Top 7 Đoạn văn trình bày ý kiến "Bạn cần có chính kiến trước tác động của môi trường bên ngoài" hay nhất
Mỗi con người là cá thể độc lập. Chính kiến của bản thân chính là một yếu tố tạo nên chất riêng của mỗi cá nhân. Chính kiến được hiểu là quan điểm, là ... xem thêm...lập trường, ý kiến riêng của mỗi người khi đánh giá, nhận xét về một sự việc, hiện tượng, con người nào đó. Người có chính kiến là người có lập trường riêng, không dễ bị dao động hay bị ảnh hưởng bởi lời nói, hành động của người khác. Bạn cần có chính kiến trước tác động của môi trường bên ngoài, là cách chúng ta sống là chính mình và tin vào bản thân mình:
-
Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, vậy hà cớ gì phải cố gắng khiến bản thân mình giống người khác? Chúng ta hãy sống là chính mình, có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài. Chúng ta hãy luôn tự tin vào bản thân mình, sống hết mình, luôn là chính mình. Người sống luôn là chính mình là những người luôn tự tin vào khả năng của mình, hài lòng với ngoại hình của bản thân, không để ý, nhòm ngó cuộc sống của người khác rồi so bì với mình. Họ sống có mục tiêu, kế hoạch, ước mơ và biết phấn đấu, cố gắng, giữ vững lập trường vì mục tiêu đó. Bên cạnh đó, người sống là chính mình sẽ không bị tác động từ bên ngoài, có ý kiến, quan điểm riêng và có ý thức bảo vệ quan điểm của mình. Việc sống luôn là chính mình mang nhiều ý nghĩa to lớn: Mỗi người sống là chính mình tạo ra những cá tính khác biệt, những màu sắc khác nhau, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình. Ngoài ra, người luôn là chính mình là người có lập trường kiên định, từ lập trường kiên định đó chúng ta có thêm động lực, niềm tin để thực hiện kế hoạch mình đề ra. Mỗi người khi không là chính mình thì chỉ là cuộc sống vay mượn từ người khác, tạm bợ, vô định. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, không tin tưởng bản thân mình, luôn chỉ nhìn thấy nhược điểm của mình và sống trong sự chìm đắm, ao ước được như người khác,… những người này nếu không xem xét lại cách sống của bản thân thì sớm trở nên vô định. Cuộc sống này là của chúng ta, do chúng ta định đoạt, hãy là chính mình, hãy phấn đấu để bản thân mình tốt lên mà không phải vì để giống bất cứ một ai khác.
-
Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, mang một cá tính riêng, màu sắc riêng, không ai giống ai và cũng không có ai sống để làm bản sao của người khác. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống cuộc sống của chính mình và có một chính kiến riêng. Chính kiến là quan điểm, là lập trường. Người có chính kiến là người có lập trường riêng, không dễ bị dao động hay bị ảnh hưởng bởi lời nói, hành động của người khác. Chính kiến giúp cho mỗi người giữu vững được lập trường, quan điểm của mình, từ đó đi đúng theo những định hướng, kế hoạch mà bản thân đã đề ra. Giá trị của bạn không phải bạn sinh ra ở đâu, bạn bắt đầu như thế nào mà ở cái đích bạn đạt được có bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của bạn. Để đi đến được thành công chưa bao giờ là dễ dàng và quá trình bạn đi trên con đường đó sẽ giúp bạn tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Chối bỏ bản thân mình là bạn đang đánh mất đi cơ hội để bạn được hoàn thiện mình hơn. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người không có chính kiến, gió chiều nào xoay chiều đấy, luôn chỉ biết nghe theo quan điểm của người khác,… Những người này sẽ khó có được thành công trong cuộc sống. Bất kỳ ai sinh ra cũng có những điểm mạnh nhất định của mình mà chính bản thân ta phải tự mình tìm lấy nó. Tự mình vun đắp cho tâm hồn mình, sống một cách đơn giản cho cuộc đời đơn giản. Khi ấy, bạn sẽ tìm được con đường đúng đắn và có hạnh phúc, đừng vì ngưỡng mộ mà cầm bản đồ của người khác miệt mài dò đường của mình.
-
“Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” Câu ca dao gợi cho ta nhiều suy ngẫm về chính kiến của bản thân trước tác động của thế giới bên ngoài. Vậy chính kiến là gì và nó có vai trò như thế nào trong cuộc sống? Chính kiến là quan điểm, là lập trường. Người có chính kiến là người có lập trường riêng, không dễ bị dao động hay bị ảnh hưởng bởi lời nói, hành động của người khác. Và ngược lại, người không có chính kiến riêng sẽ dễ dàng bị cuốn theo những lời nhận xét đánh giá, hay tự làm bản thân bị căng thẳng, bối bời. Chính kiến hay việc giữ vững lập trường chính là một điều vô cùng quan trọng, là điểm tựa để ta thực hiện những dự định, ước mơ, nó giúp ta luôn có một tinh thần minh mẫn và tỉnh táo, không bị áp lực khi lúc nào, làm việc gì cũng phải suy nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình, về việc làm của mình. Trong mỗi vấn đề, mỗi người đều có những suy nghĩ, những nhận định riêng bởi vì họ có những góc nhìn khác nhau về những khía cạnh khác nhau của vấn đề. Chính vì vậy nên chính kiến của bản thân trước những tác động của thế giới bên ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, đừng bị nhầm lẫn có chính kiến riêng với lối sống “bảo thủ”, không chịu nghe ý kiến từ người khác, lúc nào cũng coi ý kiến của mình đưa ra là đúng, là hay nhất. Bởi đôi khi, ta phải biết lắng nghe, biết nhìn nhận để thấy được quan điểm của mình có thật sự đúng đắn. Chính vì vậy, dù ta đang đi học, đi làm hay ở bất cứ vị trí nào trong xã hội thì bản thân mỗi người đều phải có lập trường vững vàng, và hãy biết tiếp thu những ý kiến của người khác một cách thông minh, sử dụng trí tuệ để phân biệt rõ đúng sai mà điều chỉnh cho phù hợp.
-
Sống có chính kiến không chỉ giúp cho con người sống đúng với "bản ngã" của mình mà còn là yếu tố quan trọng để giúp con người thành công. "Chính kiến" là những nhận định, đánh giá riêng. Khi có chính kiến con người sẽ phát huy được sự tỉnh táo, sáng suốt trong bất kì hoàn cảnh nào mà không bị dao động, hoang mang trước những tác động của ngoại cảnh. Trước một vấn đề mỗi người sẽ có cách đánh giá riêng bởi họ tiếp nhận bằng lăng kính chủ quan, nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, bởi vậy mà quan điểm nào cũng đáng được tôn trọng và cũng không ai có thể ép người khác phải có cùng quan điểm, lập trường với mình. Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều lần ý kiến, quan điểm của bạn sẽ đi ngược lại với mọi người, thế nhưng không có nghĩa là suy nghĩ của bản là sai. Kiên định với ý kiến, lập trường của mình sẽ góp phần tạo nên những giá trị khác biệt. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận khách quan về hoàn cảnh, về tính khả thi của những ý kiến, tránh việc bảo thủ với những ý tưởng viển vông, không có khả năng thực hiện trong cuộc sống. Sống có chính kiến không có nghĩa là từ chối mọi lời góp ý, nhận xét của người khác. Hãy lắng nghe những lời góp ý để giúp bản thân có cái nhìn sâu rộng, khái quát hơn về vấn đề, tuy nhiên hãy tiếp thu một cách sáng suốt, tỉnh táo và có chính kiến. Để làm chủ hoàn cảnh và hạn chế những tác động tiêu cực từ cuộc sống, chúng ta cần có sự chuẩn bị, suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi đưa ra bất kì quyết định nào. Khi có sự chuẩn bị, suy nghĩ thấu đáo thì chúng ta sẽ tự tin hơn vào chính kiến của bản thân.
-
Có ý kiến cho rằng: "Mỗi người cần có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài". Câu nói đã khẳng định sự cần thiết của chính kiến của con người khi "đối diện" với những tác động của cuộc sống. Hiểu một cách đơn giản "chính kiến" là những quan điểm, ý kiến riêng. "Tác động của thế giới bên ngoài" là những đổi thay của cuộc sống, hoàn cảnh, đó cũng là những lời nói, ý kiến, những lời phán xét, tác động của người khác. Khi có chính kiến, con người sẽ có cách nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề một cách tỉnh táo, sáng suốt, họ cũng sẽ không bị động trước hoàn cảnh mà chủ động lên phương án giải quyết, xử lí sao cho hiệu quả nhất. Người có chính kiến sẽ dễ dàng đạt được thành công vì họ dám nghĩ, dám làm mà không bị những tác động của cuộc sống làm cho nhụt chí, nản lòng hay làm chệch đi hướng phát triển ban đầu. Ngược lại, nếu không có chính kiến, lập trường con người sẽ dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, bởi những lời đánh giá, phán xét của người khác. Khi ấy con người sẽ bị hoang mang, dao động với những việc mình đang làm, vô hình chung tạo áp lực tâm lí cho bản thân. Tiếp thu những lời đánh giá, góp ý thiện tâm, thiện ý của người khác để hoàn thiện, phát triển bản thân là tốt, tuy nhiên chúng ta cũng cần tỉnh táo để phân biệt đúng sai, cần phát huy được chính kiến của bản thân khi tiếp nhận những góp ý bởi không phải lời góp ý nào cũng là chân thành và đúng đắn. Bàn về chính kiến, ca dao xưa có câu "Dù ai nói ngả nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân", tiếp thu lời răn dạy của cha ông, chúng ta hãy giữ vững lập trường, chính kiến của bản thân để làm chủ cuộc đời, tránh những tác động tiêu cực từ thế giới bên ngoài.
-
Cuộc sống chứa đựng muôn vàn những thách thức, để tạo nên giá trị, bản sắc riêng của bản thân, bên cạnh việc phát huy tài năng, sự cố gắng con người cần phải có chính kiến, lập trường riêng. "Chính kiến" được hiểu là những quan điểm, lập trường, ý kiến mang tính cá nhân. Người có chính kiến là người có quan điểm, lập trường nhất quán, họ kiên định với quan điểm của bản thân mà không bị tác động bởi những lời nói, hành động của người khác. Trước sự tác động của thế giới bên ngoài, việc giữ vững chính kiến của bản thân giúp con người kiên định với mục tiêu ban đầu, có định hướng phát triển nhất quán, thống nhất. Có chính kiến phẩm chất quan trọng giúp con người thực hiện được những ước mơ, hoài bão bởi người có chính kiến sẽ luôn bình tĩnh trước sự thay đổi của hoàn cảnh, không bị lung lay trước những bình luận trái chiều của mọi người. Trước một sự vật, sự việc, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, bởi vậy việc giữ vững chính kiến của bản thân là vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ không thể hoàn thành được mục tiêu của bản thân nếu cứ mãi bị tác động bởi hoàn cảnh hay mải chạy theo những quan điểm, nhận định chủ quan của người khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt rõ chính kiến với tư duy bảo thủ, cố chấp. Sống có chính kiến không có nghĩa là bỏ ngoài tai tất cả những đóng góp của người khác mà cần nhận thức, tiếp thu một cách chọn lọc mà không đánh mất đi khả năng đánh giá vấn đề, chính kiến riêng của bản thân. Để làm chủ cuộc sống và đạt được những mục tiêu, hiện thực hóa những lí tưởng của bản thân, mỗi người cần có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài, bên cạnh đó cần tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của người khác một cách tỉnh táo, sáng suốt.
-
Steve Jobs từng nói: “Đừng để âm thanh của những quan điếm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn”, cái bạn cần là chính kiến. Chính kiến là quan điểm, lập trường cá nhân, đó là biểu hiện của năng lực cá nhân và khả năng tư duy. Người có chính kiến sẽ quyết đoán, tự tin và bản lĩnh trong tư duy cũng như trong cuộc sống. Họ có trí tuệ và tư duy phản biện. Vì vậy, họ dễ dàng thành công trong cuộc sống và thường có đóng góp lớn cho xã hội. Như chúng ta hay kể câu chuyện của Nguyễn Ái Quốc quyết không sang Nhật hay sang Trung mà sang chính Đế quốc Pháp để tìm kiếm con đường giải phóng. Người có chính kiến không bị dao động, chi phối và áp lực vì những yếu tố khách quan như lời rèm pha, tư duy số đông,... Trong bất kỳ cộng đồng xã hội nào, cũng cần con người có chính kiến. Vì chính kiến là yếu tố mang lại điểm khác biệt, sự sáng tạo và bản lĩnh, là một yếu tố cấu thành nên con người lãnh đạo bản thân và lãnh đạo cộng đồng. Đồng thời, chính kiến giúp con người có cái nhìn toàn diện về một vấn đề, kích thích họ tư duy để tìm hiểu chân lý, thay vì chỉ đi a dua theo tư duy tập thể. Nhưng chính kiến không có nghĩa là bảo thủ, cố chấp, không biết lắng nghe. Người có chính kiến cần biết tiếp thu và nhìn nhận lại quan điểm cá nhân để đánh giá toàn diện về tính đúng đắn, hợp lý trong đó. Bởi vậy, mỗi cá nhân hãy suy nghĩ thấu đáo, có chính kiến trong mọi vấn đề, đồng thời tiếp thu, tìm hiểu các ý kiến trái chiều để có cái nhìn toàn diện.