Top 10 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn. Bệnh có biểu hiện và gây biến chứng trên khắp các hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu không được điều trị và can thiệp tích ... xem thêm...cực, lupus có thể đe dọa tính mạng. Hiểu biết về căn bệnh này là điều cần thiết để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng của bệnh. Hãy cùng Toplist tìm hiểu những lưu ý quan trọng nhất về bệnh này nhé!
-
Bệnh lupus ban đỏ, tên đầy đủ là lupus ban đỏ hệ thống, thường được gọi một cách ngắn gọn là bệnh Lupus, là một bệnh rối loạn về hệ miễn dịch tương đối phổ biến, bệnh có thể âm thầm, dai dẳng, khó chẩn đoán và điều trị, đến khi xác định được bệnh thì bệnh nhân đã có nhiều biến chứng làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và nguy cơ tử vong cao.
Lupus là một bệnh tự miễn, một rối loạn về hệ miễn dịch mà cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể lại có tác dụng chống lại chính cơ thể mình, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như da, tim mạch, phổi, thận, cơ xương khớp và huyết học,… Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.
Bệnh gồm nhiều thể khác nhau:
- Lupus ban đỏ hệ thống(SLE) là thể phổ biến nhất, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể.
- Lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE): gây phát ban da mạn tính
- Lupus ban đỏ ở da bán cấp: gây loét da trên các bộ phận của cơ thể khi có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Lupus do thuốc: lupus có thể được gây ra do tương tác thuốc
- Lupus sơ sinh: một thể hiếm của lupus có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (có thể gấp 8 lần hoặc hơn), xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường nhất là 20 – 45 tuổi. Người Mỹ gốc Phi, Trung Hoa, Nhật có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các chủng tộc khác.
-
Bệnh lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Trong trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Các triệu chứng của lupus ban đỏ bao gồm:
- Nổi ban hình cánh bướm: Ban hình cánh bướm kéo dài trên má và mũi là triệu chứng rất đặc trưng của bệnh lupus.
- Ban đỏ do ánh nắng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn tia cực tím khác có thể làm trầm trọng ban hình cánh bướm của bệnh nhân. Bệnh cũng có thể gây loét các phần khác của cơ thể, thường là ở vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn tới đau khớp và mệt mỏi. Bệnh nhân có làn da trắng dễ bị ảnh hưởng nhất.
- Phát ban dạng đĩa: Phát ban dạng đĩa là triệu chứng khá điển hình trong bệnh lupus, các mảng da đỏ hình đĩa xuất hiện và lan dần, thường phát triển trên mặt, da đầu và cổ. Chúng thường để lại sẹo.
- Loét miệng hoặc mũi: Loét miệng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lupus. Đặc trưng của loét miệng do lupus là thường không đau. Và thay vì hình thành ở hai bên miệng hoặc nướu, những vết loét này thường tập trung ở vòm miệng.
- Sưng khớp: Khớp đỏ, nóng, mềm và sưng lên có thể là dấu hiệu của bệnh lupus.
- Viêm màng tim hoặc phổi: Viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng phổi có thể là một dấu hiệu của lupus. Bệnh có thể gây đau ngực đột ngột, khó thở.
- Co giật hoặc loạn thần: Lupus có thể gây ra nhiều vấn đề ở não và hệ thần kinh, gồm các triệu chứng không đặc hiệu như lo âu, đau đầu, rối loạn thị lực. Tuy nhiên, có hai triệu chứng cụ thể là co giật, loạn thần bao gồm ảo tưởng và ảo giác, sa sút trí tuệ, rối loạn lo âu.
- Thiếu máu: Lupus gây thiếu máu tán huyết dẫn đến tình trạng thiếu máu. Người bệnh có thể có dấu hiệu da niêm xanh xao, chóng mặt, mệt mỏi.
-
Bệnh lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Trong trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Nếu bệnh không được điều trị kiểm soát bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra những tổn thương nặng nề ở hầu hết các cơ quan nội tạng theo các hệ cơ quan, tương xứng với các triệu chứng biểu hiện:
- Tại tim: Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây viêm cơ tim, tràn dịch màng tim. Tình trạng kéo dài có thể gây suy tim mạn. Ngược lại, một số trường hợp diễn tiến tối cấp, viêm cơ tim cấp, gây suy tim cấp, người bệnh đột ngột tử vong do trụy mạch.
- Tại phổi: Bệnh nhân có thể khó thở, suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi, viêm phổi.
- Tại thận: Tổn thương lupus gây phá hủy cầu thận bằng các phản ứng viêm cầu thận, tiến triển đến suy thận.
- Tại hệ thần kinh: Bệnh nhân có thể bị co giật, rối loạn tâm thần.
- Tại hệ tạo máu: Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây thiếu máu, xuất huyết. Thiếu máu diễn tiến kéo dài cũng gây ảnh hưởng hoạt động các hệ cơ quan. Đồng thời, tình trạng xuất huyết lại làm nặng thêm vấn đề thiếu máu và nguy hiểm đến tính mạng nếu gây xuất huyết não, chèn ép não.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng do điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch không còn đảm bảo chức năng vốn dĩ của nó, cơ thể dễ mắc các tác nhân lây nhiễm mà không thể chống cự lại được. Tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân dễ rơi vào sốc và tử vong.
-
Mặc dù không xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh Lupus ban đỏ, tuy nhiên các bác sĩ cho rằng di truyền, nội tiết tố và môi trường sống có thể góp phần dẫn đến Lupus ban đỏ.
Về vấn đề bệnh lupus ban đỏ có lây không, các bác sĩ cho biết, bệnh lupus ban đỏ không lây. Điều nay có nghĩa là người bệnh không thể lây nhiễm bệnh cho người khác, ngay cả trong các tiếp xúc gần, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục. Các chuyên gia cho biết, các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hình thành do sự kết hợp giữa yếu tố gen và môi trường.
Lupus ban đỏ xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô và cơ quan, bao gồm khớp, da, thận, phổi, tim và não bộ. Tình trạng này dẫn đến viêm nhiễm và tổn thường các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, bệnh lupus ban đổ không thể lây lan từ người này sang người khác, dưới bất cứ hình thức nào.
-
Hiện tại vẫn không rõ lý do chính xác của bất thường về miễn dịch trong lupus ban đỏ. Tuy nhiên, có một số giả thiết tạm chấp nhận về nguyên nhân lupus ban đỏ hệ thống là hệ quả của sự tương tác qua lại của nhiều yếu tố.
Trong đó, có một số yếu tố có vai trò nổi bật hơn hẳn như:Yếu tố di truyền:
- Người có tiền sử gia đình anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường. Các nghiên cứu cho thấy bệnh lupus ban đỏ hệ thống có mối liên hệ về mặt di truyền học.
- Bệnh di truyền theo gia đình, nhưng không có một gen riêng lẻ nào được xác định là nguyên nhân gây bệnh. Nhiều gen có thể có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh khi có những yếu tố môi trường kích hoạt.
Yếu tố kích hoạt từ môi trường bao gồm:
- Các loại thuốc (như một số thuốc chống trầm cảm và kháng sinh), trầm cảm nặng, phơi nắng, hoóc môn, và viêm nhiễm.
- Hoóc môn sinh dục (như estrogen) có vai trò quan trọng trong sự hình thành bệnh, và thực tế cho thấy trong thời kỳ sinh sản ở người, tần số mắc bệnh này ở nữ giới cao gấp 10 lần ở nam giới
Tương tác thuốc
- Lupus do thuốc là tình trạng phản ứng thuốc ở những người đang điều trị các bệnh mạn tính. Lupus do thuốc gây ra có triệu chứng tương tự như Lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, các triệu chứng của lupus do thuốc gây ra thường biến mất khi dừng sử dụng loại thuốc gây ra lupus.
- Có khoảng 400 loại thuốc có thể gây ra tình trạng này, những loại phổ biến nhất là procainamide, hydralazine, quinidine, và phenytoin. Là một bệnh tự miễn không rõ nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố đã được chứng minh liên quan đến bệnh như yếu tố môi trường và di truyền, người có thành viên huyết thống trong gia đình mắc bệnh lupus ban đỏ sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn 20 lần so với người bình thường.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc lupus ban đỏ gồm có: Tiếp xúc nhiều tia UV, hút thuốc lá, virus, một số loại thuốc, hooc-môn estrogen,…
-
Chẩn đoán Lupus ban đỏ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán SLE của Hội bệnh thấp Hoa Kỳ (American Rheumatism Association ARA) 1982, bổ sung 1997.
- Ban vùng má: ban đỏ vùng mũi má hình cánh bướm.
- Ban dạng đĩa (discoid) ban đỏ gờ cao, giới hạn rõ có vẩy sừng dính chặt khó cậy, dày sừng từng điểm ở nang lông, có teo da.
- Mẫn cảm ánh sáng (Photosensitivity): có tiền sử mẫn cảm ánh sáng hoặc thầy thuốc quan sát thấy.
- Loét miệng không đau,hoặc loét hầu họng không đau, thầy thuốc khám, quan sát thấy.
- Viêm khớp: Viêm khớp không trợt xước, hai hoặc nhiều khớp ngoại biên,sưng, đau, tràn dịch.
- Viêm thanh mạc: viêm màng phổi, tiếng cọ màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm màng tim, tràn dịch màng tim, tiếng cọ màng tim, biến đổi điện tâm đồ.
- Rối loạn thận: protein niệu > 500 mg/ngày, có cặn lắng tế bào.
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương: động kinh hoặc cơn vắng ý thức tâm thần.
- Rối loạn huyết học:
- Thiếu máu tan huyết có tăng hồng cầu lưới.
- Giảm bạch cầu < 4000 /mm3.
- Giảm tiểu cầu < 100.000/mm3 .
- Rối loạn miến dịch:
- Tế bào LE dương tính.
- Anti DNA (+).
- Anti Sm (+).
- VDRL dương tính giả.
- Kháng thể kháng nhân.
- Kháng thể kháng nhân Ds DNA.
- SSA (Anti Ro).
- SSB (Anti La).
Nếu có trên 4 tiêu chuẩn, bệnh nhân được chẩn đoán là lupus ban đỏ.
Chẩn đoán phân biệt: cần chẩn đoán phân biệt SLE với một số bệnh sau:
- Viêm da tiếp xúc, viêm da mẫn cảm ánh sáng cũng thường bị ở vùng hở (mặt, 2 cẳng bàn tay).
- Viêm da cơ (dermatomyositis): ban đỏ phù nề quanh ổ mắt, màu đỏ tím (heliotrope), có sẩn gottron cẳng tay, mu ngón tay, yếu cơ, thay đổi men cơ điện cơ, sinh thiết cơ.
-
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn, song có thể kiểm soát được bệnh nếu điều trị đúng cách. Trong đợt cấp của bệnh, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, đồng thời vẫn cần có một chế độ vận động hợp lý nhằm tránh tình trạng teo cơ, cứng khớp.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống gồm có:
- Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Nimesulide,... Các thuốc này có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp, tuy nhiên lại có tác dụng phụ là dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng nên phải uống khi ăn no.
- Thuốc corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh hơn, song cũng có nhiều tác dụng phụ hơn nhóm thuốc trên. Thuốc chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nặng, đã có tổn thương nội tạng. Các tác dụng phụ của thuốc thường gặp đó là: gây viêm loét dạ dày tá tràng, loãng xương, rạn da, tăng đường máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận,... Vì vậy, thuốc được chỉ định uống một lần sau bữa sáng.
- Thuốc chống sốt rét như Hydroxychloroquine, Chloroquine có tác dụng tốt với các tổn thương ở da và khớp.
- Các loại thuốc ức chế miễn dịch như Cyclophosphamide (Endoxan), Azathioprine (Imuran), Cyclosporine (Sandimmun),... có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân không đáp ứng với Corticosteroid đơn thuần.
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần chú ý:
- Cần có một cuộc sống lành mạnh, tránh bị sang chấn tâm lý, năng vận động.
- Cần tránh tối đa tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, bởi nó thường làm khởi phát hoặc làm nặng thêm các đợt cấp của bệnh.
- Tuyệt đối không được dừng thuốc đột ngột, đặc biệt là các thuốc corticosteroid, bởi việc làm này cũng là nguyên nhân gây ra đợt cấp của bệnh.
-
Chế độ dinh dưỡng chính cho người bệnh lupus là ăn ít chất béo, cholesterol, natri, ít đường tinh chế và ăn nhiều rau củ trái cây, thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, canxi, vitamin D và acid béo omega-3. Ngoài ra, trong các loại thực phẩm nên ăn, người bệnh bắt buộc phải giữ một chế độ ăn uống cân bằng. Nghĩa là không ăn quá nhiều thứ này và quá ít thứ khác. Các loại thực phẩm khác nhau sẽ cung cấp thành phần dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể.
Trái cây và rau củ: Chế độ ăn nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp cho người bệnh lupus giảm viêm. Trái cây và rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa nổi trội như vitamin A, vitamin C, vitamin E, selenium, carotenes và bioflavonoid.
Dầu và chất béo tốt: Không phải tất cả chất béo đều không lành mạnh. Chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn là những chất béo tốt. Các chất béo này có đặc tính chống viêm cao và có nguồn vitamin E dồi dào. Tuy nhiên, chúng vẫn có lượng calo cao nên người bệnh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên khi sử dụng chúng.
Thực phẩm giàu canxi và vitamin D: Thực phẩm giàu canxi và vitamin D thúc đẩy xương khỏe mạnh. Các thuốc trị lupus làm cạn kiệt canxi của cơ thể, vì vậy việc sổ sung các vi chất này cho cơ thể là điều cần thiết. Các thực phẩm giàu canxi và vitamin D là cá hồi, cá mòi, sữa đậu nành, nấm, bông cải xanh, sữa và ngũ cốc.
Các loại ngũ cốc, đậu và hạt: Ngũ cốc là nguồn chất xơ và nguồn năng lượng tốt cho cơ thể. Chúng chứa nhiều foliate, vitamin B6, vitamin B2, selen và kẽm có lợi. Những loại ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo nâu, lúa mạch, yến mạch và ngô. Đậu và hạt chứa nhiều vitamin E, selen, protein và chất xơ tốt.
Sữa: Sữa là nguồn canxi phong phú nhất, ngoài ra nó còn cung cấp thêm protein, vitamin D, selen, vitamin B và kẽm tốt cho cơ thể. Khi chọn các sản phẩm sữa, bạn nhớ chọn loại ít béo hoặc không béo. Nếu bạn không thể tiêu thụ được sữa động vật, hãy chọn sữa đậu nành và sữa hạnh nhân.
Thịt, cá và gia cầm: Thịt, cá và gia cầm chứa kẽm, vitamin B và là nguồn acid béo omega-3, protein tốt để duy trì cơ bắp. Dưới đây là một số lời khuyên tốt cho sức khỏe khi mua và chuẩn bị thịt, cá, gia cầm:
- Thịt đỏ có nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Do đó, bạn cố gắng hạn chế tiêu thụ loại thịt này.
- Chọn ăn loại thịt 99% nạc và ít mỡ.
- Loại bỏ da từ gia cầm vì đó là nơi chứa nhiều chất béo bão hòa nhất.
- Luộc và nướng thay vì chiên với dầu.
- Kết hợp cá vào chế độ ăn uống của bạn khoảng 3-4 lần/tuần.
- Các loại thịt tốt nhất: ức gà, thịt lợn nạc, cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm, cá ngừ, cá rô phi, tôm, cua.
Acid béo omega-3: Người bệnh lupus thường có nguy cơ huyết áp cao và bệnh tim mạch. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng acid béo omega-3 từ cá hoặc dầu cá giúp kiểm soát triglyceride và bệnh tim mạch. Thực phẩm giàu acid béo omega-3 bao gồm cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá đối, cá bơn, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, dầu hạt cải, dầu hạt óc chó.
-
Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Không nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa vì chúng làm tăng nồng độ cholesterol, tăng tình trạng viêm nhiễm của người bệnh lupus. Một số ví dụ về chất béo bão hòa là: thực phẩm từ sữa giàu chất béo (sữa nguyên kem, phô-mai, bơ và kem), thực phẩm chiên, xúc xích, thịt đỏ và các thực phẩm chế biến sẵn.
Thịt đỏ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người bệnh lupus ban đỏ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn người bình thường. Ngoài ra, thịt đỏ còn chứa các chất gây viêm tự nhiên làm nặng nề thêm các triệu chứng của bệnh lupus. Thịt đỏ bao gồm các loại thịt như thịt bò, thịt cừu, thịt dê, thịt lợn, thịt ngan…
Thực phẩm nhiều muối: Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhất là đối với người bệnh lupus vì họ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Bạn có thể thay thế muối bằng các loại gia vị khác để tăng hương vị như:
- Chanh
- Các loại thảo mộc
- Tiêu
- Bột cà ri
- Nghệ
Rượu, bia: Rượu và bia gây tương tác với các thuốc trị lupus ban đỏ. Uống rượu bia trong khi dùng các thuốc NSAIDs như ibuprofen, naproxen sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu và loét dạ dày. Rượu cũng làm giảm hiệu quả của thuốc warfarin và làm tăng tác dụng phụ trên gan của methotrexate.
Thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn thường cho thêm muối và đường, không tốt cho sức khỏe. Khi thực phẩm được chế biến, nghĩa là chúng đã bị làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ hoặc vitamin.
-
Hiện không có phương pháp dự phòng lupus ban đỏ hệ thống. Song, người bệnh cần đi khám sớm để phát hiện bệnh ngay khi có triệu chứng bất thường và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm hạn chế các tổn thương nặng nề về sau, đặc biệt là tổn thương thận.
Mặc dù có những tiến bộ đáng kể về chẩn đoán và điều trị Lupus trong thập kỷ qua, người bệnh lupus vẫn có nguy cơ tử vong cao với các biến chứng nặng. Một nghiên cứu ở Châu Âu với 1000 bệnh nhân mắc SLE, đã chứng minh xác suất sống sót sau 10 năm là 92%, giảm xuống còn 88% ở những người có bệnh thận. Tuổi trung bình khi chết là 44. Nguyên nhân tử vong thay đổi theo thời gian bệnh.
Trong đó, viêm thận lupus chiếm tỷ lệ tử vong lớn nhất ở những người dưới 50 tuổi mắc bệnh, trong khi bệnh mạch máu là yếu tố quan trọng nhất trong nhóm người chết sau đó trong quá trình điều trị bệnh.