Top 8 Điều cần biết về bệnh suy thận
Suy thận và những biến chứng của nó tuy không gây tử vong nhanh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ... nhưng nếu suy thận không được chẩn đoán và điều trị kịp thời ... xem thêm...thì tỷ lệ sống của người bệnh sẽ không cao. Đáng chú ý, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với bệnh suy thận và cần được chạy thận nhân tạo. Chính vì vậy, Toplist xin gửi tới các bạn những thông tin cần thiết về căn bệnh này để mọi người cùng phòng tránh và nâng cao sức khỏe.
-
Suy thận hay còn gọi là thiểu năng thận, nghĩa là tình trạng suy giảm chức năng của thận, mất khả năng lọc của cầu thận, dẫn đến nước tiểu không được bài tiết ra ngoài, những chất thải bị ứ lại trong máu gây ra tình trạng nhiễm độc toàn thân đối với cơ thể. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn, nếu không được chạy thận nhân tạo hay ghép thận, người bệnh sẽ khó duy trì được sự sống.
Trạng thái của suy thận gồm có 2 loại:
- Cấp tính: chức năng của thận bị giảm nhanh chóng trong vài ngày hoặc vài tuần, trung bình là 1 - 3 tuần. Bệnh có thể được phục hồi hoàn toàn, ít chuyển biến thành mạn tính. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp điều trị tích cực, kịp thời thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị hôn mê và tử vong do nhiễm độc cơ thể
- Mạn tính: quá trình suy giảm chức năng thận diễn ra trong một thời gian dài, từ từ, chậm chạp, khó điều trị dứt điểm được. Bệnh tiến triển từng đợt, tình trạng nhiễm độc cơ thể ngày càng tăng. Tiên lượng xấu vì thận không thể hồi phục được
-
Tùy theo trạng thái của bệnh nhân là suy thận cấp hay mạn tính mà phân chia theo những giai đoạn khác nhau. Triệu chứng và biến chứng của bệnh cũng tiến triển theo từng giai đoạn. Cụ thể:
Suy thận cấp tiến triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: trong 24 giờ đầu, người bệnh thấy mệt, buồn nôn, nôn, thiểu niệu hay vô niệu, đau tức ngực, khó thở. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì người bệnh tránh tiến triển sang giai đoạn 2
- Giai đoạn 2: các triệu chứng nặng dần và toàn thân, có thể xảy ra biến chứng gây tử vong. Thiểu niệu, vô niệu kéo dài 1 - 6 tuần. Nước tiểu sẫm màu, hồng cầu niệu, đôi khi có vi khuẩn. Tình trạng phù toàn thân xảy ra, người bệnh có thể bị phù phổi, suy tim ứ huyết. Xét nghiệm cho kết quả creatinin, ure huyết tăng cao, tăng Kali máu, nhiễm toan chuyển hóa
- Giai đoạn 3: bắt đầu bài xuất nước tiểu trở lại, kéo dài 5 - 7 ngày. Lượng nước tiểu tăng dần từ 200 - 300 ml/24h đến 4 - 5 lít/24h, việc thận tăng bài tiết nước tiểu quá mức khiến cơ thể dễ mất nước, tăng ure huyết, kali máu và rối loạn điện giải
- Giai đoạn 4: giai đoạn phục hồi chức năng thận. Tùy nguyên nhân mà giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 - 6 tuần. Bệnh có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại tổn thương thực thể. Ngày nay, nhờ có phương pháp điều trị bằng lọc máu nhân tạo nên tỷ lệ khỏi bệnh tăng cao
Suy thận mạn tính tiến triển qua 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: người bệnh có thể không có triệu chứng và không có biến chứng rõ ràng. Mức lọc cầu thận (GRF) tăng nhẹ hoặc không đổi (GRF > 90 ml/phút). Người bệnh khó phát hiện ra mình mắc suy thận ở giai đoạn này, họ chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc thăm khám các bệnh lý khác. Việc duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh
- Giai đoạn 2: suy thận vẫn ở giai đoạn nhẹ. Tuy nhiên có thể phát hiện qua mức lọc cầu thận giảm (GRF: 60 - 89 ml/phút), xuất hiện protein trong nước tiểu, thận có tổn thương thực thể rõ ràng. Trong giai đoạn này, bệnh thường chỉ khởi phát theo đợt. Các đợt khởi pháp cấp tính của suy thận mạn khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, thiếu máu nhẹ, tiểu đêm nhiều, mệt mỏi, đau tức hai bên thắt lưng
- Giai đoạn 3: chức năng của thận bị suy giảm sâu hơn (GRF: 30 - 53 ml/phút), có thể chia thành 3A và 3B. Giai đoạn 3B là tổn thương thận nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng bắt đầu dễ nhận biết như phù bàn tay, bàn chân, phù mí mắt, tiểu đêm nhiều, thiếu máu, mệt mỏi, đau thắt lưng. Người bệnh dễ gặp biến chứng nguy hiểm, có thể kèm theo protein niệu vi thể hay đại thể với các mức độ khác nhau
- Giai đoạn 4: GRF chỉ từ 15 - 29 ml/phút, triệu chứng bệnh ngày càng rõ ràng, tình trạng bệnh với các biểu hiện thiếu máu, da xanh xao, niêm mạc nhợt, chán ăn, tiểu đêm nhiều, buồn nôn, phù nề và ngứa toàn thân, thường xuyên đau đầu, đau nhức xương khớp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy tim, đái tháo đường, phù não, phù phổi. Người bệnh cần được chạy thận sớm
- Giai đoạn 5: đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất, thận đã bị suy hoàn toàn. Với GRF < 15 ml/phút, nước tiểu khó được bài xuất ra ngoài làm tích tụ các chất độc trong máu. Bệnh nhân bị nhiễm toan, nhiễm độc, nhất là hệ tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và da. Nếu không được chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng thường xuyên, bệnh nhân khó duy trì sự sống. Ghép thận đang là phương pháp điều trị hiệu quả và ưu việt nhất, mang lại cơ hội sống cho người bệnh
-
Suy thận có 2 dạng chính là suy thận cấp và suy thận mạn với các nguyên nhân khác nhau.
Có rất nhiều cách để phân loại nguyên nhân gây nên suy thận, thông thường, suy thận cấp tính được chia thành:
- Nguyên nhân trước thận: giảm dòng máu tới thận, giảm áp lực lọc cầu thận gây nên thiểu niệu hay vô niệu. Bao gồm các nguyên nhân như: mất máu nhiều, tiêu chảy, nôn nhiều, bỏng nặng, nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim, xơ gan mất bù, hẹp động mạch thận
- Nguyên nhân tại thận: bệnh do viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận tăng sinh, tan máu, tăng ure huyết, tan máu giảm tiểu cầu, tiền sản giật, nhiễm vi khuẩn, virus (EBV, CMV, HIV), do tác dụng không mong muốn của thuốc (cyclosporin, amphotericin B...)
- Nguyên nhân sau thận: do tắc đường tiết niệu trong sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, tắc cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, khối u...
Trong suy thận mạn tính, các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
- Đái tháo đường type 1 và 2: nồng độ đường trong máu cao lâu ngày sẽ dễ làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận khiến chức năng lọc bị suy giảm
- Xơ vữa động mạch: các mảng xơ vữa do cholesterol gây huyết khối trong lòng mạch máu, gây tắc mạch khiến nuôi dưỡng thận giảm, tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng kéo dài làm giảm chức năng thận, có thể gây hoại tử
- Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu: tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc dị dạng thận
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: để lại sẹo khi lành. Tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương thận
- Do các bệnh cầu thận nguyên phát: bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu, viêm cầu thận màng, viêm cầu thận tăng sinh gian mạch, viêm cầu thận màng tăng sinh
- Các bệnh gây viêm cầu thận thứ phát: bệnh thận IgA, viêm gan B, lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch máu hệ thống, đái tháo đường, nhiễm bột, đa u tuỷ xương, nhiễm liên cầu khuẩn tan máu nhóm A
- Sử dụng nhiều các loại thuốc kháng viêm giảm đau (Ibuprofen và Naproxen, NSAIDs), hoặc các loại thảo dược, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc
- Chuyển sang giai đoạn mạn tính do suy thận cấp từ trước
-
Các triệu chứng của suy thận thường gặp là:
- Thiểu niệu hoặc vô niệu: nước tiểu ít do thận giảm chức năng lọc. Khi mức lọc cầu thận dưới 89 ml/phút thì bắt đầu tiểu ít. Mức lọc cầu thận dưới 15 ml/phút thì vô niệu
- Phù toàn thân: tùy theo cơ địa mỗi người mà mức độ phù là khác nhau. Tình trạng phù xảy ra chủ yếu ở hai chi dưới, mu bàn chân hai bên dày lên, lan dần lên cổ chân, xương chày, gối và vùng bẹn, không còn sờ được thấy mắt cá, bờ xương chày bình thường nằm ngay dưới da, ấn vào thấy mềm xẹp, khi buông tay ra để lại lớp lõm sâu. Ngoài ra, phù còn dễ thấy ở mặt, mí mắt...
- Tăng huyết áp: khoảng 80% bệnh nhân suy thận có biểu hiện tăng huyết áp. Vì dòng máu tới thận giảm sẽ kích thích bộ máy cận tiểu cầu hoạt hóa hệ RAA gây co mạch và tăng huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp ác tính dễ làm thận suy sụp nhanh chóng dẫn đến tử vong
- Thiếu máu: người bệnh cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao, niêm mạc nhợt. Bởi chức năng thúc đẩy tủy xương sản sinh hồng cầu nhờ hormone Erythropoietin của thận bị suy giảm
- Ngứa: là biểu hiện ngoài da của bệnh suy thận do lắng đọng Canxi ở tổ chức dưới da
- Chán ăn, buồn nôn, ói mửa, ỉa chảy
- Xuất huyết: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hóa. Nếu xuất huyết đường tiêu hóa sẽ làm suy giảm chức năng thận nhanh chóng
- Chuột rút: do cơ thể giảm Canxi và Natri máu
- Cảm giác kiến bò, bỏng rát ở chân: do bệnh gây viêm thần kinh ngoại vi
- Loạn dưỡng xương: đau xương mơ hồ, cảm giác đau sâu, cơn đau xuất hiện từng đợt kéo dài hàng tuần, dễ gãy xương tự phát hay khi gặp chấn thương nhẹ
-
Nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:
- Tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim: suy thận làm huyết áp tăng cao khiến các mạch máu phải chịu áp lực lớn, dễ bị rạn nứt hoặc vỡ thành mạch, tạo ra các cục máu đông. Cục máu đông nhỏ di chuyển trong lòng mạch dễ gây tắc ở các mạch máu nhỏ, gây nhồi máu não và nhồi máu cơ tim
- Sung tim ứ huyết, phì đại thất trái: khi thận bị suy yếu, tế bào cơ tim bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến ứ nước nội bào, tình trạng diễn ra càng lâu càng khiến cơ tim co bóp khó khăn. Đồng thời, suy thận khiến cơ thể bị thiếu máu, tim phải hoạt động liên tục để cung cấp đủ oxy cho các tế bào, điều này khiến cơ tim bị quá tải gây phì đại
- Hôn mê thận: đây là biến chứng nghiêm trọng nhất. Trong suy thận, chức năng lọc của cầu thận bị suy giảm khiến các chất thải không được bài tiết ra ngoài, ứ trệ trong tuần hoàn. Điều này làm gia tăng nồng độ NH3 trong máu khiến thận bị hôn mê, có thể gây tử vong
- Ngoài ra, còn có một số biến chứng khác như: rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, rối loạn dung nạp đường huyết, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát
-
Tại các cơ sở y tế, bác sĩ không chỉ chẩn đoán bệnh nhân mắc suy thận dựa trên các triệu chứng lâm sàng (mệt mỏi, phù, thiểu niệu...) mà còn sử dụng các kết quả cận lâm sàng để chẩn đoán được chính xác và rõ ràng.
Các kết quả xét nghiệm và thử nghiệm hình ảnh có giá trị chẩn đoán bệnh suy thận gồm:
- Creatinie huyết thanh tăng cao, kéo dài trên 3 tháng: creatinine là chất được thận đào thải ra ngoài hàng ngày. Với bệnh nhân suy thận, chức năng lọc giảm khiến creatinie tích tụ trong máu, suy thận càng tiến triển nặng thì mức creatinie huyết thanh càng tăng cao. Dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có những bất thường là khi mức creatinine trong máu ở phụ nữ > 1,2 và ở nam giới > 1,4
- Mức lọc cầu thận (GRF): là số mililit nước tiểu đầu có trong một phút, thông qua đó để xác định chức năng lọc của cầu thận. Ở người già, mức lọc cầu thận có xu hướng giảm. Trung bình, GRF là 90 ml/phút hoặc cao hơn. Nếu GRF < 15 ml/phút người bệnh có nguy cơ cao mắc suy thận và cần được chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận
- BUN (ure máu) tăng cao: ure là sản phẩm chuyển hóa của NH3 tại thận. Khi chức năng thận bị suy giảm, ure không được thải ra ngoài khiến nồng độ ure tăng cao trong máu, tỉ lệ thuận với độ nặng của bệnh suy thận. Thông thường, chỉ số ure máu ở mức 2.5 - 7.5 mmol/l. Nếu chỉ số này vượt quá ngưỡng thì chứng tỏ thận đang làm việc kém hoặc bị tổn thương, lâu ngày sẽ dẫn đến suy thận. Nghiêm trọng nhất là tình trạng hôn mê thận do nhiễm độc NH3
- Protein niệu: khi thận bị suy, màng lọc cầu thận bị tổn thương khiến các phân tử protein tỷ trọng lớn lọt vào trong nước tiểu. Nồng độ protein nước tiểu > 3.5 g/24h là dấu hiệu cảnh báo thận đang gặp vấn đề, có nguy cơ cao bị suy giảm chức năng
- Siêu âm: giúp quan sát thận một cách chi tiết để phát hiện các bất thường về vị trí, kích thước, hình dạng hay sự xuất hiện của các khối u bất thường
- Sinh thiết thận: để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương thận, từ đó có liệu trình điều trị phù hợp
-
Thông thường, cách điều trị suy thận tốt nhất là điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc điều trị thay thế bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, ghép thận. Tuy nhiên, cần dựa vào tình trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp nhất.
Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn đầu, cần ngăn chặn những vấn đề khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn:
- Điều trị tăng huyết áp: bệnh nhân suy thận thường đi kèm huyết áp tăng cao, nếu không được điều trị sẽ tiếp tục hủy hoại thận cũng như dẫn tới các bệnh lý tim mạch khác. Bác sỹ có thể sẽ kê cho bệnh nhân thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (Catopril, Enalapril...) hoặc ức chế thụ thể AT1 (Losartan, Valsartan...). Những thuốc này không chỉ hạ huyết áp mà còn làm tăng chức năng cho thận
- Kiểm soát cholesterol máu: việc hạn chế ăn mỡ động vật kết hợp nhóm thuốc Statin giúp làm giảm nguy cơ này. Thuốc giúp làm giảm các cholesterol xấu, khiến chúng không thể bám vào thành các mạch máu gây nên các vấn đề về xơ vữa, tắc nghẽn, huyết khối trong lòng mạch
- Điều trị thiếu máu: người bệnh sẽ được bác sỹ kê đơn sử dụng viên sắt uống, bổ sung các acid amin cần thiết và các nguyên tố vi lượng. Ngoài ra, trong những trường hợp nặng có thể phải truyền tĩnh mạch EPO, sắt và truyền đạm thận
- Điều trị phù: thuốc lợi tiểu sẽ giúp thải bớt nước trong cơ thể qua đường nước tiểu. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý hạn chế muối và uống nước mỗi ngày
- Chạy thận nhân tạo: giúp cơ thể đào thải các chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể khi chức năng của thận bị suy giảm, điều này làm giảm gánh nặng cho thận và hạn chế các biến chứng nguy hiểm xảy ra
Với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, ghép thận chính là giải pháp duy nhất để giúp người bệnh có thể kéo dài sự sống. Tuy nhiên, hiện nay việc ghép thận cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi lẽ nguồn cung cấp thận rất khan hiếm, sau khi thực hiện phẫu thuật xong còn phụ thuộc nhiều vào việc cơ thể bệnh nhân có tiếp nhận hay không. Đặc biệt, chi phí điều trị rất tốn kém và không phải bất cứ bệnh nhân nào cũng có thể đủ tài chính để thực hiện.
-
Một số biện pháp ngăn chặn những yếu tố nguy cơ gây phát sinh bệnh bao gồm:
- Kiểm soát lượng đường huyết: đường huyết cao dễ gây xơ vữa mạch máu, khiến tắc mạch nuôi dưỡng thận, dẫn đến suy thận. Vì vậy mỗi người cần phải thường xuyên tập luyện thể dục, tăng cường chất xơ và cân nhắc lượng tinh bột trong chế độ ăn hàng ngày
- Theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên: đối với những bệnh nhên đã mắc cao huyết áp từ trước và người cao tuổi, cần phải giữ chỉ số huyết áp ở mức ổn định trong phạm vi cho phép. Cần phải duy trì lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc hạ huyết áp theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chế độ ăn nhiều rau, trái cây, tránh xa đồ uống có cồn, bỏ thuốc lá và các chất kích thích
- Giảm lượng muối hấp thụ: một chế độ ăn mặn, nhiều muối có nguy cơ khiến nước bị tích tụ trong cơ thể, từ đó gây tăng huyết áp và tăng áp lực cho thận, khiến thận phải làm việc hết công suất gây suy giảm chức năng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên nạp vào cơ thể 5gr muối/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối, tối đa 1,5gram natri mỗi ngày với những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Bổ sung nước đầy đủ: gần 70% trọng lượng cơ thể đến từ nước. Toàn bộ các tế bào đều cần nước để hoạt động, bao gồm cả tế bào thận. Do đó, đây chính là yếu tố thiết yếu để duy trì sự sống cho cơ thể, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động hiệu quả của thận. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước vì lượng nước tăng cao trong cơ thể sẽ khiến suy giảm chức năng thận và gây ra tình trạng máu loãng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành cần bổ sung lượng nước mỗi ngày là 35 g/kg thể trọng
- Hạn chế tối đa việc hút thuốc lá, uống rượu bia và các đồ uống có cồn khác: liên tục hút thuốc lá, sử dụng rượu bia trong thời gian dài rất dễ gây nên các bệnh lý tim mạch, bệnh về gan, đi kèm là tình trạng chức năng thận bị suy giảm. Vì vậy, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá cũng được đánh giá là phương pháp phòng ngừa suy thận hiệu quả
- Duy trì thói quen sống lành mạnh: chăm chỉ tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần luôn thoải mái lạc quan, duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước giúp nâng cao sức khỏe tổng thể. Do đó, mọi bộ phận trong cơ thể đều khỏe mạnh hơn, bao gồm cả thận
Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện kịp thời. Bởi đa số bệnh nhân suy thận cấp nếu được điều trị đúng cách sẽ hồi phục hoàn toàn, rất hiếm khi chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đồng thời, bạn cũng nên đi thăm khám sức khỏe tổng quát theo định kì để được các bác sĩ tư vấn kịp thời và chính xác nhất.