Top 10 Ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam

Phương Trinh 9061 1 Báo lỗi

Ở Việt Nam có những ngôi nhà được xây dựng từ thời xa xưa, được thiết kế theo lối riêng biệt và điển hình theo nền văn hóa, phong tục thời đó. Nhà cổ là những ... xem thêm...

  1. Du khách tới Thanh Hoá, nếu đi thăm Thành Nhà Hồ và tới cửa Tây, sẽ được những người dân ở đây hồ hởi, nồng nhiệt giới thiệu đi thăm một ngôi nhà cổ. Đó là ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng, nằm cách cửa Tây Thành Nhà Hồ chừng 200m. Ngôi nhà cổ của ông Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá là một kiến trúc truyền thống điển hình của Thanh Hoá nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Theo những tư liệu gia đình còn lưu giữ được, ngôi nhà này được dựng từ năm 1810 (đời vua Gia Long triều Nguyễn), tới nay đã hơn 200 năm. Chủ nhân ban đầu là một vị quan Bát phẩm của triều đình, nên dân gian thường gọi là cụ Bát, là cụ tổ 7 đời của chủ nhân hiện tại - ông Phạm Ngọc Tùng (sinh năm 1952). Khi dựng nhà, cụ Bát đã mời những phường thợ lành nghề ở Nam Hà (Hà Nam hiện nay) và thợ mộc ở Đạt Tài (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm ngôi nhà này.


    Là một kiến trúc dân gian truyền thống đặc sắc, một ngôi nhà cổ tiêu biểu của Việt Nam, tháng 9/2002 ngôi nhà này đã được tiến hành trùng tu theo dự án "Bảo tồn kiến trúc nhà cổ truyền thống Việt Nam". Dự án được thành lập năm 1997, do Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) cùng Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) làm chủ đề tài. Ngôi nhà cổ của ông Tùng đã được chọn trong số 64 ngôi nhà cổ đuợc khảo sát và giới thiệu ở địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Ngôi nhà này được trùng tu trong 7 tháng với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức hợp tác phía Nhật Bản. Đây là lần trùng tu đầu tiên của ngôi nhà. Trước khi trùng tu, ngôi nhà xuống cấp nhiều, do tuổi thọ đã quá cao của các cấu kiện gỗ (khoảng 200 năm), nên đã bị mối, mọt, hư hại ảnh hưởng đến sự an toàn của kết cấu và thẩm mỹ kiến trúc. Các cấu kiện gỗ được chạm trổ rất công phu, đậm tính nghệ thuật dân gian.

    Nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng
    Nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng
    Nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng
    Nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng

  2. Làm bằng gỗ lim và vàng tâm, ngôi nhà của quan Tổng đốc Sơn Tây Đào Trọng Kỳ, người có công đào sông giúp dân thoát cảnh cơ hàn là một trong số rất ít công trình nhà cổ được bảo tồn trên đất Hải Phòng. Tọa lạc giữa vùng đất học Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), ngôi nhà 5 gian làm bằng gỗ lim, vàng tâm, lợp ngói mũi của quan Tổng đốc Sơn Tây Đào Trọng Kỳ còn nguyên giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Ngôi nhà được xây dựng vào những năm 1890 trên nền nhà cũ của các cụ để lại. Gỗ lim khai thác từ Quảng Ninh, sau đó đóng bè chuyển về bằng đường sông. 3 bậc tam cấp chạy dài suốt mặt tiền nhà được ghép bằng các tảng đá xanh tự nhiên nguyên khối. Tường nhà được xây bằng gạch đất nung bản mỏng, kích thước mỗi viên gạch dài tới 40 cm, rộng ngang 30 cm.


    Đặc biệt, công trình xây toàn bằng vôi, cát, không có xi măng, sắt thép. Không chọn ngói hài, cụ Kỳ chọn ngói mũi để lợp mái nhà. Đây là loại ngói phổ thông ở các vùng quê. Bên trong ngôi nhà là 4 hàng cột lim ngang, mỗi hàng 6 cột và 3 hàng cột lim dọc. Chống quanh nhà hơn 30 cây cột gỗ lim có đường kính 40 cm mỗi cột chân đế là đá tảng lớn. Tất cả cột, kèo, vì trái, vì phải được liên kết với nhau bằng mộng. Để tạo điểm nhấn cũng như sự mềm mại cho công trình, chủ nhân cho chạm khắc hoa văn cỏ cây, sóng nước tại các điểm ghép nối cột và xà ngang. Sau hơn 100 năm phơi nắng mưa, 5 gian cửa đại bằng gỗ vàng tâm đã ngả màu, hiện rõ sự "già nua". Sau ngày giải phóng, ngôi nhà bị trưng dụng thành nơi hội họp, đấu tố nhà giàu, con cháu Tổng đốc rơi vào cảnh cơ hàn. Theo ông Giao, những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa lưu giữ từ đời này qua đời khác trong ngôi nhà bị lấy đi hết.

    Nhà gỗ của quan Tổng đốc Sơn Tây
    Nhà gỗ của quan Tổng đốc Sơn Tây
    Nhà gỗ của quan Tổng đốc Sơn Tây
    Nhà gỗ của quan Tổng đốc Sơn Tây
  3. Ngôi nhà này nằm cách thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam hơn 30km, làng Lộc Yên. Ngôi nhà nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, hướng về phía cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, và cao hơn những nhà trong làng khoảng 50m. Nhà nằm trong một khuôn viên rộng hơn 4ha, phía trước ngôi nhà là bể cá, vườn cây cảnh vô cùng sinh động. Mọi thứ trong căn nhà đều còn rất chắc chắn. Ngôi nhà không chỉ vì đẹp mà còn gắn với câu chuyện đã 2 lần ông Ngô Đình Diệm hỏi mua nhưng thất bại. Nhà rộng hơn 100m2 và làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng do những người thợ mộc làm trong suốt 12 năm trời.


    Đường vào làng Lộc Yên xanh ngút tầm mắt bởi hai hàng cây, ngõ dẫn vào từng nhà đều đắp đá dài tạo thành lối đi. Người hoài cổ về đây để tìm chút lặng yên cho hồn mình. Bên trong ngôi nhà cổ 200 tuổi là những vật dụng cũ kỹ, từ bàn, ghế, phản, tủ đến cánh cửa, cột nhà. Ngôi nhà cổ mát lạnh vào mùa hè và ấm áp khi mùa đông, là nơi che chắn mưa bão của thế hệ trước và được thế hệ sau coi sóc. Đây cũng là nơi lui tới của những người khách phương xa khi ghé thăm làng cổ.

    Nhà cổ làng Lộc Yên
    Nhà cổ làng Lộc Yên
    Nhà cổ làng Lộc Yên
    Nhà cổ làng Lộc Yên
  4. Nhà cổ Phùng Hưng tọa lạc tại địa chỉ số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngôi nhà này đã được xây dựng cách đây hơn 220 năm, vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, cũng là thời kỳ phồn thịnh của khu phố cổ Hội An lúc bấy giờ. Người cho khởi công cũng như chủ nhân đầu tiên của nhà cổ Phùng Hưng là một thương nhân giàu có. Người địa phương nơi đây tương truyền rằng ông là người giỏi kinh doanh, giao lưu quan hệ rộng rãi. Ngôi nhà được xây dựng với mục đích trở thành nơi kinh doanh lâu dài các mặt hàng như quế, tiêu, muối, đồ sứ, thủy tinh... đều là các mặt hàng giá trị được các lái buôn thời này săn đón. Cái tên Phùng Hưng được đặt cho nơi đây cũng mang ý nghĩa mong muốn nơi đây có thể hưng thịnh lâu dài, con cháu đời đời yên ấm.


    Hiện nay, chủ nhân của ngôi nhà là con cháu đời thứ 8 của vị thương nhân nọ. Những thành viên trong gia đình bên cạnh là người giữ gìn và chăm sóc ngôi nhà, còn kiêm cả vị trí hướng dẫn cho du khách tham quan và thuyết minh về lịch sử cũng như các đường nét kiến trúc, nội thất cổ xưa. Bên cạnh đó, nhà cổ Phùng Hưng còn là một cơ sở may, thêu thủ công của gia đình. Nếu có dịp đi tour Hội An 3 ngày 2 đêm, đừng quên mua những món đồ lưu niệm này về làm quà tặng người thân nhé. Nhà cổ Phùng Hưng được thiết kế theo mô hình nhà buôn bán phổ biến thời bấy giờ, trong đầu thế kỷ XIX. Nhà hình ống với mặt tiền rộng, với ý nghĩa mở rộng cửa đón rước tài lộc vào nhà. Vật liệu chủ yếu là các loại gỗ quý hiếm cho nên sau hơn 2 thế kỷ qua, nhà cổ Phùng Hưng vẫn giữ được nét đẹp vẹn nguyên như ngày đầu.

    Nhà cổ Phùng Hưng
    Nhà cổ Phùng Hưng
    Nhà cổ Phùng Hưng
    Nhà cổ Phùng Hưng
  5. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây sang trọng, được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. Ngôi nhà sở hữu kiến trúc bề thế nhất lục tỉnh miền Tây thời điểm lúc đó nên được người dân nơi đây gọi với cái tên “nhà lớn”. Dinh thự do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha Công tử Bạc Liêu xây khi công tử mới 19 tuổi. Ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Khi đó toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai, Trần Trinh Huy ăn chơi khét tiếng và nổi tiếng mê gái. Được biết, tổng số tài sản mà công tử Bạc Liêu được thừa hưởng và “tiêu hao” vào ăn chơi xa xỉ ước tính lên tới trên 5 tấn vàng.


    Ngôi biệt thự do kĩ sư người Pháp thiết kế, hầu hết vật liệu xây dựng được mang từ Paris về. Nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp, từ các bù long, ốc vít cho đến các chi tiết xây dựng đều có đóng dấu chìm mẫu tự P thể hiện xuất xứ. Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Đến nay, công trình đã hơn năm tuổi nhưng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật tại dinh thự của cậu Ba Huy, không những không bị “lạc hậu” so với thời thế mà trái lại, càng trở nên quý giá và được đánh giá cao.

    Nhà của công tử Bạc Liêu
    Nhà của công tử Bạc Liêu
    Nhà của công tử Bạc Liêu
    Nhà của công tử Bạc Liêu
  6. Nhà cổ Bình Thủy tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ là điếm đến không thể thiếu với bất kì ai dù đặt tour Cần Thơ hay đi tự tức. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương. Căn nhà cổ này là một trong số ít những căn nhà cổ còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, có giá trị lớn trong việc hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân đồng bằng sông Cửu Long thời kì giao thoa giữa hai thế kỉ. Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ - một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Chính vì vậy, du khách có thể nhận thấy ngôi nhà theo phong cách kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp sang trọng. Đặc biệt hơn cả là ngôi nhà mang đậm dấu ấn phong thủy rõ nét của người phương Đông, tạo nên một không gian hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây.


    Ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Khu nhà được bao bọc bởi cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, hoa nở rộ bốn mùa. Khiến cho ngôi nhà vừa mang nét hoài cổ kính đáo vừa sống động, thơ mộng và tươi mới. Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài. Có thể nói nhà cổ Bình Thủy là ngôi nhà cổ hiếm ở miền Tây có phong cách kiến trúc ít trùng lẫn với ngôi nhà cổ nào. Khác biệt với nhiều những ngôi nhà khác, mặt tiền nhà cổ Bình Thủy không có cầu thang đi lên trực tiếp mà được thiết kế hai bên, chính giữa hai cầu thang là những cây hoa kiểng án ngữ thể hiện quan niệm phong thủy của người phương Đông. Đặc biệt, trước mặt tiền là hai cây đèn được đúc bằng đồng thời Pháp tại hai lối cầu thang lên xuống của hai bên ngôi nhà.

    Nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
    Nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
    Nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
    Nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ
  7. Ngôi nhà nằm ở một ngõ sâu ở làng Đông Ngạc, được xây dưới thời vua Lê Cảnh Hưng năm 1760. Chiếc cổng cổ im lìm nhuốm màu thời gian. Trước nhà là vườn cây um tùm. Theo ông Đỗ Quốc Hiến, hậu duệ đời thứ 15, cụ tổ dòng họ là Đỗ Thế Giai, làm quan thời Lê - Trịnh. Khi còn sống, cụ Đỗ Thế Giai đã được triều đình phong Vương, gọi là Đỗ Đại Vương; đến khi qua đời được tôn làm Thần, gọi là Thượng đẳng phúc thần. Ngôi nhà gồm nhà tiền tế và chính điện được dựng bởi các loại gỗ như lim, xoan rừng. Nhà có kiến trúc 5 gian, hai dĩ, lợp ngói âm dương truyền thống. Đây là ngôi nhà thờ họ hiếm hoi được phép xây dựng theo kiến trúc như một đình làng. Theo một Lệnh chỉ niên hiệu Cảnh Hưng 1868 mà gia đình lưu giữ, cụ Đỗ Thế Giai được phong làm Thượng đẳng phúc thần và ban cho tiền gạo thuế hàng năm. Thời đó, dòng họ Đỗ có hàng trăm mẫu ruộng phục vụ việc tế lễ.


    Qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được tất cả các hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa… Trước nhà tiền tế có các bức “Thiết thạch tinh trung” (trung thành như sắt đá), “Thượng đẳng phúc thần” (phong thần), bên trái là bức “Vạn phúc du đồng”, bên phải là “Ngũ phúc lâm môn”. Ngoài ra, còn có thêm hai bức Long mã thể hiện ý chí ngang dọc trời đất. Giá trị của ngôi nhà dễ nhận thấy nhất qua đôi hạc đứng trên mình hai con rùa và hai tấm bia ở gian dĩ tòa nhà tiền tế. Đôi hạc đứng trên mai rùa bằng gỗ quý, có chiều cao hơn 2m. Hai tấm bia đá niên đại 1771 khắc ghi công trạng và đức độ của cụ tổ Đỗ Thế Giai và đưa ra các quy định về việc cúng bái. Một chiếc bàn đá làm nơi bày đồ tế lễ, trước khi đưa vào gian chính điện phía sau. Trong gần 100 ngôi nhà cổ ở làng Đông Ngạc, nhà thờ dòng họ Đỗ được đánh giá cổ nhất và có giá trị nhất.

    Ngôi nhà cổ 300 tuổi ở Hà Nội
    Ngôi nhà cổ 300 tuổi ở Hà Nội
    Ngôi nhà cổ 300 tuổi ở Hà Nội
    Ngôi nhà cổ 300 tuổi ở Hà Nội
  8. Nhà cổ Tấn Ký nằm trên đường Nguyễn Thái Học, phố cổ Hội An, được xây dựng từ hơn 200 năm trước đây. Nơi này vốn là nhà của gia đình Tấn Ký họ Lê sinh sống 7 đời. Từ ngoài nhìn vào, du khách sẽ thấy ngôi nhà phủ màu rêu phong theo năm tháng. Mặt trước ngôi nhà thông ra phố Nguyễn Thái Học để mở hiệu buôn. Mặt sau nhà nhìn ra bờ sông để thuận tiện cho việc nhập hàng hoá. Nhà cổ Tấn Ký là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa với Việt Nam, được thiết kế theo kiến trúc “chồng rường giã thủ” gồm có 2 thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân, cùng với 5 thanh dọc giống như 5 ngón tay, tượng trưng cho ngũ hành, mang tới sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Nguyên liệu chính để xây ngôi nhà là gỗ quý, đá Thanh Hoá và gạch Bát Tràng, luôn tạo cho du khách cảm giác thoáng mát dù ở giữa mùa hè, nhưng mùa đông lại ấm áp, yên bình.


    Sự khéo léo, tỉ mỉ của những người nghệ nhân làng mộc Kim Bồng Hội An khiến những nét chạm khắc trở nên thật tinh xảo, độc đáo mang đậm nét văn hoá phương Đông. Nhà cổ Tấn Ký không có cửa sổ nên nơi đón ánh sáng nhiều nhất chính là khoảng sân rộng gọi là giếng trời. Vì thế không gian chung trong nhà vẫn có cảm giác thoải mái, không ngột ngạt. Hiện nay nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ rất nhiều hoành phi, liễn đối cùng nhiều bức tranh tuyệt đẹp như: “Tích đức lưu tôn”, “Tâm thường thái” hay bộ liễn đối “Bách Điệu” - được coi là bức độc nhất vô nhị với mỗi một nét vẽ là con chim đang bay khiến du khách đều chiêm ngưỡng say đắm. Ngoài ra, “Chén Khổng Tử” là một báu vật vô giá gắn với tích xưa về Khổng Tử mà ai đến đây một lần đều muốn ngắm nhìn.

    Nhà cổ Tấn Ký
    Nhà cổ Tấn Ký
    Nhà cổ Tấn Ký
    Nhà cổ Tấn Ký
  9. Nếu là trước đây, không khó để người ta có thể bắt gặp lối kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ khi đặt chân đến làng Cự Đà. Nhưng theo thời gian, luồng gió của “đô thị hóa” đã khiến những ngôi nhà cổ của làng Cự Đà chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những gì còn lại của làng Cự Đà đã chứng minh rằng thời gian và “đô thị hóa” vẫn chưa thể làm mất đi những nét trầm tư, cổ kính và truyền thống bao đời ở Cự Đà. Nằm nép mình sâu trong con ngõ nhỏ, giữa những ngôi nhà mới vừa xây xong, ngôi nhà cổ của 2 ông bà Nguyễn Văn Bảo và Trịnh Thị Hồng có chiều cao nổi bật so với những ngôi nhà khác. Cửa gỗ, hình mái vòm, ngoài cửa gắn số nhà cũ mang dấu tích xưa cũ của một ngôi làng được cho là có số nhà sớm nhất tại Việt Nam. Ngôi nhà của bà Hồng khiến chúng tôi bất ngờ, tưởng như lạc vào tòa lâu đài Pháp cổ giữa một làng quê Bắc bộ.


    Làng Cự Đà không chỉ nổi tiếng bởi các kiểu nhà ba gian, năm gian mà còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được khởi công xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng nổi bật vẻ cổ kính của những ngôi nhà mang phong cách truyền thống. Hiện nay, người dân vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà ba gian, năm gian lợp mái ngói. Ngoài ra, làng còn có những chùa, miếu vô cùng linh thiêng được xếp hạng di tích quốc gia. Tóm lại, làng Cự Đà là một điểm đến tuyệt vời đối với những ai muốn tìm hiểu nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những năm trở lại đây, ngôi làng này đã trở thành địa điểm quen thuộc dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn vào khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.

    Nhà cổ làng Cự Đà
    Nhà cổ làng Cự Đà
    Nhà cổ làng Cự Đà
    Nhà cổ làng Cự Đà
  10. Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những vựa trái cây lớn nhất cả nước, con người thì hiền lành, chất phác và đáng mến. Bên cạnh đó, vùng đất sông nước này còn khiến khách du lịch thương nhớ bởi những ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm, mang trong mình những câu chuyện và dấu tích lịch sử. Ngôi nhà của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long là sự kết tinh của trí tuệ và công sức lao động của nhiều thế hệ. Từ chỗ chỉ là những ngôi nhà đơn lẻ làm nơi cư trú của con người, theo thời gian, ngôi nhà cổ đã trở thành điểm du lịch Miền Tây hấp dẫn là di sản văn hóa, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất miền Tây.


    Nhà cổ Nam Bộ tọa lạc tại địa chỉ số 335, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Nhà nằm trong khuôn viên thuộc làng du lịch Mỹ Khánh. Đây là một địa điểm tham quan để lại nhiều dấu ấn trong lòng khách du lịch gần xa. Dù đã hơn 100 năm tuổi, thế nhưng nhà cổ Nam Bộ vẫn mang một nét đẹp xưa cả về kiến trúc và về nếp nhà, nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt và cuộc sống đời thường của những tầng lớp có địa vị ở vùng đất Nam Bộ thời xưa. Khi vào nhà, du khách sẽ cảm nhận được một phong cách cao sang và được chiêm ngưỡng những nét chạm trổ trên gỗ một cách tinh tế đến những vật dụng được bảo quản và trưng bày vô cùng lạ mắt. Với không gian yên tĩnh và vô cùng mát mẻ, chắc chắn ngôi nhà sẽ tạo cho du khách một cảm giác thanh thản và rất bình yên...

    Nhà cổ Nam Bộ
    Nhà cổ Nam Bộ
    Nhà cổ Nam Bộ
    Nhà cổ Nam Bộ



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |