Top 10 Ngọn núi cao nhất Việt Nam
Những ngọn núi cao chót vót luôn là thử thách hấp dẫn với những người yêu thích phiêu lưu. Không cần du lịch nước ngoài, bạn cũng có thể thử thách sự dũng cảm ... xem thêm...của mình bằng cách chinh phục những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Hãy cùng điểm qua danh sách các ngọn núi cao nhất Việt Nam nhé!
-
Không còn nghi ngờ gì nữa, nóc nhà của Đông Dương Fansipan có độ cao 3,143 m, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn giữa địa phận 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu là đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Đỉnh Fansipan chót vót, nằm giữa trùng mây với địa hình hiểm trở luôn là điểm hẹn hấp dẫn của các nhà leo núi luôn khao khát chinh phục độ cao. Hiện nay, ngoài đường bộ, người ta còn cho xây dựng một tuyến cáp treo 3 dây đưa du khách lên tận đỉnh núi dễ dàng. Tuyến cáp treo này đã được công nhận là tuyến cáp treo 3 dây dài nhất thế giới (6,325 m).
Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Hà Nội đến Lào Cai bằng tàu hỏa trên quãng đường dài 333 km; rồi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng ô tô qua 38 km; sau đó từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc Mông, Dao làm nghề cửu vạn phục vụ khách leo núi đông nhất.
Nếu thực hiện chuyến leo núi trong 2 ngày, sáng ngày thứ nhất du khách đi ô tô từ Sapa đến trạm kiểm lâm trên đỉnh đèo Trạm Tôn. Bắt đầu chuyến leo núi ở đó, đi xuyên qua các dãy núi, du khách sẽ dừng chân vào cuối buổi chiều ở một địa điểm cao khoảng 2.800m. Họ sẽ cắm trại, nấu ăn và nghỉ qua đêm ở đây. Ngày thứ hai từ địa điểm cao 2.800m đó, họ sẽ leo lên tới đỉnh Phan Xi Păng 3.143m vào khoảng 10h sáng, đây là quãng đường vất vả nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Sau đó du khách quay về trại nghỉ, ăn uống rồi tiếp tục xuống núi, về đến Trạm Tôn vào khoảng 7h tối, lên ôtô về Sapa.
-
Một đỉnh núi khác cũng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ: Putaleng là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam với độ cao 3,096 m. Pulaleng không chỉ hấp dẫn giới "phượt" bởi độ cao mà còn ở chặng đường lên núi hết sức gian nan nhưng cũng đầy những cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ mà không nơi nào có được: những khu rừng kì dị vời đủ loại côn trùng kì lạ, những dòng suối trong mát, thảm thực vật xanh mướt.
Không giống như Fansipan đã phát triển hệ thống cáp treo cũng như cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho việc leo núi, phục vụ mục đích du lịch và thương mại. Ở Putaleng vẫn còn đúng nghĩa là một cánh rừng già nguyên sinh, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ mà bất cứ ai có cơ hội chiêm ngưỡng cũng đều phải say đắm.
Trong Putaleng sở hữu hệ thống thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng. Chúng phát triển tốt tươi, tự nhiên và không hề có dấu hiệu bàn tay con người “xâm nhập trái phép”. Sự hoang sơ đó, khi kết hợp cùng vẻ đẹp núi non trùng điệp hùng vĩ, tạo nên bức tranh Putaleng vô cùng rực rỡ.
Thời điểm thích hợp để thực hiện hành trình leo núi Putaleng là vào những ngày tạnh ráo, hửng nắng. Tránh di chuyển vào những ngày mưa hoặc sau mưa 1 - 2 ngày. Bởi lẽ, đường đi sẽ trơn trượt và tồn tại rất nhiều nguy hiểm. Nếu sắp xếp được thời gian thì bạn nên đi du lịch Lai Châu và leo núi Putaleng vào tháng 5 hằng năm. Bởi lúc này, ở Putaleng đang vào đúng mùa hoa đỗ quyên. Cung đường chinh phục đỉnh Putaleng vốn đã đẹp nay pha thêm sắc hồng của loại hoa núi rừng này lại càng trở nên tình và thơ hơn.
-
Pisilung được mệnh danh là nóc nhà của biên giới Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Lai Châu. Pusilung có độ cao 3,083 m, đứng thứ 3 trong các dãy núi cao nhất Việt Nam nhưng lại được coi là đỉnh núi hiểm trở và khó chinh phục nhất. Đường lên núi hết sức gian nan, người leo phải có thể lực rất tốt cùng tinh thần thép để vượt qua nhiều dòng suối chảy xiết, ghềnh đá dữ, những khu rừng âm u lạnh lẽo.
Tính từ điểm xuất phát đồn biên phòng Pa Vệ Sử lên tới đỉnh Pu Si Lung, người leo núi phải mất ít nhất 3 đêm 4 ngày vượt 100km đường rừng (cả đi lẫn về). Suốt hành trình trèo đèo, băng rừng, vượt suối chinh phục Pu Si Lung, người leo núi phải trải qua muôn vàn gian nan. 10 đoàn đi có đến 8 đoàn phải bỏ cuộc giữa chừng. Khó khăn là vậy, nhưng những ai đã vinh dự đặt chân lên đỉnh núi này đều vô cùng tự hào vì đã vượt lên chính mình, vượt lên sức chịu đựng của bản thân và mang về những trải nghiệm không bao giờ quên.
Vì đây là vùng đất gần biên giới nên việc di chuyển cũng được xét an ninh khá chặt chẽ, để có tấm vé xuất hành này việc đầu tiên là bạn cần chuẩn bị chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp (đó có thể là giấy tạm vắng hoặc giấy giới thiệu của đơn vị công tác). Sau đó, bạn mang chúng đến Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu trên đường Hoàng Văn Thái, thành phố Lai Châu vào giờ hành chính để xin giấy phép. Giấy này sẽ được trình báo tại đồn biên phòng xã Pa Vệ Sử và bạn sẽ được đồn bố trí người dẫn đường đến cột mốc 42 và đỉnh Pu Si Lung nha!
Mỗi mùa ở vùng đất Tây Bắc này đều có vẻ đẹp riêng, các bạn nên trekking Pu Si Lung vào những ngày mùa xuân hoặc mùa hạ sẽ hạn chế được những cơn mưa bất chợt của núi rừng, càng lên cao không khí sẽ càng lạnh, nên việc chuẩn bị tâm lí và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống là rất quan trọng đấy nhé!
-
Vị trí thứ 4 lại là một đỉnh núi nữa của vùng Tây Bắc: Bạch Mộc Lương Tử với độ cao 3,046 m. Đỉnh núi này là ranh giới giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Chỉ cái tên Bạch Mộc Lương Tử thôi đã gợi cho người nghe một hình ảnh về chốn thần tiên giữa trần gian. Đúng vậy, ngắm nhìn đỉnh Bạch Mộc Lương Tử hùng vĩ nằm sừng sững giữa muôn trùng mây là ước ao của biết bao nhà chinh phục. Tuy nhiên, để ngắm được vẻ đẹp có một không hai này, bạn phải vượt qua hơn 30km đường rừng hết sức cheo leo hiểm trở. Chỉ có một số ít người đã chinh phục được đỉnh núi này.
Thời điểm được nhiều người lựa chọn để phượt Bạch Mộc Lương Tử nhất là từ cuối tháng 8 đến tháng 4 bởi khi này thời tiết mát mẻ, không quá lạnh cũng không quá nóng. Ngoài ra leo núi vào mùa đông cũng là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng cũng khá thú vị khi được chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi phủ trắng núi tạo nên khung cảnh vô cùng bắt mắt.
Là đỉnh núi cao thứ 4 ở Việt Nam với địa hình khá hiểm trở, thế nên hành trình leo Bạch Mộc Lương Tử không phải là sự lựa chọn thích hợp cho những người sợ độ cao hay dễ nản chí. Tuy nhiên chính sự kì vĩ, hoang sơ nhưng đầy thơ mộng và kì ảo của Bạch Mộc Lương Tử lại là điểm hấp dẫn với những ai đam mê du lịch mạo hiểm, thích thử thách ý chí của bản thân.
Thời gian để leo Bạch Mộc Lương Tử trung bình hết từ 2-4 ngày. Nếu là lần đầu tiên bạn chinh phục Bạch Mộc Lương Tử thì tốt nhất nên đi cùng với người đã có nhiều kinh nghiệm leo núi ở đây hoặc thuê người hướng dẫn với mức giá khoảng 250.000đ/ngày.
-
Khang Su Văn cao 3,012 m là đỉnh núi cao thứ 5 Việt Nam, thuộc biên giới Việt Trung, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Đây là đỉnh núi mới nên rất ít người biết đến. Đường lên núi cũng vì thế mà hết sức hiểm trở với nhiều dốc đứng, gió mạnh, rắn độc...
Với độ cao 3,012m cái tên Khang Su Văn sẽ là một điểm đến đẹp cho dân phượt ưu những điểm mới lạ, chưa được khai thác. Đây là đỉnh núi mới toanh, chưa có tên trên bản đồ và rất ít người biết đến. Người dân trong bản gọi đây là Hoàng Liên San (đỉnh Hoàng Liên). Đỉnh núi nằm giữa hai cột mốc cao nhất Việt Nam 79 và 80. Nơi đây chưa được nhiều người biết đến, khung cảnh còn hoang sơ, mọi thứ đều thuộc về những điều nguyên bản từ bàn tay của mẹ thiên nhiên nên bạn hoàn toàn được thỏa mãn bởi khung cảnh đẹp nơi đây.
Do nơi đây còn là một điểm mới đối với dân phượt cho nên độ khó là khá cao. Đoạn chính lên đỉnh có dốc thẳng đứng, gió rất mạnh. Có những chỗ phải lăn lê bò toài dưới đất rất mệt. Thách thức lòng kiên trì, ý chí của bạn rất cao, nên khi đến đây, bạn nên cân nhắc thật kĩ lưỡng trước chuyến đi nhé!
Ở đây đẹp nhất vào mùa hoa Đỗ Quyên nở, chủ yếu là trắng vàng. Xung quanh có rất nhiều đỉnh cao chót vót hoành tráng và đẹp. Khi lên lịch trình chinh phục đỉnh Khang Su Văn bạn cần chuẩn bị mọi đồ đạc và vật dụng cần thiết như đồ ăn, lều trại, đèn pin, nước uống, thuốc dự phòng… đầy đủ. Do địa điểm này chưa được khai thác về du lịch nên bạn hoàn toàn phải tự túc.
-
Tả Liên là đỉnh núi thuộc Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu có độ cao 2,993 m. Nổi bật nhất trong con đường mòn chinh phục đỉnh núi chính là thảm thực vật nguyên sinh đa dạng với những cây cổ thụ khổng lồ và rừng phong bạt ngàn. Đỉnh Tả Liên vẫn còn chưa được nhiều phượt thủ chinh phục. Trung bình phượt thủ có kinh nghiệm cần 3 ngày 2 đêm để đến được đỉnh Tả Liên.
Trên đỉnh núi khá rộng nhưng có nhiều cây bụi mọc um tùm. Trèo lên cây cao có thể nhìn rõ thành phố Lai Châu nằm khuất trong nhấp nhô sóng núi. Nhìn thấy cả phía bên kia là dãy Hoàng Liên Sơn với các đỉnh Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San lẩn khuất trong biển mây.
Khu rừng Tả Liên rậm rạp, rất "cổ tích" với nhiều cây to cổ thụ và rêu phong mốc thếch màu tháng năm. Nắng sớm chiếu qua tán lá kết hợp với sương giăng lãng đãng sẽ tạo khung cảnh huyền ảo. Thực vật rừng Tả Liên đa dạng, đặc trưng là nhiều cây phong và đến mùa chuyển màu rất rực rỡ. Mùa thay lá vào tầm tháng 10-11. Thêm nữa là hoa trà cũng rải rác khắp rừng. Hoa thơm, bé xíu mà tinh khôi. Đỗ quyên mọc nhiều trên đỉnh, nở rộ vào tháng 2-3 đầu xuân. Rừng trúc lùn khá nhiều, đặc biệt là đoạn gần đỉnh. Giống trúc có măng nhỏ nhưng khá ngon, có thể nướng hoặc chế biến với thịt xào.
Khu rừng Tả Liên với thảm thực vật nguyên sinh đa dạng sẽ khiến các bạn phải ngạc nhiên. Những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to lớn mà rêu phong và dương xỉ phủ kín khiến tất cả như biến thành khung cảnh cổ tích, huyền bí. Bao thảm hoa trà rụng trắng lối, lá phong đỏ rực và cả thảm rêu xanh quyến rũ một màu tươi mới. Rêu phong phủ khắp lối và bám kín từ những phiến đá lớn xếp chồng với đủ hình thù kỳ dị cho tới thân cây cổ thụ vươn mình ngạo nghễ. Những thân cây leo bám chằng chịt lên phiến đá trông không khác gì xúc tu của một loài động vật lạ, sẵn sàng vươn mình nuốt trọn kẻ vượt núi tìm rừng.
-
Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2,979 m ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cũng là một đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp. Tà Chì Nhù nằm giữa biển mây bồng bềnh rất ấn tượng. Ngoài ra, đường chinh phục đỉnh núi này không quá gian nan nên Tà Chì Nhù là đích đến yêu thích của nhiều phượt thủ trẻ.
Nằm trong vùng khí hậu của miền Bắc nên Tà Chì Nhù cũng mang hình thái thời tiết tương tự với mùa hè cũng là mùa mưa kéo dài khoảng từ tháng 5 – 8, mùa đông lạnh nhưng lại khá khô ráo, tuy nhiên do địa hình núi cao nên cũng sẽ khá buốt. Thời gian lý tưởng để leo Tà Chì Nhù là từ tháng 11 đến tháng 3, đặc biệt là vào những ngày nắng đông hoặc đầu xuân, lúc này thời tiết tương đối khô ráo, sẽ hơi lạnh nhưng ít mưa và có thể săn được mây.
Ngoài ra, nếu muốn săn hoa đỗ quyên nở các bạn hãy đi Tà Chì Nhù vào khoảng giữa mùa xuân (thường trong khoảng 2 tháng đầu năm). Mùa hè là thời điểm nắng nóng, leo núi mùa này sẽ rất mất sức. Thời điểm này cũng hay gặp mưa, càng lên cao thì lại càng gặp nhiều sương mù. Ngoài việc leo mùa này sẽ vô cùng vắng vẻ, còn lại không có yếu tố gì thuận lợi lắm.
Về cơ bản mà nói, đường leo Tà Chì Nhù gần như chỉ có một đường mòn độc đạo, không có quá nhiều ngã rẽ để khiến bạn có thể lạc. Nếu trong đoàn đã từng có người leo rồi, các bạn hoàn toàn có thể tự đi mà không cần sự hỗ trợ từ người dân địa phương. Nhưng nếu leo lần đầu, các bạn nên thuê người hướng dẫn để được hỗ trợ và sẽ đảm bảo an toàn hơn.
-
Nhìu Cô San, còn được mệnh danh là sừng trời, nằm ở địa phận tỉnh Lào Cai có độ cao 2,965 m cũng thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn. Đường lên Nhìu Cô San tuy không quá dài (14-15km) nhưng nổi tiếng khó khăn và hiểm trở, đặc biệt là có nhiều thú dữ. Mùa đông ở Nhìu Cô San còn có cả tuyết rơi.
Địa hình ở đây có sự thay đổi rõ rệt từ chân núi lên đến đỉnh. Phía dưới là cây bụi, đồng cỏ và vách đá, lên cao một chút là rừng thảo quả, rừng nguyên sinh, thân gỗ cao lớn.. Trên đỉnh là các loại cây lá kim, rừng hỗn hợp thấp tầng. Nhìu Cồ San vốn nổi tiếng là một cánh rừng già với đầy đủ các loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi, nhiều nương thảo quả xanh tốt.
Thời gian đẹp nhất để chinh phục Nhìu Cồ San là khoảng tháng 10 đến tháng 3. Bạn muốn săn mây, săn hoa, săn tuyết và ngắm những khu rừng thủy tinh đều được hết. Đây là khoảng thời gian Nhìu Cồ San vào mùa Đông, không khí trong lành, cái lạnh tê tái khiến băng giá nhiều, sương vương trên cánh hoa, lùm cây, tán lá đều đóng băng. Trong những ngày lạnh nhất, bạn còn được ngắm tuyết rơi. Cuối Đông, đầu Xuân là lúc biển mây ở Nhìu Cồ San đẹp nhất.
Tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian khá nguy hiểm để chinh phục. Mây mù nhiều khiến khó xác định phương hướng. Sương dày, quá mù ra mưa khiến mặt đất rừng trơn trượt. Cái lạnh thấu da thấu thịt dễ làm bạn mất sức hơn hoặc có thể bị sốc nhiệt.
-
Lùng Cúng là đỉnh núi cao thứ 9 ở Việt Nam với độ cao đo được là 2,925 m, thuộc bản cùng tên ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Lùng Cúng là bản xa xôi, khó đi nhất ở Tây Bắc. Đường lên đỉnh Lùng Cúng không quá gian nan (mất khoảng 2 ngày 1 đêm để lên tới đỉnh) nhưng đường vào bản Lùng Cúng để bắt đầu leo lại khá khó khăn. Đây là một trong những đỉnh núi được nhiều phượt thủ lựa chọn chinh phục.
Đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Bản Lùng Cúng là địa bàn sinh sống của hơn 300 hộ người Thái, có cả người Kinh. văn hóa đa dạng, sự pha trộn trong kiến trúc, thói quen sinh hoạt và ẩm thực. Người dân tại đây rất thân thiện và hiếu khách. Vậy đâu là thời gian thích hợp nhất để chinh phục đỉnh Lùng Cúng?
Tháng 1 – 2 – 3: Sắc Xuân rực rỡ. Giống như những vùng đất Tây Bắc khác, mùa xuân hoa Mận, hoa Đào đua nhau khoe sắc khắp núi rừng, là cảnh sắc đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Bên dưới núi có thể không có nắng nhưng lên đỉnh, trên lớp sương dày đặc là khoảng trời trong xanh, nắng ấm rực rỡ. Đừng quên khoảng tháng 3, đầu tháng 4 để đi săn mây đẹp nhất.
Tháng 9 – 10: Mùa lúa và Táo Mèo chín. Chặng đường qua Mù Cang Chải sẽ khiến bạn ngất ngây với khung cảnh ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Bạn cũng sẽ không thể bỏ lỡ bản Lùng Cùng nổi tiếng với hơn 3000 gốc Táo Mèo cổ thụ sẽ chín thơm khắp núi rừng.
Tháng 11 – 12: Mùa hoa trên núi. Trên đường chinh phục Đỉnh Lùng Cúng bạn sẽ đi qua thung lũng Tả Cổ Y, nơi có những cánh đồng hoa tím đẹp ma mị, Khắp các triền núi là hoa Dã Quỳ đua nở vàng rực rỡ Con đường lên đỉnh Lùng Cúng trở nên thật thi vị. -
Nam Kang Ho Tao thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cao 2,881 m. Đường lên Nam Kang Ho Tao khá dài và hiểm trở với nhiều vách đá cheo leo. Tuy nhiên thảm thực vật ở đây lại không quá đặc sắc như các đỉnh núi Tây Bắc khác. Ngoài ra, còn có nhiều lời đồn thổi về các bí mật tâm linh xung quanh đỉnh núi này.
Nam Kang Ho Tao đúng nghĩa là vùng núi hoang sơ, gai góc và khó chiều. Những người tìm đến chinh phục phần ít vì cảnh đẹp, phần nhiều vì muốn vượt qua giới hạn của bản thân. Hãy chuẩn bị tinh thần để vượt qua những thử thách đang chờ bạn tại Nam Kang Ho Tao. Chẳng phải tự nhiên mà người ta nói Nam Kang Ho Tao là “Cung đường hành xác”. Bạn hầu như chẳng được đi là mấy. Địa hình toàn vách đá cao chót vót, dựng đứng, lởm chởm. Nhiều chỗ nếu không có dây bảo hiểm, trườn cả người, bám bằng cả chân và tay thì không thể vượt qua.
Hết vách đá cao này đến vách đá cao kia, trùng trùng lớp lớp từ chân lên đến đỉnh. Có những đoạn đứng dưới chân vách đá nhìn lên, cao đến cả 30 – 40m, dựng đứng khiến ai cũng hãi hùng. Vào mùa mưa, ẩm ướt rêu vô cùng nhiều, nước ngấm vào đá khiến điểm bám rất bở và dễ dàng bung ra bất cứ lúc nào. Đường khó đi càng thêm nguy hiểm. Vách đá nhiều, gần nguồn nước sẽ thành suối.Thác và suối tại Nam Kang Ho Tao nguy hiểm như chính vẻ đẹp của nó. Đường leo suối trượt ngã là điều mà ai cũng phải trải qua vài lần tại Nam Kang Ho Tao.
Đoạn đường mất sức nhất chính là lúc băng rừng. Đường rừng tại Nam Kang Ho Tao giống như mê cung không lối ra. Các dấu vết đường mòn không rõ rệt, đoạn nào cũng giống nhau. Người đi phải vừa đi vừa tìm đường. Bụi rậm dưới chân, việc gặp rắn, rết, vắt ...là chuyện hết sức bình thường. Không tập trung và cẩn thận 1 chút thôi là có vấn đề xảy ra ngay. Có 2 thời điểm bạn nên chinh phục là vào tháng 2 đến hết tháng 3 và khoảng tháng 9 đến hết tháng 11.
Thời tiết tạnh ráo. Nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh giúp sức khỏe ổn định hơn. Trời có nắng nhẹ khiến địa hình bớt trơn trượt. Sương mù ít hoặc không có sẽ dễ dàng hơn trong xác định phương hướng. Đây cũng là mùa người dân tộc lên núi nhiều để đào măng, săn bắt nên các lối mòn khá rõ ràng và dễ đi.
Nguyễn Hoàng Chương 2019-05-23 13:06:20
bài viết được chọn làm video của toplist.vn cảm ơn tác giả