Top 10 Món nhất định phải thử khi đến Đà Lạt
Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam. Không chỉ được biết đến với những cảnh đẹp thơ mộng, Đà Lạt còn có rất nhiều món ăn đậm đà, ghi ấn tượng ... xem thêm...mạnh trong lòng du khách. Cùng Toplist khám phá những món ăn nhất định phải thử khi đến thành phố hoa Đà Lạt nhé!
-
Là một món ăn dân dã, không quá cầu kỳ nhưng bánh tráng nướng Đà Lạt vẫn thành công để lại ấn tượng trong lòng du khách bởi hương vị riêng biệt. Vào mỗi buổi tối trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt mộng mơ, cầm trên tay chiếc bánh tráng nướng nóng hổi, thơm ngon và tận hưởng từng miếng bánh giòn rụm thì còn gì tuyệt vời hơn.
Người ta từng ví đùa bánh tráng nướng là Pizza của thành phố Đà Lạt. Khi mới xuất hiện, bánh tráng nướng có cách chế biến khá đơn giản, chỉ là bánh tráng phết mỡ hành nướng trên bếp lò rồi rắc tương ớt cay nồng. Đây là món ăn được giới học sinh, sinh viên đặc biệt yêu thích vì hương vị thơm ngon mà giá cả lại rất phải chăng. Ngày càng được yêu thích, các hàng bánh tráng nướng ngày càng mọc lên như nấm và hình thức cũng phong phú hơn, người ta cho thêm lên bánh tráng bò khô, xúc xích, phô mai, trứng... và nhiều thứ khác để tăng thêm hương vị của bánh. Dần già, bánh tráng nướng Đà Lạt thật sự trông rất giống một chiếc pizza.
Chẳng có ngòi bút hay hình ảnh nào có thể mô tả trọn vẹn được hương vị thơm ngon của bánh tráng nướng Đà Lạt nên nếu bạn nhen nhóm ý định thử nghiệm tuyệt phẩm ẩm thực đường phố này, chần chờ gì mà không rủ ngay bạn bè làm một chuyến khám phá thành phố sương mù xinh đẹp.
Địa chỉ tham khảo:
- Bánh tráng nướng Dì Đinh: 26 Hoàng Diệu
- Bánh tráng nước Nhà Chung: Đối diện số 1 Nhà Chung (Bên hông nhà thờ con Gà)
- Bánh tráng nướng: 61 Nguyễn Văn Trỗi
-
Bánh ướt lòng gà có lẽ là món ăn độc đáo chỉ có ở Đà Lạt. Đến Đà Lạt, du khách dễ dàng tìm thấy các quán bán bánh ướt lòng gà nổi tiếng với hương vị riêng và các món kèm khác nhau. Trong tiết trời se se lạnh ở Đà Lạt, được thưởng thức đĩa bánh ướt với lòng gà béo béo bên cạnh bát canh nóng hoặc tách trà gừng thì không có gì tuyệt vời bằng.
Bánh ướt lòng gà thực ra không phải bánh chỉ ăn riêng với lòng gà mà đó chính là sự kết hợp giữa lòng heo và thịt gà xé phay trộn gỏi. Tùy vào sở thích, thực khách có thể gọi món thập cẩm hay gà xé phay hoặc lòng heo riêng.Trong tô bánh ướt thập cẩm gồm có bánh ướt, gỏi gà xé phay và lòng heo, lá dăm, hành tây, trứng gà non, ớt trộn. Tất cả đều hòa sắc nhìn rất thanh mát và bắt mắt. Khi ăn bánh ướt lòng gà, bạn sẽ cảm nhận được vị thơm mát của bánh ướt, vị ngọt từ miếng thịt lòng gà, quyện trong vị nước chấm chua dịu ngọt vừa phải, thêm chút cay của ớt, lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm.
Nếu như trước đây, món bánh ướt lòng gà chỉ được phục vụ sáng hoặc bữa nhẹ chiều thì nay được bán từ sáng sớm đến đêm muộn để phục vụ du khách. Với giá cả bình dân và hợp lí thì món ăn này được rất nhiều khách du lịch và người dân tại địa phương ưa thích.
Địa chỉ tham khảo:
- Quán Trang: 15F Tăng Bạt Hổ
- Quán Long: 1 hẻm 202, Lô A16, KQH Phan Đình Phùng
- Quán Trang: 15F Tăng Bạt Hổ
-
Bánh căn là đặc sản ở Đà Lạt, thật sự bạn đi ở khu vực nào cũng sẽ có mặt của loại bánh này. Đây là một trong những món dường như là “hơi thở” của Đà Lạt. Do khí hậu nơi đây lạnh quanh năm, nên thật tuyệt khi ngồi giữa một bếp nung nóng, trò chuyện cùng cô chủ quán thân thiên, cùng đưa tay hơ lửa sưởi ấm vào những lúc sáng thật sớm, thưởng thức từng mẻ bánh nóng hổi, giòn rụm mới ra lò.
Bánh căn ở đây được đổ với nhiều loại Topping khác nhau như: những tôm, mực, thịt bằm, trứng cút ... ăn cùng với nước chấm gồm có mỡ hành, thịt xíu mại, tiêu, xoài chưa chín thái sợi, đậu phộng và thêm chút ớt để bừng lên cái nóng giữa Đà Lạt lạnh giá tạo nên “sức hấp dẫn không thể chối từ”.
Về cách để làm ra bánh căn thì đây là một loại bánh có vỏ giòn làm bằng bột gạo được đổ vào nhiều khuôn nhỏ trên bếp bằng đất nung, phổ biến ở khu vực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên khác với bánh căn Nha Trang hay Ninh Thuận thường được dùng với nước mắm hoặc tương, bánh căn ở Đà Lạt được dọn kèm với mắm nêm hoặc mắm xíu mại đậm đà. Bánh căn Đà Lạt làm xong có mùi thơm lan tỏa khắp nơi, khi ăn ta sẽ cảm nhận được lớp bánh giòn tan bên ngoài, mềm mịn phía trong và không quá nhão cũng chẳng quá đặc.
Địa chỉ tham khảo:
- Bánh căn Lệ: 27/44 Yersin
- Bánh căn Cô 9: 15A Nguyễn Biểu
- Bánh căn Nhà Chung: 1 Nhà Chung (kế bên nhà thờ con Gà)
- Bánh căn gốc cây bơ: 56 Tăng Bạt Hổ
-
Bún riêu không những là món ăn quen thuộc của người dân miền Tây và miền Nam mà theo chân của những người con vùng đất này “thâm nhập” đến miền cao nguyên trù phú, nơi mọi món đặc sản đều được chế biến theo cách riêng, phù hợp với khẩu vị thực khách. Bún riêu Đà Lạt lại có những nét đặc trưng rất riêng mang lại một hương vị độc đáo. Bún riêu ở đây là loại bún riêu tôm thịt, không dùng chung với đậu khuôn hay ốc như vùng khác mà thường có thêm sườn heo, giò heo và huyết. Loại rau ăn kèm cũng không phải là rau muống mà là các loại rau sống xắt nhỏ, tận dụng nguồn rau sẵn có tươi ngon của vùng đất cao nguyên này.
Một tô bún riêu Đà Lạt tròn vị khi nào cũng ăn kèm với nhiều loại rau và một chút mắm tôm. Riêu cua được lấy từ gạch cua, thịt cua giã và lọc sạch. Bún riêu được nấu với cà chua, quả dọc, mỡ nước và giấm bỗng. Bún riêu cua ở Đà Lạt với hương vị thanh ngọt tự nhiên từ cua, hòa quyện với nước dùng đậm đà. Bún riêu được bán khắp nơi ở Đà Lạt từ trưa cho đến tối. Chỉ cần đi dạo trên các con phố nhỏ, chắc hẳn bạn sẽ gặp nhưng nồi bún riêu rực rỡ màu cam bốc khói nghi ngút.
Với không khí Đà Lạt se se lạnh vào sáng sớm và chiều tồi, mà được thưởng thức một bát bún riêu cua nóng hổi thì còn gì hơn. Bún riêu cua được xứng đáng là một trong những món ăn sáng Đà Lạt tuyệt vời, mà ăn đêm cũng vô cùng lý tưởng đấy.
-
Kem trái cây chính là món tráng miệng nổi tiếng nhất ở Đà Lạt. Tuy thời tiết quanh năm khá lạnh, món kem trái cây vẫn là lựa chọn yêu thích của nhiều thực khách. Bạn có thể chọn một dĩa trái cây đủ loại (dưa hấu, mít, bơ, thanh long, xoài), điểm thêm một viên kem béo ngậy và nước siro thơm phức hoặc một ly kem bơ xay ngọt ngào.
Nhắc đến món kem trái cây Đà Lạt thì có lẽ 99 người gọi tên kem bơ. Những trái bơ sáp chín, xay nhuyễn mịn. Kem vani cơ bản nhưng mát lạnh, ngọt thơm dịu nhẹ. Viên kem trắng cùng màu xanh mát mắt của bơ xay, kết hợp vị béo của sữa đặc làm ai cũng tấm tắc khen ngon. Bạn nhớ cho thêm chút dừa khô cho dậy mùi vị nữa nhé. Ngoài kem bơ thì khi đến đây bạn cũng có thể thưởng thức thêm nhiều loại kem trái cây, chè hoa quả, sinh tố tươi ngon,…
Hai quán kem trái cây nổi tiếng nhất là quán Thanh Thảo nằm trên con đường Nguyễn Văn Trỗi và quán kem Phụng ở góc tầng 2, chợ Đà Lạt.
-
Vì thời tiết lạnh nên các món nướng rất được ưa chuộng ở Đà Lạt nhưng nổi trội nhất có thể nhắc đến món nướng ngói. Các món nướng ngói xuất phát từ Đà Lạt dần du nhập vào các nơi khác và trở thành món ăn thu hút nhiều bạn trẻ. Chính vì sự độc đáo, lạ kì và khác biệt với các món nướng trước đây mà món nướng ngói rất hút người ăn. Tuy nhiên để thưởng thức được hương vị thịt nướng ngói truyền thống thì chỉ có tại Đà Lạt mới là chuẩn nhất.
Tất cả những thực phẩm dùng để nướng sẽ được đặt lên một tấm ngói trên bếp than. Tấm ngói sẽ góp phần giữ nhiệt độ ổn định để nướng thức ăn. Mỡ từ thực phẩm chạy xuôi theo tấm ngói xuống một cái chén để dưới lò. Hơn nữa, nướng thịt bằng ngói cũng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn vì nhiệt độ tỏa đều làm các miếng thịt cũng chín nhanh, đều màu, không bị chỗ cháy xém, chỗ chưa chín. Bạn có rất nhiều lựa chọn để nướng: từ thịt bò, thịt heo, thịt dê đến các loại rau như đậu bắp, cà tím....
Khi nướng ngói, người ta thường dùng nước của thịt quyện với dầu ăn để rưới lên viên ngói nướng trong lần tiếp theo. Điều này giúp cho thịt không bị khô đồng thời gia vị tẩm ướp vào thịt vẫn được giữ nguyên mà không mất đi hương vị ban đầu. Thịt nướng ngói ăn kèm bánh tráng, các loại rau sống, bún tươi và chấm nước nhiều loại sốt giúp thưởng thức trọn vẹn hương vị miếng thịt. Nhờ có không khí ấm cúng, thân mật mà các quán nướng ngói trở thành địa điểm tụ tập yêu thích của giới trẻ địa phương.
-
Không hiểu vì lý do gì mà người Đà Lạt rất thích ăn bánh mì. Có rất nhiều món từ bánh mì như bánh mì thịt nướng, bánh mì bò kho, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là bánh mì xíu mại. Đây là món ăn “thần thánh” không chỉ dùng làm điểm tâm cho một buổi sáng se lạnh, mà còn cực hợp lý như món ăn vặt nhẹ buổi xế, chiều tà khi vi vu cùng bạn bè đi dạo chợ đêm
Thực chất, món bánh mì xíu mại có nguồn gốc từ Trung Quốc, là những viên thịt nạc nặn cùng mỡ heo xay nhuyễn rồi vo tròn ăn cùng với bánh mì. Tuy nhiên, khác với bánh mì xíu mại ở Sài Gòn, bánh mì xíu mại Đà Lạt lại mang hương vị rất riêng và cay cay đặc trưng của vùng cao Tây Nguyên. Ở thành phố ngàn hoa, bánh mì xíu mại Đà Lạt nổi tiếng là nhờ sự công phu và tỉ mỉ trong cách làm. Trong chén nước dùng, bạn sẽ thấy mấy viên xíu mại được thả nổi, cùng miếng chả lụa và vài miếng da heo giòn giòn.
Thật tuyệt vời khi được nhấp nháp mẩu bánh mì giòn rụm trộn với hương vị đậm đà của viên xíu mại cùng với chút tiêu điểm thêm vị cay nồng ấm cúng. Đặc biệt hơn, thực khách có thể thêm chút dầu ớt để tạo vị cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi, ăn kèm một chút tép mỡ và cọng ngò cho đầy đủ hương - sắc - vị
Địa chỉ tham khảo:
- Bánh mì xíu mại Hoàng Diệu: 26 Hoàng Diệu
- Bánh mì xíu mại cô Sương: 14 Ánh Sáng
-
Nem nướng ở đâu cũng có nhưng mỗi vùng lại có những đặc trưng, hương vị riêng, gắn với con người của vùng đất đấy. Đà Lạt cũng là một địa danh từ lâu đã nổi tiếng với những đặc sản và nem nướng là một trong số đó.
Không giống như nem chua rán hay nem chua nướng, nem nướng Đà Lạt bắt buộc phải làm từ loại thịt tươi, khi ăn thường cuộn kèm với bánh tráng, cùng rau xà lách, dưa món, chuối, khế,…. Một cuốn nem nướng sẽ đầy đủ hương vị với vị đậm, thơm của nem nướng, vị chua của dưa món, vị mát của rau xanh…. Vị béo ngậy của nem nướng kết hợp hải hòa cùng vị tươi mát của rau quả dậy nên mùi vị hấp dẫn khó cưỡng và không bao giờ ngán.
Một điều làm nên hương vị đặc trưng của nem nướng Đà Lạt chính là nước chấm. Một thứ nước chấm vô cùng độc đáo, riêng biệt, đó là nước tương màu vàng được làm từ thứ gạo nếp thơm ngon nhất. Không quá loãng cũng không quá đặc mà sền sệt vừa tạo được độ dính, mà lại đậm đà thanh thanh, hấp dẫn vô cùng. Ngoài nước chấm thì nem nướng Đà Lạt ở quán nào cũng có bánh tráng phơi sương, ớt, tỏi, rau hẹ và dưa cà rốt, củ đậu chua. Rau ăn kèm thì tùy quán, nhưng ở Đà Lạt thì rau rất đa dạng và tươi ngon.Địa chỉ tham khảo:
- Nem nướng bà Hùng: 358 Phan Đình Phùng
- Nem nướng Bà Nghĩa: 45 Bùi Thị Xuân
- Nem nướng Hùng Vân: 150 Bùi Thị Xuân
- Nem nướng Út Huệ: 1 Chi Lăng
- Nem nướng Ninh Hòa Ngọc Tiên: 2/2 Trần Quý Cáp
- Nem nướng Lan – Yersin: 27/10 Yersin
- Nem nướng Dũng Lộc: B14 Hoàng Văn Thụ
-
Xắp xắp là một cái tên rất dễ thương dùng để chỉ món gỏi khô bò ở Đà Lạt. Lý do là vì khi những người bán hàng dùng kéo cắt những sợi đu đủ hay miếng bò khô sẽ tạo nên những tiếc lắc cắc nghe như "xắp xắp", từ đó cái tên "xắp xắp" ra đời. Món ăn này gồm đu đủ, thịt bò khô, gia vị nước mắm ớt chua ngọt. Hương vị xắp xắp là sự kết hợp giữa cái giòn của đu đủ bào, cái dai dai của bò kho, sự đậm đà của nước chấm, vị thơm của rau thơm và vị cay nồng của tương ớt. Đu đủ chọn trái xanh cạo cho mủ ra hết, rửa sạch để khô mới bào mỏng thành sợi dài. Thịt bò, gan bò, phổi bò rim ngũ vị cho khô, cắt hoặc xé nhỏ.
Cho đu đủ bào ở dưới cùng, thịt lên trên, thêm chút rau húng quế cho thơm, chan nước mắm ớt chua ngọt lên. Trộn đều cho thấm rồi ăn. Vị giòn của đu đủ, dai bùi của khô bò, ngọt mặn của nước chấm, cay nồng của ớt Đà Lạt làm cho món xắp xắp ngon không thể lẫn vào đâu được. Gia vị nước mắm ớt chua ngọt được pha khéo theo bí quyết riêng, rất tròn vị. Ớt trước khi làm nước chấm phải được sơ chế, chọn trái chín giã nhuyễn rồi xào qua lửa để có màu sắc đẹp.
Hiện nay, rất nhiều cung đường ở Đà Lạt có bán xắp xắp rất ngon. Khách du lịch Đà Lạt có thể tìm đến các khu vực như Bờ hồ Xuân Hương khu vực phía trước khu vui chơi giải trí, chỗ cho thuê đạp vịt vào các buổi chiều, hoặc đến khu vực công viên Yersin cũng có bày bán. Một số quán ăn như quán Trúc Vàng tại hẻm Thông Thiên Học, hay quán ở đường Bà Triệu cũng có bán rất ngon.
-
Chả ram bắp là một món ăn dân dã xuất phát từ miền Trung nhưng khá phổ biến ở Đà Lạt. Món này ngon nhờ có vỏ bánh tráng giòn rụm bao bọc những hạt bắp ngọt thanh bên trong. Người Đà Lạt nhẹ nhàng và thanh lịch nên những món ăn được họ chế biến hầu như cũng đều thắm đượm chút gì đó rất tao nhã. Chả ram bắp cũng vậy, trong những miếng chả thơm nồng, tưởng chừng như chỉ có trong các bữa tiệc lại ẩn chứ hương vị thanh đạm, bình dị của bắp còn tươi ngon hương mới. Từ nguyên liệu đến cách chế biến là một sự kết hợp tinh tế giữa thiên nhiên và sự sáng tạo của ẩm thực Đà Lạt.
“Bắp” hay còn gọi là “ngô” là nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc biệt của món ăn này. Ram bắp có vị ngọt thơm, ngậy béo của trái bắp, vị đậm đà của các loại gia vị trộn đều, xen vào vị cay nhẹ của tiêu, thơm của hành tím, giòn tan của lớp vỏ ram cuốn. Cái ngon của món ăn này là đồ ăn kèm với chả có chén nước dùng đặc biệt làm từ đậu phụng xay nhuyễn, vị béo ngậy của đậu phụng càng làm tăng thêm vị ngon của món ăn cùng các loại đồ chua với đĩa rau sống Đà Lạt tươi ngon hấp dẫn. Khi ăn, dùng một miếng bánh tráng để cuốn chả ram cùng các đồ ăn kèm mà bạn thích, chấm với nước dùng nóng hổi với vị hơi cay cay, tạo nên một hương vị vô cùng độc đáo, lạ lẫm, khó lòng nào quên được.
Những cái chả vàng ruộm, thơm lừng, không chỉ phảng phất hương vị của món chả giò truyền thống mà còn đan xen vào đó một chút ngọt thanh mát của bắp tạo cho chả có hương vị hấp dẫn riêng biệt góp phần tạo nên sự đặc sắc cho món ngon Đà Lạt.
Địa chỉ tham khảo:
- Quán Hảo: 62 Nguyễn Công Trứ
- Quán Hải: 35C Hoàng Diệu
- Quán Ánh Đông: 3 Phù Đổng Thiên Vương