Top 10 Câu chuyện về phật giáo hay và bài học ý nghĩa qua đó
Đạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ Buddhi (thức tỉnh). Do đó triết học Phật giáo được coi là triết học của sự thức tỉnh. Một quá trình không chỉ là mở đôi ... xem thêm...mắt ra mà còn là thức tỉnh cả nhân sinh quan và trí tuệ của bạn. Bạn có thể thức tỉnh trí tuệ của mình theo những cách khác nhau, một trong số đó là thông qua các câu chuyện Phật giáo. Hãy cùng toplist điểm qua một số câu chuyện phật giáo hay và ý nghĩa nhất qua bài viết dưới đây bạn nhé.
-
Một vị giáo sư của một trường đại học danh tiếng đến tìm gặp Thiền sư vì đã được nghe nói về trí tuệ cũng phẩm hạnh cao quý của ngài. Để chứng tỏ bản thân với Thiền sư, ông ta giới thiệu một cách đầy tự hào về tất cả các danh hiệu, bằng cấp mà ông ta đã đạt được trong suốt những năm dài vất vả học tập và làm việc. Sau đó, vị giáo sư nói lí do của chuyến viếng thăm, đó là muốn tìm hiểu tất cả những trí tuệ của Thiền.
Thay vì đưa ra lời giải đáp, Thiền sư mời ông ta ngồi xuống và pha một ấm trà. Ngài rót cho giáo sư một chén trà và khi đầy chén, ngài vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn nước trà tràn ra bàn cho đến khi không nhịn được nữa, bèn lên tiếng: "Trà đã đầy tràn rồi, không thêm được nữa đâu!". Bấy giờ, Thiền sư mới thong thả đặt ấm trà xuống và nói: “Thì cũng như chén trà này, ông mang đầy những tư kiến và thành kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu ông không tự làm cạn cái chén của mình.”
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Với một tâm trí đầy những thành kiến, những suy nghĩ bảo thủ, chúng ta không thể học hỏi, tiếp thu những tri thức mới, những triết lý cao đẹp ở đời. Thể hiện một thái độ khiêm cung, dẹp bỏ sự chấp ngã là chúng ta đang tự làm cạn những chiếc chén tâm hồn của mình.
-
Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo.
Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: "Hết kẹo rồi". Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Khi bạn cho người khác thứ gì đó quá nhiều đến mức thành quen, họ sẽ không coi đó là món quà mà là trách nhiệm của bạn. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn. Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho!
-
Thuở Ðức Phật còn tại thế, có một ông vua rất hung ác. Nghe Phật đến thuyết pháp ở nước mình, ông liền ngự giá đến chỗ Phật ở và xin Ngài kể một câu chuyện.
Ðức Phật liền kể chuyện con “Con chó đói” cho nhà vui nghe:
“Thuở xưa, có một vị quốc vương rất bạo ngược, hà khắc với dân lành, nhân dân đều oán trách. Ðế Thích thấy vậy liền hiện xuống trần, dắt theo một con quỷ rất dữ. Ðế Thích hóa mình thành một người thợ săn, còn con quỷ thì biến thành một con chó cao lớn.
Người thợ săn dẫn con chó vào cung của vị quốc vương kia để yết kiến. Bỗng con chó vùng dậy, tru lên dữ dội. Vị quốc vương thất kinh, liền cho gọi thợ săn đến trước ngai vàng, hỏi:
– “Gã kia, vì cớ gì mà con chó tru lên dữ vậy?”.
Người thợ săn thưa:
– Tâu Bệ hạ, vì đói nên chó mới tru.
Vị quốc vương liền ra lệnh đem cơm cho chó ăn. Nhưng kỳ lạ là đem bao nhiêu thì con chó ăn hết bấy nhiêu. Thực phẩm trong kho đã cạn kiệt mà nó vẫn chưa no, nên càng tru lên dữ dội hơn nữa. Mà ác thay, mỗi lần chó tru thì cung điện, đền đài của quốc vương lung lay như thể sắp sụp đổ.
Vị quốc vương vội hỏi người thợ săn:
– Lấy cái gì cho ăn thì nó mới nín?
Người thợ săn đáp:
– Tâu Bệ hạ, lấy thịt của người nó ghét cho ăn. Chó sẽ hết tru.
Quốc vương hỏi:
– Con chó này ghét kẻ nào?
Người thợ săn tâu:
– Chó này ghét những kẻ bất công hãm hại dân nghèo. Ngày nào trong nước không có dân đói khó nữa, ngày đó nó mới nín.
Ðức Phật kể dứt câu chuyện này thì mặt vua tái ngắt. Vị quốc vương liền nhớ tới những việc ác của mình làm thì hết sức hối hận. Từ đó ăn năn hối cải.
Ðức Phật dịu dàng dặn dò nhà vua rằng:
– Ngày nào bệ hạ còn nghe tiếng chó tru thì bệ hạ hãy nhớ đến câu chuyện ta kể. Bệ hạ có thể làm cho con chó nín được.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Con chó còn biết phép tắc, giới hạn của mình, huống chi con người. Chó như một minh quân, công thần liêm khiết, diệt tà xiển thiện. Qua hình ảnh chó đói đó, vị quốc vương bắt đầu tin tưởng Phật pháp, dùng phương pháp chánh trực đạo đức trị dân và nguyện một lòng phụng sự Tam Bảo.
-
Lúc Ðức Phật còn tại thế, Ngài đã đem Chính pháp phú chúc cho các vị quốc vương và đại thần, để truyền bá Phật pháp được phổ biến hơn.
Vua A Dục vốn là dòng dõi của A Xà Thế vương, thân phụ của Ngài tên là Tần Ðầu Sa, thân mẫu thuộc phái Bà La Môn. Khi Ngài còn nhỏ thì thân thể rất thô kệch xấu xí không được vua cha thương yêu. Ðến lúc Ngài trưởng thành thì xuất chúng hơn người.
Nội loạn tại thành Hưu Thị La xảy ra, vua cha bèn sai Ngài đi chinh phục. Khi đâu đó được bình yên, vua cha thấy Ngài có công lao nên phong làm Thái tử.
Ít lâu sau, vua Tần Ðầu Sa băng hà thì Ngài lên kế vị. Tính tình rất tàn bạo, đã giết hết mất trăm người tôi tớ, đại thần và các thân thuộc.
Mùa xuân năm ấy, Ngài mới dẫn các cung nữ đi thưởng ngoạn vườn hoa. Các cung nữ chỉ mải đùa giỡn và trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên. Chẳng ai quây quần bên Ngài như lúc ở nội điện. Vua đùng đùng nổi giận, truyền lệnh bắt giết tất cả, rồi ngay lập tức trở về cung, không đi thưởng ngoạn nữa. Toàn dân trong nước đều ta thán Ngài là một ông vua đại gian ác.
Ðã vậy, Ngài còn lập ra một nơi gọi là: “Ðịa ngục trần gian”, đặt tên là vườn “Ái Lạc”. Bên ngoài thì bài trí rất đẹp, nào là ao sen non bộ, cỏ quý hoa thơm, hệt như một công viên, để nhân dân kéo đến vui chơi. Nhưng bên trong, thì có non đao rừng kiếm, lò lửa vạt dầu, và đủ các món khí cụ để hành hình người một cách ghê rợn.
Hễ người nào vào trong vườn Ái Lạc đó thì cai ngục bắt giam, rồi cứ hành hình. Còn những thế nữ ở trong cung mà cãi cọ, xung đột với nhau, thì bắt đem vào cho chủ ngục phân xử. Quả thực là một thảm trạng thống khổ không tài nào kể xiết của nhân gian.
Khi ấy có một vị Tỳ kheo. Nhân lúc đi khất thực nơi thành Hoa Thị, vì không thông thuộc đường xá nên lạc vào vườn “Ái Lạc”. Nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài thì tốt đẹp còn phía trong là một chốn địa ngục, thầy Tỳ kheo kinh hoảng, định kiếm đường trở ra, ai ngờ bị ngục tốt vây bắt lại. Thầy cố gắng nài nỉ đến nỗi bật khóc mà bọn họ vẫn không dung thứ.
Chủ ngục thấy vậy, liền hỏi:
– “Thầy là người tu hành, sao mà sợ chết đến đỗi khóc như con nít vậy?”
Thầy Tỳ kheo đáp:
– “Tôi không phải sợ chết mà khóc, mà vì sợ mất lợi ích cả một đời người của tôi, nên mới ai bi như thế”.
Chủ ngục tò mò hỏi:
– “Lợi ích làm sao? thầy bày tỏ cho tôi nghe thử?”
Thầy Tỳ kheo bộc bạch:
– “Số là tôi mới xuất gia, chưa chứng đặng đạo quả. Tôi nghĩ lại thân người khó đặng, Phật pháp khó gặp, nay rủi sa vào chỗ ác địa này, thế nào cũng sẽ hủy mạng, thì còn đâu mà tu học nữa nên tôi mới khóc, chứ tôi đâu sợ chết”.
Thầy Tỳ kheo nói xong, mới khẩn cầu chủ ngục tha tội cho Thầy sống sót trong bảy ngày, rồi hành hình cũng không muộn. Chủ ngục thấy người tu thì cũng động tâm. Vậy nên y theo lời của thầy, đình lại bảy ngày mới hạ thủ.
Ngày đầu, thầy Tỳ kheo nhìn thấy cách hành phạt rất độc ác, nào là người phụ nữ bị bỏ vào cối quết người, thịt nát xương tan; trẻ em bị quăng vào lò lửa, đứa thì rút tay co cổ, đứa thì hả miệng nhăn răng.
Thầy Tỳ kheo thấy cảnh tượng ấy thì sinh lòng nhàm chán, mới nhớ lời Phật dạy rằng: “Sắc lịch dịu dàng dường như bọt nhóm, dung y đẹp đẽ mà đâu còn hoài”. Nhờ chỗ dẫn chứng lời của Phật dạy đó mà thầy tỉnh ngộ, dứt hết các đều tạp nhiễm, liền chứng đặng quả A La Há.
Ðến ngày thứ tám, ngục tốt bèn bắt thầy bỏ vào chảo dầu, rồi chất củi mà đốt. Nhưng khi lửa hạ và củi thành tro mà dầu trong chảo vẫn không hề nóng lên.
Chủ ngục thấy thế liền nổi giận, đánh đập bọn ngục tốt, rồi sai đem thêm củi và chụm thêm vào. Nhưng đến khi xem lại trong chảo dầu thì thấy thầy Tỳ kheo ngồi kiết già trên hoa sen, dáng vẻ vẫn tự nhiên, chẳng hề lay động. Chủ ngục hoảng hốt, lật đật đến tâu chuyện cho vua A Dục.
Khi vua nghe tin xong, liền tức tốc đi thẳng đến vườn Ái Lạc.
Vừa vào đến nơi thì thấy thầy Tỳ kheo hiện thân trong hư không, biên đủ mười tám phép thần thông. Trên mình thì nước tràn lênh láng, phía dưới thì lửa cháy rần rần, trông như một hòn núi lớn ở giữa không gian vậy.
Vua A Dục đứng nhìn sửng sốt hồi lâu, rồi tự nghĩ: “Mình với Thầy Tỳ kheo này cũng đều là loài người, cớ sao Thầy lại đặng phép thần thông tự tại như thế, còn mình thì lo việc sát hại nhân dân, làm việc đại ác?
Vua nghĩ như thế nên vội vàng quỳ xuống, nói với vị Tỳ kheo ấy rằng:
– “Mong Thánh giả chiếu cố đến ta, xin hạ xuống nơi đây, ta nguyện từ nay về sau bỏ dữ làm lành, quy y với Ngài”.
Thầy Tỳ kheo đáp:
– “Hay thay! Hay thay! Nay đại vương đã tự hối mà quy đầu Tam bảo, thì sẽ đặng phước đức vô cùng. Thật hân hạnh cho dân chúng biết bao”.
Thầy Tỳ kheo nói xong, liền dùng thần lực của mình mà trở về tịnh xá.
Khi vua A Dục đã quy y theo Phật, trong lòng hân hoan, định sửa soạn trở về cung. Bỗng người chủ ngục đến tâu:
– “Khi Ðại vương lập ra cảnh “Nhân gian địa ngục” này, có ra lệnh hễ ai vào đây thì không cho ra. Tôi đã thọ mạng rồi, nên không dám cãi. Còn Ðại vương là bực thiên tử cũng phải nhất ngôn mới được”.
Nghe chủ ngục nói như thế, vua A Dục mới hỏi:
– “Cứ theo lời của nhà ngươi nói đó, thì bây giờ nhà ngươi muốn giết ta hay sao?”
Chủ ngục đáp:
– “Quả như lời của Ðại Vương đó, thì mới đúng với quân lệnh”.
Vua A Dục liền hỏi lại chủ ngục:
– “Vậy khi ban sơ tạo vườn Ái Lạc này, nhà ngươi với quả nhân ai vào đây trước?”
Chủ ngục thưa:
– “Tâu Ðại vương, là tôi vào đây trước”.
Vua nghe đáp như vậy, tức thì truyền cho ngục tốt áp lại bắt chủ ngục bỏ vào chảo dầu, đồng thời ra lệnh phóng hỏa đốt hết cả vườn Ái Lạc.
Từ đấy về sau, vua bỏ hẳn các điều dữ mà làm những việc lành và tâm tánh hết sức từ bi nên dân gian ca tụng là Ðạt Ma A Dục Vương (tức nghĩa là “ông vua hiền lành”).
Sau lại nhờ Đức Ưu Ba Cúc Ða (Tổ thứ tư) giáo hóa thêm, nên vua càng tín ngưỡng Phật pháp hơn nữa, chính vua đã phái 256 vị Cao tăng đi khắp trong xứ để truyền bá Phật giáo.
Bài học cho chúng ta: Từ bi là cội nguồn của hạnh phúc.
-
Một hôm, khi Phật đang thuyết giảng giáo lý của mình cho các vị đệ tử dưới một cội cây lớn thì bỗng nhiên có một người tu sĩ Bà La Môn đi đến xúc phạm Ngài và có ý định tấn công Ngài. Nhưng dưới cái nhìn trí tuệ của một bậc toàn giác, Ngài đã phản ứng lại thái độ giận dữ bằng sự im lặng hoàn toàn.
Khi ấy, vì quá ngạc nhiên trước cách hành xử của Đức Phật, người đàn ông Bà La Môn đã hỏi Phật rằng tại sao lại im lặng nghe ông ta chửi. Đức Phật đã trả lời một cách bình thản: “Nếu ta tặng ông một món quà, ông không nhận thì món quà đó thuộc về ai? “Thuộc về tôi” - Người đàn ông đáp. Đức Phật gật đầu và giải thích: “Cũng như vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi”.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Mặc dù một số người quyết định lãng phí thời gian và năng lượng của họ cho chúng ta bằng những lời lẽ xúc phạm nhưng chúng ta có quyền lựa chọn rằng liệu mình có nên tiếp nhận nó hay không. Cũng giống như chúng ta chọn chấp nhận món quà hay trả lại cho người tặng. Nếu bạn chấp nhận, bạn cầm quà, nếu không, người xúc phạm bạn đơn giản chỉ là một người đáng thương bị bỏ mặc với cách hành xử tiêu cực của họ.
-
Vào một buổi chiều muộn, trong một cái ngõ nọ, người ta trông thấy một bà cụ già dáng vẻ gầy yếu. Dường như bà làm mất thứ gì đó và đang đi tìm. “Tôi đang tìm cây kim”, bà cụ nói. Tất cả những người ở đó bắt đầu tìm kim với bà. Sau một hồi tìm kiếm mà không thấy, mọi người dần mất kiên nhẫn rồi hỏi bà cụ: “Đường thì dài còn kim thì rất nhỏ, chính xác là bà đánh rơi kim ở chỗ nào?” “Bên trong nhà tôi” - bà cụ nói. Nghe thấy vậy, có người bực mình gắt lên:
“Bà bị lẫn à! Nếu bà đánh rơi kim trong nhà, tại sao bà lại đi tìm ngoài này?” Bà già thủng thẳng trả lời: “Bởi vì ngoài này có nắng, còn trong nhà thì không có”
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Nhiều lần vì thuận tiện, chúng ta đi tìm những giá trị bên ngoài trong khi nó thực sự được tìm thấy ở bên trong. Tại sao chúng ta tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài chính bản thân mình? Có phải vì chúng ta đã làm mất ở đó?
-
Một ổ khóa lớn được treo trên cửa, dù có dùng sức lực mạnh đến đâu, cũng không cách nào mở nó ra được. Tuy nhiên, khi đưa chiếc chìa khóa, một vật dụng nhỏ bé tầm thường vào, chỉ cần gẩy nhẹ một cái, thì cái ổ khóa đã mở tung ra.
Nhiều người cảm thấy thắc mắc: “Vì sao chúng ta có dùng hết sức cũng không mở ổ khóa ra được, nhưng chiếc chìa khóa nhỏ bé này chỉ đưa vào là nó mở ra ngay?”.
Chiếc chìa khóa nói: “Bởi vì tôi hiểu rõ bên trong của nó nhất”.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Nội tâm của mỗi người, cũng giống như chiếc ổ khóa treo trên cửa kia, dù bạn có dùng mọi cách để tiến nhập vào cũng không thể được. Chỉ có quan tâm, biến mình thành một chiếc chìa khóa tinh tế tỉ mỉ, mới có thể tiến vào nội tâm người khác, thấu hiểu người khác.
-
Có một vị Hòa thượng già dẫn theo một tiểu Hòa thượng đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một con sông nước chảy xiết. Bên bờ sông là một người phụ nữ trẻ đẹp, vẻ mặt lo lắng vì cây cầu gần nhất bắc qua sông đã bị gãy. Cô đang rất muốn sang sông nhưng lại không dám lội xuống dòng nước xiết. Không chút đắn đo, lão Hòa thượng đã chủ động cõng người phụ nữ đó và đặt cô sang bờ bên kia rồi tiếp tục cùng tiểu Hòa thượng lên đường. Chứng kiến việc ấy, chú tiểu cứ lăn tăn mãi. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên trong tâm chú khó chịu vì cho rằng thầy mình đã vi phạm giới luật nhưng lại không dám hỏi.
Vừa đi vừa nghĩ, cuối cùng, không kìm được nữa, tiểu Hòa thượng nói: “Sư phụ, người phạm giới rồi, sao người có thể cõng một cô gái qua sông?” Khi lão Hòa thượng nghe xong lý do khiến chú tiểu bực bội thì bật cười. Thầy nói “Ta đã đặt cô ấy xuống từ lâu rồi, còn con đi một đoạn đường dài như vậy mà con vẫn cõng cô ta sao?"
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Đôi khi chúng ta mang theo gánh nặng quá khứ với những cảm xúc bực bội, tội lỗi cùng oán giận. Và thậm chí chúng ta còn cố làm cho nó nặng nề hơn nhiều so với thực tế. Bằng cách chấp nhận rằng những cảm xúc mạnh đó không hoàn toàn là cuộc sống hiện tại của mình và học cách buông bỏ, chúng ta có thể giảm bớt áp lực cho bản thân và những người xung quanh.
-
Trong số những người anh em họ của Phật, có Đề Bà Đạt Đa luôn ghen tị và quyết tâm hãm hại Phật. Một hôm, trong lúc Đức Thích Ca đang đứng bên sườn núi Linh Thứu, Đề Bà Đạt Đa đã trèo lên trên đỉnh cao, xô một tảng đá thật lớn cho lăn xuống ngay chỗ Ngài đang đứng. May thay, khi lăn xuống gần tới chỗ đức Phật thì tảng đá bị chặn lại bởi những mô đá khác. Tuy nhiên, lực đẩy cùng sức nặng của tảng đá khi va chạm mạnh khiến nó bị vỡ và văng ra vài mảnh nhỏ. Một mảnh trong đó đã văng trúng vào chân trái của Phật, làm Ngài bị thương, máu chảy nhiều.
Về phần Đề Bà Đạt Đa, sau này ông lâm trọng bệnh liên tiếp nhiều năm, chỉ ở yên một chỗ, không đi đâu được, những người ủng hộ trước kia không một ai đến thăm. Trong thời gian bị bệnh, ông đã có nhiều thời giờ chiêm nghiệm về những được mất, thành bại, và suy xét lại những hành động của mình trong những năm trước. Đại đức đã thành khẩn ăn năn, và muốn được yết kiến Phật trước khi lìa đời. Lúc đó đại đức đã yếu lắm rồi, thấy Phật đứng trước mặt mà không ngồi dậy được, chỉ biết nhìn Phật chăm chú với cặp mắt khẩn cầu tha thứ. Cuối cùng, cố gắng lắm đại đức mới bật nói được vỏn vẹn một câu: “Đệ tử qui y Phật". Phật để tay lên trán ông để an ủi và chấp nhận sự sám hối của đại đức.
Không một ai có phẩm hạnh cao quý, phát triển tâm từ ái và từ bi như Đức Phật đã làm trong thời đại của Ngài. Ngay cả với những kẻ có ý định hãm hại mình, Ngài vẫn thương xót và bao dung cùng tha thứ cho họ. Còn chúng ta ngày nay, nhiều khi vẫn luôn dùng cái nhìn của mình để phán xét và hiểu lầm người khác để rồi gây ra nhiều đau khổ cho chính mình.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Bớt oán giận, thêm tha thứ là thực hành đem lại hạnh phúc theo lời Phật dạy.
-
Buổi sáng mùa xuân nọ, một vị Quốc vương có tiếng nhân từ ngự giá về các làng mạc thôn xóm, thăm viếng quần chúng và tặng quà tết cho người nghèo. Đây cũng là một dịp để nhà vua tìm hiểu đời sống và tâm tình của dân.
Nhà vua thường khuyến khích mọi người phụng thờ Tam bảo, thực hành ăn chay. Ngoài ra còn làm các việc thiện, hiếu thảo với cha mẹ, thuận hòa với anh em. Ngài tha sưu thuế cho tất cả những ai làm theo lời Ngài khuyên bảo.
Mọi người đều răm rắp làm theo. Nào ngờ, bề ngoài họ mang chiếc mặt nạ đạo đức giả để che đậy những hành động xấu xa nham hiểm. Nhờ có cuộc kinh lý hôm ấy ngày mới thấu rõ lòng người. Từ đó, Ngài luôn nghĩ để giải pháp cải thiện dân chúng.
Một tuần nhà vui ban truyền sắc dụ: “Kể từ nay ai còn ăn chay niệm Phật sẽ bị tội xử tử, người nào không theo đạo Phật được tự do, an phần chức nghiệp”.
Ðương nhiên những kẻ giả tâm đều trở lại hành động như cũ, không còn phải che đậy gì cả.
Tuy nhiên, một sáng nọ, người ta dẫn đến sân một cụ già tả tơi, yếu đuối đến sân triều. Cụ già này đã không tuân lệnh vua mà vẫn quy ngưỡng theo đạo Phật. Cụ nghĩ rằng: “Lâu nay ta nghèo khổ, trọn ngày chỉ có một bữa cơm rau nhưng được quy y Tam bảo. Được nghe giáo lý của Chư Phật, lòng ta sung sướng vô cùng. Còn dẫu sống một cuộc đời sung túc trên châu báu ngọc ngà hay có được lên cõi Thiên đàng hưởng thụ mãi mãi cuộc sống Thần tiên đi nữa mà không được nghe đến một câu kinh Phật, đối với ta cũng chỉ là ngục hình”.
Cụ già khẳng khái tâu:
– “Tâu Bệ hạ, bần dân này đã có tội không tuân lệnh của Ngài, xin Ngài cứ việc chém đầu”.
Nhà vua phán:
– Nếu người biết tự hối và thi hành theo sắc lệnh mới của trẫm, trẫm sẽ tha tội và phong chức tước cho. Còn kẻ làm dân mà không tuân theo quốc pháp, trẫm sẽ xử chém để răn đe kẻ trái phép về sau.
Cụ già cung kính:
– “Tâu Bệ hạ, nếu bỏ chính pháp mà làm vua chúa bực dọc, thì dù hưởng thụ tất cả mọi khoái lạc trong cõi đời này, bần dân cũng không ham”.
– “Ngươi cãi lệnh ta, ta sẽ cho xử tử ngay tức khắc”.
-“ Tâu Bệ hạ, trong Kinh Phật có dạy: “Nếu chúng sinh tự gieo mình vào ba đường ác thì khó được làm người. Dù làm người chăng nữa cũng không thể sinh vào nước có đạo đức. Không xem được kinh Phật, không gặp được các cao tăng để cúng dường và nghe pháp”. Nay tôi được biết pháp Tam bảo, hiểu được chút ít kinh Phật, vậy có lẽ kiếp trước tôi đã dày công tu luyện lắm. Thế thì dù Bệ hạ có bỏ tôi vào nước sôi hay nung vào lửa đỏ, tôi vẫn giữ trọn một niềm theo Tam bảo mà thôi”.
Nhà vui trầm giọng:
– “Ngươi là ai mà còn khí khái với ta? Trước cái chết mà vẫn còn hùng hổ”.
– “Tôi tên là Thanh Tiến Sử, tâu Bệ hạ cứ việc xử tội, tôi không bao giờ oán than hay van xin một điều gì”.
Rất nhanh, nhà vua liền cho lính đến áp giải cụ già ra pháp trường.
Trước pháp trường, những lưỡi gươm sáng quắc đang sẵn sàng đưa lên cổ ông. Thanh Tiến Sử vẫn thản nhiên vui vẻ và khuyên người con trước khi vĩnh biệt:
– “Con ơi, con sinh gặp thời có Phật pháp, biết sùng bái Tam Bảo là một điều phước đức của con. Con hãy vững dạ tu học, noi gương cha đây, dẫu đầu cha phải rơi vì sắc lệnh nghiêm ngặt của nhà vua. Cha vẫn vui lòng và quyết theo chính đạo không bao giờ từ bỏ”.
Vừa dứt lời, vị cận thần truyền cho quân lính dẫn cụ già quay về triều.
Khi vị cận thần về tâu lại lời khuyên con của Thanh Tiến Sử. Nhà vua cảm động đến mức rơi nước mắt. Ngài bước xuống bệ rồng, ra tận cửa thành ôm lấy Thanh Tiến Sử. Mọi người đều ngạc nhiên. Cụ già cũng trố mắt nhìn vua vì không hiểu chuyện gì. Nhà vua đưa cụ vào cung một cách ân cần vui vẻ, song Thanh Tiến Sử cũng chưa rõ điều gì nên chỉ biết cúi đầu sát đất tạ ơn vua. Nhà vua liền đỡ lấy tay Thanh Tiến Sử rồi thân mật bảo:
– “Trong quốc dân này chỉ có một Thanh Tiến Sử. Chỉ có một Thanh Tiến Sử thuần thành theo Phật pháp, quyết một lòng vì đạo. Ngoài ra đều là giả dối, vụ lợi. Chiếu dụ của trẫm ban ra chỉ cốt để thử lòng người mà thôi. Vậy từ nay xin ngươi hãy sống cùng trẫm, giúp trẫm trong việc truyền bá Phật pháp thức tỉnh nhân tâm”.
Rồi cả hai chuyện trò vui vẻ. Sau đó nhà vua phong cho Thanh Tiến Sử chức Tướng quốc.
Câu chuyện ấy được truyền tụng rộng rãi trong dân chúng. Cũng từ đó, tiếng chuông cảnh tỉnh đã ngân vang trong tâm hồn mọi người. Chẳng bao lâu sau, dân chúng được sống trong cảnh êm ấm, vui vẻ. Ai ai cũng đều quay về với Ðạo Phật.
Vị Quốc vương ấy chính là tiền thân của Ðức Thích Ca.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng: Mỗi khi con người hạnh phúc hay khổ đau, hoặc một người đang ở bờ vực sinh tử, bị giày vò bởi bệnh tật khổ đau, vô phương cứu chữa. …. ai ai cũng đều tìm đến đạo Phật như cứu cánh nhằm xoa dịu đi nỗi khổ niềm đau cũng như tìm cho mình ánh sáng cứu rỗi cuộc đời mình.