Top 6 Lưu ý quan trọng nhất khi theo học ngành Báo chí
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Ngành Báo ... xem thêm...chí giúp đào tạo ra phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp cung cấp hệ thống thông tin về những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày. Bạn năng động, bạn thích khám phá, bạn yêu thích công việc viết lách và đang có dự định theo học ngành báo chí - truyền thông thì đừng bỏ qua một số lưu ý quan trọng khi theo học ngành này nhé.
-
Theo Viện Báo chí Mỹ, định nghĩa journalism là “journalism is the activity of gathering, assessing, creating, and presenting news and information. It is also the product of these activities".
Học báo nghĩa là học cách thu thập thông tin, đánh giá, trình bày lại thông tin ấy cho khán giả. Vì vậy có thể hiểu là học cách kể chuyện (story-telling). Hiện nay, báo chí hiện đại cũng đã mở rộng địa bàn hoạt động so với trước đây.
Bạn có thể kể chuyện qua câu chữ, qua lời nói (dẫn chương trình), chụp ảnh, quay phim, phóng sự, thiết kế đồ họa, vẽ minh họa, làm kỹ xảo và tương tác xã hội,... Ngoài làm báo, người học báo chí có thể làm các nghề như PR, quảng cáo, marketing, MC. Thậm chí, nếu là người kể chuyện giỏi bạn có thể dấn thân vào các nghề như blogger, youtuber, vlogger, quay phim, chụp ảnh và tham gia showbiz. Hoặc bạn cũng có thể viết sách, làm biên phiên dịch, vì vậy cơ hội việc làm của sinh viên báo chí rất nhiều chứ không đơn giản chỉ gói gọn là phóng viên, nhà báo.
Tại Việt Nam, mức lương cơ bản cho các nghề liên quan tới báo chí truyền thông dao động khoảng từ 7-12 triệu/tháng đối với người mới vào. Lương làm tại doanh nghiệp thường cao hơn tại các tòa soạn.
-
Nghề báo là nghề có nhiều hấp dẫn, vinh quang tuy nhiên đây cũng là nghề nhọc nhằn, gian khổ và có sự đào thải rất khắc nghiệt. Vì vậy sinh viên muốn theo đuổi nghề báo cần có tinh thần dấn thân, ý chí vượt khó, dám đương đầu với thử thách. Đặc biệt, trong nhiều tình huống tác nghiệp, người làm báo cần phải có cho mình tinh thần thép trước các áp lực. Nhà báo cần phải luôn biết nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, sáng tạo, có như vậy thì mới trụ vững được với nghề.
Người làm báo cũng cần phải là người cứng rắn bởi dù chuyên mục của bạn là gì, nhiều lúc cũng không thể tránh khỏi việc động chạm, đào sâu tới những vấn đề nhạy cảm. Nếu không khai thác, đào sâu thì bạn sẽ chỉ viết được những điều mà ai cũng biết. Vì vậy nếu đã quyết tâm, dám đào sâu những góc khuất, sự thật trần trụi thì bạn phải có gan dám chịu trách nhiệm với những phản hồi của độc giả và những hệ quả, hệ lụy mà nó đem lại.
-
Bên cạnh việc được trang bị các kiến chức chuyên ngành trên ghế nhà trường, sinh viên cũng cần phải tự rèn luyện, trau dồi cho mình những kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp, khả năng nói chuyện trước đám đông, thói quen làm việc nhóm, thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như máy quay, máy ảnh, khả năng dựng, edit video, khả năng xử lý âm thanh,...
Đi cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện nay Báo chí có rất nhiều cách khác nhau để đưa tin, tuy nhiên kỹ năng cơ bản nhất của nhà báo vẫn là ghi chép và viết lách. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được học một số môn liên quan tới viết như: Viết tin, phóng sự, điều tra,... hoặc một số hoạt động khác liên quan tới viết lách như viết kịch bản chương trình, phỏng phấn,... đây đều là những kỹ năng khó đòi hỏi sinh viên cần phải luyện tập, thực hành nhiều.
Bên cạnh đó, học đại học có một hạn chế rất lớn là khó bắt kịp các xu hướng công nghệ trên thị trường. Đây là thực tế ở nhiều trường đại học bởi mỗi phút, một công cụ làm việc mới lại ra đời vì vậy sinh viên cần phải tự mày mò, học hỏi rất nhiều bên ngoài lớp học. Hãy thích nghi và biết tận dụng thời đại của khoa học công nghệ vào cuộc sống và học tập.
-
Báo chí cung cấp một cách chính xác thông tin thời sự về mọi mặt của đời sống xã hội ở cả trong và ngoài nước tới công chúng. Vì vậy sinh viên theo học ngành Báo chí cần phải nắm thật vững kiến thức chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn luôn tôn trọng sự thật trong suốt quá trình khai thác, truyền tải thông tin đến công chúng. Để đạt được điều đó, sinh viên sẽ được học rất nhiều môn học chuyên ngành báo chí như: Ngôn ngữ Báo chí, Cơ sở Lý luận Báo chí, Tác phẩm Báo chí, Luật Báo chí, Đạo đức Báo chí,... để có kiến thức thật vững vàng.
Đồng thời, sinh viên cũng sẽ được học nhiều thể loại báo chí nhất định để có thể lựa chọn ngành sau khi ra trường như: Báo điện tử, Báo in, Báo phát thanh, truyền hình,... Mỗi một loại hình Báo chí sẽ có cho mình những đặc trưng riêng, sức cuốn hút công chúng riêng. Nếu như báo nói, báo hình đòi hỏi người học phải chú trọng hơn về mặt âm thanh, hình ảnh và được hỗ trợ bởi các thiết bị quay dựng như máy quay, micro, thiết bị thu âm thì báo in đòi hỏi người học phải chú ý hơn về mặt hình thức.
-
Nội dung 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo:
Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.
Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.
Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.
Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.
Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam sẽ được thực hiện cùng Luật báo chí bắt đầu từ ngày 1-1-2017.
-
Để trở thành một nhà báo, sinh viên báo chí cần phải rèn luyện cho mình tư duy phản biện, logic thật tốt. Trong quá trình điều tra, khai thác thông tin cần phải sáng suốt, không được cảm tính, không được cảm tình để tìm ra được sự thật chính xác, khách quan nhất.
Để khai thác được thông tin, người làm báo phải có cái nhìn đa chiều, phải tham khảo, kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là khi khai thác những vấn đề nhạy cảm. Sự chính xác là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với bất cứ bài báo nào, phải chính xác trong từng chi tiết. Sự công bằng trong nghề báo còn đòi hỏi bạn phải thường thuật sự kiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Trên hết, sự công bằng đòi hỏi sinh viên, người làm báo phải nỗ lực để tránh thành kiến trong cách tường thuật và cả bài viết của mình. Mỗi câu chuyện đều có thể nhìn từ nhiều góc độ, không có góc độ nào là hoàn hảo. Vì vậy mọi người nên chọn góc độ nào có thể phản ánh câu chuyện đầy đủ và trung thực nhất.