Top 10 Dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ mà các mẹ bầu nên biết
Mang thai là quãng thời gian hạnh phúc nhiều nhưng cũng lắm nỗi lo. Dấu hiệu bất thường khi mang thai nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức ... xem thêm...khỏe. Đừng chủ quan mà hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây nhé!
-
Đau bụng khi mang thai là hiện tượng có thể gặp ở một số mẹ bầu trong thai kỳ. Nhưng nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần (kèm theo ra máu âm đạo hoặc không), thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.
Một số trường hợp người phụ nữ đang mang thai ngoài tử cung có hiện tượng đau bụng dưới. Những nguyên nhân gây thai ngoài tử cung có thể kể đến như: Viêm nhiễm vòi trứng: chlamydia, lậu, từng nạo phá thai, thực hiện các phẫu thuật vùng chậu; u nang buồng trứng; lạc nội mạc tử cung; hẹp tắc vòi trứng.
Triệu chứng điển hình của tình trạng thai phát triển bên ngoài tử cung có thể làm mẹ bị đau bụng dưới khi mang thai, kèm theo đó là chảy máu âm đạo.Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời. Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sảy thai, sảy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần đến ngay cơ sở y tế.
-
Buồn nôn vào mỗi sáng là triệu chứng điển hình của các thai phụ khi ốm nghén nhưng nếu nôn nhiều hơn một lần một ngày kèm theo sốt và đau thì nên gặp bác sĩ.
Đây là vấn đề thường không mấy được quan tâm, bởi thông thường bà bầu nào cũng buồn nôn, nôn do nghén ngẩm giai đoạn đầu mang thai với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp mẹ bầu bị nôn quá nhiều, đi kèm các dấu hiệu như chóng mặt, môi khô nhợt nhạt, sụt cân nhanh, sốt,... thì cần phải khám bác sĩ ngay vì rất có thể em bé đang gặp vấn đề "trục trặc" nào đó.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến thai phụ mất khả năng dung nạp thức ăn thì chắc chắn sẽ thiếu dinh dưỡng trầm trọng cho cả mẹ và bé. Hơn nữa, tình trạng nôn quá nhiều cũng khiến mẹ bầu dễ kiệt sức, mất nước, mất cân bằng điện giải,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và em bé.
-
Ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non. Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được. Nếu ra máu âm đạo trong thai kỳ thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (nằm đầu thấp) vì có thể chảy máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.
Xuất huyết âm đạo xảy ra khoảng ở 20 đến 30% số trường hợp mang thai đã được xác định trong 20 tuần đầu của thai kỳ; khoảng một nửa số trường hợp này bị sảy thai tự nhiên. Chảy máu âm đạo cũng có thể dẫn đến các kết quả không mong muốn của thai kỳ như trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu, và tử vong chu sinh.
-
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thường cảm thấy nặng ở vùng bụng dưới. Khi thai nhi càng ngày càng lớn, thai phụ có thể bị đau lưng, đôi khi còn đi kèm với những cơn đau do co tử cung, nhất là ở thời điểm gần đến ngày dự sinh. Tuy nhiên, nếu chị em thấy xuất hiện những cơn đau đột ngột dữ dội thì nên nhanh chóng nhập viện ngay. Bởi vì đây có thể là triệu chứng bất thường của tử cung. Đặc biệt là trong trường hợp cơn đau diễn ra trước tuần thai thứ 37 và lặp đi lặp lại theo chu kỳ vì đây có thể là biểu hiện của việc sinh non.
Nếu cơn đau xuất hiện đột ngột ở tử cung sau đó lan ra quanh bụng, lưng (có thể lan xuống bắp chân); cơn đau kéo dài, tử cung căng cứng,... thì cần lập tức đến bệnh viện; đây có thể là triệu chứng "bong nhau non". Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng, có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu.
Hãy tới phòng khám, bệnh viện Sản khoa để được khám thai, kiểm tra tình trạng phát triển để được bác sĩ tư vấn. Bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp can thiệp và giữ gìn để có thể đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
-
Thông thường khi mang thai, ngực mẹ sẽ thay đổi kích thước, lớn hơn, căng tức và đầu ngực cứng, thâm quầng, nhất là thai kì đầu thường rất nhạy cảm (chạm vào là đau),... Sự nhạy cảm khác thường của ngực bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 4 đến 6 và kéo dài đến hết 3 tháng đầu mang thai. Đây là những triệu chứng bình thường và thường xuất hiện nhiều nhất ở 3 tháng đầu mang thai. Điều này có thể khiến mẹ bầu khó chịu 1 chút và hơi "tốn kém" vì thường xuyên phải thay đổi kích cỡ áo ngực.
Tuy nhiên, nếu bất chợt mẹ thấy ngực mình không còn những hiện tượng trên nữa, thậm chí kích cỡ giảm xuống, không còn cảm giác căng tức,... thì cần lập tức đến bệnh viện kiểm tra ngay bởi rất có thể em bé đang gặp nguy hiểm, thai nhi có thể ngưng phát triển hoặc thậm chí chết lưu...
-
Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đau đầu cũng là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng cơn đau đầu do tiền sản giật thường dữ dội hơn và kéo dài hơn nhiều. Cơn đau đầu này có thể là hệ quả trực tiếp của huyết áp cao, hoặc hệ quả gián tiếp của phù não.
Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.
Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến khám ngay tại cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.
-
Ở thai kì thứ nhất, sự thay đổi hoóc-mon tác động đến cơ thể khiến bà bầu thường xuyên buồn tiểu và phải đi nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Đến thai kì cuối, lúc này em bé lớn lên, tử cung gây áp lực lên bàng quang và cũng khiến mẹ phải đi tiểu liên tục. Điều đó là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, nếu như tần suất đi tiểu giảm đáng kể, mẹ bầu đi tiểu quá ít thì có thể là dấu hiệu của chứng tiểu đường thai kì hoặc bị mất nước trầm trọng. Nếu bạn thấy mình ít đi tiểu hơn, đó cũng có thể là do sự co thắt các mạch máu gây ra bởi huyết áp cao. Khi chứng tiền sản giật trở nên nghiêm trọng, sản phụ có thể đi tiểu ít hơn hoặc thậm chí không thể đi tiểu. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nên cần phải đến bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra.
-
Khi bị sốt nhiều người thường có thói quen sử dụng thuốc để hạ sốt, điều này là vô cùng nguy hiểm đặc biệt là với bà bầu. Khi bị sốt, bà bầu nên nằm nghỉ ngơi ở môi trường thoáng mát, không khí trong lành để đảm bảo sức khỏe cho cả bản thân và thai nhi.
Sốt trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân và có thể kèm theo phát ban ở da. Nếu sốt kèm theo có ra nước âm đạo trên 6 giờ có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể do nhiễm một số loại viruss, trong đó có một số loại như cúm, Rubella, Zika...có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ...
Nếu sốt cao trên 39,5 độ C còn có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của thai nhi. Nếu bà bầu bị sốt cao trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi là rất lớn. Từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, sốt không còn quá nguy hiểm trừ trường hợp mẹ bầu bị sốt do nhiễm trùng tử cung. Do vậy, khi thấy sốt trên 38,5°C mà không rõ nguyên nhân bạn cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.
-
Thai máy hay còn gọi cử động thai, là một trong những dấu hiệu cho thấy thai nhi có bình thường không. Theo dõi thai máy không chỉ mang tính cảm xúc mà còn là thực hành có lợi cho thai nhi, đặc biệt trong các tháng cuối thai kỳ.
Chuyển động của thai nhi có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của con. Mỗi bé sẽ có mức độ chuyển động khác nhau, có bé cử động nhiều, có bé chuyển động ít hơn. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bỗng nhiên bé hoạt động nhiều hơn/ít đi đáng kể, đây có thể là dấu hiệu thai nhi đang không ổn chút nào. Nếu bé cử động nhiều gấp đôi hay giảm 1 nửa trong vòng 12 giờ đồng hồ thì có thể con đang thiếu O2. Những mối nguy hiểm đó bao gồm thai bị thiếu ối, thiếu oxy hay gặp vấn đề về nhau thai có thể xảy ra. Nguyên nhân phần lớn là do trong quá trình mang thai bà mẹ hút thuốc làm tăng nguy cơ ngừng cung cấp chất dinh dưỡng qua nhau thai, uống rượu, tiền sản giật, tiền căn thai chết lưu trong thai kỳ trước, thai quá ngày, song thai cùng ối, tăng huyết áp trong thai kỳ, sa dây rốn...
Đặc biệt, nếu mẹ thấy bé ngừng chuyển động thì cần lập tức tới bệnh viện vì thai nhi có thể đang nguy kịch hoặc bị chết lưu.
-
Nước ối là môi trường dưỡng chất được tạo ra từ nhau thai, màng ối và hệ tuần hoàn của người mẹ trong 03 tháng đầu của thai kỳ. Nước ối là chất lỏng không màu bao quanh em bé trong túi ối. Nó giống như một chiếc đệm nước êm ái dành cho em bé. Màng ối giúp bảo vệ thai nhi tránh sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài vào. Nước ối còn giúp cho các cơ quan nội tạng như phổi, thận của em bé phát triển hoàn chỉnh.
Nếu thấy ra nước âm đạo bất kỳ lúc nào trong thời kỳ thai nghén, có thể bạn đã bị rỉ ối. Hiện tượng rỉ ối có thể dẫn đến những nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Nếu chỉ rỉ một lượng nước ối ít thì vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng nếu nước ối rỉ ra với một lượng nhiều có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Nếu gần đến ngày dự kiến sinh mà nước ra nhiều, có thể bạn đã vỡ ối. Khi đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (khi di chuyển cần nằm đầu thấp để tránh sa dây rốn).