Top 10 Bài văn viết về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ khiến em xúc động nhất
Chúng ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về đó chính là gia đình. Nhắc đến gia đình, không thể nào không nhắc đến hình ảnh người mẹ thân ... xem thêm...yêu tần tảo sớm hôm, người bố vất vả tần tảo vì con cái. Dưới đây là những bài viết về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ khiến em xúc động nhất:
-
Đọc bài thơ "À ơi tay mẹ", em thấy vô cùng xúc động trước tình thương bao la của mẹ. Mượn hình ảnh "bàn tay mẹ" cùng lời ru "à ơi", nhà thơ Bình Nguyên đã khắc họa chân thực hình bóng người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó.
Trước hết, em cảm nhận được tấm lòng, đức hi sinh cao cả của mẹ. Đứng trước giông tố cuộc đời, mẹ dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình để che chở, bảo vệ con "Bàn tay mẹ chắn mưa sa/ Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.". Khi khó khăn qua đi, bàn tay mẹ lại dịu dàng, vỗ về con vào giấc ngủ say nồng. Trong đôi mắt mẹ, con giống như "cái trăng vàng", "cái trăng tròn", "Mặt Trời bé con". Mẹ luôn coi con là nguồn sống, là ánh sáng sưởi ấm trái tim mình. Vì thế, mẹ sẵn sàng làm mọi thứ để con được hạnh phúc, bình yên và vui vẻ. Dù sau này con lớn khôn, trưởng thành thì mẹ vẫn nguyện thức một đời hát ru "Mai sau bể cạn non mòn/ À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru". Từ đây, em đã thấu hiểu hơn nữa về nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người mẹ vĩ đại.
Bên cạnh đó, em càng thêm yêu mến, xúc động bởi tấm lòng yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ trong "À ơi tay mẹ". Người mẹ ấy đã làm tất cả mọi thứ để con có cuộc sống vui vẻ. Trước khó khăn, vất vả, bàn tay mẹ vẫn chăm chỉ làm lụng, chắt chiu mọi thứ từ chính những dãi dầu. Mẹ dành cho con bao điều tốt đẹp, thơm ngọt của cuộc đời mà chẳng hề giữ lại riêng mình "Ru cho đời nín cái đau/ À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình".
Bằng lời thơ tha thiết, dạt dào cảm xúc, hình ảnh gần gũi, giản dị, nhà thơ đã đem đến cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Để rồi, mỗi khi nhắc tới bài thơ, người đọc sẽ không thể nào quên bóng dáng người mẹ lam lũ, giàu tình thương. Qua đây, nhà thơ cũng khéo léo nhắc nhở mỗi người cần phải biết yêu mến, kính trọng bậc sinh thành.
-
Bài thơ “Những cánh buồm” đã giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh người cha với tình yêu thương sâu sắc dành cho con.
Mở đầu, tác giả đã khắc họa hình ảnh của người cha cùng với đứa con của mình:
“Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch”
Dưới ánh mặt trời rực rỡ, nước biển trong xanh, người cha đang dắt con đi trên cát. Hình ảnh đối lập nhưng lại thật dễ thương. Bóng cha thì dài lênh khênh, còn bóng con thì tròn chắc nịch. Đó chính là sự khác biệt giữa hai thế hệ, người cha đã trưởng thành, còn đứa con vẫn bé bỏng.
“Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới”
Sau trận mưa đêm, cát càng trở nên mịn, còn biển càng xanh hơn. Thiên nhiên trở nên rực rỡ, sức sống hơn. Người cha dắt con đi dưới cát, lắng nghe tiếng bước chân của con mà lòng cảm thấy vui tươi, phơi phới. Những câu hỏi của đứa con thơ đã khiến cho cha nhớ đến hình ảnh của mình trong quá khứ:
“Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
Người cha đã kiên nhẫn giải thích cho con hiểu về thế giới rộng lớn ngoài kia. Có thể thấy được ở đây tình yêu thương sâu sắc của người cha dành cho đứa con của mình.
“Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con."
Hình ảnh người cha dắt con đi được lặp lại một lần nữa, cho thấy sự gắn bó của hai cha con. Đồng thời, chúng ta có thể cảm nhận được người cha đang cảm thấy bồi hồi, hạnh phúc khi gặp lại chính mình trong ước mơ của con. Lời của con hay cũng chính là tiếng lòng của cha khi còn là một cậu bé cũng từng mong ước như đứa con của mình. Những ước mơ chưa thể thực hiện của người cha nay được gửi gắm trong con.
Bài thơ Những cánh buồm thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Hình ảnh người cha hiện lên trong bài với những tình cảm yêu thương sâu sắc dành cho đứa con của mình.
-
Hình ảnh người cha trong bài thơ "Mưa" của nhà thơ Trần Đăng Khoa để lại trong em ấn tượng khó phải. "Mưa" là bài thơ tả cảnh độc đáo với câu từ đơn giản dễ nhớ nhưng lại giúp khắc họa hình ảnh người cha mạnh mẽ, vĩ đại.
Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh vạn vật đất trời bị biến đổi bởi cơn mưa rào bất chợt. Hình ảnh miêu tả về thời tiết trong bài thơ cho thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên "ông trời - mặc áo giáp đen; gió cuốn - cuồn cuộn; chớp - rạch ngang trời; sấm - cười khanh khách". Thiên nhiên cũng được nhân cách hóa giống như con người, điều này dường như thể hiện sự trêu đùa của thiên nhiên với con người và vạn vật.
Và nổi bật trên cái phông nền nghiêng ngả, hối hả vì mưa của mọi vật trong bài thơ, hình ảnh con người hiện lên thật đẹp. Hình ảnh con người trong bài thơ được thể hiện qua hình ảnh "Bố em đi cày về" xuất hiện ở phía cuối bài thơ:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa
"Bố em" chỉ là một người nông dân bình thường nhưng qua câu thơ trên người bố bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường. Bố có thể "Đội sấm", "đội chớp", "đội cả trời mưa". Ba ý thơ được tách riêng thành ba dòng, điệp từ "đội" được lặp lại ba lần, điều đó vừa thể hiện cái dữ dội của trời mưa vừa bộc lộ tư thế hiên ngang của người cha. Ông đi cày về, trên vai còn vác chiếc cày, bàn tay còn dắt con trâu; hình ảnh ấy bước ra từ cái dữ dội, ì ầm đáng sợ của cơn mưa rào. Đó là hình ảnh người nông dân có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của người con, người cha đi cày quả là hình ảnh của một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kỳ vĩ.
Người bố trong bài thơ "Mưa" còn là đại diện cho hình ảnh con người trước sự dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên. Cơn mưa ập xuống, tất cả vạn vật biến đổi: mía nghiêng ngả, kiến rời tổ, mối vỡ tổ,… Chỉ duy con người vẫn vững vàng với công việc khai thác, chinh phục tự nhiên, bắt tự nhiên phải phục vụ mình (đi cày).
-
M. Gorki đã từng viết:
“Trời không ánh sáng hoa nào nở
Dạ vắng yêu đương dạ những sầu
Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ
Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”
Có thể thấy, người mẹ có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Cũng viết về người mẹ, bài thơ “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của người mẹ. Trong một chiều đông, người con về thăm mẹ sau nhiều năm xa cách. Khi nhìn thấy những sự vật đã rất quen thuộc, con nhớ đến bóng dáng của mẹ:
“Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi”
Hình ảnh khói bếp đã rất quen thuộc, thường gắn bó với người bà người mẹ. Họ thường xuyên phải lo lắng công việc bếp núc trong gia đình. Người con nhìn căn bếp chưa lên khói, thì hiểu rằng mẹ không có nhà. Điều đó khiến cho nỗi nhớ mẹ càng sâu sắc. Những đồ vật đã gắn bó với mẹ suốt bao năm tháng hiện ta trước mắt con:
“Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm
Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con”
Người mẹ tần tảo sớm hôm, lo lắng cho mọi thứ một cách chu toàn. Mẹ chăm sóc để đợi ngày con trở về thưởng thức. Đó chính là tấm lòng giàu đức hy sinh, cả cuộc đời chỉ biết lo nghĩa cho con của mẹ. Hai câu thơ cuối cho thấy tình cảm của nhà thơ dành cho người mẹ của mình. Người con ngồi trên hiên nhà vắng, thơ thẩn vào ra gợi sự bồi hồi khi nhìn thấy những đồ vật quen thuộc mẹ vẫn thường dùng, mong ngóng mẹ trở về:
“Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày”
Sự xúc động đến nghẹn ngào đã bày tỏ một tấm lòng yêu thương da diết của người con. Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn” đó là những chuyện giản đơn thường ngày - ngôi nhà do mẹ một tay vun vén, sự hy sinh mẹ dành cho con.
Bài thơ “Về thăm mẹ” đã giúp người đọc thấu hiểu được những nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Từ đó, chúng ta thêm yêu thương và trân trọng những người mẹ nhiều hơn.
-
“Mây và sóng” là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Ta-go nói về tình mẫu tử thiêng liêng. Cả bài thơ như lời thủ thỉ của em bé đang kể cho mẹ nghe về những cuộc vui rong chơi của mình ở trên bầu trời.
Bài thơ là một câu chuyện về một cậu bé trước lời mời gọi của mây và sóng mẹ bé muốn đi chơi muốn được hòa mình vào biển vào sóng vào mây cùng các bạn cùng trang lứa để được đi chơi với thế giới diệu kỳ ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từ chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào sánh bằng với niềm hạnh phúc được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia rất nhiều điều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”.
Nhưng con biết một trò chơi hay hơn trò ấy
Con sẽ là sóng, mẹ sẽ là một bờ biển lạ lùng.
Con sẽ lăn, lăn, và vỗ vào gối mẹ, cười vang.
Và không một ai trên cõi đời này biết nơi đâu mẹ con ta đang ở
Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở cho em. Hình ảnh bến bờ rộng mở lăn mãi rồi sẽ cười vỡ tan được ví như hình ảnh người mẹ luôn vỗ về con thơ. Mẹ mang đến hạnh phúc cho con và chỗ dựa cho cuộc đời con. Tình mẹ con trong bài thơ thật sâu đậm và đó cũng chính là vẻ đẹp vĩnh hằng của tình mẫu tử. Dù thế gian có như thế nào thì tình mẹ con vẫn mãi muôn đời vẫn tồn tại theo thời gian vẫn hiển hiện trong không gian rộng lớn và mãi mãi bất diệt. Đó chính là ý nghĩa chủ đạo của bài thơ.
Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại chính là để bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng điêu luyện những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng trong bài thơ. Bài thơ "Mây và sóng" chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
-
Có rất nhiều bài thơ viết về hình ảnh người mẹ. Đôi khi đó là vẻ đẹp dịu dàng, tình yêu thương con. Đôi khi lại là sự tảo tần, giản dị hay thậm chí là khó nhọc khiến cho người đọc day dứt không nguôi. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương đã để lại trong lòng tôi sự xúc động sâu sắc như thế. Người mẹ trong bài thơ với những chuyện giản đơn thường ngày, tưởng như không có điều gì to tát mà lại khiến tôi ngẫm ngợi không thôi.
Chắc chắn hình ảnh người mẹ tảo tần, hay những sự cơ cực của mẹ đã xuất hiện nhiều trong văn học. Vậy đâu là nét đặc sắc của bài thơ Về thăm mẹ? Đó là hình ảnh người mẹ không thể hiện trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua những công việc mẹ làm hay nói cách khác, hình ảnh người mẹ hiện lên gián tiếp qua cái nhìn của người con. Cả bài thơ không có lấy một lời nói hay hành động trực tiếp nào của người mẹ vì ngay đầu bài thơ, chủ thể trữ tình đã cho biết: “Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà”.
Những hình ảnh trong bài thơ cho ta thấy người mẹ ở đây là người mẹ của nông thôn. Từ những chum tương, nón mê, áo tơi đến đàn gà, trái na cuối vụ đã khẳng định điều đó.
Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
Chiều đông mà mẹ không có nhà. Vậy mẹ đi đâu? Không ai có thể chắc chắn điều đó. Người đọc, dựa trên văn bản thơ chỉ có thể biết rằng người mẹ đang vắng mặt. Dù vắng mặt, người mẹ vẫn hiện lên gián tiếp qua cái nhìn của người con. Trời mưa thì chum tương mẹ đã đậy rồi. Điều đó thể hiện cho sự cẩn thận, chu đáo của người mẹ trước khi ra khỏi nhà. Những nón mê – dầm mưa, những áo tơi lủn củn khoác hờ người rơm, hay cả đàn gà vào ra quanh một cái nơm hỏng vành lại thể hiện một cuộc sống bình thường, giản dị. Chủ nhân của căn nhà này là người hay tận dụng những đồ đã cũ. Việc tận dụng vẫn là điều thường thấy trong mỗi chúng ta. Nhưng có lẽ, ở tuổi đã không còn đứng bóng, đã là lúc cần nghỉ ngơi mà người mẹ vẫn phải làm lụng, vẫn phải tiết kiệm, chắt chiu và đặc biệt là hình ảnh chiều đông cùng cơn mưa đã gây nên xúc cảm mạnh mẽ trong người con. Cuộc sống giản dị, tiết kiệm có phần khó khăn, phải chắt chiu nhưng người mẹ vẫn sống như vậy, tảo tần. Không ai biết người mẹ ấy có cảm thấy khó khăn, tủi khổ với cuộc sống như vậy không, chỉ biết rằng, trong mắt người con, cuộc sống của mẹ như vậy thật vất vả, chắp vá, khiến người con phải rưng rưng, nghẹn ngào.
Dẫu cuộc sống có phần chắp vá, có phần tận dụng, bình thường, giản dị, thì điều đó cũng không hề mâu thuẫn với tình cảm của người mẹ dành cho con mình. Vẫn là những điều rất giản dị đời thường: trái na cuối vụ mẹ dành phần con. Trái na cuối vụ có thể hiểu là thức thức đồ bắt đầu ít lại, trở nên hiếm. Vậy mà mẹ vẫn dành phần con. Cái để dành phần là cái được người ta giữ cho người khác, không hề mảy may động vào, cũng không phải phần thừa mứa mà để lại. Cái để phần chính là tình cảm, sự quan tâm, nâng niu, trân trọng mà người mẹ dành cho người con.
Như vậy, ta có thể thấy, hình ảnh người mẹ ở đây đã được thể hiện qua cái nhìn của người con trên hai phương diện: cuộc sống và tình cảm. Hình ảnh người mẹ trong văn học được nói đến và thể hiện rất nhiều. Nhưng để nói về cái đời thường mà gây xúc động, để nói về cách khắc họa nhân vật mà nhân vật vẫn vắng mặt thì phải nói đến bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương.
-
Trong bài thơ "Con cò", nhà thơ Chế Lan Viên có viết:
"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con"
Quả thực như vậy, mẹ luôn là người yêu thương, che chở cho chúng ta. Chính vì thế, nhiều nhà văn, nhà thơ đã sáng tác nên vô vàn tác phẩm hay để ca ngợi tấm lòng, đức hi sinh cao cả của mẹ. Đặc biệt, chúng ta không thể bỏ qua bài thơ "Về thăm mẹ" của Đinh Nam Khương. Hình ảnh người mẹ trong tác phẩm đã để lại cho em nhiều rung cảm sâu sắc.
Đầu tiên, em vô cùng xúc động trước nỗi vất vả, lam lũ của người mẹ. Dù không xuất hiện trực tiếp nhưng hình ảnh về mẹ vẫn hiện lên hết sức chân thực. Bóng dáng mẹ gắn liền với ngôi nhà thân thương, với "chum tương", với "đàn gà mới nở vàng ươm". Có thể thấy, đôi bàn tay nhỏ bé của mẹ đã sắp xếp gọn ghẽ mọi thứ. Không chỉ vậy, ngoài ruộng đồng, mẹ cũng rất cần cù, chịu thương chịu khó. Hình ảnh "nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa" và áo tơi "giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm" đã khắc họa rõ nét hình bóng mẹ nhọc nhằn làm lụng không quản ngại thời tiết nắng mưa.
Ngoài ra, em còn thấy ấn tượng, cảm động về tấm lòng chan chứa yêu thương của người mẹ trong "Về thăm mẹ". Mẹ sẵn sàng dành cho con những gì tốt đẹp nhất mà không giữ lại điều gì riêng mình. Câu thơ "trái na cuối vụ đã dành phần con" đã tô đậm tấm lòng bao la, cao cả của mẹ. Từ đây, em càng thêm trân trọng, nâng niu tình thương bao la, vô bờ của những người đã mang nặng đẻ đau.
Theo dòng thời gian, hình ảnh người mẹ sẽ luôn in sâu trong tâm trí bạn đọc bởi đức hi sinh thầm lặng cùng tình thương con vô bờ. Qua bài thơ, tác giả Đinh Nam Khương cũng khéo léo nhắc nhở mỗi người phải biết quan tâm, yêu thương cha mẹ nhiều hơn.
-
Ta-go là đại thi hào của đất nước Ấn Độ. Ông là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ... Năm 1913, với tập thơ Thơ Dâng (Gitanjali), ông được giải thưởng Nô-ben - Giải thưởng văn chương. Nhân dân Ấn Độ vô cùng tự hào về Ta-go. Tên tuổi thi hào đã rạng rỡ quê hương xứ sở. Thơ của Ta-go là "bài ca về tình nhân ái", là "ước mơ và khát vọng về tự do, hạnh phúc". Bài thơ " Mây và sóng " của ông là một trong số những bài thơ hay ít đề cập đến hình ảnh người mẹ nhưng lại đề cao tình mẫu tử thiêng liêng.
Ông đem tấm lòng thương yêu mênh mông đến với trẻ em. Ông có hàng trăm bài thơ viết về tuổi thơ bằng những hình tượng tuyệt vời với tấm lòng nhân hậu bao la. Đó là một "thế giới thơ ngây", một "miền thơ ấu êm đẹp và dịu hiền" Ông đã viết:
...Những người đi tìm ngọc thì lặn xuống mò ngọc trai.
Còn những người lái buôn
Dong thuyền của họ
Trong khi đó thì các em
Các em nhặt những viên đá cuội rồi lại ném đi...
(Trên bờ biển)
Mây và Sóng là bài thơ nổi tiếng của Ta-go rút trong tập thơ Trăng non xuất bản năm 1915. Qua bản dịch thơ của Nguyễn Đình Thi, ta cảm nhận về một thế giới tâm hồn tuổi thơ kỳ diệu của em bé thông minh, hiếu thảo đang sống hạnh phúc bên mẹ hiền.
Bài thơ là câu chuyện tâm tình của em bé ngây thơ với mẹ về những giây phút giao cảm thần tiên của em với thiên nhiên, với mây và sóng. Mây và sóng đang thủ thỉ trò chuyện với em.
Với mây: bằng trí tưởng tượng tuyệt vời vô biên, em bé đang chơi đùa với mẹ. Bỗng em ngước mắt nhìn trời xanh, lắng nghe mây trên chín tầng cao vẫy gọi. Mây ân cần rủ em bé cùng du ngoạn "từ tinh mơ đến hết ngày" cùng nhau thỏa thích vui chơi ''giỡn với sớm vàng" và "đùa cùng trăng bạc", từ lúc bình minh cho đến tận đêm khi trăng lên. Mây trở thành nhân vật trữ tình, được nhân hóa, có gương mặt nụ cười và giọng nói thủ thỉ, tâm tình. Mây, trăng bạc, sớm vàng (rạng đông) là những hiện tượng thiên nhiên mà con người từ xưa tới nay, từ em bé tới cụ già, từ người dân thường đến các nghệ sĩ, các tao nhân mặc khách,... ai cũng thích chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp huyền diệu và sự vĩnh hằng của nó.
Tâm hồn tuổi thơ vốn hồn nhiên, trong sáng và giàu trí tưởng tượng. Vì thế em bé "trò chuyện" với mây và muốn được cùng mây đi chơi đó đây. Nhưng có tình yêu nào mãnh liệt hơn, đằm thắm hơn tình yêu mẹ của đứa con ngoan ? Từ thích thú muốn được đi chơi cùng mây, em bé phân vân, lưỡng lự rồi từ chối: Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được?'', và "Mẹ đợi tôi ở nhà, tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi?".
Tình yêu mẹ là tình cảm rất sâu sắc, rất đẹp của con người, đó là điều mà thi hào Ta-go muốn tâm sự với các em bé gần xa trên trái đất. Yêu mẹ cha, yêu anh chị em, yêu căn nhà êm ấm, yêu những kỉ niệm tuổi thơ... là những tình cảm đằm thắm, đầy ắp trong tâm hồn em bé ngây thơ đang trò chuyện với áng mây trời. Và đó cũng là cảm xúc chủ đạo của bài thơ Mây và Sóng.
Có gì sung sướng hơn khi:
Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng
Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh...
Với sóng, có nhà thơ Việt Nam đã viết:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu...
(Sóng - Xuân Quỳnh)
Trong bài thơ của Ta-go, sóng như vị sứ giả của đại dương xa xôi đến với em bé. Sóng reo rì rầm. Sóng vẫy gọi chào mời em bé. Tuổi thơ nào mà chẳng từng khát khao, mơ ước? Sóng thủ thỉ cùng với em bé về một cuộc viễn du: ''Chúng ta ca hát sớm chiều, chúng ta đi mãi mãi", và rồi "cứ đi đến bờ biển ... sóng sẽ cuốn con đi" đến mọi bến bờ, mọi chân trời xa lạ. Đây là một câu thơ diễn tả hình tượng con sóng vỗ vào bờ, liếm vào bãi cát, rồi lại rút ra xa, lại vồ vào và cái nhìn lưu luyến, băn khoăn của em bé theo con sóng xa vời trên biển.
Họ (sóng) bèn mỉm cười, và nhảy nhót, họ dần đi xa Mơ ước được đi xa, nhưng rồi em bé lại đắn đo, băn khoăn. Em đã không thể đi du ngoạn cùng mây (bay cao) nên em cũng không thể đi chơi với sóng (đi xa). Với em, chỉ có mẹ, nguồn vui cao cả thiêng liêng mà tạo hóa đã dành cho phần hơn: tình mẫu tử. Em không nỡ để mẹ nhớ, mẹ buồn. Em cũng không thể nào "bỏ mẹ" một giây, một phút. Niềm vui cứ chói ngời mãi hồn em:
Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ, tiếng con cười giòn tan vào với mẹ.
Và không ai trên đời này biết được là mẹ con ta đang ở đâu...
Câu thơ "Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển" là một câu thơ hàm nghĩa, giàu tính triết lý. Không có mặt biển thì không thể có sóng. Có biển mới có sóng, cũng như có mẹ mới có con. Lúc sóng vỗ cũng là lúc biển hát. Lúc "con cười giòn tan vào gối mẹ" là lúc mẹ vô cùng sung sướng. Vì thế, con ngoan và vui chơi là lòng mẹ hạnh phúc. Qua đó, ta thấy nhà thơ lấy sóng và biển để nói với tuổi thơ bao điều.
Tính độc đáo của bài thơ là ở cấu trúc bằng 2 mẩu đối thoại giữa em bé với mây và sóng và lồng vào đó là tiếng nói thủ thỉ của em với mẹ yêu thương. Một bài thơ trong sáng và đẹp như mây, như sóng, nói về miền sâu kín nhất, đằm thắm nhất của tâm hồn tuổi thơ. Yêu thiên nhiên, trí tưởng tượng phong phú, thích phiêu lưu mạo hiểm là đời sống tinh thần tuổi thơ ấu. Em bé được nói đến trong bài thơ này rất yêu thương mẹ. Cánh chim còn non yếu nên chưa dám bay cao cùng mây, chưa thể đi xa cùng sóng, mặc dù em có nhiều mơ mộng, nhiều khát khao muốn đi tới mọi chân trời góc biển.
-
Tình mẫu tử thiêng liêng bao đời nay vẫn là mạch cảm xúc để các nhà văn nhà thơ lấy cảm hứng sáng tác, trong mỗi tác phẩm tình yêu thương lại được thể hiện một cách khác nhau khiến cho nội dung của mỗi tác phẩm đều có nét đặc trưng và nổi bật riêng. Chẳng đâu xa lạ đó là tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt trong bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go và biểu tượng lòng mẹ, sự dìu dắt, nâng niu qua hình ảnh con cò trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.
Qua những câu chuyện li kì, hài hước của cậu bé ở tác phẩm “Mây và sóng” người đọc đã thấy được một tình mẫu tử bất diệt, một thứ tình cảm không có gì có thể thay thế được, người dành tình cảm sâu đậm, dành hết tình yêu thương dành cho cậu bé khiến cậu luôn hướng bản thân mình về phía mẹ, từ những lời mời gọi thú vị của mây và sóng mời cậu đi chơi, mời cậu vui đùa suốt cả ngày, ca hát từ bình minh cho đến lúc hoàng hôn “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc” “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”, rồi hướng dẫn cậu cách để đến với mây, với sóng.
Với cương vị là một cậu bé thì việc được rong chơi, được tìm hiểu về thế giới xung quanh là điều tuyệt vời nhất, chẳng ai có thể cưỡng lại những lời mời tuyệt vời như vậy thế nhưng khi chuẩn bị nghĩ đến việc đi chơi xa thì hình ảnh người mẹ lại hiện lên, và việc đó khiến cậu do dự, trong cậu bé lúc nào nghĩ làm sao để đi chơi khi mẹ còn đang chờ ở nhà “Mẹ mình đang đợi ở nhà” để rồi tự cậu nghĩ ra những trò chơi mới, trò chơi bên cạnh mẹ, được vui chơi mà không phải rời xa người mẹ của mình. Chính tình cảm mà mẹ dành cho cậu đã khiến cho cậu bé trở nên hôn nhiên, đáng yêu như vậy, tình cảm đó đã níu giữ bước chân cậu trước những lời mời từ mây, sóng. Tình mẫu tử trong “Mây và sóng” thể hiện thật tuyệt vời thì sang đến “Con cò” của Chế Lan Viên tình cảm lại được bộc lộ qua phương diện tình yêu thương của mẹ rõ ràng hơn.
Người mẹ ở đây nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, là người tạo dựng tinh thần cho con bằng những lời ru nhẹ nhàng, êm ái, ấm áp qua hình ảnh con cò mò mẫm kiếm ăn, mở đầu tác phẩm hình ảnh con cò hiện lên là lời ru quen thuộc của bất cứ bà mẹ Việt Nam nào, rồi đến những đêm lặn lội, đương đầu với khó khăn để nuôi con. Lời ru chứa đựng nỗi sót thương qua thân phận vất vả, khó khăn, nhọc nhằn, quên đi bản thân mình để dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Tiếp đến Chế Lan Viên đã đề cập đến quy luật tự nhiên không thể thay đổi, tâm lí chung của người mẹ là mong cho con mình khôn lớn, trưởng thành, làm nên sự nghiệp, chỉ những thứ đó thôi cũng làm cho người mẹ có thêm động lực trong cuộc sống và dù cho con có ra sao đi nữa người mẹ vẫn luôn mong con của mình không bao giờ quên đi cội nguồn của bản thân.
“Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”
Cánh cò trong câu hát rủ con có thể không hiểu khi còn nằm trong nôi, cánh cò chỉ giúp con chìm vào giấc ngủ sâu, nhưng cánh cò luôn che chở cho con, bảo vệ con và là động lực cho con bước đi mạnh mẽ trên quãng đường đời của con sau này, dù sau này con có cuộc sống riêng thì tình yêu thương mà người mẹ dành cho con sẽ không bao giờ thay đổi.
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Mẹ là vậy, thầm lặng nhưng vô cùng bao la, đọc qua những câu thơ đó chẳng ai là không xúc động trước những gì mà mẹ đã làm cho con, ban cho con cuộc sống trên cuộc đời này rồi dùng tất cả tình thương mẹ có dành cho con. Mỗi bài thơ mang một nội dung riêng nhưng chung quy lại đều thể hiện tình thương mà mẹ dành cho con là lớn lao đến nhường nào và chẳng có điều gì trên thế gian này có thể thay thế được tình cảm đó của mẹ.
Qua hai bài thơ với hai tác giả khác nhau, hai thời đại khác nhau, hai phương trời khác nhau nhưng người đọc có thể thấy được tình mẫu tử trên thế gian này là quý giá như thế nào, chính vì nó luôn hiện diện và sống trong lòng mỗi con người nên những tác phẩm viết ra vô cùng da diết, sâu lắng.
-
"Những điều bố yêu" là một sáng tác nổi bật của tác giả Nguyễn Chí Thuật. Bài thơ là lời bày tỏ chân tình của người bố dành cho đứa con. Qua đó, hình ảnh người bố hiện lên thật chân thực với tấm lòng, tình thương vô bờ, lớn lao.
Trước hết, em ấn tượng với tình yêu giản dị, ấm áp của người bố. Bố yêu mọi thứ gắn liền với đứa con bé bỏng, từ "cái chỗ con nằm" đến "những hàng tã chéo mẹ giăng đầy nhà" rồi "thêm yêu dìu dịu nước hoa". Trong trái tim và tâm trí bố, con luôn chiếm một vị trí quan trọng.
Bên cạnh đó, em còn cảm thấy xúc động trước hành trình đồng hành cùng con của người bố. Ngay từ giây phút con cất tiếng khóc chào đời, bố đã vô cùng hạnh phúc và vui sướng. Những ngày tháng sau đó, bố lại nhẹ nhàng ru hát đưa con vào giấc ngủ say nồng "Cứ "À ơi, gió mùa thu"/ "Con ong làm mật", "Mù u bướm vàng"...". Khi con bi bô tập nói "Mẹ ơi", chập chững tập đi hay lúc lớn khôn và trưởng thành , bố vẫn luôn dõi theo. Như vậy, bố đã song hành cùng con trong mọi khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời.
Qua hình ảnh người bố, em càng thêm biết ơn, trân trọng tấm lòng cao cả của đấng sinh thành. Người bố trong "Những điều bố yêu" cũng làm em nhớ tới bố của mình - một người luôn yêu thương, quan tâm tới con cái.
Tác giả Nguyễn Chí Thuật thật tài tình và khéo léo khi phác họa hình ảnh người bố qua những hình ảnh thơ giản dị, thân thuộc. Từ đây, người bố hiện lên chân thực, sắc nét với tấm lòng, tình yêu thương cao cả.