Top 8 Món ăn cổ truyền đặc sắc nhất trong mâm cỗ Tết của dân tộc Dao
Ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Dao rất đa dạng, phong phú và cầu kỳ. Và bài viết dưới đây Toplist xin giới thiệu đến các bạn những món ăn cổ truyền ... xem thêm...đặc sắc nhất trong mâm cỗ Tết của dân tộc Dao.
-
Một trong những món ăn tiêu biểu của người Dao trong mâm cỗ ngày tết phải kể đến là món lòng lợn nhồi gạo nếp (người Dao gọi là “tùng càng nhảng”). Gạo nếp làm món này phải là gạo nếp thơm ngon, được xay thành bột hoặc được đem đồ lên trước khi trộn với tiết sống. Gia vị là thảo quả được giã nhỏ. Món “tùng càng nhảng” chỉ luộc chín tới là vớt ra ăn ngay, càng nóng hổi càng ngon.
Trong những ngày Tết, tiết trời se lạnh, tùng càng nhảng để lâu cũng không bị ôi thiu nên người Dao thường làm sẵn và để ăn dần, trước khi ăn chỉ cần trần qua cho nóng. Món lòng lợn nhồi gạo nếp ngậy của tiết, mùi thơm của thảo quả, lại thêm cái dai dai của lòng lợn khiến hương vị không thể nào cưỡng lại được.
-
Tục làm bánh chưng đen của dân tộc Dao do cha ông truyền lại, đã có từ rất lâu rồi. Bánh làm ra có màu đen là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm, màu đen của bánh còn thể hiện sự hòa hợp của đất, trời và lòng người. Tết của người Dao không thể thiếu bánh chưng đen là vì những ý nghĩa nhân văn cao đẹp đó. Ngoài ý nghĩa cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, bánh chưng đen còn thể hiện tấm lòng biết ơn, hiếu thuận của người đang sống tới ông bà, tổ tiên của người Dao.
Cái độc đáo ở bánh chưng đen của người Dao là ở chất liệu tạo màu đen của bánh. Khác với một số loại bánh chưng đen của các dân tộc ít người khác, lấy màu đen cho bánh từ màu gạo nếp cẩm, hoặc nhuộm nếp làm bánh từ than gỗ cây núc nác, bánh chưng đen của người Dao tạo màu đen cho bánh từ chính tro của thân rơm nếp đốt lên. Bánh chưng đen của người Dao khi bóc ra có màu đặc trưng là đen xanh hòa quyện, mùi thơm dịu của nếp nương, của lá dong, lá chuối rừng, khi ăn có vị ngon, độ dền dẻo pha chút mặn của tro rơm. Thưởng thức bánh chưng đen, du khách có thể cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc của núi rừng, của nương rẫy kết tinh trong từng miếng bánh để từ đó càng hiểu hơn giá trị, thành quả, công sức lao động của người dân.
-
Vào những ngày lễ Tết đầu năm, người Dao ở Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ, Lai Châu) lại làm bánh mật truyền thống. Bánh được làm từ gạo nếp nương xay nhuyễn và mật mía ép, sau đó đem gói bằng lá chuối rừng. Bánh mật thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với tiền nhân, ông bà tổ tiên và cầu mong một năm mới bội thu, con người mạnh khỏe, vạn vật tốt tươi.
Lá chuối dùng gói bánh mật được lựa chọn rất kỹ, phải là lá bánh tẻ, còn nguyên tàu lá. Đại gia đình quây quần gói bánh mật, thể hiện sự tôn kính với ông bà, tổ tiên. Gạo nếp được ngâm, đem xay nhuyễn, sau đó trộn với mật mía, rồi nhào bằng tay cho bột thật dẻo quyện mới đem gói bánh. Sau khi bánh được gói xong, niềm vui của mỗi thành viên trong gia đình là cùng nhau khiêng mâm bánh xuống bếp luộc bánh. Mỗi khi có dịp làm bánh mật, cũng là dịp người già chỉ bảo, nhắc nhở cháu con phải biết ơn tổ tiên, giữ gìn phong tục tốt đẹp truyền thống của đồng bào Dao.
-
Bánh gù được người Dao làm để dâng cúng vào những ngày lễ Tết quan trọng. Món ăn này có nguyên liệu đa dạng, tạo nên một món ngon hấp dẫn và giàu giá trị dinh dưỡng. Món bánh gù được làm từ nếp nương, đỗ xanh, thịt ba chỉ, cơm long. Bên ngoài bánh gù sẽ được gói bằng lá dong rừng, buộc lạt.
Để làm bánh, nếp nương cần được ngâm trước 4 tiếng, đãi sạch rồi để khô ráo. Khi gói bánh, thịt lợn ba chỉ thái miếng dài và đỗ xanh được xếp bên trong, nêm thêm nhân chút hạt tiêu hay thảo quả cho đượm vị. Thoạt nhìn, bánh gù cũng có phần giống bánh tét vì sau khi gói sẽ đem luộc 8 tiếng. Bánh gù sau khi chín sẽ có mùi thơm dẻo của gạo nếp nương. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi của đỗ xanh, vị béo đậm đà từ thịt ba chỉ. Tất cả các hương vị ấy quyện hòa vào nhau, tạo nên một món ăn ngon và hấp dẫn.
-
Đối với đồng bào người Dao, xôi sắn là món ăn truyền thống được gìn giữ bao đời nay, là món ăn quen thuộc trong đời sống hàng ngày, cũng là món ăn chính trong các dịp Tết đến xuân về. Xôi được tổ tiên người Dao sáng tạo ra, để cảm tạ đất trời đã ban cho họ lương thực, ban cho họ cuộc sống ấm no. Xôi sắn được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn so với các món xôi khác. Từ xưa, sắn trở thành lương thực chủ đạo trong những bữa ăn của bà con, trong chăn nuôi, trao đổi buôn bán. Món xôi không cầu kỳ nhưng lại khiến người ta bất ngờ bởi hương vị của nó.
Xôi sắn khi chín được đổ dàn đều ra mẹt, hơi bốc thơm lừng, những hạt xôi nếp dẻo, trắng trong được mọi người gói trong lá dâng cúng thần linh, tổ tiên. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết của đất trời, của hạt sương sớm mai trên đồi núi. Những nắm xôi trắng được gói gọn trong lá chuối, lá dong hay các loại lá rừng. Người Dao chọn lá gói xôi có mùi thơm dịu, khi hơi nóng của xôi bóc ra mà tinh dầu trên lá không lấn át, làm mất mùi vị đặc trưng của nếp lại tốt cho sức khỏe. Nắm xôi trắng bọc trong những chiếc lá màu xanh dung dị và chân phương của núi rừng nhưng chứa đựng tấm lòng, sự thơm thảo của con cháu người Dao.
-
Thịt lợn muối chua là một món ăn đặc sản, truyền thống độc đáo của người dân tộc Dao và là một món không thể thiếu trong mâm cơm Tết của họ. Mỗi dân tộc có một cách chế biến thịt chua khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị của từng người. Tuy nhiên, với cách làm độc đáo của mình, những miếng thịt chua của người Dao khiến ai ăn một lần cũng phải nhớ mãi. Làm thịt chua không khó nhưng đòi hỏi phải có nhiều thời gian và nguyên liệu gồm: thịt lợn ba chỉ hoặc cả nạc cả mỡ, muối tinh và cơm nguội. Thịt lợn cắt thành từng miếng khoảng 0,5kg rồi dùng dao sắc khía thành từng phần dày 2 – 3cm, tránh làm đứt phần bì, ướp với thật nhiều muối, rồi trộn tiếp với một ít cơm nguội rồi đem xếp ngay ngắn vào chum, lèn thật chặt, trên cùng chét thêm một lớp cơm nguội dày và dùng tay lèn thật chặt.
Trên miệng chum lót thêm một lớp rơm sạch, dùng lá dong bịt lại rồi lấy lạt buộc bên ngoài cho thật chặt rồi úp ngược chum thịt lên một chiếc bế đựng đầy tro bếp để trong quá trình thịt lên chua, mỡ và nước từ thịt sẽ chảy ngược xuống ngấm vào tro, thịt sẽ không bị hỏng. Cái hương vị đậm đà của món thịt ướp muối, có vị mặn đậm của muối, vị ngọt của thịt, vị chua của sự lên men lâu ngày cùng hương thơm đậm của lá lốt xanh hòa quyện thành một hương vị rất khó quên, ăn một lần thôi cũng khiến người ta nhớ mãi.
-
Người Dao gọi cơm lam là “đồng dúa” còn được hiểu là món bánh nướng. Mùa làm cơm lam ngon nhất là vào những ngày đầu xuân năm mới, vào những ngày tết, khi tre ra lá bánh tẻ, gióng tre gai còn mềm, non, có một lớp màng giấy trắng, mỏng bên trong ống. Những gióng cơm lam sau khi được rửa sạch rồi cho gạo nếp và nước ngập miệng ống. Sau đó, nút kín miệng ống bằng chuối tươi. Nút lá chuối được lấy từ cây chuối rừng để cho cơm lam được thơm hơn.
Cơm lam sau khi chín sẽ được để nguội từ 10 đến 15 phút. Những người có kinh nghiệm cho rằng, khi cơm lam nguội là ăn ngon nhất. Cơm lam sau khi để nguội phải dóc bỏ những lớp tre bên ngoài, chỉ còn màu trắng tinh và mỏng để tiện cho việc bóc vỏ khi ăn, phải đạt sự dẻo dai và thơm. Đặc biệt khi tước vỏ tre để lộ ra những gióng cơm lam có màng giấy bao quanh. Cơm lam có thể bảo quản được trong hai ngày mà không sợ bị thiu hay cứng lại. Vì vậy, đây là món ăn mà người đi xa, khách du lịch thường lựa chọn để mang theo. Cơm lam trước đây chỉ được ăn kèm với muối vừng, nhưng nay người Dao còn ăn với ruốc, thịt chưng…
-
Thịt lợn treo gác bếp của đồng bào người Dao thực ra là một cách bảo quản đồ ăn được lâu hơn, dùng làm thực phẩm trong những ngày mưa hoặc trong những ngày không có chợ phiên. Chính các loại gia vị dùng để tẩm ướp khi làm món thịt lợn gác bếp lại làm nên nét độc đáo của món đặc sản Tây Bắc này. Là món ăn truyền thống của người H’mông, người Dao, người Tày, người Thái, món thịt lợn hun khói chứa đựng những nét văn hóa, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực Tây Bắc, là món ăn không thể thiểu trong những ngày lễ tết truyền thống.
Ai đã từng một lần được thưởng thức món thịt lợn gác bếp người Dao Sơn La hẳn rất khó để quên hương vị độc đáo và rất riêng biệt của món đặc sắc Tây Bắc này. Hương thơm của hạt mắc khén, hạt dổi rừng, vị cay của gừng, ớt, rượu trắng, hòa quyện với mùi khói khi hun thịt lợn trên gác bếp mang lại những nét riêng biệt mà không một cách chế biến nào có được.