Top 6 Đoạn văn nghị luận bàn về lối sống bảo thủ hay nhất
Lối sống bảo thủ không quá xa lạ trong mỗi người. Bảo thủ được hiểu là khăng khăng với quan điểm của mình, luôn cho rằng mình đúng và không để tâm đến ý kiến ... xem thêm...của những người xung quanh. Người mang lối sống bảo thủ thường rất hay cáu kỉnh, hay tỏ vẻ ta đây hơn người. Họ có những suy nghĩ sai lầm ấy chính bởi đã không ý thức được tác hại của lối sống bảo thủ.
-
Lối sống bảo thủ không quá xa lạ trong mỗi người. Bảo thủ được hiểu là khăng khăng với quan điểm của mình, luôn cho rằng mình đúng và không để tâm đến ý kiến của những người xung quanh. Người mang lối sống bảo thủ thường rất hay cáu kỉnh, hay tỏ vẻ ta đây hơn người. Họ có những suy nghĩ sai lầm ấy chính bởi đã không ý thức được tác hại của lối sống bảo thủ. Với cá nhân, bảo thủ làm kiến thức của ta hạn hẹp. Ta không chịu tiếp nhận cái mới, chỉ cho rằng mình đúng, mình hay thì mãi mãi ta chỉ có thể là ếch ngồi đáy giếng. Bên cạnh đó, nó còn khiến con người rất dễ mắc sai lầm và gặp phải thất bại do không biết lắng nghe, không chịu thay đổi. Cá nhân với lối bảo thủ sẽ không nhận được sự giúp đỡ hay yêu quý từ mọi người xung quanh. Sự bảo thủ chỉ cản trở ta phát triển toàn diện và về lâu dài, nó còn làm các mối quan hệ của ta bị thu hẹp đi. Nếu trong một tập thể mà ai cũng bảo thủ thì tập thể sẽ đi đâu về đâu? Không có sự phát triển hay tiến bộ nào có được nếu con người chỉ biết ta đây và cho rằng mình là trên hết, trước hết. Còn nếu bạn dùng sự bao biện và bảo rằng không phải bạn bảo thủ mà bạn cá tính thì điều đó càng đáng lên án? Xã hội ngày một thay đổi, cứ bảo thủ thì sẽ chỉ còn mình ta với những sai lầm. Chúng ta phải học cách bao dung, lắng nghe. Điều chưa tốt có thể không thể sửa được ngay trong ngày một ngày hai nhưng ta cần cố gắng vì sự phát triển của chính bản thân mình.
-
Bảo thủ đồng nghĩa với sự cố chấp, ương ngạnh, độc tôn quan điểm của bản thân. Nó được biểu hiện cụ thể ở việc coi thường ý kiến của mọi người xung quanh, đặt cái tôi lên lợi ích chung của tập thể, luôn cho rằng suy nghĩ của mình là đúng đắn nhất. Những người có có thói bảo thủ thường có thái độ khó chịu khi nhận được sự góp ý từ người khác, lười thay đổi bản thân. Tác hại của tính bảo thủ vô cùng nhiều. Nó được tích lũy từng ngày rồi thấm nhuần vào tư tưởng con người, tạo thành nhân cách xấu. Bảo thủ ngăn cản con người hoàn thiện, tiến bộ hơn. Nó là xiềng xích giữ chặt con người ở quá khứ. Thế giới ngày một đổi mới, xã hội phát triển vô cùng nhanh chóng. Nếu ta vẫn khư khư với lối suy nghĩ cũ rích, sớm muộn cũng sẽ thất bại thảm hại. Không chỉ vậy, người bảo thủ còn có những thói xấu khác như gia trưởng, cổ hủ, nóng nảy, khinh thường người khác,… Điều này sẽ khiến họ không nhận được sự tôn trọng và yêu mến từ cộng đồng, trở thành kẻ cô lập trong xã hội. Để có thể khắc phục tính bảo thủ, ta cần biết mở lòng lắng nghe và chia sẻ. Một người biết kết hợp hài hòa giữa tiếp thu ý kiến và tôn trọng chính kiến của bản thân là người thành công. Đừng trở thành những thầy bói xem voi hay ếch ngồi đáy giếng. Thế giới rộng lớn vô cùng mà bản thân con người lại nhỏ bé. Chỉ bằng cách lắng nghe chân thành và loại bỏ lòng tự ái hẹp hòi, con người mới có thể cùng nhau phát triển.
-
Danh ngôn có câu: “Một trí óc bảo thủ là một trí óc đang chết dần”. Tác hại mà tư tưởng bảo thủ gây ra với mỗi tập thể, mỗi xã hội là rất rõ ràng. Tác hại của tư tưởng bảo thủ sẽ càng lớn khi nó được áp đặt vào người khác, áp đặt vào tập thể. Do đó sẽ rất nguy hại nếu người mang tư tưởng bảo thủ giữ chức vụ cao, nhất là những người giữ vai trò chủ trì, chủ chốt ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chuyện kể rằng có một công ty nọ chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, công ty phát triển khá nhanh do thường xuyên đầu tư hiện đại máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới mẫu sản phẩm, ký được nhiều hợp đồng với nhiều nước trên thế giới... Sau những thành công ấy, giám đốc công ty hả hê và càng ngày càng cảm thấy thoã mãn với sự nghiệp của mình. Ông ta cho rằng mẫu mã trước đây đã khẳng định được vị trí, tìm được chỗ đứng trong khách hàng nên không cần phải thay đổi nữa, chỉ cần duy trì mẫu mã cũ cũng đủ sức phát triển... Thực chất đó chính là biểu hiện của tư tưởng bảo thủ và hệ quả đã thấy rõ, công ty của ông ta dần dần bị tụt hậu, không theo kịp sự phát triển của thời đại, hàng hóa của công ty trở thành lỗi thời, lạc hậu, không ký được hợp đồng, khách hàng cũng mất dần; các đối thủ cạnh tranh vượt lên. Chẳng bao lâu công ty may mặc của ông giám đốc nọ đã bị phá sản... Từ câu chuyện trên, suy rộng ra cho chúng ta thấy tính chất nguy hại của tư tưởng bảo thủ đối với sự phát triển của xã hội. Nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng bảo thủ, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến việc đấu tranh ngăn chặn tư tưởng bảo thủ. Trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13-2-1962, khi đề cập đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Trong nhiều bài viết, bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó như sợ dây trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người, ngăn cản sự phát triển của tập thể.
-
Cuộc sống là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, trong đó mỗi con người lại là một mảnh ghép riêng biệt, độc đáo mà không ai có thể thay thế. Sự phong phú trong lối sống, sự khác biệt trong cá tính, sở thích, ước mơ của mỗi người làm nên những màu đa dạng của cuộc sống. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, nếu bảy tỉ người trên trái đất này đều có chung những suy nghĩ, hành động thì cuộc sống sẽ nhàm chán đến mấy. Khi ấy chúng ta có thể sống hòa bình, thân thiện với nhau nhưng lại mấy đi những "gia vị" cần có, cuộc sống cứ thế bình đạm trôi qua mà không có những đột phá, sáng tạo mới. "Sự khác biệt trong cuộc sống" không chỉ dùng để chỉ sự khác biệt trong ngôn ngữ, màu da, tôn giáo mà còn dùng để chỉ sự khác nhau trong tính cách, nhận thức, ước mơ, cá tính ở mỗi con người. Sự khác biệt có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú, ý nghĩa hơn. Sự khác biệt về vị trí địa lí, lịch sử, văn hóa 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam không hề gây ra những khoảng cách giữa con người với con người mà ngược lại nó làm phong phú thêm cho bản sắc văn hóa, bản sắc con người trong một Việt Nam thống nhất. Sự khác biệt trong phong cách thơ văn, quan niệm nghệ thuật của các nhà văn làm nên một nền văn học Việt Nam phát triển phong phú với nhiều thể loại và nội dung đặc sắc. Qua những ví dụ trên chúng ta có thể thấy sự khác biệt không phải lúc nào cũng là dị biệt, khác người mà nó góp phần làm nên những thành tựu, giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống. Khi biết chấp nhận sự khác biệt là khi chúng ta biết nhìn nhận, tôn trọng những cá tính riêng biệt của người khác bằng sự cảm thông, trân trọng, khi ấy con người sẽ gần con người hơn, xã hội sẽ có thêm những nhân tố độc đáo để phát triển, tiến bộ; cuộc sống của con người cũng trở nên hạnh phúc hơn. Hãy chấp nhận sự khác biệt, vì nó làm nên màu sắc của cuộc sống và hình thành nên giá trị, cá tính riêng biệt cho mỗi con người.
-
Bảo thủ chính là việc người ta thường không muốn nghe lời khuyên hay ý kiến từ người khác mà chỉ khăng khăng cho lý tưởng của bản thân. Không chấp nhận sự thật, không chịu nhận mình sai mà thường hay “cãi cùn” trong những cuộc tranh luận và trở nên nóng nảy. Người bảo thủ thường từ chối lắng nghe và bướng bỉnh khiến họ khó chấp nhận cái mới và cứ phải sống mãi trong lối nghĩ cũ, khó thay đổi, không linh động. Thậm chí dù biết mình sai vẫn cố chấp bảo vệ cái tôi cá nhân thay vì chấp nhận ý kiến và thay đổi. Bảo thủ còn là thái độ không dám thừa nhận sai lầm, không dám phủ định cái cũ để xây dựng một cái mới hoàn chỉnh hơn, tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Cá nhân bảo thủ thì đầu óc tối tăm và lạc hậu. Người bảo thủ sẽ rất khó phát triển khi xã hội đang thay đổi và phát triển từng ngày. Tác hại của tư tưởng bảo thủ sẽ càng lớn khi nó được áp đặt vào người khác, áp đặt vào tập thể. Do đó sẽ rất nguy hại nếu người mang tư tưởng bảo thủ giữ chức vụ cao, nhất là những người giữ vai trò chủ trì, chủ chốt ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu bảo thủ quá lớn và tầm ảnh hưởng mạnh thì dần dần bị tụt hậu, không theo kịp sự phát triển của thời đại. Các sản phẩm làm ra cũng lạc hậu, không ký được hợp đồng, khách hàng cũng mất dần, các đối thủ cạnh tranh vượt lên. Chẳng bao lâu bị phá sản. Nếu không tỉnh táo kiểm điểm và bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định sẽ bị bỏ rơi, tụt hậu và bị vượt mặt. Không nhận sai, không tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ bắt kịp thời đại và phát triển được.
-
Bảo thủ là luôn giữ cho mình các nguyên tắc, lối sống, quan điểm và cách suy nghĩ cũ dù những thứ đang rất lạc hậu và cần phải được đổi mới. Sự bảo thủ khiến họ khó chấp nhận cái mới và thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Bảo thủ cũng là một trong những tính cách của con người. Người bảo thủ thường rất ngoan cố và cố chấp. Thay vì tiếp thu ý kiến hay lời khuyên của người khác, họ thẳng thắn bác bỏ và không bao giờ chịu lắng nghe. Họ thường đưa ra những lý lẽ cùn, không bao giờ nhận sai về mình và mãi trung thành với lý tưởng của bản thân. Người bảo thủ luôn thích tư duy theo lối cũ, không sáng tạo và không chịu đổi mới theo xu hướng. Khi đã tôn thờ một điều gì đó, họ rất khó thay đổi và luôn giữ cho mình những suy nghĩ cũ, kể cả những suy nghĩ ấy đã rất cổ hủ và lạc hậu. Họ lấy kinh nghiệm từ những người đi trước làm thước đo cho cuộc sống của mình. Nhiều người cho rằng bảo thủ chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi hoặc trung tuổi. Tuy nhiên, điều này không đúng bởi rất nhiều người trẻ cũng có tính cách này. Nguyên nhân có thể là do sự giáo dục của gia đình hoặc di truyền từ thế hệ trước. Người bảo thủ là gì? Đó là những người ngoan cố, chỉ ôm khư khư mình thứ mình có. Luôn chăm chăm vào ý kiến của bản thân và phớt lờ, từ chối nghe ý kiến của người khác. Nguyên nhân có thể do họ ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoặc tầm nhìn hạn hẹp. Do vậy, họ tự đặt cho mình tiêu chuẩn riêng và tuân thủ theo các nguyên tắc đó. Những người bảo thủ thường thu mình trong vỏ ốc của riêng mình. Họ lười kết giao bạn bè, lười đi du lịch hay làm bất kỳ điều gì để giải tỏa bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng rất ít khi giao tiếp với người khác. Nếu có kết giao bạn bè thì các mối quan hệ này thường rất khó bền vững vì hầu hết mọi người không muốn kết giao với người bảo thủ. Không phải tất cả nhưng hầu hết những người bảo thủ thường sống rất ích kỉ. Họ chỉ suy nghĩ cho bản thân mà không bao giờ nghĩ cho người khác. Họ lười cống hiến, không muốn hi sinh một chút lợi ích của bản thân cho tập thể và cộng đồng. Người bảo thủ thường khăng khăng ra quyết định và làm theo chủ nghĩa cá nhân khiến nhiều người bực tức và ức chế. Vì vậy, họ cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ và hành động. Ngay cả khi có bảo vệ quan điểm cá nhân thì cũng nên kiềm chế cảm xúc, không nên dùng thái độ thiếu tôn trọng khi nói chuyện với người khác. Khi đã biết nghĩ cho cảm xúc người khác thì chắc chắn tính bảo thủ trong họ đã giảm đi được ít nhiều rồi đấy!