập Xê-út cùng một số quốc gia Trung Đông khác đã thể hiện sự ủng hộ bằng cách cung cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng.
Trong vòng một năm kể từ khi mở cửa nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Seoul, số lượng người theo đạo Hồi tại đất nước này đã tăng từ 3.000 lên hơn 15.000 người. Con số đó lại tăng mạnh lên khoảng 150.000 người, với lượng lớn lao động nước ngoài từ các quốc gia Hồi giáo như Pakistan, Bangladesh và Indonesia vào những năm 1990. Tiếp theo đó là bảy nhà thờ Hồi giáo khác cũng đã được xây dựng trên khắp Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Seoul vẫn là nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở khu vực thủ đô, và do đó nó đóng vai trò là trung tâm chức năng của cộng đồng văn hóa Hồi giáo. Một khu thương mại sầm uất đồng thời đã phát triển xung quanh nơi này, chủ yếu tập trung vào việc buôn bán các món ăn Trung Đông cũng như các món ăn halal khác. Nhà thờ được chú ý với thiết kế Hồi giáo đặc trưng.
Các ngọn tháp lớn trên tòa nhà và bức thư pháp Ả Rập chạm khắc gần lối vào, bục giảng bằng gỗ truyền thống, được tặng bởi vua Hassan II của Maroc - nơi diễn các ra bài thuyết pháp vào thứ sáu. Bên cạnh đó, nó còn có hai sảnh cầu nguyện khác nhau: sảnh lớn dành cho nam giới, sảnh nhỏ hơn dành cho nữ giới. Ngoài thời gian cầu nguyện ra, những người không theo đạo Hồi không thể vào bên trong. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể dạo quanh không gian bên ngoài.
-
Tokyo Camii là nhà thờ Hồi giáo có trung tâm văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ liền kề, tọa lạc tại Yoyogi Uehara ở Shibuya, Tokyo-Nhật Bản. Nó đã từng bị phá hủy vào năm 1986 do sự xuống cấp, sau đó được xây dựng lại thành Trung tâm văn hóa Tokyo Camii & Thổ Nhĩ Kỳ năm 2000. Nơi đây đã trở thành nền tảng cho người Hồi giáo tại Nhật Bản. Nó có kiến trúc tương tự như Nhà thờ Hồi giáo Xanh nổi tiếng thành phố Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ. Ngôi nhà thờ truyền thống này được tạo ra theo phong cách Ottoman, tỏa sáng độc đáo trên nền của những tòa nhà chọc trời hiện đại ở Shinjuku. Thiết kế tuyệt đẹp khiến mọi người đều mong muốn đến tham quan và đắm mình trong vẻ đẹp của nó.
Xây dựng lần đầu tiên vào năm 1938, nhà thờ Hồi giáo Tokyo Camii hoàn thành vào năm 2000. Ban đầu nó được xây dựng cùng với một trường học bên cạnh bởi những người nhập cư Bashkir và Tatar từ Nga đến Nhật Bản sau Cách Mạng Tháng Mười. Năm 1986, nó phải bị phá bỏ vì hư hỏng cấu trúc nghiêm trọng. Dưới sự chỉ đạo cũng như hỗ trợ của Tổng Cục Tôn Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, tòa nhà mới được khởi công năm 1998 bởi kiến trúc sư Hilmi Senalp. Khoảng 70 thợ thủ công đã thực hiện các chi tiết hoàn thiện, và một số lượng đá cẩm thạch đáng kể được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chi phí ước tính khoảng 1,5 tỷ yên.
Nhà thờ Hồi giáo Tokyo Camii hiện tại có diện tích 734 m2, gồm một tầng hầm cùng ba tầng trên mặt đất với tổng diện tích sàn là 1.477 m2. Mái vòm chính cao 23,25m, được hỗ trợ bởi sáu cây cột; bên cạnh đó, ngọn tháp liền kề cao 41,48m. Mỗi tầng của nhà thờ có một hoạt động khác nhau dành cho những tín đồ. Tầng một là khu vực chung, tầng hai là phòng cầu nguyện, với bục giảng để thuyết pháp. Toàn bộ nội thất lẫn ngoại thất đều sử dụng chủ yếu hai gam màu trắng và xanh ngọc. Cả minbar và mihrab được phủ bằng đá cẩm thạch trắng - màu sắc đại diện cho sự thuần khiết liên quan đến Thiên Chúa, đồng thời chi tiết vàng trên đó là điểm nhấn giúp chúng nổi bật hơn.
-
Nhà thờ Hồi giáo Nasir Al-Mulk, hay còn được gọi là nhà thờ Hồi giáo Hồng, là một nhà thờ Hồi giáo truyền thống ở Shiraz-Iran, được xây dựng dưới triều đại Qajar. Việc này bắt đầu vào năm 1876 theo lệnh của Mirza Hassan Ali Nasir-ol-Mulk, một trong những lãnh chúa và quý tộc của Shiraz. Công trình hoàn thành vào năm 1888, bởi kiến trúc sư Mohammad Hasan-e-Memar. Điểm đặc biệt ở nơi đây chính là có rất nhiều kính màu xung quanh mặt tiền, cũng như sự trưng bày các yếu tố truyền thống khác như thiết kế Panj Kase (ảnh thứ 2). Không chỉ sở hữu những ô cửa đầy màu sắc mà Nasir Al-Mulk còn có những bức tường được trang trí tỉ mỉ. Hàng triệu viên gạch màu tạo thành hàng loạt hoa văn rực rỡ trên mái vòm cùng hốc tường. Khoảnh khắc đẹp nhất tại đây thường là vào lúc 7-9 giờ sáng, khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua các ô cửa kính rồi chiếu xuống các hành lang và trên những tấm thảm Ba Tư, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Khi ấy, cả khu thánh địa đều trở nên rực rỡ, lung linh; dường như bất cứ ai cũng phải trầm trồ trước sự mê hoặc của nó.
Trong suốt 140 năm, Nasir Al-Mulk luôn được mọi người thừa nhận là một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất thế giới. Bởi lẽ, ngay từ khi bước vào ngôi giáo đường, người ta sẽ được chứng kiến “vũ điệu sắc màu” vô cùng rực rỡ của ánh sáng cùng màu sắc trên kiến trúc của nó. Nội thất có mái vòm và đèn chùm trang trí công phu, tất cả được điểm xuyết bằng gạch tráng men hoa văn đẹp mắt. Bên ngoài là một khoảng sân rộng với một cái hồ ở trung tâm, bao quanh bởi hoa phong lữ. Vào mùa xuân và mùa thu, khi thời tiết có mưa, khuôn viên sân trở nên thực sự ngoạn mục, tràn đầy sức sống bởi những hình ảnh phản chiếu trên nền đất ướt. Mặt tiền bao gồm hàng chục mái vòm theo phong cách Arabesque, làm tăng thêm vẻ đẹp của màn trình diễn ánh sáng từ kính màu.
-
Nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Cologne là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Đức. Kiến trúc của nó được lấy cảm hứng từ một nụ hoa, và những bức tường kính tượng trưng cho sự cởi mở với những người có tín ngưỡng khác nhau. Khái niệm này kết hợp các yếu tố phương Đông với Hồi giáo đương đại. Các dòng chữ Ả Rập trên trần là tên của các vị tiên tri - những người có công trong lịch sử Do Thái, Hồi giáo, Cơ đốc giáo. Lần đầu tiên nó được sử dụng như một nhà thờ Hồi giáo vào năm 2017, lễ khánh thành diễn ra tháng 9 năm 2018. Thiết kế theo phong cách kiến trúc tân Ottoman, với những bức tường bằng kính, hai ngọn tháp, cùng một mái vòm. Nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Cologne rộng 4.500 m2, có chi phí xây dựng khoảng 20 triệu bảng Anh, mục đích chứa 2.000 đến 4.000 tín đồ. Nó được tài trợ bởi một chi nhánh của cơ quan phụ trách các vấn đề tôn giáo từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, các khoản vay ngân hàng và quyên góp bởi 884 hiệp hội Hồi giáo. Bên cạnh đó, nhà thờ Công giáo Thánh Theodore của thành phố Cologne cũng quyết định gây quỹ cho công trình này. Thiết kế bởi kiến trúc sư Gottfried Bohm cùng con trai ông là Paul Bohm.
Nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Cologne gồm một sảnh chính cao 36,5m và hai ngọn tháp cao 55m. Ngoài ra, còn có chợ, lối vào ở tầng trệt, giảng đường ở tầng hầm, khu vực cầu nguyện tầng trên cùng một thư viện. Giếng được đặt ở trung tâm để kết nối hai cấp độ, tạo ra một bầu không khí dễ chịu. Bức tường kính nơi đây mang đến cho du khách cảm giác rộng mở. Một kế hoạch xây dựng những ngọn tháp ngắn hơn đã bị hủy bỏ sau khi các kiến trúc sư cho biết điều này sẽ khiến cho những ngọn tháp không cân xứng với phần còn lại của nhà thờ cũng như các cấu trúc xung quanh. Các nhà phát triển đã yêu cầu thêm một khu vực thế tục khác như: nhà hàng, sảnh sự kiện và cửa hàng, tất cả đều phải mở cửa cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, tôn giáo; nhằm kết nối mọi người với nhau.
-
Jama là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Ấn Độ, được xây dựng bởi Hoàng đế Shah Jahan vào thế kỷ 16. Nó là một phần của Di sản Thế giới, nằm tại Fatehpur Sikri - thủ đô của đế chế Mughal trong khoảng 10 năm. Với kiến trúc Iran tuyệt đẹp, Jama cũng là một trong những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất tại Agra. Việc xây dựng này đánh dấu một bước chuyển tiếp của nghệ thuật Hồi giáo Ấn Độ - nơi sự pha trộn giữa các yếu tố Ba Tư và bản địa được thể hiện rất rõ ràng. Ủy quyền bởi hoàng đế Mughal Shah Jahan từ năm 1644 đến 1656, nó từng là nhà thờ Hồi giáo hoàng gia của các hoàng đế Mughal cho đến khi đế chế này sụp đổ vào năm 1857. Jama được coi là một cử chỉ biểu tượng của quyền lực Hồi giáo trên khắp đất nước trong thời kỳ thuộc địa. Đây cũng là nơi mang ý nghĩa chính trị trong một số thời kỳ quan trọng của sự cai trị từ nước Anh. Nhà thờ vẫn được sử dụng và là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng nhất Delhi.
Kiến trúc chủ yếu sử dụng đá sa thạch đỏ. Tuy nhiên, nó được phân biệt với những công trình tiền nhiệm bằng cách sử dụng thêm nhiều đá cẩm thạch trắng hơn. Bên cạnh đó, đá cẩm thạch đen cũng có tính năng như một yếu tố trang trí. Các mảnh thư pháp Ả Rập cùng Ba Tư có nội dung tôn giáo, được tìm thấy trên các bề mặt khác nhau của cấu trúc. Hình thành trên một ngọn đồi, nhà thờ Hồi giáo Jama nằm tại vị trí cao 10m so với thành phố xung quanh. Nổi bật nhất trong số ba cổng là cổng phía đông cao ba tầng, trong lịch sử nó từng đóng vai trò là lối vào hoàng gia - chỉ dành riêng cho Hoàng đế cùng các vị quan thần của ông sử dụng. Hai lối vào khác là cổng phía bắc và phía nam, cao hai tầng, được sử dụng cho người dân. Sân vuông lát bằng đá hướng về cổng phía đông, với chiều dài một mặt là 99m, có thể chứa 25.000 tín đồ. Ở phần trung tâm là một bể rửa tội làm từ đá cẩm thạch; chiều dài 17m, chiều rộng 15m.
Các mái vòm mở chạy dọc theo các cạnh của sân trong, qua đó có thể nhìn thấy khu vực xung quanh nhà thờ. Phòng cầu nguyện với chiều dài 61m, chiều rộng 27m; hai bên là năm cổng vòm nhỏ hơn. Phía trên mỗi cổng vòm của phòng cầu nguyện là một số tác phẩm thư pháp. Nội thất của hội trường có bảy mihrab (hốc cầu nguyện) trên bức tường qibla phía tây. Mihrab trung tâm được ốp bằng đá cẩm thạch, với một minbar (bục giảng) nằm bên phải. Hội trường trang trí với hai gam màu trắng-đen, trông giống như một tấm thảm cầu nguyện. Các mái vòm được bao bọc bởi hai ngọn tháp bằng đá sa thạch ở góc đông bắc và đông nam, chúng cao 40m. Mỗi ngọn tháp bao gồm 130 bậc thang, dọc theo đó là các phòng trưng bày.
-
Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym là một trong những di tích quan trọng nhất của Samarkand-Uzbekistan. Vào thế kỷ 15, đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn và tráng lệ nhất, được xem là kiệt tác của thời kỳ phục hưng. Năm 1897, một trận động đất đã phá hủy nhiều phần của nhà thờ, nhưng các phần chính đều đã được khôi phục lại. Theo một số truyền thuyết, nó được xây dựng bởi Bibi-Khanym - người vợ yêu quý của Tamerlane, việc này nhằm chào mừng sự trở về của ông từ Ấn Độ, cùng mong muốn đây sẽ trở thành công trình kiến trúc vĩ đại nhất trên Samarkand. Nhà thờ gồm 3 phòng mái vòm, phòng trưng bày có mái che, 8 ngọn tháp (4 ngọn tháp đã được trùng tu, 4 ngọn còn lại chưa hoàn thành), và cả một khoảng sân rộng với bệ đá khổng lồ chế tác từ những khối đá cẩm thạch trang trí công phu.
Nó sở hữu những đặc điểm điển hình của nhiều công trình Hồi giáo thời trung cổ, đặc biệt là các tác phẩm sân vườn. Những bức tường bên ngoài bao quanh khu vực hình chữ nhật với chiều dài 167m, rộng 109m. Một mái vòm hoành tráng cao khoảng 40m, nằm ở vị trí đối diện của sân trong. Phòng trưng bày có mái che và sân trong rộng rãi nhằm mục đích tập hợp toàn bộ nam giới của thành phố Samarkand đến cùng nhau cầu nguyện vào thứ sáu. Nội thất mạ vàng, mô phỏng các bức tranh thêu thổ cẩm địa phương. Nhà thờ Hồi giáo Bibi-Khanym là một trong những dự án kiến trúc đầy tham vọng nhất của thời kỳ Timurid, có ảnh hưởng đến kiến trúc của Trung Á cũng như của Iran và Afghanistan.
-
Badshahi là nhà thờ Hồi giáo giáo đoàn mang tính biểu tượng thời Mughal, ở thủ phủ của tỉnh Punjab-Pakistan. Nó nằm đối diện với pháo đài Lahore tại vùng ngoại ô của thành phố, và nhiều người xem đây là một trong những địa danh mang tính biểu tượng nhất. Được xây dựng từ năm 1671 đến 1673 bởi hoàng đế Mughal Aurangzeb. Badshahi là một ví dụ quan trọng về kiến trúc cổ xưa, với mặt ngoài trang trí bằng đá sa thạch đỏ, chạm khắc bằng khảm đá cẩm thạch trắng. Năm 1799, dưới thời cai trị của Ranjit Singh đế chế Sikh, sân trong của nhà thờ được sử dụng làm chuồng ngựa và nơi ở cho binh lính. Khi đế quốc Anh nắm quyền kiểm soát Lahore vào năm 1846, nó lại được sử dụng làm đồn trú cho đến năm 1852. Sau đó, Cơ Quan Nhà Thờ Hồi Giáo Badshahi được thành lập để giám sát việc phục hồi nó như một nơi thờ cúng.
Để vào nhà thờ, người ta phải đi qua 22 bậc thang ở cổng chính, hướng về phía đông. Sau khi đi qua cánh cổng đồ sộ, nó sẽ dẫn đến một sân trong rộng lớn lát đá sa thạch bao quanh bởi các mái vòm, nơi này có thể chứa đến 100.000 tín đồ. Phòng cầu nguyện có một hốc trung tâm hình vòm với năm hốc hai bên. Trong số ba mái vòm bằng đá cẩm thạch, mái vòm lớn nhất nằm ở trung tâm, được bao bọc bởi hai mái vòm nhỏ hơn. Cả bên trong và bên ngoài nhà thờ đều được trang trí bằng đá cẩm thạch trắng tinh xảo, chạm khắc hoa văn phổ biến trong nghệ thuật Mughal. Ở mỗi góc gồm các ngọn tháp ba tầng hình bát giác làm bằng đá sa thạch đỏ cao 60m. Ngoài ra, toà chính của nhà thờ Hồi giáo Badshahi cũng có thêm bốn ngọn tháp nhỏ hơn ở mỗi góc.
-
Hassan II là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại Châu Phi và lớn thứ 7 trên thế giới, nằm ở Casablanca-Maroc. Hoàn thành vào năm 1993, nó được thiết kế bởi kiến trúc sư Michel Pinseau, dưới sự hướng dẫn của vua Hassan II và được xây dựng bởi các nghệ nhân từ khắp vương quốc. Tòa tháp cao 60 tầng, trên đỉnh có tia laze, ánh sáng từ đó hướng về Mecca mỗi đêm. Nhà thờ nằm trên một doi đất nhìn ra Đại Tây Dương; các bức tường bằng đá cẩm thạch được làm hoàn toàn thủ công. Tối đa 105.000 tín đồ có thể tụ tập cùng nhau để cầu nguyện, bao gồm: 25.000 người bên trong sảnh đường cùng 80.000 người khác ở khu vực bên ngoài. Uỷ quyền bởi vua Hassan II, đây là công trình kiến trúc tham vọng nhất từng được xây dựng ở đất nước này. Công việc bắt đầu vào ngày 12 tháng 7 năm 1986, tiến hành trong khoảng thời gian bảy năm. Trong giai đoạn xây dựng căng thẳng nhất, 1.400 người đàn ông phải làm việc vào ban ngày và 1.100 người khác làm việc vào ban đêm. Bên cạnh đó còn có 10.000 nghệ sĩ và thợ thủ công đã tham gia trong việc trang trí. Chi phí ước tính khoảng 585 triệu euro - đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi, vì Maroc là quốc gia có thu nhập trung bình khá thấp.
Sảnh cầu nguyện của nhà thờ Hồi giáo Hassan II nằm trên đỉnh có cửa sổ bao phủ, được xây dựng theo mặt bằng hình chữ nhật với chiều dài 200m, chiều rộng 100m; gồm ba gian giữa, vuông góc với bức tường qibla. Đá Granit, thạch cao, đá cẩm thạch, gỗ, cùng các vật liệu khác sử dụng trong công trình được khai thác từ khắp đất nước, ngoại trừ một số cột đá Granit trắng từ Ý và 56 đèn chùm thủy tinh. 6.000 nghệ nhân truyền thống đã phải làm việc trong suốt 5 năm để tạo ra những bức tranh khảm phong phú, đẹp mắt. Sàn, cột bằng đá cẩm thạch, các đường gờ thạch cao, trần nhà bằng gỗ được chạm khắc, sơn màu. Bề mặt bên ngoài với lớp hoàn thiện bằng titan, đồng cùng đá Granit, trang trí bằng đá cẩm thạch xanh nhạt và gạch Zellige.
Một điểm đặc biệt khác là tất cả các cấu trúc của nhà thờ đều được làm bằng bê tông, xi măng, cốt thép; đồng thời tất cả các trang trí đều theo thiết kế truyền thống. Sảnh trung tâm nhấp nhô với nhiều mái vòm nối tiếp nhau, ở đó treo những chiếc đèn chùm thủy tinh nhập khẩu từ Murano. Hai bên sảnh có gác lửng - là khu vực dành riêng cho phụ nữ. Cổng được trang trí bằng các thanh đá cẩm thạch. Những miếng gạch khảm đa sắc hình học với thạch cao chạm khắc được sử dụng để làm nổi bật các loại hình nghệ thuật Hồi giáo.