Top 10 câu chuyện cảm động trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam

Phương Kem 345 0 Báo lỗi

Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong thời gian đại dịch và khi nhìn vào đó tự nhiên ta thấy có thêm hy vọng. Cuộc sống này vẫn còn rất đẹp khi có tình thương ... xem thêm...

  1. Đó là câu chuyện của Điều dưỡng Nguyễn Việt Anh (Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai). Lên đường tiến vào tâm dịch khi con gái chưa đầy 6 tháng tuổi, chàng điều dưỡng trẻ 9x đã đồng hành cùng Bệnh viện Dã chiến số 2 trong gần một tháng.


    Kể lại câu chuyện của mình, Việt Anh nhớ lại năm đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của anh lại có những ngày tháng xa gia đình đi vào điểm nóng.


    28/3/2020, Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa, vừa cưới vợ được một tháng, điều dưỡng 9x không ngần ngại xung phong đi vào vùng phong tỏa, lúc này vợ chồng anh cũng vừa hay có tin vui. “Lúc tôi đi vợ khóc thút thít, còn ông bà hai bên động viên vì cái nghề mình đã chọn con cứ đi, ở nhà có bố mẹ chăm sóc vợ” – Việt Anh nhớ lại.


    Tháng 1/2021, ổ dịch tại Hải Dương bùng phát, bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Dã chiến số 2 bắt đầu đông lên. Lúc này, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai huy động ê-kíp nhi xuống hỗ trợ, điều dưỡng Việt Anh xung phong: “Nếu Hải Dương cần, lúc nào tôi cũng sẵn sàng!”


    Nhớ lại ngày lên đường tiến vào tâm dịch, Việt Anh bồi hồi: “14 giờ ngày 5/2, tôi nhận được lệnh chuẩn bị để 15 giờ xe xuất phát đi Hải Dương. Tôi chỉ kịp chào tạm biệt bố mẹ và vợ con rồi bắt xe ra bệnh viện đi luôn. Lúc đấy cũng chỉ biết nói với vợ anh đi chưa biết khi nào về, em ở nhà chăm con… Cứ thế vợ tôi khóc sụt sùi”.


    Bố mẹ hai bên vẫn động viên anh cố gắng, nhưng trong lòng ông bà thì vô cùng thương hai vợ chồng, vì lúc này con gái Việt Anh còn chưa đầy 6 tháng tuổi.


    Vốn là điều dưỡng chuyên khoa nhi nên cứ về nhà là Việt Anh dành hết thời gian cho việc chăm sóc con, thậm chí anh còn đùa rằng mình chăm con giỏi hơn cả vợ từ bỉm sữa, tắm rửa, cho con ăn… Quấn quýt với con là thế nhưng khi anh xuống Hải Dương chi viện, một hai ngày đầu gọi video con còn nhìn cười rất tươi, đến ngày thứ 3 gọi con quên cả mặt bố, quay đi không tiếp chuyện.


    “Tôi vẫn hay đùa với mọi người chỉ mong nhanh nhanh hết dịch để về, con quên mặt bố rồi. Còn vợ tôi, hai ngày đầu lúc mới xuống, vợ stress còn không nói chuyện, gọi điện chỉ để nhìn con. Ngay cả kỷ niệm 1 năm ngày cưới hai vợ chồng cũng không được gặp nhau”, Việt Anh tâm sự.

    Nhớ vợ, nhớ con gái nhỏ là thế, nhưng điều dưỡng Việt Anh vẫn không quên nhiệm vụ chính của bản thân khi đang ở tâm dịch. Những ngày đầu tại Bệnh viện Dã chiến số 2, việc lấy ven cho các bệnh nhi trở nên khó khăn hơn nhiều khi có lớp găng bảo hộ hơn nữa còn tấm kính chắn cản trở tầm nhìn. “Nhiều khi phải lấy theo giải phẫu vì 1-2 ngày đầu không thể nhìn nổi, khẩu trang N95 làm mờ hết kính bảo hộ, lại thêm lớp kính chắn bên ngoài. Sau vài ngày tôi dần quen hơn, đến hiện tại gần như tôi phụ trách toàn bộ việc lấy ven, mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhi” – điều dưỡng trẻ tâm sự.

    Tâm sự về những ngày ở tâm dịch, điều dưỡng Việt Anh cho biết: “Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương không có chuyên khoa nhi, những thiết bị và đồ dùng liên quan đến nhi gần như là thiếu hết. Sau khi chuyển thành Bệnh viện Dã chiến số 2 và lượng bệnh nhi tăng lên, những thiết bị đều phải xin chi viện mới có để điều trị. Hơn nữa, các tuyến khác cũng không có chuyên khoa Nhi để tăng cường, những việc truyền hay lấy máu có thể nói là khó cho nhân viên ở đây vì trước giờ họ chỉ làm cho người lớn. Không những thế, cứ 7 ngày Bệnh viện lại thay kíp trực, vừa đào tạo cho kíp này quen việc một chút thì lại đổi người. Rồi việc mặc đồ bảo hộ nên hạn chế trong việc nghe phổi cho bệnh nhi, đội ngũ cán bộ y tế dùng tay đếm nhịp thở thủ công và chụp X-quang để chẩn đoán”.

    Công việc điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 cũng có những đặc thù riêng, với nguy cơ phơi nhiễm cao như lúc lấy máu, người lớn thì có thể yêu cầu bệnh nhân quay mặt đi chỗ khác, nhưng với bệnh nhân nhi thì không thể như vậy, thậm chí còn việc các cháu quấy khóc. Thế nhưng, điều dưỡng trẻ 9x không vì thế mà nản lòng: “Nếu tôi sợ thì không có ai làm cả. Phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ”.

    Những cố gắng của họ đã được đền đáp, 5 bệnh nhi đã khỏi bệnh, trong đó có bệnh nhi sơ sinh và nhỏ tuổi nhất Việt Nam – K.C khiến cả ê-kíp rất mừng. Mẹ K.C vẫn nhắn tin cảm ơn bác sĩ, mặc dù mặc đồ bảo hộ kín mít nhưng tất các bệnh nhi đều nhớ mặt, chào từ xa khi thấy ê-kíp, không còn lo sợ mỗi khi được thăm khám…

    “Nỗ lực gấp đôi” – đó là những gì Việt Anh chia sẻ sau gần một tháng nằm trong tâm dịch. “Một đặc thù của điều trị bệnh nhi là khi nhập viện các em phải có người lớn đi kèm, ví dụ như hai mẹ con, hai bố con, bà cháu phải âm tính mới có thể ra viện. Ở nhà không có ai chăm, vì vậy phải nỗ lực hơn gấp đôi. Khi đi hỏi thăm bệnh nhi cũng phải theo dõi luôn tình hình sức khỏe của người nhà” – Việt Anh nói.

    Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn đang trước mắt, không biết ngày trở về gặp lại vợ con, gia đình là khi nào, điều dưỡng Việt Anh cùng đội ngũ cán bộ y tế vẫn đang nỗ lực hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân. Vợ Việt Anh nơi hậu phương vẫn luôn nhắn gửi rằng: “Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà em chăm con gái, khi nào ổn anh về với hai mẹ con”.

    Điều dưỡng Nguyễn Việt Anh cùng đội ngũ cán bộ y tế vẫn đang nỗ lực hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân
    Điều dưỡng Nguyễn Việt Anh cùng đội ngũ cán bộ y tế vẫn đang nỗ lực hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân

  2. Khi nghe tin tại tỉnh Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới, trong đầu điều dưỡng Bạch Văn Hoàn đã nghĩ nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp thì chắc chắn sẽ phải thiết lập bệnh viện dã chiến tại đây.


    Đúng như những gì anh suy nghĩ, rạng sáng 29/1 anh Hoàn cùng ê-kíp Bệnh viện Bạch Mai nhận được chỉ đạo của cấp trên sẵn sàng lên đường chi viện cho Hải Dương.


    7 giờ sáng, cả đội đã có mặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, bấy giờ các trang thiết bị phục vụ bệnh viện dã chiến gần như chưa có gì. Mọi người bắt tay ngay vào công việc, làm việc liên tục không ngừng nghỉ để làm sao trong ngày hôm ấy bệnh viện có thể sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.


    Đúng 3 giờ chiều 24 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên đã nhập viện.


    Không kịp nghỉ ngơi, anh Hoàn và ê-kíp tiếp tục thiết lập khu vực hồi sức cấp cứu tại tầng 5 của bệnh viện. Khu vực này lúc ấy chưa có bất kỳ một trang thiết bị y tế nào, bụi phủ khắp nơi. Thấy vậy, những điều dưỡng như anh Hoàn cũng không ngần ngại xắn tay áo, tay chổi tay xô lao vào quét dọn, lau chùi để làm sao đưa khu hồi sức cấp cứu vào hoạt động một cách nhanh nhất.


    Chỉ sau 1 ngày, khu hồi sức cấp cứu đã được thiết lập xong. Hai ngày sau, một bệnh nhân diễn biến nặng cần phải lọc máu ngay lập tức, nhưng trong ê-kíp của Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lại không có ai biết lọc máu bởi kỹ thuật này chưa được triển khai ở đây. 12 giờ đêm anh Hoàn lên đường vào bệnh viện tiến hành lọc máu cho bệnh nhân, sau đó theo dõi diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân cho đến 9 giờ sáng, sau khi bệnh nhân đã ổn định, anh mới dám nghỉ ngơi một chút.

    “Những ngày tiếp theo, xuất hiện thêm nhiều ca bệnh nặng hơn, không kể ngày hay đêm bất cứ khi nào bệnh nhân trở nặng tôi lại vào viện tiến hành các kỹ thuật lọc máu, cho bệnh nhân thở máy. Hằng đêm vẫn có những cuộc gọi từ ê-kíp trực tại Bệnh viện Dã chiến số 2 yêu cầu tôi hỗ trợ” – điều dưỡng Hoàn nhớ lại.

    Ngày 20/2, Bệnh viện Dã chiến số 2 tiếp nhận bệnh nhân H. được chuyển từ huyện Kinh Môn tới. Kết quả chụp X-quang cho thấy, phổi của bệnh nhân bị tổn thương rất nặng, ê-kíp ngay lập tức tiến hành các biện pháp cấp cứu, lọc máu, cho bệnh nhân thở máy và tiếp tục theo dõi.

    Kể lại đêm đáng nhớ đó, điều dưỡng Hoàn nói: “12 giờ đêm tôi nhận được tin báo bệnh nhân H. có dấu hiệu suy hô hấp, tôi và ê-kíp ngay lập tức vào viện tiến hành lọc máu, đặt ống thở cho bệnh nhân, đến khoảng 3 giờ sáng bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tôi thức trắng đêm theo dõi biểu hiện sinh tồn của bệnh nhân cho đến tận 12 giờ trưa hôm sau.

    Bữa trưa cũng chỉ kịp ăn vội bát cơm rồi lại tiếp tục vào viện theo dõi bệnh nhân. Đa phần các nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến 2 chưa từng gặp ca bệnh nặng như thế này, hơn nữa lại không có chuyên môn về hồi sức cấp cứu nên ê-kip chi viện của Bệnh viện Bạch Mai phải liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc cho bệnh nhân 24/24 giờ”.

    Rất may mắn chỉ sau 3 ngày bệnh nhân đã hồi phục, tiên lượng tốt, có thể cai thở máy, không cần phải lọc máu nữa. Đến hôm nay anh Hoàn và ê-kíp thật sự rất vui mừng vì bệnh nhân đã có thể đứng dậy, đi lại, mặc dù sức khỏe còn yếu.

    Làm việc liên tục cường độ cao trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, anh Hoàn và đồng đội luôn xác định không được để bất cứ người bệnh nào tử vong. “Chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 vì đã từng chinh chiến tại “chiến trường” Đà Nẵng hơn một tháng. Mặc dù có chút lo lắng nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình, không ngại khó, ngại khổ và quan trọng là luôn giữ cho mình tư tưởng thoải mái, những suy nghĩ tích cực”.

    Tâm sự thêm về câu chuyện cá nhân của riêng mình, anh Hoàn cho biết: “Đợt dịch trước tại Đà Nẵng, khi lên đường vào tâm dịch, tôi có gọi điện cho bố chứ không dám gọi cho mẹ vì sợ mẹ buồn, thế nhưng chỉ ngay sau đó mẹ tôi đã gọi lại, mẹ có đôi phần lo lắng cho tôi khi ở trong tâm dịch. Tôi an ủi, động viên mẹ, bảo mẹ đừng lo lắng, “thanh niên trai tráng như bọn con không sợ dịch bệnh đâu, bố mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng bận tâm nhiều”.

    Còn trong chuyến đi Hải Dương này, trong đầu anh Hoàn lúc đó bộn bề suy nghĩ, không biết tình hình dịch bệnh hiện tại ra sao, không biết có được về nhà để ăn Tết hay không? Trước khi lên đường anh không dám gọi điện cho bố mẹ, sau khi đã đặt chân tới nơi mới gọi điện về cho bố thông báo rằng mình đã đi Hải Dương. “Bố tôi động viên, phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tổ quốc giao cho, dặn tôi yên tâm công tác đừng lo lắng cho bố mẹ” – điều dưỡng Hoàn tâm sự.

    Kể về lần đầu ăn Tết xa nha, anh Hoàn nhớ lại: “Gần Tết bố tôi có gọi hỏi xem liệu có về nhà ăn Tết không, tôi bảo bố vì tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn đang căng thẳng, chắc Tết này con không về được. Nhà có 2 chị em, chị tôi thì lấy chồng xa, tết này không có tôi chỉ có 2 ông bà đón Tết với nhau, tôi cũng buồn, nhưng biết làm sao được khi mình vẫn còn đang dang dở công việc. Tôi có gọi điện cho chị gái, dặn chị nếu có thể thì hãy cho các cháu về chơi với ông bà để ông bà bớt cô đơn”.

    Điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Hải Dương
    Điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Hải Dương
  3. Gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Chi (91 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vào những ngày tháng tư lịch sử, đúng lúc mẹ và các con cháu đang chuẩn bị mâm cơm đặt lên bàn thờ gia tiên. Mẹ Chi bảo, mẹ tuổi cao, lại dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội nên không thể “làm giỗ” cho hai liệt sĩ là chồng và con trai mẹ đúng vào dịp 30/4 như mọi năm. Nhưng năm nay bù lại, mẹ Chi được chung tay cùng Đà Nẵng chống "giặc Virus".


    Chẳng là hôm 25/3, mẹ Chi gói ghém thật kỹ 5 triệu đồng dành dụm bấy lâu, rồi bảo con cô con gái út Trần Thị Thu (54 tuổi) nhờ Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) trao ủng hộ cho Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng) để mua sắm thêm khẩu trang y tế cho các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.


    Mẹ Chi quê gốc Thăng Bình (Quảng Nam), khi chồng hy sinh, rồi đến người con trai cả của mẹ cũng ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ nén đau thương, vẫn kiên cường cùng dân quân du kích vận chuyển lương thực, nuôi giấu Bộ đội. Nhiều lần bị giặc bắt, tra tấn dã man khiến sức khỏe dần cạn kiệt, nhưng mẹ vẫn gắng gượng một thân một mình tiếp tục nuôi những người con còn lại trưởng thành. Nay tuổi đã cao, những tưởng mẹ sẽ an nhàn, được các con phụng dưỡng lúc tuổi già nhưng nào có được yên.

    Thương con gái út có hoàn cảnh khó khăn, đứa cháu ngoại bị bệnh động kinh, mẹ Chi lại từ Quảng Nam ra Đà Nẵng san sẻ với con cháu. Thu nhập làm công của cô con gái rất thấp, nên bây giờ mấy bà cháu phải nhờ vào khoản phụ cấp nhà nước dành cho mẹ.

    Tuy vậy, hôm tối 24-3, mẹ Chi xem trên tivi thấy tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, lại nghe thông tin kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, vậy là mẹ vào tủ áo quần áo lấy chiếc bọc bằng vải. Trong đó gói cẩn thận số tiền đã dành dụm bấy lâu nay, cộng thêm được con cháu mừng tuổi vào dịp Tết vừa qua. Mẹ bảo, “khi mẹ khó khăn có Nhà nước chăm lo cho mẹ, giờ có thì mình ủng hộ lại. Mong mọi người vượt qua khó khăn này"...

    “Khi khó khăn Nhà nước lo cho mẹ, giờ mình phải ủng hộ lại”
    “Khi khó khăn Nhà nước lo cho mẹ, giờ mình phải ủng hộ lại”
  4. Một hình ảnh rất đỗi đời thường nhưng đã lay động cả cộng đồng mạng xã hội, đó chính là câu chuyện “Người vận chuyển mang sắc phục” của các chiến sĩ Công an bảo vệ mục tiêu tại khách sạn Vanda (đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng).


    Ít ai biết, sáng 22/3, trong số 36 du khách, nhân viên được hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại khách sạn Vanda còn có một bé gái chỉ 2 tuổi. Đó là cô bé Ho Wing Ki (SN 2018, quốc tịch Hồng Kông), cũng chính là nhân vật rất “đặc biệt” đằng sau bức ảnh xúc động triệu like và lượt chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua.


    9h ngày 22/3, sau 14 ngày cách ly, cánh cổng đóng chặt của khách sạn Vanda được rộng mở. Bé Ho Wing Ki được mẹ bế tìm “chú Công an” tên Tùng và cả chú “Người vận chuyển” tên Tài để cảm ơn các chú đã mua và tặng cháo miễn phí những ngày bé phải ở trong cách ly. Nhưng thật tiếc, cả Trung úy Tán Thanh Tùng và “Người vận chuyển” Trung úy Nguyễn Hữu Anh Tài (thuộc Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng) đều lỗi hẹn với bé Ho Wing Ki vì cả hai đồng chí đang được điều động tiếp tục nhiệm vụ mới trực chốt cách ly tại khách sạn Thanh Bình và Trung tâm Y tế quận Hải Châu.

    Biết hôm nay bé Ki được ra, thông qua đồng đội, hai cán bộ Công an đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến mẹ con bé, chúc Ho Wing Ki khỏe mạnh và bình an trở về Hồng Kông đoàn tụ với gia đình. Riêng Trung úy Tài và Đại úy Nguyễn Hữu Trung (Đội trưởng đội phối hợp trực gác tại chốt nóng khách sạn Vanda) còn tiết lộ vui với chúng tôi: Trong 14 ngày chốt trực tại điểm cách ly khách sạn Vanda, các anh được những người bí ẩn lặng lẽ “viện trợ” khi thì những ổ bánh mỳ nóng, sữa, rất nhiều nước trái cây và có cả những tấm chăn ấm để các anh tiếp năng lượng trong các đêm trực.


    Thông qua cả mạng xã hội, các anh xin được gửi lời cảm ơn đến tình cảm của những người dân thành phố đã dành sự quan tâm, yêu thương và ủng hộ đến các chiến sĩ Công an trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. Đâu chỉ riêng ở điểm nóng khách sạn Vanda, những ngày giãn cách xã hội này, người Đà Nẵng còn ấn tượng mãi về "Những người vận chuyển của lòng dân". Đó là cách mà người dân phường Khuê Trung gọi cán bộ chiến sĩ Công an phường Khuê Trung (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), khi các anh vào từng nhà, đi từng ngõ với những bao gạo, chở từng thùng mỳ tôm đến với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, người khuyết tật.


    Tôi được biết, chương trình "Chung tay hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh COVID-19" của Công an phường Khuê Trung đã vận động được hơn 1 tấn gạo, 200 thùng mỳ tôm, 600 cái khẩu trang vải và 200 hộp xà phòng để phát cho hàng trăm hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Hành động và nghĩa cử vô cùng đẹp của các chiến sĩ Công an phường Khuê Trung như tiếp thêm sức mạnh, giúp người dân yên tâm đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.


    Còn có câu chuyện của Đại úy Lê Nhật Bão - anh CSKV Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đi xin gạo, mỳ tôm, trứng hỗ trợ người nghèo giữa mùa dịch COVID-19 được nhiều người, đặc biệt cộng đồng mạng hết lòng ủng hộ, khen ngợi.


    Sáng 10/4, Lê Nhật Bão vừa cùng đồng đội trao 6 suất quà cho lực lượng bảo vệ dân phố, 30 suất quà cho các hộ nghèo. Ngoài ra, anh còn tặng thêm 100kg gạo đến 20 hộ dân, nhờ Tổ trưởng Tổ dân phố đến phát tận nhà tại các khu cư Tân An A3, Tân An A4, phường Chính Gián…


    Giữa tâm dịch COVID-19, bên cạnh những thông tin nóng về tình hình dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông, thì hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ CSKV, CSGT, đoàn viên thanh niên Công an TP Đà Nẵng xuất hiện khắp nơi: Từ trên các chuyến xe khách chuẩn bị xuất bến rời thành phố; ở cảng cá Thọ Quang có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân neo đậu, vào ra; tại các khu phố Tây, phố du lịch Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu; các điểm di tích, văn hóa khu vực trung tâm có đông du khách nước ngoài; và tại hầu hết các điểm tiếp công dân của Công an các xã, phường trên địa bàn… để tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh và phát khẩu trang miễn phí là hình ảnh đẹp và ý nghĩa nhất nhận được sự quan tâm, khen ngợi của người dân, du khách và cả cộng đồng mạng.

    Ảnh minh hoạ
    Ảnh minh hoạ
  5. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an... đã rời xa gia đình, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ đã không thể về nhà để chịu tang.


    Mạng xã hội ngày 16-5 đã chia sẻ những hình ảnh nhói lòng về một trung sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 nén đau thương vì mẹ mất nhưng không về nhà chịu tang được.


    Trước đó, ngày 15-5, trung sĩ Phùng Minh Phục - công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An - hay tin mẹ đột ngột qua đời. Do tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp nên anh đành nén đau thương ở lại khu cách ly để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.


    Biết được sự việc này, chỉ huy đơn vị đã chấp thuận cho trung sĩ Phục lập bàn thờ mẹ tại khu cách ly phòng chống dịch để anh và đồng đội bái vọng người đã khuất.


    Trước đó vài ngày, khu cách ly tại Trung đoàn 738 tiếp nhận 43 người nhập cảnh từ Mỹ. Trung sĩ Phục là 1 trong 5 chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây, trực tiếp tiếp xúc 43 công dân này.


    Hình ảnh trung sĩ Phùng Minh Phục chịu tang mẹ khi đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly được đưa lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng dâng trào cảm xúc. Nhiều người đã để lại những lời động viên kèm theo lời chúc sức khỏe, mong anh hoàn thành nhiệm vụ, sớm trở về nhà.

    Trung sĩ Phùng Minh Phục bên di ảnh mẹ - Ảnh từ mạng xã hội
    Trung sĩ Phùng Minh Phục bên di ảnh mẹ - Ảnh từ mạng xã hội
  6. Mạng xã hội ngày 15-5 cũng xuất hiện một bài viết đầy cảm xúc của nữ bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chia sẻ về chuyện đau lòng của những đồng nghiệp:

    Thứ 7, ngày thứ 10 cách ly. Các bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa?


    "Tôi của ngày hôm nay đấy!

    Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…


    Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin một điều dưỡng bị một bệnh nhân Ccovid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ấy cung cấp số điện thoại của giám đốc bệnh viện và bạn ấy đang cố giải thích là không có và chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa. Nghĩ đến một nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…


    Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…


    Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…


    Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?


    Gần 1 tháng qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an... đã rời xa gia đình và người thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Không ít người đã kiệt sức, ngất xỉu sau cả ngày làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ cũng không thể về nhà để thọ tang..."

    Khoa Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh rạng sáng ngày 15/5
    Khoa Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh rạng sáng ngày 15/5
  7. Trong số những y, bác sỹ trực tiếp điều trị các ca bệnh do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, có trường hợp nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên phải nén nỗi đau mất mẹ để ở lại bệnh viện cùng thực hiện nhiệm vụ chống COVID-19. Câu chuyện của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên lan tỏa thông điệp cao cả về sự hy sinh những người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.


    Ngày mà 7 trong số 9 bệnh nhân đang điều trị dịch COVID-19 của tỉnh Bình Thuận đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu sau hơn nửa tháng được điều trị, chăm sóc đáng lẽ là một ngày vui của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên, thế nhưng tin mẹ chị qua đời như sét đánh ngang tai khiến chị đau khổ cùng cực. Dẫu biết rằng quy luật sinh, lão, bệnh, tử là điều khó tránh, nhất là khi mẹ chị Liên tuổi đã gần 90, lại bị tai biến nằm liệt giường hơn 5 năm, thế nhưng khi hay tin thì chị Liên cũng không khỏi bàng hoàng:


    "Tôi thấy rất là đột ngột. Tại vì trước khi tôi vào Khoa Truyền nhiễm để chống dịch thì thấy sức khoẻ bà cũng bình thường, rồi ăn uống cũng bình thường. Nhưng mà trong thời gian 20 ngày thì nghe tin mẹ mất. Tôi rất là đau vì không thể về nhìn thấy mặt mẹ".


    Nỗi đau mất mẹ khó ngôn từ nào tả hết, nhưng với trường hợp của chị Liên, đau đớn nhất chính là việc không thể về chịu tang mẹ giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành. Ngay trong đêm nhận hung tin, Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cùng các đồng nghiệp đã gửi lời chia buồn đến chị Nguyễn Thị Liên. Chị như chết lặng trong những giọt nước mắt lăn dài trong nhiều giờ liền.


    Giữa khuya, nữ điều dưỡng quyết định nợ tang mẹ để ở lại cùng 20 đồng nghiệp Khoa Truyền nhiễm chống dịch. Đây là việc cần phải làm để ngăn ngừa rủi ro lây lan dịch bệnh vì chị Liên là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân. Cố nén đau thương, chị Nguyễn Thị Liên bày tỏ quyết tâm cùng các đồng nghiệp chống dịch, không để phát sinh những ca nhiễm mới, cố gắng hết sức điều trị cho những người nhiễm bệnh: “Mong muốn lớn nhất của tôi là bệnh nhân sớm hồi phục để tôi được về mặc áo tang, thắp nhang cho mẹ”.

    Nữ điều dưỡng ở Bình Thuận không về chịu tang mẹ vì chống dịch
    Nữ điều dưỡng ở Bình Thuận không về chịu tang mẹ vì chống dịch
  8. Ngày 2/4 vừa qua, Trung úy Nguyễn Đình Thông - Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị được tin cha ruột ở quê qua đời vì bạo bệnh. Dù rất mong muốn được về quê chịu tang cha nhưng vì nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 đang ở thời kỳ cao điểm, Trung úy Thông đành nén đau thương, ở lại đồn tiếp tục nhiệm vụ.


    Do không thể về quê nhìn mặt cha lần cuối, Trung úy Thông chỉ biết bái gập đầu tiễn biệt cha từ phương xa. Được sự đồng thuận từ Bộ Chỉ huy BĐBP Long An, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã giúp anh Thông lập bàn thờ vọng ngay Chốt kiểm soát để anh và đồng đội bái vọng.


    Theo Trung úy Thông, cha đã bị bạo bệnh từ lâu nhưng không ngờ cha lại ra đi đột ngột như vậy. Chỉ cách đây mấy ngày, Trung úy Thông có nói chuyện qua điện thoại với cha và hứa khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ xin về thăm cha. Lần gặp cha cuối cùng của Trung úy Thông là dịp Tết Nguyên đán vừa qua.


    "Nhận được tin cha qua đời đột ngột, bản thân lại là con trai trưởng trong gia đình, tôi thật sự rất buồn. Trong lòng muốn được về nhìn bố lần cuối, nhưng vì nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đang trong giai đoạn quyết định, tôi chỉ biết tiễn biệt bố từ xa. Giờ đây, chỉ mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh để xin phép đơn vị về nhà thắp hương", Trung úy Thông ngậm ngùi.


    Trung úy Thông quê tại xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha anh cũng là cán bộ biên phòng nên từ nhỏ anh đã ước mơ được đứng trong hàng ngũ bộ đội biên phòng như cha mình. Năm 2018, anh tốt nghiệp và được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Thạnh Trị với cương vị là Đội trưởng Đội Vũ trang. Anh nhận công tác chưa lâu thì cha mắc bệnh, do công việc đặc thù nên anh cũng ít có dịp về thăm gia đình.

    Chiến sĩ biên phòng không thể về chịu tang cha vì COVID-19
    Chiến sĩ biên phòng không thể về chịu tang cha vì COVID-19
  9. "Hôm trước Tết Canh Tý 2020, chúng em ra TP. Lào Cai. Tính mãi mới dám mua bộ vest chú rể 2,5 triệu đồng và mới mặc chụp hình cưới”.


    Thượng úy Triệu Văn Hùng, Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn biên phòng Y Tý (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai) kể vậy, trước khi tâm sự về chuyện “hoãn cưới”. Hùng năm nay 32 tuổi nhưng với bà con ở xã Hy Cương, TP.Việt Trì (Phú Thọ) thì thuộc diện “chậm duyên”, nên cứ khi nào cậu từ trên biên giới về, ai cũng qua động viên... lấy vợ.


    Nói vậy thôi chứ người dân trong xã Hy Cương biết Hùng nặng gánh lắm. Bố anh là ông Triệu Việt Thanh (54 tuổi) làm công nhân ở Nhà máy giấy Bãi Bằng, lương mỗi tháng chỉ trên 4 triệu đồng. Mẹ anh là bà Nguyễn Thị Sâm (56 tuổi) bị suy thận cấp, thường xuyên xuống nằm điều trị tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư ở Hà Nội nên việc thuốc thang cho mẹ và nuôi em gái Triệu Thanh Trang (20 tuổi) đang học Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đều trông vào đồng lương thượng úy của Triệu Văn Hùng.


    Năm 2009, Triệu Văn Hùng thi đại học và trúng tuyển vào Học viện Biên phòng. Năm 2013, Hùng tốt nghiệp, vào BĐBP tỉnh An Giang công tác đến năm 2016 mới hết thời hạn tăng cường, ra nhận nhiệm vụ tại BĐBP Lào Cai.


    Tháng 8/2019, Hùng quen và yêu cô giáo Sầm Hải Yến (26 tuổi, người dân tộc Giáy ở xã Mường Hum, H.Bát Xát, Lào Cai) đang dạy tại điểm trường mầm non Dền Thàng (H.Bát Xát). Tết Nguyên đán vừa qua, 2 người quyết định tổ chức đám cưới và Hùng báo cáo cấp trên, thống nhất với hai bên gia đình chọn ngày cưới là 28/4.


    "Năm 2019, em đã không được nghỉ phép, dự định dịp cưới sẽ xin nghỉ bù", Hùng nói vậy và kể: "Hai vợ chồng cách nhau gần 50km, nên đã thuê căn phòng 13m2 ở Mường Hum cho vợ ở riêng. Căn phòng chỉ có 1 chiếc giường khiến cô giáo Sầm Hải Yến sốt ruột: "Anh tranh thủ về mua chăn drap gối nệm". Những lúc ấy, thượng úy Hùng lại phải dỗ dành: "Đang chống dịch rất căng thẳng. Các anh lớn tuổi mà mấy tháng nay chưa được về nhà. Mình còn trẻ, không vì chuyện của 2 đứa mà ảnh hưởng đến việc chung".


    Trước hôm gọi điện về quê Phú Thọ và bố mẹ vợ ở Bát Xát xin được hoãn tổ chức đám cưới, Hùng suy nghĩ nhiều lắm. Gì thì mọi thứ cũng chuẩn bị xong. Nhẫn cưới đã mua. Ảnh cưới vừa chụp. Hai bên gia đình háo hức chuẩn bị lợn gà cho 50 - 70 mâm cỗ mời bà con họ hàng làng xóm...


    Thế nhưng dịch bệnh này, tập trung đông người vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa trái với chỉ đạo cấp trên, và nhất là không đúng vai trò bộ đội “đầu tàu gương mẫu”. Thật may, gia đình hai bên đều đồng ý với nguyện vọng đôi trẻ.


    “Các cụ giờ cứ gọi điện dặn em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn tốt sức khỏe để sau này có... thằng cu”, Thượng úy Triệu Văn Hùng cười và thì thầm: “Ngày 28/4 này, em sẽ xin chỉ huy đồn cho nghỉ vài tiếng đồng hồ, chạy xuống chỗ vợ đưa ra UBND xã làm đăng ký kết hôn. Thế là thành vợ chồng. Còn nghi lễ, bảo với cô ấy: Hết chiến dịch anh về cưới em!”.

    Ảnh cưới của Thượng úy Triệu Văn Hùng và cô giáo Sầm Hải Yến
    Ảnh cưới của Thượng úy Triệu Văn Hùng và cô giáo Sầm Hải Yến
  10. Hoàn cảnh mất mẹ của chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đang công tác tại Trung đoàn 29, Sư đoàn BB 307 (đóng quân tại xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khiến nhiều người xúc động thương cảm.


    Đại úy Nguyễn Hữu Thi – Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29 cho hay, mọi người đã lập bàn thờ, đặt di ảnh mẹ của Hoàng trong một gian phòng của đơn vị để đồng chí Hoàng có thể thắp hương bái vọng mẹ qua đời tại quê nhà.


    “Vào tối 16.5, Hoàng nhận tin giữ từ quê nhà báo mẹ của đồng chí đã mất. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi Hoàng đang tham gia khóa huấn luyện chiến sĩ mới nên cậu ấy không thể về quê chịu tang. Chia sẻ nỗi đau mất mẹ, các chiến sĩ thay phiên động viên, an ủi Hoàng và quyết định lập bàn thờ để Hoàng bái biệt mẹ lần cuối" - Đại úy Thi nói.


    Đại úy Thi thông tin thêm, Hoàng được sinh ra và lớn lên ở xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Gia đình Hoàng có 2 anh em trai, Hoàng là con trai lớn.


    Nén niềm đau riêng để đặt an toàn phòng chống dịch của cộng đồng lên trên hết, Hoàng nghẹn ngào chia sẻ, nhiều năm qua, để có tiền nuôi Hoàng và người em (9 tuổi) ăn học, ba mẹ phải lăn lộn kiếm cơm bằng nghề thợ hồ khổ nhọc. Tuy nhiên, tai ương bất ngờ giáng xuống gia đình của Hoàng khi bà Lê Thị Hồng L. (mẹ Hoàng) bị tai nạn trong lúc làm việc vào năm 2015, dẫn đến mất hẳn sức lao động. Trớ trêu hơn khi đến năm ngoái (2020), gia đình tiếp tục đón nhận hung tin khi mẹ Hoàng mắc thêm căn bệnh hiểm nghèo và phải hóa trị.


    "Trước đêm mẹ mất, nhận tin mẹ chuyển biến xấu và được lãnh đạo đơn vị cho gọi video với mẹ nhưng lúc này mẹ không nói chuyện được nữa. Em chỉ mong sớm hết dịch để được về quê viếng mẹ. Em cũng cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ đã tạo điều kiện để em thắp nhang ở đơn vị” - Hoàng nói.

    Lập bàn thờ ở đơn vị để chiến sĩ vái vọng mẹ mất ở quê nhà
    Lập bàn thờ ở đơn vị để chiến sĩ vái vọng mẹ mất ở quê nhà




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |