Top 6 Bài văn phân tích Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính (Ngữ văn 11) hay nhất

Thai Ha 10022 0 Báo lỗi

Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Bính, ta nhớ đến Mùa xuân xanh – một tác phẩm nổi bật thể hiện phong cách thơ của ông. Với 8 dòng thơ ngắn ngủi và đầy tinh tế, tác giả ... xem thêm...

  1. Người ta vẫn thường nói “một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Và như vậy, có thể nói mùa xuân gắn liền với mọi sự bắt đầu.


    Niềm mong đợi, nỗi khát khao mùa xuân thổn thức trong trái tim mỗi người ở những cung bậc, những cường độ khác nhau. Có thể đứng ở những ngã rẽ thời gian, những trạng thái tâm lý khác nhau con người ta nhìn mùa xuân cũng khác nhau. Song điều chắc chắn là tất cả đều hướng đến mùa xuân như hướng đến sự khởi đầu tuyệt diệu và nhiều hứa hẹn.


    Và một điều chắc chắn nữa, mùa xuân trong cảm quan tuổi trẻ – lứa tuổi bắt đầu cho một đời người – là đẹp nhất. Bởi, đó là mùa của tình yêu hò hẹn, của khát vọng ước mơ, của chờ đợi, yêu thương, hờn dỗi, mà nói như thi sĩ Nguyễn Bính – đó là “mùa xuân xanh”.


    Ngay từ tựa đề, bài thơ đã đưa người đọc đến với thế giới của “màu hy vọng”. Chẳng phải màu vàng của “mùa xuân chín” trong thơ thi sĩ họ Hàn, chẳng phải sự nuối tiếc thở than như chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu: “Còn xuân… nhưng chẳng còn tôi mãi”.


    Nguyễn Bính để cho nhân vật trữ tình của mình hướng tới mùa xuân và nhìn mùa xuân trong một tâm thế thật thoải mái. Trong đôi mắt yêu đời với dạt dào những cảm tình tươi trẻ, mùa xuân được hiện lên với những gì vốn có của nó:


    Mùa xuân là cả một mùa xanh

    Giời ở trên cao lá ở cành

    Lúa ở đồng tôi và lúa ở

    Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

    (Mùa xuân xanh)


    Một bầu trời màu xanh, những tán lá tươi xanh, những cánh đồng ngát xanh… tất cả cùng dệt nên một tấm thảm màu xanh trải rộng trong cả không gian bất tận của mùa xuân. Điều thú vị là trong ngút ngàn màu xanh ấy, người đọc bắt gặp một tâm sự, một niềm hy vọng thầm kín cũng thật xanh.


    Cảnh là tình, điều đó hiện hữu rõ trong ánh mắt và tâm tình thầm kín của nhân vật trữ tình, nó cũng hiển hiện nhờ màu xanh của mùa xuân như trên từng nấm mộ kia cỏ đang nằm đợi tết thanh minh để xanh thêm màu lá.


    Mộc mạc, chân thật, lời thơ vừa buông ra ta như đã cảm thấy gần hơn rất nhiều với nhân vật trữ tình. Trong hương sắc của mùa xuân, chàng trai không ngần ngại và giấu giếm mà có thể bộc bạch lòng mình thật nhất:


    Tôi đợi người yêu đến tự tình


    Liệu niềm mong đợi chân thành kia có được đáp lại? Ta chưa biết, nhưng mùa xuân – mùa của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi, của màu xanh ngập tràn hy vọng thì lẽ nào niềm hy vọng nhỏ bé kia lại phải vội tắt. Trong không gian xanh ngút ngàn của mùa xuân, niềm “mong đợi người yêu đến tự tình” của chàng trai như đang được truyền đi để kiếm tìm, để nhắn gởi. Và kia, niềm hy vọng đã lóe sáng:


    Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

    (Mùa xuân xanh)


    Tấm thảm màu xanh của bài thơ được tiếp tục bởi lũy tre làng và một chiếc thắt lưng xanh. Hình ảnh chiếc thắc lưng xanh như nổi bật trên nền màu xanh của bài thơ. Một niềm hy vọng mới được đốt cháy.


    Và ý nghĩa của mùa xuân, Ôi! Thật diệu kỳ. Biết đâu một mùa xuân nữa, lại một mùa xuân xanh, mùa đợi chờ lại chín:


    Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời

    Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi

    Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy

    Một áng thư đề nét chẳng phai.


    Ngút ngàn trong một màu xanh, bài thơ đưa ta đến với những cảm giác thật nhẹ nhàng, dễ chịu song khó quên. Và ta cũng như đang mong đợi, đang hy vọng đón chờ một “mùa xuân xanh”.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Nhắc đến Nguyễn Bính, không thể không nhắc đến Mùa xuân xanh. Chỉ với 8 dòng thơ cùng lời thơ giản dị, trong sáng, bài thơ đã mang lại cho người đọc một bức tranh mùa xuân xanh tươi sáng và tràn đầy tình cảm tươi trẻ. Từ ngay tựa đề của bài thơ, ta cũng thấy được mùa xuân với màu hy vọng và sức sống mãnh liệt.


    Bức tranh được hiện lên thật tươi đẹp qua mắt nhà thơ thông qua bốn câu thơ đầu:

    Mùa xuân là cả một mùa xanh

    Giời ở trên cao, lá ở cành

    Lúa ở đồng tôi và lúa ở

    Đồng nàng và lúa ở đồng anh.


    Có thể nói, mùa xuân là mùa của màu xanh hoặc màu xanh là màu của mùa xuân. Màu xanh của bầu trời trong trẻo, màu xanh của những tán lá cây, những chồi non mới nhú, một màu xanh non nõn chuối dù nhỏ bé nhưng tràn đầy sức sống. Màu xanh của những cánh đồng bát ngát mùi lúa mới, màu xanh của đồng cỏ bất tận.


    Có bốn câu thơ nhưng có tận năm từ ở xuất hiện. Màu xanh có ở tất cả mọi nơi, xung quanh vào mùa xuân đều tràn ngập những sắc xanh đầy sức sống, màu xanh này trồng lên màu xanh kia, tầng tầng lớp lớp đem sự sống, hy vọng đến mọi người.


    Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

    Tôi đợi người yêu đến tự tình

    Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.


    Mùa xuân còn được gọi là mùa bắt đầu cho những tình yêu chớm nở. Trong siêu phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Thúy Kiều và Kim Trọng cũng gặp nhau trong ngày hội của tiết thanh minh cũng với sác xanh của cỏ, cây, hoa, lá và cảnh vật động lòng người. Hình ảnh nhân hóa cỏ nằm đợi tiết thanh minh đã cho ta thấy một lễ hội đẹp mà mùa xuân không thể thiếu.


    Tôi đợi người yêu đến tự tình


    Trong cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân, có một lời bộc bạch mộc mạc, chân thành. Dù không biết người ấy có đến và tình yêu sẽ nở rộ hay không nhưng mùa xuân chính là mùa của tình yêu, của màu xanh ngập tràn hy vọng nên có lẽ nó đã giúp mọi người có nhiều niềm tin trong cuộc sống hơn. Và đúng là mùa của hy vọng, của sự hồi sinh, lời bộc bạch kia đã có lời giải đáp.


    Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.


    Màu xanh lại xuất hiện trong hai câu thơ cuối bài thơ. Đó là màu xanh của lũy tre làng và màu xanh của chiếc thắt lưng. Hình ảnh chiếc thắt lưng xanh nổi bật lên trên tất cả màu xanh của bức tranh mùa xuân. Sau lũy tre làng là hình ảnh mọt bóng dáng quen thuộc với chiếc thắt lưng xanh. Nó có thể là thứ mở ra một hy vọng mới, cũng có thể mở ra một cuộc tình mới, một niềm hạn phúc mới.


    “Mùa xuân xanh” là một bài thơ lãng mạn và rất đẹp, ẩn chứa và mang lại những niềm hy vọng thầm kín. Bài thơ đẹp không chỉ vì mang sắc màu của mùa xuân mà còn đẹp vì tình yêu của đôi lứa. Mùa xuân luôn là một đề tài muôn thuở nhưng trong các bài về đề tài mùa xuân, đây có lẽ là bài thơ hay và để lại trong em nhiều ấn tượng nhất.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Mùa xuân là cả một mùa xanh

    Giời ở trên cao lá ở cành

    Lúa ở đồng tôi và lúa ở

    Đồng nàng và lúa ở đồng anh.


    Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

    Tôi đợi người yêu đến tự tình

    Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh


    “Mùa xuân là cả một mùa xuân xanh” là câu thơ mở đầu của Nguyễn Bính trong bài thơ “Mùa xuân xanh” gợi ra sự trùng điệp của sắc màu tạo hóa. Tâm hồn của thi sĩ lãng mạn như rung động theo nét tương đồng của mùa xuân khởi đầu của một năm, với sắc màu nền nã, dịu dàng của “màu xanh” đất trời.

    Trong thế giới màu sắc rộn ràng của thơ xuân Nguyễn Bính, đẹp nhất hình ảnh của một “mùa xuân xanh”. Câu thơ phác họa gam màu xanh kì diệu tạo ấn tượng tươi tắn, trong trẻo, tinh khôi. Màu xanh trở thành gam màu chủ đạo bao trùm toàn bộ không gian, những điệu xanh liên hoàn, không trùng lặp.


    Màu xanh ở trên trời cao, sà xuống thấp với lá và thấp hơn nữa, rồi mở ra theo chiều rộng, theo cái mênh mông của đồng lúa rập rờn. Mùa xuân là cả một mùa xanh là thế! Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa, mùa của hạnh phúc viên mãn và cả gam màu xanh của sự tươi mới.


    “Mùa xuân là cả một mùa xanh” cũng chỉ là điểm khởi động của “Mùa xuân xanh” khi hướng ra ngoại cảnh để chuẩn bị cho chiều hướng nội, chuẩn bị cho tiếng nói tâm tình rất riêng của đôi lứa đang yêu trong chờ đợi, hẹn hò:


    Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

    Tôi đợi người yêu đến tự tình

    Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh


    Các cô gái trẻ hiện đại hôm nay không còn trang điểm bởi “cái thắt lưng xanh” hoa lý như của các cô gái quê xưa những dịp hội hè hoặc trong những cuộc hẹn hò với người thương. Vì thế các chàng trai, cô gái hôm nay làm sao có thể cảm nhận được sự xao xuyến, rạo rực của chàng trai quê trong bài thơ của Nguyễn Bính.


    Đọc lại câu thơ cuối cùng của “Mùa xuân xanh”- “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Vậy là điều “bắt đầu” điểm khởi thủy cũng là điều mãi mãi “cái thắt lưng xanh” của cô gái, chỉ có đôi mắt yêu thương của chàng trai đang chờ, đang đợi mới phát hiện thật nhanh dẫu nó mới chỉ thấp thoáng ẩn hiện “khỏi lũy tre làng”.


    Ngân nga suốt bài thơ của Nguyễn Bính là giai điệu xanh của thiên nhiên và cái vẻ tình tứ nơi thôn hương của một thời đã thành hoài niệm đẹp. Nhà thơ của thương yêu dẫn dắt ta từ “Mùa xuân xanh” của đất trời cây lá đến nỗi niềm rạo rực trong tình yêu lứa đôi một thuở đẹp như ca dao, cổ tích- cũng là từ “Mùa xuân xanh” đến tình xuân xanh, bài thơ nhỏ thật dịu dàng mà cũng thật lãng mạn của Nguyễn Bính ru mãi lòng ta trong tình thương yêu con người và cuộc sống.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Nguyễn Bính – một nhà thơ nổi bật trong phong trào Thơ mới, ông có những sáng tác hiện đại, mang một không khí tươi trẻ và ấm áp. Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Bính, ta nhớ đến Mùa xuân xanh – một tác phẩm nổi bật thể hiện phong cách thơ của ông. Với 8 dòng thơ ngắn ngủi và đầy tinh tế, tác giả đã khắc họa thành công bức tranh mùa xuân với khung cảnh thiên nhiên đầy tươi sáng và ấm áp của một mùa xuân, xanh của hy vọng và sức sống mới cho một mùa xuân mới.


    Ở bốn câu thơ đầu tiên, tác giả đã khéo léo miêu tả mùa xuân đầy tinh tế với câu từ mang sức biểu cảm cao:


    “Mùa xuân là cả một mùa xanh

    Giời ở trên cao, lá ở cành

    Lúa ở đồng tôi và lúa ở

    Đồng nàng và lúa ở đồng anh.”


    Nói mùa xuân là một mùa xanh quả là có lí do của nó, mùa xuân đến, bao nhiêu khung cảnh tươi mới hiện ra, màu xanh của bầu trời xanh thẳm, trong trẻo đến lạ thường. Màu xanh của những mầm non mới nhú sau một mùa đông lạnh lẽo khi những chiếc lá đã rụng đi, chồi non mọc mơn mởn trên những cành lá đầy màu xanh.


    Đó là biểu hiện của sức sống tràn ngập, sức sống của thiên nhiên thật đẹp đẽ. Màu xanh trên những cánh đồng tràn đầy màu sắc ấm áp, mùa của những lúa mới, của những đồng cỏ xanh tự nhiên mà bất tận vô cùng. Chỉ với bốn câu thơ nhưng lại có rất nhiều từ ở, vậy nên màu xanh có ở tất cả mọi nơi trong cuộc sống, tạo nên một tổng thể màu sắc hài hòa cho cuộc sống trở nên đẹp hơn, màu xanh – màu của sự hy vọng.


    “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

    Tôi đợi người yêu đến tự tình

    Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”


    Những điều tươi mới nhất thường đến vào mùa xuân, mùa xuân cũng là mùa của những khởi đầu mới, tình yêu cũng được chớm nở từ đây, hình ảnh thân thuộc lũy tre hay hình ảnh đầy ấm áp, Tết thanh minh với hình ảnh nhân hóa cỏ đã cho thấy những vẻ đẹp của một lễ hội đẹp và đầy màu sắc mà mùa xuân thì không thể thiếu những lễ hội.


    “Tôi đợi người yêu đến tự tình” – câu thơ như một lời bộc bạch đầy tinh tế và chân thành. Tác giả không biết tình yêu đó đến có hạnh phúc và nở rộ hay không nhưng mùa xuân đến đã tràn ngập những hy vọng của một tình cảm mới và có niềm tin vào cuộc sống hơn.


    “Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”


    Đến đây, màu xanh đã được tiếp tục trong các câu thơ của Nguyễn Bính, lũy tre xanh ngát của ngôi làng thân thuộc, màu xanh của các sự vật trong cuộc sống hàng ngày, hay cái thắt lưng xanh là những hình ảnh màu xanh đó đã khắc họa thêm bức tranh màu xanh đầy ấm áp và đẹp đẽ được tác giả khắc họa qua bức tranh mùa xuân.


    “Mùa xuân xanh” là một bài thơ đầy màu sắc và đậm chất trữ tình lãnh mạn mang niềm hy vọng thầm kín mang niềm hy vọng về cuộc sống mới, một mùa tươi đẹp những hy vọng vẫn đang được nuôi nấng. Bài thơ mang vẻ đẹp của màu sắc mùa xuân mà con là vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa. Mùa xuân là một đề tài đẹp như thế, đi vào thơ ca như một bài hát đầy ấm áp. Đây là bài thơ hay và để lại những ấn tượng tốt trong lòng độc giả.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Không hiểu sao, cứ mỗi dịp xuân về là tôi lại nhớ đến nhà thơ của “Chân quê” với những bài thơ xuân bừng sáng cả trời quê. Nếu như “Mưa xuân” có cái dịu dàng, thổn thức, phập phồng của cô thôn nữ bên khung cửi khi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” thì “Mùa xuân xanh” lại là cái xốn xang thấp thỏm trong tâm hồn chàng trai chốn “vườn chanh”.


    Không gian của bài thơ choáng ngợp một màu xanh: “Mùa xuân là cả một mùa xanh“. Ấy là màu xanh mát dịu của “giời ở trên cao“, màu xanh nõn nà của những cành lá non tơ trên cành và màu xanh mơn mởn của lúa xuân. Chao ôi, màu xanh bao quanh tứ phía, đặc biệt màu xanh của lúa đã khiến chàng thi sĩ của chân quê không thể liệt kê được hết. Chỉ biết là, màu xanh rời rợi của:


    “Lúa ở đồng tôi và lúa ở

    Đồng nàng và lúa ở đồng quanh”


    Đến cả ngôi mộ – biểu trưng cho sự tàn tạ, héo úa cũng được rải lên một màu xanh tươi roi rói của “cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh”. Dù là “nằm trên mộ” nhưng những cọng cỏ ấy dường như cũng đang rất hồi hộp đợi chờ những ngày thanh minh để kết duyên cùng nắng mới.


    Bao trùm lên tất cả là màu xanh, màu xanh của mùa xuân làm nền cho bức tranh “tự tình” của “tôi” với “người yêu”. Thật lãng mạn quá, thơ mộng quá! Màu xanh vốn là màu của sự sống, màu của biết bao niềm tin yêu, hy vọng, tương lai. Đặt cảnh “tự tình” đôi lứa trong nền cảnh ấy thì còn gì đẹp hơn?


    Trong những phút giây đợi chờ ấy, “tôi” lại nhận ra một nét xanh góp thêm vào bức tranh vốn đã rặt các điệu xanh, tưởng như không còn có gì làm cho nó xanh thêm nữa, ấy vậy mà, lại thấy một sắc xanh mềm mại, dịu dàng, quen thuộc của “lũy tre làng”. Điều vô cùng thú vị mà bài thơ đem đến cho người đọc ấy là, cái giật mình của thi sĩ khi phát hiện ra:


    “Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”


    Rõ ràng lắm, từ đầu đến đây, dù không gian kia có cao rộng đến đâu, có xanh đến đâu, có đẹp đến đâu cũng không thể lấn át cái màu xanh rất riêng, dù nhỏ nhoi thôi – màu xanh của cái “thắt lưng” người con gái.


    “Người yêu” của “tôi” đấy! Nàng đang đến để “tự tình” với “tôi”. Sau bao hồi hộp, phấp phỏng, bao nhiêu hy vọng xốn xang đợi chờ, thế rồi nàng cũng đến. “Cái thắt lưng xanh” ấy là dấu hiệu của sự đột phá, của sự sống, của tình yêu không gì có thể ngăn trở. Không phải là “tôi” tìm đến, mà là “tôi đợi người yêu đến tự tình”.


    Hóa ra là, hai người đã có hẹn rồi đấy. Đặt bài thơ vào thời điểm ra đời của nó, khoảng gần tám mươi năm về trước, ta mới thấy bài thơ thể hiện một sự đột phá. Đột phá trong tình yêu nam nữ. Khi mà cả xã hội còn nặng nề với lối tư duy cổ kính “cọc không đi tìm trâu“, thì “cái thắt lưng xanh” “khỏi lũy tre làng” mà tôi nhận thấy không lẫn vào đâu được mới mạnh dạn làm sao, tự tin làm sao! Vì thế mà, cái nền của buổi “tự tình” này phải là màu xanh, chan chứa màu xanh. Hy vọng rằng, “mùa xuân xanh” ấy sẽ cho họ nên duyên.


    Hy vọng rằng, màu xanh của mùa xuân ấy sẽ đem lại tự do, hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa! Đó, phải chăng là ước mơ của thi sĩ chốn chân quê, hy vọng ấy dành cho tất cả những chàng trai, những cô gái quê được tự do đến với nhau, thoát ra khỏi những lề thói xưa cũ o ép đầy oan khổ, trái ngang?


    “Mùa xuân xanh” là một bài thơ đẹp, nhỏ xinh mà ẩn chứa những niềm hy vọng thầm kín. Bài thơ đẹp bởi nó mang màu xanh thiên nhiên, cây lá rất thân thuộc của nông thôn Việt Nam xưa nay.


    Cái độc đáo của bài thơ là ở vẻ xanh của nền, vẻ xanh của cảnh, không tạo nên những gam màu tương phản mà vẫn thu hút sự chú ý của người đọc. Giời xanh thế, lá xanh thế, lúa xanh thế, tre xanh thế mà cũng chỉ đủ làm nền cho “cái thắt lưng xanh“. Màu xanh ấy là mùa xuân đang cựa mình sinh sôi, là tình yêu đang dâng hương đem sự sống cho đời. Mùa xuân mà nhà thơ gửi gắm “cái thắt lưng xanh” táo bạo ấy đến nay càng trở nên xanh mãi. Mùa xuân bừng sáng của tình yêu lứa đôi!


    Chính vì vậy mà đã gần một thế kỷ trôi qua, “con chim sơn ca từ hương đồng cỏ nội” Nguyễn Bính vẫn được người đọc say mê bởi những vần thơ tuyệt bút!.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Mùa xuân của thiên nhiên cứ theo qui luật tạo hóa mà đi và đến. Mùa xuân của lòng người lại theo nhịp đập của trái tim tình yêu và tuổi trẻ, ước mơ và khát vọng. Mùa xuân của một dân tộc là cái bản lề nối liền những thắng lợi của năm cũ với năm mới sau 365 ngày. Nhà thơ Nguyễn Bính chào đời và ra đi đều vào mùa xuân. Từ sáng 30 Tết năm Ất Tỵ (20/1/1966) nhà thơ đã vĩnh biệt thế giới này. Còn nhà thơ Hàn Mặc Tử, tuy hơn Nguyễn Bính 6 tuổi, nhưng cũng đã lên tiên từ mùa đông năm Canh Thìn (11/11/1940). Hai nhà thơ ở hai phương trời xa lạ nhưng cảm xúc về mùa xuân lại có nét tương đồng. Cả hai thi sĩ đều nhìn mùa xuân như một trái cây ngọt lành đang chuyển từ xanh đến chín. Hàn Mặc Tử có cả một tập Xuân như ý với mấy chục bài thơ xuân. Nguyễn Bính lại có Mưa xuân, Xuân về, Thơ xuân, Xuân tha hương, Xuân nhớ miền Nam…


    Với mùa xuân này, tôi muốn quay về mấy hơn nửa thế kỷ trước để tận hưởng “Mùa xuân xanh”của Nguyễn Bính. Bài thơ được in năm 1937 trong tập Một nghìn cửa sổ và “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử cùng in năm 1937 trong tập Nắng xuân. Nguyễn Bính chân quê, dân dã. Hàn Mặc Tử tài hoa, bất hạnh. Cảm nhận về mùa xuân của Nguyễn Bính Bắt đầu là cái thắt lưng xanh của một cô gái vừa ra khỏi lũy tre làng. Đó là tứ thơ mộc mạc, gần gũi mà không phải thi sĩ nào cũng phát hiện ra. Từ cái màu xanh đầy hơi ấm của sức trẻ ấy, tầng liên tưởng được mở rộng:


    Mùa xuân là cả một mùa xanh

    Giời ở trên cao, lá ở cành

    Lúa ở đồng tôi và lúa ở

    Đồng nàng và lúa ở đồng quanh.


    Một màu xanh bát ngát, tràn ngập như vây quanh ta. Trên trời cao mây xanh, dưới mặt đất lúa xanh. Cỏ cây, lá cành đều xanh. Màu xanh quấn quít, nhiều tầng, nhiều lớp được diễn tả bởi câu thơ vắt dòng: Lúa ở đồng tôi và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng quanh. Bốn câu thơ mà có tới năm từ “ở”, làm màu xanh của mùa xuân hiển hiện rõ nét ở giời, ở lá, ở cành, ở đồng nàng, ở đồng tôi, ở đồng quanh. Nhìn phương nào ta cũng bắt gặp một màu xanh bát ngát đến vô tận. Mùa xuân có tiết thanh minh trong sáng, thường vào cỡ tháng ba âm lịch. Cỏ non như chờ đợi xuân đến, chờ tình yêu của đất trời ban tặng:


    Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

    Tôi đợi người yêu đến tự tình

    Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

    Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.


    Mùa xuân là mùa của tình yêu. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong ngày hội Đạp thanh của tiết thanh minh với Cỏ non xanh tận chân trời. Cỏ cây hoa lá, lòng người đều háo hức đón xuân. Chàng trai mới ước đó mà cô gái đã xuất hiện: Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh. Hóa ra mùa xuân không ở đâu xa, không đợi con tạo xoay vần, mà mùa xuân đồng nghĩa với tình yêu. Màu xanh của chiếc thắt lưng cô gái là biểu tượng của màu tình yêu. Nó là cái màu của thời gian, màu của hy vọng tuổi trẻ. Nguyễn Bính rất ưa dùng màu xanh trong thơ. Ở bài Xanh (1951) ông cũng đã để cho màu xanh chen lấn với cảnh và người:


    Xanh cây, xanh cỏ, xanh trời

    Xanh rừng, xanh núi, da giời cũng xanh

    Áo chàm cô Mán thanh thanh

    Mắt xanh biêng biếc một mình tương tư.


    Mùa xuân ở phía Bắc mang nét đặc trưng riêng. Còn ở phía Nam thì bốn mùa không phân biệt rõ, mà ta chỉ thấy hai mùa mưa nắng tiếp nhau. Cũng mùa xuân 1937 ấy, Hàn Mặc Tử đang ở Quy Nhơn, ông hỏi xuân Ngoài kia xuân đến thắm duyên chưa/ Trời ở trong đây chẳng có mùa. Sau ngày giải phóng miền Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên ngồi giữa Sài Gòn cũng muốn gói nắng vàng rực rỡ gởi ra ngoài Bắc cho em: Anh ở trong này không thấy mùa Đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh trong như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam. Có lẽ nhìn ánh nắng vàng chan hòa ấy mà Hàn Mặc Tử mới tưởng tượng ra là Mùa xuân chín:


    Trong làn nắng ửng khói mơ tan

    Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

    Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

    Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.


    Mùa xuân của Hàn Mặc Tử lại gắn với màu vàng tràn đầy nơi thôn dã, thật thơ mộng và đáng yêu. Lòng người, lòng xuân bừng nở, hân hoan, ngân vang và tỏa hương sắc với đất trời. Một buổi mai có nắng nhẹ lơ lững làm tan màn sương khói mờ ảo. Nắng xuân như rắc vàng lấm tấm lên cảnh vật, lên mái nhà tranh. Gió xuân vô tình hay hữu ý trêu tà áo biếc của cô gái. Và bóng hình mùa xuân đã làm giàn thiên lý đẹp hơn. Nhà thơ nói bóng xuân sang, nghĩa là mùa xuân mới bắt đầu chớm tới. Thi sĩ đi từ những hình ảnh cụ thể của nắng, khói, sương, gió của giàn thiên lý để chào nàng xuân. Còn Nguyễn Bính đi từ khái quát: Mùa xuân là cả một mùa xanh đến các chi tiết cụ thể. Các cô gái của Hàn Mặc Tử trong “Mùa xuân chín” hiện lên như sờ thấy được, chứ không như cô gái e lệ, thấp thoáng sau lũy tre làng trong “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, chỉ ló ra cái thắt lưng xanh. Trên cái nền xanh của cỏ gợn tới trời, các cô thôn nữ đùa vui hồn nhiên, nhí nhảnh và pha một chút nghịch ngợm:


    Sóng cỏ xanh tươi gợi tới trời

    Bao cô thôn nữ hát trên đồi

    Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…


    Đang vui xum họp, các cô đã nghĩ tới sự xa cách của cái ngày mai ấy. Tiếng hát du xuân như chững lại, như ngậm ngùi khi cuộc vui đến hồi kết thúc. Tuổi trẻ rồi sẽ trôi qua như đời người không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Các cô thôn nữ vui hết mình, vui bất tận. Ta như nghe rõ từng tiếng ca vắt vẻo tiếng thở hổn hển, tiếng tâm sự thầm thĩ bên những khóm trúc. Theo nhịp đập của con tim, từng đôi trai gái đang đắm đuối, tận hưởng mùa xuân. Trong thơ hiện đại Việt Nam, hiếm có những khổ thơ đẹp như thế. Một loạt từ láy gợi âm, gợi hình càng làm sống động hơn bức tranh xuân tràn trề sức trẻ. Lúc này Hàn Mặc Tử đang ở trong nhà thương Quy Hòa, nhưng hồn thở vẫn thả theo gió mây, theo tiếng ca xuân để viết nên những dòng tuyệt bút. Trở về với thực tại cay đắng của số phận, ông ôm một mối sầu buồn: nhớ quê, nhớ làng, nhớ tới một mối tình không thành:


    Khách xa gặp lúc mùa xuân đến

    Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

    – Chị ấy năm nay còn gánh thóc

    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?


    Nhân vật trữ tình đến đây có sự đổi vai. Từ cô thôn nữ tới có kẻ rồi tới ai, và sau cùng là chị ấy. Chị ấy là ai ta không cần biết. Đó có thể là một Mộng Cầm, hay một Hoàng Cúc chăng? Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả như nhà thơ đã viết trong “Đây thôn Vĩ Dạ”: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà? Với “Mùa xuân chín” hình bóng người con gái ấy tưởng như xa vời nhưng lại rất gần gũi thân thương. Nhà thơ vẫn tôn thờ người tình trong tâm tưởng và nâng lên ở mức cung kính qua cách xưng chị ấy, để rồi vĩnh viễn lìa xa. Câu thơ cuối cùng khép lại ý tưởng mà âm hưởng cứ lan tỏa với vần điệu quấn quít được chứa đựng trong một câu hỏi tu từ: Chị ấy năm này còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?


    Ngày xuân đọc lại hai bài thơ xuân của Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử ta như được thả hồn mình về với một miền quê yên vui thanh bình, chan hòa các sắc màu tươi mát để lắng nghe những âm thanh rộn rã và hít thở hương đồng gió nội của mùa xuân xanh – mùa xuân chín, của làn nắng ửng: khói mơ tan… Hai bài thơ như có ma lực ám ảnh ta mãi mãi. Nó chứa chan nhựa sống của mùa xuân và tuổi trẻ, của tình yêu và hy vọng.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |