Top 10 Món ăn đặc sản ngon nhất ở Bình Thuận

Riaka Akira 858 0 Báo lỗi

Là một tỉnh cuối cùng của vùng duyên hải miền Trung, Bình Thuận có lợi thế mạnh khi sở hữu đường biển dài nên mang lại cho Bình Thuận một nguồn lợi thủy hải ... xem thêm...

  1. Hải sản ở Bình Thuận nổi tiếng tươi ngon, vì vậy những món ăn đi theo điều đó cũng rất tươi ngon, đặc biệt là món bánh canh chả cá. Những miếng chả cá chiên vàng đẹp mắt, bên cạnh đó là những miếng chả cá hấp ngọt mềm kết hợp với sợi bánh canh màu trắng sữa, chan với nước lèo ngọt vừa đủ. Đem lại một món ăn với đầy đủ tinh hoa ẩm thực Bình Thuận. Bánh canh chả cá là một trong những đặc sản dân dã du khách nên ăn thử khi đến Phan Thiết. Nguyên liệu cá tươi được đánh bắt từ chính vùng biển nơi đây là yếu tố tạo nên sức hút của món ăn. Người nấu sử dụng thịt cá để làm chả, xương cá để nấu nước dùng và mắm cá để nêm. Cá thu ảo, cá chai, cá rựa, cá mối, cá bóp, cá cam là các loài phổ biến dùng để chế biến.


    Chả cá được nghiền, quết thật nhuyễn từ thịt cá sống lóc xương, thêm vài miếng mỡ heo cắt hạt lựu rồi trộn gia vị theo công thức riêng mỗi quán, sau đó nặn thành miếng dẹt to bằng khum bàn tay. Chả hấp khi gần chín sẽ được quết một lớp lòng đỏ trứng gà lên mặt trên để tạo độ ngậy và màu sắc bắt mắt. Chả chiên được đảo trong chảo ngập dầu với lửa vừa phải, ra lò có màu vàng ruộm. Theo một chủ quán, người nấu thường cho tỷ lệ cá thu cao hơn trong thành phần nguyên liệu, để sau khi chín miếng chả sẽ giòn, dai và có màu đẹp mắt hơn. Người dân sinh sống ở vùng này thường ăn kèm một tô bánh canh chả cá với một ổ bánh mì, cách ăn này tuy không mới mẻ nhưng khá thú vị.

    Bánh canh chả cá
    Bánh canh chả cá
    Bánh canh chả cá
    Bánh canh chả cá

  2. Nói đến ẩm thực Bình Thuận thì không thể không nhắc đến món đặc sản bánh căn vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Món ăn dù bình dị, giản đơn nhưng lại đậm đà hương vị của những nguyên liệu từ biển cả, mang đến vị ngon riêng biệt mà chỉ xứ này mới có. Sở dĩ gọi là bánh căn bởi vì khi chín, chiếc bánh căng phồng, giòn đều ở mặt dưới và mặt trên thì mềm mịn. Người dân đọc từ “căng” thành “căn” và quen gọi từ đó cho đến bây giờ. Chiếc bánh căn ở Bình Thuận to chưa bằng lòng bàn tay, thường được đổ trên khuôn làm bằng đất nung với từ 8 - 16 lỗ tròn đều để đặt những chén nung nhỏ lên trên. Cách làm giống với món bánh xèo của người miền Trung, nhưng bánh nhỏ hơn. Nhân bánh thì được làm từ hải sản tươi như bạch tuộc, mực. Cũng gần giống với bánh căn ở miền trung, bánh căn Bình Thuận được du khách chú ý rất nhiều.


    Để làm bánh căn, đầu tiên người ta sẽ quét một lớp mỡ vào khuôn và chờ khi thật nóng thì đổ bột vào. Sau đó, họ sẽ cho thêm trứng, tôm hoặc mực vào giữa khuôn bánh tùy theo sở thích của thực khách. Khi bánh khô lại, viền bánh tróc ra thì người làm sẽ nhẹ nhàng lấy bánh ra khỏi khuôn. Bánh căn khi bày ra đĩa sẽ được úp lại thành một cặp và ở giữa quét thêm một lớp mỡ hành rất dậy mùi. Để thưởng thức bánh căn thì không thể thiếu nước chấm. Ở các quán thường sẽ có 3 loại nước chấm phổ biến như mắm nêm, mắm chanh tỏi ớt với cà chua và nước mắm cá kho. Và mỗi loại nước chấm sẽ có mùi vị riêng thu hút bất cứ vị thực khách nào. Khi thưởng thức, người ta sẽ cho hết bánh căn vào nước cá và thưởng thức cùng một lúc, trong nước chấm còn có thêm xoài bào sợi, xíu mại viên, mỡ hành càng làm dậy mùi vị của món ăn và hương vị này đã làm nên nét đặc trưng của món ăn.

    Bánh căn
    Bánh căn
    Bánh căn Bình Thuận
    Bánh căn Bình Thuận
  3. Bánh hỏi lòng heo là món ăn gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm. Để có được mẻ bánh hỏi ngon trước hết phải chọn loại gạo ngon, đem ngâm qua đêm, xả đi xả lại thật sạch rồi mới chế biến thành những sợi bánh trắng tinh, mềm mượt. Một đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non, dồi nướng và đặc biệt không thể thiếu thịt ba chỉ. Công đoạn tìm nguồn lòng heo ngon, đảm bảo vệ sinh là yếu tố rất quan trọng, quyết định chất lượng món ăn. Lòng heo phải được sơ chế kĩ, hấp trong nồi với gừng, riềng cho vừa chín, giòn, ngọt. Để lòng và thịt được ngon, sau khi vớt khỏi nồi nước sôi, người ta thả ngay vào thau nước đá, cái lạnh của đá làm cho bề mặt miếng thịt se lại, giữ độ ngọt và làm miếng thịt, miếng lòng vừa trắng vừa giòn.


    Nước chấm cũng là một trong những yếu tố làm nên cái ngon đậm đà của bánh hỏi lòng heo nơi đây. Nước chấm phải được nấu từ nước mắm ngon. Người dân ở đây thường luộc cà chua, ớt sừng, xay nhuyễn để lấy màu đỏ tươi tự nhiên rồi đem nấu cùng nước mắm, đường và nước. Để thêm vị chua thanh, có thể chắt thêm ít me vắt hoặc chanh vào sau cùng. Nhờ cách pha đặc biệt này mà nước chấm ăn kèm lúc nào cũng nóng hổi, đậm đà. Ăn kèm bánh hỏi lòng heo còn có bánh tráng mỏng và rau sống. Bánh tráng thường được phơi sương hoặc ủ lá chuối để tăng độ dẻo dai. Rau sống ăn kèm thường là húng lũi, xà lách, tía tô, quế, ớt xanh… Khi ăn, cuốn bánh tráng với bánh hỏi tiếp đó là lòng heo, kẹp rau sống ở giữa. Tất cả những hương vị ấy hòa quyện để tạo nên một món ăn được xếp vào hàng đặc sản ở vùng đất đầy nắng gió này.

    Bánh hỏi lòng heo Bình Thuận
    Bánh hỏi lòng heo Bình Thuận
    Bánh hỏi lòng heo Bình Thuận
    Bánh hỏi lòng heo Bình Thuận
  4. Xứ biển Phan Thiết được biết như là điểm đến rất thú vị của du khách vào những ngày hè nắng nóng. Ngoài cảm giác thoải mái khi được đắm mình trong làn nước biển mát dịu, bạn còn được thưởng thức các món gỏi ngon đến tuyệt vời! Phan Thiết là vùng đất của biển, của nắng, gió và của các loài hải sản tươi sống. Gỏi cá Phan Thiết được chế biến từ những loài cá tại chỗ, sẵn có như gỏi cá mai, cá suốt hay cá đục tươi roi rói. Món gỏi cá rất dễ làm và nguyên liệu ăn kèm có ở khắp các khu chợ. Tùy vào cách và loại cá chế biến mà bạn sẽ được thưởng thức những món gỏi cá với mùi, vị ngon khác nhau. Gỏi khô thì người ta vắt chanh lên để làm cá chín, trộn với rau thơm xắt nhỏ, đậu phụng rang và xúc bánh tráng nướng. Gỏi ướt thì dầm cá trong một loại nước chấm đặc biệt làm bằng đậu phụng và mè xay, xong cuốn bánh tráng cùng với các loại rau thơm. Thịt cá mai ngọt, dai và dòn chứ không bở hoặc mềm như những loại cá thông thường khác, đã làm nên hương vị của món hải sản này.

    Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, khi lựa cá chỉ nên chọn loại nhỏ, lớn bằng cỡ hai ngón tay. Sau đó, lọc bỏ xương cá, rửa lại bằng nước khoáng hoặc nước dừa tươi càng ngon. Tiếp theo, tái thịt cá trong nước cốt chanh đến khi cá ngã màu trắng rồi ướp cá vào nước sốt me chua ngọt pha với hỗn hợp tỏi ớt xay nhuyễn. Để chừng 5 phút cho các gia vị thấm vào từng thớ thịt của cá rồi xếp ra đĩa, lót lá chuối tươi xanh, xung quanh là khế, chuối chát và vài lát ớt đỏ để tăng thêm phần hấp của món ăn. Món gỏi cá thứ ba làm từ cá đục. Cá được cắt theo chiều dọc dài khoảng 5 cm, khi ăn phải tái qua nước cốt chanh có pha tỏi ớt để thịt cá chín sơ. Khi ăn, cuốn cá cùng với các loại rau như cải sà lách, húng, khế chua, chuối chát… chấm vào chén tương đậu phộng bạn sẽ không thể kìm được sự thích thú của mình vì vị ngon của cá, mùi thơm của rau, vị cay nồng của tỏi ớt hòa quyện trong cuộn cá.

    Gỏi cá Bình Thuận
    Gỏi cá Bình Thuận
    Gỏi cá Bình Thuận
    Gỏi cá Bình Thuận
  5. Một trong những món cá ngon, lạ miệng và có hương vị đặc trưng miền biển Phan Thiết là món Cá lồi xối mỡ. Thịt cá mềm, béo thơm, ăn kèm các loại rau sống, bánh tráng chấm cùng nước mắm pha chế độc đáo là món ngon mà thực khách không thể bỏ qua khi đến với thành phố biển. Cá lồi với lớp da trơn bóng, nhìn qua giống như cá đuối, thường xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9 âm lịch. Loài cá này sống chủ yếu ở các vùng biển miền Trung, trong đó có vùng biển Phan Thiết. Các món ăn chế biến từ cá lồi từ lâu đã là những món ăn đậm chất dân dã của người dân miền biển như cá lồi nấu canh chua, kho xả ớt, xào lăn và hấp dẫn hơn cả là món cá lồi xối mỡ hành.Theo kinh nghiệm của người Phan Thiết, cá lồi chỉ cần chọn loại 1 - 2 kg là ngon nhất với thịt cá bùi, ngọt và lớp sụn bên trong vẫn còn mềm.


    Đầu tiên, cần làm sạch lớp nhớt bên ngoài (có thể dùng lá sả chà sạch và bớt mùi tanh), sau đó làm sạch phần thịt và để lại bộ gan. Cá được xắt thành từng lát mỏng xếp vào đĩa hoặc để nguyên con rồi đem hấp cách thủy. Thịt mỡ được xắt nhỏ, rán vàng rồi bỏ hành lá thái nhỏ vào. Khi cá được hấp chín, xối một lớp mỡ hành lên cá, rồi rắc thêm một chút đậu phộng rang giã nhỏ. Gắp một miếng cá thơm lừng còn nóng hổi xếp vào bánh tránh rồi cuốn cùng các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, bún tươi, chấm vào nước mắm đã pha sẵn (có thể dùng mắm me, hoặc mắm nêm), bạn sẽ cảm nhận một món ăn rất thơm ngọt của thịt cá, béo của mỡ hành, bùi của đậu phộng, quyện với nhiều vị chua, cay, chát của rau sống ăn kèm vừa ngon, vừa lạ miệng với đầy đủ hương vị miền biển đặc trưng. Mách nhỏ bạn là có thể lấy gan cá giã nát hòa với nước chấm để tăng thêm phần ngọt béo.

    Cá lồi xối mỡ
    Cá lồi xối mỡ
    Cá lồi xối mỡ Bình Thuận
    Cá lồi xối mỡ Bình Thuận
  6. Đặc sản bánh quai vạc được bày bán rất phổ biến ở thành phố biển Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung. Món bánh được xếp vào danh sách những món ăn vặt đặc trưng của người dân xứ biển. Thực sự, không ai biết chính xác món bánh quai vạc bắt đầu xuất hiện ở Phan Thiết từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là một mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh ẩm thực muôn màu của xứ Bình Thuận. Người ta thường nói, ghé đến Mũi Né - Phan Thiết mà chưa thưởng thức bánh quai vạc thì chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực độc đáo nơi đây. Do cách phát âm tiếng địa phương của người Phan Thiết mà bánh quai vạc còn có tên gọi khác là bánh quai dạc hay bánh tai vạc.


    Mỗi lần ghé chân đến xứ này, đi dọc các cung đường chính, thậm chí vào sâu từng ngõ ngách bạn đều dễ dàng tìm thấy những gánh hàng bán thức quà đặc sản này. Mặc dù không phải chỉ riêng Phan Thiết mới có bánh tai vạc, bạn có thể bắt gặp món bánh này ở Sài Gòn hoặc Hội An. Nhưng bánh ở Phan Thiết được yêu thích bởi những đặc trưng riêng biệt. Về hình dáng và cấu tạo, bánh gần giống với bánh bột lọc nhưng vẫn có chút khác biệt. Những chiếc bánh mang màu trắng trong, pha một chút đỏ, hơi dinh dính được xếp chồng lên nhau rất đẹp mắt. Sự kết hợp hoàn hảo giữa vị dai dai sần sật của lớp vỏ bánh cùng với nhân là thịt tôm tươi ngon đậm đà quả thực ngon đến khó cưỡng.

    Bánh quai vạc
    Bánh quai vạc
    Bánh quai vạc Bình Thuận
    Bánh quai vạc Bình Thuận
  7. Ốc giác là một loại ốc vô cùng quen thuộc với người dân vùng biển Bình Thuận. Với ốc giác, người dân địa phương thường dùng để chế biến nhiều món ăn ngon khác nhau như hấp, xào, nướng… Đặc biệt ốc giác còn được sử dụng làm nguyên liệu chính cho những món gỏi. Mỗi con ốc giác thường rất nặng, có con nặng lên đến 2kg. Ốc giác sau khi được đánh bắt có khả năng tiếp tục sống trong nước mặn đến một tuần. Vì vậy du khách du lịch Mũi Né nếu thuận tiện cũng có thể mua ốc giác tươi sống đem về cho gia đình thưởng thức. Tuy nhiên, món ăn sẽ luôn ngon nhất khi được chế biến từ những con ốc vừa mới được đánh bắt lên bờ, lúc đấy thịt còn tươi, tiết chất nhờn để đảm bảo độ ngọt.

    Thịt ốc giác
    có hai phần, gồm phần cùi và ruột, đều ăn được. Phần cùi có màu trắng, khi ăn cứng và giòn sần sật, phần ruột có màu nâu nhạt có vị béo. Để lấy thịt ốc giác, người ta có thể luộc ốc cho chín rồi dùng đũa xăm ra hoặc tách thịt khỏi vỏ khi còn sống rồi đem luộc. Gỏi ốc giác là một món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính ốc giác - một loại ốc rất đỗi thân quen với người dân nơi đây. Vì thế, gỏi ốc giác cũng chính là món ăn gắn liền với kí ức của mỗi người dân địa phương. Có lẽ, không một ai biết được món ăn này có tự bao giờ hay ai là người đầu tiên “khai sáng” món ăn này nhưng họ chắc chắn rằng gỏi ốc giác là một món ăn có từ xưa và bắt nguồn từ những người dân Mũi Né.

    Gỏi ốc giác
    Gỏi ốc giác
    Gỏi ốc giác
    Gỏi ốc giác
  8. Răng mực thực chất là một cục thịt nhỏ trên đầu con mực. Thường thì khi sơ chế nhiều người thường bỏ đi phần răng mực này vì cho rằng không ăn được. Tuy nhiên những người dân Bình Thuận đã nhanh chóng phát hiện ra tiềm năng hấp dẫn từ phần tưởng chừng như bỏ đi này. Để đáp ứng du khách món ăn này được chế biến theo nhiều cách khác nhau như chả răng mực, răng mực rang muối, răng mực nướng sa tế… Điểm chung của các món ăn này đều là rất hấp dẫn và độc đáo. Những viên răng mực sau khi làm sạch được đem đi thường được tẩm ướp gia vị một cách kỹ càng rồi xâu vào các thanh tre, nướng trên bếp than đỏ rực. Món ăn này có ngon thì răng mực phải tươi thì khi nướng sẽ giòn và hấp dẫn hơn rất nhiều. Đến khi răng mực ngả sang màu vàng tươi, có mùi thơm ngào ngạt là lúc đó răng mực đã chín.


    Răng mực nướng được ưa chuộng nhất là ăn cùng sốt sa tê cay cay. Phần sốt sa tế đỏ rực bòng bẩy được tự làm tại quán, rưới lên những thanh răng mực xiên que hấp dẫn khiến ai cũng phải thòm thèm xuýt xoa. Cầu kỳ phức tạp trong chế biến hơn một chút là món răng mực xào bơ tỏi. Món ăn này thường được ăn kèm với bánh tráng giòn tan và vị đậm đà của nước chấm tạo nên hương vị mới lạ. Răng mực nướng có mùi thơm nồng của mực, vị dai giòn, sựt sựt đầy mê hoặc. Đi từ xa bạn đã có thể dễ dàng cảm nhận mùi hương từ những xe mực nướng nho nhỏ. Món này thường được ăn kèm cùng dưa chuột, đồ chua để cân bằng hương vị ổn định hơn. Bên cạnh mực nướng, đến Bình Thuận bạn còn có thể thưởng thức vô vàn các món ăn từ răng mực khác như chả răng mực, răng mực rang muối, răng mực nướng sa tế… Đảm bảo món nào cũng siêu hấp dẫn, ăn vặt cũng được mà có thêm chút men bia thì càng ngon hơn gấp nhiều lần.

    Răng mực Bình Thuận
    Răng mực Bình Thuận
    Rặng mực Bình Thuận
    Rặng mực Bình Thuận
  9. Bánh tráng cuốn mắm ruốc ở Phan Thiết là món ăn chỉ được bán vào buổi chiều tối bên lề đường. Với thành phần là bánh tráng, mắm ruốc đặc biệt, tóp mỡ và trứng cút, món ăn rất dân dã nhưng lại thu hút rất nhiều thực khách thưởng thức. Bánh tráng cuốn mắm ruốc không giống như bánh tráng nướng chấm mắm ruốc truyền thống ở Phan Thiết vì dùng loại bánh mỏng hơn, thêm nhiều nguyên liệu hơn, cách chế biến cũng cầu kỳ hơn. Món này về hình dáng tương tự bánh tráng cuốn ở Nam bộ, nhưng đặc biệt ở chỗ phần bánh tráng cuốn bên ngoài được cuộn lại từng chút một khi nướng trên than hồng. Thành phần tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này là bên cạnh mắm ruốc với độ mặn vừa phải để phết lên bề mặt bánh tráng, còn có trứng gà hoặc cút luộc, nem chua, chả lụa, mỡ hành, tương ớt. Tùy vào từng hàng quán và bí quyết riêng của chủ quán, bánh tráng sẽ có thêm chút đồ chua, bắp cải thái chỉ sợi, bơ… Bí quyết để làm nên một cuốn bánh đẹp mắt, dễ ăn nằm ở khâu nướng - cuộn bánh. Bánh tráng không quá dày mà cũng không quá mỏng để dễ cuộn hơn khi nướng và không bị vỡ vụn lúc thưởng thức.

    Để cuộn được bánh khi nướng, người nướng sẽ dùng hai chiếc đũa sắt dài. Một chiếc đặt phía trong tấm bánh đã trải trên vỉ nướng, một chiếc đặt ngoài. Lúc nướng phải canh lửa thật kỹ sao cho bánh tráng vừa chín tới thì cuộn lại. Cuộn quá sớm bánh tráng không giòn, còn quá muộn bánh thường bị vỡ. Bên cạnh đó, phải cuốn đều tay để cuốn bánh tròn và giữ chặt nhân bánh, tránh bị rơi ra ngoài khi ăn. Hương vị đầu tiên khi nếm thử món ăn dân dã này là sự pha trộn giữa cái ấm nóng của bánh vừa nướng, âm thanh giòn giòn vỡ vụn của bánh. Rồi sự mềm mại của trứng, chả lụa và sần sật của nem khi ngập vào răng. Hương vị mằn mặn ngòn ngọt của mắm ruốc lẫn trong vị béo của mỡ hành và cay cay của tương ớt chạm vào lưỡi. Tiếp đó là một làn hơi nóng ủ từ lúc nướng, tỏa ra nhẹ nhẹ. Tất cả quyện vào nhau, pha trộn nhau, bổ sung cho nhau, làm nên cảm giác thật tròn vị liền ngay sau đó. Và rồi để lại cái mong muốn được ăn thêm những cuốn bánh ấy đến khi thật no lòng…

    Bánh tráng nướng mắm ruốc
    Bánh tráng nướng mắm ruốc
    Bánh tráng nướng mắm ruốc
    Bánh tráng nướng mắm ruốc
  10. Đến với thành phố Phan Thiết,Bình Thuận, bạn không thể bỏ qua món lẩu cá bóp nấu chua. Lẩu cá bóp là món ăn ngon lạ, nổi tiếng với đặc trưng nguyên liệu từ loại cá tươi ngon của vùng biển nơi đây và là món ăn không thể thiếu trong danh sách món ngon Bình Thuận. Món lẩu cá bóp có từ khi nào và tại sao có cách nấu lạ vị đến vậy? Ngư dân Phan Thiết kể rằng: “Khi đánh bắt cá ngoài khơi, đến bữa cơm ngư dân thường bắt những con cá tươi ngon chế biến tại thuyền với các nguyên liệu dự trữ sẵn như cà chua, thơm, rau thơm, hành thành món canh cá nấu phớt. Theo thời gian, cách ăn và chế biến đòi hỏi không những ngon mà còn phải trang trí đẹp. Từ đó, người Phan Thiết đã thay đổi cách chế biến tạo nên món lẩu cá bóp nấu chua hương vị đặc biệt khác hẳn lẩu cá ở các vùng miền khác”. Cá bóp (hay cá bớp) có tên khoa học là Rachycentron canadum sinh sống dọc theo các vùng biển Việt Nam, trong đó có Phan Thiết - Bình Thuận.


    Đây là loại cá thịt trắng, ngọt, giàu dinh dưỡng nên được người Phan Thiết chọn nấu món lẩu cá bóp. Nguyên liệu chính của món lẩu đặc trưng này gồm những lát cá mỏng được cắt khoang, thêm bao tử cá điểm xuyến cho nồi lẩu thêm phần hấp dẫn. Lẩu cá bóp là sự kết hợp hài hòa vị chua của thơm, me, vị cay nồng của ớt, mùi thơm của hành tỏi phi, màu đỏ nổi bật của cà chua và một ít rau thơm, hành lá thái nhuyễn. Khi nồi lẩu chin, nước dùng sẽ có vị đậm đà, ngọt thanh, chua chua, se se cay nên khi thưởng thức sẽ không nồng mùi vị cá biển. Lẩu cá bóp được ăn kèm với rau tươi như bắp chuối, rau muống bào sợi, rau đắng, đậu bắp, bạc hà thái lát mỏng, bún tươi cùng với chén nước mắm Phan Thiết nguyên chất. Lẩu cá bóp không những ngon, lạ vị mà trong cách ăn còn thể hiện sự gắn kết tình cảm gần gũi giữa mọi người. Nồi lẩu được đặt ở giữa trên bếp than hồng, khi sôi nước dùng thoang thoảng hương thơm kích thích vị giác, mọi người ngồi quanh nồi lẩu gắp cho nhau miếng rau, lát cá.

    Lẩu cá bóp Bình Thuận
    Lẩu cá bóp Bình Thuận
    Lẩu cá bóp Bình Thuận
    Lẩu cá bóp Bình Thuận



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |