Top 10 Món ăn tuyệt ngon du khách không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng
Đà Nẵng - “thành phố đáng sống” không chỉ thu hút du khách bởi các danh lam thắng cảnh mà còn khiến người ta nhớ mãi bởi những món ngon nổi tiếng. Bạn có từng ... xem thêm...đến Đà Nẵng và thưởng thức hết các món đặc sản ở nơi đây chưa? Dưới đây là danh sách các món ăn đặc sắc tại thành phố biển xinh đẹp này Toplist xin chia sẻ đến các bạn. Hãy nhanh chóng ghi tên và địa chỉ của chúng vào sổ tay du lịch Đà Nẵng và đợi một dịp gần nhất để thưởng thức nhé!
-
Mì Quảng được xem là đặc sản của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng mà du khách nhất định phải ăn một lần khi đặt chân đến nơi đây. Chính vì hương vị nước lèo đậm đà khó quên mà món ăn này không chỉ phổ biến tại thành phố biển xinh đẹp mà đã có mặt ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước.
Để có được một tô mì Quảng chuẩn vị, người đầu bếp phải chuẩn bị kỹ lưỡng từng sợi mì, nước lèo và cả đồ ăn kèm. Sợi mì thường được chế biến từ bột gạo cũng giống như bún, hủ tiếu hay phở mà chúng ta thường hay ăn, sau đó được tráng thành từng lớp bánh mỏng rồi thái thành sợi. Nhân mì thì khá đa dạng với các nguyên liệu như: thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá, tôm, cua, ếch, lươn, trứng,...ngoài ra còn có thêm nhân mì chay để phục vụ cho nhu cầu của từng du khách. Mỗi loại nhân sẽ mang lại một hương vị riêng nhưng cốt lõi là đều tôn lên hương vị độc đáo của tô mì Quảng.
Trên hết, linh hồn của món mì Quảng không thể không nhắc đến nước lèo. Từ các nguyên liệu xương lợn, tôm tươi, ức gà, thịt ba chỉ, tỏi phi, hành tím, bột nghệ,... cùng công thức nấu gia truyền, các đầu bếp nơi đây đã tạo nên hương vị nước dùng đậm đà, ngon ngọt khiến du khách ăn rồi là nhớ mãi không quên. Một tô mì Quảng có giá dao đồng từ 20.000 - 50.000 VNĐ, bánh tráng bán kèm thường là 3.000 VNĐ/cái.
-
Bên cạnh mì Quảng thì bún mắm nêm cũng là một món ăn đáng để bạn thưởng thức khi đặt chân đến Đà Nẵng. Nếu ai đã từng có cơ hội được thử món ăn này thì chỉ cần nghe nhắc đến tên thôi cũng đã phải thèm thuồng và muốn thử lại ngay lập tức.
Tô bún mắm Đà Nẵng ghi dấu ấn bằng thứ mắm nêm mặn mòi làm từ cá biển. Đây là loại mắm rất phổ biến ở miền Trung thường được chế biến từ cá cơm, cá trích và cá nục. Để có được hương vị mắm nêm đậm đà, thơm ngon chuẩn vị thì phải trải qua quá trình muối mắm rất công phu. Trước tiên cá muối phải chọn loại tươi, đem rửa sạch và sau đó ướp muối với tỉ lệ phù hợp và cuối cùng đậy nắp hũ kín lại và chờ đợi. Thông thường phải mất 7-9 ngày cá mới ủ chín và có mùi thơm đặc trưng nơi xứ biển.
Tô điểm thêm cho tô bún mắm nêm là những miếng thịt heo quay giòn rụm, vị thanh mát của rau ăn kèm và cay nồng của ớt. Ngoài ra còn có cả nem chua, ba chỉ luộc, tai heo, mít non và chả bò cực kì hấp dẫn chắc chắc sẽ làm cho bạn vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon.
-
Bánh kẹp (hay còn gọi là bánh tráng kẹp) được xếp vào danh sách món ăn đường phố Đà Nẵng được nhiều du khách ưa thích, đặc biệt là các bạn trẻ. Lý do cũng rất đơn giản là vì món bánh này rất thơm ngon mà giá lại rất rẻ nên hầu như ai cũng có thể mua để ăn vặt.
Bánh tráng kẹp Đà Nẵng có vỏ là lớp bánh tráng mỏng, sau đó rải nhân lên trên và nướng trên lò than. Nguyên liệu làm nhân bánh cũng rất phong phú với hỗn hợp pa-tê, trứng cút, bò khô, hành lá,...Sau khi nướng chín bánh được nhấc xuống lò, cắt thành từng miếng vừa ăn và chấm với tương ớt hoặc tương cà. Hương vị thơm ngon của gia vị hòa quyện với nhân, cộng thêm độ giòn của bánh tạo nên một món ăn cực kì ngon miệng. Ngày nay, bánh tráng kẹp cũng có nhiều kiểu biến tấu khác nhau như: bánh tráng pa-tê/ bò khô/ trứng, bánh cuốn,... để phù hợp với khẩu vị của từng du khách.
Không những ghi điểm bởi hương vị và giá cả của món ăn này cũng rất phải chăng. Để thưởng thức bạn có thể dễ dàng tìm mua bánh kẹp tại vỉa hè hoặc trên mọi con đường tại Đà Nẵng.
-
Vốn là đặc sản Hội An nhưng khi đến Đà Nẵng, du khách vẫn có thể thưởng thức món ngon này “đúng chất”. Cao lầu được nấu từ sợi mì của chính Hội An, tươi mới và chế biến trong ngày, ăn kèm với rau sống, giá trụng, thịt xíu và da heo chiên giòn. Sự kết hợp độc đáo này khi ăn vào cho ra hương vị vô cùng hòa quyện và thơm ngon.
Cao lầu là món ăn nguội chứ không phải ăn nóng như các món đặc sản khác. Khi chế biến, người đầu bếp phải khéo léo tráng Cao lầu qua nước sôi sao cho cho sợi mì vẫn giữ độ dai và giòn. Ăn kèm với Cao lầu sẽ là 3 món rau cơ bản là tần ô, cải non và rau đắng. Ngoài ra còn có thêm 12 loại rau khác để phù hợp với khẩu vị của nhiều thực khách như rau thơm, rau quế, diếp cá, cải con, rau răm, dưa leo, khế chua, rau đắng, ngò, giá, xà lách và bắp chuối.
Như đã nói ở trên thì điểm đặc biệt của món Cao lầu là không có nước dùng. Thông thường sẽ có hai đến ba thìa nước sốt được rải lên khi hoàn tất quá trình chế biến để giữ được hương vị béo ngậy, đậm đà của món ăn. Khi thưởng thức Cao Lầu, bạn nên trộn thật đều cho thấm gia vị trước khi thưởng thức. Giá món ăn vào thường là 20.000 - 25.000 VNĐ/ tô. -
Khi đặt chân đến Đà Nẵng, các bạn đừng quên thưởng thức các món bánh đặc trưng của vùng đất này nhé. Mặc dù cùng tên gọi với các loại bánh Huế nhưng các loại bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ít trần ở Đà Nẵng lại được biến tấu theo phong cách riêng của mình, từ lá gói cho đến phần nhân nên thực khách sẽ cảm nhận được nét đặc trưng riêng.
Bánh nậm có hình chữ nhật được gói trong những lớp lá dong xanh, bánh bột lọc thì nhỏ nhỏ xinh xinh với nhân tôm hấp dẫn, bánh bèo được hấp chín trong những chén nhỏ còn bánh ít trần được nấu với nhiều loại nhân ngon miệng. Những loại bánh này được làm từ các nguyên liệu dân dã với cách chế biến đơn giản nhưng tinh tế, mang đến hương vị thơm ngon, hấp dẫn cho bất cứ ai. Đặc biệt nhất, bánh bèo chén là một tinh hoa của ẩm thực Đà Nẵng. Khi ăn bánh bèo chén bạn sẽ cảm nhận được sự mềm mại, dẻo dai của bánh bên cạnh đó là sự giòn tan của hành phi, đậu phộng, vị ngọt bùi của tôm thịt và cuối cùng là sự đậm đà của nước chấm. Nếu có dịp đến thành phố Đà Nẵng thì đừng bỏ qua món ngon này nhé.
-
Bánh tráng đập là một món ngon dân dã của thành phố Đà Nẵng nói riêng và người dân các tỉnh miền Trung nói chung. Món ăn đơn giản này làm từ gạo trắng thơm dẻo, bánh mỏng nướng lên, trải một lớp bánh ướt, phết chút mỡ hành, khi ăn gấp đôi và đập dập, chấm cùng mắm nêm mặn mà hấp dẫn.
Bánh đập gồm có hai lớp: bên trong là bánh ướt dẻo được phủ bởi bánh tráng giòn ở lớp ngoài. Phần bánh ướt rất mềm và dẻo, được kẹp giữa hai lớp bánh tráng giòn được nướng vàng đều hai mặt trên lửa than. Khi ăn, bạn ép sao cho các lớp bánh dính vào nhau rồi ăn kèm với mắm nêm. Có thể nói mắm nêm là yếu tố quyết định món bánh đập có ngon hay không. Với công thức gia truyền thì tỉ lệ nước mắm, hành phi, dầu ăn, đường và dứa sẽ được pha chế để cho ra hương vị đậm đà khó cưỡng. Bạn có thể ăn kèm bánh đập với thịt nướng hoặc thịt luộc. Khi ăn bạn có thể xé nhỏ ra hoặc gấp bánh lại chấm mắm nêm và cảm nhận độ ngon của món ăn nhé.
-
Sẽ là một thiếu sót lớn món bạn bỏ qua món bún chả cá khi đến Đà Nẵng đấy. Đây là món ăn rất mộc mạc mà gần gũi, đậm đà hương vị biển ai ăn một lần là sẽ nhớ mãi. Nguyên liệu để nấu món ăn rất đơn giản, tuy nhiên để có bát bún ngon chuẩn vị thì lại là cả một nghệ thuật.
Khâu làm chả cá được xem là công phu nhất. Trước hết phải lựa chọn cá tươi ngon, làm sạch, lóc thịt để làm chả, còn phần xương để dành cho vào nồi ninh nhừ làm nước dùng. Công đoạn nấu nước dùng mặc dù khá dễ nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, phải mất đến vài tiếng nước dùng mới đậm đà và người nấu phải thường xuyên canh chừng để hớt bọt để nước dùng không bị đục.
Thịt cá sau khi được lóc ra được dùng làm chả. Người nấu cho thịt cá vào cối tán nhuyễn cùng với gia vị như muối, bột ngọt, đường, tiêu,… theo một tỉ lệ nhất định tùy thuộc vào bí quyết của người làm chả và chế biến thành 2 loại: chả cá hấp và chả cá chiên. Tuy nhiên chả cá chiên được nhiều người ưa thích hơn. Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống tươi và đủ loại như xà lách, húng, quế và đặc biệt phải có giá đỗ sống đi kèm. Nước lèo thanh thanh cộng hưởng chả cá đậm vị biển kết hợp đủ loại rau cho ra món bún chả cá thơm ngon tuyệt hảo. -
Bánh xèo Đà Nẵng nổi tiếng bởi vỏ bánh giòn giòn, nước chấm đậm đà và nhân được làm từ nhiều loại hải sản tươi ngon. Khác với bánh xèo của miền Nam, món bánh nơi đây mang nét đặc trưng riêng bởi hương vị đậm chất biển, chắc chắn sẽ khiến bạn ăn rồi là nhớ mãi.
Công thức làm bánh xèo xứ Quảng thoạt nhìn không có gì đặc biệt nhưng ở mỗi công đoạn lại có những cầu kỳ riêng để cho ra những chiếc bánh hoàn hảo. Bột bánh xèo được làm từ gạo ngon của Quảng Nam, ngâm chừng 4 tiếng, xay thành bột, pha lỏng với bột nghệ để tạo màu. Sau đó, người nấu tráng bột lên chảo làm vỏ bánh với kích thước tầm bàn tay người lớn, tuy nhiên vỏ bánh xe dày hơn ở miền Nam nên khi ăn vào thì rất giòn rụm kể cả khi bánh đã nguội. Hơn nữa, trong quá trình làm bột người nấu cũng cho vào nước cốt dừa nên vỏ bánh cũng có độ ngọt và béo thơm ngất ngây.
Bánh xèo Đà Nẵng ghi dấu ấn riêng bởi nhân hải sản là tôm, mực,… thay vì nhân thịt, giá đỗ như ở miền Nam. Khi bánh đã chín chúng ta chấm với nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đặc sản, ăn kèm với rau sống, đồ chua và nem lụi thơm nức mũi.
-
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn nổi tiếng ở Đà Nẵng mà ai cũng muốn thử một lần khi đến nơi đây. Món ăn này tuy có nguyên liệu và cách làm khá đơn giản nhưng rất khắt khe trong khâu chọn lựa nguyên liệu trước khi chế biến. Bánh tráng phải là loại phơi sương, mềm dẻo, không bị gãy vụn khi cuốn. Thịt heo được chọn là thịt mông hoặc vai, sau đó đem hấp để giữ nguyên độ ngọt của thịt. Đặc biệt có một vài quán còn rất chú tâm vào tỉ lệ nạc, mỡ của từng miếng thịt nữa đấy. Rau rất dễ tìm nhưng phải đảm bảo được độ tươi ngon gồm xà lách, húng quế, giá, chuối xanh, dứa, giá đỗ, tía tô, diếp cá…
Công thức quan trọng làm nên món ăn ngon ở Đà Nẵng này đó chính là mắm chấm tạo sự khác biệt không đâu có. Mắm nêm để chấm bánh tráng cuốn được pha với tỉ lệ vừa phải giữa gia vị, mắm, tỏi, ớt để tạo nên hương vị thơm ngon nhất. Một chút rau, vài lát thịt được thái mỏng cùng với vị mắm lạ miệng tạo nên một sự thích thú đến khó quên của mỗi du khách khi thưởng thức bánh tráng cuốn thịt heo.
-
Nếu có một lần được đến du lịch Đà Nẵng, bạn hãy thưởng thức món gỏi cá Nam Ô – món ngon đặc sản vùng biển nơi đây nhé. Được làm từ cá sống thêm chút gia vị với rau thơm, thoạt nhìn người lạ món sẽ cảm thấy chờn chợn sợ tanh, khó dùng, nhưng khi thử một miếng rồi thì nhất định khó mà buông đũa được.
Gỏi cá Nam Ô ngon bởi sự tinh túy của biển cả vẫn còn nguyên trong những thớ thịt. Cá sau khi đánh bắt về được làm sạch, lọc thịt rồi cắt đôi, sau đó ướp với gừng, tỏi, ớt, riềng băm nhuyễn và ướp với nước dùng có nước mắm. Ăn kèm với gỏi cá Nam Ô là các loại rau rừng đặc trưng của miền Trung như lành ngạnh, lá trâm, cóc rừng,…Các loại rau này một phần là giúp làm giảm độ tanh của cá sống, mặt khác tôn lên hương vị cho món ăn và còn giúp tiêu hóa tốt nữa đấy.
Thông thường có hai cách ăn gỏi cá: một là lấy bánh tráng mỏng cuộn cá với rau rừng rồi chấm với nước mắm, hai là chỉ việc trộn nước chấm, cá, rau vào một tô và cứ thế mà ăn thôi.