Top 8 Lễ hội độc đáo nhất tại Mộc Châu
Mộc Châu là mảnh đất thuộc vùng đồi núi Tây Bắc với vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình. Nơi đây sở hữu nền khí hậu ôn hòa, thời tiết mát mẻ quanh năm. Vì vậy, lễ ... xem thêm...hội truyền thống ở đây mang một màu sắc văn hóa vô cùng đặc trưng mà qua bao nhiêu năm vẫn bảo tồn và phát huy tốt đẹp cho đến ngày hôm nay. Dưới đây là top những lễ hội truyền thống độc đáo nhất tại Mộc Châu để mọi người có thể hiểu hơn về Mộc Châu.
-
Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu hay còn được người dân gọi là Lễ hội Xên Mường, đây là một trong những lễ hội quan trọng của người dân tộc Thái sẽ được diễn ra vào tháng 2 âm lịch trong năm. Đây cũng chính là mùa hoa ban nở trắng xóa khắp núi rừng Tây Bắc, theo người dân tộc vùng cao ở đây quan niệm, hoa ban tượng trưng cho sự trinh trắng của người thiếu nữ và thể hiện sự thủy chung trong tình yêu.
Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu được điểm tô màu sắc với vẻ đẹp thuần khiết màu trắng đặc trưng. Loài hoa này ngoài thể hiện cho tình yêu lứa đôi sâu sắc thì còn mang ý nghĩa là ước nguyện của người dân về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Và Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu còn thể hiện được tấm lòng của người con gửi đến cho cha mẹ sự tôn kính, hiếu kính và hiếu thảo. Ngoài ra, tại lễ hội còn thể hiện được sự thành kính tri ân những người có công, những vị tiền bối đi trước.
Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, các tiết mục văn nghệ sôi nổi cùng với những trò chơi dân gian đặc sắc tại Tây Bắc: Thi làm các món ăn dân tộc, chơi ném còn, bắn nỏ, văn hóa văn nghệ.... Trong đó bạn còn được thưởng thức “Múa xòe” - một điệu nhảy đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao. Bên cạnh đó, Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu còn có các trò chơi dân gian: Ném còn vòng, Bắn nỏ, Tó mák lẹ, Đẩy gậy, Thi kéo co, Đi cà kheo, Đánh khăng, Đánh quay,...
Sau khi tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn xong thì các vị thầy mo sẽ mời các đại biểu và khách tham dự cùng thưởng thức các món ăn để lấy tài lộc, may mắn. Các hoạt động văn hóa cùng các trò chơi dân gian diễn ra tại Lễ hội Hoa Ban Mộc Châu đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và giới thiệu đến các bạn bè quốc tế về Mộc Châu Tây Bắc Việt Nam.
-
Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu diễn ra vào 15/2 âm lịch là lễ hội được diễn ra linh đình của dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc Việt Nam. Theo phong tục truyền thống có từ lâu đời thì việc tổ chức Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu sẽ mang đến cho người dân sự may mắn, bình an và thịnh vượng. Mong mọi việc tốt đẹp sẽ đến với đồng bào dân tộc người Thái trên cao nguyên mộng mơ này và toàn tỉnh Sơn La nói chung.
Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu không chỉ mang đến thông điệp mong muốn mùa màng bội thu, lúa cây tươi tốt, cuộc sống gia đình của những người dân trong bản ấm no hạnh phúc mà còn khẳng định con người nơi đây và thiên nhiên có sự gắn kết chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau. Người dân tộc Thái quan niệm tôn trọng thiên nhiên, môi trường chính là tôn trọng cuộc sống của mình và mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đối với đời sống tâm linh của người dân tộc Thái thì Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu là lễ quan trọng nhất trong năm. Mọi người dân trong bản sẽ cùng tất bật chuẩn bị chu đáo các lễ vật dùng để cúng. Đó là những thực phẩm, thức ăn thường lệ có trong mỗi ngày của người dân Mộc Châu như: cơm lam, cá nướng xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà,....Đặc biệt và đặc trưng nhất của Lễ hội Cầu mưa Mộc đó chính là hình dáng của cây vạn vật, được trang trí bằng các loài chim khác nhau, con ve sầu được đan bằng nan tre và những cái lồng nhỏ đựng trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai,... biểu trưng cho thiên nhiên hòa hợp với con người dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc Việt Nam. -
Lễ hội Hết Chá Mộc Châu là lễ hội đặc sắc của người dân tộc Thái sống ở vùng Mộc Châu Tây Bắc, Việt Nam. Lễ hội Hết Chá mang nhiều giá trị lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016 và được tổ chức vào mỗi độ Xuân về nên càng ấm áp và đẹp của nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc dưới nắng vàng.
Lễ hội Hết Chá Mộc Châu là lễ hội văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân tộc Thái, thể hiện tinh thần đại đoàn kết cộng đồng văn hóa bản làng cùng giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội Hết Chá Mộc Châu còn là dịp để bà con vùng cao thể hiện tấm lòng biết ơn Trời đất, tổ tiên, những đấng sinh thành có công giáo dưỡng, những vị thầy đã chữa hết bệnh cho mình. Ngoài ra tại lễ hội, người dân còn cầu chúc cho muôn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc và thể hiện tính gắn kết của cả cộng đồng người Thái tại Mộc Châu chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. Cũng từ Lễ hội Hết Chá Mộc Châu mà rất nhiều cặp đôi đã nên duyên vợ chồng.
Lễ hội Hết Chá Mộc Châu diễn ra các trò chơi dân gian đầy thân thuộc và vui nhộn. Mọi người sẽ cùng nhau vừa vui chơi vừa truyền kinh nghiệm chỉ dạy cho con cháu khai hoang ruộng đất, cấy cày làm nông khơi dậy truyền thống nền văn minh lúa nước đặc trưng của đồng bào dân tộc. Đan xen trong phần hội sẽ là những tiết mục kịch câm hài hước vui nhộn có ý nghĩa phê phán những điều xấu trong xã hội, khuyến khích làm những việc thiện phát huy cái đẹp trong cuộc sống sẽ có thêm những tiết mục múa của các cô gái trong bản làng. Những điệu múa váy xòe uyển chuyển, nhẹ nhàng, đằm thắm hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã vui ca khắm góc trời.
Lễ hội Hết Chá Mộc Châu là một trong những lễ hội vô cùng quan trọng của người dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc Việt Nam. Nếu bạn có dịp đến với Mộc Châu, ngoài tham quan những địa danh nổi tiếng, ngoài thưởng thức những món ăn thơm ngon đặc sắc thì bạn hãy thử một lần tham dự Lễ hội Hết Chá Mộc Châu để có thể hiểu thêm về văn hóa cũng như đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
-
Ngày hội hái quả Mộc Châu là một trong những lễ hội sôi động và được mong chờ nhất trong năm. Hoạt động này được tổ chức nhằm giới thiệu nông sản Mộc Châu và kết hợp thông điệp bảo vệ môi trường. Ngày hội hái quả Mộc Châu là hoạt động được tổ chức thường niên của huyện Mộc Châu từ năm 2014 tới nay, vào khoảng tháng 5 là mùa mận sai quả, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Mận hậu Mộc Châu và tôn vinh những người trồng mận. Đồng thời, Ngày hội thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo sự tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Lễ hội hứa hẹn thu hút khách du lịch khắp nơi trong và ngoài nước tới tham dự với những hoạt động hấp dẫn như: Thi hái quả, trình bày quả và thưởng thức quả, Thi giới thiệu và tìm hiểu kiến thức về quả mận hậu Mộc Châu, Tổ chức vinh danh những người trồng mận tiêu biểu, Hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân tộc, Thi cắm trại, Trưng bày, triển lãm, giới thiệu về mận hậu, Tham quan du lịch và dịch vụ hái quả, Hoạt động giao lưu văn nghệ…Ngoài ra, sẽ có các hoạt động hấp dẫn khác như: Thi trưng bày ẩm thực dân tộc; thi văn hóa cộng đồng; trưng bày, triển lãm, giới thiệu về quả mận hậu; tham quan du lịch và dịch vụ hái quả phục vụ du khách… Các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như thi kéo co, rồng ấp trứng, thi bắn nỏ cho khách du lịch trải nghiệm…
Ngày hội hái quả Mộc Châu không chỉ tạo được sự phấn khởi, niềm tin cho nông dân trồng mận mà còn góp phần giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước về miền đất cũng như con người Mộc Châu, giúp cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và kinh tế cho người dân nơi đây.
-
Tết Xíp Xí được tổ chức vào ngày 14/07 âm lịch hàng năm. Ngày này được bà con người Thái trắng coi như một ngày tết ăn mừng thành quả lao động vất vả trong sáu tháng đầu của một năm, ai đi xa cũng về đoàn tụ, con cháu hướng về tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ những sản vật do chính mình làm ra, thể hiện truyền thống nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Mặc dù ngày tết chỉ tổ chức duy nhất trong ngày 14/7 âm lịch, nhưng mỗi gia đình đều chuẩn bị chu đáo cách đó nhiều ngày. Phụ nữ vào rừng hái lá dong, chuẩn bị gạo nếp dẻo, lá tím để đồ xôi ngũ sắc, gói bánh ít. Đàn ông ra suối bắt cá về nướng, lên rừng đốt tổ ong lấy nhộng để chế biến, cho mâm cơm cúng được đầy đủ. Cùng với xôi ngũ sắc và bánh ít, trong mâm cơm cúng ngày Tết Xíp Xí còn có thịt vịt, vì con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là mong muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, làm trôi theo dòng nước suối những điều không may mắn, điềm xấu, điềm gở...
Ngày Tết Xíp Xí, luôn có mâm lễ vật để cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ trong bản; Cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để lao động; Cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật. Chủ gia đình dâng mâm lễ cúng tổ tiên tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Trước bàn thờ linh thiêng, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần đông đủ lần lượt vái lễ cầu mong phù hộ con cháu ăn nên làm ra, cả nhà khỏe mạnh.
Đây cũng là dịp để gia chủ thể hiện lòng mến khách, người quen được mời trước đó vài ngày và được đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn dân tộc đặc trưng, đặc biệt là Thịt trâu gác bếp Mộc Châu quý như vàng, Xôi ngũ sắc - bánh sắn Mộc Châu,... nhà nào càng nhiều khách đến thì càng nhiều may mắn. Trong ngày tết, không chỉ có ăn uống mà còn có “khắp chúc muôn” (hát chúc mừng), “khắp sòn côn” (hát dạy làm người) và “khắp báo sao” (hát giao duyên) lúc ăn uống và lúc thăm nhau. Vào buổi chiều ngày tết, nhiều bản còn tổ chức hội vui chung, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người cùng ném yến, tung còn, kéo co, đẩy gậy, múa, khắp đối đáp, cùng hòa vào vòng xòe mang đậm bản sắc dân tộc.
-
Chợ tình Mộc Châu thường diễn ra vào 31 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9 và thu hút đông đảo mọi người kéo đến tham gia. Khi mùa Hoa cải trắng Mộc Châu bắt đầu nở rộ thì cũng là lúc phiên chợ này ngày càng trở nên náo nhiệt hơn. Vào ngày lễ này, người dân đều tạm gác hết những công việc đồng án hàng ngày để cùng nhau diện những bộ đồ xinh xắn, đẹp rực rỡ đến tham gia phiên chợ tình. Chợ tình Mộc Châu thực ra chính là phần hội của ngày Tết độc lập. Vì thế khi đến đây khám phá, bạn không những được tham quan phiên chợ đặc biệt trên miền cao nguyên này mà còn có cơ hội tìm hiểu về bản sắc văn hóa cũng như lịch sử oai hùng của dân tộc ta.
Chợ tình Mộc Châu chính là điểm hò hẹn của nam thanh nữ tú. Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến nơi đây chắc chắn sẽ không thể nào quên được dư vị ngọt ngào mà chợ tình đem đến. Đúng như tên gọi, chợ tình Mộc Châu không phải là nơi buôn bán hay trao đổi hàng hóa mà là điểm hẹn hò và trò chuyện của những cặp đôi. Tại đây, những đôi nam thanh nữ tú đã đến tuổi có thể dựng vợ gả chồng thì chợ tình sẽ đóng vai trò như là nơi gặp gỡ để trao duyên nhằm nhờ đất trời chứng giám cho tình cảm hai bên. Không chỉ là nơi để giới trẻ bày tỏ tình cảm, phiên chợ tình Mộc Châu còn là nơi để mọi người bày tỏ tấm lòng, sự cảm thông, biết ơn với nhau.
Vừa tham quan, khám phá, mua đồ lưu niệm, vừa tham gia lễ hội truyền thống độc nhất vô nhị tại đây chắc chắn là một trong những kỷ niệm tuyệt vời mà bạn sẽ không thể nào quên. Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất này, hãy khiến chuyến đi của bạn thêm hoàn hảo khi trải nghiệm phiên chợ đặc biệt trên cùng cao. Chợ tình Mộc Châu là một nét văn hóa đặc sắc không phải nơi nào cũng có. Phiên chợ lãng mạn này đem đến cho người tham gia những cảm xúc khó tả và nhiều trải nghiệm thú vị đến quên lối về. -
Tết của người H’Mông không trùng với Tết cổ truyền của người Kinh. Người H’Mông ăn Tết trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. Thời điểm này người H’Mông đang tổ chức đón Tết trên khắp các bản làng. Các nghi lễ đón Tết của người dân tộc H’Mông cũng rất độc đáo, chính nhờ những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng nên nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng nhờ vào Tết cổ truyền.
Người H’Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo, từ ngày 26-11 Âm lịch, người dân đã bắt đầu nghỉ làm nương rẫy để mua sắm chuẩn bị cho Tết truyền thống. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người thân trong gia đình diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn, gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. Ngày 30 Tết, việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên là công việc quan trọng cuối cùng của năm. Người H’Mông sẽ chọn một cành tre còn xanh lá và buộc 3 sợi dây có màu xanh, đỏ, vàng cắm thêm một que hương để làm chổi quét nhà. Người H’Mông quan niệm rằng, chiếc chổi sẽ quét đi bệnh tật, ốm đau, những điều không may của năm cũ và mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới. Đặc biệt, công việc quét nhà sẽ do người chủ trong gia đình thực hiện và tiến hành vào khoảng thời gian từ khoảng 3 đến 4 giờ sáng ngày 30 Tết.
Ngoài ra, tất cả những công cụ lao động hàng ngày sẽ được rửa sạch sẽ, dán một mảnh giấy đỏ đưa lên bàn thờ 3 ngày Tết. Theo quan niệm người H’Mông, 3 ngày Tết là những ngày để gia chủ tri ân “người bạn” trong lao động sản xuất, 10 ngày sau mới lấy ra sử dụng. Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết của người H’Mông không thể thiếu bánh dày. Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người H’Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người H’Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Trong dịp Tết người H’Mông ở Mộc Châu cũng tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Từ ngày mùng 4, người H’Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là những gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân...
-
Tết độc lập Mộc Châu là một lễ hội Mộc Châu truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác, và trở thành nét đẹp văn hóa vùng miền nổi tiếng. Vào dịp lễ hội, tất cả người H'Mông lại nô nức rủ nhau xuống trung tâm huyện vui ngày Tết độc lập để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người H'Mông nói riêng.
Bên cạnh đó, thời điểm diễn ra lễ hội chính là cơ hội để các chàng trai, cô gái tìm được ý trung nhân vừa ý của mình. Chính vì vậy mà trước thời điểm lễ hội khoảng vài tháng, người ta đã thấy những cô gái đến tuổi trăng tròn đang chuẩn bị váy áo cho những buổi tối đẹp nhất và có thể là hạnh phúc nhất của đời mình.
Vào đêm 31/8 và đêm 1/9 chính là thời điểm các tiết mục văn nghệ, giao lưu, thổi khèn, múa hát diễn ra rộn ràng cả núi rừng Mộc Châu. Các chàng trai, cô gái gặp nhau, trao nhau những điệu múa, lời ca cùng những câu ước hẹn, thề nguyền kết tóc se tơ, trọn đời yêu thương. Đến rạng sáng ngày 2/9 chính là tiết mục bắn pháo hoa chào đón Tết độc lập, và các chương trình lễ hội vẫn diễn ra cho đến hết đêm. Nhưng đông vui nhất là ngày 1/9, vì đây là ngày Mộc Châu tổ chức lễ hội chợ Tình, một lễ hội rất được bà con mong chờ hàng năm. Ngày này, các dân tộc anh em đua nhau đến đây không phải để mua sắm mà để hẹn hò, trao gửi tình cảm yêu thương đến nhau, vui đùa thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả. Các bạn cũng thường đến du lịch Mộc Châu vào thời điểm này để khám phá và tìm hiểu văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu, cũng như tham dự chợ tình.