Top 10 Bài văn nghị luận về bệnh thành tích học đường hay nhất

Thai Ha 25 0 Báo lỗi

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong ... xem thêm...

  1. Thế giới ngày càng trở nên hiện đại và xô bồ. Để thỏa mãn lòng tham và nhu cầu khẳng định bản thân, đôi khi con người chọn từ bỏ những giá trị sống tích cực để chạy theo lối sống phù phiếm, giả dối. Điều này đã tạo nên một căn bệnh mới cho xã hội: bệnh thành tích.


    Vốn dĩ, thành tích chỉ những kết quả tốt đẹp mà con người đạt được sau quá trình nỗ lực phấn đấu. Có thành tích đồng nghĩa với việc ta chứng minh được năng lực của bản thân, nhận được sự tôn vinh từ cộng đồng. Đối lập với điều này, bệnh thành tích lại mang là cụm từ mang nghĩa tiêu cực. Bệnh thành tích là lối sống chạy theo danh vọng, đặt danh lợi lên trên tất cả. Nó được thể hiện cụ thể ở việc chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng mà không quan tâm quá trình phấn đấu, không từ mọi thủ đoạn để đánh bóng tên tuổi, ám ảnh về việc phải nhận được sự tán dương từ mọi người xung quanh,…


    Bệnh thành tích mang lại rất nhiều tác hại cho cá nhân và cộng đồng. Trước hết, chạy theo thành tích khiến con người trở thành những kẻ ích kỉ, vô cảm. Ta sẵn sàng chà đạp lên người khác, vứt bỏ những giá trị đạo đức để thỏa mãn sự tham lam. Hám thành tích bao giờ cũng đi liền với sự dối trá, lừa lọc, dốt nát. Thật kinh hoàng biết bao khi xã hội tràn ngập những kẻ đạo đức giả, những tấm bằng đại học giả, những tên “ngụy tri thức”,… Tri thức bị coi rẻ, dễ dàng mua – bán nên việc học sẽ không còn giá trị. Không chỉ vậy, chính vì sự ám ảnh với thành tích mà con người luôn sống trong sự căng thẳng, áp lực. Bệnh thành tích không giết chết chúng ta trong đau đớn như những căn bệnh thể chất nhưng sẽ khiến ta mục ruỗng từ bên trong. Xã hội sẽ diệt vong nếu căn bệnh này kéo dài.


    Ta dễ dàng nhận thấy rằng trong nhiều trường học, lễ tổng kết cuối năm dường như trở thành lễ tuyên dương thành tích. Điểm số, phần trăm học sinh đạt loại Khá/Giỏi được đề cập rất nhiều. Trong khi đó, không ai thống kê có bao nhiêu học sinh cảm thấy tự hào hoặc hạnh phúc về môi trường học tập, bao nhiêu học sinh còn gặp khó khăn khi tới trường hay liệu có học sinh nào mắc phải trở ngại tâm lí hay không,… Thậm chí, để bảo toàn thành tích, nhiều trường học sẵn sàng “tạo điều kiện” lên lớp cho những học sinh không đạt đủ yêu cầu về học lực. Vụ việc gian lận điểm thi Đại học gây xôn xao cả nước năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La là hồi chuông báo động về tình trạng bệnh thành tích.


    Để loại bỏ căn bệnh nguy nan này, mỗi cá nhân cần có ý thức tự giác học tập, rèn luyện, giữ cho mình ý chí kiên cương, không ham hư vinh mà bán rẻ nhân phẩm. Cộng đồng cần chung tay lên án những kẻ mắc bệnh thành tích. Có như vậy, xã hội mới trở nên trong sạch và văn minh.

    Bài tham khảo
    Bài tham khảo

  2. Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.


    “Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.


    Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thế nhưng cũng thật đáng buồn khi xã hội ngày càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt một thành tích tốt đẹp của con người lại trở thành một căn bệnh đang là mối đe dọa trong xã hội.


    Một biểu hiện dễ thấy nhất đó là Bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy cô muốn thành tích cao cho trường, cha mẹ muốn thành tích tốt cho con mình. Khi còn đương nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “ Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.


    Phụ huynh muốn con em mình điểm cao mà sẵn sàng đưa tiền bồi dưỡng các thầy cô, thầy cô vì muốn học trò được điểm cao lấy thành tích cho trường mà mua chuộc giám thị. Chúng ta biết rằng kết quả thi cử của học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường. Từ đó nếu có một kết quả thi tốt của học sinh, thầy cô sẽ được khen thưởng, nâng lương. Và những phụ huynh học sinh cũng có được một bảng điểm đẹp cho con em mình. Ai cũng được lợi. Bên cạnh những phụ huynh thực sự muốn con em mình đi lên bằng chính sức lực của chúng không ít những phụ huynh vẫn đang tìm mọi cách giúp con có một bảng điểm đẹp, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng sau này. Điều đó từ sâu xa đều xuất phát từ lòng thương con của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Cứ tới mỗi kỳ thi, chúng ta lại bắt gặp những cuộc trò chuyện như “Đã lo chỗ nào chưa?”, “Đã đi thầy/cô này chưa?”. Chính tình thương quá đáng của bậc cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích ngày càng lây lan rộng hơn.


    Chúng ta hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đọc được những bản tin như học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa đọc thông viết thạo vậy mà các em vẫn được lên lớp đều đều. Chúng ta hẳn thấy thật chua xót khi sau mỗi năm thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện những bài thi được chép kín những mặt giấy nhưng hoàn toàn không đúng nội dung đề bài. Sau mỗi ngày thi, sân trường phủ kín bằng phao trắng xóa. Hình ảnh thật xót xa.


    Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Nó không chỉ là căn bệnh của ngành giáo dục mà nó còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của xã hội nữa. Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một lĩnh vực riêng lẻ nào. Nhớ trước đây số xã nghèo ở nước ta chỉ khoảng 1700. Sau khi có các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tiền để xóa nghèo thì rất nhiều địa phương đã đăng ký thoát nghèo. Để rồi khi báo chí vào cuộc phanh phui thì vẫn có hàng trăm hộ trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đã được thoát nghèo. Âu cũng là bệnh thành tích mà ra.


    Cấp trên thích nghe thành tích tất nhiên sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít đến nhiều, căn bệnh thành tích từ đó ngày càng lây lan rộng. Những câu chuyện về những công trình, dự án trên giấy, vấn đề giải quyết việc làm, câu chuyện xóa đói giảm nghèo, với những báo cáo xa rời thực tế là vấn đề muôn thuở.


    Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Bệnh thành tích sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.


    Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.


    Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.


    Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.


    Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.


    Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội, lại trở thành một bệnh, mà ngày chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực.


    Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, người được kỳ vọng rất nhiều trong công tác chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đã nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao" mà "hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích".


    Tuy nhiên, muốn khắc phục căn bệnh nguy hiểm này, có nhiều vấn đề được phân tích thêm và làm sáng tỏ. Tại sao các trường và các thầy cô ham muốn kết quả thi cao? Phải chăng vì kết quả cao đó - dù là kết quả không phản ánh đúng thực chất - là tiêu chí được Sở hay Bộ sử dụng để đánh giá thành tích điều hành và giảng dạy của ban giám hiệu, các thầy cô? Phải chăng với thành tích được đánh giá cao theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ có lợi là nâng lương, khen thưởng và tiếp tục "sự nghiệp” nhân lên căn bệnh thành tích? Và nếu tất cả các trường trên cả nước đều có những kết quả xuất sắc tương tự, phải chăng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác điều hành giáo dục trên cả nước? Tại sao các phụ huynh muốn con em có điểm cao hơn thực chất. Ở đây cũng cần có hai cách nhìn: thực chất và tác dụng. Xét về thực chất, không có phụ huynh học sinh nào muốn con em mình là học "giả". Họ là những người đã bỏ ra tiền thật, công sức thật, thời gian thật và hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình. Không có lý do gì họ lại mong muốn nhận được một môn hàng giả. Tuy nhiên, đứng trên điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất chúng ta đã được biết để con em họ qua được các kỳ thi, có một tấm bằng. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh học sinh và học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích hơn là "đồng tác giả”. Khi sự lây nhiễm của bệnh thành tích đã thành phổ biến, làm gì có ai được miễn dịch? Cuối cùng, không có ai khác là xã hội phải gánh chịu rủi ro và chi phí cao hơn. Một sự lãng phí nghiêm trọng về thời gian và tiền bạc, hậu quả của bệnh thành tích. Khi nguồn nhân lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bị méo mó nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, các doanh nghiệp đành phải chấp nhận "hàng giả" lẫn lộn với "hàng thật” và phải thêm ngân sách để đào tạo và đào tạo lại sau khi tuyển dụng, bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của người. Hơn nữa, hàng rào thì có quá nhiều và tập trung càng làm nặng thêm tinh thần học tủ, học rập khuôn, sao chép của học sinh.


    Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là xuất phát điểm, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và thành thục sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.


    Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh. Đất nước này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Trên tiến trình đổi mới giáo dục bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ. Trước tình hình đó, Bộ Giáo Dục nước ta đã vận động nhân dân "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"


    "Tiêu cực" là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. "Thành tích" là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng "bệnh thành tích" lại là kết quả của sự "nỗ lực" giả dối, ngụy tạo. Sự khác nhau căn bản giữa "thành tích" và "bệnh thành tích" chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.


    Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhà trường vì muốn đạt chỉ tiêu của bộ đề ra, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã lờ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho điểm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì muốn lên lớp, có danh hiệu mà không cần phải tốn sức học bài. Vì những lý do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kỳ thi, có một tấm bằng đề tìm việc sau này. Có một tấm bằng đi đã, vì đó là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay, để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng hơn.


    Đầu năm 2006, tại trường trung học cơ sở Trần Phú, huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên đã phát hiện hai mươi sáu học sinh lớp sáu đọc chưa thông, viết chưa thạo nhưng vẫn cứ được lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vất trắng cả sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này, bản thân chúng ta có suy nghĩ gì? Cả một thế hệ, cả một tương lai đất nước này phải để những con người như thế gánh vác thì chẳng có gì kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ những chức vụ cao trong xã hội là những người "hữu danh vô thực" thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển.


    Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thực sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thinh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối thủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì có một văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không.


    Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thể giúp ích cho xã hội và cho bản thân. Cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Đó không phải là việc quá khó nếu chúng ta cùng có quyết tâm "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Trong cuộc sống bất cứ ai đều thích được khen thưởng, được đề cao và đánh giá tốt. Bởi lẽ nó chính là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao giúp con người sống tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên bên cạnh những khía cạnh tích cực của việc khen thưởng thì vẫn còn đó những cá nhân những tổ chức đang cố gắng chạy theo thành tích. Thậm chí nó còn trở thành một căn “bệnh” trong xã hội hiện thời. Vậy bệnh thành tích là gì? Và nó đã tác động đến xã hội thế nào thì chúng ta phải cùng nhau đi sâu và tìm hiểu nó.


    Thành tích có nghĩa là những nỗ lực, những kết quả tích cực mà con người, tập thể đã cố gắng phấn đấu để đạt được. Nó thường mang những ý nghĩa tích cực để phản ánh sự lao động miệt mài và cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi người. Thế nhưng nếu đặt nó cùng với chữ “bệnh” thì lại trở nên vô cùng đáng sợ. Và hiện nay nó là điều mà cả xã hội chúng ta phải nhức nhối tìm cách loại bỏ dần dần.


    Bệnh thành tích là việc cá nhân hoặc tổ chức không tuân thủ đúng thực tế mà chỉ chạy theo lượng không quan tâm về “chất”. Nó tương tự với câu tục ngữ “thùng rỗng kêu to”. Tức là chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy mà bỏ qua cái cốt lõi bên trong. Trên thực tế, hiện nay đây là một trong những “tệ nạn” những sâu mọt mà các cấp các ngành vô cùng trăn trở. Phải nói bệnh thành tích diễn ra rất nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên có lẽ nó thường gặp nhất ở môi trường giáo dục, các cơ quan nhà nước.


    Điều đó phản ánh ở những kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông, các kì thi sát hạch đánh giá chất lượng. Các thầy cô tất bật lo lắng cho việc thành tích của học sinh vì nó chính là thước đo phản ánh chất lượng dạy học, là bộ mặt của nhà trường. Và vì thế mới có việc các giáo viên ném phao vào cho học trò, chạy trọt, gian lận trong thi cử. Các cơ quan công quyền làm chẳng được bao nhiêu thế nhưng trong những cuộc họp tổng kết thành tích báo cáo bao giờ cũng là “hoàn thành tốt”, “vượt chỉ tiêu”. Trên thực tế họ chỉ đang vui mừng với những con số 99, 100% mà quên mất rằng điều đó có thể hủy hoại cả một thế hệ cả một nền kinh tế đất nước.


    Bệnh thành tích mang lại một hậu quả vô cùng nặng nề cho cá nhân và cho xã hội. Đầu tiên nó khiến cho con người trở nên tự mãn không hiểu rõ giá trị bản thân mình. Luôn ảo tưởng về những gì mình đã đạt được. Thế rồi dần dần họ trở nên tự cao tự đại không còn biết lắng nghe tiếp thu và sửa đổi và hậu quả là việc trở nên thụt lùi so với xã hội. Bởi thế xa xưa các cụ ta đã có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Hình thức có thể xấu xí nhưng chất lượng bên trong không được phép mối mọt. Bởi lẽ một cái cây sâu mục thì sớm muộn gì sự xanh tốt cũng không còn và sẽ chết dần chết mòn trong khô héo. Đối với tập thể thì bệnh thành tích lại càng trở nên nguy hiểm hơn gấp bội.


    Đầu tiên đó là phía các nhà trường. Chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục sẽ làm hủy hoại cả một tập thể. Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp diễn ra thường xuyên và trở thành “chuyện thường như ở huyện”. Có những em học sinh chẳng biết đọc biết viết thế nhưng vẫn ngồi đến lớp 7 như thường. Vậy xin hỏi sau này các em sẽ làm gì cho xã hội? và phải chăng chúng ta đang phải oằn mình để bù đắp cho những thiếu hụt này? Một đất nước nếu có những quan chức chỉ toàn người “thùng rỗng kêu to” thì thử hỏi bao giờ dân mới hết khổ? Bao giờ hai tiếng công bằng mới có trong xã hội ta? Rồi các cơ quan công quyền chỉ chạy theo thành tích thì bao giờ đất nước mới thoát được nghèo đói? Xã hội mới trở nên văn minh?


    Bác Hồ là một người lên án mạnh mẽ vấn nạn của căn bệnh thành tích. Còn nhớ một câu chuyện về Bác được rất nhiều thế hệ sau chia sẻ đó là việc Bác về thăm một hợp tác xã lao động giỏi. Khi đến thăm chuồng lợn của xã đó Người thấy những con lợn trong chuồng cắn nhau. Người liền mở cửa chuồng thì có một con lợn chạy vọt ra bên ngoài. Sau đó Bác đã hỏi lại ngay vị chủ tịch xã thì biết được rằng để lấy thành tích với Bác, nên ông đã bắt lợn của người dân về thả vào chuồng vì thế mới dẫn đến việc lợn trong đàn cắn nhau. Bác đã nghiêm khắc phê bình và chỉ ra những tác hại khôn lường của bệnh thành tích. Một con người có tầm nhìn xa trông rộng như Bác mà còn phải lo lắng trước những hậu quả nghiêm trọng của nó thì đủ biết nó đã làm cho xã hội trở nên xấu xí đến mức nào rồi.


    Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích thì con người chúng ta sẽ sống có trách nhiệm hơn và ý chí hơn. Chính vì thế ngay bây giờ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy tìm cách loại bỏ nó bằng việc nghiêm túc trong thi cử, không quay cóp không chạy chọt mua điểm. Bởi chỉ khi nào đẩy lùi được căn bệnh này thì xã hội chúng ta mới trở nên trong sạch văn minh được.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Mỗi khi nói đến thành tích thì bất kể ai cũng muốn mình có được thành tích cao. Trong mỗi con người luôn tiềm ẩn sự ganh đua. Khi chúng ta còn nhỏ, hẳn bạn nhớ là nếu có cuộc thi giữa bố mẹ và con cái xem ai ăn nhanh hơn thì chúng ta sẽ ăn rất nhanh để được khen ngợi. Cạnh tranh để có thành tích tốt không phải là xấu nhưng nếu bất chấp tất cả để có thành tích tốt thì lại khác. Hiện nay có một vấn nạn gọi là “bệnh thành tích” ý chỉ những người chạy đua để đạt thành tích cao mà không màng đến điều gì khác. Căn bệnh này gây nên những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta ngày nay.


    Vốn dĩ, thành tích là một thước đo dùng để đánh giá một người. Nhưng khi đặt chữ bệnh ở trước nó thì ta hiểu rằng đó là một điều chẳng tốt đẹp gì. Con người ta cứ mải chạy theo căn bệnh thành tích, chỉ chăm chăm nhìn vào cái kết quả cuối cùng mà bỏ qua hành trình để đạt được nó. Và đôi khi để đạt được thành tích cao, người ta thực hiện những hành vi xấu. Chẳng hạn như trong giáo dục căn bệnh thành tích thể hiện ở chỗ quay cóp để có được điểm cao mà không quan tâm đến việc mình thu nạp được kiến thức gì.

    Thực ra căn bệnh thành tích không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nó có từ thời xa xưa và dường như mỗi lúc lại một nhân rộng hơn lên. Cũng không phải chỉ xuất hiện ở lĩnh vực giáo dục nhưng giáo dục là cái nôi phát triển của mỗi con người. Vì vậy, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn được nói đến nhiều nhất. Hiện có không ít các trường học vẫn còn chạy theo thành tích với những chỉ tiêu 100% đạt thành tích cao trong các cuộc thi này, các cuộc thi khác. Để đạt được những thành tích như đã đề ra đó, họ tìm mọi cách để rèn học sinh. Chẳng hạn như mở các “lò” luyện thi. Học sinh đến trường lẽ ra phải được học đều các môn thi để đạt được thành tích cho nhà trường, học sinh được đặc cách chỉ tập trung học đúng 1 môn để thi còn các môn khác sẽ được thầy cô nâng đỡ. Chính điều đó đã khiến học sinh cũng bị cuốn theo căn bệnh đó. Trong các kì thi tốt nghiệp phổ thông, nhiều trường còn ngang nhiên cho học sinh quay cóp, ném phao vào cho học sinh để không em nào bị trượt. Bởi nếu có học sinh không vượt qua kì thi thì thành tích của trường sẽ bị giảm sút.


    Có một câu chuyện vui nhưng cười ra nước mắt mà thầy giáo dạy Toán của tôi năm cấp 2 đã kể thế này. Một cậu học sinh của thầy không thể đọc được một đoạn định nghĩa trong sách giáo khoa. Khi được hỏi một phép cộng đơn giản trong phạm vi 10, cậu học sinh của thầy không trả lời được. Thầy dẫn cậu sang gặp cô hiệu trưởng trường cấp 1 và hỏi vì sao học sinh như vậy lại có thể lên lớp. Cô hiệu trưởng đáp lại thầy rằng “Nó không giỏi nhưng bố mẹ nó giỏi”. Câu chuyện thầy kể khiến tôi suy nghĩ mãi. Phải chăng bây giờ người ta đi học không phải để lấy kiến thức cho mình mà chỉ để lấy thành tích thôi sao? Một đất nước mà chỉ nhìn vào những thành tích ảo thì đất nước ấy sẽ đi đâu và về đâu?


    Khi mà giáo dục không thể đào tạo ra những nhân tài đích thực sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng xấu. Những học sinh ấy khi ra đời sẽ không biết năng lực thật của mình đến đâu, không biết mình làm được những việc gì. Rồi họ sẽ loay hoay với chính cuộc sống của mình. Thực tế cho thấy có không ít những trường hợp học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng lại thi trượt tốt nghiệp.


    Để xã hội không bị tụt lùi, giáo dục cần phải có sự thay đổi. Chỉ khi giáo dục thay đổi, đẩy lùi bệnh thành tích thì xã hội cũng sẽ thay đổi. Những lĩnh vực khác cũng theo đó mà tốt hơn lên. Bản thân mỗi học sinh cũng nên tự ý thức vào việc học. Rằng việc học là để có kiến thức cho chính mình chứ không phải để lấy thành tích.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Bạn biết không? Trong xã hội ai ai chẳng muốn mình được khen thưởng khi mình đạt được những thành tích. Đạt được nhiều thành tích và mọi người công nhận chắc chắn sẽ thôi thúc cá nhân, tập thể đó càng muốn đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Thế nhưng thật đáng buồn thay hiện nay lại có rất nhiều người chạy theo thành tích, mua thành tích, tìm mọi thủ đoạn để có thành tích để được mọi người phải nể phục và thành tích trong thời hiện đại ngày nay cũng đã trở thành một vấn nạn, một căn bệnh khó chữa.


    Con người phải hiểu được như thế nào là bệnh thành tích? Thành tích được hiểu đó chính là những kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thực sự thành tích được xem là một điều kiện để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp mà người tạo ra thành tích phải cố gắng mới có được. Khi được mọi người tán thưởng thì cũng chính điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng hơn rất nhiều. Mặt khác, chúng ta như cũng nhận thấy được rằng cũng chính thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác để người ta cũng lại có thể cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, không một ai có thể phủ nhận thành tích là điều tốt đẹp. Thành tích luôn luôn mang lại được những điều tốt đẹp cho cuộc sống và những kết quả đã bỏ ra.


    Tuy nhiên, thật đáng buồn hơn trong xã hội ngày nay người ta lại đặt trước từ “thành tích” một chữ "bệnh”. Chúng ta cũng nên hiểu bệnh thành tích thì vấn đề đã khác rất nhiều. Nhắc đến từ bệnh thì luôn luôn gợi đến điều gì không tốt đẹp. “Bệnh thành tích” không gì khác đó chính là những thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài của một cá nhân, một tập thể, nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong họ không có khả năng để đạt được những thành tích tương xứng để biểu dương. Thành tích như một lớp mỡ hào nhoáng bên ngoài bao phủ những sự vẩn đục, cũng như không có khả năng. Đến khi chỉ cần một giọt xà phòng tìm hiểu ra rơi xuống mặt nước được bao phủ với lớp mỡ hào nhoáng óng ánh đó thì lộ ra những sự yếu kém và sai sót.


    Bệnh thành tích thực là một căn bệnh khó chữa mà từ lâu nó như cũng lại đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội. Bệnh như cũng đã ăn sâu, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực đời sống. Chính trong môi trường giáo dục - môi trường từ lâu vẫn được đánh giá là một môi trường trong sạch thì hiện nay bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức nữa. Một lớp 100% học sinh giỏi, nhà trường chạy đua với những thành tích đạt được thật hoành tráng khiến cho các trường khác phải nể phục, đồng thời như một cách để thu hút học sinh. Thế nhưng thực tế ngôi trường đó vẫn có những học sinh ngồi nhầm lớp, ý thức chưa tốt và tất cả thành tích như đã đánh đồng, không phân biệt được năng lực thực sự của các em học sinh. Nhất là môi trường giáo dục của Việt Nam còn nặng về bằng cấp.


    Rõ ràng, chúng ta như nhận thấy được chính bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, người ta dường như cũng lại nhận thấy được cũng chính căn bệnh này nó cũng lại đã khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích. Vì chạy theo thành tích nhiều nên con người lại không có xu hướng vận động phát triển. Trong xã hội hiện đại thì bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển và đáng buồn thay khi nó cũng lại ngày càng gia tăng theo số nhân. Dần dần căn bệnh. này cũng sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội của đất nước ta. Căn bệnh đáng sợ này cũng lại làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ mà thôi còn bên trong rỗng tuếch.


    Bệnh thành tích luôn gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Bệnh thành tích nó như cũng có rất nhiều căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người đó chính là thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Mà bệnh thành tích luôn luôn xuất hiện ở tất cả lĩnh vực, đời sống mà nó thực sự không tốt, chúng ta cũng cần phải đẩy lùi.


    Mỗi người chúng ta như cũng lại nhận thấy căn bệnh thành tích này cũng cần phải chữa một cách nhanh chóng nhất. Đặc biệt đó chính là khi đất nước Việt Nam ta đang bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải bài trừ căn bệnh này đi. Có thể nói rằng khi chữa được tận gốc bệnh thành tích mới chống các hiện tượng thi cử gian lận, đồng thời chúng ta cũng có thể xây dựng được con người mới, đạo đức mới xã hội văn minh tốt đẹp hơn.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Không biết từ bao giờ "bệnh thành tích" đã trở thành một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Học tập, lao động, chiến đấu, cá nhân nào cũng có ước muốn chính đáng là lập được nhiều thành tích tốt đẹp. Nhưng vì hám thành tích mà có hiện tượng làm láo báo cáo hay. Thành tích được vẽ ra, được thổi phồng lên làm theo cấp số nhân, cấp số cộng để nhận huy chương, để lấy bằng khen, rước xách rầm rộ, liên hoan lu bù, báo công ầm ĩ.


    Hầu như ngành nào cũng lắm "bệnh thành tích". Nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân thất nghiệp, nhưng năm nào cũng hoàn thành kế hoạch. Lâm trường nọ trồng cây gây rừng, thành tích được thổi phồng lên, nào là phủ xanh đồi trọc, nào là trồng được hàng triệu cây có bóng mát, cây ăn quả, cây gỗ quý, thông và bạch đàn bao la. Nhưng câu chuyện xảy ra như một vở bi hài kịch khi đoàn kiểm tra "sờ" đến. Những con số ấy, những cây cối ấy chỉ là số không. Rừng phòng vệ bị phá tan hoang. Diện tích hoang hóa, đồi trọc mênh mông. Rừng đầu nguồn bị chặt phá trơ trụi.


    Ngành giao thông vận tải thì đường sá mới làm xong đã xuống cấp, tai nạn giao thông xảy ra đến chóng mặt, mỗi năm có hàng trăm người chết vì tai nạn ô tô, chẹt tàu. Hiện tượng lún móng cầu, sập cầu đâu còn là sự cố hiếm thấy nữa!


    Ngành giáo dục, "bệnh thành tích" trở nên trầm kha. Thi cử gian dối, trường nào, địa phương nào cũng lo chạy theo thành tích nên đã buông lỏng kỉ cương. Bằng giả, học giả, tiến sĩ rởm không còn là hiện tượng hi hữu nữa. Khẩu hiệu: "Nói không với tiêu cực" tuy đã giảm bớt được một phần nào, nhưng bệnh tiêu cực không thể nào một sớm một chiều mà giảm bớt được, hạn chế được. Bệnh thành tích đã làm suy thoái đạo đức cán bộ, người lao động vì cái tệ làm láo báo cáo hay. Con số thống kê là con số ảo, không đúng với thực tế sản xuất của nước ta. Dịch cúm gà, cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh, có nơi, có lúc đã báo cáo sai. Do "bệnh thành tích" mà từng gây ra nhiều thảm họa! Phải thanh tra, kiểm tra thật chặt chẽ, xử phạt thật nghiêm minh mới có thể chữa được căn bệnh "ung thư" này.


    Có chữa được "bệnh thành tích" thì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước mới phát triển và giành được nhiều thành tựu rực rỡ. Có chữa được tận gốc "bệnh thành tích" mới chống các hiện tượng thi cử gian lận, mới xây dựng được con người mới, đạo đức mới xã hội văn minh.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  9. Cuộc sống phát triển là do những thành tích từ mồ hôi, nước mắt của toàn nhân dân, toàn xã hội. Thế nhưng chạy theo thành tích ảo, đánh lừa người khác bằng con số ảo, bằng những báo cáo không đúng sự thật thì lại thật đáng chê trách. Con người ta đôi khi đua ganh, xét nét nhau mà chạy theo thành tích. Vì lẽ đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và gây ra những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội.


    Trước hết phải nói đến việc nỗ lực đạt được thành tích tốt của một cá nhân hay một tập thể. Đó thật sự là một việc tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Một xã hội mà mọi thành viên đều nỗ lực để đạt được kết quả cao trong các lĩnh vực: thể thao, văn hoá, khoa học, kinh tế...vì lợi ích cho mình và cho cộng đồng, xã hội ấy chắc chắn là một xã hội tiến bộ, nền kinh tế chắc chắn phát triển, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.

    Thế nhưng, thật đáng buồn khi xã hội ngày nay càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt thành tích - một phẩm chất tốt đẹp của các thành viên trong xã hội lại đang trở thành một căn bệnh - bệnh thành tích - một căn bệnh đang là mối đe dọa cho xã hội.


    Ngày xưa, ông cha ta thường hay nói “Con gà tức nhau tiếng gảy”, "mua danh ha vạn" cũng là để chỉ tâm lí ghen tị, hám danh lợi- một thói tật của con người. Cái danh mua được ấy không chỉ được người chung quanh kính nể mà còn thu lợi thật.


    Có lẽ vì thế mà bệnh thành tích càng có cơ sở để lây lan, thậm chí bùng phát.


    Ngày nay, cuộc sống phát triển, nền kinh tế cũng phát triển càng hối thúc việc đua tranh thương hiệu, tiếng tăm, càng kích thích việc chạy đua thành tích ảo.


    Vấn đề nổi bật nhất hiện nay là "bệnh thành tích trong giáo dục", Đó không chỉ là vì nhà trường, thầy cô muốn có thành tích cao mà còn là gia đình, xã hội ai cũng muốn con em mình có thành tích tốt. “Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích;"(Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo - Nguyễn Thiện Nhân). Phụ huynh vì muốn con em mình có điểm cao hơn thực chất mà sẵn sàng đóng tiền bồi dưỡng các thầy cô để các em được điểm cao. Vậy thì tại sao các thầy cô lại muốn đạt được thành tích cao?. Phải chăng vì kết quả thi cử chính là tiêu chí được sử dụng để đánh giá tình hình giảng dạy và chất lượng của nhà trường, giáo viên. Theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ được hưởng lợi ích là khen thưởng, nâng lương, tiếp tục ở lại trường, lớp và cũng tiếp tục công việc chạy theo thành tích của mình. Và những phụ huynh học sinh, những người thực sự mong muốn cho con em mình có được kết quả học tập tốt nhất, tấm bằng loại khá, loại ưu để thuận lợi cho cuộc sống sau này trở thành những người "đồng phạm".


    Không thể phủ nhận rằng bên cạnh những bậc phụ huynh thật sự mong muốn cho con em mình đi lên từ chính đôi chân của chúng, vẫn còn những bậc phụ huynh làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất để con em họ qua được kì thi, có một mảnh bằng đảm bảo cho cuộc sống sau này. Tất cả những điều đó âu cũng là xuất phát từ hi vọng, mong muốn con cái mình có cuộc sống tốt đẹp nhất. Tôi đã từng được tai nghe mắt thấy một cuộc nói chuyện giữa hai bà mẹ có con đang là "sĩ tử" chuẩn bị thi đại học. Cuộc nói chuyện xung quanh vấn đề "Chị đã lo lót cho cháu được chỗ nào chưa". "Bọn trẻ con bây giờ học hành vất vả, thôi thì chúng mình đành phải cố gắng mà kiếm cho chúng một chỗ đàng hoàng. Tốn kém đến đâu cũng đành phải chấp nhận chứ đợi nó đỗ theo đúng thực lực thì có mà đến bao giờ". Tình yêu thương, sự quan tâm và lo lắng của cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích lây lan và ngày càng phát triển.


    Nhớ lại ngày xưa, cái thời ông bà tôi hay kể là thời bao cấp khó khăn, nhưng đội ngũ giáo viên luôn hết lòng và tận tụy với nghề. Học sinh đi học trong muôn vàn khó khăn và túng thiếu song là cấp I thì không phải đóng tiền, tại các trường chuyện nghiệp còn được nhận học bổng để chuyên tâm vào chuyện học hành, và càng học giỏi, càng phấn đấu tốt thì tương lai càng rộng mở. Còn ngày nay, trong một xã hội không phải tất cả mọi người đều chung một mục tiêu phấn đấu. Dù không hiếm những người chỉ chuyên tâm cho sự nghiệp trồng người, đa phần các thầy cô giáo đều phải trang trải quá nhiều cho nhu cầu cuộc sống nên không thể lúc nào cũng hết mình chuyên tâm cho sự nghiệp. Chính vì thế mà bên cạnh một số trường có chất lượng thực sự, vẫn còn rất nhiều trường thầy cô không cố gắng hết mình, học trò không cố gắng hết mình nhưng tỉ lệ học sinh khá giỏi, tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp vẫn tăng đều đều. Thế mới có chuyện, một học sinh nọ đi thi tốt nghiệp đạt 10 điểm Toán nhưng thi đại học thì bị điểm liệt. Đó không phải là một chuyện quá xa lạ hay bất ngờ, đó là một thực tế rõ ràng của nền giáo dục nước ta. Kì thi đại học 2007 với hơn 6000 bài thi là những số 0 tròn trĩnh phản ánh một "thành tích" trống rỗng về kiến thức của một tỉ lệ học sinh không nhỏ sau 12 năm đèn sách.


    Chắc hẳn không ai còn lạ khi trên các tờ báo in, báo mạng điện tử đều phản ánh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Có những em học sinh học đến lớp 6 mà vẫn chưa thuộc lòng hết bảng chữ cái, vẫn chưa đọc thông viết thạo, vậy mà vẫn được lên lớp đều đều. Sau mỗi kì thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng bao giờ cũng có vô số những chuyện giật mình vì bài thi của các thí sinh. Không biết là đáng trách hay đáng thương khi có những bài thi chỉ toàn vẽ hươu, vẽ vượn, có những bài thi chép kín... đề bài. Đặc biệt là môn Lịch sử, sau mỗi mùa thi bao giờ cũng có những chuyện đáng buồn. Có không biết bao nhiêu thí sinh đã làm “xô lệch lịch sử” khi liều mạng viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Mặt trận Việt Minh họp thống nhất một quan điểm mở cửa biên giới cho Nhật tràn vào”.


    Thoạt đầu, nghe qua thì thấy buồn cười nhưng càng ngẫm mơi càng thấy buồn, thấy chua xót cho lịch sử hào hùng của dân tộc bị những chủ nhân tương lai của đất nước làm cho sai lệch. Càng buồn hơn khi năm nào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp môn Sử cũng là 100%, thế mới thấy căn bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh nan y từ lúc nào.


    Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh nan y khó chữa, nhưng đáng mừng là hai năm trở lại đây, căn bệnh này đã dần dần được chữa trị kể từ khi có giáo viên dũng cảm phanh phui tình trạng tiêu cực trong thi cử và những kết quả “ảo” từ kì thi tốt nghiệp THPT của ngành giáo dục. Kết quả của cuộc cải cách giáo dục năm học 2007 là ti lệ tốt nghiệp THPT từ 93,8%(2006) xuống còn 66,2%(2007), cá biệt có địa phương chỉ có 13% học sinh THPT đỗ tốt nghiệp như tỉnh Tuyên Quang. Kết quả tốt nghiệp 2007 đã phản ánh đúng thực chất của học sinh nước ta. Ngành giáo dục nước ta đã có một bước chuyển biến đáng kể để phòng chống tiêu cực trong thi cử, để chống lại căn bệnh thành tích thật đáng buồn khi kiến thức của học sinh rỗng quá nhiều. Thế mới thấy được từ trước đến nay căn bệnh thành tích đã làm méo mó nghiêm trọng chất lượng giáo dục, gây ảnh hưởng và tổn thất nặng nề không chỉ tiền của mà quan trọng hơn là sức lực của nhà nước, nhân dân.


    Thế nhưng, bệnh thành tích không chỉ là một căn bệnh của riêng ngành giáo dục mà gần như có trong tất cả các ngành kinh tế - xã hội, thể thao, văn hoá - giải trí.


    Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á kết thúc, “chúng ta đạt thành tích bất ngờ, ngoài mong đợi” khi xếp thứ nhất toàn đoàn. Dù vậy, những nhà báo có mặt tại buổi họp báo hôm ấy không mấy ai lấy làm hân hoan vui sướng. Vui sướng làm sao khi biết rằng những vận động viên được cử đi dự thi hầu hết chưa hề một lần bước chân lên giảng đường đại học dù được gắn mác sinh viên. Tuy không quan tâm lắm đến thể thao, nhưng khi biết được rằng ban tổ chức đã đưa những sinh viên “già” vào thi đấu thì tôi thật sự thấy xấu hổ. Sự xấu hổ đã thay cho niềm tự hào của công dân một đất nước xếp thứ nhất tại đại hội thể thao mang tầm cỡ khu vực. Nghiêm trọng hơn, đây đích thực là hành động của căn bệnh thành tích đang hoành hành.


    Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một đơn vị riêng lẻ, một lĩnh vực riêng rẽ mà còn lan ra một cấp, một ngành... số xã nghèo của nước ta từ những năm nào mới có khoảng 1700. Sau khi nhà nước bỏ ra hàng “tấn” tiền để hỗ trợ thoát nghèo thì rất ít xã xung phong thoát nghèo, trong khi số xã "xung phong" trở thành xã nghèo thì tăng mạnh, hiện đã lên tới khoảng 2400 so với cách đây 7, 8 năm.

    Bệnh thành tích xuất hiện phổ biến trong các báo cáo tổng kết, phương hướng hoạt động như người ta vẫn thường hay nói “làm thì láo, báo cáo thì hay”. Có cấp trên thích nghe báo cáo thành tích, tất yếu sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều... căn bệnh thành tích cứ ngày một lây lan không giới hạn.


    Ai cũng biết nghiện hút ma tuý là tệ nạn gây ra nhiều nhức nhối cho xã hội. Những người trót mắc nghiện thì việc cai nghiện là vô cùng khó khăn. Phải những người bản lĩnh, chịu đựng giỏi mới có thể cai nghiện thành công. Đã có rất nhiều trường hợp, cai nghiện rồi lại tái nghiện. Chính vì thế, việc cai nghiện ma tuý dù được Nhà nước quan tâm, tiêu tốn không ít sức người, sức của nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vậy mà trong các báo cáo của hoạt động này hàng năm vẫn có nhiều con số xa thực tế để tạo "phấn khởi ảo"

    Bên cạnh đó còn có chuyện bác sĩ về trạm y tế xã để khảo sát tỉ lệ gia tăng dân số và báo cáo những con số xa rời thực tế, chuyện những công trình đầu tư vốn nước ngoài, xây dựng đô thị trên....giấy, còn thực tế, tiến độ thi công ì ạch với nỗi khổ của người dân trong việc đền bù, giải tỏa. Chuyện giải quyết việc làm và tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ, chuyện xóa đói giảm nghèo, chuyện cắt giảm biên chế... Tức là, dù ở bất kì một lĩnh vực nào cũng có sự sai khác ít nhiều về số liệu báo cáo, về kết quả báo cáo và thực tế thực hiện. Bệnh thành tích vì thế mà gây nên những hậu quả vô cùng tai hại: mất lòng tin ở nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tiền bạc của nhà nước. Quan trọng hơn, bệnh thành tích phủ nhận mồ hôi, xương máu thật sự của nhân dân.


    Chạy theo thành tích đã trở thành bệnh - bệnh thành tích. Bệnh thành tích làm chết phong trào, làm chết sự trung thực, làm chết lòng tin và làm chết sự phát triển, gây ra tình giả dối, kiêu ngạo...


    Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng, một xã hội muốn phát triển một cách tiến bộ thì phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có tài năng thật sự, có năng lực thực sự. 100 sinh viên ra trường, có thể cả 100 sinh viên ấy đểu sẽ có việc làm, nhưng có bao nhiêu sinh viên sẽ trụ lại được trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt - môi trường đòi hỏi phải có năng lực và kiến thức thực sự bởi đơn giản, nếu bạn không có năng lực thật sự, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được công việc của mình và bị đào thải chỉ là vấn đề sớm hay muộn, cũng giống như xã hội, dùng người thực chất, dùng hàng thật thì hàng giả sẽ chẳng bao giờ có chỗ đứng. Cuộc sống thực luôn luôn sòng phẳng.


    Đất nước chúng ta đang tiến trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng cho chính mình. Cuộc đua tranh ấy giống như một trận đánh trên võ đài mà ta là một đấu sĩ. Võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối thủ của mình bằng năng lực thật sự chứ không phải bằng một chứng chỉ có đẳng cấp cao hơn. Bệnh thành tích cần phải được xóa bỏ, đó chắc chắn không phải là một nhiệm vụ quá khó nhưng cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.


    Nói “không” với tiêu cực, với bệnh thành tích trước hết phải cần đến ý thức tự giác của bản thân mỗi người. Nhiệm vụ đó đòi hỏi một sự kiên quyết nhưng bền bỉ và khôn khéo, cần một sự can đảm dám nhìn thẳng vào sự thật đời sống với tinh thần phê phán, bình tâm lắng nghe những lời nói thật mà không mếch lòng, tỉnh táo trước những báo cáo ngợi ca, xa rời thực tế,..Trước hết phải biểu dương những gì ngành giáo dục đã làm được, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" đã đạt được những thành quả đáng kể, chất lượng giáo dục của cả nước trong hai năm trở lại đây đã phần nào phản ánh đúng thực chất của học sinh Việt Nam. "Năm học 2006 - 2007 là năm đầu tiên ngành giáo dục bước vào thực hiện cuộc "đại phẫu" nhằm cắt bỏ những "khối u" tiêu cực đã tồn tại một cách có hệ thống lâu nay". Đất nước sau này có cường, thịnh hay không phụ thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có thể đổi mới để sản sinh ra những nhân tài thực sự hay không?.


    Cuộc sống là thế, mọi thứ đôi khi xô bồ, ai cũng muốn một kết quả hoàn hảo nhưng không ai muốn cố gắng, đôi khi vì ganh ghét, nghi kị nhau mà chạy đua theo thành tích, để đạt được thành công không phải của mình. Thành tích là kết quả đánh giá nỗ lực của một con người. Kết quả đó không chỉ là lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt được lợi ích cho chính mình. Nhưng con người vẫn có thể cố gắng hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  10. Trong một xã hội phát triển, mỗi một cá nhân hay tập thể đều có sự nỗ lực không ngừng nghỉ để khẳng định bản thân mình. Những tấm huy chương, những tờ giấy khen, ... được coi là thành quả của công sức mà họ đã bỏ ra. Tuy nhiên, nhiều người lại coi đó là cái đích để vươn đến mà theo đuổi, tạo ra một căn bệnh của xã hội. Đó là bệnh thành tích.


    Thông thường "bệnh" được sử dụng khi cơ thể có cảm giác không bình thường, hoặc bị vi rút, vi khuẩn xâm nhập. Thành tích vốn là thành quả, thành tựu, thành công, là chuyện tốt, chuyện hay, đáng nêu gương, đáng học. Nhưng khi ghép chung với từ "bệnh" nó lại tạo ra một nghĩa "bất thường", và thành tích giờ đây mang theo nghĩa tiêu cực. Phải chăng "Thành tích" đã trở thành một loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập và con người?


    "Bệnh thành tích" hiện nay đã trở thành một thói xấu tồn tại trong tư tưởng của nhiều người. Họ cho rằng bằng cấp là điều quan trọng và đạt được nó là đủ cho cuộc sống của chính mình. Nhưng vấn đề là họ đã đạt đến đâu và đạt bằng cách nào? Ngay trong nhiều trường học, căn bệnh thành tích đã len lỏi và phát triển. Các thầy cô giáo vì muốn học sinh của mình có điểm cao nên ngoài giờ trên lớp, họ mở thêm những lớp học phụ đạo. Những học sinh đến học đôi khi sẽ được thầy cô cho làm những bài tập sẽ kiểm tra trên lớp – biết trước đề. Bởi vậy nên nhiều bạn dù sức học yếu nhưng đi thi vẫn được điểm cao. Học sinh ỷ lại thầy cô không học bài, chỉ chờ lúc sắp thi thầy cô "mớm" đề thì ngồi "ăn chực". Điều này dẫn đến thực trạng "ngồi nhầm lớp". Nhiều trường học cấp hai, cấp ba có những học sinh đi học mà không nhớ hết mặt chữ mà các em vẫn được lên lớp như bình thường. Căn bệnh thành tích đã làm con người trở nên mù quáng. Chỉ vì mải chạy theo thành tích mà họ đã bỏ qua chất lượng thực sự, kết quả đúng với năng lực của bản thân.


    Căn bệnh này đang ngày một gia tăng theo chiều hướng đi lên và mang lại nhiều hậu quả khôn lường. Vậy, trước tình hình đó chúng ta cần phải làm gì? Có những biện pháp nào để giải quyết căn bệnh này? Thực chất, trong những năm qua, nhà nước đã áp dụng nhiều chính sách và biện pháp nhằm đẩy lùi căn bệnh này. Nhưng thực tế hiệu quả cũng những chính sách được đề ra lại không cao. "Bệnh thành tích" vốn xuất phát từ những tham vọng không chính đáng của con người. Vì vậy, tính tự giác, sự rèn luyện bản thân, đẩy lùi tư tưởng ham muốn thành tích mới có thể "chữa khỏi" được căn bệnh này.


    Học thật, thu nhận những kiến thức thật mới đem lại giá trị cho bản thân. Thành tích chỉ giống như những lời khen ngợi, đánh giá khách quan về những gì ta đạt được. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ được vấn đề này để có cái nhìn đúng đắn cho cuộc sống tương lai.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |