Top 10 Cây cầu nổi tiếng nhất tại Hải Phòng
Hải Phòng là thành phố cảng Biển lớn thứ ba đất nước. Vì thế, nơi đây không thể thiếu sự xuất hiện của những cây cầu. Điều đáng nói, cầu nơi đây không chỉ phục ... xem thêm...vụ cho lưu thông mà còn rất đẹp. Hãy cùng Toplist ngắm nhìn vẻ đẹp của những cây cầu nổi tiếng ở thành phố cảng biển này nào.
-
Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình giao thông đặc biệt thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm do Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của công trình cầu Hoàng Văn Thụ là 2.173 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Hải Phòng.
Theo thiết kế kiến trúc, cầu Hoàng Văn Thụ có hình dáng “Cánh chim biển”, là cầu vòm ống thép nhồi bêtông chạy giữa sơ đồ nhịp 45m - 200m - 45m, rộng 33,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ. Cầu Hoàng Văn thụ được ví như “cánh cửa kết nối” giữa khu nội đô cũ và vùng đất bên kia sông Cấm - nơi sẽ được xây dựng Khu hành chính mới của thành phố Hải Phòng, theo định hướng phát triển không gian đô thị và điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại với thiết kế ấn tượng, tạo sự kết nối giao thông, phát triển mở rộng thành phố Hải Phòng về phía Bắc. Cầu Hoàng Văn Thụ gồm cầu chính được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, có tốc độ 80 km/ giờ. Cầu nhánh phía Nam (bên nội thành) có tốc độ thiết kế 40 km/ giờ. Cầu nhánh phía Bắc (bên huyện Thuỷ Nguyên) có tốc độ thiết kế 50 km/giờ. Các đường nhánh cầu ở phía Bắc giao với đường đê bắc sông Cấm với tốc độ thiết kế 30 km/giờ. Đường song hành hai bên cầu phía bờ Bắc có tốc độ thiết kế 50 km/giờ.
Cầu chính của cầu Hoàng Văn Thụ là dạng vòm chạy giữa ống thép nhồi bê tông có nhịp chính 200 m là nhịp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Để thuận tiện cho người đi bộ, ngoài cầu thang bộ, cầu Hoàng Văn Thụ còn có 2 thang máy tại vị trí 2 bên đầu cầu phía nội thành.
-
Cùng với cầu Kiền, Cầu Bính cũng là cây cầu đã góp phần vào việc giảm tải hệ thống giao thông đường bộ cho Quốc lộ 5, Quốc lộ 10. Cầu Bính là một trong 3 cây cầu quan trọng bắc ngang qua sông Cấm. Cầu nối liền giữa huyện Thủy Nguyên với thành phố Hải Phòng.
Đây là cây cầu dây văng đẹp nhất của thành phố cảng. Thiết kế cầu theo hướng đường cong thẩm mỹ, tạo nên nét kiến trúc hiện đại và tinh tế. Đường dẫn của hai đầu cầu cũng chính là đường cấp 1 đô thị. Nó cũng đóng góp cho chiến lược phát triển vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu đô thị Bắc sông Cấm. Công trình được khởi công vào ngày 1 tháng 9 năm 2002 và khánh thành vào năm 2005 cùng với sự giúp đỡ từ chính phủ Nhật Bản: 943 tỷ đồng tương đương giá trị 7.426 triệu Yên vào thời điểm đó, bao gồm cả dịch vụ giám sát tư vấn xây dựng.
Cầu Bính là cây cầu được khánh thành vào ngày 13/5/2008. Đây là cây cầu từng lọt vào Top 10 các cây cầu đẹp nhất Việt Nam. Cầu Bính được bắc qua sông Cấm, nối liền thành phố Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên và là hướng đi Quảng Ninh. Với chiều dài gần 1,3 km, cầu Bính được cho là cây cầu dây văng hình hạc đẹp và hiện đại nhất thành phố Hải Phòng.
Sau khi cầu Bính hoàn thành, các khu công nghiệp, đô thị phía Bắc sông Cấm đã hình thành, tạo điều kiện rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thuỷ Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung, thực hiện tốt chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, mang lại sự phát triển kinh tế cho khu vực có lợi thế nơi mà chỉ nối với trung tâm Hải Phòng bằng hệ thống phà qua sông. Cầu Bính hoàn thành, hiện thực hóa ước mơ của hơn 275.000 người dân sống trên địa bàn Thuỷ Nguyên, chấm dứt cảnh quà sông bằng phà. Từ đó, thị trường các vật liệu tự nhiên, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp cũng có điều kiện được mở rộng, phát triển tốt hơn. -
Nhắc tới những cây cầu nổi tiếng ở Hải Phòng, không thể không kể đến cầu Quay - cây cầu chứng nhân lịch sử. Cầu dài 100 m, bắc qua sông Tam Bạc. Thuở mới xây dựng, cầu được gọi với cái tên cầu xe lửa, cầu có thể quay được, trụ quay đặt ở giữa cầu, bằng hệ thống ròng rọc. Trải qua hơn trăm năm, chứng kiến bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc, cầu Quay vẫn hiên ngang đứng đó, trở thành niềm tự hào của thành phố Hải Phòng. Hiện tại bây giờ cây cầu này không quay được
nữa.
Năm 1901, cầu Quay bắc qua sông Tam Bạc được khởi công, sau một năm thì hoàn thành. Cầu bằng dầm thép, có 2 nhịp và 3 khoang thông thuyền, phục vụ cho cả đường bộ và đường sắt. Để không gây trở ngại cho các tàu thuyền qua lại trên sông, các kỹ sư người Pháp đã thiết kế nhịp giữa cầu có thể quay ngang 90 độ, dọc theo sông. Những năm đầu, cầu được điều khiển thủ công bởi 5-6 công nhân người Việt. Sau một thời gian, việc vận hành được thực hiện bằng động cơ điện.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại giữa hai quận Hồng Bàng và Lê Chân, giảm tải người và phương tiện qua cây cầu trăm tuổi này, năm 2013 Hải Phòng xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song cầu Quay. Công trình từ thời Pháp thuộc chỉ còn phục vụ xe lửa và một số ít người đi xe đạp, xe máy.
-
Sau cầu Mỹ Thuận, đây là cầu dây văng lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng chiều dài là 1.186m, rộng 16,7m do liên danh nhà thầu Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty xây dựng Thăng Long (Việt Nam) thi công. Cầu Kiền được định vị xây dựng bến phà Kiền - Quốc lộ 10, trên dòng sông Cấm.Trước kia, việc đi lại giữa hai bờ sông chỉ bằng đò, phà, cách trở đợi chờ. Sau 2 năm, vượt qua bao khó khăn về thời tiết và địa chất phức tạp, về công nghệ, thiết bị hiện đại mới được chuyển giao lần đầu tiên ở Việt Nam.
Chiếc cầu được thi công với khối lượng lớn như: thi công cọc khoan nhồi ø2m và ø1m, chiều sâu cọc từ 70 - 80m, với tổng chiều dài cọc là 13.680m; thi công tháp cổng cẩu cao gần 100m; đúc các khối dầm hộp và cẩu lắp 110 khối dầm hộp nặng 14.300 tấn bằng phương pháp lắp hẫng, chiều cao nâng 30m; căng kéo 375 tấn cáp dự ứng lực, gồm 36 cặp dây văng; đúc 45.000m3 bê tông cốt thép; sử dụng 6.910 tấn thép cho xây dựng cầu.
Công trình này góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng duyên hải Bắc Bộ và cũng là công trình chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Cầu Kiền được khánh thành vào ngày 28-9-2003.
-
Cầu Rào là cây cầu đã cùng với người dân Hải Phòng chiến đấu oanh liệt trong thời gian bom đạn chiến tranh. Cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray là một trong những cây cầu có lịch sử hình thành lâu đời của thành phố Cảng, được đưa vào khai thác từ năm 1980 và hoàn thành xây dựng lại năm 1989.
Cầu Rào được bắc qua sông Lạch Tray, nối phố Lạch Tray với đường Phạm Văn Đồng. Cầu Rào là một trong cây cầu huyết mạch thành phố Hải Phòng với hàng chục nghìn lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày. Trước đây, do vị trí cây cầu thuộc địa phận làng Rào, tên nôm của làng An Khê nên được gọi như vậy. Đây là cây cầu có một cột dây văng duy nhất bắc qua sông Lạch Tray. Việc đầu tư xây dựng cầu Rào mới thay thế cho cầu Rào cũ là mang tính cấp thiết, do cầu Rào cũ sau hơn 40 năm khai thác nay đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong giao thông, mặt khác, do mật độ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua đây ngày gia tăng, nên cần có 1 cây cầu có qui mô lớn, hiện đại để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của thành phố.
Theo thiết kế, cầu Rào mới là công trình vĩnh cửu được xây dựng bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, gồm 03 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 6 làn xe, kết nối trực tiếp đường 353 với đường Lạch Tray trên trục chính giao thông vào trung tâm thành phố. Các cầu nhánh rộng 9,0m, 2 làn xe, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường Bùi Viện và Lạch Tray.
Tại 2 đầu cầu là công viên cảnh quan, cây xanh, đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, báo hiệu an toàn giao thông đồng bộ, hiện đại trên vòm cầu cũng như dọc tuyến cầu và hệ thống đường dẫn... Xây dựng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray, trong đó đảm bảo chiều rộng vỉa hè mỗi bên khoảng 5m.
-
Cầu Lạc Long là một cây cầu bắc qua sông Tam Bạc tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Cầu Lạc Long nằm duyên dáng trên dòng sông Tam Bạc cùng những vườn hoa nhỏ, quanh năm xanh mát bởi những tán cổ thụ. Cây cầu có chiều dài 92m, cầu Lạc Long là một trong số ít cầu được xây dựng đầu tiên của Hải Phòng. Ngày ấy cầu mang tên là cầu Giốp (Pont Joffre), sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên là cầu Ngô Quyền. Từ năm 1954 đến nay cầu mang tên Lạc Long.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cây cầu nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom và bị hư hại hoàn toàn. Cho đến năm 1991, UBND thành phố quyết định xây lại cây cầu với chiều dài 150 m, rộng 15 m. Có thể coi đây là cây cầu có đường dẫn đẹp nhất thành phố, thể hiện nét kiến trúc đặc trưng của thành phố cảng biển.
-
Cầu Kiến An là công trình chào mừng 75 năm ngày thành lập Đảng. Cầu nằm trên tỉnh lộ 351 bắc qua sông Lạch Tray, nối quận Kiến An và huyện An Dương, là tuyến đường huyết mạch nối liền hai vùng kinh tế và dân cư rộng lớn, nhiều tiềm năng, có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông của thành phố.
Cầu Kiến An có quy mô vĩnh cửu, dầm hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực liên tục năm nhịp, chiều dài toàn cầu 252,3 m, tải trọng thiết kế H30 - XB80, khổ cầu 12 m, gồm hai làn xe cơ giới và hai làn người đi bộ, mức đầu tư gần 53 tỷ 700 triệu đồng, trong đó phần xây lắp 40 tỷ 625 triệu đồng. Nhà thầu đã áp dụng công nghệ đúc đẩy hiện đại.Các đơn vị thi công đã đóng 52 cọc khoan nhồi đường kính 1-1,5 m, đổ và xử lý 13.300 m3 bêtông, hoàn thành 565 đường dẫn lên cầu, 460 m đường gom hai đầu, toàn bộ mặt cầu, đường gom, đường dẫn được thảm asphalt, lắp đặt 1.165 m lan can hợp kim nhôm, 70 cột điện cao áp và các thiết bị phụ trợ khác.
-
Cầu Khuể là cây cầu được bắc qua sông Úc, nối liền hai huyện An Lão và Tiên Lãng của thành phố Hải Phòng. Cầu được khánh thành ngày 6/10/2010 với chiều dài cầu chính là 787 m, rộng 11 m. Có thể nói, cầu Khuể là cây cầu mơ ước ngàn đời của người dân Tiên Lãng bởi trước đây sự xuất hiện của cây cầu đã phá vỡ vị trí "ốc đảo" của huyện Tiên Lãng, mở ra những cơ hội mới giúp huyện Tiên Lãng phát triển.
Việc xây dựng cầu Khuể thay thế phà Khuể góp phần cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông, đi lại, nâng cao nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển các ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân, đảm bảo mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương, tiến tới đảm bảo hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố giai đoạn 2010 - 2030. Cầu Khuể hoàn thành là niềm mơ ước biết bao đời của người dân những huyện nghèo đã thành hiện thực.
-
Cầu Lê Hồng Phong là cây cầu huyết mạch mở rộng không gian đô thị Hải Phòng, nằm trong dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị phía Nam và Đông Nam thành phố.
Theo thiết kế, cầu vượt có kiến trúc cầu vòm, chiều dài cầu 288,2m, nhịp chính dài 100m và mặt cầu rộng 19m, đoạn tường chắn hai đầu cầu rộng từ 16,5m - 19m; mặt đường rộng 7,5m, hè đường rộng 3m, là công trình giao thông cấp 1, có tổng mức đầu tư 1.405 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của thành phố. Trục giao thông này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Cầu Đất - Lạch Tray - Cầu Rào, phát huy hiệu quả khai thác cầu Rào 2, tăng năng lực vận tải cho hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Cầu Lê Hồng Phong được trang trí hệ thống đèn led trên các dây văng và tạo được dấu ấn kiến trúc cho Hải Phòng. Đây cũng là một trong những điểm nút giao thông quan trọng của Hải Phòng. Cầu vượt Lê Hồng Phong được thiết kế với kết cấu vòm thép dây văng 5 nhịp, chiều rộng 16 m với 4 làn xe cơ giới. Cầu Lê Hồng Phong có ý nghĩa vô cùng quan trong việc xóa điểm đen của an toàn giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn.
-
Cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray, cách cầu Rào cũ khoảng 01 km về phía thượng lưu, nối với đường Hồ Sen - Cầu Rào II và nối với đường 353 (đường Phạm Văn Đồng) từ Hải Phòng đi Đồ Sơn. Dự án được xây dựng theo quy hoạch phát triển không gian đô thị thành phố, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế -xã hội.
Cầu Rào 2 hoàn thành cùng lúc với tuyến đường cầu Rào 2 - nút giao Nguyễn Văn Linh đã góp phần tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối kết nối trung tâm thành phố với đường Phạm Văn Đồng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án góp phần thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, du lịch.Hai bên tuyến đường cầu Rào 2 - nút giao Nguyễn Văn Linh đã và đang hình thành những khu đô thị mới, những trung tâm thương mại hiện đại của các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước làm thay đổi từng ngày diện mạo đô thị của khu vực phía Nam thành phố. Bên cạnh đó, 2 bên tuyến đường đang được xây dựng các khu độ thị mới, các trung tâm thương mại hiện đại góp phần tạo nên không gian hiện đại và sự thay đổi từng ngày của khu vực phía Nam thành phố.
Được thiết kế bởi những nhà thiết kế cầu hàng đầu châu Âu, cầu Rào 2 mang dáng dấp của một cây cầu ở châu Âu. Không màu mè, nhưng chắc chắn, hài hòa với kiến trúc cảnh quan. Cũng là cầu dây văng như cầu Bính, song cầu Rào 2 chỉ thiết kế 1 trụ tháp cao 47,363m đặt lệch về phía quận Lê Chân. Cầu có chiều dài 248m, bề rộng mặt cầu 25,5m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu có kết cấu dầm thép liên tục với sơ đồ nhịp 70+120+40m = 230m, chiều cao khổ thông thuyền 7m, chiều rộng thông thuyền 50m, đường dẫn hai đầu cầu dài hơn 700m, rộng 36m.