Top 15 Nhà giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam

Miu Lee 22638 1 Báo lỗi

Isaac Newton là thầy giáo của mọi nhà vật lí, Khổng Tử được hàng ngàn tín đồ Nho giáo tôn làm sư, Bill Gates được coi là người thầy giáo vĩ đại của công ... xem thêm...

  1. Chu Văn An (1292/1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt cuối thời Trần, "danh nhân văn hóa thế giới". Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An hay Chu Văn Trinh. Ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt.


    Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất.


    Ông được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.


    Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

    Nhà giáo Chu Văn An
    Nhà giáo Chu Văn An

  2. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Nguyễn Bỉnh Khiêm là con của ông Nguyễn Văn Định và bà họ Nhữ (con gái của Thượng thư Nhữ Văn Lan) - một người phụ nữ có học vấn, tinh thông việc tướng số. Từ nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ dạy dỗ rất cẩn thận nên sớm tỏ ra trưởng thành. Khi lớn lên, nghe tin ở Thanh Hoá có Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là người hay chữ nên ông đã tìm vào để thỉnh giáo. Sau khi học ở nhà thầy Lương Đắc Bằng, ông đi thi và đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1535. Ông được nhà Mạc bổ làm Tả Thị Lang bộ Lại. Năm 1542, ông dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần nhưng không được chấp nhận nên cáo quan về ở ẩn. Sau đó, nhà Mạc lại mời ông ra làm Thượng thư bộ Lại rồi làm Thái phó tước Trình Quốc công. Vì vậy nhân dân thường gọi ông là Trạng Trình. Năm 70 tuổi ông xin về hưu rồi ở quê cho đến lúc mất.


    Trong những năm cáo quan ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, tự xưng là Bạch Vân cư sỹ rồi mở trường dạy học. Học trò của ông có rất nhiều người nổi tiếng cả về văn lẫn võ. Về văn thì có: Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan... về võ có Nguyễn Quyện. Học trò của ông sau khi học thành tài thì tìm ra nhiều con đường để tiến thân. Có người theo nhà Mạc, người theo Lê, người phụng sự cho chúa Trịnh nhưng tất cả đều rất tôn trọng ông. Không chỉ học trò mà tất cả những người thời đó đều coi ông như một bậc thầy đáng kính. Các Triều đình nhà Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn... đều rất kính trọng ông và thường sai người đến xin chỉ dạy. Nguyễn Bỉnh Khiêm không câu nệ đường lối chính trị nên đều tận tình chỉ bảo cho tất cả. Và tất cả các thế lực chính trị lúc bấy giờ đều công nhận những chỉ dẫn của ông là đúng. Vì vậy người ta coi ông là bậc đại hiền, bậc tiên tri. Trong lòng của các học trò, ông là thầy giáo tài ba, là Tuyết Giang phu tử lừng lẫy. Trong cảm quan văn hoá dân gian ông được coi là một ông trạng, một vị tiên.

    Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm
  3. Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão, niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723), đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729), tại Mật thôn, ông vốn có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau vì kiêng húy vua chúa nên đổi là Thiếp. Cùng với Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Thiếp được học trò tôn là "Phu tử". Với tư chất thông minh, được dạy dỗ từ nhỏ, những điều kiện đủ để Nguyễn Thiếp trở nên một người hay chữ và hiển đạt về sau

    Nhưng Nguyễn Thiếp không thích lối sống khuôn sáo, bó buộc thường tình, mà ngoặt sang lối rẽ khác, thực hiện chí của riêng mình theo lẽ xuất, xử của nhà Nho. Năm 21 tuổi, Nguyễn Thiếp đỗ Hương giải, con đường công danh trước mắt rộng thênh thang, vậy mà không hiểu vì sao ông lại dứt con đường cử nghiệp, chuyển sang ẩn dật. Sau này, Nguyễn Thiếp bất đắc dĩ phải ra làm quan để "để nuôi mẹ già báo đáp đạo hiếu" nhưng cũng từ đó ông tham gia vào việc chấn hưng việc học bị đình đốn sau nhiều năm loạn lạc, ông đưa ra nhiều chủ trương mới nhưng không được chấp nhận. Sau 13 năm làm quan, vì quá chán nản, ông lui về ở ẩn.


    La Sơn phu tử, bậc trượng phu, tuy đã mất cách ngày nay đã hơn 200 năm, nhưng danh tiếng của Phu tử vẫn mãi mãi được kính trọng. Bởi Phu tử luôn giữ được khí chất thanh cao của một nhà Nho - một người thầy, xuất xử không những hợp với thời mà còn hợp lẽ đời, luôn hướng đến ích Quốc, lợi dân. Phu tử còn là tấm gương hiếu học - học không biết mỏi và dạy không biết chán. Trong những năm tháng sống ẩn dật trên núi Bùi Phong, Phu tử đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt, đem lại sự giáo hóa và muốn thay đổi học phong cho cả một thời Tây Sơn.

    La Sơn phu tử - Nguyễn Thiếp
    La Sơn phu tử - Nguyễn Thiếp
  4. Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, tài giỏi, hiếu học dù hoàn cảnh sống vô cùng khốn khó. Tuy vậy, nghiệp khoa cử của ông thiếu may mắn, mấy lần khăn gói vào Huế thi đều bị hỏng, nên mộng khoa cử đã tan.

    Năm 32 tuổi, lần đầu ông được bổ làm một chức quan nhỏ (Hành tẩu Bộ Lễ). Ở đây, ông bắt đầu cảm thấy nhụt chí và bế tắc khi nhìn thấy cảnh thối nát, bất công và hèn yếu của nhà Nguyễn. Đến khi bị tù, bị tra tấn vì chữa những quyển thi, ông càng đau khổ, uất ức và căm thù cái triều đình ấy.


    Với tư cách thầy giáo, Cao Bá Quát cũng là người khá nổi tiếng. Cả trong thời gian làm giáo thụ ở Quốc Oai cũng như trong những thời gian khác ông đều rất quan tâm đến việc đào tạo nhân tài.


    Trong việc giảng dạy, ông chú trọng việc đưa học trò đi thăm thú non sông, dân tình, ông cũng hay dùng những tư liệu trong ngôn ngữ nước nhà, trong các mối quan hệ xã hội để truyền thụ cho học sinh.

    Thầy giáo Cao Bá Quát
    Thầy giáo Cao Bá Quát
  5. Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh , phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên chống triều Nguyễn, chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu theo cha về Thừa Thiên tránh loạn và học tập Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.


    Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc. Ông mở trường dạy học, học trò rất đông.


    Thời gian này, ông viết Dương Từ - Hà Mậu, nội dung cuốn sách nhằm bênh vực Nho giáo chân chính, chống bọn giả đạo đức, tham danh lợi. Gia đình trước kia hứa gả con gái cho ông, nay thấy ông mù bèn cắt đứt. Sau, ông lấy em gái một học trò của ông. Khoảng năm 1850, ông viết truyện Lục Vân Tiên, tỏ rõ lòng yêu chính nghĩa, ghét gian tà của mình. Quyển sách mang tính “tự truyện” này có tính chất nhân dân, có tác dụng giáo dục đạo đức rất lớn đối với quần chúng. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.


    Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương. Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.

    Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu
    Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu
  6. Phan Bội Châu vốn tên là Phan Văn San. Vì chữ San trùng với tên húy của vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Phan Bội Châu sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

    Cha ông là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện.

    Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885), ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội "Sĩ tử Cần Vương" (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán.

    Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đã lọt vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách nhưng ông không hề biết nên ông bị khép tội hoài hiệp văn tự (mang văn tự trong áo) nên bị kết án chung thân bất đắc ứng thí (suốt đời không được dự thi). Sau cái án này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên) ở trường thi Nghệ An.


    Hiện tên ông đã được đặt cho nhiều trường học và nhiều con đường trên cả nước, trong đó có trường chuyên của tỉnh Nghệ An và một con phố lớn tại Hà Nội, Hạ Long. Tại Huế, khu di tích, tưởng niệm Phan Bội Châu tọa lạc trên con đường cùng tên (119 Phan Bội Châu, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lăng mộ cùng với mái nhà tranh nhỏ nơi cụ từng sống, cách nhau chỉ vài bước chân.

    Thầy giáo Phan Bội Châu
    Thầy giáo Phan Bội Châu
  7. Từng đỗ đầu ba kỳ thi, Lê Quý Đôn phê phán lối học phục vụ thi cử, đề cao việc "học là để hành". Lê Quý Đôn, nguyên là Lê Danh Phương, sinh năm 1726 trong một gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con cả của tiến sĩ Lê Phú Thứ (sau đổi thành Lê Trọng Thứ) - người từng làm đến chức Hình bộ Thượng thư. Mẹ ông là con gái một tiến sĩ từng trải qua nhiều chức quan.

    Từ nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là thần đồng ham học, thông minh, có trí nhớ siêu đẳng. Người đương thời khuyên nhau "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn", tức là thiên hạ có điều gì không biết thì cứ đến hỏi Lê Quý Đôn. Họ thường gọi ông là "túi khôn của thời đại", nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.


    Nhà giáo Lê Quý Đôn có kiến thức uyên thâm, tài trí hơn người. Lê Quý Đôn đã để lại nhiều bộ sách có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, thơ văn, lý số…


    Lê Quý Đôn còn là một nhà nho, nhà giáo nổi tiếng Việt Nam về tài năng và đức độ. Qua bàn tay dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài và giữ chức vụ quan lớn trong triều đình như Bùi Huy Bích, Bùi Bích Tựu…

    Nhà giáo Lê Quý Đôn
    Nhà giáo Lê Quý Đôn
  8. Nguyễn Tất Thành là tên gọi khi còn trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sinh trưởng ở Nghệ An, ông đã có thời gian dạy học ở Phan Thiết, ra đi cứu nước ở Sài Gòn, về chỉ huy cách mạng ở Cao Bằng và tuyên bố thành lập nước Cộng Hoà ở Hà Nội. Cả Việt Nam đều hội tụ trong ông. Cả Việt Nam đều tự nguyện sống, học tập và làm việc theo gương ông, và trung thành đi theo con đường mà ông đã chọn. Xét về mặt ấy, ông là người thầy của cả nước trong thế kỷ XX và vẫn là người thầy ở các thế kỷ kế tiếp.


    Trước khi sang Pháp tìm đường cứu nước và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp ba và tư tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành. Nguyễn Tất Thành thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời, tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Nguyễn Tất Thành đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.


    Nguyễn Tất Thành là một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ 20, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Người còn là người Thầy tận tình chỉ bảo, đào tạo nên những chiến sĩ cộng sản xuất sắc và có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc.

    Bác Hồ cũng là một nhà giáo nổi tiếng nhất, ưu tú nhất lịch sử Việt Nam
    Bác Hồ cũng là một nhà giáo nổi tiếng nhất, ưu tú nhất lịch sử Việt Nam
  9. Xuất thân từ một gia đình nho học, cách mạng, ông là con cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nên tiếp thu được nền học vấn sâu rộng. Ông đã tham gia Đảng Tân Việt, rồi Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động báo chí công khai rất sôi nổi, sớm được giới trí thức công nhận và tôn vinh, ông đã từng là Chủ tịch uỷ ban kháng chiến tỉnh Thanh Hoá, đại biểu Quốc hội.


    Đặng Thai Mai (1902-1984), còn được biết đến dưới tên gọi Đặng Thái Mai và những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình. Đặng Thai Mai là giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam; và nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.


    Đặng Thai Mai có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông lại được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới.

    Thầy giáo Đặng Thai Mai và phu nhân
    Thầy giáo Đặng Thai Mai và phu nhân
  10. Thầy giáo Lê Văn Thiêm quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là một học trò rất thông minh. Ông từng đỗ tú tài toàn phần và được nhận vào học tại trường Đại học Đông Dương.


    Giáo sư Lê Văn Thiêm nổi tiếng vì ông gắn liền với rất nhiều cái “đầu tiên”. Là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường Ecole Normale Superieure de Paris - trường hàng đầu trong việc đào tạo các nhà khoa học ở Pháp. Là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Tiến sỹ quốc gia (học vị cao nhất ở Pháp). Là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán học tại một trường Đại học Châu Âu.


    Là người đầu tiên trở thành Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam. Là Tổng biên tập đầu tiên của hai tờ báo Toán học Việt Nam là Vietnam Jaurnal of Mathematies và Acta Mathematica Vietnamica...

    Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng nhất cùng với các giải thưởng dành cho ông là minh chứng xứng đáng cho điều đó.

    Tượng Thầy giáo Lê Văn Thiêm
    Tượng Thầy giáo Lê Văn Thiêm
  11. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đào Văn Tiến (23 tháng 8 năm 1920 - 3 tháng 5 năm 1995) là nhà sinh học Việt Nam, đặc biệt có nhiều công trình trong lĩnh vực động vật học. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt I (1996). Giáo sư Đào Văn Tiến sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại thành phố Nam Định. Sau khi học xong tiểu học ở Nam Định, ông ra học Trung học ở Hà Nội rồi thi đậu vào trường Đại học khoa học Đông Dương.


    Năm 1946, sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc, phục vụ trong Cục quân y và tham gia giảng dạy ở Trường quân y sĩ. Năm 1951, ông giảng dạy tại Trường Khoa học cơ bản và Sư phạm Cao cấp Trung ương ở Tuyên Quang, về sau di chuyển lên Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1954, sau khi miền Bắc giải phóng, Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập tại Hà Nội. Ông trở về giảng dạy tại Khoa khoa học tự nhiên. Năm 1956 Trường Đại học Sư phạm Khoa học tách thành 2 trường: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tiếp tục giảng dạy, trở thành chủ nhiệm Khoa sinh học của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)). Ông còn giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội.

    Ông là Chủ tịch danh dự Hội Sinh học Việt Nam, Uỷ viên ban nghiên cứu nghề cá miền Tây Thái Bình Dương (1956-1966), Ủy viên Ủy ban Quốc tế nghiên cứu động vật có vú, uỷ viên Hội đồng nghiên cứu thú quốc tế (ITG), hội viên danh dự Hội nghiên cứu thú Liên Xô.

    Giáo sư Đào Văn Tiến
    Giáo sư Đào Văn Tiến
  12. Thầy là người làng Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thầy Hoàng Xuân Hãn là một trường hợp đặc biệt, là một nhà khoa học giáo dục xuất sắc.


    Ông là một nhà khoa học có trình độ cổ văn xuất sắc, ông nắm vững chữ Hán, chữ Nôm và đầu tư nghiên cứu văn học, sử học. Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên sưu tập và gìn giữ được bút tích của vua Quang Trung. Vì thế, người ta mới biết rằng Chinh phụ ngâm có 7 bản dịch.


    Công lao của Hoàng Xuân Hãn là đã sưu tầm được đầy đủ hồ sơ về cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt với rất nhiều số liệu, sự kiện. Đặc biệt, thầy còn nghiên cứu nhiều về Hồ Xuân Hương, về truyện Song Tinh, về Nguyễn Biểu, về cố Điện... được giới khoa học đánh giá cao.

    Những đối tượng nghiên cứu của ông được nhìn nhận bằng con mắt khoa học chứ không phải bằng cái nhìn của quan điểm chủ quan. Trong cuốn “Thầy giáo Việt Nam mười thế kỷ” học giả Vũ Ngọc Khánh đã nhận xét: “... Hôm nay, ngày mai, dù ta có chỗ đứng như thế nào thì đọc Hoàng Xuân Hãn đều có thể yên tâm được”.

    Thầy giáo Hoàng Xuân Hãn
    Thầy giáo Hoàng Xuân Hãn
  13. Thầy Lê Thước sinh ra ở làng Trung Lễ, xã Ngu Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông có truyền thống nổi tiếng về văn học lẫn võ nghiệp như Lê Văn Huân, Lê Minh, Lê Nghệ, Lê Võ, Lê Trực... Xuất thân ở cái nôi văn hoá, cái nôi cách mạng, cậu bé Lê Thước sớm được tạo điều kiện để học hành và có được tài năng xuất sắc khi ngồi ghế nhà trường.


    Năm 27 tuổi ông đỗ đầu kỳ thi Hương và được mời làm quan. Tuy nhiên Lê Thước đã từ chối quan trường để tiếp tục dấn thân vào sự học. Năm 30 tuổi ông tốt nghiệp ban văn học trường Cao đẳng Sư phạm với bản luận văn “Việc học chữ Hán ở Việt Nam”.


    Nhà giáo Lê Thước còn là một nhà văn hoá, một nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội tích cực. Ông có các tác phẩm như “Truyện cụ Nguyễn Du” (viết chung với Phan Sỹ Bàng), “Sự nghiệp và thơ văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ”. Cuộc đời của thầy Lê Thước đã để lại cho đời nhiều thành tựu là niềm cảm hứng của thế hệ học trò tiếp tục phát huy tư tưởng của thầy để làm rạng danh sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

    Nhà giáo Lê Thước
    Nhà giáo Lê Thước
  14. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo".


    Trải qua nhiều khó khăn, vất vả thời đi học rồi đi dạy, ngày 20.11.1992, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký là nhà giáo viết bằng chân đầu tiên được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cuộc đời của ông tưởng chừng như êm xuôi, nhưng bệnh tật vẫn luôn thách thức. Năm 1993, sau khi đến TP HCM chữa bệnh viêm cầu thận, sức khoẻ của ông suy giảm trầm trọng. Từ năm 1994 - 2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến.


    Công việc hàng ngày của ông là đến các trường cấp 2 nghe giáo viên giảng bài, rồi ngồi cuối lớp chép lại những ý tưởng. Về nhà, ông ngồi bệt ra giữa nhà viết lại, nhiều ngày phải viết thâu đêm. Chuyên đề góp ý của ông trở thành những bài lý luận từ thực tiễn rất xuất sắc.

    Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký
    Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký
  15. Văn Như Cương (01/07/1937 – 09/10/2017) là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học (bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1971 tại Liên bang Xô Viết) được phong hàm Phó giáo sư. Ông là người thành lập và hiệu trưởng (1989 – 2014) trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam - là trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội.


    Thầy Văn Như Cương là người thầy lớn, người anh cả, người ông, người cha, người bạn của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Trọn vẹn cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm những thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt. Thầy đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản trong chuyên môn, tư tưởng, phương pháp giáo dục. Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu và đầy lòng vị tha.

    Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục – nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.


    Thầy giáo Văn Như Cương
    Thầy giáo Văn Như Cương



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |