Top 11 Món ăn nhất định phải thử khi đến Sapa
Sapa không chỉ nổi tiếng với cảnh quan đẹp, không khí trong lành mà còn giữ chân khách du lịch bởi những món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Cùng Toplist tìm hiểu những ... xem thêm...món ăn nhất định phải thử khi đến Sapa nhé!
-
Món nướng Sapa là món ăn đường phố phổ biến. Giữa cái se lạnh của tiết trời Sapa và được thưởng thức món nướng, thêm chút vị cay nồng của rượu táo mèo, rượu mận thì thật thú vị.
Hiện nay, đồ nướng SaPa phong phú, kết hợp thêm các kiểu nướng của Hàn Quốc, Trung Quốc như: chân gà, cánh gà nướng mật ong, thịt bò, thịt lợn xiên nướng kèm cả nấm kim châm, xiên rau củ. Đặc biệt, món thịt cuốn rau cải mèo nướng là hấp dẫn du khách nhất bởi cải mèo là loại rau nổi tiếng Sa Pa có vị ngọt hơi ngai ngái đắng, ăn lạ miệng.
Các nguyên liệu được nướng nóng trên than hồng với các nguyên liệu tự chọn theo sở thích của du khách. Nguyên liệu tẩm ướp thường có thêm vị cay thơm tự nhiên của hạt mắc khén. Xiên nướng âm ỉ trên than hoa cho thực phẩm chín thấu. Trong lúc chờ đợi món ăn chín tới, bạn đã cảm nhận được hương vị thơm phức, cùng màu sắc vàng ruộm của món ăn, kích thích vị giác.
Các món nướng sẽ trở nên ngon tuyệt khi bạn ăn nướng và thưởng thức thêm chút rượu Sán Lùng, rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu mận, rượu táo mèo thơm ngon nổi tiếng. Rượu vừa thơm, vừa cay nhẹ, vừa ngọt say đến mềm môi.
-
Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông, xuất hiện cách đây từ 200 năm và trở thành món ăn phổ biến của các dân tộc vùng Tây Bắc. Thắng cố được nấu từ nhiều loại thịt khác nhau như trâu, bò, lợn… Nhưng ngon nhất vẫn là thắng cố thịt ngựa của người H’Mong vùng Bắc Hà, Mường Khương.
Những bát thắng cố được nấu trong chiếc chảo lớn sóng sánh mỡ. Ăn thắng cố ở Sapa, đặc biệt là phần nội tạng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của món ăn núi rừng Tây Bắc, khiến bạn sẽ nhớ mãi không quên. Nhưng vì được làm từ thịt ngựa và nội tạng ngựa, nếu nhìn bằng mắt thì không phải ai cũng đủ dũng cảm để nếm thử món ăn này.
Để chế biến một nồi thắng cố ngon, người dân nơi đây dùng nội tạng của ngựa: tiết, xương đem nấu nhừ cùng với 12 thứ gia vị như: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng…và gia vị chính là cây thắng cố. Nếu bạn không quen với hương vị thắng cố nguyên bản ở các phiên chợ người Mông, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc biệt này tại một số nhà hàng. Ở đây, đầu bếp đã cải biên thắng cố để hợp khẩu vị với người miền xuôi và cũng vệ sinh hơn nhiều.
Món thắng cố được ăn kèm với các loại rau nhúng như cải mèo, cải ngồng, chấm với loại nước chấm đặc biệt làm từ ớt Mường Khương nổi tiếng cay, nồng, giúp thực khách xua tan đi cảm giác rét mướt của núi rừng vùng cao. Ăn thắng cố, nhâm nhi ly rượu ngô Bắc Hà hay rượu San Lùng nồng ấm, thơm phức hẳn sẽ làm say lòng người. -
Món ăn có tên hài hước “Thịt lợn cắp nách” chính là món ngon ở Sapa mà thực khách không thể bỏ lỡ khi tới đây. Nguyên liệu chính của lợn bản cắp nách chính là giống lợn Mường ở Sapa được nuôi trong chính gia đình người dân với số lượng ít, chúng thường ăn những thức ăn của núi rừng, được thả tự nhiên nên thịt rất thơm ngon, săn chắc.
Mùi thơm của khói củi với lớp mật ong bên ngoài làm cho thực khách không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của món ăn này. Phần thịt mềm, mọng bọc trong lớp da được quay giòn sừn sựt, chỉ nhìn thôi cũng thấy bụng đói cồn cào. Miếng thịt đầy đặn, từ ngoài vào trong có một lớp bì giòn tan, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương rất nhỏ và mềm, có thể ăn được cùng luôn.
Món nướng này sẽ vô cùng hoàn hảo khi thực khách dùng cùng lá nhội, hạt dổi và mắc khén. Những thứ gia vị này được trộn cùng muối ớt xanh tạo nên một thức chấm đặc biệt khó cưỡng lại được.
Thực khách có thể ăn kèm món thịt lợn cắp nách quay cùng cơm hoặc thưởng thức riêng, nhấp thêm một chút rượu ngô, rượu táo mèo, nhậu xuyên đêm trong tiết trời se lạnh thì còn gì bằng.
-
Cá hồi và cá tầm là hai đặc sản Sapa vô cùng nổi tiếng. Thành phần dinh dưỡng trong cá cao nên thực khách rất ưa chuộng các món ăn chế biến từ 2 loại cá này đặc biệt là món lẩu. Một nồi lẩu với khói nghi ngút, xung quanh là rau và cá sẽ làm cho không khí trở nên ấm áp hơn nhiều. Thịt cá săn chắc, không béo lại thơm ngon, khi ăn kèm chung với những loại rau rừng tươi ngon của Sapa thì không thể chê vào đâu được. Món ăn này đã làm cho biết bao người mê mẩn muốn quay trở lại để thưởng thức.
Lẩu cá hồi, cá tầm ngon ở phần chế biến nước dùng. Phần đầu và đuôi cá được chiên sơ để ngấm mắm, tiêu, gia vị. Sau đó, phần cá đó được đổ vào nước sôi có thêm cà chua, hành tây, ít cốt chanh, cần tây giúp dậy mùi thơm. Gia vị được nếm cho vừa vặn. Nấu nước lẩu phải nhỏ lửa và hớt phần bọt để giữ nước lẩu luôn trong. Để tăng vị, đầu bếp sẽ cho thêm vị cay của ớt, hành lá. Vậy là, bạn có ngay một nồi lẩu cá tầm, cá hồi ngon đúng điệu Sa Pa.
Lẩu cá tầm, cá hồi ăn kèm với đậu phụ, củ quả, nấm, ngô chiên giòn, khoai bản nướng. Rau ăn kèm chủ yếu là rau rừng, rau nhà trồng như: cải mèo, ngồng su su, su hào, củ su su… Bạn dùng thêm chút bún, hoặc mỳ chan nước lẩu, ăn với cá để no và ấm bụng nhé. Cuối cùng, bạn có thể nhâm nhi tách trà xanh tươi để át đi vị tanh sau khi ăn cá.
-
Khi nói về ẩm thực Sapa thì du khách nghĩ ngay tới loại thịt thú rừng, ăn cá suối, rau rừng và thưởng thức các loại hoa quả vùng ôn đới như táo, lê, mận, đào… thì nay khi đến với Sapa du khách sẽ được thưởng thức một món đặc sản đó là món Gà ác Sapa nổi tiếng, tới đây du khách cũng có thể được tham quan trại nuôi gà ác Sapa - Lào Cai.
Loại gà đặc biệt của người H’Mông này có da, thịt, xương đều mang một màu đen đậm. Thịt gà đen chắc, thơm ngon, da giòn chính vì vậy món ăn Sapa này mang lại cho người ăn cảm giác đặc biệt và thú vị. Gà ác rất nhỏ chỉ nặng tầm 1,2 kg/con nhưng lại đem đến hương vị ngon khó cưỡng. Đến Sapa chắc chắn du khách nên thưởng thức món gà ác nướng mật ong. Món gà nướng thơm nức mũi ăn kèm với lá bạc hà, thịt gà chấm với muối tiêu chanh, món ngon này sẽ khiến du khách nhớ mãi khi rời khỏi thị trấn mờ sương này.
-
Với người dân bản địa, thịt trâu gác bếp được dùng để mời khách, những ngày đi rừng đường dài hoặc vào những ngày mưa lũ họ không thể ra ngoài mua thức ăn. Với thực khách thì đây là món ăn chơi không thể thiếu khi tới Sapa. Món ăn gây ấn tượng bởi hương vị đặc trưng của mắc khén cay nồng khó quên.
Thịt trâu gác bếp Sa Pa có màu nâu sẫm nhưng khi xé ra bên trong có màu đỏ tự nhiên. Khi đưa miếng thịt trâu lên miệng thực khác sẽ cảm nhận được ngay vị cay nồng của mắc khén, hạt dổi quyện với mùi thơm của khói. Càng nhai càng thấm vị ngon của từng thớ thịt.Người Mông chọn những mảng thịt to, phần thịt thăn hoặc ở bắp vai, lưng của con trâu để làm thịt gác bếp. Thịt đem ướp các loại gia vị như: muối, gừng, mắc khén (hạt tiêu rừng), nước lá rừng. Và cuối cùng treo lên gác bếp đem hun khói tới khi óng đen, quắt khô để bảo quản được lâu hơn.
-
Khi du lịch đến Sapa nếu bạn bỏ qua đặc sản cơm lam tại đây thì thật là đã bỏ phí một món ăn vừa ngon lại vừa rẻ của núi rừng Sapa. Từ nhà hàng, Khách sạn, đến các quán ăn ven đường… đều phục vụ món ăn độc đáo này.
Món cơm lam được ví như tinh túy của núi rừng vì được nấu kỳ công từ những hạt gạo nương được người dân tộc trồng trên những thưởng ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp, đây là một loại gạo tẻ nhưng lại thơm và dẻo dính như gạo nếp. Gạo được nấu theo cách khá đặc biệt là được cho vào ống tre, nứa… đem hấp hoặc nướng chín. Cơm chín ăn bùi dẻo, thường được ăn kết hợp với muối vừng hoặc thịt nướng thì ngon quên sầu.
-
Một món ăn khác mang đặc điểm riêng của xứ lạnh đó là xôi bảy màu. Xôi bảy màu là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Sapa. Để làm được món xôi này nhìn tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào. Món xôi này là một món ăn truyền thống của các chủng tộc tại Sapa vào những dịp lễ lớn trong năm như tết, dịp lễ cúng bái thần thánh. Nghe thôi đã đủ thấy đây chính là một món ăn đặc sản nổi tiếng Sapa rồi.
Nguyên liệu của món xôi này cũng không có gì là cầu kỳ nhưng nấu được xôi ngon, đẹp mắt, màu chuẩn lại đòi hỏi bàn tay khéo léo của người đồ xôi. Những người phụ nữ dân tộc họ phải chọn loại gạo nếp ngon, vo sạch, ngâm cho hạt gạo vừa nở tới sau đó tìm các loại lá, củ có màu sắc tự nhiên, đem giã lấy nước để ủ màu xôi. Nhìn đĩa xôi thành phẩm của người dân tộc thì vô cùng đẹp mắt, 7 sắc màu mang đến sự vui vẻ, lạc quan. Ăn miếng xôi thơm dẻo vả có mùi vị đặc trưng của núi rừng.
-
Đến Sapa, bạn cũng không nên bỏ qua món cá suối chiên hoặc nướng mà ít nơi nào có được. Cá suối ở đây lớn cỡ 2-3 ngón tay. Cá thường có màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu. Cá suối có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Cá suối nhiều xương nên người vùng cao chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không nấu riêu hay kho, hấp…
Những con cá trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan. Chấm cá trong mắm ngon pha chanh ớt, ăn với ngọn cải ngồng luộc chín tới và cơm nóng trong buổi tối Mường Hum lành lạnh, cảm giác thật tuyệt.
-
Khi nghe qua tên Khâu Nhục, chắc hẳn mọi người cảm thấy lạ tai. Thực chất Khâu Nhục là món có cách làm giống với thịt kho ở miền xuôi. Tuy nhiên, hương vị và cách chế biến ở món Khâu Nhục ở Sapa lại hoàn toàn khác.
Để có món Khâu nhục chuẩn, người ta phải nấu tới nửa ngày cho miếng thịt mềm, sao cho khi ăn như tan ra trong miệng. Món này có nguồn gốc từ người Hoa, xuất hiện ở hầu hết các vùng núi phía Bắc.
Nguyên liệu để làm món khau nhục gồm có: thịt lợn ba chỉ, húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…Khi chế biến món này, phải dùng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, cắt thành miếng vuông, khổ 16x16cm, rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ. Thịt chín vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều. Tiếp theo cho thịt vào chảo mỡ nóng chao (rán) sao cho vàng đều mới vớt ra. Thưởng thức khâu nhục cùng cơm trắng Sapa sẽ làm bạn thấy ấm lòng hơn giữa tiết trời xứ lạnh. -
Cùng với thịt lợn cắp nách, cơm lam, rượu táo mèo,… rau cải mèo ngày càng hấp dẫn du khách bởi sự bình dị nhưng thơm ngon của nó trong mỗi món ăn. Cải mèo lá xoăn, màu xanh sẫm, giòn và ngọt hơn cải thường. Mỗi mâm cơm của người dân phố núi Sa Pa ngoài những món thịt thì không thể thiếu đĩa rau cải mèo xào với mỡ đông, thoảng chút cay nồng của gừng tươi.
Những sợi rau giòn, dai hơi đắng đầu lưỡi nhưng gần sẽ thấy vị ngọt khi kết hợp với món thịt bò tơ mềm có vị đậm đà rất riêng. Món rau cải mèo xào với thịt hun khói cũng vô cùng ngon miệng. Ở Sapa, rau cải mèo xào chung với thịt bò tơ mềm ngon là một món ăn được rất nhiều khách du lịch Sapa vô cùng thích thú.