Top 10 Loài hoa xinh đẹp nhưng chứa chất kịch độc gây chết người
Vào mỗi dịp lễ Tết các gia đình thường mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa. Có những loại hoa rất đẹp được mọi người yêu thích nhưng chúng rất độc và có ... xem thêm...thể nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là những loài hoa xinh đẹp nhưng chứa độc tố gây hại đến sức khỏe mà bạn cần lưu tâm.
-
Hoa thiên điểu tên khoa học là Strelitzia reginae mang nguồn gốc từ Nam Phi. Đây là loài hoa có vẻ đẹp hoang dại khiến ai cũng phải trầm trồ ngợi khen. Hoa thiên điểu thường rất bền và lâu tàn nên được sử dụng nhiều trong cắm hoa nghệ thuật. Hoa thiên điểu có hình dáng như chú chim đang sải cánh nên còn được gọi là "hoa chim thiên đường". Đây cũng là loại hoa mang ý nghĩa phong thuỷ, thường được dùng để trang trí lễ cưới, cắm trong lẵng hoa khai trương, trang trí dịp Tết.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, dù có vẻ đẹp mê lòng người nhưng hoa thiên điểu lại có chứa độc tố. Trong hoa và hạt của cây có chất gây ngộ độc đường ruột. Trên thế giới từng ghi nhận trường hợp tiếp xúc, hoặc ăn hoa, hạt ngộ độc với triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, bỏng rát lưỡi. Thậm chí nếu ngửi hoa lâu bạn sẽ bị khó chịu. Trung tâm kiểm soát chất độc động vật Mỹ (ASPCA) cũng khuyến cáo hoa thiên điểu không tốt cho thú nuôi như chó, mèo… Loại hoa này nằm trong danh sách những loại cây trồng có độc, khả năng gây hại tới thú nuôi.
-
Hoa cẩm tú cầu là loại hoa được trồng làm cảnh khá phổ biến. Cây thân thảo bụi, sống lâu năm, lá mọc đối theo từng đốt trên thân, lá to, hoa mọc thành chùm ở đầu cành, thân lá nhẵn, hoa màu hồng, trắng, tím rất đẹp. Cây cho hoa vào mùa xuân hè.
Hoa và lá tú cầu chứa độc chất cyanogenic glycoside và có thể gây ngộ độc cho người nếu không may ăn phải. Ngoài ra, những hạt phấn nhỏ do hoa cẩm tú cầu phát tán ra khi tiếp xúc với da khiến còn cho bạn bị dị ứng. Đặc biệt là lá và củ của hoa cẩm tú cầu có chứa hydragin-cyanogenic glycoside, khi ăn phải sẽ gây ra các triệu chứng nôn mửa, thở gấp. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, co giật rối loạn tuần hoàn máu. Nếu bạn vô tình ăn phải loài hoa này cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
-
Hoa loa kèn mọc nhiều ở khu vực Đà Lạt, có tên khoa học là Angel’s trumpet là loại hoa cực độc. Chất độc chiết xuất từ lá và hoa loa kèn có thể được sử dụng giống như một chất gây ảo giác hiệu quả trong y tế nhưng khi dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Hoa loa kèn được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram.
Trong hoa có chứa chất gây ảo giác scopolamine, chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất này có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương. Nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời. Nạn nhân ngộ độc ở mức độ nhẹ có dấu hiệu khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử; nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ kích thích.Khi đi du lịch, bạn nên tránh để nhựa cây dính vào vết thương hở hoặc tiếp xúc qua đồ ăn hay thức uống. Không nên cho trẻ nhỏ đi cùng cầm hoa loa kèn chơi bởi trẻ nhỏ có thể đưa nó lên miệng.
-
Cây trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander, họ Apocynaceae, có trên 400 loài xuất hiện trên khắp thế giới, phát triển tốt với khí hậu nhiệt đới, ấm áp, cũng có thể chịu hạn hoặc sương giá tốt. Sở dĩ có nhiều người ưa thích loài hoa này vì hoa trúc đào có dáng đẹp, màu sắc phong phú như trắng, hồng nhạt, hồng đậm hoặc hơi đỏ cam, đỏ tía, hoa đơn hoặc hoa kép. Nhiều người chọn màu hồng để trồng làm cảnh với mùi thơm nhẹ.
Tuy là loại cây cảnh được dùng nhiều nhưng cần cẩn trọng với hoa trúc đào. Hoa có chứa nhiều hợp chất có độc có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em. Độc tính trong hoa trúc đào rất cao và chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ gây ra tử vong. Trong cây trúc đào có chứa chất độc oleandrin và neriin, đều là các glycoside tim mạch. Hai chất này có trong toàn bộ các bộ phận của cây nhưng tập trung chủ yếu ở nhựa cây. Vỏ cây có chứa rosagenin, có các tác động tương tự như strychnin. Toàn cây đều có nhựa màu trắng sữa là chất rất độc và đều gây ra các phản ứng có hại cho sức khỏe.
-
Đỗ quyên là loại cây cảnh có màu sắc đa dạng và rực rỡ nên thường được trồng để trang trí vào mỗi dịp Tết. Hoa đỗ quyên được cấu thành từ nhiều cánh xoắn xếp chồng lên nhau. Bộ phận này có mùi hương dịu mát nên phù hợp để bạn có thể chưng trong các dịp lễ.
Tuy nhiên, đây là một loại hoa có nhiều độc tố, độc tố trong cánh hoa gồm andromedotoxin và arbutin glucoside. Loại hoa này được cảnh báo rất nguy hiểm vì tất cả các bộ phận khác của nó đều chứa chất độc. Do đó, không nên tiếp xúc với hoa. Triệu chứng đầu tiên khi bị ngộ độc hoa đỗ quyên là buồn nôn, mệt mỏi, khó thở, chảy nước dãi, ói mửa. Ngoài ra, người bị ngộ độc hoa còn có thể bị mất cân bằng, xây xẩm do chóng mặt. 100 - 225 gram lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25kg. Nếu bị ngộ độc bởi loài hoa này cần tránh xa nơi có hoa, đưa đến một nơi thoáng mát và gọi cơ sở y tế kịp thời cứu chữa.
-
Hoa tulip, còn có tên gọi khác là uất kim hương, uất kim cương, là một chi thực vật có hoa trong họ Liliaceae. Tulip thuộc loại cây thân thảo, dạng hành, có củ. Lá tulip thuôn dài, xanh mượt, bóng ôm lấy thân cây cũng màu xanh bóng đầy sức sống. Hoa tulip hình chuông ngược, mọc ở đầu cành bằng cuống hoa khỏe khoắn. Tulip có loại hoa đơn và hoa kép với nhiều màu sắc rực rỡ từ trắng, vàng, hồng, tím, đỏ, cam….có sọc, pha trộn nhiều màu… Toàn thân cây tulip toát lên vẻ đẹp quý phái, dịu dàng, đầy sức sống.
Tuy hoa tulip rất đẹp nhưng củ cây của hoa tuy-lip có chất tulipene. Khi ăn phải chất độc này sẽ gây chóng mặt, buồn nôn. Đây cũng là một loài hoa mang độc tính cao nên cần đề phòng nếu cho trẻ nhỏ cầm hoặc chơi với loài hoa này, nhất là củ của cây hoa tulip. Nếu có người bị dính phải chất độc của cây, cần gọi cho cơ sở y tế gần đó nhất để xử lý và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến nơi được chữa trị.
-
Hoa phi yến là loại hoa nhập khẩu được ưa chuộng trong những năm gần đây. Hoa thường bền, nhiều màu sắc nên rất nhiều người thích cắm trưng trong nhà. Phi yến khá phổ biến và được yêu thích ở các nước châu Âu. Ở nước ta, Phi yến được trồng nhiều tại Đà Lạt. Cây hoa phi yến có sức sống mãnh liệt, loài hoa tượng trưng cho ý chí kiên cường, tuy nhiên cũng rất dịu dàng, tinh khiết. Hoa phi yến có nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, hồng, đỏ, tím, xanh nên được ưa chuộng cắm trong các dịp quan trọng.
Tuy nhiên, bộ nông nghiệp Mỹ cảnh báo, tất cả loài phi yến (Delphinium Ajacis, Larkspur) đều có độc tố diterpene alkaloid. Chất này ức chế thần kinh, gây ngừng hoạt động các cơ, bao gồm cả tim có thể gây tử vong nếu tiêu thụ lượng đủ lớn. Ở Bắc Mỹ, hoa phi yến là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại cho gia súc tại các vùng phía tây, đặc biệt là trên các vùng đồi núi. Từ thời các vua Pharaôn, cây hoa phi yến được xem là loại cây quan trọng dùng để làm thuốc trừ sâu. Ở Ấn Độ, người dân sử dụng hạt cây phi yến làm thuốc diệt côn trùng.
-
Hoa thuỷ tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn, xếp hai bên. Hoa có 6 cánh, ở giữa chân của nhị đực phình to xếp sát vào nhau thành “chảu” hình chén, màu ngọc - lục nhạt. Nhiều gia đình Việt Nam thường chọn hoa thủy tiên và mong cho hoa nở đúng chiều 30 Tết, trước lễ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn bữa cơm tất niên. Bởi họ mong chờ mọi sự tốt lành, trường thọ, tài lộc sung túc và may mắn sẽ đến với gia đình trong năm mới.
Tuy nhiên, theo báo Phụ nữ TP HCM, hoa thủy tiên lại chứa chất alkaloids rất độc. Đáng lo là hoa thuỷ tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn nên phải thận trọng với cụ già, trẻ nhỏ nhầm lẫn. Nếu ăn phải hoa với số lượng lớn thì nạn nhân sẽ chóng mặt, nôn mửa, lơ mơ hoặc co giật và tiêu chảy. Đặc biệt, trong rễ thủy tiên có chứa khoảng 0,06% chất narcissin. Độc chất này thay đổi theo tuổi của cây. Nếu ăn phải chất này trước khi cây ra hoa thì có tác dụng làm giãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh, còn sau khi cây ra hoa thì lại gây ra triệu chứng tiết nước bọt, tháo mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy.
-
Hoa huệ đỏ hay còn gọi là huệ lili (tên khoa học là Hippeastrum puniceum). Đây là loài hoa được trồng phổ biến và chủ yếu để chơi Tết khi xuân về. Huệ lili có hoa màu đỏ sặc sỡ mọc ra từ thân hành. Huệ lili được rất nhiều người yêu thích vì sức sống bền bỉ và màu hoa đẹp quyến rũ.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ sinh học Bùi Văn Lệ, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cảnh báo, trong số những loại cây cảnh được trồng phổ biến hiện nay có nhiều loài chứa chất độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn phải với lượng lớn. Và huệ lili cũng không ngoại lệ, củ của loài hoa này có chất độc lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa nếu ăn vào. Nuốt phải nhựa cây có thể gây nôn mửa, tiếp xúc trực tiếp gây bỏng rát, ngứa da.
-
Hoa ly lửa hay còn gọi là ngót ngoẻo tỏi độc; tên khoa học Gloriosa superba L. thuộc họ Bả chó hay họ Tỏi độc (Colchicaceae). Chúng được công bố lần đầu tiên vào năm 1753 bởi nhà thực vật học người Thụy Điển Carl Linnaeus. “Tất cả các bộ phận của cây hoa ly lửa đều chứa chất độc có thể gây chết người. Sau hai giờ trúng độc, nạn nhân buồn nôn, nôn, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước ", bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ nói.
Chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh. Với phụ nữ, chất độc còn gây lột da và chảy máu âm đạo. Thực tế đã ghi nhận trường hợp bị ngộ độc hoa ly lửa dẫn tới tử vong tại Hoà Vang, Đà Nẵng. Người dân địa phương bị nhầm lẫn dùng cây ly lửa sắc nước uống dẫn tới tử vong.