Top 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

Lê Thành Luân 578 0 Báo lỗi

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định ... xem thêm...

  1. Diện tích: 75740 ha
    Vị trí: Thành phố Hồ Chí Minh
    Năm được UNESCO công nhận: 2000


    Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, còn gọi là rừng Sác, là nơi đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hình thành tại hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nơi đây sở hữu hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn, được đặc trưng bởi không gian rừng ngập mặn với các loại thực vật như bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi - bần trắng và các loại nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng,... Về động vật, nơi đây có trên 700 loài không xương sống, trên 130 loài cá, 130 loài chim, 4 loài có vú và 31 loài bò sát, trong đó có 11 loại bò sát có trong Sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kì đà nước, rắn hổ chúa, cá sấu hoa cà...


    Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn là một căn cứ địa quan trọng của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, từ năm 1966 đến năm 1975, bộ đội đặc công rừng Sác đã đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng. Trong tổng số hơn 1.000 chiến sĩ thì có đến 860 đã hy sinh, trong đó có 542 chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thi hài. Ngày 23/9/1973, Đoàn 10 - Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


    Từ một nơi bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn và chất độc hóa học, cùng với sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, ngày nay Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã trở thành "lá phổi" đồng thời là"quả thận" có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố ven hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn đổ ra biển Đông. Nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.

    Hợp lưu của sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ
    Hợp lưu của sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ
    Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

  2. Diện tích: khoảng 105 558 ha, trong đó 66.256 ha là đất liền ven biển và 39.302 ha mặt nước biển
    Vị trí: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình
    Năm được UNESCO công nhận: 2004


    Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình, gồm 3 phân vùng riêng biệt: Vùng ven biển cửa sông Đáy thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định); vùng ven biển cửa Ba Lạt thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định) và huyện Tiền Hải (Thái Bình); vùng ven biển cửa sông Thái Bình thuộc huyện Thái Thụy (Thái Bình). Nơi đây được UNESCO công nhận vào ngày 2 tháng 12 năm 2004.


    Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng bao gồm cả khu vực bãi ngang, rừng ngập mặn Kim Sơn, Nghĩa Hưng, Thái Thụy, VQG Giao Thủy, cồn Nổi, cồn Vành, cồn Thủ, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, và các vùng phụ cận, Khu Ramsar Xuân Thuỷ. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên được công nhận bởi Công ước Ramsar vào năm 1989 và cũng là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á. Xét trên toàn thế giới thì đây là khu thứ 50 với trọng tâm phát triển làm nơi cư trú của những loài chim nước.


    Khu vực có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc,... Sinh cảnh đặc sắc nơi đây là những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, đầm lầy mặn, bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng này được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng, và cả thảm hoạ sóng thần nếu xảy ra.

    Tuy nhiên, các khu vực của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, đặc biệt là vùng lõi gồm Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đang phải chịu sức ép lớn của việc khai thác và nuôi trồng thủy sản quá mức. Việc đánh bắt thủy sản thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học vùng lõi, trong khi các bãi bồi nuôi thủy sản không chỉ làm mất đi vẻ đẹp của cảnh quan mà còn làm đảo lộn các chuỗi và lưới thức ăn trong tự nhiên.

    Một đàn cò kiến ăn trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng
    Một đàn cò kiến ăn trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng
    Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng có nhiều bãi bồi phù sa. Đây là nơi cư trú lí tưởng của các loài chim nước
    Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng có nhiều bãi bồi phù sa. Đây là nơi cư trú lí tưởng của các loài chim nước
  3. Diện tích:26 241 ha trong đó 17 041 ha phần đảo, 9200 ha phần biển.
    Vị trí: Hải Phòng.
    Năm được UNESCO công nhận: 2004.


    Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà nằm trọn trong vườn quốc gia Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Nằm ở trung tâm của đảo Cát Bà, nơi đây có địa hình núi đá vôi hiểm trở với độ cao trung bình từ 50 đến 200 mét, xen kẽ nhiều thung lũng chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Hệ sinh thái chủ đạo ở đây là hệ sinh thái trên cạn với kiểu rừng mưa nhiệt đới lá rộng thường xanh, song do điều kiện địa hình, đất đai và lượng mưa nên ở đây còn có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi, thậm chí có những kiểu rừng cá biệt như quần hợp Kim giao. Trong rừng, thành phần thực vật có 1589 loài khác nhau,thực vật ngập mặn 37 loài, rong biển 102 loài, thực vật phù du 400 loài; trong số này có những loài đặc biệt quý hiếm như trai lý, lát hoa, kim giao, dẻ hoa, chò đãi mà chỉ xuất hiện trên dãy Himalaya. Hệ động vật có 63 loài thú, 214 loài chim, 82 loài bò sát và lưỡng cư, 274 loài côn trùng; động vật phù du có 131 loài, cá biển 196 loài, cá nước ngọt 11 loài, san hô 193 loài. Đặc biệt, loài Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu của Cát Bà, hiện đang trong tình trạng cực kì nguy cấp với chỉ vài chục cá thể còn đang tồn tại.


    Không chỉ có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, nơi đây còn là vùng giàu có về khảo cổ học, một ‘cái nôi’ hình thành nên nền văn minh và văn hóa biển tiền sử Việt Nam. Các di chỉ khảo cổ học với các hiện vật, tầng văn hóa được khai quật khẳng định con người đã xuất hiện liên tục tại đảo Cát Bà từ cách đây trên 30 vạn năm khi đảo Cát Bà còn gắn liền với lục địa (di tích cổ sinh hóa thạch tại Hang Đá Trắng / Động Hoa Cương), qua giai đoạn Hậu kỳ Đá cũ – sơ kỳ Đá mới (hang Áng Mả và Mái đá Ông Bảy). Văn hóa Cái Bèo hình thành trong khoảng 7.000-5.000 năm TCN, trong giai đoạn biển tiến, đảo Cát Bà tách khỏi lục địa.


    Với tầm quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu, UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 2 tháng 12 năm 2004, cùng với Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng.

    Một góc của Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
    Một góc của Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
    Voọc Cát Bà
    Voọc Cát Bà
  4. Diện tích: 1 118 105 ha
    Vị trí: Kiên Giang
    Năm được UNESCO công nhận: 2006

    Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO công nhận tại kì họp thứ 19 từ ngày 23 đến 27/10/2006 tại Paris. Với diện tích hơn 1,1 triệu ha, đây là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ hai của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển này bao trùm lên địa phận của các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, An Minh, Vĩnh Thuận và Kiên Lương và có ba vùng lõi thuộc các Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải.

    Về sự đa dạng hệ sinh thái, khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là nơi tập trung nhiều hệ sinh thái rừng nhiệt đới: hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ Dầu; hệ sinh thái rừng trên núi đá với ưu thế của loài ổi rừng và hoàng đàn ; hệ sinh thái rừng ngập chua phèn; hệ sinh thái rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm,... đặc biệt là loài cóc đỏ còn sót lại duy nhất ở Việt Nam); hệ sinh thái rú bụi ven biển; hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển.


    Khu vực đảo Phú Quốc là nơi có sự đa dạng sinh học rất cao.Thực vật nơi đây phong phú về thành phần loài, nhiều loài quý hiếm, đặc hữu có giá trị cho nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và kinh tế. Phú Quốc có 529 loài thực vật thuộc 118 họ và 365 chi, trong đó có 8 loài đặc hữu. Trong 42 loài được ghi vào sách đỏ, có 11 loài tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, 20 loài quý hiếm, 8 loài bị đe doạ và 3 loài nguy cấp. Động vật đặc hữu đảo Phú Quốc ngoài chó Phú Quốc còn có hai phân loài chim là chìa vôi vàng và hút mật đỏ. Tính quý hiếm của động vật đảo Phú Quốc còn thể hiện ở 23 loài ghi trong Sách Đỏ, trong đó loài có nguy cơ tuyệt chủng là rắn hổ mây, vích , cá sấu nước ngọt, đồi mồi, chồn bay, vượn má trắng và gấu chó.


    Khu vực Kiên Lương - Kiên Hải có hệ thực vật gồm 182 loài thuộc 59 họ, thực vật trong vùng ngập mặn có 39 loài ưu thế là cây mắm, đước,... Thực vật rừng tràm có 47 loài, thuộc 30 họ, với cây tràm là loài chiếm ưu thế. Động vật hoang dã ở khu vực Kiên Lương - Kiên Hải - Hà Tiên có 28 loài thú thuộc 8 bộ tập trung chủ yếu ở Hòn Chông, số lớn trong đó là loài đặc hữu Đông Nam Á, một số có nguồn gốc Ấn Độ, Miến Điện từ phía Tây di cư sang, một số loài Mã Lai từ phía Nam đi lên. Do khu vực này có nhiều vách đá, hang động, vịnh biển..., thích hợp cho các loài thú nhỏ và chim nước với số lượng lớn và chủng loại phong phú. Trong 55 loài chim phát hiện được, nhiều loài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam và trên thế giới như: sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh và hạc cổ trắng, là những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.


    Trong khi đó, khu hệ động vật ở U Minh Thượng tuy không giàu so với các khu bảo vệ khác ở Việt Nam, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với hệ sinh thái rừng ngập nước úng phèn và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt các nhà khoa học phát hiện được loài Rái cá mũi lông - là loài hiếm ghi trong Sách Đỏ động vật Việt Nam và sách đỏ IUCN. Vườn quốc gia U Minh Thượng cũng là nơi duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại rừng úng phèn nguyên sinh với các khu rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn.

    Vườn quốc gia U Minh Thượng
    Vườn quốc gia U Minh Thượng
    Đường vào Vườn quốc gia Phú Quốc
    Đường vào Vườn quốc gia Phú Quốc
  5. Diện tích: 1 303 278 ha
    Vị trí: Nghệ An
    Được UNESCO công nhận năm: 2007


    Nằm trên địa bàn 9 huyện ở phía tây tỉnh Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á. Vùng lõi của khu dự trữ bao gồm Vường quốc gia Pù Mát cùng hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt. Nơi đây có một vị trí địa lí quan trọng, bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn của hệ thống sông Cả và các đỉnh núi cao của dãy Trường Sơn Bắc như Pu Xai Lai Leng, Phu Hoạt.


    Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao; có 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn...; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 84 loài cá, 39 loài dơi, 304 loài bướm ngày và hàng ngàn loài côn trùng khác. Không chỉ có tính đa dạng sinh học rất cao, khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An còn mang trong mình tính đa dạng về văn hóa dân tộc với 9 dân tộc, trong đó có dân tộc Ơ Đu là dân tộc ít người nhất trong số 54 dân tộc tại Việt Nam.


    Được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 20 tháng 9 năm 2007, khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là khu vực nghiên cứu lí tưởng về tác động của con người tới tự nhiên cũng như sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

    Sao la,
    Sao la, "Kì lân châu Á", loài động vật đặc biệt quý hiếm của Việt Nam
    Một bản làng người Thái trong Vườn quốc gia Pù Mát
    Một bản làng người Thái trong Vườn quốc gia Pù Mát
  6. Diện tích: 371 506 ha
    Vị trí: Cà Mau
    Được UNESCO công nhận năm: 2009


    Nằm ở cực nam của Tổ quốc, khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau mang trong mình những giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử.


    Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được chia làm 3 vùng: vùng đệm, vùng chuyển tiếp và vùng lõi; trong đó vùng lõi bao gồm hai Vườn quốc gia: U Minh Hạ và Mũi Cà Mau với hai hệ sinh thái khác nhau. Hệ sinh thái đặc trưng của vườn quốc gia Mũi Cà Mau là hệ sinh thái rừng ngập mặn, với 22 loài thực vật ngập mặn được phát hiện; trong đó chiếm ưu thế thuộc về các loài cây như đước, mắm trắng, mắm ổi, vẹt... Động vật tại đây đã phát hiện được 13 loài thú,trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ thế giới như: Voọc bạc, khỉ đuôi dài; 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 175 loài cá và 14 loài tôm. Theo các nhà khoa học, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây được cho là đa dạng thứ 2 thế giới, chỉ kém rừng ngập Amazon ở Nam Mỹ.


    Trong khi đó, vườn quốc gia U Minh Hạ có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới hình thành trên vùng đất chua ngập nước. Nơi đây có 176 loài thực vật bao gồm các loài cây gỗ tiêu biểu như: tràm, bụi, mốp, trâm sẻ; cây bụi gồm: mua lông, mật cật gai, bòng bong, bí bái; thảm tươi gồm: sậy, năn, dây choại, dớn, mây nước,… Hệ động vật Vườn Quốc gia U Minh Hạ có 23 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát và 11 loài lưỡng cư.


    Một điều đặc biệt ở khu dự trữ sinh quyển này, đó là diện tích của nó vẫn không ngừng được mở rộng hàng năm, bởi mỗi năm Mũi Cà Mau lại lấn ra biển hàng chục mét do phù sa phù sa từ hệ thống sông, kênh, rạch bồi đắp dưới sự giúp sức của bộ rễ phù sinh của rừng mắm, đước ven biển. Ngày 29 tháng 5 năm 2009, nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

    Đàn chim tại Vườn quốc gia U Minh Hạ
    Đàn chim tại Vườn quốc gia U Minh Hạ
    Mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc
    Mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc
  7. Diện tích: 33 146 ha
    Vị trí: Quảng Nam
    Được UNESCO công nhận năm: 2009

    Cùng trong danh sách được UNESCO công nhận với khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An bao gồm đô thị cổ Hội An, vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo sông Thu Bồn đến Đô thị cổ Hội An và toàn bộ diện tích khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã được UNESCO công nhận trong kì họp lần thứ 21 của Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO tổ chức tại đảo Jeju (Hàn Quốc).


    Trải dài từ thành phố Hội An - vùng hạ lưu sông Thu Bồn đến tận quần đảo Cù Lao Chàm nên nơi đây có tính đa dạng sinh học cao, đại diện các kiểu hệ hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng cho vùng sinh học Nam Trung Bộ, như: Hệ sinh thái rạn san hô; Hệ sinh thái thảm cỏ biển, Hệ sinh thái thảm rong biển, Hệ sinh thái rừng ngập mặn (đại diện là rừng cây dừa nước tại Cẩm Thanh); Hệ sinh thái vùng cửa sông; Hệ sinh thái đất ngập nước. Trong đó hệ sinh thái Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ. Các thảm cỏ biển có 5 loài ở các vùng nước sâu từ 10 m trở lại. Quần đảo này có 97 loài thân mềm có liên hệ với các rạn san hô, thuộc 61 giống và 39 họ. Các loài tôm hùm quen thuộc được tìm thấy trên các rạn san hô, cùng với khoảng 270 loài cá rạn thuộc 105 giống, 40 họ.


    Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, cảnh quan hoang sơ độc đáo, Cù lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.Trong khi đó những năm qua, phố cổ Hội An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những dãy phố soi bóng trên bờ sông Thu Bồn. Kiến trúc các ngôi nhà bằng gỗ quý, nội thất được trang trí hoành phi, câu đối, cột nhà chạm trổ hoa văn đều mang nét văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc thời giao lưu thương mại từ mấy trăm năm trước đây, cùng với những giá trị phi vật thể là những lễ hội, tập quán, phong tục dân gian còn đang được bảo tồn rất tốt với ý nghĩa một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.


    Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An là nơi thể hiện sinh động việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên, thông qua sự kết nối giữa di sản văn hóa Phố cổ Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm như một mô hình cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

    Bản đồ các khu vực của khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm - Hội An
    Bản đồ các khu vực của khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm - Hội An
    Biển Cù lao Chàm
    Biển Cù lao Chàm
  8. Diện tích: 969 993 ha
    Vị trí: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắc Nông
    Được UNESCO công nhận năm: 2011

    Ngày 29/6/2011, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là khu dự trữ sinh quyển thứ 8 tại Việt Nam, với tổng diện tích là 969.993 ha trên cơ sở mở rộng khu dự trữ sinh quyển Nam Cát Tiên cũ. Trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai bao gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An – Đồng Nai và khu Ramsar Bàu Sấu.


    Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có vùng sinh cảnh đa dạng, phong phú, từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi cùng hệ sinh thái đa dạng với 401 loài thực vật, thuộc 623 chi, 156 họ, 92 bộ, 10 lớp, 6 ngành thực vật khác nhau; là môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá,… với 1.781 loài thuộc 211 họ, 51 bộ. Vườn quốc gia Nam Cát Tiên cũng là nơi duy nhất ở Đông Nam Bộ còn sót lại kiểu rừng mưa nhiệt đới.


    Mặt khác, trước đây khu vực này là căn cứ cách mạng, có các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, như: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh. Ngoài ra, vùng đất này còn ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng. 11 dân tộc anh em cùng sinh sống trên một vùng đất đã góp phần tạo nên những nét độc đáo mà bạn không thể lẫn được với bất kỳ vùng đất nào khác.


    Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích. Nơi đây đang được kì vọng sẽ là mô hình phát triển bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa; các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học theo quan điểm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.

    Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
    Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
    Sơ đồ các vùng thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
    Sơ đồ các vùng thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
  9. Diện tích: 275 439 ha
    Vị trí: Lâm Đồng
    Năm được UNESCO công nhận: 2015

    Khu dự trữ sinh quyển LangBiang là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Với diện tích 275 439 ha, trong đó vùng lõi, vùng chuyển tiếp và vùng đệm lần lượt là 34.943 ha, 72.232 ha và 168.264 ha nằm trên địa bàn thành phố Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Hà và Đam Rông, khu dự trữ sinh quyển LangBiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 1923 loài thực vật, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như: Thông hai lá dẹt - loài thực vật được thế giới ghi nhận chỉ có ở Bidoup - Núi Bà; Pơ mu; Thông đỏ; Thông 5 lá Ðà Lạt. Riêng, họ Lan có tới 297 loài - được coi là thủ phủ hoa Lan của Việt Nam.


    Về động vật, tính riêng khu vực vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cũng đã có 422 loài, với nhiều loài những loài quý hiếm như: Sói lửa, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, vượn đen má vàng, chà vá chân đen…Không chỉ có vậy, vườn quốc gia còn là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới. Các nhà khoa học đã ghi nhận, khu vực này có 154 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 153 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Thế giới đã xác định nơi đây thuộc diện ưu tiên bảo tồn số một trong dãy núi Nam Trường Sơn của Việt Nam. Nơi đây cũng tồn tại cây Pơ mu có độ tuổi lên tới 1300 năm.


    Khu dự trữ sinh quyển được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang của người K’Ho - cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiện hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc trong không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hệ động thực vật phong phú tại khu dự trữ sinh quyển LangBiang
    Hệ động thực vật phong phú tại khu dự trữ sinh quyển LangBiang
    Những cánh rừng nguyên sinh tại khu dự trữ sinh quyển LangBiang
    Những cánh rừng nguyên sinh tại khu dự trữ sinh quyển LangBiang




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |