Top 5 Bài văn cảm nhận về bức tranh làng quê qua bài thơ “Quê Hương” của Tế Hanh (Ngữ văn 8) hay nhất

  1. Top 1 Bài tham khảo số 1
  2. Top 2 Bài tham khảo số 2
  3. Top 3 Bài tham khảo số 3
  4. Top 4 Bài tham khảo số 4
  5. Top 5 Bài tham khảo số 5

Top 5 Bài văn cảm nhận về bức tranh làng quê qua bài thơ “Quê Hương” của Tế Hanh (Ngữ văn 8) hay nhất

Thai Ha 8212 1 Báo lỗi

Bài thơ "Quê hương" vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển với những con người lao động khỏe khoắn, tràn đầy sức sống bằng giọng ... xem thêm...

  1. Quê hương trong xa cách là nguồn đề tài vô tận, là cả một dòng cảm xúc dạt dào, lấp lánh suốt đời thơ Tế Hanh.

    Cái làng quê nghèo ở một cù lao trên sông Trà Bồng đã nuôi dưỡng tâm hồn Tế Hanh, đã trở thành nguồn cảm xúc vô tận để ông viết nên những vần thơ tha thiết, lai láng như: “Nhớ con sông quê hương”, “Quê hương”, “Trở lại con sông quê hương”. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung – Quảng Ngãi, một vùng đất cằn cỗi, quanh năm chỉ có gió và cát, một vùng quê nghèo. Do hoàn cảnh bắt buộc, ông rời xa quê hương từ thuở thiếu thời. Trong thời gian xa quê ông viết rất nhiều tác phẩm, chủ yếu là về quê hương, bằng tất cả những tình yêu, nỗi nhớ của mình. Một vùng đất đầy thơ mộng và rất đẹp trong thơ Tế Hanh. Trong đó có nói con sông quê mà ông gắn bó:


    Quê hương tôi có con sông xanh biếc

    Nước gương trong soi tóc những hàng tre


    Xa quê, xa cả con sông. Có thể nói đó là nỗi đau của ông. Qua những kỉ niệm, hồi tưởng về con sông trong “nỗi nhớ con sông quê hương”, Tế Hanh đã thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt, một hình ảnh quê hương thân thiết, ruột rà.


    Làng tôi ở vốn nghề chài lưới

    Nước bao vây cách biển nửa ngày sông


    Quê hương tôi có con sông xanh biếc

    Nước gương trong soi tóc những hàng tre


    Thế đấy, quê hương trong thơ Tế Hanh hiện lên đẹp và mát dịu như vậy. Còn người dân quê thì mạnh mẽ, tinh tế, sống động:


    Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

    Có thân hình nồng thở vị xa xăm


    Chỉ có ai là con người của sông nước, vạn chài mới có thể tạo được hình ảnh người dân chài giữa đất trời lồng lộng gió với đủ hình khối, màu sắc và hương vị. Chất muối mặn nồng ngấm vào thân hình người dân quê hương cũng như ngấm sâu vào làn da, thớ thịt vào tận tâm hồn thơ Tế Hanh. Bằng giọng thơ giãi bày, phơi trải, ông đã kể về kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp:


    Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

    Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy…

    Tôi đưa tay ôm nước vào lòng

    Sông mở nước ôm tôi vào dạ


    Cao hơn, trong xa cách, nhưng với sức mạnh của tình quê, không chỉ có hình ảnh đặc trưng của quê hương "Màu nước xanh, cá bạc cánh buồm vôi / Thoảng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi" hiện ra mà nhà thơ còn cảm nhận được cả mùi vị quê


    Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá


    Quê hương Tế Hanh là một làng chài nghèo, người dân sống cần cù, khó nhọc, thế nhưng khi nhớ về quê, ông lại chỉ thấy vẻ đẹp tươi sáng. Phải chăng đó là nhờ làng quê ấy có con sông êm đềm, tươi tắn, lại gần biển tự do, phóng khoáng và nhất là nhờ trái tim tuổi trẻ khoẻ khoắn? Mặt khác, cùng tình cảm đằm thắm, kỉ niệm sâu lắng, đẹp đẽ, lời kể theo lối giãi bày, thủ thỉ chân thật và khả năng miêu tả những cảm giác bên trong chân thành, mộc mạc, nên ở thơ Tế Hanh, con sông trở thành một hình tượng thẩm mĩ, gợi cảm, đầy chất trữ tình.


    Đối với Tế Hanh, quê hương luôn là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa. Ca dao, dân ca dường như cũng đã ngấm sâu vào hồn thơ Tế Hanh. Dù ở phương trời nào lòng ông vẫn nhớ quê hương, nó luôn dạt dào, cháy bỏng trong ông khiến nhà thơ thấy được hình ảnh quê hương liên tục hiện ra. Quê hương chính là sức sống của ông, ở một khía cạnh nào đó, ta lại thấy tình yêu quê hương của Tế Hanh rất đa chiều và phức tạp. Lúc da diết, ngập tràn với “Nhớ con sông quê hương”, nhưng lúc khác lại cho người đọc thấy một hồn thơ trẻ trung phơi phới của “Quê hương”. Nhưng dù ở góc độ, khía cạnh nào thì nó đều ẩn chứa một tình yêu, nỗi khát khao đoàn tụ, bày tỏ khát vọng gặp gỡ cụ thể. Không như thơ Huy Cận, Lưu Trọng Lư đầy chất mộng ảo, không như thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên hun hút sầu thương, thơ Tế Hanh trong sáng, khỏe mạnh, đắm đuối rất thực. Bởi ông có một vùng quê bằng xương, bằng thịt, mà ông luôn dõi theo bằng đôi mắt rất thực, bằng trái tim có địa chỉ rõ ràng.


    Suốt nửa đời người, do thời thế, Tế Hanh phải xa quê, khi trở lại sau mùa hè đại thắng, thống nhất đất nước – 1975, con sông và làng quê đã đổi thay nhiều:


    Tôi nhìn sông bên lở bên bồi

    Tre thưa thớt ngập tràn lau cỏ

    Trong ánh sáng ngả nghiêng theo chiều gió

    Thuyền máy dọc ngang tỏ trắng lòng sông

    Nhà dân chài giăng những lưới ni lông

    Màu xanh đỏ ngời ngời ánh nước

    Kìa bãi sú nơi sáu năm về trước

    Giặc Mỹ bao vây sát hai mốt trung đội dàn quân

    Cây mù u không còn ngả bóng bên cồn

    Cây xanh trước đình thân chỉ còn một nửa

    Tác giả thật sự ngỡ ngàng:

    Tôi đi học bờ sông bỡ ngỡ

    Quên cả khúc quanh rẽ lối vào nhà


    Quê hương đẹp đẽ thơ mộng trong tâm trí tác giả này trần trụi những vết thương chiến tranh, vết thương do chia cắt đất nước. Tác giả vừa vui vừa đau buồn một nỗi "hồi hương".


    Trở về, gặp lại, tuổi cũng đã cao, quê hương thì đổi thay như thế, nên sau này, dẫu quê nhà vẫn mến yêu, thổn thức trong trái tim nhà thơ, nhưng thơ về quê hương của Tế Hanh thì đã khác. Không còn cái sức hấp dẫn của vẻ đẹp trai tráng. Cho nên, có thể nói, người ta chỉ còn nhớ đến những bài thơ về quê hương, con sông quê của ông mấy mươi năm về trước. Dù sao thế cũng là quá đủ với một đời thơ.


    Có thể nói những bài thơ về quê hương trước và hai mươi năm sau Cách mạng Tháng Tám của Tế Hanh đã cất lên một tiếng ca trong trẻo, nồng nàn, thơ mộng về con sông hiền hòa đã “tắm cả đời tôi”, về cái làng vạn chài từng ôm ấp, ru vỗ tuổi thơ ông. Mỗi chúng ta một lần nữa vui mừng khi được giao tiếp với một hồn thơ khoẻ mạnh, trong sáng song lại rất đỗi bình dị mà sâu sắc. Nó không hề làm nặng đầu ta với những bóng dáng siêu hình hay những vô thức u minh, nó chắp cánh mộng mơ, bồi đắp cho mỗi chúng ta tình yêu quê hương thắm thiết, là điểm trở về bình yên của ta trong cuộc đời nhiều bươn trải, cũng là sự thôi thúc ta vươn lên.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Thơ Tế Hanh bao giờ cũng trong trẻo. Dù năm nay nhà thơ đã xấp xỉ tuổi 80, tâm hồn như vẫn nguyên vẹn những cảm xúc thuở hoa niên. Quê hương là nguồn thi cảm dồi dào của Tế Hanh. Những bài thơ hay nhất của ông là những bài viết về quê hương yêu dấu.


    Người đọc bắt đầu biết đến Tế Hanh từ bài thơ Quê hương in trong tập Nghẹn ngào năm 1939. Trong 14 tập thơ đã xuất bản của Tế Hanh, kế từ khi ông bước chân vào làng thơ đến nay, không tập nào thiếu vắng những bài thơ viết về quê cũ. Quê hương đã trở' thành một hệ thống hình tượng "ám ảnh" suốt đời thơ Tế Hanh. Thuở hồn nhiên cắp sách đến trường, quê hương trong mắt cậu học trò nghịch ngợm là những "con đường nhỏ chạy lang thang, kéo nỗi buồn không dạo khắp làng" (Lời con đường què), là "con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Nhớ con sông quê hương). Khi đã trưởng thành "cầm súng xa nhà đi kháng chiến", tâm hồn nhà thơ vẫn trở về quấn quýt với con sông quê, mảnh vườn xưa, cái giếng đầu làng. Xa quê từ năm 15 tuổi, mấy chục năm sau Tế Hanh vẫn xốn xang khi nghe một điệu bài chòi (Điệu quê hương) trên sóng phát thanh. Tình yêu quê hương đã trở' thành niềm thao thức khôn nguôi khiến nhà thơ nhìn thấy mặt quê hương hiển hiện trên gương mặt người yêu dấu… Có thể nói, quê hương là điểm khởi đầu sự nghiệp sáng tác của Tế Hanh và là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn của nhà thơ xứ Quảng.


    Ngay từ bài thơ đầu tiên viết về quê hương, người đọc đã có cảm tình với một giọng thơ chân thành, rủ rỉ. Chàng thanh niên miền biển kể về làng quê của mình bằng những lời mộc mạc:


    "Làng tôi vốn làm nghề chài lưới

    Nước bao vây cách biển nửa ngày sông".


    Sau câu mở đầu giản dị, cảm hứng như đã được khơi nguồn thi sĩ bắt đầu say sưa mô tả cảnh đẹp của quê hương:


    "Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

    Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

    Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

    Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"….


    Dòng thơ cứ nhẹ nhàng tuôn chảy, hình ảnh như tự nó thi nhau kéo đến, đẩy câu thơ đi liền một mạch theo dòng cảm xúc dào dạt của nhà thơ. Ngọn bút của thi nhân chỉ điểm phớt qua vài nét mà cảnh vật.như bừng sáng: "trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng". Một ngày mới ở làng thuở bắt đầu bằng vẻ tươi mát của thiên nhiên và tâm trạng hào hứng của người lao động. Chiếc thuyền "băng" ra biển trong tư thế của một "con tuấn mã", khi những "trai tráng" vạm vỡ, đầy sinh lực khua những nhịp chèo hối hả, mê say: "Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang". Thuyền lướt ra khơi, cánh buồm được kéo lên từ từ rồi bất chợt căng phồng vì no gió… Những hình ảnh so sánh đẹp và gợi cảm đi vào bài thơ một cách tự nhiên, dung dị, như không cần một cố gắng kĩ thuật nào. Dưới ngòi bút nhà thơ, cảnh sớm mai ở làng chài hiện lên đầy vẻ rạng rỡ, tinh khôi và điểm sáng huy hoàng nhất ở đây là hình ảnh:


    "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió".


    Biết bao thi tứ đã nảy sinh từ cánh buồm kiêu hãnh và thơ mộng. Léc-môn-tốp (nhà thơ Nga) có bài thơ trữ tình nổi tiếng về một cánh buồm khao khát đời giông tố:


    "Thấp thoáng xa xa một cánh buồm

    Chập chờn trên biển cả mù sương

    Buồm kiếm tìm chi nơi đất lạ?

    Giã từ chi đó chốn quê hương?"

    (Thuý Toàn dịch)

    Thơ Nguyễn Bính cũng có một cánh buồm đau đáu nhớ nhung:

    '"Anh đi đấy, anh về đâu?

    Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm"…


    Sau này, Hoàng Trung Thông còn mượn hình tượng Những cánh buồm để trò chuyện với con mình… Có bao nhiêu cánh buồm trong thơ ca là có bấy nhiêu cách cảm nghĩ khác nhau về hình tượng đó. Đối với Tế Hanh, cánh buồm như một biểu tượng của làng quê. Cánh buồm mỏng manh như "mảnh hồn làng” nhưng nó mở rộng "bao la" như tâm hồn rộng mở của quê hương, nó vươn lên, dân thân và che chở… Từ một "cánh buồm" hết sức cụ thể đem so với "mảnh hồn làng" vô cùng trừu tượng, nhà thơ đã mở' ra một khoảng trời thênh thang cho những liên tưởng của người đọc: cánh buồm, hay mảnh hồn làng, là sự che chở' cho thuyền nhỏ bé, là sức mạnh (góp gió) đẩy thuyền đi xa, là phương tiện để chèo lái con thuyền… Người dân chài ra khơi như mang đi một phần máu thịt quê hương, cánh buồm gắn với con thuyền như "hồn vía" làng quê che' chở, neo giữ họ… Kẻ xa quê lâu ngày, thoáng thấy cánh buồm tưởng như bắt gặp hình bóng của miền quê yêu dấu… Tế Hanh, với trái tim mẫn cảm của một nhà thơ, đã thấy ỏ' cánh buồm, tâm hồn lộng gió của quê hương mình.

    Tình cảm gắn bó với làng quê khiến nhà thơ cảm nhận được sâu sắc niềm vui đơn sơ, hồn hậu của những.người dân chài khi thuyền cá trở' về:


    "Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

    Nhờ ơn trời biển, lặng cá đầy ghe,

    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng"


    Cuộc sống khắc nghiệt, luôn phải đương đầu với muôn nỗi hiếm nguy buộc những người dân ở đây gạn kết thành một cộng đồng chặt chẽ. Họ hợp lực với nhau trong những chuyên đi biển và chia sẻ cùng nhau mọi nỗi vui buồn. Mỗi lần thuyền ra khơi đánh cá, cả người ở nhà lẫn người ra đi đều cầu trời khấn Phật để được bình an. Vì thế, mỗi một khoang cá nặng trở về là niềm vui, là hạnh phúc của mọi nhà: "Khắp dân làng tấp nập đón ghe về". Hơn ai hết, người dân chài thấu hiểu: đằng sau những mẻ cá "tươi ngon" là bao nỗi vất vả gian nan, bao hiểm nguy mà người thân của họ đã trải qua. Khi nhà thơ thay họ xúc động thốt lên:


    "Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe"


    Người đọc bỗng cảm thấy một niềm hạnh phúc rưng rưng lan toả trong dòng thơ rất đỗi bình thường:


    "Những con cá tươi ngon thân bạc trắng".


    Giọng thơ đang náo nức, sôi nổi ở đoạn đầu, đến đây bắt đầu lắng xuống, nhịp thơ đi chậm lại. Ngòi bút nhà thơ chuyển sang đặc tả chân dung người đánh cá và con thuyền về bến:


    "Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

    Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vố"


    Đây là khổ thơ đẹp nhất, gợi cảm nhất của bài thơ, giống như một tác phẩm điêu khắc bằng thơ. Nếu như ở phần trên Tế Hanh thiên về mô tả cảnh đẹp nhìn thấy thì ở đây, nhà thơ lại nghiêng về khai thác những vẻ đẹp cảm thấy. Hình tượng thơ, vì thế, như có chiều sâu hơn. Với "làn da ngăm rám nắng" người dân chài làm ta liên tưởng đến bức tượng đồng vạm vỡ. Hình ảnh đẹp như tượng nhưng ấm nồng sự sống, bởi: "Cả thân hình nồng thở vị xa xăm". Nhà thơ đã thi vị hóa một hiện tượng bình thường trong đời thực – nước biển mặn ngấm vào da thịt người dân chài tạo thành mùi vị riêng trên cơ thể họ – để gợi nên một hình ảnh vô cùng lãng mạn: chàng đánh cá sau chuyến phiêu du trên biển, lúc trở về còn mang theo hương vị nồng nàn của những vùng biển lạ. Và con thuyền, được hình dung như một cơ thể sống động, cũng mỏi mệt "nằm" im trên bến, lặng lẽ cảm nhận vị mặn mòi của biển ngấm vào cơ thể:


    "Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ


    Trong câu thơ nhân hóa con thuyền, nhà thơ đã phối hợp tài tình hai hiện tượng: nước biển mặn ngấm sâu vào vỏ gỗ của con thuyền ngâm nước lâu ngày, tiếng tí tách rạn nứt của lòng thuyền ngấm mặn khi phơi mình trên bờ cát… Cả người và thuyền, hai hình tượng đều đẹp đến say lòng trong trạng thái nghỉ ngơi thư giãn. Bao nhiêu tài hoa của nhà thơ như đã dồn tụ ở bốn câu thơ đặc sắc này. Nếu bài thơ kết thúc ở đây, có lẽ sức gợi cũng chẳng kém gì khi có thêm khổ cuối:


    "Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

    Màu nước, xanh, cá hạc, chiếc buồm vôi,

    Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá".


    Đoạn kết bài thơ chỉ muốn tổng hợp lại những nỗi nhớ cụ thể của chàng trai. Có lẽ thơ không nên nói đến tận cùng, nói đủ đầy như thế chăng? Nhưng, đối với Tế Hanh, sự hồn nhiên chân thành trong tình cảm bao giờ cũng lấn át những dụng công kĩ thuật của nghề thơ. Bất chấp thời gian và sự biến đổi của lòng người, cảm xúc về quê hương vẫn là nguồn mạch dâng trào trong trái tim thi sĩ, để mỗi lần thấy biển, nhà thơ lại xốn xang:

    "Biển xao động nôn nao chiều con nước

    Lòng như thuyền chờ đợi buổi ra khơi"…

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Quê hương trong mỗi người chúng ta là những cảm nhận khác nhau. Là nơi chúng ta sinh ra, được nuôi dưỡng bởi những câu ca ru ngọt ngào của mẹ:


    Quê hương là chùm khế ngọt,

    Cho con trèo hái mỗi ngày.

    Quê hương là đường đi học

    Con về rợp bướm vàng bay….


    Trong nền văn học Việt Nam đề tài quê hương luôn là đề tài mở muôn thuở, bởi đây là nơi cội nguồn của mỗi chúng ta, nó thiêng liêng, mỗi vùng miền khác nhau có nét đẹp riêng. Bởi thế quê hương trong thơ ca luôn ấm áp, trữ tình, giàu cảm xúc, luôn lắng đọng niềm vui tự hào trong tâm hồn mỗi người. Tiêu biểu trong số những tác phẩm viết về quê hương là bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh.


    Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

    Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông


    Rất dễ để nhận bài thơ được mở đầu là lời giới thiệu của tác giả về làng quê miền biển của mình. Tế Hanh giới thiệu với mọi người về nghề nghiệp chính ở quê mình ngay trong những vần thơ đầu tiên của bài thơ, đó là nghề ngư nghiệp. Quê hương của tác giả rất đặc biệt khác hẳn với các vùng quê miền biến nằm ăn sát ra biển nhưng lại “cách biển nửa ngày sông”, bốn bề quanh năm sóng vỗ. Cuộc sống mưu sinh của người dân ở đây là nghề “chài lưới” vất vả lênh đênh trên biển. Khung cảnh đi đánh cá được nhà thơ miêu tả rất thơ mộng, đẹp đến mê lòng người:


    Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá


    Buổi sáng khi tiết trời trong lành: bầu trời trong xanh, gió biển nhẹ, bình minh rực rỡ sắc hồng. Lúc đó, những người thanh niên, trai tráng trong làng cùng nhau căng buồm, tiến ra biển cả. Nếu những câu thơ ba và bốn nhẹ nhàng, tinh tế bao nhiêu thì hai câu thơ tiếp theo càng mạnh mẽ, quyết liệt và khỏe khoắn bấy nhiêu.


    Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

    Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang


    Trong hai câu thơ này, tác giả Tế Hanh đã sử dụng những động từ, tính từ mạnh: “hăng”, “phăng” kết hợp với phép so sánh độc đáo khiến cho bức tranh đi đánh cá trở nên giàu chất tạo hình, giàu đường nét và giàu cá tính mạnh. Việc sử dụng động từ “phăng” đã gợi tả sự khéo léo kết hợp sự tinh tế và khỏe mạnh của những người dân vùng chài lưới. Sức lực tràn trề của những người trai làng như truyền vào con thuyền, tạo nên khung cảnh ấn tượng, rất mạnh mẽ và hoành tráng:


    Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió


    Nhà thơ lấy hình ảnh cánh buồm để tượng trưng cho “hồn làng” bởi cánh buồm ấy hàng ngày tạo nên công ăn việc làm nuôi sống những người dân miền biển. Thuyền lướt ra khơi, cánh buồm được kéo lên từ từ rồi bất chợt căng phồng vì no gió… Những hình ảnh so sánh đẹp và gợi cảm đi vào bài thơ một cách tự nhiên, dung dị, như không cần một cố gắng kĩ thuật nào. Cánh buồm dường như có sức mạnh phi thường trong không khí trong lành nó hiện lên với vẻ đẹp kiêu hãnh, đầy tự hào, cánh buồm vi vu trong gió biển. Biết bao thi tứ đã nảy sinh từ cánh buồm kiêu hãnh và thơ mộng. Léc-môn-tốp (nhà thơ Nga) có bài thơ trữ tình nổi tiếng về một cánh buồm khao khát đời giông tố:


    "Thấp thoáng xa xa một cánh buồm

    Chập chờn trên biển cả mù sương

    Buồn kiếm tìm chi nơi đất lạ?

    Giã từ chi đó chốn quê hương?"

    (Thuý Toàn dịch)


    Tình cảm gắn bó với làng quê khiến nhà thơ cảm nhận được sâu sắc niềm vui đơn sơ, hồn hậu của những người dân chài khi đoàn thuyền đánh cá trở về:


    Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ,

    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

    “Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe”

    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

    Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

    Khắp thân mình nồng thở vị xa xăm.

    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm,

    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.


    Có thể nói cuộc sống lênh đênh sông nước là cuộc sống khắc nghiệt, luôn phải chuẩn bị tinh thần đương đầu với muôn trùng nguy hiểm buộc những người dân ở đây phải luôn đoàn kết, thống nhất với nhau để cùng hỗ trợ nhau trong công việc đánh bắt cá trên biển. Họ hợp lực với nhau trong những chuyên đi biển và chia sẻ, san sẻ những gánh nặng cùng nhau và mọi nỗi vui buồn. Mỗi lần thuyền ra khơi đánh cá không chỉ người ra đi mà những người thân ở lại đều cầu khấn trời đất mong chuyến đi được bình an, may mắn. Kết quả của thành quả lao động không mệt mỏi ấy là khoang cá nặng trở về là niềm vui, là hạnh phúc của mọi nhà: "Những con cá tươi ngon thân bạc trắng". Hơn ai hết, người dân hiểu rằng: đằng sau những mẻ cá "tươi ngon" là bao nỗi vất vả gian nan, bao hiểm nguy mà người thân của họ đã trải qua.


    Hình ảnh những chàng trai vùng biển mang một màu da thật riêng “ngăm rám nắng”, nước biển mặn ngấm vào da thịt người dân chài tạo thành mùi vị riêng trên cơ thể họ - để gợi nên một hình ảnh vô cùng lãng mạn: chàng đánh cá sau chuyến phiêu du trên biển, lúc trở về còn mang theo hương vị nồng nàn của những vùng biển lạ. Cái mùi này chỉ những người yêu quê hương tha thiết, nồng nàn như tác giả Tế Hanh mới có thể cảm nhận được. Chiếc thuyền dường như cũng hòa mình tựa như con người vậy, cũng mệt mỏi sau những ngày dài đi biển, cũng cần phải nghỉ ngơi. Cái chất muối thấm trong thớ vỏ cũng được tác giả cảm nhận bằng cách “nghe”, thật độc đáo!


    Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ:

    Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

    Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!


    Kết thúc bài thơ là nỗi lòng của nhà thơ Tế Hanh, xa nơi mình lớn lên, nơi đã gắn bó cho ông biết bao kỷ niệm của tuổi thơ. Nỗi nhớ ấy khiến ông phải thốt nên lời: Nhớ màu nước biển xanh, nhớ những con cá bạc, nhớ cánh buồm trắng, nhớ con thuyền đang băng băng rẽ sóng ra khơi. Ông còn nhớ cả cái mùi muối mặn của biển quê nhà, thậm chí có những lúc nhớ quê hương mà ông thấy hình ảnh con thuyền ra khơi. Có thể thấy những hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại, day dứt mãi trong tầm trí nhà thơ để rồi cuối cùng lại làm bật lên cảm xúc:


    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!


    Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động, đầy chất lãng mạn trữ tình về một làng quê miền biển, với những hình ảnh khoẻ khoắn, đầy sức sống của người dân làng chài và những sinh hoạt lao động thường ngày của làng chài. Bài thơ như một lời nói hộ những tình cảm yêu quê hương đất nước của người con xa quê.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Ngược dòng thời gian, Quê hương (1939) của Tế Hanh thực sự là mảnh hồn trong trẻo mà nhà thơ có được trước Cách mạng tháng Tám.


    Giữa lúc phần đông các thi sĩ của phong trào thơ mới đang thở than, sướt mướt trong dàn đồng ca sầu với tình yêu tuyệt vọng, mối sầu cô đơn thì Quê hương của Tế Hanh cất lên như một tiếng thơ khỏe khoắn, khác lạ.


    Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

    Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.


    Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

    Tế Hanh là một nhà thơ lãng mạn, nhiều người cho rằng làm thơ lãng mạn phải nói đến tình yêu đau khổ, phải nhớ nhung đắm đuối. Bài thơ này được viết khi ông mười tám tuổi, với bao mơ mộng của tuổi học trò. Tác giả xa quê nhớ về làng tôi ở nhưng cảm hứng thơ lại phân chấn, không hề gây cảm giác xa xôi, buồn man mác.


    Thơ hoài niệm thường thấm đẫm nỗi buồn, bởi đó là kỷ niệm chập chờn hiện lên trong ký ức, trong nỗi nhớ thương. Ta nhớ tới vần thơ xao xác buồn đến nao lòng của Lưu Trọng Lư:


    Mỗi lần nắng mới hát bên song

    Xao xác gà trưa gáy não nùng

    Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

    Chập chờn sống lại những ngày không.

    (Nắng mới)


    Thế nhưng với Tế Hanh, cũng là thơ hoài niệm những hình ảnh thơ khoẻ khoắn, cụ thể, rõ ràng như hiện thực trước mắt, sống động đến vô cùng. Thời khắc nhà thơ nhớ về làng quê mình ấy là:

    Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng


    Câu thơ mở ra không gian bát ngát, trong sáng, màu sắc rạng rỡ của miền biển khơi. Lời thơ như có nhạc, có hoa, có tiếng sóng, tiếng gió, thật tươi nhạc, tươi vui không chút buồn ảo não.


    Nhớ về làng chài, nhà thơ nhớ cảnh đoàn thuyền ra khơi nhớ cái khỏe mạnh, phóng khoáng của dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Con thuyền không phải buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ (Đỗ Phủ) hay Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi (Anh Thơ) mà con thuyền đầy phấn khích, dường như cũng mang sức trẻ, lướt nhanh trên đầu sóng, ngọn gió, hăm hở:


    Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

    Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang


    Miêu tả cánh buồm của con thuyền ấy, nhà thơ đã tìm đến một hình ảnh so sánh, liên tưởng đẹp:


    Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

    Rướn thân tráng bao la thâu góp gió


    Cánh buồm - cái cụ thể hữu hình được so sánh với hồn làng - cái trừu tượng vô hình. Hồn làng tức linh hồn, là nét riêng sâu thẳm, linh thiêng của quê hương, của làng chài mà nhà thơ cảm nhận qua một cánh buồm giương. Hình ảnh thơ thật khoáng đạt, kỳ vĩ, mang sức vóc tung tỏa của nó. Đây cũng là sự phát hiện tinh tế, chính xác của nhà thơ: cánh buồm thân thuộc, gắn bó, không thể thiếu trong đời sống mưu sinh, biểu tượng của một làng chài.


    Nhà thơ còn nhân hóa cánh buồm no gió ấy mang sức vóc cường tráng, khỏe mạnh của một chàng trai rướn thân trắng bao la thâu góp gió. Không hiểu sao đọc câu thơ này của Tế Hanh tôi lại nhớ tới câu thơ thật lãng mạn của Tố Hữu trong niềm vui bất tuyệt:


    Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh

    Thổi phồng lên, tim bỗng hóa mặt trời


    Ngôn ngữ miêu tả trong câu thơ của Tế Hanh giàu giá trị tạo hình, đường nét phóng khoáng, khiến con người, con thuyền, cánh buồm cũng nổi hình, nổi khối, cựa quậy, sống động giống như những sinh thể kỳ vĩ.


    Cảnh dân làng ra khơi đánh cá trở về trong nỗi nhớ của nhà thơ cũng thật tươi vui, gợi không khí thanh bình, no ấm:


    Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

    “Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe”

    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

    Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,

    Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.


    Giống như bàn tay của nhà điêu khắc, ngôn ngữ tạo hình của Tế Hanh đã tạc nên bức phù điêu hùng vĩ về chân dung con người làng chài rắn chắc, khỏe mạnh như bức tượng đồng nâu với làn da ngăm rám nắng cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Họ là kết tinh cho sức mạnh dãi dầu nắng, gió, sóng biển. Họ là đứa con của biển.


    Vẫn con thuyền ra khơi, giờ đây trở về sau một ngày chạy đua cùng sóng gió được nhà thơ nhân hóa giống như một con người, một nhà hiền triết với dáng nằm thư giãn, lặng lẽ, suy tư:


    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

    Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.


    Nghe (cảm nhận bằng thính giác) nhưng ở đây lại nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ; sự chuyển đổi cảm giác thật tinh tế. Không chỉ con người mà ngay đến cả con thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển, thấy vị mặn mòi của muối biển đang râm ran trong cơ thể mình hay đó chính là cái dư vị dịu êm mà giản dị của nhịp đời miền quê biển.


    Tuổi nhỏ của Tế Hanh chắc chắn đã trải qua cái mùi nồng mặn của những mẻ cá vàng, trong lời ru bát ngát, êm êm của bốn bề sóng vỗ thì mới viết được những câu thơ như thế này. Không là người con của vạn chài cũng không thể viết được những câu thơ như thế. Khi biết âm thầm hóa hồn mình vào hồn thơ để lắng nghe, mở rộng mọi giác quan để phập phồng thu nhận mọi cảm giác Tế Hanh mới viết được những câu thơ tài hoa đến vậy. Phải chăng chất muối mặn mòi, thấm dần trong từng thớ vỏ chiếc thuyền nay đã thấm sâu vào làn da, thớ thịt, tâm hồn Tế Hanh để thành niềm ám ảnh bâng khuâng, kỳ diệu. Tế Hanh thật tài tình và thật tinh khi sống trong lòng sự vật có khả năng nghe thấu tiếng lòng, cảm giác của những vật vô tri. Chẳng thế mà trong lời con đường quê nhà thơ cũng đã nhập hồn vào con đường nhỏ chạy lang thang để mang nỗi buồn vương chạy khắp làng.


    Kết thúc bài thơ có hai chữ nhớ:


    Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá


    Những ý thơ không hề gây cảm giác yếu mềm, bi lụy mà vẫn khỏe khoắn, tươi mới. Nỗi nhớ ấy gắn liền với những gì thân thuộc của làng chài màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, sắc màu trong sáng, hương vị nồng ấm đậm đà. Nỗi nhớ cồn lên, mãnh liệt tồi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá. Đó là hương vị quê hương, hương vị thân thiết, ruột thịt của người thân.

    Bài thơ có thể coi là bức tranh quê đẹp, trong sáng, lời thơ khỏe khoắn. Nổi bật trong bức tranh ấy là ba hình ảnh: dân chài lưới, cánh buồm giương, con thuyền. Hình ảnh nào cũng đẹp, sắc nét, phóng khoáng đầy sức sống, đậm đà hương vị biển. Đó có thể coi là nét riêng, điệu hồn quê hương mà nhà thơ vương vấn suốt đời.


    Cũng chính vì thế mà bức tranh quê trong nỗi nhớ của Tế Hanh không có nét dáng buồn như bức tranh quê của các nhà thơ mới với đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi quán tranh đứng im im hoa xoan tím rụng tơi bời (Anh Thơ), mà là bức tranh quê với đường nét tươi tắn, khỏe khoắn được họa lên từ tình cảm đậm đà, trong sáng của tuổi hoa niên dành cho quê hương mình.


    Nếu không gắn bó, yêu thương quê hương mình bằng tình cảm trong sáng, đằm thắm thì nhà thơ không thể cảm nhận và thể hiện được một cách tài hoa, sinh động những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê trong những câu thơ tươi tắn, nồng nàn như vậy.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  5. Trong văn học, có biết bao bài thơ viết về quê hương, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương. Mỗi nhà thơ khi viết về quê hương đều mang một vẻ đẹp, một tình cảm rất riêng cho mảnh đất thân yêu của mình. Trong số những nhà thơ mà tôi biết, thì Tế Hanh là nhà thơ có cảm xúc dạt dào, tha thiết với đất mẹ quê cha.Vì thế mà ông đã viết nên những vần thơ mãnh liệt như có hồn ca ngợi về miền đất nơi ông đã sinh ra. Đó là bài thơ Quê hương. Bài thơ được viết năm 1939, khi nhà thơ vừa tròn 18 tuổi, đang học trung học tại Huế. Nỗi nhớ làng chai,nhớ quê hương thân yêu ở Bình Dương, Quảng Ngãi đã tỏa rộng và thấm sâu vào bài thơ. Bài thơ man mác nhớ thương vơi đầy.


    Hai câu thơ đầu, tác giả gợi tả về cái “làng tôi”. Thân mật, tự hào, đầy yêu thương..đều thể hiện qua hai tiếng “làng tôi” ấy:


    “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

    Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”


    Quê hương là một làng chài, bốn bề sông nước "bao vây”, một làng nghèo thuộc duyên hải miền Trung "cách biển nửa ngày sông”. Con sông mà nhà thơ nhắc tới là con sông Trà Bồng chảy qua huyện Bình Sơn, phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi.Giọng điệu tâm tình, một cách nói chân quê, dân dã dã vừa cụ thể, vừa trừu tượng nghe mà dịu ngọt.

    Sáu câu thơ tiếp theo là hồi tưởng lại một nét đẹp của quê hương: cảnh làng chài ra khơi đánh cá. Kỉ niệm về quê hương như được lọc qua ánh sáng tâm hồn. Một ánh bình minh đẹp ra khơi có “gió nhẹ”, có “ánh mai hồng”, có những chàng trai cường tráng, khỏe mạnh "bơi thuyền đi đánh cá”. Cảnh đẹp sáng trong, giọng thơ nhẹ nhàng thể hiện khung cảnh và niềm vui của làng chài trong buổi xa khơi:


    Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.


    Tiếp đến, một loạt hình ảnh so sánh, ẩn dụ mới mẻ về con thuyền, mái chèo và cánh buồm.. Tuấn mã là chú ngựa tơ, đẹp, phi nhanh. Ví chiếc thuyền “nhẹ hăng như con tuấn mã”, tác giả đã tạo nên một hình ảnh trẻ, ỏe, trẻ trung, diễn tả khí thế hăng hái, phấn khởi lên đường. Chữ “hăng” dùng rất hay, rất thích đáng, nó liên kết với các từ ngữ “dân trai tráng” và “tuấn mã” hợp thành tính hệ thống, một vẻ đẹp của văn chương. Mái chèo như những lưỡi kiếm khổng lồ chém xuống nước, “phăng” một tiếng đầy mạnh mẽ, đưa con thuyền “vượt trường giang”. Sau hình ảnh chiếc thuyền,mái chèo, là hình ảnh “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” – hình ảnh đẹp biểu trưng cho nét hồn hậu của làng quê chài lưới.”Giương” có nghĩa là căng lên đón gió ra khơi. So sánh “cánh buồm” to như “mảnh hồn làng” là rất hay và đặc sắc. Cánh buồm to biểu tượng cho hình bóng và sức sống Quê hương. Nó là tượng trưng cho sức mạnh, lao động sáng tạo, ước mơ về ấm no hạnh phúc quê nhà. Nó còn tiêu biểu cho chí khí và khát vọng chinh phục biển khơi của đoàn trai tráng đang hừng hực khí thế. Cánh buồm đó mạnh mẽ “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”, tạo nên một hình ảnh thật đẹp, mang đậm cảm hứng lao động và cảm hứng vũ trụ. Cánh buồm được nhân hóa. Ba chữ "rướn thân trắng” gợi tả một cuộc đời trải qua nhiều mưa nắng, gắng sức quyết tâm lên đường. Đây là khổ thơ xuất sắc tả cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá, tự hào ca ngợi sức sống của làng chài thân thương:


    Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

    Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

    Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

    Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…


    Đứa con xa quê có bao giờ quên được cảnh bà con làng chài đón đoàn thuyền đánh cá từ biển khơi trở về. Các từ ngữ: "ồn ào”, "tấp nập” diễn tả niềm vui mừng "đón ghe về”. Niềm vui sướng tràn ngập lòng người, là của “khắp dân làng”. Cảnh "đón ghe về” thực sự là ngày hội lao động của bà con ngư dân:


    Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về


    Cá "tươi ngon thân bạc trắng” đầy khoang thuyền, được mùa cá, vui sướng trong niềm vui ấm no, hạnh phúc, bà con làng chài khẽ thốt lên lời cảm tả đất trời đã cho biển lặng sóng êm, chó "cá đầy ghe”. Sự cầu mong và niềm tin thánh thiện "nhờ ơn trời” ấy đã biểu lộ những tấm lòng mộc mạc, hồn hậu của những con người suốt cuộc đời gắn bó với biển, vui sướng, hoạn nạn cùng với biển. Tế Hanh đã thấu tình Quê hương khi ông viết:


    Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.


    Đọc câu thơ ta như cảm nhận được hồn thơ Tế Hanh mang âm hưởng của ca dao dân ca:


    Ơn trời mưa nắng phải thì

    Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu

    Nhờ trời hạ kế sang đông,

    Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi…


    Tiếp theo mạch cảm xúc, đoạn thơ thứ tư bài thơ nói về bến quê bằng hai nét vẽ trẻ tráng và bình yên. Những chàng trai làng chai có "làn da ngăm rám nắng” khỏe mạnh, can trường, được tôi luyện trong sóng gió đại dương, trong mưa nắng dãi dầu. Họ mang theo hương vị biển. Hai chữ "nồng thở” rất thần tình làm nổi bật nhịp sống lao động hăng say, dũng cảm của những dân chài mang theo tình yêu biển. Hình tượng thơ mang vẻ đẹp lãng mạn:


    Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

    Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

    Hình ảnh những chàng trai vùng biển mang một màu da thật riêng “ngăm rám nắng”, nước biển mặn ngấm vào da thịt người dân chài tạo thành mùi vị riêng trên cơ thể họ – để gợi nên một hình ảnh vô cùng lãng mạn: chàng đánh cá sau chuyến phiêu du trên biển, lúc trở về còn mang theo hương vị nồng nàn của những vùng biển lạ. Cái mùi này chỉ những người yêu quê hương tha thiết, nồng nàn như tác giả Tế Hanh mới có thể cảm nhận được. Chiếc thuyền dường như cũng hòa mình tựa như con người vậy, cũng mệt mỏi sau những ngày dài đi biển, cũng cần phải nghỉ ngơi. Cái chất muối thấm trong thớ vỏ cũng được tác giả cảm nhận bằng cách “nghe”, thật độc đáo!


    Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ:

    Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

    Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!


    Kết thúc bài thơ là nỗi lòng của nhà thơ Tế Hanh, xa nơi mình lớn lên, nơi đã gắn bó cho ông biết bao kỷ niệm của tuổi thơ. Nỗi nhớ ấy khiến ông phải thốt nên lời: Nhớ màu nước biển xanh, nhớ những con cá bạc, nhớ cánh buồm trắng, nhớ con thuyền đang băng băng rẽ sóng ra khơi. Ông còn nhớ cả cái mùi muối mặn của biển quê nhà, thậm chí có những lúc nhớ quê hương mà ông thấy hình ảnh con thuyền ra khơi.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |