Top 8 Bài văn nghị luận về câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" hay nhất
Mỗi người muốn hoàn thiện và phát triển bản thân mình một cách tốt nhất thì trước hết chúng ta cần có cách nhìn nhận, đánh giá bản thân mình một cách khách ... xem thêm...quan, trung thực và nghiêm khắc. Chúng ta biết tự hào về bản thân mình là một việc tốt, nhưng nếu biết xấu hổ thì còn quan trọng hơn. Dưới đây là những Bài văn nghị luận về câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" hay nhất mà Toplist đã sưu tầm và tổng hợp.
-
Mỗi người muốn hoàn thiện và phát triển bản thân mình một cách tốt nhất thì trước hết chúng ta cần có cách nhìn nhận, đánh giá bản thân mình một cách khách quan, trung thực và nghiêm khắc. Chúng ta biết tự hào về bản thân mình là một việc tốt, nhưng nếu biết xấu hổ thì còn quan trọng hơn.
Tự hào về bản thân là việc mỗi cá nhân biết tự hào, hãnh diện về thành công, kết quả qua những nỗ lực mà bản thân đã đạt được. Còn xấu hổ về bản thân chính sự hối lỗi, ăn năn về những lỗi lầm mà bản thân đã gây ra. Câu nói khuyên nhủ con người ta nên lưu tâm nhiều hơn đến những hành động, lỗi lầm của mình và sửa chữa chúng, coi chúng là bài học hơn là những gì bản thân đã đạt được. Tự hào là cơ sở hình thành sự tự tin cho con người, bên cạnh đó nó còn giúp con người lạc quan hơn, vững bước trên con đường mình đã chọn. Chúng ta có quyền tự hào về những gì bản thân mình đã làm được, tuy nhiên nếu không có chừng mực thì sự tự hào đó sẽ khiến chúng ta trở thành người xấu thích khoe khoang và chủ quan trong cuộc sống của mình. Xấu hổ cảm giác xấu hổ khi phạm phải sai lầm là khi chúng ta nhận ra được lỗi của mình, từ đó chúng ta có thể khắc phục và sửa chữa lỗi lầm đó. Từ việc nhận ra và sửa chữa lỗi lầm, chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân mình hơn. Xấu hổ trái ngược với tự hào, cảm giác ban đầu của nó thật tệ nhưng nếu ta biết rút ra bài học cho bản thân thì ta sẽ tốt hơn rất nhiều, quá trình hoàn thiện bản thân sẽ được rút ngắn thêm một chút. Tự hào hay xấu hổ đều là những điều tốt đẹp mà mỗi con người cần có. Nếu chúng ta đặt sự tự hào và xấu hổ đúng chỗ, chúng ta sẽ đạt được thành quả sống nhiều hơn mong đợi.
Tuy nhiên, con người không nên quá tự hào về bản thân để dẫn đến tự phụ và cũng không nên quá xấu hổ về bản thân để gây ra sự tự ti, ngại ngùng từ đó đánh mất nhiều cơ hội quý báu.
Việc biết tự hào và xấu hổ về bản thân cũng là một kĩ năng sống giúp ta cân bằng cảm giác giữa con tim và lí trí. Hãy trở nên khôn ngoan, cẩn trọng và ưu tiên sự phát triển bản thân lên hàng đầu để có được một cuộc sống ý nghĩa.
-
Trong hành trình hoàn thiện và phát triển nhân cách, bên cạnh việc không ngừng trau dồi tri thức, con người cần rèn luyện rất nhiều đức tính khác nhau. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Câu nói đã để lại bài học sâu sắc về việc con người cần có niềm tự hào đối với những điều tốt đẹp của bản thân, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết xấu hổ để nhận thức được những sai lầm, yếu kém.
Tự hào và xấu hổ là hai trạng thái tinh thần hoàn toàn trái ngược nhau trong tâm lí con người. "Biết tự hào về bản thân" là việc con người nhận ra những điểm tốt đẹp mà mình đang có và tự tin, hãnh diện về điều này. Còn "xấu hổ" là cảm xúc tự ý thức được sai lầm hay yếu kém của bản thân, thể hiện qua sự ngượng ngùng hay hổ thẹn. Câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" đã khái quát mối quan hệ và giữa hai trạng thái cảm xúc tưởng như đối lập của con người: điều cần thiết là biết tự hào, nhưng quan trọng hơn, con người cần biết xấu hổ.
Vậy thì tại sao "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn"? Như chúng ta đã biết, tự hào cũng đồng nghĩa với việc con người nhận ra những điểm mạnh và điều tốt đẹp mà bản thân mình đang có. Điều này sẽ hình thành sự tự tin - một trong những nhân tố quyết định sự thành công của con người. Khi biết tự hào, hay nói cách khác, khi có thái độ tự tin, chúng ta sẽ có được niềm tin và tin tưởng vào những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Từ đó hình thành những trạng thái, cảm xúc tinh thần mang tính tính cực, lạc quan và vận động tối đa mọi năng lực, hiểu biết, sở trường, điểm mạnh để hoàn thành tốt công việc. Như vậy, tự hào sẽ tạo ra động lực tích cực để thúc đẩy con người nỗ lực, cố gắng.
Bên cạnh tự hào thì đối với con người, "biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Bởi khi biết xấu hổ, đồng nghĩa với việc chúng ta đã nhận thức được những sai lầm, thiếu sót của bản thân, đồng thời tìm ra những định hướng để khắc phục, sửa chữa. Như vậy, biết xấu hổ là một trong những yếu tố giúp con người bổ sung, sửa chữa những yếu kém và hoàn thiện, phát triển chính mình. Đồng thời, xấu hổ còn là một trạng thái cảm xúc thể hiện việc con người có lòng tự trọng về phẩm giá, giá trị của bản thân.
Mặc dù tự hào và tự biết xấu hổ là những phẩm chất cần thiết nhưng để phát huy hết tác dụng và ý nghĩa mà chúng đem lại, chúng ta cần phải biết kết hợp hai biểu hiện này. Con người không nên quá tự hào về bản thân mà dẫn đến kiêu căng, tự phụ, đánh giá sai lầm, ảo tưởng về năng lực của bản thân. Đồng thời, không nên quá tự ti phủ nhận năng lực của chính mình. Khi dung hòa được điều này, đồng nghĩa với việc con người đã có được một hành trang về kĩ năng để sống và phát triển không ngừng.
Như vậy, câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" đã thể hiện một bài học có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận ra những điểm mạnh của bản thân để phát huy, đồng thời nhận thức về những yếu kém, thiếu sót để sửa chữa.
-
Làm người, vốn dĩ là một niềm tự hào lớn, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”. Nói một cách cụ thể, mỗi người đều có những điều tự hào riêng về bản thân như tự hào về nhân cách, tài năng hay vẻ đẹp hình thể,… và đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ biết hãnh diện về những gì tốt đẹp mình có mà không biết phản tỉnh để cảm thấy hổ thẹn về những điều kém cỏi, lỗi lầm của mình thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn. “Tự hào” và “xấu hổ” nên được nhận thức như thế nào cho đúng? Đó chính là nhan đề được đặt ra trong ý kiến “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.
Biết tự hào về bản thân là thái độ hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có, về những đóng góp của mình cho cuộc sống; biết xấu hổ là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Nội dung của ý kiến trên chủ yếu đề cao việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản thân, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách của mình.
Chúng ta thấy ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn khi khẳng định sự cần thiết của việc biết tự hào. Biết tự hào về những gì tốt đẹp của bản thân sẽ giúp ta biết tự khẳng định mình, giúp bản thân thêm tự tin, từ đó có thêm động lực để vươn tới những ước mơ lớn hơn. Chẳng hạn khi được thầy cô khen ngợi vì đạt được thành tích tốt trong học tập, chúng ta thường cảm thấy phấn chấn tinh thần vì nỗ lực được công nhận, giá trị bản thân được nâng cao trong mắt người khác. Đó là những cảm xúc tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện bản thân, một trong những yếu tố tiên quyết để thành công.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh vì tự hào quá mà biến thành thái độ tự cao, tự đại. Nhiều người mới đạt được chút thành tựu đã hội trở nên hợm hĩnh, đánh giá bản thân cao quá quá cao so với thực lực. Đó chính là bước đầu tiên dẫn đến thất bại. Chúng ta chứng kiến không ít vận động viên thể thao có thể đạt thành tích rất cao trên đấu trường khu vực quốc tế nhưng khi thi đấu trên sân nhà lại gặp thất bại trước một đối thủ kém cỏi hơn mình.
Nếu mỗi người bên cạnh việc biết tự hào còn biết tự xấu hổ thì ắt sẽ cân bằng được nội tâm của mình vì nó là biểu hiện của ý thức hoàn toàn tự giác, xuất phát từ lương tâm, giúp con người nâng cao năng lực và hoàn thiện nhân cách. Tự giác tức là tự biết bản thân bên cạnh những điều tốt đẹp mà ta sở hữu, vẫn còn có nhiều khiếm khuyết hoặc lỗi lầm mà vô tình hay cố ý ta có thể gây ra cho người khác. Từ đó hình thành cho mình một thái độ cầu thị, khiêm cùng; một ý thức thường trực mài giũa “ngọc sáng trong tâm” khiến nhân cách ngày càng hoàn thiện. Biết xấu hổ còn giúp con người tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo đức xã hội. Hay nói cách khác nếu chúng ta biết xấu hổ thì sẽ không bao giờ phải xấu hổ.
Biết xấu hổ mang lại nhiều lợi ích như thế, tuy nhiên cần phân biệt thái độ này với thái độ lúc nào cũng đánh giá thấp bản thân vì sự tự ti, mặc cảm. Đành rằng con người ai cũng có khuyết điểm, nhưng cần nhìn nhận công bằng, khách quan cả hai mặt sáng – tối, đẹp – xấu trong mỗi con người để biết tự hào trong những trường hợp chính đáng. Có bạn học sinh học lực khá tất cả các môn, duy chỉ môn Toán là thường điểm dưới trung bình. Thay vì tự hào về những gì đạt được và cố gắng học tập tốt môn Toán thì bạn ấy lại rất mặc cảm, dằn vặt bản thân vì sự kém cỏi của mình, từ đó mất đi lòng tự tin và động lực học tập.
Vậy thì “biết tự hào” và “biết xấu hổ” giúp ích được gì cho chúng ta? Phải chăng là bài học về nhận thức toàn diện? Đúng như vậy. Hai “cái biết” này không mâu thuẫn mà hỗ trợ lẫn nhau để một người nhận thức sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó lên kế hoạch hành động để hoàn thiện mình. Nó cũng chính là ngọn đèn soi sáng suốt hành trình rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức nhân cách của mỗi con người.
Bạn trẻ! “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Hãy luôn ghi nhớ trong lời nhắn nhủ này. Đó chính là kim chỉ nam cho bạn trên dặm dài hoàn thiện nhân cách đạo đức trong cuộc sống. Biết tự hào để ngẩng cao đầu vì những điều tốt đẹp bản thân làm được, biết xấu hổ để cúi xuống học hỏi từ những sai lầm như một cánh hoa tươi vừa kiêu hãnh vừa kiêu hãnh vừa khiêm nhường bạn nhé!
-
Để không ngừng hoàn thiện và phát triển bản thân, con người cần nhận thức được ưu điểm cũng như những hạn chế của bản thân, cần biết tự hào về bản thân để chủ động, tự tin hơn trong công việc, cuộc sống nhưng cũng cần biết tự xấu hổ với những hạn chế, thiếu sót để có ý thức khắc phục, hoàn thiện mình. Đúng như câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.
“Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” là câu nói thể hiện quan niệm về cách ứng xử, thái độ với bản thân. “Biết tự hào về bản thân” là thái độ tự tin, hãnh diện về những giá trị tốt đẹp, thành quả mà mình đang có. “Biết xấu hổ” lại là trạng thái hổ thẹn về sự kém cỏi, những sai lầm, thiếu sót của bản thân. Xấu hổ và tự hào đều là những trạng thái cảm xúc thông thường mà bất cứ chủ thể nào cũng có. Khi biết tự hào hay xấu hổ về bản thân mình là khi con người ý thức và tự đánh giá được những hành động, lời nói, việc làm của bản thân. Câu nói đã đề cao việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản thân, nếu tự ý thức đúng đắn về mình, con người có thể hướng đến những điều tốt đẹp hoàn thiện hơn trong tương lai.
Mỗi con người đều có những ưu điểm, sở trường riêng có thể làm tốt một công việc nào đó. Khi biết tự hào về bản thân là khi con người biết tự công nhận chính mình, biết hãnh diện về lợi thế từ mình đang đó. Tự hào về bản thân sẽ giúp con người tự tin hơn trong công việc, cuộc sống cũng như có thêm những động lực lớn lao để vươn tới những điều tốt đẹp, những đỉnh cao mới trong cuộc sống của chính mình.
Để đạt được thành quả trong bất cứ công việc nào, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công chính là việc tin vào chính mình. Chỉ khi tự tin tưởng vào bản thân mới có thể huy động mọi năng lực, tài năng, nhiệt huyết cho công việc, mang đến kết quả như mong muốn. Bạn sẽ không thể hoàn thành tốt bất cứ công việc gì nếu như chính bạn cũng không tin vào bản thân mình. Tự hào về mình là tốt nhưng nếu tuyệt đối hóa những gì mình đang có sẽ dẫn đến thái độ tự cao tự đại, đánh giá mình cao hơn những người xung quanh.
Cùng với thái độ tự hào, việc ý thức được những sai lầm của bản thân để thấy xấu hổ còn quan trọng hơn, vì nếu nhận thức được những sai lầm của bản thân con người sẽ biết thay đổi, điều chỉnh hành vi của mình theo những chiều hướng tích cực, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức để dần hoàn thiện bản thân.
Sở dĩ biết xấu hổ còn quan trọng hơn biết tự hào bởi biết xấu hổ là biểu hiện của sự tự giác, nó được nhận thức xuất phát từ lương tâm, nó có thể giúp con người nâng cao năng lực, nỗ lực rèn luyện, thay đổi để hoàn thiện nhân cách của chính mình. Biết xấu hổ là trạng thái cảm xúc tiêu cực nhưng nó lại có tác động mạnh mẽ đến nhận thức cũng như quyết định sự đổi thay của hành vi, lời nói, suy nghĩ của con người. Khi nhận thức được những sai lầm của bản thân, con người sẽ không cho phép mình phạm phải sai lầm ấy lần nữa, qua đó mà dần hoàn thiện được bản thân. Không biết xấu hổ sẽ làm cho con người trở nên hợm hĩnh, đánh giá thái quá vai trò của bản thân, đúng như Petrotimes đã từng nhận định: ”Không biết xấu hổ thì có nghĩa là không bao giờ có thể tự mình tu tỉnh, rèn luyện, khắc phục những yếu kém, sai lầm của mình. Và cứ như vậy, họ như đôi giày đã giẫm bùn… Không cần gìn giữ nữa, cứ thế mà giẫm bạt mạng, bất kể là vào đâu". Tuy nhiên, biết xấu hổ không có nghĩa là thường trực cảm giác tự ti, mặc cảm thiếu tự tin về bản thân, đó là sự tự ý thức để hoàn thiện không phải là việc đánh giá thấp năng lực, khả năng của mình.
Câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã mang đến những nhận thức sâu sắc về điểm mạnh cũng như những hạn chế, thiếu sót của bản thân, qua đó thôi thúc con người không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để tự hoàn thiện mình.
-
Con người là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của Tạo hóa. Nhưng Tạo hóa chỉ tạo ra hình dáng bên ngoài, còn giá trị của chính mình như thế nào thì tuỳ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm của mỗi con người. Chúng ta phải biết “tôi luyện” cho những phẩm chất tốt đẹp, biết tự đánh giá mình một cách đúng đắn, biết tự tin và tự trọng mà tự hào và xấu hố là một biểu hiện của nó. Đó cũng là thước đo khá chính xác phẩm giá của mỗi người. Bởi vậy mà có ý kiến rằng: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hố còn quan trọng hơn”.
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm của tự hào và xấu hổ. Tự hào là cảm giác vui sướng, lấy làm hài lòng, hãnh diện vì cái tốt đẹp mà mình có; thoả mãn với thành công mà mình đạt được. Xấu hồ là tự thấy thổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc thua kém so với người khác. Đây là hai tầm lí khá phổ biến, thường thấy ở mỗi người, ở đây, ý kiến này không phủ định một trong hai mà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết xấu hổ với mọi người, đặc biệt là với chính bản thân mình.
Người biết tự hào là người hiểu rõ bản thân, hiếu rõ những sở trường, điếm mạnh của mình. Nhờ vậy mà họ tự tin vào những gì tốt đẹp mà mình có, khiến họ dễ thành công trong học tập, công việc và cuộc sống. Tự hào cũng giúp họ tạo được niềm hưng phấn, động lực mạnh mẽ trong hành động. Khi ta biết tự hào, ta sẽ thêm vững gan bền chí vào cuộc sống, tạo dựng được bệ phóng cho một tương lai tốt đẹp. Ngược lại, nếu tự hào là sự tự tin, tự thoả mãn của bản thân thì xấu hổ lại là điều mà mỗi người tự chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ rồi biết đứng dậy vươn vai, tìm ra lối đi dứng đắn hơn để hướng tới sự thành công trong tương lai.
Người biết xấu hổ là người biết nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa, cố gắng không đế lặp lại sai lầm đó nữa. Xấu hổ cũng là biết hổ thẹn khi bản thân mình là một người hèn nhát, kém cỏi so với mọi người. Từ đó, mà họ nỗ lực đến mức tối đa có thể vươn lên, sánh ngang và có khi để vượt qua chúng bạn. Những người như vậy là đã tự ý thức được giá trị, phẩm giá của con người mình, vị trí của bản thân trong xã hội. Họ xấu hố để rồi cố gắng phân đấu hơn, không khiến mình bị cô lập, bị lu mờ, quên lãng trong đám đông. Với họ, sống là phải công hiến, phải “có danh gì với núi sông”. Đây là một thái độ đáng quý của lòng tự trọng, là điều cần thiết đôi với mỗi người.
Biết xấu hồ còn là đức tính khiêm tốn, có tinh thần trách nhiệm với công việc, lương tâm với xã hội, con người. Trái với người tự tin, những người biết xấu hổ để khiêm tốn, là họ chịu nhún mình lùi lại phía sau, chấp nhận vẫn còn thua kém bạn bè, đồng nghiệp. Họ chưa hài lòng về những gì họ đã đạt được. Họ muôn thành quả của họ phải hơn thế nữa và vì vậy những người biết xấu hổ ấy phải cố gắng gấp hàng nghìn lần so với công sức họ đã cố gắng trước đây. Như thế, chẳng phải biết xấu hổ quan trọng hơn tự tin hay sao? Nhà thơ Nguyễn Khuyến, người được mệnh danh là “Tam Nguyên Yên Đổ”, luôn đứng đầu bảng vàng. Nhưng không phải ông thi đâu đậu đấy. Đường như nửa cuộc đời ông đã dành cho việc theo đòi cửa Khổng sân Trình, thi rớt rồi ghi danh thi lại, thi mãi thi mãi. Hẳn, với tính khí của một nhà nho, ông phải lấy làm xấu hổ khi không được đem tài đức của mình ra mà giúp ích cho đất nước buổi ấy. Có lúc, ông lại cảm thấy “thẹn” với chính cái thân già của mình:
“Sách vở ích gì cho buổi ẩy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.”
Hay trong bài “Tự trào”, tiếng cười chế giễu, chua xót càng sâu sắc hơn:
“Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.”
Trong cuộc sống, cũng không có ít tấm gương biết tự xấu hổ với bản thân mình như vậy. Nhưng rồi, sau sự xấu hổ ấy là những thành công liên tiếp nhau. Ví như một cậu học trò ở lớp chuyên Văn nọ, lúc nào cậu cũng bị thầy cô quở trách vì chữ viết quá xấu và lỗi diễn đạt quá kém. Cậu nhận thấy cậu là một trong những học sinh kém nhất lớp. Từ đó, người học sinh ấy bắt đầu thay đổi mình. Gạt bỏ qua tất cả những chuyện vui chơi, tụ tập bạn bè, phim ảnh, cậu quyết tâm phải làm được những gì mà thầy cô mong muốn, hi vọng. Cậu chăm chỉ học và rèn luyện chữ viết miệt mài. Cuối cùng, sau bao nhiêu mồ hôi và công sức đổ xuống cậu đã giành được một tấm vé vào đội tuyển thi Quốc gia của trường. Động lực để cậu làm được điều đó là gì nếu như không biết xấu hổ với chính mình? Và những lời la rầy của thầy cô chính là chất xúc tác hữu hiệu nhất để cậu ấy thu được quả ngọt sau một quá trình vất vả trồng cây? Phải chăng, khi ta biết hổ thẹn mà hành động thì thành công của chúng ta sẽ ngọt ngào hơn rất nhiều?
Đôi khi tự tin quá lại trở thành tự cao, tự đại, đắc chí, chỉ biết ta là nhất. Một số người lại hay xấu hổ đến mức mặc cảm, tự tin, không dám hoà nhập với xã hội, cộng đồng để bộc lộ khả năng của mình. Và tai hại lớn nhất là có những người không biết tự hào cũng chẳng biết tự trọng. Họ vô cảm với mình, với người, với đời. Nguyên nhân là do đâu nếu không phải là vì những con người ấy sống thiếu trách nhiệm, thiếu đi động lực cần thiết giúp họ vươn lên và điều tốt quan trọng là họ đã đành mất niềm tin vào bản thân. Đối với những người này, cuộc sống thật sự tẻ nhạt. Họ chẳng có gì phải phấn đấu, không có mục tiêu và lí tưởng để mà vươn đến.
Ngày mai của họ là sự lặp lại y nguyên của ngày hôm trước. Và cuối cùng, chán nản cộng với sự tù túng sẽ dẫn họ vào con đường tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng của cộng đồng chung. Con đường đi đến tương lai của những người này chỉ là một màu đen u tối. Đấy là điều mà giới trẻ hiện nay phải tuyệt đối tránh xa.
Có câu nói rằng: “Khi mất của cải là chẳng mất gì. Khi mất sức khoẻ là một vài thứ đã mất đi. Nhưng khi mất ý chí, chẳng còn gì cả”. Vì vậy, tự hào và xấu hổ là hai yếu tố quan trọng để hình thành nên ý chí của mỗi con người. Tự hào đối với bản thân thì quá dễ vì bất cứ ai cũng có cho riêng mình ít nhất một điểm mạnh, một sở trường. Nhưng biết tự cười mình, tự xấu hổ với chính mình khó lắm, đặc biệt là lúc đã ở trên đỉnh cao của sự vinh quang rồi. Tự nhận thấy mình cũng có những khuyết điểm đề khắc phục, cũng có những hạn chế là khó mà biết dũng cảm chấp nhận và sửa chữa, vượt qua giới hạn của bản thân lại càng khó hơn. Câu nói cho ta một bài học thật thấm thía về cách đạt được thành công trong cuộc sống. Ta phải dung hoà nó để trở thành một con người tự tin và tự trọng, tin ở bản thân mình, coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình bằng cách khẳng định khả năng, đạo đức, vị trí của mình trong xã hội
-
Trong cuộc sống con người luôn cần tự tin vào bản thân mình, tự hào với những thành quả mà bản thân đạt được để mơ ước đạt tới những thành công lớn hơn. Bên cạnh đó, ta cũng phải nhận thức được những sai lầm mà bản thân đã phạm phải để sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã trở thành bài học quý giá cho tất cả mọi người.
Trước hết ta cần hiểu rõ câu nói để có thể bàn luận chính xác về vấn đề được đặt ra. “Biết tự hào về bản thân” là thái độ hãnh diện về những thành quả mình đạt được, về những đóng góp của mình cho cuộc sống. Không chỉ có thể, biết tự hào còn là sự nhận thức rõ ràng về khả năng của bản thân trong cuộc sống. “Xấu hổ về bản thân” là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Thêm vào đó, việc biết xấu hổ về bản thân còn là biểu hiện của tự trọng – một đức tính vô cùng thiết yếu đối với mỗi con người. Nói tóm lại, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã đề cao sự nhận thức đầy đủ về bản thân, hướng tới sự hoàn thiện chính mình.
Không thể phủ nhận rằng ý kiến đưa ra là vô cùng đúng đắn. Trong cuộc sống, ta có thể thấy được việc biết tự hào, biết khẳng định bản thân đóng một vai trò quan trọng trong hành trình tìm kiếm thành công của mỗi con người. Thật vậy, tự ý thức được năng lực, thành tích của bản thân giúp mỗi người tự tin hơn trong cuộc sống và trong công việc, giúp con người ta biết được vị trí của mình trong cộng đồng. Ta là ai? Ta có những gì? Ta làm được những gì? Cổ nhân có câu “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” cũng là bởi như vậy. Tuy nhiên, tự hào thôi là chưa đủ, ta còn phải biết xấu hổ về bản thân nữa. Rất tự nhiên, con người thường có xu hướng che giấu cái xấu, lỗi lầm của bản thân và khoe khoang mặt tốt. Chẳng vì thế mà các cụ ta hay có câu “Đẹp đẽ thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại” đấy thôi. Nhưng ta phải nhận thức được một điều rằng: Chỉ khi con người ta đối diện với lỗi lầm, biết hổ thẹn với chính bản thân mình vì lỗi lầm ấy và có ý thức sửa chữa thì ta mới hoàn thiện được bản thân. Thậm chí, việc biết xấu hổ còn quan trọng hơn biết tự hào bởi lẽ biết xấu hổ là biểu hiện của ý thức tự giác, xuất phát từ lương tâm của mỗi người để tự hoàn thiện bản thân và hoàn thiện cả xã hội.
Trong cuộc sống, ta gặp không ít những tấm gương không chỉ biết tự hào về thành quả đóng góp của mình mà còn biết tự xấu hổ về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác nữa. Hãy gặp cô gái kình ngư trẻ của làng bơi lội Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên, bạn sẽ thấy một tấm gương sống về điều đó. Cô gái kình ngư trẻ tuổi này từng bật khóc nức nở ngay khi giành được tấm huy chương vàng danh giá và lập được kỉ lục Sea Game tổ chức tại Singapore. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là những giọt nước mắt ấy không phải là những giọt nước mắt vui vẻ, những giọt nước mắt sung sướng của thành công mà theo cô chia sẻ, đó lại là những giọt nước mắt thất bại. Ánh Viên khóc khi mắc lỗi và thua chính mình dù cô vượt xa các đối thủ còn lại trên đường đua xanh. Cô gái ấy không chỉ biết tự hào về bản thân khi đem lại vinh quang cho Tổ quốc mà đáng quý hơn cô còn biết nhìn thẳng vào những sai lầm mình đã mắc, nhìn thẳng vào sự yếu kém của bản thân để sửa chữa nó ngay cả khi cô đã đạt được giải thưởng danh giá nhất. Tấm gương sáng ấy khiến chúng ta phải nhìn lại bản thân mình, nhìn lại sự tự mãn của bản thân mình khi đạt được kết quả học tập tốt hay được thăng chức, tăng lương trong công việc. Cô gái kình ngư trẻ tuổi ấy thực sự là tấm gương để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, ta đề cao việc tự hào về bản thân không có nghĩa là ta đồng tình với việc tự cao tự đại, đánh giá bản thân quá cao khiến con người trở nên hợm hĩnh coi thường tất cả. Tương tự như vậy, ta đề cao việc biết xấu hổ về bản thân không có nghĩa là ta khuyến khích sự tự ti quá đà, lúc nào cũng thấy mình có lỗi, có khuyết điểm, người khác phê phán là lại thay đổi theo ý kiến người ta. Đó là lối sống ba phải, gió chiều nào che chiều ấy chứ không phải là lòng tự trọng và sự nhận thức đúng đắn về bản thân mình.
Tóm lại, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã để lại cho chúng ta những bài học đáng quý. Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu. Không chỉ có vậy, ta còn phải nghiêm khắc đối với chính mình, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của bản thân. Từ việc hoàn thiện được bản thân, chúng ta có thể dần dần hoàn thiện cả xã hội.
-
Tự nhận thức về phẩm hạnh, về đức hạnh của mình, về sở trường và sở đoản của bản thân mình là cực kì quan trọng. Muốn trở thành con người tử tế, ai cũng vậy, không chỉ biết tự hào mà còn phải biết tự xấu hổ. Đúng như có ý kiến cho rằng: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn".
Tự hào là lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có. Ta thường nói: lòng tự hào dân tộc, niềm tự hào về giang sơn gấm vóc, về nhân dân mình; tự hào về bản thân mình,... Xẩu hổ nghĩa là cảm thấy xấu xa, hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác. “Xấu thiếp, hổ chàng" (Tục ngữ). Cần thiết là cần đến mức không thể nào không làm hoặc không có. Quan trọng là có ý nghĩa, có tác dụng hoặc có ảnh hưởng lớn, đáng được coi trọng, không thể coi thường hoặc xem nhẹ.
Qua đó, ta thấy rõ tự hào và tự biết xấu hổ là hai phẩm chất cần có để hình thành và hoàn thiện nhân cách. Nếu không biết tự hào về bản thân mình, không biết tự xấu hổ thì sao xứng đáng được đồng loại coi trọng?
Tại sao biết tự hào về bản thân là cần thiết? Có ai hiểu ta hơn ta? Biết tự hào là tự khẳng định mình, để sống tử tế hơn trước mọi thử thách cuộc đời, để bản thân ta có niềm tin về mọi điều tốt đẹp của mình, trên cơ sở đó mà tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, ra sức phấn đấu, phát huy sở trường, tiềm năng, tiềm lực của bản thân mình. “Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi'' là tự hào.
Vốn đã tốt đẹp lại phấn đấu cho tốt đẹp hơn là nhờ có sức mạnh của niềm tự hào. Không chịu “thua chị, kém em'', dám ước mơ và hành động là tự hào. Học đã giỏi lại nỗ lực không ngừng, vươn lên không ngừng, ngày một giỏi hơn là biết sống tự hào. Tự hào giúp ta khắc phục tính tự ti, tự coi mình là hèn kém, là nhỏ bé trước đồng loại. Sống thụ động, mặc cảm là đáng buồn! Tự hào nhưng không nên, không được tự cao, tự đại, tự mãn. Tự cao, tự đại, tự mãn,... sẽ kìm hãm tài năng phát triển, sẽ làm méo mó nhân cách, sẽ bị đồng loại xa lánh, chê cười. Bài ca dao: “Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn ...” đã chỉ ra thói xấu hợm hĩnh lúc nào cũng tự coi mình là “nhất thiên hạ".
Trong cuộc sống, mỗi một chúng ta không chỉ biết tự hào bản thân mà còn phải biết xấu hổ để làm người tử tế. Tại sao tự biết xấu hổ còn quan trọng hơn tự hào? Con người đâu phải là thần thánh! "Nhân vô thập toàn”, bên cạnh mặt tốt, thường có mặt hạn chế, khuyết điểm. Lười biếng, tham lam, dối trá, nói tục, vô lễ, không có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, ... là những tính xấu cần gột rửa, gạt bỏ. Tự xấu hổ thì mới biết sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, làm cho tính tốt phát triển, nhân cách ngày một hoàn thiện.
Có dũng cảm mới biết tự xấu hổ. Có biết tự xấu hổ mới biết tự vấn lương tâm. Có biết xấu hổ mới biết tu dưỡng, biết tự phê bình để cho tâm hồn trong sáng. Câu cổ ngữ "Ngọc bất trác bất thành khí" là bài học về tự mài giũa, tự xấu hổ để sống đẹp hơn, cao quý hơn.
Kẻ không biết xấu hổ là vô liêm sỉ, là loại “mặt trơ, trán bóng”, không biết phân biệt đúng/sai, tốt/xấu, điều đáng làm/ điều không nên làm, v.v... Kẻ không biết tự xấu hổ thì tâm hồn ngàv một đen tối, đầu óc thành ao tù, tâm địa trở nên đồi bại. Hắn sẽ bị đồng loại coi khinh, chê cười.
Tại sao những ông bố, bà mẹ có đứa con hư đốn, giết người cướp của, ... lúc ra đường lại lầm lụi cúi mặt không dám nhìn ai? Tại sao, một số quan tham bị kết án nhiều năm tù, nhưng đứng trước tòa án vẫn nhâng nháo? Tại sao có người lại khóc khi biết mình làm điều sai trái? Đúng là có biết xấu hổ mới biết làm người.
Tóm lại, sống trong cuộc đời, mỗi một chúng ta phải biết nâng cao niềm tự hào vể bản thân, coi đó là điều cần thiết, nhưng phải tự ý thức là biết xấu hổ còn quan trọng hơn. Biết tự hào về bản thân, biết xấu hổ mới trở thành con người tốt, con người có văn hóa. Biết tự hào là thắp sáng ngọn lửa tâm hồn. Biết xấu hổ là để phục thiện. Có thế, mới tốt đẹp, mới đáng yêu.
-
Con người ta ai cũng cần có cho mình lòng tự tôn cá nhân. Lòng tự tôn chính là thước đo cho sự phát triển nhân cách con người, nhưng có lòng tự tôn để không dễ đánh mất mình thì cũng nên biết xấu hổ khi cần thiết, điều đó rất quan trọng, nó là một phần về thái độ của bản thân trước hành động của chính mình và người khác, cũng là một khía cạnh của con người mình mà người khác sẽ nhìn vào và đánh giá.
Người ta hay xấu hổ khi tự mình cảm thấy hổ thẹn, thấy mình có lỗi hay kém cỏi hơn người khác. Tuy nhiên, cũng có sự xấu hổ hồn nhiên khi con người ta thấy rung động về một tình yêu ngây ngô, thầm kín mà bị phát hiện.
Con người ta ai cũng nên biết xấu hổ, biết xấu hổ con người ta sẽ nhận thức được bẩn thân mình rõ ràng hơn để tránh mắc phải những sai lầm đã có. Biết xấu hổ vì nhận thấy mình kém cỏi, bị chê bai, bị đem ra so bì sẽ cho người ta động lực để vươn lên, khắc phục những thiếu sót của bản thân, sự biết xấu hổ trong trường hợp này rất dễ biến thành động lực phi thường để phát triển bản thân. Biết xấu hổ người ta sẽ dễ biết cảm thông chia sẻ hơn, sống có lương tâm hơn, biết nghĩ cho người khác hơn. Biết xấu hổ là một trong những biểu hiện tốt thể hiện một con người có lòng tự trọng, có nhận thức đúng đắn về phẩm giá con người.
Tuy nhiên, không nên để sự xấu hổ trở thành mặc cảm để rồi tự mình càng tạo ra khoảng cách xa hơn với mọi người. Biết xấu hổ nhưng rồi cũng chỉ để đấy thì sự xấu hổ lại trở thành ý nghĩa tiêu cực.
Trong xã hội vẫn còn đầy rẫy hiện trạng con người ta còn có những hành động xấu, những hình ảnh xấu nhưng cũng không có nhận thức đúng đắn và cũng không có biết đến sự xấu hổ trước những chuyện mình làm như những hành vi lệch lạc của giới trẻ: ăm mặc thiếu vải, văng tục chửi bậy, thích ra vẻ ta đây và bắt nạt người khác, yêu đương khi còn nhỏ tuổi nhưng rất vô tư, công khai và có khi còn tự đăng tải lên các trang mạng công cộng… Người nổi tiếng thì tháy vì đi lên bằng chính công sức lao động nghệ thuật chân chính thì lại thích chiêu trò, tạo scandal…thay vì nhận thức được những hành vi của mình là sai trái, đáng xấu hổ, họ lại coi cái đó là để thể hiện cái tôi cá nhân, là cá tính, là tự do.
Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta tự đánh mất bản thân mình, đánh rơi hai từ “xấu hổ”, không biết xấu hổ để rồi buông thả bản thân làm ra những chuyện thật đáng trách, đáng bị lên tiếng phẩn đối. Con người không cần biết đến sự xấu hổ cũng chính là hướng tới sự kiêu hãnh bản thân mù quáng, sai lầm, để rồi dần dần đánh mất cả lương tâm của chính bản thân mình.
Thiết nghĩ trong xã hội này, nếu sự xấu hổ và biết xấu hổ không còn thì sẽ ra sao, học sinh, sinh viên những mần non, chủ nhân tương lai của đất nước mà không biết xấu hổ, cứ lao vào những chuyện thị phi khi tuổi trẻ còn phơi phới thì sẽ ra sao. Những kẻ phạm tội nếu không biết dừng lại, không biết điểm dừng của hai chữ xấu hổ thì an ninh trật tự, bình yên của cuộc sống này còn gì.
Để xây dựng cộng đồng người có ý thức, có trách nhiệm với bản thân và xã hội không phải chuyện dễ, nhưng cũng không phải chuyện khó, bản thân mỗi người cần có rèn luyện cho mình lòng tự tôn cá nhân, biết yêu thương đồng loại, biết hướng thiện và biết xấu hổ với những việc làm sai trái của bản thân mình. Cùng với đó, gia đình, nhà trường, cộng đồng hãy cũng đồng hành với mỗi con người khi họ gặp khó khăn trong cuộc sông hay có những suy nghĩ lệch lạc.
Không phải ai sinh ra cũng hoàn hảo, nhưng con người ai cũng cần cho mình những điểm tựa về tinh thần, về ý thức để có thể sống tốt, sống đẹp hơn, và biết xấu hổ để rồi nhận thức được rõ hơn về bản thân mình là một chuyện đúng đắn và sáng suốt vô cùng.