Top 8 Bài văn phát biểu cảm nghĩ bài "Vượt thác" của Võ Quảng hay nhất

Bình An 1763 0 Báo lỗi

Võ Quảng (1920-2007), quê ở tỉnh Quảng Nam là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Bài “Vượt thác” (tên do người biên soạn đặt), trích từ chương XI của truyện ... xem thêm...

  1. Đoạn văn này trích từ chương XI trong truyện Quê nội, một trong những tác phẩm thành công nhất của Võ Quảng. Truyện viết về cuộc sống ở một làng quê ven sông Thu Bồn (làng Hoà Phước), tỉnh Quảng Nam vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân vật chính của truyện là hai em thiếu niên có tên là Cục và Cù Lao.


    Tác giả miêu tả dòng sông Thu Bồn và quang cảnh hai bên bờ trong một cuộc vượt thác của con thuyền do dượng Hương Thư chỉ huy, từ làng Hoà Phước lên thượng nguồn để lấy gỗ về dựng trường học cho làng. Qua đó làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên cái nền là khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nghệ thuật tả cảnh, tả người xuất phát từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác nên rất tự nhiên, sinh động.


    Cuộc hành trình được kể lại theo trình tự thời gian. Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác, ngược dòng sông từ bến làng Hoà Phước, qua đoạn sông êm ả ở vùng đồng bằng, rồi vượt đoạn sông có nhiều thác ghềnh ở vùng núi, sau cùng lên tới khúc sông khá phẳng lặng không còn thác dữ. Có thể coi bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong bài văn này là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.


    Đứng trên con thuyền, tác giả ngắm bầu trời và dòng sông, trong lòng trào lên một cảm xúc mãnh liệt. Hơi văn cuồn cuộn như con thuyền lướt sóng: Cánh buồm nhỏ căng phồng. Thuyền rẽ sống lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp.


    Đoạn sông ở vùng đồng bằng thật êm đềm, hiền hoà thơ mộng, thuyền bè tấp nập. Hai bên bờ lànhững bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít. Là miền quê trù phú: Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươi,dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm.


    Đến đoạn nhiều thác ghềnh thì cảnh vật hai bên bờ sông cũng thay đổi: những chòm cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước, rồi núi cao đột ngột hiện ra như chắn ngang trước mặt. Ở đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả đặc tả hình ảnh dòng nước: Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dòng chảy dữ dội đã được tác giả miêu tả thật ấn tượng.


    Giữa khung cảnh hoang dã và dữ dội ấy, hình ảnh con người hiện lên thật đẹp, thật khoẻ. Sự hiểm trở hiện lên qua việc miêu tả những động tác dũng mãnh của dượng Hương Thư và mọi người khi chống thuyền vượt thác: Dượng Hương Thư đánh trân đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng "soạc"! Thép đã cấm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hoà Phước.


    Điều đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả ở đoạn này là sự phối hợp miêu tả cảnh vật thiên nhiên với hoạt động của con người đưa thuyền ngược dòng, vượt thác. Cảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ và phong phú. Trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người mà nổi bật là vẻ rắn rỏi, dũng mãnh của dượng Hương Thư: Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lẩn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lùa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.


    Nhân vật dượng Hương Thư được tác giả tập trung khắc hoạ nổi bật trong cuộc vượt thác. Dượng Hương Thư vừa là người đứng mũi chịu sào quả cảm lại vừa là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Tác giả tập trung miêu tả các động tác, tư thế và ngoại hình nhân vật này với nhiều hình ảnh so sánh vừa khái quát vừa gợi cảm. So sánh như một pho tượng đồng đúc thể hiện ngoại hình gân guốc, vững chắc của nhân vật. Còn so sánh giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ lại thể hiện vẻ dũng mãnh, tư thế hào hùng của con người trước thiên nhiên. Tác giả còn so sánh hình ảnh dượng Hương Thư khi vượt thác khác hẳn với hình ảnh của dượng lúc ở nhà để càng làm nổi bật vẻ đẹp khoẻ khoắn, kiên cường của nhân vật.


    Hình ảnh dòng sông vẫn chảy quanh co giữa những núi cao nhưng đã bớt hiểm trở và đột ngột mở ra một vùng ruộng đồng khá bằng phẳng như để chào đón con người sau cuộc vượt thác thắng lợi. ở đoạn đầu, khi con thuyền đã qua đoạn sông êm ả, sắp đến khúc sông có nhiều ghềnh thác thì phong cảnh hai bờ cũng đổi khác và những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước vừa như báo trước về một khúc sông dữ hiểm, vừa như mách bảo con người dồn nén sức mạnh chuẩn bị vượt thác. Còn ở đoạn cuối, hình ảnh những chòm cổ thụ lại hiện ra trên bờ khi con thuyền đã vượt qua nhiều thác dữ, thì lại mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước.


    Nghệ thuật so sánh làm nổi bật sự tương phản trong nét đẹp của thiên nhiên và biểu hiện được tâm trạng hào hứng, phấn chấn của con người vừa vượt qua được những thác ghềnh nguy hiểm, tiếp tục đưa con thuyền tiến lên phía trước.


    Bài văn miêu tả dòng sông Thu Bồn và cảnh quan hai bên bờ theo hành trình của con thuyền qua những vùng địa hình khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất vào cảnh vượt thác. Qua đó tác giả làm nổi bật hình ảnh của con người lao động trên cái nền là khung cảnh sông núi miền Trung hùng vĩ và nên thơ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Văn bản Vượt thác được trích từ chương XI truyện Quê nội (1974) của Võ Quảng - nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Đoạn trích đưa ta về cảnh thiên nhiên sông nước trên sông Thu Bồn trong một cuộc vượt thác gian nan, vất vả của con người.


    Vượt thác đã đưa bạn đọc cùng với hành trình của con thuyền do dượng Hương Thư chỉ huy, từ vùrg đồng bằng trù phú, vượt qua những thác ghềnh ở vùng núi để tới thượng nguồn lấy gỗ về dựng trường học cho làng Hoà Phước sau Cách mạng 1945 thành công.


    Vượt thác là bức tranh thiên nhiên trên dòng sông Thu Bồn. Bức tranh đó được miêu tả có sự thay đổi theo từng chặng đường của con thuyền, theo điểm nhìn của tác giả. Nhà văn đã chọn vị trí quan sát là ở trên thuyền nên có thể nhìn thấy cảnh quan hai bên bờ cũng như dòng nước trên sông: con thuyền đi đến đâu thì cảnh hiện ra đến đấy. Có thể nói đó là một vị trí quan sát thích hợp nhất để tả cảnh.


    Ở đây, cảnh vật được nhân hoá, so sánh khiến cho bức tranh thiên nhiên sông nước có hồn, sinh động và gợi cảm. Con thuyền như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp... Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn... Rồi thuyền vượt qua khỏi thác cổ Cò. Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa là hình ảnh những cây cổ thụ trên bờ sông mà tác giả đã miêu tả đến hai lần ở đoạn đầu và cuối bài văn. Khi con thuyền đã qua đoạn sông êm ả, sắp đến chỗ có nhiều thác dữ thì dọc bờ sông hiện ra những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước như là cảnh báo con người: phía trước là khúc sông có nhiều thác dữ, cần phải chuẩn bị tinh thần để vượt qua.


    Đến khi con thuyền vượt qua nhiều thác dữ thì dọc sườn núi lại hiện ra. Điều đặc sắc hơn là những cây cổ thụ đều được ví với người để biểu hiện thêm những tầng nghĩa mới. Song điều đặc biệt ở đây là mỗi hình ảnh so sánh đều có nét riêng độc đáo không gây sự nhàm chán. Cho nên, nếu hình ảnh ở đoạn cuối văn bản là một hình ảnh so sánh rõ ràng (có từ so sánh “như”) thì hình ảnh ở đoạn trước (đầu văn bản) là một sự so sánh kín đáo, được thể hiện bằng một cách nhân hoá (qua cái dáng đứng trầm ngâm lặng nhìn - đặc điểm chỉ có ở con người để miêu tả cho những chòm cổ thu). Tạo được những hình, ảnh giàu sức biểu hiện như vậy là một thành công của Võ Quảng.


    Khung cảnh thiên nhiên dù có đẹp đến đâu cũng chỉ là một cái nền để tôn vẻ đẹp của con người bởi con người bao giờ cũng là trung tâm của cảnh. Đó là chú Hai, vi tiêu biểu nhất, đẹp nhất là dượng Hương Thư ở cảnh vượt thác dữ. Nhà văn đã đặc tả nhân vật này với những chi tiết đầy ấn tượng thể hiện một quyết tâm lớn để chiến thắng hoàn cảnh.


    Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cẩn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào, giống như một hiệp sĩ của Trường sơn oai linh hùng vĩ. Biện pháp so sánh được sử dụng nối nhau liên tiếp trong đoạn đã khắc hoạ vẻ đẹp rắn chắc, dũng mãnh của nhân vật, biểu thị sức mạnh, sự cố gắng hết sức tập trung tất cả tinh thần và nghị lực để chiến đấu với dòng thác.


    Lại một so sánh tưởng chừng như lạc lõng: Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ, thực chất đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Nó không những chỉ đối lập và thống nhất hai tư thế, hai hình ảnh khác nhau của cùng một con người mà còn hé mở cho người đọc biết thêm những phẩm chất đáng quí của người lao động: khiêm tốn, nhu mì đến nhút nhát trong cuộc sống đời thường, nhưng lại dũng mãnh, nhanh nhẹn, quyết liệt trong công việc, trong khó khăn thử thách.


    Đoạn văn là sự thống nhất cao độ và thành công tột bậc giữa tả thiên nhiên và tả người, tả chân dung con người trong hoạt động, giữa kể và tả với hai biện pháp nghệ thuật phó biến: nhân hoá và so sánh.


    Võ Quảng đã thành công trong việc thể hiện chủ đề của bài văn qua cảnh vượt thác của dượng Hương Thư, chú Hai và thằng Cù Lao. Nhà văn ca ngợi cảnh thiên nhiên miền trung đẹp, hùng vĩ, ca ngợi con người lao động Việt nam hào hùng mà khiêm nhường, giản dị.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Có lẽ, đọc tác phẩm Vượt thác của nhà văn Võ Quảng người đọc càng thêm yêu, thêm quý cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Nam. Bằng bút pháp nghệ thuật tả cảnh, tả người của tác giả làm cho bài văn trở nên sinh động hơn với vẻ đẹp hùng vĩ, vẻ đẹp anh dũng của người dân lao động trên sông Thu Bồn.


    Vượt thác là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trên dòng sông Thu Bồn. Ở đó người ta thấy được "những bãi dâu bạt ngàn đến tận những làng xa tít". Khung cảnh như mở ra một nơi nhộn nhịp thuyền bè qua lại với những chuyến đò chở giây mây, dầu rái, quế. Tất hòa vào một nhịp sống năng động ở nơi đây. Dọc bờ sông "những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước" Những chòm cổ thụ được tác giả nói ở đầu và cuối đoạn văn đều mang một dụng ý riêng. Ở đoạn đầu nó như báo hiệu sự khó khăn thử thách đang chờ trước mắt con người.


    Thuyền phải vượt qua nhiều thác dữ. Nước ngày một lên cao phóng giữa hai hai vách đá dựng đứng. Dượng Hương một mình với cơn lũ thuyền cứ vùng vằng cứ chực trụt xuống. Và cho đến chiều tối, thì con thuyền cũng vượt qua khỏi thác cổ cò. Ở những dòng cuối này người ta lại thấy " dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước" cảnh vật như hòa vào niềm vui chung cùng con người, chiếc thuyền đã vượt qua cơn thác lũ, con người đã chiến thắng được thiên nhiên .


    Ở tác phẩm " Vượt Thác" Tác giả không chỉ miêu tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ mà hơn tất cả đó hình ảnh tươi đẹp của con người, sức mạnh to lớn chiến thắng mọi thiên tai. Dượng Hương Thư như một người hùng bước ra từ ngòi bút của nhà văn.


    Trước khi vượt qua thác dữ, dượng Hương được sai nấu cơm ăn cho chắc bụng còn có sức trèo thuyền. " Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái có người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng "soạc"! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy lại thế trợ giúp chú hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống nó cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống quay đầu quay về lại Hòa Phước" .


    Hình ảnh dượng Hương với những động tác thuần thục vượt qua cơn lũ rõ ràng và nhanh như cắt. "Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ." Dượng hương Thư hoàn toàn khác với một dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ, trong cơn thác lũ người ta thấy một người anh hùng gan dạ, dũng cảm và có kinh nghiệm sức khỏe khi băng qua con thác dữ. Tác giả như vẽ nên một nét đẹp hoàn mỹ - nét đẹp của người dân lao động có thể chiến thắng vượt qua mọi gian nguy.


    Đọc xong tác phẩm " Vượt thác" của Võ Quảng cho ta thấy được cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ đẹp hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ. Với nghệ thuật đặc sắc nhà văn đã tả cảnh, tả người từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên và sinh động.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Nhà văn Võ Quảng được biết đến như một nhà văn của thiếu nhi, bởi ông có rất nhiều tác phẩm chuyên viết về thiếu nhi, trong số đó phải kể đến một tác phẩm nổi tiếng là truyện “Quê nội”. Đoạn trích “Vượt thác” được trích từ chương XI của truyện, nói về cảnh thiên nhiên sông nước kì vĩ và tuyệt đẹp trên sông Thu Bồn trong một lần vượt thác đầy gian nan và vất vả.


    Có thể nói, văn bản “Vượt thác” giống như một bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trên dòng sông Thu Bồn, đó là một bức tranh của người nghệ sĩ tài hoa, mọi cảnh vật trong tranh được miêu tả thay đổi theo chặng đường mà con thuyền đi qua và theo điểm nhìn của tác giả. Với điểm nhìn ở trên con thuyền, tác giả đã có được một vị trí thuận lợi vừa để quan sát tinh tế lại vừa cảm nhận được những nét tiêu biểu và đặc sắc nhất của thiên nhiên, con người lao động nơi đây.


    Trong bức tranh về thiên nhiên vùng sông Thu Bồn, cảnh vật được nhân hóa và so sánh trở nên sống động và chân thực hơn, mọi vật trở nên có hồn và gợi cảm. Từ vùng đồng bằng êm đềm thơ mộng, trù phú với “những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít”. Con thuyền thì “như đang nhớ núi rừng, muốn lướt cho nhanh để về kịp”, những con thuyền chất đầy cau, dây, dầu rái, chở mít, chở quế,… cùng nối đuôi nhau xuôi dòng nước trôi chầm chậm. Rồi con thác hiện ra, “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá… Cho đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò”.


    Khi con thuyền trôi qua đoạn sông êm ả, chuẩn bị tới nơi có nhiều thác dữ thì ở hai bên bờ sông, những cây cổ thụ hiện ra với dáng đứng trầm ngâm lặng nhìn như cảnh báo con người chuẩn bị tinh thần vượt qua. Cho đến khi con thuyền đã vượt qua thác thì dọc sườn núi lại hiện ra những cây to xen lẫn bụi cây nhỏ lúp xúp tưởng như cổ vũ con thuyền tiến về phía trước. Cách nhìn và trí tưởng tượng của tác giả đã cho thấy tâm trạng phấn chấn của con người trong hành trình vượt thác. Khung cảnh thiên nhiên đẹp là một cái nền để tôn vinh vẻ đẹp con người lao động.


    Nhà văn đặc biệt tả nhân vật Dượng Hương Thư với những nét ấn tượng về cả hành động và ngoại hình: “Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông…quay đầu chạy về lại Hòa Phước”, “Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc… khác hẳn Dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ”. Những biện pháp so sánh đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp rắn rỏi, dũng mãnh của nhân vật, biểu thị một sức mạnh và sự tập trung cao độ để chiến đấu với dòng thác. Tác giả như làm nổi bật lên cái “thần” nằm trong con người lao động trước thiên nhiên rộng lớn, bên cạnh đó cũng không quên nhắc đến những phẩm chất đáng quý trong cuộc sống đời thường.


    Có thể thấy, văn bản “Vượt thác” của nhà văn Võ Quảng có một sự thống nhất cao độ và đạt được thành công trong việc kết hợp tả thiên nhiên và con người. Nhà văn không chỉ ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên mà còn khắc họa vẻ đẹp và phẩm chất cao đẹp của con người lao động trên dòng sông Thu Bồn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Trích đoạn ngắn viết về con thuyền vượt thác, trên đó có bốn người: dượng Hương, cha con chú Hai và tôi - nhân vật phát ngôn cho cả nhóm. Những chuyến đi như thế có lẽ là câu chuyện thường nhật trong cuộc mưu sinh vất vả nhọc nhằn, nhưng với người kể là một em nhỏ (do tác giả hoá thân) thì lại như là một phát hiện. Những tinh khôi, đậm đà trong cảm nhận vì vậy mới có sức hút trước hết là với người kể, và qua lời kể mà đến với người nghe về một vùng sông nước miền Trung. Đoạn văn có ba cảnh - một chặng hành trình, nếu tách ra, có ý nghĩa riêng, còn đem nhập lại, ta có một bức tranh liên hoàn cùng trên một dòng chảy của con sông nghe tên thì hiền hoà nhưng lại không ít những "quanh quanh" ghềnh thác.


    Con thuyền từ bến ra đi đầy khí thế. Nhưng bến ấy là bến nào, xuất phát từ đâu, con thuyền không để ý. Hình như nó chỉ biết đợi chờ và cái giờ phút đợi chờ kia đã đến: "Gió nồm vừa thổi, dượng Hương nhổ sào". Câu văn gấp gáp, khẩn trương, kiệm lời, không thừa một tiếng. Nó im lặng đến lầm lì vì chất chứa trong lòng bao nhiêu hớn hở, dù chỉ là một "cánh buồm nhỏ" (vì là thuyền nhỏ) vẫn "căng phồng" náo nức, say mê. Đoạn văn nôn nao như là ra đi từ nỗi nhớ "Thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp". Đó là con thuyền tâm trạng, con thuyền tương tư.


    Những chi tiết đời thường qua quan sát và liên tưởng đã đi vào nghệ thuật. Quá trình tái tạo và sáng tạo ấy là bản chất của văn chương. Bởi thế nên cảnh vật hai bên bờ được ống kính quay phim lia lướt rất nhanh. Nó chỉ thực sự dừng lại, chầm chậm, từ từ khi con thuyền đến ngã ba sông. Ở đây có đến ba chi tiết được đưa vào cận cảnh: những bãi dâu bạt ngàn ước lượng cái rộng lớn của không gian, những con đường chất đầy hương vị núi rừng đang xuôi dòng như chẳng có gì vội vã, và giữa um tùm vườn tược, những chòm cổ thụ hiện ra cùng những ngọn núi cao chắn ngang trước mặt.


    Những chi tiết ấy vừa có hoạ (bức tranh cảnh vật ven bờ), vừa có nhạc (cái náo nức của những câu vãn lúc trào dâng, khi lắng đọng), tâm hồn người nhìn cảnh vật như thư giãn, khoan thai trước vẻ đẹp của thiên nhiên kì thú ấy. Cái phút thư thái, lãng du, mơ mộng chỉ chấm dứt để trở về cái thực hằng ngày với câu văn tín hiệu giống như một biển báo giao thông: "Đã đến Phường Rạnh", Trước mát chỉ còn là một công việc, công việc đầy khó khăn không dễ chểnh mảng, vô tâm "Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước".


    Đến Phường Rạnh, cuộc vượt thác mới thật sự bắt đầu. Lặng lẽ hai bên nghênh chiến, về phía con người, hậu cần và vũ khí thật đơn giản, thô sơ như Sơn Tinh đánh giặc nước thuở nào. Chỉ một bữa cơm ăn cho chắc bụng với ba chiếc sào tre đầu bịt sắt cho thích hợp với sỏi đá dưới lòng sông. Vậy lấy gì để chiến thắng? Trong lúc trận địa thác thì mạnh mẽ, biến hoá và hiểm trở khôn lường: "Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn". Những động từ (phóng), tính từ (dựng đứng) cùng với cách nói ẩn dụ (chảy dứt đuôi rắn) phác hoạ chân dung một thứ thiên nhiên hoang sơ, mù quáng mang sức mạnh vô hình vốn có từ hàng ngàn năm, triệu năm đe doạ con người, nhất là kẻ nào dám dương đầu với nó.


    Trong cuộc đấu trí, đấu lực dường như không ngang sức, ai sẽ là chủ nhân của vòng nguyệt quế vinh quang? Cả hai cứ lăn xả vào nhau theo cách đánh giáp lá cà, túm lấy thắt lưng nhau như vào sới vật. Cả hai đã vắt đến giọt sức cuối cùng. Phía chiếc thuyền, dượng Hương "đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng "soạc" ! Thép đã cắm vào sỏi !" Đó là cách đánh trúng và chắc, không khoa trương nhưng có hiệu quả. Một mình dương một mũi chủ công, phối hợp với hai cánh (chú Hai và thằng Cù Lao) tạo thành thế chân vạc vững như thành, đẩy con thuyền vượt thác.


    Để hỗ trợ cho nhau, phải giữ vững trận địa, nhưng cái cách "giữ vững trận địa" của dượng Hương là quyết liệt hơn cả, phải chăng đó là vị trí của người đứng mũi? Chiếc sào tre chắc như thế, không hiểu sức lực ghì chống của dượng đến mức nào, chỉ thấy nó bị cong lại. Còn về phía đối phương, khi con thác rơi vào tình thế bị động, nó tức tối "văng bọt tứ tung" làm cho con thuyền không còn ổn định, thăng bằng, mà "vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hoà Phước".


    Trong trận chiến ác liệt ấy, nổi bật lên nhân vật dượng Hương, vừa là đại diện cho cả ba người vừa là sự kết tinh riêng cho những phẩm chất phi thường của con người luôn phải đối mặt với thác cao, sóng cả. Trước hết, khi xung trận, dượng như là một con người khác. Có một cái gì thần bí, trang nghiêm hem, đáng sùng kính hơn, người viết đã không thể gọi con người quen thuộc ấy bằng cái tên thường gọi. Phải là "Dượng Hương Thư" (một cách gọi đầy đủ) mới nói được tất cả sự ngạc nhiên cùng với lòng ngưỡng mộ. Người chiến thắng một kẻ thù như thế ! Phải gọi lên như thế ! Thứ hai, dượng có một vẻ đẹp bất ngờ. Câu văn sau đây là một bức phù điêu: "Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ".


    Trong bức tượng đài hoàn chỉnh đến mẫu mực trên đây, người đọc nhận ra một thứ chân dung đặc tả, cả khuôn hình cơ thể, nhất là gương mặt nguyên khối và thống nhất hài hoà. Đằng sau đó là cả một ý chí, một sức mạnh toàn năng. Cái đẹp có thực ấy vì thế được đẩy lên một tầm cao cần đến một liên tưởng kì vĩ "một hiệp sĩ của Trường Sơn". Liên tưởng này được bắt rễ từ những trường ca Đam San, Xinh Nhã trước đây và còn được chứng thực bằng những tấm gương của những anh hùng Núp, Bi-năng-tắc sau này. Thứ ba, cái đẹp ở dượng Hương là sự thống nhất giữa hai tính cách: vừa quyết đoán, dũng cảm, đầy uy lực vừa "nhỏ bé", "nhu mì" ai gọi gì cũng "vâng vâng dạ dạ". Phát hiện bất ngờ này ở một đứa trẻ (người kể chuyện) giống như một cánh cửa nhận thức và lâm hồn cùng một lúc mở ra: cái đẹp thuộc về con người, thuộc về cuộc sống.


    Phần kết của đoạn văn vừa kể, vừa tả. Câu kể nói vé cuộc hành trình đã kết thúc: "Cho đến chiểu tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò", vẻn vẹn chỉ một dòng nhật kí, giản dị vậy thôi nhưng là sự đơn sơ có hàm chứa: một cơn bão đã tan. Trận chiến vẻ vang, kết thúc thắng lợi, tất cả như đã thuộc vé quá khứ. Còn câu tả là những câu còn lại viết về người và cảnh ven sông. Trong số những tay sào, nếu nói tới những tay sào lão luyện, không thấy dượng Hương đâu? Hình như là dượng vẫn đứng ngồi đâu đó trên con thuyền nhỏ bé đó thôi, khi dòng thác đã trở lại là sông, "đồng ruộng lại mở ra", vai trò của dượng đã lẫn vào bản tình ca - và lần này không cần người chỉ huy hay lĩnh xướng nữa (bản anh hùng ca đã chấm dứt). Hoặc cũng có thể hiểu dượng Hương đã hoá thân vào chú Hai lúc này. Từ hình tượng phi thường, người anh hùng đã trở lại trạng thái bình thường trong cái cử chỉ một mỏi, kiệt sức, rã rời rất thực (suốt buổi phải chống liền tay không một phút nghỉ): "Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi".


    Về nghệ thuật, đây là đoạn văn tả cảnh, tả người. Cảnh được nhìn từ đôi mắt biết quan sát và đắm say của một con người trên thuyền, của người trong cuộc. Bởi thế, cảnh trí ven sông, cảnh con thuyền vượt thác rất tự nhiên, sinh động và chân thực. Còn con người ở đây được miêu tả theo lối đậm nhạt, miêu tả bằng cách chấm phá, lấy ngoại hình để khắc hoạ nội tâm (như nhân vật dượng Hương). Đó là cách miêu tả có chọn lọc, có dụng ý nghệ thuật chứ không phải là tuỳ tiện gặp gì ghi nấy. Chẳng hạn như hệ thống hình ảnh những cây cổ thụ ven sông. Trước hết, chúng là những chứng nhân cho cuộc vượt thác (có mật ở hai chặng đầu và cuối của cuộc hành trình) để dõi theo và ghi nhận.


    Những cây cổ thụ giống như những bậc hiền triết phương Đông với tuổi tác và sự trải nghiệm đang chứng kiến những sự tích của con người (ở đây là người vượt thác) và nạp dữ liêu vào cuốn sử triền miên của thời gian vô tận. Cũng có thể hình dung đó là những ông già tốt bụng giữa con cháu của mình (những bụi cây lúp xúp xung quanh), đang đứng phía sau lớp con cháu đã trưởng thành có thể thay thế được cha anh để lập nên những trang đời đẹp. Những chòm cây cổ thụ ấy có những tâm trạng không giống nhau gắn với hai giai đoạn của quá trình vượt thác.


    Lần thứ nhất đó là dáng điệu trầm tư, lặng lẽ như tự hỏi mình: con thuyền mảnh mai, nhỏ bé nhường kia liệu có vượt qua được thác dữ hay không? Hoặc ít nhất không nói được, bằng sự trầm tư, lặng lẽ ấy, nó mách bảo con người phải nghiêm cẩn, thận trọng, đề phòng. Còn ở lần thứ hai, thay thế cho dáng điệu trên đây là sự phấn khích, hào hứng và tin tưởng: con đường gian nan đã mở, cứ vững bước mà đi ! Chòm cây cổ thụ ở đây không phải là nhân vật, chúng chỉ là những đường nét có thật của thiên nhiên. Nhưng qua cách quan sát và miêu tả của người viết, nó đã trở nên những biểu tượng có giá trị nghệ thuật và tư tưởng. Nét sáng tạo thành công này đã làm cho trang viết trở nên thi vị, hấp dẫn được bạn đọc chúng ta.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Cảnh "Vượt thác" trích từ chương XI truyện dài "Quê nội" của nhà văn Võ Quảng. Con sông được nói đến là sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân làng Hòa Phước chủ trương xây trường học cho con em mình. Dượng Hương Thư được cắt cử đưa thuyền lên Dùi Chiêng mua gỗ đem về xây trường học. Đoàn đi Dùi Chiêng có bốn người: Dượng Hương Thư, chú Hai Quân và hai thiếu niên là Cù Lao và Cục. Cảnh vượt thác Cổ Cò được miêu tả và cảm nhận qua cảm xúc và tâm hồn của Cục. Đây là lần đầu tiên trong đời chú, một chuyến lên rừng, vượt thác đầy háo hức và thú vị. Chất thơ trên trang văn Võ Quảng dào dạt qua cảnh "Vượt thác" này.


    Cảnh xuất phát rất gợi. Thuyền trưởng - dượng Hương "nhổ sào" khi “gió nồm vừa thổi”. Hình ảnh cánh buồm rất đẹp, đầy khí thế: "Cánh buồm nhỏ căng phồng". Đó là cảnh "buồm căng gió lộng".Con thuyền được nhân hóa "đang nhớ núi rừng" nên "rẽ sóng lướt bon bon", như nóng ruột "phải lướt cho nhanh để về cho kịp". Đó cũng là tâm trạng háo hức của chú bé Cục trong cuộc "viễn du" này.


    Con thuyền ngược dòng, cảnh sắc thiên nhiên nối tiếp xuất hiện. "Ngã ba sông chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến những làng xa tít". Tác giả không nói đến chân trời, đến màu xanh, đến mênh mông của dòng sông mà ta vẫn cảm nhận được. Một miền quê trù phú trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa hiện ra gợi lên sự ấm no thanh bình. Tâm hồn mỗi chúng ta bâng khuâng liên tưởng. Một câu cổ thi: "Ngàn dâu xanh ngắt một màu..." (Chinh phụ ngâm). Một cảnh sắc làng quê bên hữu ngạn sông Đuống: "Xanh xanh bãi mía bờ dâu..." (Hoàng Cầm). Hoặc là ngã ba con sông La, quê hương nhà thơ Huy Cận thuộc Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh:


    "Tới ngã ba sông, nước bốn bề,Nửa chiều gà lại gáy bên đê.Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;Bến cũ thuyền em sắp ghé về...". Gợi mở liên tưởng là một nét đẹp trong câu văn xuôi của Võ Quảng. Do đó, chất thơ từ cảnh vật, từ tâm hồn đồng hiện. Bé Cục nhìn thấy bao la cảnh lạ. Những con thuyền xuôi dòng "chất đầy cam tươi, dây mây, dầu rái". Có những thuyền "chở mít, chở quế". Con sông Thu Bồn là mạch máu, là nguồn sống xứ Quảng. Vì chở đầy, chở nặng lâm thổ sản, nên "thuyền nào cũng xuôi chậm chậm". Một cuộc sống ấm no, một miền rừng hào phóng... Càng ngược dòng sông, cảnh sắc sông núi càng đầy sức sống, hữu tình nên thơ. Vườn tược tốt tươi "um tùm". Những chòm cổ thụ "dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước". Cổ thụ được nhân hóa gợi tả vẻ đẹp hùng vĩ, thâm nghiêm của chốn đại ngàn rừng thiêng, rừng thẳm. Gần 200 năm về trước, một nữ sĩ tài ba đã viết:


    "Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,

    Trắng xóa tràng giang phẳng lặng lờ".

    (Bà Huyện Thanh Quan)


    Đã sắp đến chân thác rồi. Lòng sông như thắt lại. Tầm mắt người đi thuyền bị thu hẹp dần. "Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngay trước mặt". Đó là lúc dượng Hương, chú Hai Quân, bé Cù Lao, bé Cục đã đưa con thuyền ngược dòng Thu Bồn đến Phường Rạnh. Mọi người, nhất là bé Cục đã "Đi một đoạn đàng học một sàng khôn", đã nhìn thấy bao cảnh lạ của quê hương.3. Phần tiếp theo nói về cảnh vượt thác cổ Cò. Cuộc vượt thác thực sự là một cuộc chiến đấu căng thẳng, dữ dội. Vốn nhiều kinh nghiệm vượt thác băng ghềnh, vị thuyền trưởng “sai nấu cơm ăn để được chắc bụng”,phải chuẩn bị vì "nước còn to", "phải chống liền tay không phút hở".


    Vũ khí là con thuyền và ba chiếc sào tre đầu bịt sắt. Dòng thác thật đáng sợ: "Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn". "Chảy dứt đuôi rắn" là cách nói so sánh của dân gian gợi tả dòng thác phóng từ cao xuống, nước chảy mạnh và xiết, cuồn cuộn như xoắn lại, như đứt tung ra. Dượng Hương Thư là người chỉ huy cuộc vượt thác trông thật đẹp, vẻ đẹp oai phong, gân guốc, mạnh mẽ. Người thì "đánh trần". Động tác rất nhanh và mạnh: "co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng "soạc!".Tư thế rất dẻo dai cường tráng: "ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại,...". Chiếc sào "conglại".


    Dượng Hương Thư đã "giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước". Giữa dòng thác "nước bị cản văng bọt tứ tung", ba thủy thủ đã chèo chống cật lực, mà có lúc "thuyền vùng vằng chực trụtxuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước".Con thuyền được nhân hóa để cực tả cuộc vượt thác vô cùng gian truân, vất vả, cả ba tay chèo rất thiện nghệ, phối hợp nhịp nhàng: "Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt". “Nhanh như cắt” là thành ngữ gợi tả sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ, sắc bén; những con sào lao xuống, phóng xuống, rút lên liên tục rất nhanh và dứt khoát. Dượng Hương Thư được đặc tả qua hàng loạt chi tiết như những nét khắc, nét tạc: Các bắp thịt thì "cuồn cuộn", hàm răng thì "cắn chặt", quai hàm thì "bạnh ra", cặp mắt thì "nảy lửa",...


    Đó là hình ảnh một vị thuyền trưởng rất dũng mãnh, quyết đoán và tài ba, không chịu lùi bước trước dòng thác mạnh, đã làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên. Trong sinh hoạt đời thường, dượng Hương hiền lành, khiêm tốn: "nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai nói cũng vâng vâng dạ dạ". Cảnh vượt thác đã phát lộ thêm một nét đẹp tính cách của dượng. Tác giả "Quê nội" đã sử dụng hai hình ảnh so sánh thoát sáo: “Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc”, "như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ"để ca ngợi vẻ đẹp của một con người chân chính trong lao động. Và đó là cảm nghĩ, lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ của bé Cục đối với Dượng Hương Thư thân thiết của mình. Trong "Quê nội", nhà văn Võ Quảng hai lần tả cảnh vượt thác băng ghềnh, cả hai lần đều ấn tượng. Sau nửa thế kỉ, đọc trang văn của Võ Quảng, tuổi thơ gần xa cảm thấy mình đang cùng Cù Lao và Cục ngược sông Thu Bồn, vượt thác, thăm thú sông núi đại ngàn xứ Quảng. Ta thấy, tác giả sống hồn nhiên, sống hết mình với tuổi thơ, với trang văn của mình.

    Vượt qua thác Cổ Cò thì chiều tối. Một ngày vượt thác vất vả đã dần trôi qua. Chú Hai "vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi". Dòng sông Thu Bồn ở vùng Trung Phước "cứ nhảy quanh co dọc những núi cao sừng sững". Sông nhưhẹp lại. Nước sông cuồn cuộn, không chảy băng băng mà là "nhảy quanh co", như đang múa lượn. Một lần nữa, tác giả lại nói về cổ thụ tạo nên một so sánh - liên tưởng thú vị: "Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước". Rừng xanh như đang vẫy gọi. Chốn đại ngàn với núi cao, thác hiểm không còn màu sắc huyền bí mà trở nên thân thiết, gắn bó với con người miền xuôi. Qua thác Cổ Cò là đến Trung Phước, cảnh quan lại mở ra, trải dài trải rộng. Câu văn cũng nhẹ nhàng thanh thoát: "Qua nhiêu lớp núi, đồng ruộng lại mở ra"... phải dừng chân để nghỉ ngơi: "Đã đến Trung Phước". Câu văn rút ngắn lại còn bốn chữ đầy gợi cảm. Đoàn lữ hành tạm dừng chân trên đường đi lấy gỗ.

    Tuổi thơ chúng ta, ai đã được một lần nhìn thấy thác, ai đã một lần được vượt thác? Đọc trang văn "Vượt thác", ta cảm thấy mình đang cùng Cù Lao và Cục,... vượt thác trên sông Thu Bồn hơn nửa thế kỉ trước. Đó là cái tài và cái tâm của Võ Quảng - nhà văn, nhà thơ thân thiết của tuổi thơ chúng ta. "Vượt thác" là trang hồi kí trữ tình đầy chất thơ. Chất thơ của vẻ đẹp hùng vĩ và hữu tình sông núi xứ Quảng mà trước đây cụ Phan Bội Châu từng ca ngợi là "địa linh nhân kiệt". Chất thơ trong tâm hồn và chí khí con người: dũng cảm, phóng khoáng, hồn nhiên, yêu đời, yêu thiên nhiên,... Chất thơ thấm sâu vào từng câu văn, giọng văn: trong sáng, tươi đẹp, lúc thì mạnh mẽ hào hùng, lúc thì hồn nhiên thơ mộng. Cổ nhân có nói: “Thi phú dục lệ” (Thơ phú phải đẹp). "Vượt thác" là một trang văn đẹp trong giai phẩm "Quê nội". Ta cảm thấy yêu thêm sông Thu Bồn, yêu thêm cuộc sống, yêu thêm chú Cục và Cù Lao, yêu thêm đất Quảng...

    Tình yêu ấy làm ta lớn lên cùng trang văn "Quê nội" của Võ Quảng.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Vượt thác là một đoạn trích ngắn trong truyện Quê nội của nhà văn Võ Quảng. Với trích đoạn ngắn tác giả đã đưa người đọc đến với khung cảnh thiên nhiên vừa hiền hòa vừa hung bạo dọc hai bên dòng sông Thu Bồn. Nhưng nổi bật hơn cả, tác giả để lại ấn tượng sâu sắc nhất là hình ảnh những người lao động nơi đây mà điểm nhấn nằm ở chân dung dượng Hương Thư khỏe mạnh, oai phong trong quá trình vượt thác.


    Đoạn trích kể về công cuộc vượt thác đầy nguy hiểm, vất vả mà cũng thật oai phong, hùng dũng của dượng Hương Thư. Để chuẩn bị cho hành trình vượt thác, dượng Hương đã nấu cơm ăn trước cho chắc bụng, những chiếc sào tre bịt đầu sắt đã sẵn sàng. Bước vào quá trình vượt thác, dượng Hương Thư đã ngay lập tức phải đối đầu với con thác lớn, nước to cứ thế chồm lên, dượng Hương Thư đánh trần phóng chiếc sào đã chuẩn bị xuống nước "nghe tiếng soạc", cả người dượng Hương ra sức cản lại thế nước dữ, đến nỗi chiếc sào cũng bị uốn con. Con thuyền thoáng chút sợ hãi trước sức mạnh ghê gớm của thác nước cứ "chực trụt xuống quay đầu lại" .


    Biện pháp nhân hóa khiến cho cả câu văn trở nên sinh động hẳn lên, không chỉ mô tả sự lo lắng của con thuyền mà đó còn chính là nỗi lo lắng của dượng Hương Thư. Liệu sức người có thể địch nổi lại với sức nước? Chỉ mất vài giây ngắn ngủi, dượng Hương đã lấy lại tư thế làm chủ, đây có lẽ là đoạn văn hay nhất, đẹp nhất để miêu tả về dượng Hương Thư: "Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa, ghì lên ngọn sào như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ" . Chỉ trong một vài câu văn ngắn tác giả đã sử dụng hàng loạt các biện pháp so sánh: nhanh như cắt, như pho tượng đồng đúc, như hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ, mức độ so sánh ngày càng tăng tiến, khẳng định vẻ đẹp của dượng Hương Thư.


    Dượng Hương mang trong mình vẻ đẹp của sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh, rắn rỏi, dượng Hương chẳng khác nào một người hiệp sĩ vĩ đại đang chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu. Không chỉ vậy, Võ Quảng còn rất tinh tế khi sử dụng ngôn từ với việc dùng các động từ mạnh: thả sào, rút sào, lấn lên, các từ miêu tả nhân vật: cuồn cuộn, cắn chặt, bạnh ra, nảy lửa, … càng chạm khắc rõ nét hơn nữa vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt của người kị mã trong quá trình vượt thác. Dượng Hương Thư khi vượt thác khác hẳn với khi ở nhà, lúc nào cũng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng dạ vâng. Bằng kinh nghiệm dày dặn, bằng sức mạnh phi thường dượng Hương Thư và mọi người đã chiến thắng dòng nước dữ, vượt thác thành công. Mặc dù thở không ra hơi nhưng ai cũng sung sướng vứt sào.


    Để xây dựng chân dung dượng Hương Thư, Võ Quảng đã vận dụng, kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật. Trước hết là những hình ảnh so sánh sinh động: nhanh như cắt, như pho tượng đồng đúc, như hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Ngoài ra lớp ngôn ngữ giàu chất tạo hình: cuồn cuồn, nảy lửa,.. sử dụng hệ thống động từ đa dạng phong phú; cùng với đó là việc sử dụng linh hoạt các thành ngữ: nhanh như cắt,… đã giúp tác giả khắc họa thành công vẻ đẹp rắn rỏi, nhanh nhẹn, gan dạ trong quá trình vượt thác của dượng Hương Thư.


    Bằng con mắt quan sát tinh tường, sử dụng linh hoạt ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật Võ Quảng đã xây dựng thành công chân dung dượng Hương Thư - đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người lao động Việt Nam. Họ có thể nhu mì, hiền lành khi ở nhà nhưng lại là những người anh hùng dũng cảm, nhanh nhẹn, quyết liệt trong cuộc việc, trước mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Qua nhân vật này, tác giả còn thể hiện niềm tự hào, ngợi ca sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên hùng vĩ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. Đúng như tên của văn bản: Vượt thác, sau khi miêu tả dòng Thu Bồn và cảnh quan hai bên bờ theo hành trình của con thuyền, tác giả đã tập trung miêu tả cảnh vượt thác. Qua ngòi bút của tác giả, người đọc đã cảm nhận được vẻ đẹp và sức mạnh phi thường, quyết tâm vượt thác của con người mà chủ yếu là nhân vật dượng Hương Thư trên nền thiên nhiên hùng vĩ.


    Cảnh vượt cổ cò đã gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự hung dữ của thác nước và sự dũng mãnh phi thường của con người. Lượng Hương Thư cùng chú Hai và Cù Lao liên tục phóng sào tre được bịt sắt xuống dòng sông. Soặc! Soặc! Con người đã dùng hết sức lực chống lại dòng thác. Dượng Hương Thư ghì chặt đầu vào, trụ lại, sào uốn cong. Thuyền vùng vằng như muốn trụt xuống, quay đầu về làng. Một loạt động từ mạnh trụ, ghi, phóng, uốn được dùng phù hợp với công việc nặng nhọc, khẩn trương của người lái, người chèo. Đặc biệt từ láy cùng bằng dùng rất đắt diễn tả sự cố gắng chống chọi của con người, sự ngang ngược của dòng thác, sự khó bảo của con thuyền…


    Miêu tả con người trong cuộc chiến với thác dữ, nhà văn còn dùng nhiều phép so sánh nghệ thuật. Có so sánh bằng thành ngữ dân gian những động tác thi sáo, rút sào rập bằng nhanh như cắt. Nhưng nhiều hơn là những so sánh bằng những hình ảnh hợp lí góp phần vào việc khắc hoạ vẻ đẹp rắn chắc và dũng mãnh của người lao động như một pho tượng đồng đúc. Hình ảnh so sánh tô đậm vẻ đẹp của dượng Hương Thư của con người sẵn sàng vượt thác.


    Cách so sánh không có gì mới lạ mà ta vẫn thường gặp Chị lao công như sắt như đồng (Tố Hữu), nhưng đã đem đến cho người đọc một hình ảnh của người lao động mà đâu đó ta vẫn gặp trong cuộc sống đời thường. Dượng Hương Thư còn hiển hiện lên như một anh hùng thời xưa với tầm vóc và sức mạnh phi thường giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Phải chăng sức mạnh đó đã làm nổi bật cái “thân” nhằm tôn vinh hình ảnh con người trước thiên nhiên hùng vĩ.


    Một sự “đột phá” nữa trong nghệ thuật so sánh của Võ Quảng đã gây sự chú ý cuốn hút người đọc đó là dượng Hương Thư ở nhà nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ. Sự đối lập này càng làm nổi bật vẻ đẹp hùng dũng của nhân vật. Đồng thời nhà văn hé mở cho chúng ta hiểu biết thêm những đức tính đáng quý của người lao động: khiêm tốn, nhu mì trong cuộc sống đời thường.


    Có thể nói nhờ sự quan sát tinh tế, miêu tả cụ thể bằng những hình ảnh so sánh vừa mới lạ, vừa sáng tạo độc đáo nhà văn đã tái hiện hình ảnh Dương Hương Thư lúc vượt thác. Người đọc cảm nhận được nhiều nét đẹp của người lao động chân chính như: phi thường, dũng mãnh, khoẻ khoắn nhưng lại hết sức khiêm nhường, giản dị. Đó cũng chính là những nét đẹp tiêu biểu của con người Việt Nam.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |