Top 10 Câu chuyện tình yêu của Bác Hồ dành cho thiếu nhi hay nhất
Bác Hồ luôn dành cho thiếu niên nhi đồng với một tình thương yêu đặc biệt. Tình yêu trẻ thơ của Bác không đơn giản là một tình cảm thông thường, đó còn là một ... xem thêm...tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát một chủ nghĩa nhân đạo cao cả với ý thức rõ rệt là các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội tương lai. Vietnam9news.com xin giới thiệu những câu chuyện về tình yêu của Bác dành cho thiếu nhi hay nhất.
-
Một lần vào đầu mùa Xuân 1963, sau khi thăm cơ sở xong, lên đường về Hà Nội, thấy ngọn đồi có cây cối sum suê, Bác cho nghỉ lại. Lúc này giữa trưa vắng vẻ, mấy Bác cháu giở cơm nắm ra vừa ăn vừa ngắm cảnh.
Vừa ăn xong, ngồi nghỉ được một lát thì nghe có tiếng lội bì bõm và tiếng người nói rì rầm. Mấy đồng chí đi theo Bác chạy ra thì thấy hàng chục thiếu nhi trai có, gái có, cháu cầm cào cỏ cháu xách rổ hái rau, đang hướng về chỗ gốc cây to nơi Bác ngồi nghỉ. Đồng chí bảo vệ báo cáo tình hình với Bác, Bác cười:
– Các chú đi mời các cháu lại đây chơi với Bác, nhưng nhớ đừng làm các cháu sợ.Các cháu sung sướng chạy ùa đến và quây thành vòng tròn quanh Bác, cháu nào cũng hớn hở vui mừng.
Bác trìu mến nhìn khắp lượt và hỏi vui:
– Các cháu làm gì mà đông thế? Một bé trai dáng lém lỉnh lễ phép đáp:
– Thưa Bác, một bạn thấy Bác xuống xe liền bảo chúng cháu ra xem Bác ạ!
Bác cười rất vui vẻ:
-Muốn xem à? Bác ngồi đây, cháu nào muốn xem thì xem cho kỹ.
Cả Bác, cháu và các chú cùng đi, cười vui vẻ. Bác hỏi tiếp:
– Các cháu đều đi học cả chứ? Ở đây có cháu nào không được đi học không?
– Dạ, chúng cháu đều đi học cả ạ.Bác cười hiền hậu:
– Thế là tốt. Thế các cháu học có giỏi không? Có ngoan không nào?
Nhiều cháu phấn khởi trả lời Bác.
– Chúng cháu giỏi ạ, có ngoan ạ!
Bác gật đầu hài lòng và bảo các cháu hát. Các cháu đưa mắt nhìn nhau và cùng hát vang bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.Thế là giữa thiên nhiên trời đất bao la, một dàn đồng ca gồm các nghệ sĩ tý hon biểu diễn say sưa dưới bàn tay bắt nhịp của Bác Hồ kính yêu.
Hát xong, Bác trìu mến nhìn các cháu và cất giọng hiền từ:
– Bác cảm ơn các cháu đến thăm Bác, hát cho Bác nghe.Bác mong các cháu học chăm, học giỏi, vâng lời thầy cô và cha mẹ. Bây giờ Bác phải đi tiếp, Bác cháu ta tạm chia tay nhau ở đây.
Lời bình:
Qua câu chuyện về học tập và làm theo lời Bác: Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, ta rút ra ý nghĩa và bài học kinh nghiệm như sau:
Sinh thời, Bác Hồ là người rất yêu quý thiếu nhi. Người luôn dành tình cảm quan tâm đặc biết đối với thế hệ trẻ của đất nước. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan.
-
Sáng mồng một Tết Đinh Mùi (9-2-1967), Bác Hồ về Tam Sơn gặp mặt đại biểu các dân tộc tỉnh Hà Bắc họp ở chùa Cảm Ứng.
Xe Bác vừa tiến vào đến nơi, Nguyễn Thế Hải học sinh lớp một đang nô đùa cùng bạn, bỗng reo lên:
– Bác Hồ! Bác Hồ!
– Bác Hồ về thăm quê hương nghìn việc tốt.
Cả đám thiếu nhi dừng chơi, xúm lại quây quanh xe Bác.
Đồng chí cần vụ từ trong xe bước ra nhắc nhở các em rồi mở cửa, mời Bác xuống.
Bác tươi cười nhìn các em rồi hỏi:
– Các cháu đang chơi Tết?
– Thưa Bác, vâng ạ!
– Thưa Bác, năm mới, chúng cháu kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu!…
Các em đua nhau nói những điều từ lâu mong được thưa với Bác, nhưng hồi hộp quá, nói không được nhiều…
Bác Hồ rất vui. Nghe các em nói xong, Bác bảo:
– Các cháu làm nghìn việc tốt, có nhớ và làm theo những điều Bác dặn không?
– Thưa Bác có ạ! – Nguyễn Thế Hải đứng nghiêm đọc liên hồi 5 điều Bác Hồ dạy như đọc đồng thanh ở lớp.
Tất cả đều cười. Nhưng ai cũng vui vì Hải đã trả lời đúng.
Khi Bác cùng các đồng chí lãnh đạo bước lên chùa. Đội thiếu nhi danh dự đã dâng hoa tặng Bác, Bác nhận bó hoa từ tay Liên đội trưởng Nguyễn Toàn Thắng rồi trao cho đồng chí cần vụ.
Bác hỏi Thắng:
– Cháu học có giỏi không? Có được phần thưởng của Bác không?
– Thưa Bác có ạ. Cháu được nhận phần thưởng của Bác hai lần: Một lần một cuốn sổ một lần hai quả cam.
Cháu đã được phần thưởng của Bác, cháu phải giúp đỡ các bạn học thật giỏi, lao động thật giỏi… để nhiều người cùng được phần thưởng của Bác, thế mới tốt.
– Thưa Bác vâng ạ!
-
Trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch (tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng vào việc, một phòng nghỉ. Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách). Bác có ý kiến:
– Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh.
Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến, các cháu đều quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo.
Một hôm Bác nói với đồng chí giúp việc:
– Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu.
Vâng lời Bác, đồng chí giúp việc đi tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn và thả ba con cá vàng rất đẹp.
Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Người để dành những mẩu bánh mì làm thức ăn cho cá. Được Bác chăm sóc, ba con cá vàng ngày một lớn và phát triển.
Mùa đông trời lạnh, Bác nói:
– Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm. Chú nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá.
Khách đến thăm nhà Bác, nhất là “khách tí hon” rất thích thú đứng ngắm bể cá vàng. Những con cá mầu sắc thật sặc sỡ, tung tăng, lấp lánh, bơi lặn trong bể nước.
-
Đầu năm 1967, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình. Các em thiếu nhi xóm Dân Chủ hát vang bài “Giải phóng miền Nam” đón Bác. Bác hỏi:
– Các cháu có ngoan không?
– Thưa Bác có ạ! Các cháu cùng trả lời.
– Các cháu có vâng lời cha mẹ không?
– Thưa Bác có ạ!
– Các cháu ăn ở có sạch sẽ không?
– Thưa Bác có ạ!
– Chìa tay cho Bác xem nào?
Những bàn tay xinh xắn, chìa ra trước mặt cho Bác xem. Bác gật đầu hài lòng lắm vì thấy cuộc sống của các cháu nhỏ ở nông thôn đã thay đổi dần với cuộc sống của dân làng.
Các em sạch và ngoan thật. Bác Hồ lấy kẹo chia cho các cháu rồi lại tiếp tục đi.
-
Nhớ lại hồi cách mạng mới thành công, Bác Hồ rất thích thú mỗi khi nghe tiếng trống ếch rộn ràng, nhìn những bước đi cố tỏ ra vẻ oai nghiêm, nhưng vẫn đầy nét trẻ thơ của các em.
Có những lúc từ buồng làm việc trên tầng cao ở Bắc Bộ phủ, Bác phải đứng nhìn qua vai người khác để các cháu không thấy Bác và Bác được tự do ngắm nhìn các cháu. Trong những ngày vui lúc đó, các em thường mặc đồng phục quần xanh, sơ mi trắng, đầu đội mũ calô. Bác đứng nhìn các cháu rất lâu, rất lâu. Người suy nghĩ điều gì?
Buổi tối, khi làm việc, có tiếng hát của cháu bé, Bác ra hiệu dừng lại cùng lắng nghe. Rồi Bác hỏi:
– Chú thử đoán xem, cháu bé này bao nhiêu tuổi?
– Thưa Bác, năm tuổi.
– Theo Bác thì ít hơn.
– Khi hỏi lại các đồng chí bên Đài phát thanh, tôi thấy Bác thường đoán đúng hơn. Có gì khó hiểu đâu, vì Bác đã nghe rất nhiều, nghe rất chăm chú. Và chắc là, vừa nghe Bác vừa tưởng tượng ra cô bé hoặc chú bé tí xíu đó!
Nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao đang làm việc Bác vẫn để đài? Có lần tôi hỏi có nên tắt đài đi không, Bác nhìn tôi trầm ngâm nói:
– Cứ để đấy chú ạ. Để nghe cho có tiếng người. Chú ở nhà, dù con khóc hoặc vợ nói dỗi, có khi nặng lời, nhưng đều là tình cảm gia đình…
-
Cũng chính tại ngôi nhà của Bác ở Phủ Chủ tịch có một sự kiện đáng ghi nhớ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với thiếu nhi. Từ ngày 22/6 đến ngày 11/7/1961, Bác đã dành chỗ đó cho các cháu làm phòng triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy”. Trong 20 ngày, có gần 10 vạn thiếu nhi đến xem triển lãm và vui chơi trong dịp hè. Bác Hồ, Bác Tôn đã đến nói chuyện và dự liên hoan với 2.000 thiếu nhi trong buổi bế mạc ngày 11/7/1961.
Đồng chí phục vụ Bác cảm thấy như vẫn còn sôi động khi vào dịp hè năm 1961 các cháu thiếu nhi tổ chức triển lãm “Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” trong nhà khách Phủ Chủ tịch.
Trung tâm triển lãm chính là phòng khách long trọng của ngôi nhà. Nhiều em lần đầu tiên được đến nơi này thích lắm, chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra nhà, ra bãi cỏ.
Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, đúng là ngày hội. Có đồng chí sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan xung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo:
– Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui.
Bác còn nhắc phải có nhiều kem, si-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu.
Thỉnh thoảng những khi nghỉ, Bác cũng ra xem các cháu vui chơi. Có hôm Bác đi dạo ở phía dưới, thấy một phòng có kê các ghế băng. Bác hỏi các đồng chí ghế đó để làm gì. Đồng chí phục vụ thưa:
– Thưa Bác để dành cho các cháu bị mệt ạ.
Thấy vậy, Bác bảo:
– Sao dành cho các cháu mà lại không có giường?
Ngày hôm sau, các đồng chí phục vụ triển lãm đã liên hệ với Bộ Y tế, và các ghế băng được xếp lại nhường chỗ cho những chiếc giường xinh xắn.
Bác Hồ là như vậy. Khách của Bác, dù là những người nhỏ bé nhất cũng luôn được tôn trọng và quan tâm chu đáo.
-
Tháng chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở khu Tả Ngạn thì có mấy chú đưa xe ô tô đến đón về Hà Nội. Luyện, Thu, Nết, Phổ, Mên, Hòa … chưa hiểu có chuyện gì. Về Thủ đô hôm trước thì ngày hôm sau, có xe đến đón đi, vào đến sân Phủ Chủ tịch mới biết là được vào gặp Bác Hồ.
Vừa bước chân xuống xe, đã thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở một cái ghế dài kê trước cửa nhà. Tất cả chạy ào tới chào hai Bác.
Bác cháu trò chuyện với nhau. Sau đó Bác Hồ bảo:
– Thôi các cháu vào ăn cơm với hai Bác!
Bữa cơm chẳng có thịt cá gì nhiều nhưng rất ấm cúng. Các dũng sĩ thiếu niên được ngồi ăn cùng Bác Hồ và Bác Tôn. Nết, người nhỏ nhất đoàn, cái đầu chỉ lấp ló cạnh bàn, được Bác gắp thức ăn cho luôn.
Vừa ăn, Bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt việc tốt”.
Sau đó Bác Hồ bảo:
– Các cháu lại cả đây hôn hai Bác rồi về.
Các dũng sĩ hôn hai Bác xong, Bác Hồ căn dặn:
– Các cháu về trường cố gắng học tập cho giỏi.
Tất cả đều cảm động. Đoàn Văn Luyện khi đó mới mạnh dạn thưa với Bác:
– Thưa Bác, chúng cháu cứ tưởng hai Bác gọi chúng cháu về có việc cần.
Bác Hồ cười hiền từ và bảo:
– Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện.
Nghe nói, Luyện và các bạn cảm động muốn trào nước mắt. Hai Bác tuổi đã cao, trăm công nghìn việc, vậy mà vẫn nhớ đến các cháu miềnNam. Luyện nghĩ:
“Mình được ở ngoài Bắc mà hai Bác còn lo và thương biết chừng nào!…”.
-
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”…
Đó là tiếng hát của các em học sinh thuộc hệ sơ trung của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) vang lên sôi nổi trong ngày 1-6-1969 khi các em được vinh dự biểu diễn báo cáo thành tích học tập với Bác Hồ kính yêu lần cuối cùng trước khi Bác mất.
Hôm ấy, tuy sức khoẻ Bác đã yếu nhưng Bác rất vui khi thấy các cháu biểu diễn đàn vĩ cầm, đàn dương cầm rất giỏi và các cháu còn biểu diễn rất hay, rất say sưa những loại đàn dân tộc cổ truyền như: Sáo, nhị, bầu. Bác gọi các cháu là “những nghệ sĩ tí hon”, “những nghệ sĩ tương lai” rồi Bác hỏi:
– Các cháu phải học giỏi để sau này phục vụ nhân dân
Bác ôm các cháu vào lòng, hỏi han từng người:
– Cháu chơi đàn gì?
– Bố mẹ cháu làm gì?
Khi các em giới thiệu với Bác cây đàn thập lục và tam thập lục, Bác cười và bảo:
Ta có tiếng ta, sao các cháu không gọi là đàn 16 dây và đàn 36 dây có hơn không?
Từ đó hai cây đàn này để được mang một cái tên đơn giản bằng ngôn ngữ dân tộc mà Bác Hồ đã chỉ bảo và mỗi lần nhắc đến cái tên này các em đều nhớ tới Bác.
Sau mỗi tiết mục biểu diễn, Bác vỗ tay thật to và nói:
– Các cháu vỗ tay to lên để hoan nghênh bạn đánh đàn hay chứ!
Khi chia kẹo cho các cháu, Bác bảo:
– Cho cháu này thêm một cái vì bé nhất.
Và đánh đàn quây quần bên Bác có các cháu ở thành phố, ở nông thôn là con em cán bộ, công nhân, nông dân, các dân tộc miền núi ở cả hai miền Nam Bắc.
-
Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởng thành phố Paris mở tiệc long trọng thết đãi Bác. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác.
Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác Hồ.
Ngày hôm sau, câu chuyện "quả táo của Bác Hồ" đều được các báo Pháp đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trong tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ em bảo: "Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng, không ăn được". Nhưng em nhất định không ăn. Em nói: "Đó là táo của Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm".
Lời bình:
Không chỉ dành tình yêu thương cho các cháu thiếu nhi trong nước, Bác còn dành tình yêu bao la cho các cháu thiếu nhi khắp năm châu. Và các cháu thiếu nhi khắp năm châu cũng đã thể hiện sự yêu quý vô bờ đối với Bác.
-
Trong chuyến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng, Bác thấy cổng trại dăng nhiều dây thép gai nhìn rất khó chịu, Bác nhẹ nhàng nói với cán bộ phụ trách nhưng rất thấm thía.
Đây là nơi nuôi dạy, chăm sóc các cháu mồ côi, sao các cô chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này
Người phụ trách thưa
Thưa bác, đây là cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ
Bác không đồng ý, Các cô các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai này ra ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta phải nuôi dạy các cháu vì tương lai các cháu. Bác đến từng phòng ăn, phòng ở, phòng học nơi các các cháu sinh hoạt. Bác khen gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ nhưng còn khó khăn gì không
Các cô chú đáp
Chỗ ở của các cháu còn chật chội thưa Bác. Bác chỉ mỉm cười
Chú mới nói đúng một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu mồ côi, điều lớn nhất là phải bù đắp tình thương. Các cháu đã không còn bố, mẹ thì các cô, các chú ở đây là bố, là mẹ các cháu. Các cô các chú nuôi, dạy các cháu phải đem cả tấm lòng làm mẹ, làm cha mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo.
Bác thấy ở đây, đối với các cháu còn có vẻ “trại lính”, thiếu cái ấm cúng của gia đình. Dạy bảo các cháu vào khuôn phép, sống có kỷ luật trật tự là đúng. Nhưng không được để các cháu mất cái hồn nhiên, mất cái vui tươi, thoải mái. Đừng biến các cháu thành các “ông cụ non”. Các cô, các chú phải làm sao cho các cháu thấy Trại Kim Đồng là gia đình của các cháu, đi xa các cháu nhớ, lúc ở nhà các cháu vui. Được như vậy thì cần gì phải rào dây thép gai, phải canh phòng nghiêm ngặt với các cháu?
Bác hỏi tiếp
Những cháu kém còn nhiều không
Dạ còn nhiều Bác ạ
Nhiều là bao nhiêu
Trong khi người quản lý còn đang bối rối thì Bác nói ngay
Chú quản lý thì phải biết cụ thể từng cháu một. Có vậy thì dạy mới có kết quả tốt. Bác nói với chú Thuận cho bác gặp cháu yếu nhất trại
Em Quốc đứng khoanh tay trước mặt Bác, Bác cúi xuống vuốt nhè nhẹ tóc em. Bác hỏi:
– Cháu tên là gì?
– Thưa Bác, cháu tên là Quốc lủi ạ ! Bác nhìn em, ái ngại:
– Ai đặt cho cháu cái tên ấy?
– Dạ thưa, các bạn gọi cháu thế ạ.
– Vì sao các bạn gọi cháu là Quốc lủi ?
– Thưa Bác… Cháu… Cháu hay trốn trại. Cháu chui qua hàng rào, lủi vào các ngõ phố ạ.
– Sao cháu không chịu ở trong trại mà trốn ra ngoài ?
– Thưa Bác… ở trong trại khổ cực lắm ạ.
– Khổ cực thế nào ?
– Dạ chúng cháu bị gò bó đủ thứ ạ.
– Cháu nói rõ sự gò bó cho Bác nghe nào ?
Quốc nhìn Bác Hồ mà nước mắt trào ra, nghẹn ngào không nói lên lời.
Bác xoa đầu em, Bác đã hiểu thấu tất cả, dù em chưa nói ra được những điều muốn thưa với Bác, Bác khuyên Quốc: “Từ nay cháu phải phấn đấu bỏ cái tên “lủi”, giữ lại cái tên Quốc…”. Nước mắt càng giàn giụa trên hai má Quốc.
Bác Hồ cầm tay em Quốc đi ra chỗ cả trại đang tập hợp đón đợi Bác.
Bác thân mật kể cho các em nghe một số gương tốt của thiếu nhi trong kháng chiến chống Pháp, gương tốt của thiếu nhi ở Liên Xô và các nước bạn. Các em đã không cầm được nước mắt khi nghe Bác kể về thời niên thiếu của Bác, Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần áo mới để ăn mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em đi xin sữa sau ngày mẹ qua đời
Bác căn dặn các em như ông dặn cháu:
– Các cháu phải vâng lời các cô, các chú phụ trách. Thiếu nhi thì phải ngoan, phải thật thà, lễ phép với người lớn, kính trọng người già, giúp đỡ người tàn tật yếu đau. Các cháu ở trong tập thể với nhau càng phải thương yêu nhau như anh chị em ruột thịt. Và phải dũng cảm sửa chữa những khuyết điểm, những thói hư tật xấu để lớn lên làm người chủ của đất nước, đừng để mình là cái gánh nặng của xã hội…
Rồi bác bảo:
– Các cháu có hứa làm được điều Bác căn dặn không nào ?
Một tiếng “có” vang lên, đều khắp và sôi nổi. Bác còn dặn thêm các em là, noi gương dũng cảm của liệt sĩ Kim Đồng trong học tập và rèn luyện, em nào đạt kết quả tốt, được ban phụ trách báo lên Bác, Bác sẽ gửi phần thưởng. Và Bác thân mật hẹn: “Nếu cả trại cùng tiến bộ vượt bậc, Bác sẽ còn về thăm các cháu nhiều lần nữa”.
Ngày hôm ấy, Bác đã để lại rất nhiều quà để chia cho các em. Nhận phần quà của Bác cho, nhiều em đã không ăn, cất làm kỷ niệm.
Từ hôm đó trong từng đôi mắt của các em, ngời lên niềm vui nhận quà Bác. Em Quốc không lủi ra ngoài trại nữa, mà giữ gìn mình như giữ gìn kỷ niệm quà Bác trong trái tim.