Top 10 bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè và cách phòng tránh
Khí hậu nóng và độ ẩm cao của mùa hè khiến các bệnh ngoài da thường tăng mạnh so với các mùa khác. Các yếu tố nắng, nóng cộng với môi trường khói bụi bẩn… gây ... xem thêm...kích thích lên da dễ làm da bị tổn thương và là cơ hội cho các bệnh về da phát triển. Hãy cùng Toplist liệt kê những bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè thông qua bài viết dưới đây nhé!
-
Sạm da là tình trạng các tế bào sắc tố tăng, sản sinh hắc tố melanin tại một số vùng nhất định trên da. Nó làm xuất hiện những nốt hay mảng da đậm màu, đen hoặc tương phản rõ rệt so với những vùng da bình thường xung quanh. Vùng da bị sạm thường đi kèm với hiện tượng khô, sần, thiếu sức sống và nhanh bị lão hóa. Vào mùa hè, với sự hoạt động mạnh của các tia cực tím và ánh nắng gay gắt sẽ khiến cho làn da của chị em phụ nữ bị hủy hoại.
Để tránh bị sạm da, chị em phụ nữ nên lưu ý khi đi ra ngoài trời. Đặc biệt là khi trời nắng nóng, phải che chắn cẩn thận, tránh không để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng các biện pháp như: Dùng kem chống nắng, đeo kính râm, dùng áo chống nắng và mũ...
-
Da có nhiều lỗ nhỏ chứa nang lông và tuyến bã nhờn. Tuyến bã nhờn tiết ra chất dầu, còn gọi là bã nhờn. Nó có vai trò giữ ẩm lớp da ngoài. Khi bã nhờn và tế bào da chết đọng lại ở lỗ chân lông và hình thành nang lông. Chúng có thể trở thành nang hoặc mụn có nhân đầu đen hoặc trắng. Nếu bị bít ở lỗ chân lông, vi khuẩn sẽ nhân lên và có thể dẫn đến sưng đỏ, viêm và thành nốt mụn có mủ- gọi là trứng cá. Mặc dù, trứng cá thường gặp ở thanh thiếu niên nhưng trên thực tế bất kỳ ai cũng có thể bị trứng cá ở mặt, vai, lưng, mông và ngực. Nhìn chung, trứng cá xuất hiện ở vùng có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh nhất.
Để phòng tránh bị mụn trứng cá vào mùa hè thì chúng ta nên vệ sinh sạch sẽ khuôn mặt. Mỗi lần đi ngoài đường về nên rửa mặt sạch sẽ bằng sữa rửa mặt phù hợp. Lưu ý không dùng tay sờ nặn mụn sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện phát triển mạnh hơn. Ngoài ra, nên hạn chế ăn cay nóng, dùng chất kích thích và thức khuya quá nhiều.
-
Lang ben là một căn bệnh ngoài da do vi khuẩn nấm gây nên. Bệnh thường gặp ở những người chơi thể thao vì họ hay ra nhiều mồ hôi và những người làm việc trong môi trường nóng ẩm. Khi bị bệnh, người bệnh đa phần thường cảm thấy ngứa nhẹ (gần như 100%) nhất là khi đổ mồ hôi; cảm thấy bị rát da. Các trường hợp da bị giảm sắc tố (màu trắng) chiếm đa số. Ngoài ra da cũng có thể bị sậm hơn. Thời gian bị bệnh càng lâu thì càng khó chữa. Tỉ lệ mắc bệnh lại sau 1 năm thường cũng khá cao (20%). Bệnh lang ben có biểu hiện là trên bề mặt da người bệnh có vẩy mịn. Vị trí thường bị bệnh là vùng cổ, ngực, mặt, lưng, đùi...
Để phòng bệnh hiệu quả cần vệ sinh da thường xuyên, sạch sẽ, không nên mặc quần áo quá chật hay quần áo ẩm ướt. Vì đây là một căn bệnh truyền nhiễm nên lưu ý không dùng chung đồ dùng cá nhân, chăn gối, quần áo, khăn tắm... với người khác, nhất là người bệnh.
-
Ghẻ là bệnh ngoài da có thể lây nhiễm, do kí sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis gây ra. Biểu hiện của người mắc bệnh này là luôn cảm thấy ngứa, đặc biệt là về đêm. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: Nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
Để phòng bệnh, cần chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày và vệ sinh màn, chăn gối, đồ dùng cá nhân sạch sẽ. Khi phát hiện có bệnh, cần cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác, tuyệt đối không dùng chung đồ với người bệnh.
-
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Herpes là Varicella Zoster gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn. Mùa xuân thời tiết ẩm nồm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Biểu hiện rõ rệt của thủy đậu là những mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, ngay cả trong niêm mạc lưỡi và miệng. Triệu chứng đầu tiên khi bị bệnh là người bệnh rất mệt mỏi, đau đầu, sốt cao, trên người nổi các nốt phỏng màu hồng có nước bên trong. Các nốt phỏng sẽ gây ngứa ngáy khó chịu khắp người, tuyệt đối không làm tổn thương những vết phỏng sẽ để lại sẹo.
Để tránh bị bệnh, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra, để phòng tránh bệnh một cách chủ động, chúng ta cần tiêm phòng vắc xin. Với những người đã bị thủy đậu thì không cần tiêm vắc xin nữa vì đã có kháng thể có tác dụng bảo vệ suốt đời.
-
Khi thời tiết nóng bức, hoạt động, làm việc, học tập khiến bạn tiết ra mồ hôi khá nhiều, điều này dẫn đến bệnh viêm tuyến mồ hôi. Viêm tuyến mồ hôi thường xuất hiện sâu trong da xung quanh các tuyến dầu và các nang tóc.Viêm tuyến mồ hôi mưng mủ là bệnh mãn tính gây tích tụ mủ và để lại các vết thương trên da. Sự xuất hiện của mụn đầu đen và các khối u mọng nước là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Khi bệnh trở nên trầm trọng hơn, các khối u này sẽ phát triển và chảy mủ. Triệu chứng ban đầu của bệnh là đau nhức tại vùng viêm và lân cận, khi nặng hơn sẽ gây viêm nhiễm nặng và xuất hiện mủ.
Cách điều trị nhanh nhất là đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Đồng thời cũng luôn giữ cho cơ thể mình sạch sẽ và mặc những bộ quần áo thoáng mát để hạn chế mồ hôi trên cở thể.
-
Bệnh chốc (impetigo) là một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da. Đặc trưng bệnh xuất hiện mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Thuật ngữ chốc hóa (impetiginisation) được dùng để chỉ các nhiễm trùng nông thứ phát của một vết thương hoặc một tình trạng da nhất định. Khi thương tổn loét sâu được gọi là chốc loét (ecthyma). Bệnh chốc là căn bệnh thường gặp ở trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, và hay gặp vào mùa hè. Biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh là trên người trẻ sẽ xuất hiện những nốt mụn, gây đau và ngứa, sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy, thường xuất hiện ở vùng mặt, nhất là quanh mũi và miệng. Bệnh dễ lây và thường có nguyên nhân do vi khuẩn.
Để phòng bệnh chốc da cho trẻ em, giữ vệ sinh sạch sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cha mẹ nhớ thay quần áo cho con mỗi ngày, thường xuyên cắt móng tay móng chân sạch sẽ. Ngoài ra, tránh ở những nơi ẩm thấp vì có nhiều vi khuẩn gây bệnh. Thêm nữa, nên cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung nhiều rau xanh để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch hiệu quả.
-
Về mùa hè thường gặp các tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng hoặc viêm da dị ứng do côn trùng đốt. Khi bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng, da thường bị đỏ lên, ngứa, sau đó có thể xuất hiện một số mụn nước, mụn mủ nhỏ tại vùng da tiếp xúc. Điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng thường dùng các loại kem kết hợp corticoid và kháng sinh như: Fucidin H, flucicort. Khi bị côn trùng đốt, da sẽ đỏ, sưng phù và ngứa nhiều. Điều trị dùng thuốc kem, mỡ corticoid nhẹ và vừa như hydrocortisone, betamethasone.
Ngoài các dạng viêm da ở trên, còn gặp viêm da dị ứng thực vật- ánh sáng. Nguyên nhân do tiếp xúc với một số loài thực vật sau đó phơi nhiễm với ánh nắng tạo thành phản ứng da. Biểu hiện đầu tiên có thể hơi đỏ, ngứa sau khi tiếp xúc với cây cỏ da trở nên sẫm màu và sạm da. Điều trị ở giai đoạn đầu thường dùng thuốc làm dịu da, mát da và kem corticoid nhẹ, sau đó kết hợp kem chống nắng.
-
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước hoặc trong khi sinh.
Điều đáng lưu ý là một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần. Do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét.
-
Bệnh ban đỏ ảnh hưởng đến một số nhỏ bệnh nhân bị viêm vòm họng hoặc nhiễm trùng liên cầu da. Vi khuẩn thường lây lan qua việc ho hoặc hắt hơi của người bệnh. Bệnh cũng có thể được lây lan khi một người chạm vào một đối tượng có những vi khuẩn trên đó và sau đó lại chạm vào miệng hoặc mũi của mình. Các vết ban nổi bật là do chất độc erythrogenic, được một số loại vi khuẩn tạo ra. Chẩn đoán bệnh này thường được xác nhận bằng cách lấy mẫu vi khuẩn vòm họng.
Trẻ mắc bệnh ban đỏ có biểu hiện sốt nhẹ, khó chịu, xuất hiện những mảng đỏ từ 1- 4 ngày ở mặt rồi ban lan xuống cánh tay, toàn thân và chân. Thời gian bị bệnh từ 5- 14 ngày. Điều trị bệnh ban đỏ chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung đủ nước và thuốc giảm đau (nếu bé bị sốt không dùng aspirin, không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi). Nếu mẹ đang mang thai trong thời gian con bị bệnh ban đỏ nên khám bác sĩ.