Top 9 Bài văn nghị luận về câu nói "Góc nhìn khác suy nghĩ khác" hay nhất
Con người có đôi mắt để nhìn đời phân biệt đục-trong, phải – trái, đúng – sai… Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá mọi việc bằng đôi mắt của mình, có khi chúng ta sẽ ... xem thêm...mắc phải những sai lầm. Bởi vậy mỗi góc nhìn khác sẽ mang lại suy nghĩ khác.
-
Con người có đôi mắt để nhìn đời phân biệt đục-trong, phải – trái, đúng – sai… Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá mọi việc bằng đôi mắt của mình, có khi chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm. Bức vẽ trên cho thấy: Nếu đứng ở góc độ khác nhau, ta sẽ có những cách nhìn, cách nghĩ khác nhau.
Bức vẽ ghi lại cuộc tranh luận của hai người đứng ở hai phía khác nhau. Họ sẽ không tìm được tiếng nói chung, vì ai cũng cho là mình đúng. Cuộc tranh luận sẽ không có hồi kết nếu như hai người không cùng đứng về một phía để nhìn nhận sự việc. Hơn nữa, mỗi người phải biết đặt mình vào vị trí của người khác để được thấu hiểu đúng hơn. Từ đó, bức vẽ đặt ra cho chúng ta một vấn đề: để đánh giá một sự việc một cách đúng đắn, hãy xem xét nó ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ.
Chi tiết trong bức vẽ cho thấy từ những góc nhìn khác nhau, không ai đúng hoàn toàn và cũng không ai sai, mỗi người có lí giải riêng, đúng theo góc nhìn riêng của mình.
Những cuộc tranh luận tương tự diễn ra hằng ngày, từng giờ từng phút, trong gia đình, trường học, cơ quan, đường phố, trên các phương tiện truyền thông… dường như hiếm khi đi đến hồi kết vì không cùng một góc nhìn. Truyện cười dân gian Việt Nam xưa “Thầy bói xem voi” đã từng nhắc chúng ta về hiện tượng này.
Ý nghĩa của bức tranh khiến chúng ta không ngừng suy ngẫm. Nếu chúng ta cứ đứng ở một góc nhìn mà đánh giá sự việc, con người, không chịu đặt mình vào góc nhìn của người khác, thì ý kiến của mình thiếu khách quan và trở nên thiển cận.
Những mâu thuẫn không đáng có trong các mối quan hệ, những thiệt hại đáng kể trong kinh doanh, trong công việc… cũng bắt đầu từ chỗ không bao quát, không nhìn từ nhiều phía trước khi đưa ra nhận định. Cần khiêm nhường đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu người, hiểu việc là thái độ sống khôn ngoan của người thành công.
Nguyên nhân dẫn đến việc mỗi người có một nhận định khác nhau khi cùng đánh giá một sự việc là bởi họ đứng ở góc nhìn khác nên có tầm nhìn khác, từ đó nhận định cũng khác những người còn lại. Mặt khác, bản thân mỗi người có tính bảo thủ, cố chấp, chủ quan, không muốn lắng nghe, không thừa nhận cái đúng của người khác.
Bức tranh phản ánh một sự thật trong cuộc sống, có nhiều người thiếu sáng suốt, lười tư duy và nhận định chủ quan về những gì họ nhìn thấy trong cuộc sống. Đây là bản tính mà ai cũng có.
Phê phán: Trong cuộc sống không hiếm người giống “thầy bói xem voi”, phiến diện, hẹp hòi khi đánh giá mọi việc…
Bài học: Để nhận định vấn đề một cách đúng đắn, chúng ta phải thay đổi góc nhìn, phải đặt mình vào vị trí của mọi người đến tìm hiểu mọi việc một cách toàn diện hơn. “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”.
Bức biếm họa đơn giản nhưng lại đem đến cho mọi người một lời nhắc chân thành sâu sắc: Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu người, hiểu đời, hiểu chuyện hơn. Cần có một góc nhìn khác, suy nghĩ khác nhưng nếu đứng ở góc độ sai lầm thì cần khiêm nhường tiếp nhận ý kiến của người khác để nhận thức đúng về những sự việc trong cuộc sống.
-
Huyền thoại sáng tạo quảng cáo Leo Burnett đã từng nói rằng chính sự tò mò về mọi khía cạnh trong cuộc sống làm nên thành công lớn của các nhà sáng tạo. Và muốn có được sự sáng tạo ta phải tìm được góc nhìn khác, suy nghĩ khác cái mọi người đang nghĩ. Bí quyết của người thành công là ở chỗ là họ thường nghĩ về những gì mà nhân loại chưa nghĩ đến. Góc nhìn khác, suy nghĩ khác thật sự cần thiết trên con đường tìm kiếm thành công của con người.
Góc nhìn khác là rời bỏ quan điểm cũ, kinh nghiệm cũ, tách mình ra khỏi tâm lý chung của xã hội để xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng ở những khía cạnh chưa được phát hiện. Góc nhìn khác cũng có thể hiểu là quan tâm đến nguyên nhân của hiện tượng và tìm cách giải quyết, đáp ứng các nhu cầu thực tế.
Từ những kiến thức thu được, ta tiến hành suy nghĩ, đối chiếu biểu hiện các sự vật hiện tượng và tìm kiếm một giải pháp phù hợp bằng những hành động cụ thể nhằm mang lại một kết quả tốt đẹp. Đó là suy nghĩ khác biệt.
Muốn sáng tạo phải có những suy nghĩ khác thường, vượt lên trên cái bình thường. Thực tế đã minh chứng cho điều đó một cách đầy thuyết phục. Nếu không nghĩ khác những gì mà nhân loại đang nghĩ thì Newton không thể sáng tạo ra học thuyết Vạn vật hấp dẫn thống trị trên bầu trời vật lí đến hơn 300 năm. Nếu không “điên rồ” tưởng tượng thì Einstein đâu thể tìm ra Thuyết tương đối, đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của nền khoa học hiện đại. Nếu không vượt ra khỏi tư tưởng và con đường của các bậc tiền bối thì Bác Hồ đâu thể tìm thấy con đường giải phóng dân tộc khỏi áp bức. Vượt ra khỏi khuôn khổ đưa ta đến với những chân trời mới.
Cuộc sống luôn là một quá trình cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn. Trong khi, thế giới luôn phát triển. Cơ hội thành công lại không dành cho tất cả. Suy nghĩ khác, nhìn nhận khác biệt về thế giới để tìm kiếm cơ hội vươn lên cho mình. Cơ hội luôn tàng ẩn trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng. Cái thực sự giá trị luôn bị che phủ bởi những cái bình thường khác. Như kim loại quý luôn nằm sâu trong lòng đất. Hạt ngọc được giấu kín trong lớp vỏ cứng của con trai. Cần thay đổi tư duy, gạn lọc cái bình thường để phát hiện chiếm lĩnh các giá trị chân thực bị che lấp ấy.
Suy nghĩ khác, góc nhìn khác giúp ta có cái nhìn toàn diện về sự vật, hiện tượng. Nó còn giúp ta tránh được lối suy nghĩ thiển cận, phiến diện. Nó bồi dưỡng cho ta tri thức mới mẻ.
Biết suy nghĩ khác biệt tạo nên tính năng động trong tư duy. Đó chính là cơ sở và động lực để con người sáng tạo và thành công. Steve Jobs đã không ngần ngại suy nghĩ về một sản phẩm khác biệt trong nhiều năm. Cuối cùng ông đã tạo ra được chiếc Iphone huyền thoại. Harland Sanders đến gần cuối cuộc đời mới nhận ra sự khác biệt của món gà rán do ông sáng tạo và gặt hái thành công lớn sau bao năm tháng vất vả. Tất cả là nhờ có điểm nhìn khác biệt, suy nghĩ khác biệt.
Phải làm gì để có được góc nhìn khác, suy nghĩ khác? Trước hết là dũng cảm rời bỏ những điều được cho là chắc chắn và nguyên tắc có sẵn. Bởi cuộc sống luôn phát triển, tri thức không ngừng tăng cao, không có gì là chắc chắn mãi mãi. Những ưu điểm của hôm qua có thể là nhược điểm của hôm nay. Những nguyên tắc có thể giúp ta có dễ dàng tiến hành công việc nhưng cũng hạn chế tầm nhìn.
Sáng tạo và khác biệt luôn là hai yếu tố có tính động lực của mọi thành công. Đặc biệt là trong khởi đầu một công việc, khởi đầu một chiến lược mới. Cái đã có vốn được kiện toàn theo thời gian và ngày thêm vững mạnh. Muốn tạo ra cái mới, đủ sức cạnh tranh với cái cũ và đi đến thắng lợi nhất định chúng phải biết làm khác biệt.
Hãy luôn thay đổi tư duy ngay trong suy nghĩ và hành động. Như tỷ phú hàn Quốc Lee Kun Hee đã từng nói: “Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con”. Phải thay đổi để thành công vì tri thức luôn bị phủ nhận trong tiến trình phát triển vượt bậc. Hãy thay đổi cái cần thay đổi, đó là tư duy, và giữ lại những gì đáng gìn giữ, đó là tình cảm.
Hãy luôn tích cực vận động để tư duy được tiếp cận với cái mới nhất, tiến bộ nhất. Hãy chú ý đến những điều mà người khác không chú ý hoặc chưa chú ý và tìm cách khai thác chúng.
Tăng cường học tập và rèn luyện mình là cơ sở để có suy nghĩ khác, góc nhìn khác. Không cần bạn phải thông thuộc hay giỏi giang trong công việc. Chỉ cần bạn biết kết nối các giá trị trong một chuỗi hợp lý. Nhất định bạn sẽ tìm thấy được điều mới mẻ mà người khác không thể nhìn thấy được.
Hãy say mê làm việc và tận tâm với công việc đang làm. Không có động lực nào tốt hơn giúp ta làm việc hiệu quả ngoài tình yêu đối với nó. Hãy tin tưởng vào lợi ích chúng ta sẽ có được mỗi khi ta hoàn thành tốt công việc. Gian khó luôn xuất hiện trước và gây khó khăn cho ta. Thành quả luôn đến sau cùng và sẽ hết sức ngọt ngào.
Tạo góc nhìn khác, suy nghĩ khác giúp ta tránh được sự cạnh tranh của đối thủ. Khi cùng khai thác một nguồn lợi, con người thường tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng nguồn lợi ấy. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để đưa ra các quyết định quan trọng. Cùng suy nghĩ như đối thủ ta cũng có được một kết quả và chính sách như đối thủ mà thôi. Suy nghĩ khác cũng không có nghĩa là làm ngược lại đối thủ. Suy nghĩ khác tức là bằng một góc nhìn khác, một quan điểm khác tiến hành quan sát và đánh giá đối tượng. Từ đó tìm kiếm khả năng khai thác chúng.
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người luôn bảo thủ. Họ cố chấp với kinh nghiệm cũ mà không chịu thay đổi. Họ không thể rời bỏ được thói quen nhìn nhận hay đánh giá sự vật. Họ không chịu sáng tạo hay cố công tìm kiếm những suy nghĩ khác biệt. Họ không toàn tâm trong công việc và dễ dàng chấp nhận thất bại. Những người như thế sẽ không thể thành công trong công việc và trong cuộc sống.
Phải luôn có suy nghĩ khác, góc nhìn khác để tìm kiếm và phát hiện cơ hội. Nắm bắt cơ hội là khởi điểm của thành công. Là học sinh phải luôn năng động, sáng tạo, vượt qua những kinh nghiệm hoặc tri thức cũ kỹ, lạc hậu, say mê tìm kiếm cái mới mẻ và tiến bộ trong cuộc sống này.
Từ bài học bán giày của hai công ty, chúng ta nhận ra rằng nếu không có góc nhìn khác, suy nghĩ khác sẽ dễ dẫn đến thất bại. Muốn thành công thì phải luôn luôn thay đổi. Đổi mới có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn. Nhưng nó có thể mang lại những điều mới mẻ và thành công vượt trội mà bạn cũng không ngờ tới được.
-
Nhà văn Johann Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”. Cuộc sống này như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó. Thay đổi góc nhìn sẽ giúp bạn thấy được nhiều cơ hội mới mà trước đó bạn không làm sao thấy được.
“Góc nhìn” là một hình ảnh ẩn dụ mà ý muốn nói đến là suy nghĩ riêng biệt trong mỗi con người. Ta nghe mọi chuyện, nhìn thấy mọi chuyện, làm mọi chuyện bằng mọi suy nghĩ của mình. Trước khi làm việc gì cũng đều phải suy nghĩ và đưa ra quyết định rồi thực hiện và kiên trì với quyết định ấy. Chính vì vậy, khi ta làm việc gì cũng phải dùng suy nghĩ và nhận định của bản thân, bằng góc nhìn của chính mình.
Mỗi người khác nhau đều có góc nhìn khác nhau, không ai có thể có góc nhìn giống nhau. Ví dụ một người nhìn từ phía trước của chiếc xe ô tô thì không thể giống với một người nhìn từ phía sau xe. Đó gọi là góc nhìn khác.
Nhưng góc nhìn cũng rất quan trọng vì tuỳ vào mỗi góc nhìn mà cảm xúc con người khác nhau. Và góc nhìn khác cũng tuỳ thuộc vào tâm trạng con người. Như là khi xem một người làm xiếc người lạc quan sẽ cảm thấy nó thật thú vị nhưng người hay sợ sệt lại cảm thấy nó nguy hiểm. Vì thế mới nói rằng mỗi người đều có góc nhìn của mình. Nhìn sai hay đúng là do tâm trạng và góc nhìn của họ, chúng ta không nên trách móc hay chê cười.
Ngoài ra, cuộc đời mỗi con người, hãy thử vài lần có suy nghĩ khác người thì sẽ sẽ rất thú vị. Người bình thường nhìn vào thác nước chỉ nghĩ nó đẹp nhưng người có suy nghĩ khác sẽ thắc mắc rằng: “Tại sao thác nước luôn chảy xuống mà không phải là chảy lên?” Nếu bạn là một người có suy nghĩ khác, khi nói ra suy nghĩ của bạn cho mọi người xung quanh, họ sẽ nghĩ bạn thật không bình thường.
Nhưng đừng để ý đến những người đó, cứ giữ những suy nghĩ lạ lùng của mình thì có thể bạn sẽ tìm ra được những điều vĩ đại. Có thể lại trở thành nhà bác học đấy! Hãy luôn có suy nghĩ khác người! Nó sẽ khiến cho cuộc sống bạn thú vị, kì lạ hơn.
Những nhân tài trẻ hiện nay là biểu tượng cho những góc nhìn và suy nghĩ khác. Họ thay đổi và mới mẻ liên tục không ngừng. Mỗi người một cái nhìn, một suy nghĩ và một quan niệm. Đấy là những ưu thế của người trẻ hiện nay. Họ có nhiệt huyết, ý tưởng sáng tạo nên dám nghĩ và dám làm. Những góc nhìn và suy nghĩ khi họ phô bày ra ta có thể thấy một điều mới mẻ mà từ trước đến giờ chưa được hiểu biết, được trông thấy. Vì vậy đất nước ta rất trọng dụng những nhân tài trẻ của như thế. Trọng dụng vì góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo của họ.
Góc nhìn dựa trên những thứ sáng tạo, suy nghĩ, nhận định… tạo nên nó. Vì vậy, những người họa sĩ và những bức tranh gắn liền với những góc nhìn một cách thường xuyên. Bức tranh Mona Lisa của vị họa sĩ đại tài Leonardo Da Vinci được nổi danh nhờ sự sáng tạo và hơn hết là góc nhìn của mỗi người xem dành cho nó. Người xem chiêm ngưỡng bức tranh bằng cả tấm lòng và cộng thêm góc nhìn trong mỗi người để thấy được cái độc lạ của nó. Từ minh chứng, cũng có thể thấy được nỗi một tác phẩm nghệ thuật là dùng mỗi một góc nhìn của mỗi người để nhận xét và đánh giá chúng.
Ngày nay xã hội tiên tiến và ngày càng hiện đại hóa hơn. Vì vậy, việc dùng các trang mạng xã hội và công khai các dòng suy nghĩ, trạng thái hay hình trên mạng xã hội. Những mỗi một tài khoản là mỗi một suy nghĩ và một góc nhìn riêng của từng người. Khi đăng tải, một hình ảnh nào lên thì lại nhiều ý kiến trái chiều đi xung quanh nó. Có người có góc nhìn thoải mái, đơn giản thì họ cho việc làm đó là bình thường. Nhưng có những người học có góc nhìn tiêu cực hơn và họ nhận định nó là điều xấu. Vì vậy, trong mỗi việc làm cũng đều khiến mọi người tạo cho ta nhiều góc nhìn. Họ đứng ở vị trí khác và dùng những suy nghĩ khác nhau cũng sẽ có những kết luận trái chiều.
Có kết luận là đúng, có góc nhìn cho bản thân là đúng nhưng không thể lạm dụng những hình ảnh văn minh, lịch sự và dùng suy nghĩ, góc nhìn sai lệch để đưa ra kết luận không chính xác. Những hình ảnh phản cảm gián tiếp tạo cho người xem một góc nhìn tiêu cực hay sai lệch so với ý nghĩa thực sự.
Sáng tạo là động lực của sự tiến bộ. Hãy là người luôn tích cực cho ra muôn ngàn góc nhìn để nhận xét một sự việc, sự vật. Để trở thành một người thành công ta không phải chỉ có một góc nhìn mà là rất nhiều góc nhìn. Hãy nói với tôi rằng bạn có thể tạo được góc nhìn của chính mình. Một góc nhìn sáng tạo, mới lạ và khác biệt. Góc nhìn là thứ quan trọng trong cuộc sống. Đừng sống bằng cuộc đời của người khác nếu bạn có thể tự xây dựng một cuộc đời của riêng mình bằng tính góc nhìn khác, suy nghĩ khác.
-
Trong cuộc sống, mỗi con người là một cá thể độc lập có chứng kiến của riêng mình và vẫn có những mối quan hệ ràng buộc khác nhau với các cá thể khác trong cộng đồng con người. Vì hoàn cảnh xuất thân khác nhau, trải nghiệm cuộc đời và quan điểm sống của mỗi người là khác nhau nên chẳng ai có thể giống ai 100% cả. Mỗi người chúng ta là độc nhất và chúng ta có nhân sinh quan sống của bản thân mình. Tuy nhiên, những góc nhìn khác nhau những suy nghĩ khác nhau sẽ đem đến cho cuộc sống những lăng kính đa màu vô cùng đa dạng.
Đầu tiên, chúng ta sẽ bàn về nguyên nhân của sự khác biệt trong góc nhìn và suy nghĩ của mỗi người. Ngoài những yếu tố khách quan như hoàn cảnh xuất thân, gia đình, bạn bè,... thì con người hình thành cách nghĩ và phong cách sống của mình trong suốt cuộc đời của mình. Cơ bản, không al là giống ai, quan điểm sống khác nhau dẫn đến góc nhìn và cách suy nghĩ sẽ khác nhau. Ví dụ, đứng trước 1 sự việc, người thì cảm thấy buồn cười vì anh ta từng gặp điều đó trong cuộc sống nhưng có người lại cảm thấy nhạt nhẽo vì anh ta thấy tình tiết quá đơn giản,...
Vì vậy, xã hội con người giống như một bàn tay thu nhỏ vậy. Trên bàn tay thì có ngón ngắn ngón dài. Có những lúc mâu thuẫn giữa người với người là không thể tránh khỏi do quan điểm của mỗi người là khác nhau. Những vấn đề ở chỗ chẳng có ai sai, cũng chẳng có ai đúng trong 1 số trường hợp nhất định. Nhìn từ góc nhìn này, người A thấy vấn đề nên đi theo hướng abc, nhưng ở vị trí người B thì thấy vấn đề này chẳng cần phải bàn đến chẳng hạn,... Trong cuộc sống, khi chúng ta không trải qua những nỗi đau thì làm sao thấu hiểu được cảm giác mất mát của người kia?
Nhưng điều mà không phải ai cũng làm được khi xảy ra mâu thuẫn đó chính là sự phủ định biện chứng. Sự phủ định đơn giản là xóa bỏ sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng A nào đó. Nhưng sự phủ định biện chứng thì khác hoàn toàn. Sự phủ định biện chứng là khi xóa bỏ sự công nhận về một sự việc nào đó nhưng trên nền tảng của sự phủ định đó, cái mới và tiến bộ hơn ra đời. Ví dụ, sự biến mất của con tằm là sự ra đời của con bướm xinh đẹp. Chính vì vậy, bài học đối với mỗi người chúng ta là chấp nhận những quan điểm, cách sống khác biệt. Chỉ khi chúng ta tôn trọng và trung hòa được những ý tưởng khác nhau, nếu tốt hơn thì dựa trên những mâu thuẫn đó mà đưa ra 1 cái tiến bộ nhất. Khi chúng ta làm được điều đó, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều thay vì tranh cãi và bảo thủ. Cuộc sống cần sự linh động, chấp nhận sự khác biệt để đưa ra cái tiến bộ như vậy.
Tóm lại, cuộc sống có những cách nhìn và lăng kính khác nhau. Điều chúng ta cần làm là biết chấp nhận những sự khác biệt đó, tôn trọng những sự khác biệt đó và đưa ra được giải pháp tốt nhất cho vấn đề chung.
-
Mỗi con người là một cá thể độc lập với những đặc điểm riêng. Chính bản sắc của cá nhân làm nên sự đa dạng về cộng đồng và quy chuẩn của cộng đồng sẽ có tác động ngược lại đối với cá nhân. Chính vì vậy, cách nhìn nhận và đánh giá con người là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển hay đi xuống của một xã hội.
Cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá người khác là việc ta căn cứ vào ngoại hình, ngôn ngữ, hành động...của người khác để đưa ra những nhận xét về họ. Thực chất, việc nhận xét là một phần tất yếu của đời sống. Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để nhìn nhận, đánh giá về những người xung quanh một cách đúng đắn?
Về mặt tích cực, những lời nhận xét hay góp ý thường giúp con người trưởng thành hơn, nhận ra ưu – khuyết điểm của bản thân để trở nên tiến bộ. Khi biết đưa ra quan điểm, cảm nhận về một sự việc nào đó, con người cũng chứng tỏ được lập trường riêng. Không chỉ nhận xét người khác, ta còn phải biết cách đánh giá chính mình để biết ta đang là ai, mục đích sống của ta là gì, những hành động ta làm có đúng đắn hay không,...
Bên cạnh những tác động tốt, những cách đánh giá sai lệch có thể hủy hoại con người. Oscar Wilde đã từng nói: “Không phải ai cũng tốt đẹp, nhưng luôn có điều gì đó tốt đẹp trong bất cứ ai. Đừng bao giờ vội vã phán xét người khác bởi vị Thánh nào cũng có một quá khứ và kẻ tội đồ nào cũng có một tương lai”. Mỗi con người đều có đặc điểm riêng, mỗi vùng đất đều có phong tục riêng,.. Việc ta cần làm là tôn trọng sự khác biệt, điều riêng tư của người khác. Không thể chỉ vì ngoại hình, ngôn ngữ, gia cảnh,... mà miệt thị ai đó. Đằng sau một câu câu nói, một hành động có thể ẩn chứa rất nhiều uẩn khúc. Việc phán xét và “dán nhãn” có thể khiến bất kì ai bị tổn thương và suy sụp. Khi chê bai người khác, ta cũng đang hạ thấp bản thân. Có lẽ chúng ta vẫn chưa thể quên được cô gái trẻ Sulli - thành viên nhóm nhạc F(x) ra đi ở tuổi 25 sau một thời gian dài chịu đựng căn bệnh trầm cảm. Là đất nước có nền công nghiệp giải trí hàng đầu châu Á nhưng nhiều năm qua, Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ nghệ sĩ tự tử vì trầm cảm thuộc hàng cao nhất khu vực do bế tắc trước áp lực công việc, phải gánh chịu những lời đàm tiếu của dư luận.
Tóm lại, hãy biết tôn trọng người khác, mở lòng lắng nghe những tâm tư và đừng bao giờ phán xét ai một cách dễ dàng. Hãy trở thành con người có chiều sâu trong tư duy thay vì làm những “Thầy bói xem voi” nông cạn và bảo thủ.
“Mọi thứ làm cho chúng ta tức tối về người khác có thể giúp chúng ta hiểu chính mình hơn”. Quả thật, khi ta phán xét ai đó, nó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn là ảnh hưởng người đó. Mỗi người đều có một cảm nhận của về thế giới và có sự thiên vị trong mình. Thay vì phán xét, chúng ta nên quan sát và tìm hiểu kỹ càng để thu hẹp ranh giới giữa việc góp ý và phán xét. -
Mỗi ngày, chúng ta đều được gặp và giao tiếp với nhiều người. Từ các đoạn giao tiếp đó, chúng ta rút tra được bài học về cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay. Mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá con người khác nhau.
Nhìn nhận, đánh giá người khác là việc mỗi người thông qua hành động, lời nói của người khác để đưa ra cảm quan của bản thân về người đó, từ đó quyết định đến thái độ, tình cảm của mình đối với người đó. Ngày nay, khi xã hội phát triển nhanh chóng thì con người dường như có ít thời gian dành cho nhau hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng phán xét, nhìn nhận và đánh giá người khác một cách nóng vội, chưa chính xác. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, cùng một sự việc xảy ra, cùng một vấn đề nhưng mỗi người lại có một cảm quan, một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bản thân. Trong cuộc sống có những cách đánh giá, nhìn nhận phiến diện, nông cạn khiến ta đánh mất cơ hội, sự tự tin, lạc quan của con người. Cách nhìn này kìm hãm sự nỗ lực, hành động vươn lên của con người. Để có được cách nhìn đúng đắn, tích cực con người cần có sự tinh nhạy, sắc bén, sâu sắc khi quan sát và suy xét thấu đáo vấn đề trước khi đưa ra kết luận. Và quan trọng hơn là phải có niềm tin đối với đối tượng được nhìn nhận, đánh giá. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người có cái nhìn hời hợt, có cách đánh giá chủ quan theo cảm tính đối với người khác. Những người này cần thay đổi quan điểm, góc nhìn của bản thân nếu muốn có được nhiều cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Cuộc sống vốn muôn màu, muôn sắc nên khi nhìn nhận vấn đề không được vội vàng, hấp tấp chỉ nhìn hời hợt bên ngoài hiện tượng mà phải suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi đưa ra kết luận. Và phải có trách nhiệm trước sự đánh giá của bản thân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có cách nhìn lạc quan để phát hiện mặt tốt, mặt tích cực của sự vật, hiện tượng, con người, luôn biết vượt qua những khó khăn, thử thách để tạo cơ hội hướng tới mục đích cao cả. Cách nhìn nhận, đánh giá người khác có tác động to lớn đến đời sống con người. Hãy có cách nhìn sáng suốt nhất cho bản thân mình để cuộc sống tốt đẹp hơn.
-
Cuộc sống muôn hình vạn trạng khiến chúng ta gặp vô vàn những vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Ở nhiều khía cạnh, mỗi người cần phải thay đổi sự nhìn nhận của mình mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.
Có người đã từng cho rằng “thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân” sẽ giúp chúng ta đạt đến thành công trong cuộc sống. Thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân là thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về sự việc, con người của mỗi cá nhân trong những thời điểm khác nhau.Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần có tầm nhìn bao quát, nghĩ rộng hơn, suy nghĩ sâu hơn, luôn có thái độ tích cực, lạc quan để giải quyết mọi tình huống một cách thấu đáo. Đừng chỉ chìm đắm trong lối suy nghĩ tiêu cực, thất vọng vì những điều diễn ra không như mong muốn. Thay vào đó, hãy nhìn những trở ngại đó là thách thức cần phải vượt qua bằng mọi cách. Người có suy nghĩ tích cực thì cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình. Nhà vua trong văn bản “Góc nhìn” nhờ thay đổi tầm nhìn mà đã đưa ra quyết định đỡ tốn kém và mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tồn tại những người bảo thủ, không chịu thay đổi để thích nghi, dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành động lệch lạc.
Từ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của việc cần phải thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ, mỗi người cần tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ, cố gắng thay đổi chính mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi người khác và thế giới.
-
Con người ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm của riêng mình. Chính vì vậy, khi nhìn nhận và đánh giá một người, chúng ta cần quna sát thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Hiện nay trong cuộc sống, cách nhìn nhận, đánh giá người cũng là một vấn đề đáng để quan tâm.
Cách nhìn nhận, đánh giá người khác là việc chỉ dựa vào ngoại hình hoặc một lời nói, một hành động của người khác để nhận xét họ. Ngày nay, khi xã hội phát triển nhanh chóng thì con người dường như có ít thời gian dành cho nhau hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng phán xét, nhìn nhận và đánh giá người khác một cách nóng vội, chưa chính xác.
Người phán xét người khác một cách dễ dàng là những người chỉ dựa vào một hành động, một lời nói mà chưa rõ nguyên nhân, đầu đuôi câu chuyện đã đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trước con người, sự việc đó. Họ thường có cái nhìn phiếm diện, một chiều, không đủ tinh tế khi phán xét người khác.
Việc phán xét người khác một cách dễ dàng để lại hậu quả mà chúng ta khó có thể lường trước. Nó dễ gây tổn thương cho người bị phán xét, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ cũng như mối quan hệ giữa mình và người đó. Việc đánh giá người khác một cách dễ dàng không thể hiện phong cách hay tầm hiểu biết mà nó chứng tỏ rằng người đánh giá người khác một cách dễ dàng là người nông cạn, thiếu hiểu biết, thiếu tinh tế. Việc phán xét người khác thường mang tính tiêu cực, có tác động đến cuộc sống của họ.
Bên cạnh những người phán xét người khác một cách dễ dàng thì vẫn còn có nhiều người sống tôn trọng người khác, biết lắng nghe quan điểm của họ và không phán xét ai qua một lời nói hay một hành động. Họ là những người biết nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, có tư duy, chiều sâu… những người này đáng được học tập.
Chúng ta có cách cảm, cách nhìn của riêng mình nên hãy suy xét thật kĩ, sống và tôn trọng người khác để cuộc sống này thêm tình yêu thương, chan hòa, gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.
-
Trong cuộc sống muôn hình vạn trạng mà ta không thể biết hết được, con người xung quanh ta cũng vậy, mỗi người sẽ là một tính cách khác nhau, chính vì vậy để đánh giá đúng một con người chúng ta phải có cái nhìn tổng quát.
Đánh giá một con người chúng ta không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài của họ được mà chúng ta phải đánh giá cả quá trình dài thông qua tính cách của họ đối sử với những người xung quanh ra sao, bởi mỗi chúng ta có suy nghĩ và nhận định một sự việc khác nhau. Có rất nhiều người ăn mặc gọn gàng, nói năng lịch sự, lễ độ có chuẩn mực nhưng khi về nhà họ lại chửi cha, mắng mẹ, tính tình hung hăng ngạo mạn. Nhưng lại có những người vẻ mặt lúc nào cũng hung hăng, dữ dằn nhưng bên trong họ là một con người ấm áp, họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo đối với những người thiếu thốn hơn mình, biết hiếu kính cha mẹ…Thế nên nếu chúng ta chỉ đánh giá qua vẻ ngoài nhiều khi đó lại là sai lầm và cũng là tuột mất cơ hội làm bạn với những người tốt, bởi mỗi chúng ta đều có suy nghĩ và cách nhìn nhận một vấn đề khác nhau, hành động thể hiện ra ra bên ngoài cũng khác nhau.
Hãy nhìn đời bằng con mắt tích cực, cũng như hãy nhìn cuộc sống bằng nhiều gam màu khác nhau để chúng ta biết trân trọng cũng như góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn nhé.